Nguyễn Nhuận Hồng Phương
CHIẾC XE TANG
Ông Chủ tịch Ủy ban thị trấn khoảng trên dưới bốn mươi tuổi. Người tầm thước, da mai mái, tóc chải rẽ ngôi trái, mặt bầu, trán thấp, lông mày thưa, trên mũi có nhiều nốt rân rân đỏ, lấm tấm mọc xung quanh rồi lan xuống hai bên miệng... Nhướn thân hình về phía trước, lướt mắt nhìn các thành viên có mặt trong phòng họp hai tay huơ huơ vào không khí, ông nhấn mạnh từng tiếng: “Tóm lại, nhằm thay đổi bộ mặt đời sống văn hoá của nhân dân, tôi đề nghị các đồng chí về khẩn trương phổ biến Nghị quyết của Đảng ủy và tinh thần cuộc họp này. Làm sao triển khai đến tận từng người dân. Thực hiện tốt kế hoạch góp tiền mua xe tang của thị trấn…
***
Kể cũng lạ, ở cái thị trấn vùng trung du này, không có cái gì giấu được dân. Kế hoạch vừa được ông Chủ tịch triển khai thì chỉ nửa giờ sau khi tan cuộc họp, đã có các cuộc “toạ đàm” không chính thức tại các quầy bia và quán nước trong nội thị. Người đứng tuổi nói: “Đúng quá chứ lỵ! Một thị trấn tầm vóc như vầy mà lại không có cái ô tô đưa tang là kém! Chưa văn minh! Chưa hiện đại!” Mấy ông già về hưu thận trọng hơn: “Từ trước đến nay thị trấn mình vẫn đưa nhau bằng xe tang đẩy tay thì đã sao? Sống với nhau cả đời, đến lúc chết đưa nhau đi một quãng vài ba cây số nhằm nhò gì! Xe ô tô đi vù vù chắc gì đã hay?” Còn mấy cậu choai choai mặt đỏ phừng phừng thì: “Cơ chế thoáng! Mời các cụ lên xe! A lê hấp!”. Các anh phường kèn “tò te tí toét” cũng xe đưa, xe đón; vừa lịch sự, vừa trang trọng lại được tiếng con cháu có hiếu nghĩa (!!!).
Việc tiến hành thu tiền để mua xe tang không ngờ lại rất trôi chảy và thuận tiện. Cán bộ tổ, khu phố không phải vận động nhiều như việc nộp tiền nhân công, không phải nằn nì như khi thu thuế đất, tới hộ nào là hộ ấy nộp ngay, thậm chí có gia đình còn ủng hộ thêm. Các ông chủ như doanh nghiệp Tiến Tân, hiệu vàng Đông Phong, chủ thầu xây dựng Thành Công... đều nhiệt tình tài trợ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Thế mới biết dân ở đâu cũng vậy, thấy việc có nghĩa, có nhân là làm, là tự nguyện đóng góp.
***
Trưởng ban Văn hoá hăm hở báo cáo:
- Thưa Chủ tịch, theo chỉ thị của anh, tính đến hôm nay toàn thị trấn đã thu được sáu mươi nhăm triệu đồng. Đề nghị anh cho ý kiến mua xe ở đâu?
- Có tiền là tốt rồi! Nhưng mua xe ở đâu thì phải bàn bạc, phải xem xét cụ thể. Đây là “tiền đóng gạo góp” của dân nên phải thận trọng. Đồng chí thảo cho tôi giấy mời lãnh đạo thị trấn họp! Nhớ ghi rõ nội dung họp: Bàn về vấn đề tìm mua xe tang.
- Họp vào hôm nào thưa anh? - Trưởng ban Văn hóa rụt rè hỏi.
- Xem nào! Xem nào! Ông Chủ tịch lật lật mấy tờ lịch bàn: - Hôm nay là thứ sáu... mời vào sáng thứ hai! Sau giao ban, khoảng chín giờ thì bắt đầu họp. A... này, qua hành chính bảo Chánh văn phòng lên gặp tôi có việc.
