Nguyễn Viết Lệ
BÀN GIÁNG HƯƠNG Chiều đã xuống, cả vùng rừng núi chuyển sang màu xanh sẫm. Một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, tay xách chiếc cặp da căng phồng đi ngược theo con đường về bản Sinh Tàn. Người ấy đi được một quãng lại đứng ngắm nhìn xung quanh, chừng như tìm kiếm thứ gì...
Cho tới lúc trời chạng vạng, chim rừng lao xao gọi nhau về tổ. Người đàn ông dừng lại, miệng lẩm bẩm: “Đây rồi! Đúng đây rồi. Nhưng sao khác lạ quá! Ừ, mà phải thôi. Đã gần hai chục năm rồi còn gì…”.
Ngay đầu bản, một ngôi nhà làm theo kiểu nửa sàn nửa đất, cột gỗ xẻ vuông, mái lợp lá cọ trông thật sáng sủa vững chắc. Người ấy rẽ vào cổng rồi lên tiếng: “Gia đình có ai ở nhà không?”. Hỏi đến lần thứ hai thì một bé trai chạy ra, em mặc bộ quần áo màu chàm rộng quá khổ. Em nhìn khách bằng đôi mắt tròn ngơ ngác! Người khách nói: “Này bé ơi! Bố mế có ai ở nhà không?”. “Không! Đi nương chưa về”. “Cho chú nghỉ nhờ một lúc được chứ?”. “Được đấy!”. Em bé trả lời cụt lủn rồi quay ngoắt vào trong nhà.
Khoảng mười lăm phút sau, vợ chồng nhà chủ về. Ông chồng tóc đã bạc, trên vai vác cuốc và dao phát, còn bà vợ đeo sau lưng chiếc gùi đựng đầy rau, những chiếc ngồng cải hoa vàng cứ nhảy múa theo chiều gió. Khách vội đứng dậy:
- Em chào hai bác!
Sau vài giây sững sờ, ông chủ đáp:
- Xin chào! Là cán bộ dưới huyện lên à?
- Vâng. Leo dốc mệt quá, hai bác cho nghỉ chân một lát rồi em đi tìm trưởng bản.
- Hầy à, khỏi phải đi đâu! Lên nhà đi. Ta là trưởng bản mà.
… Bữa cơm tối hôm đó, có canh măng chua, thịt trâu nướng, rau cải nương luộc chấm với muối hạt xẻn. Ông chủ uống cạn chén rượu ngô nấu bằng men lá rồi nhìn chằm chằm vào khách:
- Cạn chén đi chứ! Sao lại nhấp có một tý? Cán bộ lên bản có việc gì, nói cho ta biết nào!
- Em không uống được đâu, mời bác cứ tự nhiên. Hai bác ạ, em lên đây có chút việc riêng thôi.
- Ừ, việc riêng à? Thế ta chẳng hỏi nữa. Không uống được thì ăn.
Bà chủ gắp thức ăn vào bát cho khách rồi nói: “Ăn đi! Ăn nhiều vào, đi đường xa là đói lắm đấy. Mình nhận ra rồi!”.
Ông chủ nhìn vợ vẻ ngạc nhiên: “Quen à?”. Bà vợ đáp: “Ờ, phải đến hơn chục mùa nương rồi. Cái thầy giáo này đã dạy bọn trẻ ở đây. Dạy cả con Lâm nhà mình mà. Hồi ấy ông đang là bộ đội nên không biết thôi”. “Vậy à? Thế thì quý lắm, quý lắm. Nào cạn chén!”
Nể ông chủ quá, khách phải nhắm mắt cố uống hết nửa chén rượu: “Vâng, bác gái nhớ tài quá. Em là Hảo đây, kỳ nghỉ hè này em lên thăm bản, thăm lại các bà con. Chắc là số học sinh ngày ấy bây giờ làm ăn khá lắm bác nhỉ?”.
