Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

BỐ VỢ

Lê Vạn Quỳnh

 

BỐ VỢ                                       

 

  1.   Làng Troong quê tôi rẻo đất nửa đồng nửa bể sát phía tây bờ sông Rào, tục làng gọi người đẻ ra mình là thày mẹ còn bên vợ thì gọi là ba mẹ. Tối hôm đầu tiên lên thăm nhà mẹ vợ tương lai, lúc mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ, luộc xong ngô sáng cho bọn trẻ, bà đã trao tôi cái que cắm bắp ngô còn nóng nguyên và khẽ khàng: “Gái lớn thì phải lấy chồng, nó học hành ra dáng, chúng tôi chẳng muốn con lấy chồng xa”. Lúc đó tôi chỉ còn biết nhìn vào những hòn than đang cháy âm ỉ.

         Lại nhớ ngày cận tết năm đó, ông chú tôi lên Phố Cát vừa để thăm nhà lại vừa ngỏ ý xin ông bà cho phép hai gia đình đi lại. Buổi sáng, hai đứa mua sắm vài thứ gọi là quà miền xuôi, chiều mới đèo nhau trên cái xe đạp Liên Xô vừa mới hạ khung cho dễ đi, còn ông chú thì lại khó nhọc trên cái xe cọc cạch xăm lốp vừa mới được thay mới. Lúc thấy khách, bà đoán ra chuyện nên lặng lẽ dưới bếp còn bọn trẻ loăng quăng ngoài vườn. Một người đàn ông dáng cao, đôi mắt sáng ra tận đầu ngõ tươi cười: “Tết về muộn, tôi biết kiểu chi cũng có chuyện!”. Nói rồi, ông giúp chú tôi đặt cái pê đan (bàn đạp) xọc xạch tựa vào bờ sân để xe có thể đứng vững. Thấy tôi như thừa tay thừa chân, ông bảo, anh xuống nhà dưới chơi với các em, rồi tự tay ông kéo ghế, pha trà mời khách. Người đàn ông có đôi mắt luôn ánh lên nụ cười gần gũi và khoan dung đó chính là ba tôi.

      Ba tôi là người gốc quê Nghệ An nhưng lại được sinh ra khi cha mẹ cùng mấy anh mấy bác dòng họ Vũ chạy loạn trên đất Thái. Nói tới vùng đất và người Nghệ, ta nghĩ ngay tới cái ngằn ngặt khô nóng của miền đất còn con người thì dũng cảm tới liều lĩnh, tằn tiện tới “cá gỗ”. Về điểm này, tôi không thấy ba giống vài người Nghệ mà tôi đã gặp nhưng ba lại khá giống nhiều người Nghệ khác ở chí xông pha và phong thái điềm tĩnh ngay cả khi ngoại cảnh đầy bấn loạn. Đúng như ai đó đã khái quát trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội, có một miền quê trong đi đứng nói cười. Cái nguồn cội, cái miền quê của mỗi cá nhân không ngờ lại mong manh mà vững chãi đến vậy.

 

  1.   Cuộc đời kể cũng lạ, có cái được coi là hoành tráng là vĩnh hằng thì nhanh chóng bị vùi lấp còn nhiều thứ bị xem như nhỏ nhoi thô vụng đôi khi lại trở thành bảo vật của cả một kiếp người. Nó mỏng mảnh và xinh xẻo như vết của thời gian.bovo2

