Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TAO NGỘ

Nguyễn Tiến Hóa

TAO NGỘ 

   Hắn mới về hưu được một năm, hắn chả đi đâu cả, hắn ngại tiếp xúc, hắn tránh mọi người, hắn ra vào nhà thì thụt như rắn mồng năm. Sao hắn lại thế. Người ta về hưu thì anh em, hàng xóm quăy quần, đằng này hắn cứ lầm lũi một mình. Hình như hắn sợ gặp người, sợ người ta bắt nợ, sợ người ta đòi tình. Từ ngày hắn về hưu, chưa bao giờ hắn ra khỏi nhà. Từ ăn uống sinh hoạt, tập thể dục hắn đều ở trong nhà. Được cái nhà hắn bề thế rộng rãi có vườn cây ao cá. Toàn bộ khu nhà diện tích đến nửa nghìn mét. Nó là chiến tích, là thành quả của nhiều năm công tác. Dinh cơ này người khác nằm mơ cũng chả thấy. Họ thấy sao được khi mà mỗi mét vuông giá tới bảy tám cây vàng, qui đổi ra tiền dễ đến hàng chục tỷ. Thực tình thì hắn đâu có nhiều tiền như vậy. Làm cán bộ mà vơ vét thế, liệu đứng được bao lâu.
   Mấy chục năm làm việc hắn luôn được tiếng là cán bộ mẫn cán, liêm khiết. Hắn hơn người là ở chỗ đó. Hắn ăn, hắn mặc, hắn lấy, hắn ở, hắn chiếm dụng tiền của mà không ai biết. Đó mới là tài. Người nào biết thì hắn tìm cách chuyển đổi, cách ly. Người nào cao tay thì hắn tìm cách mua chuộc bợ đỡ. Cả cơ ngơi nhà hắn bây giờ tương đương tới vài triệu đô la, nhưng trước đây hắn mua chỉ  mất có mấy cây vàng. Ít đến như vậy mà khi hắn trả tiền, gia chủ còn cám ơn, vì nó chỉ là cái ao, diện đất thổ canh, mỗi năm gia chủ phải đóng cho hợp tác xã mấy chục cân thóc mà vẫn không chạy được. Vì thế khi hắn hỏi mua thì gia chủ lấy làm hoan hỷ lắm. Người ta bảo hắn dại dột ném tiền qua cửa sổ. Nhưng sau hai năm thì hắn trở thành người khôn, thậm chí siêu khôn nữa.
    Cái khôn của hắn là biết nhìn xa trông rộng. Người đi bộ chỉ cần trông trước vài mét vài giây, người đi xe chỉ cần trông xa hơn chục mét và một vài phút, đằng này hắn biết nhìn xa tới hàng cây số và thời gian lên tới vài năm. Cái tài của hắn là biết nhìn từ ao thành ruộng, từ ruộng lên vườn và từ vườn lên phố. Cái tài của hắn là ở chỗ đó, cái khôn của hắn là ở chỗ đó. Có phải đôi mắt hắn có khả năng siêu phàm đặc biệt nhìn thấu thời gian, làm người ta phải thán phục, ngỡ ngàng không. Chính cái vị trí của hắn, cái ghế ngồi của hắn đã giúp hắn tạo ra đôi mắt đó.
  Nhà cửa vợ con hắn đề huề có nếp có tẻ. Vợ hắn còn đi làm trên bộ. Hắn có hai con một trai một gái.Thằng con trai cả học khá, tốt nghiệp đại học trong nước, đã đi làm và có gia đình. Vợ nó cũng làm cùng cơ quan. Còn con thứ hai học lực kém hơn, hết phổ thông hắn nhanh tay cho con đi du học. Vừa tránh được tai tiếng thi trượt trong nước, lại vừa giải quyết khâu oai. Nhưng hắn vẫn buồn. Hắn buồn vì thời hoàng kim của hắn không còn nữa. buồn vì cái tuổi già đang sầm sập đến. Mà hắn có phải đã nhiều tuổi đâu, nhưng sao sức khỏe hắn lại chóng tàn đến thế. Hắn là chiếc máy chạy hết công suất, chạy quá thời gian.