Bà chủ cũng cạn hết chén rượu rồi nói chậm rãi: “Phải đấy, bọn nó có gia đình riêng, có con cả rồi. Đây thằng này (bà chỉ tay vào đứa cháu) nó là đứa thứ ba của con Lâm đấy. Mình đem nó sang ở cho vui. Từ ngày thầy về xuôi bọn chúng nó hay kể chuyện về thầy và nói là nhớ thương thầy lắm. Nhất là con Giáng Hương cứ nhắc đến thầy Hảo là nó chảy nước mắt đấy!” Không biết vì men rượu hay vì cái tên Giáng Hương mà nhịp tim của Hảo cứ đập dồn dập. Ông chủ càng uống càng tỉnh táo, ông vỗ vào vai Hảo cười to: “Ta hiểu rồi! Cái con Giáng Hương nó là bông hoa đẹp nhất vùng rừng núi này. Nó giỏi lắm, bây giờ nó làm trưởng trạm Y tế của xã ta đấy. Nhưng thật tội, lấy phải thằng chồng chẳng ra gì. Ngày mai thầy Hảo đến chơi với nó nhé! Chắc nó mừng lắm đấy!”.
Đêm cuối hè ở vùng cao khá mát mẻ. Phía giường bên ông chủ đã ngáy đều đều. Còn Hảo thao thức không sao ngủ được. Ngoài trời, vầng trăng khuyết mỏng mảnh đã vượt lên khỏi dãy núi Lưỡi Hái tỏa ánh sáng xanh dịu. Bản làng yên ả quá! Chỉ thỉnh thoảng đâu đó vẳng lại tiếng mang tác, tiếng chim “bắt cô trói cột” đối đáp tìm nhau. Những âm thanh ấy dội vào vách núi có vẻ rời rạc nhưng thao thiết quá, gợi cho Hảo một cảm giác buồn khó tả…! Kể ra ở cái tuổi tứ tuần so với một đời người chưa phải là dài. Nhưng không hiểu sao cơn lốc thường ngày và những cảnh ngộ éo le cứ xoáy lấy tạo cho anh một quãng đời “dâu bể”.
… Cách đây mười tám năm, Hảo còn là một chàng trai trẻ. Cầm tấm bằng tốt nghiệp Sư phạm cấp 2 về huyện nhà. Anh được tuyển thẳng vào biên chế và điều lên vùng cao công tác. Ngày ấy xã Thượng Cửu chưa có trường cấp 2, đồng chí hiệu trưởng phân công anh lên dạy cấp 1 ở bản Sinh Tàn này. Cả bản chỉ có hơn ba chục học sinh chia làm bốn lớp. Có hai giáo viên nên mỗi người phải đảm nhiệm hai lớp. Thời gian đầu anh rất chán nản định bỏ việc. Nhưng sau mấy tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào nên tâm tư của anh có phần thay đổi. Dần dần anh nhận ra: tuy trình độ dân trí ở đây còn thấp nhưng đa số là những người lao động cần cù, tính tình chất phác và đặc biệt họ rất quý mến các thầy cô giáo. Còn các em học sinh thì hiền lành dễ bảo, có một điều các em đến trường hầu như không đúng độ tuổi. Riêng lớp cuối cấp anh phụ trách như Đặng Thị Mỷ và Bàn Giáng Hương đã mười lăm, mười bảy. Ở cái tuổi dậy thì, cơ thể của các em phát triển gần như hoàn hảo của một người con gái. Ngoài ra còn có những học sinh rất chăm chỉ như Lý Tráng, Trịnh Dung, Lôi Hùng, Hoàng Lập… các em ấy như một sợi dây vô hình khiến cho anh gắn bó với trường lớp và phần nào yên tâm với nghề nghiệp. Nhất là mỗi khi nghe tiếng hát, giọng đọc bài và bắt gặp ánh mắt trong veo của Lâm, của Giáng Hương thì trái tim của anh có gì xao động. Đôi lần anh định ngỏ ý với (…!) nhưng rồi lại thôi vì thời bấy giờ bức rào cản giữa thầy trò khắt khe lắm, nhất là học sinh đang ở cấp phổ thông.
