Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

THEO CÁNH MÁY BAY

Nhật Hồng

THEO CÁNH MÁY BAY
 
 
  Ông già móm mém nằm trên cái chõng bằng cây, không dằn được cơn ho xù xụ hơi thở kéo ồ ồ trong lồng ngực. Thằng con trai đến gần nói khẽ: “Con mời ba ăn cơm!” “ Để đó!  Tao chưa đói!” Dạo nầy tính tình của ông có phần gắt gõng. “Già muốn sanh tật  hay sao?” Đôi khi trưa trờ trưa trật mâm cơm để nguội ngắt, khi ăn mắc nghẹn nuốt trợn tròng trơn trạc tưởng đâu đi đời! Hết hồn hết vía! Thằng con trai biết ý chuốt ngót: Ba phải ăn để có sức khỏe, còn về Hà Nội thăm quê mẹ con bằng máy bay nữa chớ!” Mắt của ông già sáng lên hỏi:
-Sân bay Cần Thơ Hà Nội mở chưa!
-Sắp mở rồi ba ơi!
-Đừng gạt tao.
-Thiệt mà! Ba không tin, hỏi chú Bảy sẽ biết!
 
  Từ ngày ngả bịnh ông Năm Bờ hy vọng một điều: Đi về Hà Nội thăm quê vợ bằng máy bay,  sân bay Cân Thơ nằm chỉ cách nhà vài cây số. Ông nói với người hàng xóm:  “Được đi một chuyến rồi có chết cũng mãn nguyện”.
 
  Người dân ở ngọn rạch Bình Thủy không nhớ rõ ông Năm Bờ có mặt ở đầy từ lúc nào? Chỉ nhớ, trước đây ông đi bộ đội trong thời đánh Mỹ bị một viên đạn kẹt trong lồng ngực, bị bắt đánh đập, tù đày giờ còn di chứng ho húng hắng khạc ra máu. Khi về nhà làm dân, bộ đội chiến sĩ hy sinh bất luận ở đâu cần lấy thây ông Năm Bờ có mặt. Thật là gan gốc cùng minh. Ông thường kể lại với lối xóm: Lần đó, trận đánh lớn bộ đội hy sinh ngót chục thây chất đầy ghe tam bản, ông lội kéo qua sông dưới làn đạn bắn tủa trên đầu. Khi đến được nghĩa trang chiếc ghe tam bản cũng vừa chìm lĩm. Thấy người nằm vắt võng, nước linh đinh, những chiếc lọ hủ thuốc pi đựng tên họ người hy sinh trôi lều phều. Trong lúc cập rập có người hỏi: “Tên người này lộn qua tên người khác , làm sao bây giờ anh Năm?” Anh lặng lẽ thầm khấn vái: “Các anh không ngại gian khổ, tử sinh nay đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc dù là ở Bắc, Trung, Nam cũng là con của đất Việt như nhau, xin chứng giám cho tôi làm một việc… “Có tiếng người giục: “ Làm sao anh Năm!”
   -Hỏi cái gì nữa! Hủ pi nào gần ngực của ai thì của nguời ấy! Nhét vào túi nhanh lên! Mọi người nghe theo răm rắp. Còn lại một người, không có hủ pi anh Năm mò mẫm tìm kiếm. Quần áo bộ đội thì giống nhau, nhập nhòa khuôn mặt cũng giống nhau, rất trẻ. Khi tẩn liệm anh Năm chú ý từng đặc điểm, từng người, lưu ý nhất là người không có hủ pi-không có tên. Anh chợt nhận ra bàn tay trái của người ấy cụt mất ngón út. Sau khi đắp xong cho từng nắm mộ, anh lui cui kiếm cục gạch thẻ chôn ở đầu mộ người liệt sĩ chưa có danh tính rồi ghi kỹ lưỡng từng chi tiết giao cho người trông coi nghĩa trang. Việc của ông Năm Bờ chỉ có bấy nhiêu cho đến ngày hòa bình thống nhất.
 