         Cữ ấy vào cuối tháng hai ta. Chỉ vài ngày nữa đám cưới của chúng tôi sẽ được tổ chức tại cơ quan, phong tục ở quê, nhà gái tiếp khách đến chia vui không xen kẽ bằng tiệc trà như bây giờ mà cỗ bàn hẳn hoi. Mâm cỗ luôn được bày sẵn, khách đến là bưng ra ngay. Nhà ông bà, tường gạch, mái lợp ngói ta, sân giáp với vườn cạnh ao cá ngay tại cổng ngõ. Một thân đất khá rộng, phía tây giáp với sân vận động của mấy thôn quanh ngã tư Phố Cát. Khi hai đứa về đến nhà giúp ba mẹ thì trên sân đã mê man những gạo nếp, đậu ngâm, thịt mông xấn ra thành những dọc dài, rồi lá dong rồi lạt buộc bằng tre giang được các mợ lách mỏng. Có việc, nhà cứ như mở hội. Khó nhọc hơn cả là việc kê nồi nấu bánh chưng. Cái thùng quân dụng mượn của bộ đội biên phòng, một lần nấu được vài đấu gạo nếp, nhưng nặng dễ sập lò vì bê lên bê xuống ngày ba bốn bận. Rồi củi cành, thứ đã khô nục, cái mới nhùng nhục được tới tấp ném vào. Lửa và than cứ thế theo nhau cháy rần rật. Thấy tôi vụng về, tay cầm cái này, chân đụng cái kia, động thái chỗ thiếu chỗ thừa, ba trao tôi bộ ấm pha trà, rồi cười nói: “Anh pha nước mời mọi người, việc bánh trái, đặt gạo, bỏ nhân, lạt buộc sao gọn ghẽ, ba cũng dốt như anh thôi ”. Hồi sau ba nhích ghế, kéo vai tôi ngồi cạnh rồi thủng thẳng: “Con nhìn kĩ vào mà học, năm sau biết làm cũng không có gì là muộn”. Người đời thường nói, rể là khách của gia đình nhà vợ, còn riêng tôi thì nói gì được nữa, bởi những lần như thế lại được bố vợ cho làm đồng minh. 

       Một ngày đầu hè của hơn ba mươi năm trước, dù biết chúng tôi đang bận dạy thi cuối học kì, ba mẹ vẫn nhắn qua một người bà con, vợ chồng tranh thủ chủ nhật này về. Dạy trường tỉnh nhưng nhà tôi khi đó chỉ có hai xe đạp, một chiếc mua hồi mới lấy nhau, và một chiếc chỉ còn trơ lại cái khung ngoại màu đỏ, phụ tùng của Điện cơ quốc phòng. Chập tối, vợ chồng con cái mới đèo nhau về tới nhà, ba ra đón tận đầu ngõ, ông cười lớn: “Em nó về được vài ngày rồi. Vui chỉ thiếu mổ bò nữa thôi, con ạ!”. Tôi biết ba mẹ luôn đau đáu về người con thứ tư đang sống ở hải ngoại, một nước xưa được gọi là đế quốc hẳn hoi. Em về nước có hộ chiếu cầm tay lại được anh em tặng hoa tận sân bay thì còn gì bằng. Khi tôi mới làm rể ông bà, em cũng vừa lấy chồng, một chàng trai gốc Hoa. Có bận tối khuya, cùng mẹ nhặt những hạt thóc còn sót trong sàng gạo, bà nói về em: “Nó cầm tinh con khỉ chẳng sướng đâu con ạ!”. Tôi nhìn mẹ ái ngại và động viên: Em nó làm cô giáo vùng cao, nhà nước ưu ái hơn giáo viên miền xuôi mà mẹ. Bà nói nhẹ nhưng rành rõ: Không! Con ơi, nó cầm tinh con khỉ, nơi này đứng chưa trọn thì lại thoắt sang chỗ kia. Nghĩ cho người nhiều mà lại ít thương đến thân mình thì sướng khổ liền nhau đó thôi. Sau ngày cưới ít lâu, em theo chồng sang Quảng Tây, lưu lạc ở Hồng Kông vài năm và cuối cùng định cư tại Anh quốc.