Một buổi chiều anh xuống họp ở khu trung tâm, lúc quay về đến chân con dốc lên bản thì gặp Giáng Hương đi thăm nương ngô về. Hai thầy trò vừa đi, vừa nói chuyện vui vẻ. Đến một quãng đường phải lội qua con suối ngang, Hảo vô tình giẵm phải hòn đá to bị trượt chân ngã xuống dòng nước. Giáng Hương nhanh như một con sóc lao đến nắm tay kéo anh đứng dậy. Giáng Hương cười rất hồn nhiên và bảo: “Đá ở đây nhiều rêu trơn lắm thầy phải cẩn thận đấy!” …
Buổi tối hôm đó khi soạn bài xong, anh lấy cuốn tiểu thuyết “Hoa Hậu Xứ Mường” của tác giả Phượng Vũ ra đọc, những dòng chữ cứ nhảy múa lung tung. Gấp sách lại, anh tự giễu: “Thật vớ vẩn!”. Tuy nhiên đôi bàn tay ấm áp, ánh mắt trong veo của Giáng Hương ban chiều vẫn như chạm vào cơ thể…! Anh mỉm cười, lấy cuốn sổ tay ra ghi:
Em đi tỉa bắp trên nương
Chiếc vòng tay bạc còn vương nắng chiều
Xa xa vẳng tiếng suối reo
Hình như suối cũng thầm yêu em rồi.
Viết xong đọc lại anh tự nhủ: chẳng biết mấy câu này có được gọi là thơ không nhỉ? Nhưng thôi, là gì cũng được dầu sao vẫn ghi lại được kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ!
Anh đang miên man suy nghĩ… bỗng nhiên có tiếng con chim lạ kêu “te te hoách…te te hoách” vang lên lảnh lót đã kéo anh về với thực tại. Phía giường bên ông chủ nhà vẫn ngáy đều đều. Cùng lúc đó mấy con gà rừng thi nhau gáy sang canh.
Khuya lắm rồi, anh cố gắng xua đi những suy nghĩ không đâu để rồi chìm dần vào giấc ngủ.
*
Hảo tỉnh giấc lúc trời đã sáng rõ. Ông chủ ngồi trên một chiếc phản gỗ hút thuốc lào vặt, còn bà chủ đang làm gì lục đục bên chái bếp. Anh vục dậy vươn vai mấy cái rồi nói với ông chủ: “Bác dậy sớm thế! Hôm nay có đi nương không bác?”. “Không, mình có việc ở bản. Thầy Hảo à, đi chơi đâu thì đi đến trưa về nhà ta ăn cơm, nghỉ ngơi. Thầy phải ở đây vài ngày đấy!”. “Vâng, em định đến thăm nhà một số học sinh cũ rồi buổi chiều xuống khu trung tâm vào nhà trường có chút việc!”. “Thế không quay lại nhà ta à?”. “Có, nhưng em không dám hẹn trước”. “Thế cũng được, lúc nào về thì về. Uống nước đi, chè Đà Bắc ngon đấy!”.
Vừa lúc đó bà chủ bưng lên một cái bung đựng xôi chộn ngô nếp với một bát muối vừng và bảo: “Thầy Hảo à, ăn sáng rồi đi chơi. Nhớ sang nhà con Mỷ nhé. Nhà ở gần lớp học ngày xưa thầy dạy nó đấy”.
Không hiểu hôm đó là ngày gì mà Hảo toàn gặp không may. Qua nhà Lâm, Lý Tráng, Trịnh Dung…đều đi làm vắng chỉ có mấy đứa trẻ ở nhà. Anh tặc lưỡi: “Thôi đi xuống khu trung tâm cho sớm sủa. Bao giờ mình trở lại đến thăm họ cũng được!”.