   Hắn nghiện đủ thứ, nghiện ăn, nghiện uống, nghiện chơi, nghiện cả em út nữa. Hắn tiếc cho mấy em, sức sống đang căng tràn mà hắn lại bất lực. Hắn than thân, trách phận, tiếc của người, của giời. Mà khổ một nỗi cái bụng hắn vẫn đói, vẫn thèm nhưng lại không ăn được. Đúng là tình thế trên bảo dưới không nghe mới cú chứ. Cơ thể con người là một cái máy, nó không phải là cái máy vĩnh cửu cho hắn khai thác sử dụng vô độ, mà nó phải được chăm sóc nghỉ ngơi. Bác sĩ bảo hắn bị huyết áp, bị tiểu đường, bị khớp, bị Colectirôn. Thôi thì người già có bệnh gì thì hắn đều có cả. Hắn lại lười tập thể dục, thể thao. Hắn chả mấy khi đi bộ, một bước cũng lên xe, hai bước cũng lên xe, đó là nguyên tắc bảo vệ, đó là  quyền lợi và vị thế, vì vậy mà cái xe lại trở thành tác nhân gây hại cho cơ thể hắn. Cũng phải thông cảm cho hắn vì hắn ít có thời gian. Ngoài giờ làm việc, khi người ta tập thể dục thể thao, thì hắn lại phải tập ăn, tập uống và tập “thể dục” với các em. Đến bây giờ bác sĩ bảo hắn phải kiêng, kiêng ăn, kiêng uống, kiêng ngủ, kiêng đủ thứ, thành thử ở hoàn cảnh này làm sao hắn lại không buồn. Hắn không buồn thì mới là chuyện lạ.
   Buồn thì phải tìm đến chỗ đông người, tìm đến chỗ bạn bè sẻ chia. Nhưng hắn lại sợ đến chỗ đông người,  nhất là những cuộc họp. Có người hỏi hắn sao hắn không sinh hoạt ở tổ hưu khu phổ, hắn trả lời, hắn đang sinh hoạt ở tổ hưu cơ quan. Đến cơ quan người ta hỏi, thì hắn lại bảo đang sinh hoạt ở tổ hưu khu phố. Thì ra hắn sợ, hắn sợ họp thật. Cả đời người hắn đã họp, hắn không nhớ nổi bao lần rồi. Mà trong cuộc họp hắn có nói thật bao giờ đâu. Diễn viên người ta chỉ đóng kịch ba, bốn tiếng là đã mệt rồi, đằng này hắn lại đóng kịch cả ngày, đóng kịch cả mấy chục năm trời, thì còn mệt còn ngán đến đâu. Hắn đã phải nói những điều mà hắn không muốn nói. Vì thế mà bây giờ hắn sợ họp, sợ phải tiếp tục đóng kịch thì hắn buồn và mệt lắm.
  Cái buồn của một người có một thời vang bóng. Một thời có nhiều người phải luồn lọt, thỉnh cầu. Một thời mà mẹ hắn hắt hơi, sổ mũi  cũng có người đến thăm, đến biếu. Nhưng sao bây giờ họ lại không đến nữa. Người không được hắn giúp, người không được “cô thương”  không đến đã đành, đằng này cả một số  được hắn nâng đỡ, quan tâm cũng nghoảnh mặt thờ ơ. Có phải họ là những người không có tình cảm, không có tâm không. Hoàn toàn không phải thế. Sự đời mà mọi chuyện đều tính bằng sự vay trả, được đổi bằng vặt chất để mua bán thì làm gì còn  tâm.Và điều này xuất phát sâu xa từ đó.