    Tờ Mỹ kim màu xanh thì đã rõ còn đồng bảng Anh ánh lên cái vân đỏ in ảnh Nữ hoàng Anh đeo kiềng vàng, có đôi khuyên rõ to, tôi mới thấy lần đầu. Số tiền em mang từ Anh quốc về lần đó, em giao hết cho ba mẹ; nó không nhiều như tiền cỡ đại gia tiểu gia ở ta thời nay - bên Tây số đó chỉ tương đương mươi tháng lương thợ làm nail (sơn sửa móng tay) bây giờ - còn lúc ấy tiền đó có thể mua được dăm căn nhà mặt phố Hà Nội. Nguyện vọng của em muốn làm mới ngôi nhà ba mẹ đang ở, và chút ít làm quà cho anh chị em cùng các cháu. Khốn một nỗi, ngọai tệ thời ấy bị coi là hàng cấm. Thầy dạy tôi ở đại học sư phạm, Giáo sư Đặng Trần Phách, được một trường danh tiếng ở Madagatsca tận châu Phi mời thỉnh giảng bằng tiếng Pháp môn hoá học. Tiền công của Giáo sư được nước sở tại trả bằng ngoại tệ. Một lần, thăm thầy tại căn phòng gần đê sông Hồng, thầy buồn buồn kể, tiền thù lao họ trả cho mình cũng kha khá, khi về nước lại không thể dùng trực tiếp mua sắm mà chỉ có thể mua phân đạm, vải mặc, cốc chén, xăm lốp, thóc gạo...; và để có tiền đồng Việt Nam cho việc chi tiêu thì người nhà phải bán lại các hàng đó cho cửa hàng của nhà nước. Số tiền em tôi mang về cũng chung cảnh đó; vậy nên các con ba phải cùng nhau nghĩ cách để làm sao có thể tiêu được hết số ngoại tệ trên. Tối khuya, lúc khách đã ra về, ba bảo tôi pha ấm trà rồi tự tay ba rót mỗi đứa một chén, ba nói với con gái mới ở xa về cũng như tất cả chúng tôi: “Tiền này con biếu ba mẹ để làm nhà mới, giờ ba mẹ giữ cũng như con giữ, ở ta hiện tại sử dụng ngoại tệ khó khăn, có khi đụng phải luật pháp thì khổ, hay là ta mua sắm vài thứ vật dụng cốt yếu cho gia đình, số còn lại con mang về bên đó tiêu pha cho dễ, sau này điều kiện cho phép ta lại chi lại tiêu có phải hơn không. Mọi người im lặng. Ba đứng dậy thẳng thắn nói luôn: Thôi không phải ngẩm ngợi nữa, ba mẹ bàn nhau rồi, ta nghỉ cho khoẻ thôi con ạ!. Không dám nói ra nhưng các con ba chẳng ai muốn thế. Quây quấn bên nhau được vài ngày, không dám xin phép ba mẹ, mấy cậu em lúc Hải Phòng, khi Quảng Ninh tìm mua hàng bãi như tủ lạnh máy giặt, xe cúp k3, k4 của Nhật rồi cát xét quạt cây của Tàu, xà phòng mỹ phẩm của Thái; thứ để lại dùng, cái đem bán thu về tiền đồng Việt Nam. Sau vụ này, với bao công sức cùng tính toán của các em đã dồn lại cho ba mẹ một món tiền kha khá.

 