Ông Chủ tịch vươn vai ngả người trên chiếc ghế xoay Xuân Hoà làm bằng i nốc sáng loáng. Thế là xong một việc! Ông nghĩ - Phải hướng tập trung việc mua xe xong vào trước tháng 9 ta. Theo quy luật, vào mùa đông có nhiều người chết hơn. Làm lãnh đạo là phải biết thời cơ để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị lại vừa tạo ra vốn để duy trì cho xe hoạt động... Có tiếng gõ cửa làm đứt luồng suy nghĩ, ông nhỏm đậy: “Mời vào”.
Chánh văn phòng Ủy ban bước vào, thân hình nhỏ nhắn, dáng thư sinh, da bợt bạt như bị cớm nắng, mặt dài, má hóp, mắt đeo kính American đổi mầu, lông mày sâu róm, mũi hếch, cái miệng lúc nào cũng cười cười như được cố tình nặn ra trên đôi môi thâm nhợt vì bia rượu.
- Sếp cho gọi em ạ?
- Cậu ngồi xuống! Tôi gọi cậu lên cùng bàn bạc về vấn đề mua xe tang. Tôi định triệu tập cuộc họp vào sáng thứ hai tuần tới, cậu thấy thế nào?
- Dạ... Chánh văn phòng ngập ngừng.
Thấy vậy ông chủ tịch nói:
- Cậu cứ mạnh dạn trình bày. Không phải úp mở gì cả!
- Dạ... Chánh văn phòng đắn đo - Em nói nếu chỗ nào chưa đúng xin sếp đại xá. Tại sao lại phải tổ chức họp ạ? Em tưởng có Nghị quyết của Đảng ủy và biên bản tinh thần hôm trước rồi ạ?
- Mình ngại vi phạm tính dân chủ, sai nguyên tắc. Nếu không công khai dễ dẫn đến hiểu lầm...
- Sao lại hiểu lầm ạ? Sếp chẳng đã công khai trước cuộc họp toàn cán bộ của thị trấn đó sao? Theo em, không cần họp nữa! Cứ dựa vào hai Nghị quyết ấy mà thực hiện, bàn nhiều em e...
- Ý kiến của cậu cũng có lý, để tôi suy nghĩ thêm một chút rồi sẽ quyết định. Tối hôm nay, cậu đến nhà tôi, ta bàn bạc cụ thể! Làm sao cho kín nhẽ.
- Dạ... em hiểu, sau chương trình Thời sự em sẽ sang hầu sếp. Khi Chánh văn phòng ra tới cửa, ông Chủ tịch dặn: “Cậu nói với Trưởng ban Văn hoá thôi không cần thảo giấy mời nữa!”
Sau một tợp bia, Thanh hất hàm: “Ông phải cố gắng bằng được! Cú này hơi hay đấy! Không bẫm, nhưng dễ nuốt, không vấp điều kiện pháp lý! Tiền của dân chi không cần “ba lem”. Ông vòng trong, việc của ông thế nào ông biết rồi đấy! Nhưng chỗ bạn bè tôi nói thật, đừng tham, dễ hỏng việc! Phải nghĩ dài lâu; tiếng là thị trấn, nhưng khéo léo, bổng lộc còn hơn cả huyện đấy! Lát nữa đi, tôi tạm ứng cho chai “Bônnapac” mà làm quà, lựa nói làm sao để ông ta hiểu: Xong việc sẽ có “kết” hậu. Vòng ngoài, tôi chịu trách nhiệm, phần mua bán với chủ xe như thế nào là do tôi! Ông chỉ cần đưa bộ sậu của Ủy ban xuống xem xe là được. Tôi sẽ cho “đi tàu bay” hết!
Chánh văn phòng, mắt nhờ nhờ, mặt xám xạm: “Yên tâm! Yên tâm! Đây có thâm niên “phò” mấy đời Chủ tịch rồi, kinh nghiệm đầy mình! Thôi! Cứ thế nhé! Bái bai...”