Ra khỏi bản Sinh Tàn phải đi bộ mất hai tiếng đồng hồ mới đến trung tâm của xã. Anh rẽ vào khu trường Phổ thông cơ sở. Trường lớp đã khác xưa được xây dựng bằng loại gỗ tốt khá bề thế, sân trường sạch sẽ nhưng vắng ngắt. Anh vòng ra phía sau, gặp một người có tuổi đang vun xới mấy luống rau. Anh lên tiếng: “Em chào bác! Có thầy cô giáo nào ở trường không ạ?”. “Nghỉ hè họ về nhà cả rồi, chỉ có một mình ta ở trông trường thôi!”. Nản chí quá! Chẳng còn cách nào khác, anh hỏi đường về trạm xá. Người bảo vệ chỉ tay về phía trước nói: “Đi theo lối này, qua một con dốc tới trụ sở Ủy ban xã, từ đó đi độ hai quăng dao nữa là đến thôi”.
Khoảng nửa giờ sau, anh gặp một cô bé chừng mười một, mười hai tuổi vẻ mặt sáng sủa, anh hỏi: “Này cháu ơi, cháu có biết cô Giáng Hương làm việc ở trạm xá không?”. Cô bé nhìn anh từ đầu đến chân: “Có ạ, cô ấy vừa về nhà xong. Chú quen cô ấy à? Chú muốn gặp thì đi theo cháu!”. Hảo thở phào nhẹ nhõm. Cô bé khá nhanh nhẹn, vừa đi vừa kể: “Cô Giáng Hương là cô ruột cháu. Cô vừa mới chuyển nhà xuống đây cho tiện làm việc. Cháu xuống ở với cô để đi học cấp hai vì ở trên bản Sinh Tàn không có…”. Vừa vào đến sân nó đã gọi: “Cô ơi, cô ra đón khách!”. Từ trong nhà bước ra, Giáng Hương đứng lặng người đến vài giây rồi mới reo lên: “Thầy Hảo! Thầy Hảo phải không? Em không ngờ có dịp gặp lại, thầy lên đây từ bao giờ ạ?”. “Chào… Giáng Hương. Tôi lên Sinh Tàn từ hôm qua, biết em chuyển xuống đây. Hôm nay mới tới thăm em được!”. Giáng Hương linh hoạt hẳn lên đến xách chiếc cặp của Hảo: “Em mời thầy vào trong nhà!”.
Ngôi nhà gỗ ba gian lợp bằng lá gồi còn mới. Đồ đạc được xếp đặt ngăn nắp gọn gàng. Bộ bàn ghế ba nan cong thoang thoảng mùi sơn kê ở gian giữa. Một bầu không khí ấm cúng bao phủ căn nhà. Giáng Hương rất hồ hởi, nhanh nhẹn pha nước rót ra chén: “Em mời thầy. Chè Đà Bắc, thứ chè mà thầy thường thích đấy!”. Hảo ngạc nhiên: “Sao em biết tôi thích chè Đà Bắc?”. “Tuy lâu lắm rồi nhưng những gì thầy ưa thích em vẫn nhớ…”. Hình như Giáng Hương nhận thấy mình lỡ lời, hai má đỏ lựng nên vội đứng dậy lấy khăn mặt, bánh xà phòng thơm đưa cho Hảo rồi nói: “Thầy ra xối nước đầu nhà rửa cho mát. Em đi làm cơm rau muối, ăn no cái bụng mới nói chuyện được”.
