Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CHUYỆN CỦA MỘT THỜI

Trần Tâm

    CHUYỆN CỦA MỘT THỜI

         Khi tôi còn nhỏ, thôn Hòn Một to lắm. Chiều dài theo Quốc lộ 18 hơn sáu cây số và rộng từ đỉnh núi xuống chân sóng - nơi đêm ngày nghe biển ầm ào. Gọi Hòn Một là lấy theo tên quả núi đá đứng một mình, riêng rẽ với dãy núi đất núi đá trùng điệp xung quanh. Những năm sau này, xã hội phát triển. Dân đông đặc như riêu cua nổi lềnh bềnh trên bát bánh đa. Môi trường ô nhiễm. Đang lúc bụi tung mù mịt, nghi ngút như người dân quê chọc lò thì tay lãnh đạo tài cao đức trọng mả mẹ nào rước ngay về cái nhà máy xi măng, đứng lù lù, phả khói ngùn ngụt đêm ngày ngay tại Hòn Một. Dân kêu như cha chết.

        Cái thôn to rộng như thế đến ngày giải phóng miền Bắc 1955 (Quê tôi nằm trong vùng Thực dân Pháp rút sau 300 ngày) bị cắt một nửa về xã Thống Nhất mới thành lập. Tôi biết vậy khi đọc hồi ký của ông Lê Đình Năng - một cán bộ hoạt động cách mạng sau về làm Chủ tịch xã Cẩm Bình - chứ mình còn nhỏ biết đầu chuột đuôi bò ra sao. Thời gian sau, khi tôi bắt đầu đi học, nửa thôn lại bị cắt đưa về thôn Rừng Thông xã Tam Hợp. Mấy năm tiếp nữa cho đến khi thành lập hàng loạt xã phường, thôn tôi đã thành xóm, bị cắt thêm đất cho phường Cẩm Trung, Cẩm Thành và Cẩm Tây. Rồi bản thân nó lại bị tách làm hai khu. Một nửa chuyển về xóm khác. Chuyện ấy của các nhà chức trách. Họ thấy cần thì họ tách, thấy có ích thì họ nhập. Lý do chả thiếu gì. Miệng nhà quan có gang có thép lại còn có bao nhiêu thứ tù mù nữa. Kệ họ, dân mình còn bao chuyện động trời nên không mấy quan tâm.

         Sở dĩ phải nói dông dài như thế phòng có cơ may nào đó, được đón các bạn xa đến chơi, tôi không phải giải thích tại sao gọi là Hòn Một mà chẳng thấy hòn nào. Một thằng vẩn vơ ấm ớ bịa đặt khu này có ông lãnh đạo trong cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch bị thiến sót? Sai toét! Thế gian làm gì nhiều Giao Ái thế? Còn một lý do khác, trực tiếp đến người hàng xóm trước. Vì việc chia tách lung tung tí mẹt, xây dựng tùm lum đã khiến tôi không còn nhớ ngôi nhà ấy hôm nay ở chỗ nào, cuộc sống ra sao.

          Bà Vịn là người cùng thôn. Dân cùng thôn coi nhau thân thiết như anh em làng nước nên tôi gọi bà là thím xưng cháu. Khi tôi bắt đầu đi học thì thím đã có ba mặt con. Ông bố chồng phải nói là đẹp lão, râu tóc trắng như cước. Bà mẹ người nhỏ nhắn, da đỏ au đến tận chân tóc. Tóc cũng trắng như hoa lau ven đồi. Nói chung, ông bà đều đẹp, trông như tiên trong những đêm ngủ tôi thường nằm mơ.

          Bà con thì thào ông là tên cướp khét tiếng, đã từng múa dao nhảy trên mái đình rầm rầm, chống trả đồng bọn. Ngót nghét chục năm dao búa, ông dẫn người thiếu phụ trẻ đẹp về thôn, gọi là vợ, tự tay phát đất gieo trồng, áo cơm đùm bọc lấy nhau. Có kẻ thầm thào chính ông đã giết chồng, cướp vợ của người lái thuyền giàu có, buôn xuôi bán ngược. Lão chọc thủng thuyền ngay khi túm lấy người vợ đưa lên bờ vì bà đẹp. Tôi không biết chuyện ấy, chỉ thấy ông bà hiền lành, nho nhã như tiên. Người ta sông có khúc. Đao phủ thành nhà sư trong chuyện cổ đầy rẫy. Mà chuyện cổ nói cho cùng cũng từ chuyện thực mà thêu dệt nên.

          Ông bà có một con trai. Chú ấy tên Kháu nhưng không được hoạt bát. Ngày ngày chú làm tầng, tối tối về nhà. Không đi đâu, không đến chơi nhà ai. Kể cả nhà hàng xóm cũng chả mấy khi thấy chú nếu không gặp việc trọng đại. Chú thường lẳng lặng như cái bóng ngồi nhà nhìn con cái nhốn nháo, lao nhao với đám bạn bè. Thím thì nói năng thoải mái, bô lô ba la không mấy gìn giữ mồm miệng. Bà tôi chê thím lắm. Ai lại bụng để ngoài da như thế. Con đàn bà hư hỏng. Nghe nói thím đã sáu bảy đứa con. Trai có gái có. Mấy tay con trai cứ ba bốn tuổi là thím mang bán lấy tiền tiêu vặt, ăn quà như kẻ khát một tuần mới thấy nước. Trước còn bán gần cho mấy tay người Hoa không con. Người Hoa ngày ấy ở quanh chỗ tôi khá đông. Có bà làm cùng công trường bà tôi kể đẻ tới bảy đứa con toàn gái. Bóp chết hết. Chính tay bà cũng bóp chết hai đứa:

          - Con gái con của người ta. Mất công nuôi khổ sở sau này làm dâu nhà người lại mất của hồi môn!