   Thấy anh tảo tần vườn ruộng tuổi tác đã bước qua ba mươi. nên má anh hỏi:
-Sao con không chịu lấy vợ để có người phụ việc trong ngoài, và má sớm có cháu ẩm bồng vui với tuổi già!
-Thủng thẳng vài năm, nhà mình còn nghèo má ơi! Vừa nói anh lừng khừng đi ra sau vườn, nhà bên kia ai đó hắt sang giọng ù…ơ… “Ví dầu nhà dột cột xiêu. Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn.”
 
   Người trong xóm luôn thắc mắc: Anh Năm Bờ không có tiền cưới vợ hay bị đánh đập mất cái của quý rồi! Không giải thích phân trần anh Năm chỉ thui thủi với đồng ruộng.
 
  Hôm đó, ngoài vườn vừa vô chợt thấy trong nhà đông người, ông trưởng khu vực đứng lên giới thiệu: Đây là cán bộ ở Phường, Quận…và hai người khách ở xa và rồi đi đến nội dung:
-Anh có nhớ, cái hôm lấy thây liệt sĩ đem về chôn ở nghiã trang chìm xuồng có người không có tên (vô danh) ngôi mộ đó bây giờ ở đâu, còn đây hay đem về cải táng ở Quận!
   Trong số khách có hai người chú ý lời nói cử chỉ anh không rời mắt, một là người đàn ông khỏang bốn mươi, một cô gái trên ba mươi có đôi mắt đen lay láy, đôi môi thâm thắm mới nhìn qua như bôi chút son, cả hai là em của liệt sĩ  từ Bắc vào tìm mộ.
-…Ngôi mộ đó đã đem đi cãi táng ở nghĩa trang Quận rồi!
Sau một lúc lâu theo dõi từng lời nói của chủ nhà, cô gái hỏi:
-Anh có nhớ đặc điểm gì về liệt sĩ vô danh ấy không!
-Ờ…Anh ấy cụt ngón út bên tay trái.
-Có đúng vậy không!-Cô gái hỏi.
-Chính xác! Còn một chíếc răng khễnh hàm trên phía trái.
Bỗng cô gái òa khóc tức tuởi:
-Là anh rồi, anh Thành ơi! Tiếng khóc phát ra âm thanh như từ muôn cõi vọng về len theo cỏ cây thấm vào hồn, làm cho những người trong nhà ngơ ngẩn chìm trong không gian lạnh buốt, câm nín đến rợn người.
Thời gian làm thủ tục xác nhận chánh quyền địa phương cho hai người khách ở lại nhà anh Năm để biết thêm một số chi tiết về người thân mình. “Lý Trung Hòang, Lý Thị Thu đều là em của liệt sĩ Lý Trung Thành”, Thu cho biết:
-Thành vừa tốt nghiệp trung học một tháng sau là anh lên đường làm nghĩa vụ. Từ ngày anh nhập ngũ đến ngày nhận giấy báo tử là hai năm tám ngày. Lá thư sau cùng anh gửi về cùng ngày trong giấy báo tử, theo như lời anh kể: “Miền Nam cây cỏ đất nước con người đẹp lắm, anh có ý sau này giải phóng sẽ ở lại lấy vợ và lập nghiệp ở đây”.
 sanbaycantho
   Khách thấy chủ nhà đơn chiếc chỉ có hai mẹ con, tính tình thật thà tốt bụng nên mối quan hệ khách chủ nhanh chóng thân thiện. Hoàng đi tát mương bắt ốc hái rau với Năm Bờ chiều về cùng quây quần bên mâm cơm có tô canh chua nóng hổi cùng với chai nếp Gò Đen cay nồng. Những câu chuyện Nam, chuyện Bắc tuôn ra tuồn tuột trên môi hai người đàn ông như đã thân lâu ngày mới gặp lại. Thu vừa rửa chén vừa nhìn mái tóc trắng phau của má anh Bờ, nhìn ngôi nhà trong bóng chiều nghe lòng ấm lạ. Nói thật khẽ: “Em muốn ở lại, anh Hòang về một mình nhé!”.
 