Xong bữa cơm, chiếc đồng hồ để bàn đã chỉ đúng một giờ rưỡi. Hảo gợi chuyện hỏi tình hình về gia đình của Giáng Hương. Nhưng Giáng Hương bảo: “Dài lắm thầy ạ, thầy cứ nghỉ ngơi. Bây giờ em phải ra trạm xá, hôm nay là ngày khám bệnh phát thuốc cho bà con mà. Đến tối em sẽ kể cho thầy nghe!”. Hảo đắn đo thấy khó xử: “Thế có phiền phức không em? Tôi định tối sẽ ra ngoài nhà trường nghỉ!”. Giáng Hương cười rất tự nhiên: “Úi chao! Em hiểu rồi. Nhà em vẫn thường có các cán bộ Y tế lên công tác nghỉ lại. Thầy ở đây có gì mà phiền ạ. Thôi thầy nghỉ đi. Em ra làm việc chả có bà con phải chờ!”. Đứa cháu gái của Giáng Hương khép cửa lại rồi nó nhảy chân sáo biến đâu mất. Hảo ngả lưng xuống giường, gân cốt giãn ra thật dễ chịu. Chỉ một lúc sau anh ngủ ngon lành.
Lúc tỉnh dậy đã bốn giờ chiều. Nhà vẫn vắng vẻ, yên tĩnh quá. Anh nằm trên giường ngẫm nghĩ: gần hai chục năm trời gặp lại, anh thấy Giáng Hương không già đi là mấy, vẫn giữ được vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng của người con gái vùng sơn cước. Có điều trong đôi mắt dường như ẩn chứa một nỗi buồn, sâu thẳm. Theo ông trưởng bản Sinh Tàn nói: “Giáng Hương là bông hoa đẹp nhưng tội cho nó lấy phải thằng chồng chẳng ra gì!”. Vậy sự thể thế nào Hảo muốn hỏi để biết. Để biết thôi chứ làm gì được, đến bản thân anh cũng “nửa đường đứt gánh” kia mà!
Ngày ấy, khi hết hạn phục vụ ở vùng cao, anh được chuyển về một trường hạ huyện. Tưởng như vậy là ổn định nhưng ngờ đâu chẳng suôn sẻ chút nào. Hai năm sau, bố anh đổ bệnh rồi qua đời. Mẹ anh đã sang tuổi bẩy mươi. Thương mẹ, nghe lời mẹ anh lấy vợ. Thời gian đó lương của giáo viên rất thấp nên anh tính lấy một cô bán hàng xén chợ huyện. Anh hy vọng cô ấy sẽ lo liệu cho kinh tế gia đình bớt khó khăn. Thờì kỳ đầu thật hạnh phúc: chồng dạy học, vợ chạy chợ buôn bán thu nhập cũng khá, còn mẹ chăm lo nhà cửa bếp núc. Nhưng ngờ đâu không khí gia đình ấm cúng ấy chẳng được bao lâu, chỉ một năm sau bắt đầu sinh chuyện…!
Một hôm mẹ bảo anh: “Mẹ sang nhà chị gái con chơi vài ngày”. Lúc đầu anh cho là bình thường nhưng sau mới rõ nguyên nhân: vợ anh kiếm ra nhiều tiền hơn mọi người trong gia đình đã cậy mình, cậy mẩy, chỏng lỏn, ánh ỏi mẹ chồng. Bà không muốn lời ra tiếng vào mang tiếng “mẹ chồng nàng dâu” nên ở luôn nhà con gái, đón bà không quay về nữa. Thế là tình cảm gia đình rạn nứt! Một lần cô ấy bảo anh: “Bỏ cái nghề giáo viên vài đồng lương quèn, theo cô ấy đi buôn!”. Anh không nghe. Thế là cô ấy tìm mọi cách gây chuyện. Cô ấy còn nói anh là loại “dài lưng tốn vải” …là người có cái gan con chuột nhắt…!
Bị xúc phạm, rất bực nhưng anh nhẫn nhịn không hề to tiếng vì anh nghĩ đối tượng của anh là học sinh, là phụ huynh. Được “đằng chân lân đằng đầu”, một buổi tối không hiểu đi đâu mãi khuya cô ấy mới về. Anh đang soạn bài, cô ấy sinh sự:
- Nhiều tiền lắm đấy mà cứ chong đèn suốt đêm, tốn dầu!