Thanh nhấc cốc bia lên nhưng không uống mà vê vê trong lòng bàn tay, hơi lạnh thấm vào da mát rượi. Thanh nguyên làm nghề lái xe, thỉnh thoảng đá gà đá vịt buôn bán ô tô; gọi là buôn nhưng thực tế là Thanh không bao giờ bỏ vốn. Cứ thấy cơ quan hay cá nhân nào có nhu cầu nâng đời hay đổi chác xe là Thanh tìm đến tìm cách xin tư vấn hoặc làm môi giới. Thanh có biệt tài nhìn xe chạy qua đã có thể nói đó là loại xe đời nào, sản xuất ở đâu, tình trạng kỹ thuật tốt, xấu, rồi giá cả bao nhiêu: Thanh nắm vững từng đầu xe, đọc vanh vách số biển kiểm soát, mua ngày nào, mua ở đâu, xe ấy của cơ quan hay cá nhân nào trong huyện... Chính vì vậy chiều nay, Chánh văn phòng Ủy ban thị trấn đến nhờ Thanh làm tư vấn tìm hộ xe. Nghe xong, Thanh hỏi: “Cơ quan ông có bao nhiêu “đạn”? Định chơi “xịn” hay chơi “tàu tàu”? Không thiếu! Nhưng miễn có “xiền”. Khi đã biết cơ số tiền và ý định của Ủy ban. Thanh cười: “Rồi! Có rồi - Một “em” TOYOTA hẳn hoi! Phải cái “em” hơi già, đời bảy tám, nhưng còn nền nã, ngon nghẻ... Mà Ủy ban chạy gì mấy? Có kinh doanh đâu mà ngại?” Nghe Thanh nói mà người ta cứ tưởng Thanh đang tả nhan sắc của một người đàn bà…
***
Đến xem ô tô có đầy đủ các thành phần: Ông Chủ tịch, Ông Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Mặt trận, Trưởng ban tài chính... cùng các thành phần trong Ủy ban. “Phải để các đồng chí tham gia ý kiến! Tránh trường hợp cho rằng lãnh đạo áp đặt, thiếu dân chủ” - Đấy là lý do ông Chủ tịch nói với mọi người khi tập trung đi xem xe.
Đón khách, Thanh gọn gàng trong bộ quần áo ký giả, đầu đội mũ le màu xanh dán chữ TOYOTA trắng lốp, khuôn mặt hồng hào vì hai chén rượu buổi sáng cùng với bát phở tái nạm, cổ tay đeo chiếc đồng hồ mạ vàng sáng choé, thũng thẵng bên hông một chiếc “di động” mác Samsung. Thanh chìa bao thuốc lá Manbơrô nói: “Mời các sếp hút thuốc, xong rồi ta xem xe. Các sếp cứ “vô tư”, nhìn tận mắt sờ tận tay, có gì các sếp cứ phát biểu! Tiền nào của nấy! Giá Ủy ban có đủ tiền em sẽ chỉ cho con xe Huynh Đai “bom” nhập cảng là chấm hết! Cứ gọi là “kính coong”, miễn chê...”. Thấy vậy Chánh văn phòng Ủy ban ngắt lời: “Thôi, thuốc nước gì thì để chốc nữa! Cho xe ra để chúng tôi kiểm định!” - Dạ! - Thanh xoa xoa tay rồi hất hàm bảo lái xe: “Đánh” xe ra để các sếp kiểm tra!