   Ngày chia tay, đêm ấy Thu cứ trằn trọc mãi, nghe rõ từng tiếng động rất khẽ ở phòng Năm Bờ, cô muốn đi ra nhưng ngại…cứ thế chập chờn cho tới sáng. Anh Năm Bờ trói một cập gà giò, một bọc chuối lá xiêm ép khô bỏ vào xách đưa cho Hoàng và Thu ra bến xe:
Anh Năm Bờ bịn rịn:
-Có dịp nào cô Thu và anh Hoàng vô thăm tui nghen!
Giọng anh Năm nói như lạc vào cõi buồn xa xăm. Xe đã khuất mà đôi mắt đen lay láy, đôi môi thâm thắm cứ chập chờn theo anh về tận nhà, vào tận giấc ngủ. Má thấy anh Năm buồn buồn, khan khác mắt cứ trông ra hướng ngòai chợ, mắt già cũng đầm đẫm xa xôi.
 
   Khách đi về, nhà vắng. Bà Tư-má của anh Năm nói:
-Thu là gái chưa có chồng, siêng năng thấy thương, hôm đó má định…nhưng chưa kịp mở lời chỉ nói bóng gió: Bác mà có con dâu như Thu đây chắc hạnh phúc lắm! À mà Năm! Cô Thu còn bỏ quên cái áo má gói đây này, hôm nào rảnh con gởi vê quê cho cô ấy! Anh Năm giả bộ không nghe nhưng đợi cho má ngủ mê len lén mở chiếc áo ra xem từ trôn chỉ. Cái áo tỏa hơi người con gái quyến rủ lạ, làm cho anh Năm cứ ngơ ngẩn, khó quên được! Khách ra đi dường như đã mang một nửa hồn của anh Năm ra Bắc, nên thuờng khi anh ngồi trông về hướng ấy, tìm một nửa của mình. Trời vẫn xanh, và mây vẫn trắng.
 
   Lá thư từ xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội như một phép lạ làm cho ánh mắt của anh Năm Bờ sáng long lanh, bà Tư cũng ngoai ngóay ngón tay cong queo vuốt vuốt cái càm, đôi mắt reo vui. Đám cưới của anh Năm Bờ cử hành gọn nhất xã, không có đi rước dâu mà có đoàn nhà gái đưa dâu võn vẹn hai người: một đàn ông, một cô dâu. Còn khách mời nhà trai láng giềng đếm được hơn chục.
 
   Ứơc vọng của mỗi thành viên trong gia đình anh Năm đơn sơ như nồi canh chua nấu với cơm mẽ. Mắt già trông chờ có đứa cháu bồng ẩm cho hả dạ, anh Năm muốn có thằng cu tý hủ hỉ sau những giờ mệt nhọc ngoài đồng. Thu tha thiết với cảm giác được làm mẹ… Nghe người ta nói: “Sanh đau đớn lắm, hạnh phúc lắm không gì thay thế được!”.
 