Không nén chịu được nữa, anh xẵng giọng:
- Có im đi không! Cô muốn gì?
Muốn gì à? Tôi bỏ chợ rồi. Từ mai anh tự lo lấy gia đình! Tôi sẽ đi buôn chuyến, hàng tháng mới về.
-Được! Tùy cô, muốn đi đâu thì đi. Càng lâu càng tốt.
Cô ấy lồng lên:
A! Anh thách tôi hả? Hãy chờ đấy!
Ngay ngày hôm sau, cô ấy bỏ nhà đi thật. Đi với một người đàn ông nào đó, lên tận vùng giáp biên buôn bán. Nghe đâu người đàn ông đó đã có vợ và hai con, nhưng anh ta rất nhiều tiền! Từ đó chẳng bao giờ cô ấy trở về nữa. Lúc đầu anh hơi buồn! Tuy nhiên vài ngày sau anh nhận ra rằng cô ấy bỏ đi là một điều phúc lớn. Mẹ về với anh, không khí gia đình trở lại đầm ấm.
Năm tháng trôi đi, mẹ ngày càng già yếu và một đợt đã lâm bệnh nặng rồi qua đời. Lần này thì anh đau buồn thật sự! Căn nhà trở nên trống trải vô cùng. Anh đành đón đứa con của người chị gái về ở cùng. Hai cậu cháu chăm chút cho nhau.
Từ đó, hè nào anh cũng đi thăm thú một vài nơi cho khuây khỏa. Kỳ này trở lại với Sinh Tàn, anh hy vọng sẽ gặp lại những kỷ niệm đẹp của cái thuở ban đầu ra dạy học…
Bỗng từ dưới bếp có tiếng cười nói vọng lên. Anh dậy mở cửa, hai cô cháu Giáng Hương về từ lúc nào đang chuẩn bị bữa tối. Anh vòng qua phía sau, nhà của Giáng Hương nằm trên một sườn đồi thoai thoải. Khu vườn khá rộng, xung quanh có vô số cây ăn quả đang độ phát triển. Một khoảng đất vuông vắn trồng đủ các loại cây thuốc nam bắc rất xanh tốt. Anh ngồi xuống một phiến đá bằng phẳng buông tầm mắt ra xa và nghĩ: giá như Giáng Hương có đầy đủ vợ chồng thì cơ ngơi này quá tốt! Bất giác anh mỉm cười, hình dung ra một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Cứ như vậy anh thả hồn vào cõi mộng…! Cho đến khi nghe có tiếng động phía sau, anh quay lại: con bé cháu gái của Giáng Hương, nó nhỏ nhẹ: “Thầy ơi! Cô bảo cháu mời thầy về thôi ạ!”. Cùng lúc đó bóng núi đã đổ dài xuống khắp bản làng. Bầu trời dường như cũng thấp hơn.
Ngồi bên mâm cơm, Hảo nói: “Giáng Hương à, em sắm sửa thịnh soạn quá!”. “Có gì đâu thầy, toàn thứ người ta cho thôi. Món thịt lợn rừng này là của Hoàng Lập. Nhà nó có cái hầm ở dưới chân núi, thỉnh thoảng được con thú nào cũng gửi cho. Em định ngày mai tin cho nó biết thầy lên chơi, thể nào chúng nó cũng đến đấy”. Hảo trầm ngâm rồi nói: “Giáng Hương à! Thôi đừng tin cho ai biết. Sáng mai tôi phải về rồi, về cho kịp. Đến đầu năm học mới tôi sẽ lên, lúc đó gặp nhau cũng được”. Giáng Hương ngạc nhiên: “Đầu năm học mới thầy lên! Thật không ạ?”. “Chả lẽ tôi lại nói dối em”. “Ôi, thế thì em mừng lắm đấy!”