  1. Ba và tôi lên tàu từ Thanh Hoá đi Hà Nội rồi sau đó chuyển ga đổi chuyến để đích đến cuối cùng là ga Phú Thọ. Đó là lần tôi cùng ba thăm anh chị Lê. Tàu khởi hành từ Hà Nội lúc ba giờ sáng nên ít khách. Hai ba con ngồi đối diện qua một cái bàn gỗ nhỏ cạnh cửa sổ. Mùa hạ chưa sang mà không khí như đã bị rang lên. Biết ba ưa trà và hay dùng thuốc lá, tôi đã thủ sẵn vài ấm trà Thái, một gói thuốc lá Du lịch. Ấm chén, phích nước nhờ mấy nhân viên phục vụ trên tàu. Miền trung du Bắc Bộ tôi mới qua lần đầu nên thấy náo nức. Thỉnh thoảng nhìn ba, hình như tôi thấy ông đang ngẩm ngợi điều gì. Thảng thốt và lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Trời sáng dần, nắng đã bắt đầu thốc lên. Còn hai ga nữa mới tới nơi thì tàu tạm dừng, có lẽ nó tránh tàu hàng ngược về. Những mặt người trẻ có già có, nhếch nhác đen đúa và cả rạng ngời hiện ra qua khung cửa. Nhà ga thì bé, nhưng sân ga lại rộng và được che mát bởi những cây bàng dáng cao to vỏ cây xù xì, tán lá hình mâm xôi. Bỗng nhiên, tôi thấy ba đứng bật dậy rồi nhao ra bậu cửa định xuống tàu. Vội chạy theo ba, tôi nói trong hơi thở gấp: Tàu chưa đến nơi mà ba! Ngay chỗ bậc lên xuống của toa tàu, một bé gái gầy nhẳng, đen đúa, hai lọn tóc xõe ra. Một tay bé xách ấm nhôm vòi đậy bằng cái cốc nhựa, tay kia nâng cốc nước vối, đôi mắt luôn ánh lên mong mỏi. Ba nhìn lặng, vuốt vuốt đám tóc hoe của cháu gái và nói “Con cái nhà ai mà ngoan thế!”. Đang định nói thêm điều gì thì còi tàu báo hiệu chuyển bánh. Ba vuốt tóc bé lần nữa và lùi lại chỗ ngồi, giọng như lạc đi: “Cháu nó giống cái Thương con nhà Lê”. Thì ra, lúc tôi đang miên man cảm thức về rừng cọ đồi chè, về con người và cảnh trí nơi đây, lại là khi ba đau đáu số phận của đứa cháu ngoại. Có lẽ giờ này Thương, con thứ ba của anh chị Lê đang bán nước ở ga tàu hay rửa bát thuê cho một quán ăn gần đó. Dáng nó gầy nhẳng, hai lọn tóc xoẽ ra trên gương mặt có đôi mắt đen ám ảnh. Có lẽ anh chị không muốn cảm phiền nên giấu ba mẹ chuyện cháu Thương bán nước đêm ở sân ga.

     Mặc dù đã được ba kể đôi nét về hoàn cảnh anh chị Lê nhưng phải khi tôi trực tiếp tới thăm anh chị thì mới thấy nó đặc biệt thế nào. Bố mẹ chồng chị Lê ngoài anh Quý chồng chị còn thêm một người con trai nữa đã có vợ con cùng gái lớn đã lấy chồng xa. Gia cảnh chị Lê còn đặc biệt hơn nữa, chồng và hai con lớn đau yếu, cháu Thương lúc ấy lại quá bé đã phải cùng cha mẹ mưu sinh. Ba gia đình nhỏ gộp trong một gia đình lớn cả thảy mười hai nhân khẩu tá túc trong một căn nhà lợp lá cọ, vách trước đan bằng tre ngoài trát hồ vôi đã ố vàng; vòi nước giếng khoan phía trước nhà, còn hố tiêu thì tận cuối thẻo đất lổn nhổn gạch đá. Bề mặt căn nhà rộng sáu mét rưỡi. Tôi được biết ông bà có ý định bổ dọc ngôi nhà, vợ chồng chị và các cháu sử dụng phần có bề ngang chừng hai mét rưỡi. Lần này ba tôi lên muốn nói chuyện với ông bà thông gia cho phép anh chị Lê ngăn phần nhà được chia làm nhiều phòng nhỏ và tạo thêm một tấm bê tông để đặt cái bếp đun bằng dầu hoả thay cho bếp dùng than tổ ong. Việc này giúp anh chị cùng bốn cháu có chỗ sinh hoạt tạm coi là tối thiểu của một gia đình

     Sau đó ba ở lại lâu hơn còn tôi phải về cho kịp giờ dạy vào sáng thứ hai.  