   Hắn rất buồn vì sự cô đơn, sự cô đơn từ cõi lòng, từ tâm  can hắn. Lúc có chức quyền, hắn hứa hẹn nhiều điều. Hắn  tâm niệm phương châm “dĩ hòa vi quí” coi đó là bảo bối, là phép mầu giúp hắn thăng tiến. Hắn hứa hẹn giúp đỡ nhiều người, nhưng cái hứa đó không có gì bảo đảm, không biết bao giờ mới được thực hiện mà không thực hiện được thì hắn bảo quên. Lại còn nói sao cậu không nhắc tớ để đến bây giờ thì đã muộn rồi. Âu cũng là căn bệnh phổ biến của người đời. Lời hứa không mất tiền mua. Lời hứa không mang lại lợi ích cho người được hứa mà trái lại, nó lại mang ích lợi cho người đã hứa. Điều này tưởng là vô lý nhưng lại là điều có lý hiển nhiên. Nhờ nó mà bao nhiêu con thiêu thân phải rúc đầu vào lửa, bao nhiêu người hắn nợ (hắn hứa) phải nuôi hy vọng đợi chờ. Nhà tôi ở gần nhà hắn, biết tôi là người hiểu đôi chút sự đời nên một hôm hắn mời tôi đến nhà. Hắn rót rượu ngon đãi khách. Rượu vào lời ra, hắn tâm sự đủ điều, từ chuyện Đông sang chuyện Tây, từ chuyện kim sang chuyện cổ, rồi hắn bộc bạch: “Con người ta kể cũng  tệ thật, khi mình đương chức đương quyền thì họ chen nhau tìm đến, khi mình về hưu thì họ lại nghoảnh mặt làm ngơ”. Nghe đến đây tôi ồn tồn bảo hắn : “Khi người ta nghĩ đến ông thì ông không nghĩ đến họ, đến bây giờ ông nghĩ đến họ thì đã muộn rồi”. Tôi thấy hắn nhếch mép cười. Một  điệu cười  đắng cay chua chát.
    Thôi thì người đời không đến hắn cũng được. Hắn chấp nhận sự trống vắng cô đơn. Chứ mà đi ra ngoài gặp người đòi nợ thì nguy. Hắn cố tình tránh né, nhưng tránh làm sao mãi được. Hôm ấy nhà hắn mọi người đều đi vắng, hắn một mình ở nhà chơi với cháu đích tôn. Không may cháu bị đau bụng, chả biết đau bệnh gì mà nó cứ ôm bụng nhăn nhó. Hắn hốt hoảng, gọi taxi. Xe chở cháu đến bệnh viện thì đã có mấy trường hợp đến trước rồi, thành ra cháu phải chờ. Hắn tìm đến bác sĩ trực thì lại gặp người 15 năm trước đây bị hắn đã trù đập phải chuyển sang nghề y. Thế là gay rồi, thằng này mà nó nhận ra mình thì nguy to cho cháu. Sự đời thật trớ trêu. Cái sự vay trả là lẽ thường tình.
                                     *      *                                    
…Hồi ấy Thành là kiến trúc sư mới ra trường được phân công về viện hắn công tác. Trước đấy năm  năm quân ngũ, anh cũng đã kịp lấy bằng trung cấp quân y. Ra quân với năng khiếu hội hoạ anh lại thi vào trường kiến trúc. Với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, anh lao vào công viêc ngày đêm với mong muốn được trải nghiệm, được thử sức mình. Các đề tài, nhiệm vụ được giao, anh đều hoàn thành xuất sắc. Anh tích cực tham gia công tác văn thể, là cây guita của đội văn nghệ, là cây đập chủ công của đội bóng chuyền toàn viện. Trong đại hội Đoàn anh được mọi người tín nhiệm bầu  vào Ban chấp hành Đoàn. Ai có khó khăn gì anh đều hết lòng giúp đỡ, ai bị trù đập anh tìm cách thao gỡ, bảo vệ. Trong Đại hội Đoàn  anh đề nghị mọi người hãy dũng cảm đấu tranh, tố giác tiêu cực, những hiện tượng rút tiền nhà nước  ăn chơi, tiêu sài, những hiện tượng trù úm, chạy chức, chạy quyền. Việc này truyền đến tai ông viện trưởng. Ông lập tức cho thư ký gọi anh  lên bàn công việc. Vừa gặp anh, ông đã bắt tay hồ hởi:
-  Cậu về viện mình được mấy năm rồi?
-  Thưa bác cháu về được ba năm ạ.
-  Tôi đã luôn theo dõi kết quả công tác của cậu, được biết  năng lực và hiệu suất công tác của cậu rất khá. Xin chúc mừng cậu.
-   Cháu cám ơn bác.
-   Thôi, khỏi cần xã giao, khách sáo làm gì. Tôi có ý định lấy cậu lên làm trợ lý cho mình. Cậu thấy thế nào?
-   Thưa bác cháu mới về viện, kinh nghiệm công tác còn thiếu, bác nên chọn người khác.
-   Cậu quá khiêm tốn, ở viện  thì có nhiều người, nhưng người như cậu thì ít. Cậu về suy nghĩ rồi trả lời cho mình sớm nhé.