          Người ta hiếm muộn, mua con trai về, nuôi làm con mình. Vậy nên khi sang nhà, tôi chỉ thấy ba. Thằng lớn bằng tuổi tôi. Hai cô em gái lên năm lên bảy, đen đúa ghét gúa, cởi truồng, da đen sì sì do suốt ngày lê la đất cát.

        Tôi nghĩ chính vì lý do ấy mà đất nước Trung Quốc gặp nạn thiếu nữ thừa nam hàng bao thế hệ. Nhiều cô gái Việt bị mẹ mìn lừa bán sang Trung Quốc làm dâu. Hàng chục năm sau, họ trở lại quê nhà trong nước mắt. Bác Lưu qua hàng chục năm mất tích, về thăm nhà, sang chơi với mẹ tôi kể lể chuyện bị lừa bán. Đang túng bấn, có kẻ đến đưa tiền dẫn đi làm, nghề nghiệp nhẹ nhàng, không vất vả thì ai không thích. Chúng dẫn đến căn nhà lụp xụp, nói dăm câu lạ hoắc với chủ rồi lặn mất tăm. Bác Lưu tiếng không hay người không biết được đưa vào giường mà thành vợ chồng. Gặp tay chồng cũng tốt, thương vợ yêu con nhưng khổ cực lắm. Dành dụm mãi mới có tiền trở lại quê hương. Bác có năm đứa ba trai hai gái.

         - Sao không đưa chúng về chơi?

         - Nó không về! Mà lấy tiền đâu ra? Còn khổ lắm! Cày cuốc từ tinh mơ đến tối đất. Khổ hơn ở đây nhiều!

        Lúc đó, nhà tôi ăn bữa sớm lo bữa tối. Mời bác ở lại xơi cơm, bác không ở, nói bận việc. Một bữa ăn đấy mười bữa ăn đâu. Bác giữ ý. Tình nghĩa còn về lâu về dài.

          Thím Vịn bán con rồi về nhà, cười hơ hớ, khoe với bố mẹ chồng. Chú Kháu lại lếch thếch, năm bảy lượt tìm hỏi, thông báo hoàn cảnh, lấy phải cô vợ ương ương ngang ngang, xin chuộc con về. Sau rồi ở gần không ai mua nữa, thím đi bán xa. Mạng người rẻ lắm! Thím chả coi chồng ra gì. Cái lão ăn không nên đọi nói không nên lời. Có lần, tôi nghe thím trừng mắt kể:

        - Tao là gái đảo. Chúng mày nên biết. Gái đảo còn nhỏ thì hầu bố, lớn lên lấy chồng hầu chồng. Chồng vắng nhà hàng tuần tung lưới vớt cá thì bọn tao tụ tập đánh bạc uống rượu, ngủ với giai. Hơ hớ. Cả bố chồng cũng ngủ với tao. Buồn chán mà. Không cho cũng chẳng được. Già nhưng ông ấy khỏe. Chịu yên đi thì cũng không ai biết, mọi chuyện êm xuôi. Không tin chúng mày cứ hỏi. Thằng Lanh cũng là con ông ấy. Thành ra, tao vừa là vợ vừa là mẹ kế; Nó vừa là con vừa là em lão Kháu. Hơ hơ!

         Chuyện nghiêng trời lật đất mà thím kể như không. May chỉ có chúng tôi và mấy đứa con thím nghe. Tôi học cùng thằng Lanh con thím. Qua những câu chuyện thu nhận được, tôi biết, bà mẹ chính là người phụ nữ có chồng bị cướp giết. Người giết chồng bà trước giờ thành người chồng sau. Dù đẹp đẽ nết na, chăm chỉ nhưng từ khi về thôn, bà không bao giờ cười, sống khép nép, tủi hận một mình, đọa đày cho hết kiếp.

          Sau ngày gác kiếm rửa tay, ông cũng chăm sóc chiều chuộng vợ. Biết vợ buồn nên ông ra đảo đưa một đứa trẻ con mới lên tám về nuôi - là thím Vịn bây giờ - cho bà sớm hôm tâm sự. Tôi không thấy bà nói năng cười đùa bao giờ, lặng lẽ đến ngày về với đất thành tiên.

         Thím Vịn bỏ nhà đi từ khi chúng tôi đang học lớp 6 rồi chiến tranh liên miên. Bom đạn ném xuống quê hương như người ném cát. Trận bom đầu, người chết phải vài trăm. Quan tài chở đến, chúng tôi khiêng xếp xác, thân thể chân tay... đầy là chuyển đi không biết bao nhiêu. Thông tin nói là chết 28 người. Thực tế gấp mười lần. Khá nhiều gia đình bị xóa sổ. Nghe nói, thím đã chết, tôi thật sự cám cảnh.

          Trong cuộc đời lang thang vô định của mình, tôi ngỡ ngàng gặp thím trong đoàn người thập phương hành lễ chùa Trăm gian cách nhà hàng trăm cây số.

         Bị bất ngờ, tôi gọi thật to:

         - Thím Vịn!

         Mọi người sửng sốt nhìn. Tôi còn thấy thím giật mình quay lại. Một thoáng ngạc nhiên hiện rõ trên mặt, thím lặng lẽ bước tiếp.

         Chính vì gặp thím sau thời gian đi biệt tích nghe nói đã chết, tôi về thăm nhà bạn cũ, tìm hỏi mãi mới thấy. Bạn tôi đã thành ông già, lam lũ như người đang sống thế kỷ 15.

                                                                               T.T

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 82
Trong tuần: 1178
Lượt truy cập: 436196
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.