Xong bữa cơm tối, con bé cháu xin phép cô sang nhà bạn chơi. Giáng Hương bảo nó: “Không được ở quá mười giờ đâu nhé!”. Con bé đi rồi, Giáng Hương trải chiếc chiếu ra hè và nói: “Hai thầy trò ta ra đây ngồi nói chuyện cho có gió mát”. Ngọn đèn dầu tỏa một quầng sáng vàng chỉ đủ soi rõ bộ ấm chén. Qua ánh sáng mờ, Giáng Hương mặc chiếc áo cộc tay trắng bó sát người làm nổi bật những đường cong nở nang, mềm mại… Hảo không ngờ “bông hoa của vùng sơn cước” vẫn còn đẹp đến thế! Anh gợi chuyện: “Giáng Hương à! Thế bây giờ chồng em làm việc ở đâu?”.
Giáng Hương cười vẻ ngượng nghịu rồi kể: “Từ ngày thầy về xuôi cũng là lúc em học xong cấp hai. Cuối năm đó địa phương cử em theo học lớp trung cấp Y ngoài tỉnh. Học xong em về phục vụ cho trạm xá này. Năm sau thì em lấy chồng ở bên Chen Chự. Thầy không biết đâu. Anh ấy còn bố mẹ già và một em gái. Kể ra lúc đầu rất chịu khó, làm nương rẫy rồi đắp ao thả cá, nuôi gà vịt, kinh tế không đến nỗi khó khăn lắm. Nhưng vì muốn lắm tiền, nghe một số người ngon ngọt rủ rê, anh ấy đã đi theo họ…”
Hảo vội hỏi: “Thế anh ấy đi đâu, làm gì?”/. “Dạ, đi buôn. Lúc đầu còn làm ăn chân chính, buôn bán những thứ hợp pháp nhưng sau họ buôn lậu cả những thứ cấm. Có nhiều tiền sinh ra chơi bời bậy bạ. Và cũng chỉ vì ham tiền, anh ấy về đưa đứa em gái mới mười sáu tuổi, nó xinh đẹp và rất lành hiền, bảo cho đi bán hàng. Nhưng thực ra họ đem bán cho một chủ quán đèn mờ ở đâu khu vực gần Đèo Cón, đường đi Sơn La để tiếp khách...
Thế rồi vẳng đi, hai năm sau đứa em gái ấy trở về. Nhìn thấy nó xơ xác, tiều tụy, em thương lắm. Tối hôm đó hai chị em nằm với nhau, nó chỉ khóc. Em biết có điều chẳng lành, lục túi áo nó thấy một nắm lá ngón cái thứ lá độc chết người! Nó nói: chỉ muốn chết thôi! Em dỗ dành mãi, bảo là phải sống để nuôi bố mẹ già. Nó nguôi ngoai dần rồi kể cho em nghe: …Chị biết không? Cái bọn mặt người nhưng cái bụng của con thú! Một hôm em đã phải tiếp khách mấy lần rồi, thế mà đến nửa đêm bọn họ lại đẩy vào phòng một gã đàn ông say xỉn nữa và tắt đèn. Quá mệt mỏi, em chẳng còn biết gì nữa. Mặc cho người đàn ông đó giày vò. Em đã ngất xỉu…! Lúc sáng tỉnh dậy thì gã đàn ông ấy lại chính là anh trai của em, là chồng của chị. Bọn buôn người ấy độc ác quá! Nhưng đã lỡ rồi, hai anh em chỉ còn biết ôm nhau khóc. Sau đó anh ấy đưa cho em tiền và bảo: đem trả cho nhà chủ món tiền mà họ bỏ ra mua, xong rồi về quê. Còn anh đã có tội với ma nhà, có tội với em gái, có lỗi với chị Giáng Hương. Tội lỗi này không thể nào tha thứ được. Anh phải đi. Đi sẽ không bao giờ trở lại nữa…!”