     Lúc tôi chia tay mọi người để về lại Thanh, ba tiễn tôi ra tận đầu ngõ. Rồi bất ngờ ông mở cặp đựng tư trang tôi đang đeo bên hông và đặt vào đó một gói có bọc giấy, bên ngoài còn thêm một lần nylon. Ba kéo khóa cặp đựng bọc giấy rồi dặn tôi: “Đây là tiền của em định dùng xây nhà cho ba mẹ nhưng xét thấy các con sắp làm nhà, nên ba mẹ hỗ trợ, nhớ dành giữ, tiêu pha hợp lí để khỏi vay mượn bạn bè, con nhé!”. Thấy tôi đứng lặng trong đêm, ba động viên: Không phải chỉ vợ chồng con, con cái trong nhà ai cũng như thế, chỉ đứa nào khó khăn thì được nhiều hơn một chút. Ba mẹ hỗ trợ một phần, cái chính yếu lo cuộc sống phải thuộc về các con. Nói rồi, ba giục tôi nhanh lên kẻo lỡ tàu.

 

  1. Chuyến tàu Phú Thọ xuôi Hà Nội đang hối hả. Độ hơn nửa giờ thì tạm dừng. Lại tránh tàu. Lại cũng chính cái ga có  những cây bàng dáng cao to vỏ cây xù xì, tán lá hình mâm xôi cùng hình ảnh bé gái bán nước chè vối. Tôi nhớ dáng cháu gầy nhẳng, hai lọn tóc xoẽ ra, một tay cháu xách ấm nhôm vòi đậy bằng cái cốc nhựa, tay kia nâng cốc nước, đôi mắt đen luôn ánh lên mong mỏi. Mà hình như cháu đang cạnh ba tôi. Cái dáng cao khoẻ của ông cúi khụy xuống, bàn tay cứng cáp của ông bỗng trở nên mềm yếu khẽ khàng vén nhẹ những sợi tóc bết trên trán và má cháu. Đôi mắt vốn ánh ngời dường như đang bị trũng xuống. Và hình như cả anh Quý chồng chị Lê nữa cũng vừa nhao đến bằng chiếc xe đạp tàng. Anh dùng chân dép để hãm bánh xe, một tay đẩy xe dựa vào gốc cây, tay còn lại lấp loáng chiếc đèn pin. Anh đi tìm con bé. Vốn là một thương binh sau này gắn bó với nghề rừng, chất độc của bom đạn, của lá rừng gây cho anh căn bệnh hiểm nghèo. Bà xã tôi thường kể về anh, và hay đùa khéo tôi nên noi anh ở sự trợ giúp tỉ mỉ đối với chị Lê trong công việc thường ngày.

    Tàu dừng chưa đến mươi phút lại từ từ chuyển bánh.

    Lúc này đêm đã sang khuya. Ba tôi giờ chắc còn thao thức. Việc cải tạo chắp vá một căn nhà khó hơn nhiều so với xây mới. Trên bàn cạnh chỗ ba nằm có tệp giấy trắng tinh, cây thước kẻ, chiếc bút chì và cặp kính lão. Nhưng chắc chắn ba tôi chưa vội dùng chúng. Những vết hằn trên trán ba như mỗi lúc thêm trũng xuống. Chiều mai thợ xây từ Thanh ra tận Phú Thọ để sửa nhà cho anh chị Lê. Nghề thợ của ba tôi cùng kinh nghiệm một thời làm "anh giáo" dạy chữ quốc ngữ cho trẻ con Việt kiều trên đất Thái sẽ giúp ông nhiều trong việc chỉ bảo và chăm chút thợ thuyền.

    Người đời thường hay nói chắc, bố vợ quý con rể để mong con rể thương con gái mình, riêng tôi và anh Quý chồng chị Lê, điều ấy chỉ đúng chưa đến nửa phần.

 

                                                                                    L.V.Q

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 74
Trong tuần: 1176
Lượt truy cập: 436188
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.