Bắt tay anh ra về, ông viện trưởng bóp đầu suy nghĩ. Cậu này khẩu khí, tướng mạo không phải người thường. Phải bằng mọi cách để khống chế  nó. Mới về viện ba năm nó đã chiếm được uy tín của nhiều người. Nó đã trải qua môi trường quân đội, năng lực chuyên môn khá, lại đi đầu trong làn gió đổi mới chống tiêu cực. Nếu không cao tay mà thu phục, ngăn chặn nó kịp thời, thì chiệc ghế viện trưởng của ông chắc chắn bị lung lay, không chừng còn rơi vào tay nó. Đợi hơn một tuần, không thấy anh lên gặp mình, ông cho thư ký gọi anh lên. Anh nói với anh thư ký : "Nhờ anh nói giúp với viện trưởng là  đề xuất của ông tôi không thể giúp được. Xin cám ơn và mong ông thông cảm.”
Bẵng đi nửa năm, trong Đại hội công nhân viên chức, ông viện trưởng tái mặt khi nghe anh phát biểu trước các quan chức của bộ về đề xuất bầu lãnh đạo viện và áp dụng phương án quản lý tự hạch toán: Ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng. Không thể để nhà nước mỗi năm bao cấp hàng tỷ đồng mà viện lại không làm ra đồng nào. Không thể để tình trạng, hàng đống đề tài, sáng kiến được nghiệm thu mà lại vô dụng, xếp xó. Anh đề nghị cán bộ vào viện phải qua thi sát hạch, kiểm tra . Không thể để viện trở thành nhà trẻ cho con ông cháu cha trú ngụ. Nghe anh phát biểu mà ông viện trưởng toát mồ hôi. Càng ngày cậu này càng làm già, càng lấn tới. Nó không coi mình ra gì. Nó trở thành một trở ngại, một cái gai trong mắt ông rồi. Nó làm ông mất ăn mất ngủ. Mới có ba năm mà nó đã làm cho viện ông khuynh đảo. Nào tố cáo, nào góp ý, nào phê bình, nào bầu lãnh đạo, nào tự hạch toán. Mà tự hạch toán theo nó, thì viện này có mà tan, viện này có mà ăn cháo. Phải ra đòn, phải dằn mặt nó. Ông cho tay chân tung tin : Ai gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, ai làm mất uy tín, truyền thống của viện sẽ bị xử lý, sẽ đi thực tế ở phân viện Tây Nguyên. Trong viện ai cũng biết dư luận này ám chỉ  ai rồi. Ai cũng lo cho Thành, tai vạ sắp ập lên đầu anh. Ở viện này đã có gần chục người đã phải rũ áo ra đi. Phương pháp luân chuyển cán bộ bị lợi dụng, đã  gây ra tai hoạ cho bao người. Người ở Hà Nội bị điều vào Sài Gòn, người ở Sài Gòn lại phải ra Nha Trang, người ở Nha Trang lại bị điều ra Hà Nội. Ai muốn được gần vợ gần con thì phải qui phục, phải chạy tiền. Ai không làm thế thì phải ngậm ngùi cất bước. Đã xảy ra những cảnh tan đàn, vợ chồng li tán, con cái đi hoang. Nhiều người nhắc anh phải giữ gìn, cảnh giác, để khỏi xa vào cạm bẫy của ông. Nghe bạn bè khuyên bảo anh chỉ ậm ờ qua chuyện. Những lời đe doạ của ông không mảy may làm anh nhụt chí. Anh đã nghĩ đến một tình huống xấu. Nghĩ đến một ngày và ngày ấy đã xảy ra.
Hôm ấy là ngày thứ hai, sau  khi họp giao ban, ông viện trưởng cho thư ký vời anh lên gặp. Chưa kịp chào hỏi xã giao ông đã lớn tiếng:
-  Tháng tới lãnh đạo viện sẽ điều đồng chí đi thực tế ở phân viện Tây Nguyên.
-  Tôi không đi.
-   Vì sao?
-  Vì ở đó không có việc cho tôi làm, và nơi đó chỉ là nơi  lưu chứa những người không ăn cánh với ông.
-  Anh không đi tôi sẽ kỷ luật anh.
-   Ông sẽ không có cơ hội để kỷ luật tôi.