Có vẻ sốt ruột, Hảo hỏi: “Rồi sao nữa?”
Giáng Hương chậm rãi kể tiếp: “Thực tình khi hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, em cũng đau lòng lắm. Hai chị em nằm ôm nhau khóc cho tới gần sáng. Đứa em gái vẫn một mực đòi ăn lá ngón. Nhưng em thì khác: không thể chết một cách vô ích, phải sống để trả hận đời! Nghĩ vậy, em đã hết lời khuyên giải và dỗ dành cô ấy với lý do là vì còn bố mẹ già. Dần dần cô ấy đã hiểu. Sau đó thời gian khá lâu, cô ấy mới lấy một người đã luống tuổi. Nhưng ông trời có mắt đã cho họ sinh được một đứa con trai khỏe mạnh, năm nay cháu học lớp ba”.
Uống cạn chén nước, Hảo nói hơi ngập ngừng: “Giáng Hương à! Vậy còn em sao vẫn… ở một mình?”
Giáng Hương cười gượng: “Có lẽ cái số em nó thế. Em như con chim bị trúng tên nên cứ nhìn thấy cành cây nào cong cũng sợ… Thầy Hảo ơi! Bây giờ thầy cô được mấy em? Các em đã học đến đâu rồi ạ?”
Hảo cười chua chát: “Có em nào đâu! Chúng tôi chia tay nhau lâu rồi”. Giáng Hương có vẻ sửng sốt: “Sao thế ạ?”. “Chuyện dài lắm, đến đầu năm học mới tôi lên đây. Lúc đó có thời gian sẽ kể em nghe!”. Giáng Hương vội nói: “Liệu em có tin được không ạ?”. “Lời nói danh dự đấy! Tôi nghĩ kỹ rồi. Chả là phòng Giáo dục tới đây có đợt bố trí giáo viên tăng cường cho các xã vùng cao. Tôi sẽ tự nguyện đăng ký lên vùng Tam Cửu này. Tôi thích ở đây vì cuộc sống thật yên tĩnh và còn có rất nhiều kỷ niệm. Em có tin tôi không?”. Giáng Hương vẻ xúc động, nói rất nhỏ: “Em cũng không biết nữa, em có quyền gì đâu ạ?”. Hảo cảm thấy mình hơi sống sượng nên lảng sang chuyện khác: “Tôi định lên đây chơi vài hôm nhưng thôi, ngày mai phải về để thu xếp một số công việc cho kịp. Còn bây giờ khuya rồi, ta đi nghỉ em ạ!”. Một cơn gió nhẹ tràn qua mát rượi. Mảnh trăng khuyết cũng đã vượt khỏi đỉnh núi Lưỡi Hái, treo lơ lửng trên bầu trời cao xanh thăm thẳm.
Sáng hôm sau, Giáng Hương lấy chiếc xe đạp Thống nhất đèo Hảo ra đường quốc lộ đón xe khách. Trong khi đợi chờ, Hảo nói: “Giáng Hương à, hạnh phúc con người ta như hai cánh cửa một ngôi nhà. Nếu cánh cửa này khép lại thì cánh cửa kia sẽ lại mở ra. Phải không em?”. Giáng Hương khẽ lắc đầu: “Thầy nói gì em khó hiểu quá!”. Vừa lúc đó chiếc xe ca kéo một hồi còi dài rồi dừng lại lấy khách. Hảo nắm chặt bàn tay Giáng Hương: “Em về, giữ gìn sức khỏe nhé!”. Giáng Hương ngước nhìn với đôi mắt ngấn nước: “Vâng. Em chúc thầy đi đường bình an…”. Hảo lên xe, còn Giáng Hương đứng lặng nhìn theo cho đến lúc chiếc xe khuất sau những hàng cây cổ thụ hai bên đường.
N.V.L