   Ngoài trời chợt mưa chợt nắng, trong lòng anh Năm như bị kim nhọn châm chích ngồi đứng không yên, mắt cứ nhìn ra đường chờ tin tức đưa về từ nhà thương. Đến quá chìều có tin nhắn: Chị Năm sanh khó, anh Năm phải xuống gắp! Tin  như sét đánh, anh tức tốc xuống nhà thương. Ca mổ thực hiện gắp để cứu đứa bé và người mẹ. Đội Y bác sĩ tận tình, nhưng không cứu được người mẹ.
Đám ma người bất hạnh không có đạo tỳ chỉ có hơn chục người âm thầm đưa tiễn người con gái Bắc, bạc mệnh nằm lại trong vườn nhà anh Năm. Như trước đây, anh của Thu cũng gởi phần xương thịt lại phía Nam xa lắc xa lơ. Chôn cất vợ chưa được bao lâu thì bà Tư-má anh Năm cũng qua đời. Người lối xóm luôn than phiền:
-Cây ngây bị đốn trước! Nhà của anh Năm Bờ ăn hiền ở lành cứ sao tai họa giáng xuống như giông bão, chỉ trong vòng một tháng mà hai cái tang thật đáng thương tâm.
Người ta chuyền tay nhau chăm sóc thằng bé, rất may chị Lâm ở gần nhà cũng có đứa con sanh một lượt với con Năm Bờ. Vợ chồng anh Lâm thấy cảnh đáng thương nên đồng ý cho thằng bé bú thép. Thằng bé bụ bẫm dễ thương, một nửa giống cha, một nửa giống mẹ, nó ngoan ngoản lớn lên như cây cối trong vườn. Mới vừa lọt lòng đã mất mẹ nên người ta đặt cho cái tên Nhân. “Nguời sống ở đời phải có nhân mới được nghe con!” -Đàn bà nựng nịu thằng bé nói như vậy! Kèm theo tiếng hát ru ầu ơ…“Thằng Nhân là con nhà bần, ở trong côi cút tần ngần chui ra…”
 
   Thằng Nhân ở nhà anh Năm thì ít mà ở nhà hàng xóm thì nhiều, sống nhờ từng giọt sữa, muỗng cháo của cô bác láng giềng. Anh Năm Bờ lầm lũi ngoài ruộng chiều về nhà cái bóng quạnh hiu làm cảnh gà trống nuôi con.
 
   Năm thằng Nhân hai mươi tuổi, ông Năm nói với con:
-Trước khi con cưới vợ, ba phải dẫn con về quê của má con chơi cho biết! cả đến ba cũng chưa lần nào ra ngoài đó!
-Ba có ra đó chưa?
-Chưa! Chỉ biết làng xã qua thư kể của cậu con. Cậu Hoàng trông chờ ba ra đó từng ngày, mà ba thì hứa lần lựa. Nhà hết chuyện này rồi đến chuyện khác, con đã hai mươi tuổi, hai mươi năm rồi!
 
    Ông Năm cụ bị dẫn con ra thăm quê ngoại thì sáng ra ngã bệnh, Nhân chữa trị hết lòng nhưng không bình phục hẳn, chỉ nằm ngồi một chỗ, đi lại chậm chạp. Bác sĩ cho biết, ông Năm phải cố gắng tập đôi chân như con nít, mới đi đứng được. Dù năm một chỗ, ông Năm cũng có niềm tin mạnh mẽ: Hết bịnh về quê vợ bằng chuyến máy bay gần nhà của mình. Do đó, ông thường hỏi: Sân bay Cân Thơ xong chưa? Có người nói còn lâu! Ông mệt ngã bệnh lại. Từ đó, bíết ý ông, mọi người đến thăm đều nói: Sân bay Cần Thơ nay mai sẽ có chuyến bay: Cần Thơ Hà Nội, Cần Thơ Đài Loan, Hàn Quốc… khắp thế giới. Ông Năm vui ra mặt nói: Tui phải đi một lần cho biết!
 
   Ông Năm Bờ nằm trên xe cấp cứu miệng lảm nhẩm hỏi Nhân: Sân bay Cần Thơ có chuyến bay chưa con!
-Có rồi ba ơi!
Ông Năm nhắm mắt.
 
   Khi vừa hạ quan tài xuống lòng đất, người ta nghe trên trời tiếng máy bay rầm rú, cất cánh từ sân bay Cần Thơ, chiếc máy bay lượn hai vòng rồi thẳng lên bầu trời về phía đông bắc. Thằng Nhân ôm lư huơng và di ảnh của ông Năm nhìn theo cho đến khi mất dạng, nói lầm nhầm trong miệng: “Chắc bố mẹ tôi theo cánh máy bay đó về Hà Nội rồi!”
 
                                                                                   N.H
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 39
Trong tuần: 613
Lượt truy cập: 416859
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.