Ba hôm sau anh đột ngột xin được gặp ông. Những tưởng sau những đòn sắc lẹm của mình, anh đã bị khuất phục, hoặc phải ngậm ngùi đến nhận quyết định vào Nam. Ông hồ hởi bắt tay anh. Sau cử chỉ xã giao, anh rút tờ đơn khổ A4 đặt lên bàn ông. Đeo mục kính vào, nhìn lướt qua hàng chữ : Đơn xin thôi việc, ông liền cao giọng :
-  Cậu xin thôi việc thật à? Đã nghĩ kỹ chưa?
-  Cái đó khỏi  phiền đến ông.
-  Cậu có đề nghị gì không?
-  Tôi không có đề nghị gì cá nhân, chỉ có điều mong ông đừng đối xử với người khác như tôi. Cuộc đời có vay có trả. Quả đất tròn nhất định chúng ta sẽ gặp nhau.
                                         *        *
                                               *
…Câu nói đó của anh từ hơn mười năm trước nay lại vang lên, rục ròi trong đầu hắn. “Quả đất tròn” đúng là quả đất tròn thật rồi. Lần này mìnhkhông cẩn thận, tại hoạ sẽ ập lên thằng cháu. Hắn im  lặng đứng chờ và suy tìm lối thoát. Nhưng thằng cháu hắn lại đau bụng dữ dội. Kiểu này không thể chờ được nữa. Phải làm thế nào để đưa cháu vào cấp cứu  ngay. Phải bằng mọi cách để cứu lấy cháu. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Hắn vội chạy ra đám người nhà quê ra chăm sóc bệnh nhân. Hắn khẩn khoản nhờ một bà:
-  Tôi có thằng cháu bị đau bụng, nhờ bà nhận cháu là người nhà đưa cháu vào ngay phòng cấp cứu.
-   Thế sao ông không làm mà phải nhờ tôi?
-  Tôi với ông bác sĩ có chút khúc mắc, tôi ngại, tôi lo ông ấy … Mà thôi bà cứ nhận đi, tôi sẽ trả ơn bà.
Nói xong hắn nhét vội vào túi bà ta tờ năm mươi ngàn đồng. Tiền thì hắn không thiếu, hắn chỉ thiếu tình, mà người ở quê thì tình lại thừa  mà  tiền lại thiếu. Giúp được người thì cũng như làm được việc phúc, nên bà ta nhận lời ngay. Oái oăm thay cho hắn, một tình huống ngoài dự kiến xảy ra. Ông bác sĩ hỏi tên cháu là gì, bà lại không biết, nó sống ở đâu, bà cũng không biết, bảo bà ký vào giấy cam kết giải phẫu bà run bắn lên không ký. Bà sợ trách nhiệm  liên quan đến mình. Ông bác sĩ bảo đi tìm người nhà, bà chạy vội ra tìm ông. Loanh qoanh mãi bà mới tìm được ông. Nghe bà kể lại, hắn vội lấy bút ra ghi cho bà vào một tờ giấy, họ tên nơi ở của cháu, ghi cả tên mẹ cháu và bố cháu, phòng khi họ hỏi còn biết trả lời. Rồi hắn nhét vào túi bà một tờ giấy năm mươi ngàn đồng nữa, miệng bảo bà : “Bà cứ thay mặt tôi ký vào cam kết đi”. Cầm tờ giấy trên tay bà chạy lộn vào trong tìm ông bác sĩ. Vừa trông thấy bà, ông bác sĩ nói ngay: “Bệnh nhân là người nhà thủ trưởng cũ của tôi. Cháu bị lồng ruột, không thể đợi bà đi tìm ông ấy. Tôi đã bảo lãnh và mổ cho cháu rồi. Cháu đã tỉnh, bà ra bảo ông ấy vào đây gặp tôi”. Bà cám ơn bác sĩ và chạy vù ra tìm ông. Nghe bà kể lại đầu đuôi câu chuyện, chưa kịp nói câu nào với bà,  mặt hắn bỗng nhiên trở nên hồng hào rồi đột ngột tái đi. Hắn  đổ quị xuống.
Bà vội  tá hoả gọi người cấp cứu. Bác sĩ bảo: bệnh nhân bị choáng, có thể vì quá xúc động.
 
                                                                N.T.H
 
 
              
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 27
Trong tuần: 1179
Lượt truy cập: 436139
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.