Chiếc xe nhãn hiệu TOYOTA 12 chỗ ngồi sơn màu trắng sữa. Bộ ghế được bọc vải nhựa màu sáng, các tay vịn lâu ngày đã tróc mạ rỉ loang lổ... Thấy ông Chủ tịch nhìn vào tay ghế, Thanh nói: “Sếp tính! Cơ chế thị trường, xe chạy “trên tầng cây số” tối ngày, tối đêm, không còn kịp sơn xi lại. Nhưng thế này các sếp mới biết được nước thép của nó vẫn còn tốt, còn “olorin”. Cần thiết, “phết” qua một nước sơn là cứ bóng lừ...”. Chánh văn phòng tham gia: “Cũng phải tiền đấy ông ạ! Mà như thế này là chúng tôi còn phải "cải tiến” nhiều mới thành xe tang được!”. Dạ! có gì mà nhiều ạ? Lúc có đám, tháo ghế lấy chỗ đặt quan tài. Cần đi công tác, lắp ghế vào lại là xe l2 chỗ! Lịch sự, tiện lợi, đúng yêu cầu”. Ông Chủ tịch mặt trận lắc lắc cái cửa: “Sao cánh cửa lại lung lay thế này?”. Thanh vê vê đầu mẩu thuốc lá: “Thay cái gioăng lại im phăng phắc ấy mà. Bác yên tâm! Khi bàn giao em tặng các sếp một bộ gioăng Tây dự phòng, khi nào thấy “rão”, thay!”. Thanh nói cứ như là cái xe đã được ngã giá xong xuôi rồi.
Ngó nghiêng một lúc, ông Phó chủ tịch bảo: “Ăn nhau là bộ máy, anh cho chúng tôi đi thử xem máy kêu có êm không?”. “Dạ, mời các sếp lên xe!”. Thanh nói, rồi nhắc lái xe: “Chạy cẩn thận, toàn các sếp cả đấy! An toàn là chính! Ra Quốc lộ, chạy đến đường rẽ sân bay thì quay lại, khi về đi một vòng quanh đường thị trấn, rồi chạy thẳng sang nhà hàng “bẩy món”
Xe ra đến đường Quốc lộ, đứng chân trên, chân dưới ở bậc lên xuống, quay lại phía mọi người, Thanh nói như giảng bài ở lớp đào tạo nghề: “Sử dụng xe Nhật là cả một nghệ thuật! Khi mới nổ không được ga to, dễ bị lột biên. Cầm vào tay lái như nắm tay người phụ nữ mình yêu quí... chân ga, chân côn, tay số nhịp nhàng uyển chuyển. Nhìn ai lái đi được một đoạn là tôi biết ngay người đó tay nghề giỏi hay kém...”
Bỗng có tiếng ỏn ẻn của Trưởng ban phụ nữ:
- Cái gì kêu “cục, cục” dưới gầm hả anh?
- Cái rootuyn tay lái! Mang xuống xưởng bơm một tí mỡ là hết kêu ngay.
Ông Chủ tịch Hội đồng nhân dân:
- Sao cái trần lại bị rách thế này?
- Quần áo mặc mãi còn rách nữa là... căng thêm một lượt nữa là “đẹp giai” ngay! Nhưng dán làm quái gì? Xe chở người chết, lột đi rồi quét một nước sơn màu là ổn nhất!
Tiếng Trưởng ban văn hoá:
- Điều hoà hơi nóng!
- Thiếu ga! Một trăm nghìn bơm “bổ sung” là lại “tít” như “khách sạn năm sao”
Ông Chủ tịch nghiêng nghiêng đầu:
- Máy hơi kêu?
- Dạ! Em sẽ cho thợ rà lại “dàn cò” là êm de...
Trưởng ban phụ nữ ỏn ẻn:
- “Cò” là gì hở anh?
- “Cò” - Thanh giảng giải: Nói theo tiếng Tây là “qui bi tơ”, gọi theo sách kỹ thuật được dịch từ tiếng “Tầu” là súp páp. Nó mổ mổ giống như mỏ con cò nên gọi là “cò”
***
Đúng như sự tính toán của ông Chủ tịch, mới chớm vào rét đã có một cụ già bẩy mươi tuổi qua đời. Đây cũng là chuyến “mở hàng” đầu tiên kể từ hôm Ban quản tang nhận xe về. Khi xe tang đi qua các phố, ai cũng ra ngó. Người ta không chú ý đến xem ai chết, mà tò mò nhìn xem sản phẩm trong đó có cả tiền của mình đã góp vào. Đi đầu đoàn vẫn là các vãi cầm cờ phướn nhà Phật, tiếp tới là chiếc trống cái được đặt trên một chiếc xe đạp có người dắt và do nhân viên Ban quản tang phụ trách. Đi sau là đội kèn thuê ở làng Bảo Đức. Xe ô tô được treo xung quanh hoa tang tới tận nóc. Cánh cửa phía sau và ghế được tháo ra lấy chỗ để quan tài, xung quanh dăm, sáu người, mặc áo xô, trùm khăn tang đang ngồi khóc. Còn lại họ hàng và quan khách đưa tiễn dắt xe máy, xe đạp đi đằng sau.
Bỗng một làn hơi trắng toát từ đầu ca bin xe bốc lên bay mù mịt, rối chiếc xe tang đứng khựng lại. Tiếng khóc bỗng nhiên ngừng bặt. Mọi người ngơ ngơ ngác ngác nhìn nhau chưa hiểu tai sao xe bị dừng thì một bà béo đi đằng sau ngước đôi mắt hùm hụp hỏi: “Đã tới chỗ nghỉ đâu mà dừng?” Phía đằng trước có mấy ông thổi kèn và đánh trống không biết xe bị chết máy nên cứ đi theo các cụ vãi cầm cờ, mãi có người chạy lên bảo mới biết dừng lại.
Thấy lạ, mọi người ở phố đổ xô đến xung quanh chiếc xe tang để xem xem xảy ra sự cố gì? Vừa lúc ấy, anh lái xe nhẩy từ buồng lái xuống, mặt mũi nhem nhuốc dầu mỡ, mồ hôi chảy ròng ròng... Anh hổn hà hổn hển: “Xe chạy chậm bị sôi nước “thổi gioăng qui lát” rồi, không đi được nữa đâu...” Tiếng khóc của gia đình tang chủ bỗng ré lên át cả tiếng người lái xe. Ông chủ tang ngồi tận trong cùng không hiểu đầu đuôi ra sao, cố nói bằng cái giọng khản đặc: “Im đã nào! Để xem binh tình thế nào?” Nghe vậy, những người chịu tang cố nín, chỉ còn nghe tiếng thổn thức, nức nở, nghẹn ngào... Anh nhân viên Ban quản tang rẽ đám đông đi vào: “Nào! Mời các vị dẹp ra để tôi nói chuyện với gia đình”. Khi tới chỗ ông chủ tang anh nói: “Tình hình bây giờ là xe chết máy, không đi được nữa! Tôi đang thuê người xuống lấy xe tang đẩy tay mang lên để chuyển quan tài sang, mong gia đình...” Anh nói chưa dứt lời thì mọi người thân trong gia đình của người chết như bị sụp xuống. Tiếng gào... tiếng hờ... tiếng than khóc... có người còn lăn lộn ra giữa đường, cảnh tượng thật não lòng. Bỗng có tiếng gào rất to của một người phụ nữ: “Ối bố ơi! Đến chết mà bố vẫn chưa được yên... Ối bố ơi... là bố ơi...”. Nhiều người đang xem thấy vậy, quay mặt đi lấy tay áo chấm nước mắt…
***
Tôi được nghe kể, sau khi chuyển quan tài người quá cố sang xe tang đẩy tay, chiếc ô tô được kéo về để ở sân Ủy ban. Sau khi bàn bạc người ta chi ra một số tiền nữa để sửa chữa. Nhưng chiếc xe cũng chỉ chạy được vài ba chuyến nữa thì hỏng hẳn. Tôi còn được nhân viên Ban quản tang kể: Cách đây mấy hôm, có người ở trên khu gang thép Thái Nguyên về hỏi mua để đem về tháo ra làm sắt vụn. Nhưng Ủy ban không bán. Ông Chủ tịch nói rằng, đấy là xe mua bằng tiền của dân thì phải hỏi ý kiến dân đã (!)
N.N.H.P