Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHÈN ƠI!

Nhật Hồng
PHÈN ƠI!
 
Nó đúng là tuổi Tuất vừa sinh ra một tháng tuổi đã lạc loài côi cút. Út còn nhớ một sáng sớm xuống bến sông có tiếng rên rỉ trong bụi cỏ nga, Út đến gần: Một con vật bé nhỏ, mình mẩy ướt nhẹp nằm co cúm, hơi thở thoi thóp sắp chết vì lạnh. Út bế nó lên ném vào đống giẻ rách, đến chiều con vật dần tỉnh đi liêu xiêu cái bụng xẹp lép. Út luộc cơm nguội thành cháo cho vào một tí nước mắm kho. Con vật liếm láp giương đôi mắt bé xíu tròn lơ tròn lẳng nhìn Út như tỏ lời cảm ơn. Nó ngúng nguýt cái đuôi le lưỡi liếm liếm tay Út thân thiện. Út mắng yêu:
- Tổ cha mày! May tao đi xuống kịp, nếu không mày đã ngủm rồi!
Má Năm vừa bước vô cửa hỏi:
- Mầy nói chuyện với ai vậy?
- Dễ thương quá má ơi! Coi nè!
- Ủa! Con Phèn mà! Ở đâu vậy Út?
- Con lượm được ở dưới bụi nga hồi sáng sớm. Có lẽ đoàn người chạy tản cư làm rơi xuống sông. Má Năm chạy vội đến ôm lên nựng nịu. Nói:
- Ở đây với má con tao nghen! Con vật ủng ẳng ở cổ họng như thuận lời. Được vài hôm nó cứng cáp chạy tung tăng trong nhà. Bỗng tốp trực thăng cá lẹp gầm rú trên mái nhà. Ầm! Đùng! Những trái đạn rốc – kết xé rách đất, ngã nhào cây cối. Con phèn sợ cụp đuôi chung vô kẹt lu vãi cứt đái ra ngoài. Út Đèo kiếm mấy lượt mới gặp lôi xuống hầm trốn. Má Năm ôm nó vào lòng mà nghe tim nó đập thòm thọp. Có lẽ đây là lần đầu nó nếm mùi bom đạn. Con phèn lớn nhanh như thổi với bộ lông vàng mịn mượt mà, cánh mũi đen ươn ướt, mõm thắt lại trong rất dễ thương. Mấy anh du kích ghe chơi nói với má Năm:
- Con phèn nhân trung sâu sáng hơi dễ dạy, bốn chân thắt siêng năng nhanh nhẹn, cái đuôi cong vót ngay chính giữa tận trung với chủ. Má không nuôi để cho tụi con nuôi. Út Đèo chen vào:
- Dễ gì anh ơi! Từ ngày có nó, má em vui, bớt nhớ anh Ba, anh Tư của em.
Có con phèn như có thêm một thành viên trong gia đình. Nó chia sẻ những nỗi vui buồn, lo lắng của má Năm và Út. Những buổi chập tối, nó chạy ra đồng bắt chuột cắn cổ tha về bỏ ở đầu bếp, có bửa trúng hàng chục con to béo. Đặc biệt là nó chỉ cắn cổ, còn y nguyên mình tươi tắn. Quá thương mến, má Năm tắm cho nó bằng xà bông thơm, tối sợ mũi chích, giăng mùng cho nó. Nhưng phèn nào có chịu ở đâu? Nó sợ bị la rầy nằm giả bộ ngủ một chút, không ai để ý nó vọt ra sân, dong ra vườn. Ngày nó chuyển dạ đẻ má Năm lo như cho người. Má lui cui lót cái ổ ấm cho nó nằm. Thấy nó đau bụng nằm lã người nhìn Má. Má rướm nước mắt dỗ nhẹ:
- Ráng chịu đau đi con, chút sẽ hết. Má đã từng mà! Rồi mẹ tròn con vuông. Bốn chú nhóc ra đời, Nhà Má Năm rộn ràng tiếng ủng ẳng. Con phèn có một trí nhớ rất tuyệt vời. Một hôm Má Năm đem mấy cái áo cũ của Anh Ba, Anh Tư ra phơi sợ bị ẩm mụt… Con phèn đến cúi xuống hít hít cái mũi ruồi quay vào nhà nằm. Ít bữa sau, giữa đèn khuya khoắc bốn bề vắng như tờ. Bỗng con phèn chồm lén hực hực mấy tiếng rồi im lặng. Má Năm ngồi dậy nghỉ thầm trong bụng.
- Nếu là biệt kích thì con phèn sủa ong óng la còn chưa chịu nín. Còn lần này…lạ. Má rón rén bước đến bệ cửa. Bên ngoài trời tối đen như mực, hơi sương lạnh phả vào nhà. Con phèn hực mấy tiếng nửa về phía bệ cửa. Má hỏi nhỏ.
- Ai đó! Má thường gọi các con như vậy! Có tiếng trả lời rất khẽ:
- Con nè!
Má mở chốt cửa. Mấy đứa con tuôn vào đủ mặt cả. Má mừng phe phẩy tay áo. Má lo nhún nhíu đôi chưng mày. Nói :
- Các con về má mừng lắng nhưng sợ bọn biệt kích nó rình nhà má hoài đó!
- Đừng lo má ơi! Đêm nay bọn chúng ăn ỉa trong đồn còn chưa xong, đừng nói tới chuyện mò vô đây. Con phèn quấn quít bên chân thằng Ba, thằng Tư như đã quen nhau từ lâu. Má Năm chợt nhớ, Nó chỉ ngữi cái áo một lần mà nó phát hiện ra người quen trong đêm tối đen như mực.
Má Năm kể chuyện con phèn cho các con nghe ai nấy cũng đến vuốt ve. Con phèn như vui hẳn ra đi liếm tay chân từng người làm thân thiện.screenshot_1543
Khi bốn đứa con của nó lên hơn tháng tuổi. Con nào cũng ú na ú nầng còn mẹ thì ốm đỏng đảnh cái bụng. Má Năm hết sức tẩm bổ cho nó mà vẫn ốm. Một hôm trời tiết tháng mười sáng sớm gió Bắc thổi rì rào trên ngọn cỏ. Má Năm đang ngồi ăn giỗ nhà hàng xóm kế bên cách một cái mương rộng, Cây cầu bắt qua chong chênh. Má chợt nhận ra con phèn cắn cổ con của nó cất đầu lội qua mương. Khi đó, dưới chân của má đã có sẵn ba con nhóc nằm nghí ngố gậm xương. Nó đã đem qua đây lúc nào mà ai có hay. Cả đám có dịp mục kích con phèn dắt bốn đứa con đi ăn giỗ ăn xong, con phèn cũng dắt con về từng đứa bằng cách như lúc nó dắt qua. Con phèn không những đánh được hơi người quen, lạ. Nó còn nhận ra màu sắc một cách tuyệt vời. Có lần Má Năm đi tắm lên thay đồ quên đem quần áo theo. Má Năm nói chơi với nó:
- Vô lấy bộ quần áo màu đen đem cho má coi! Ngờ đâu phèn chạy vô buồng tha ra một bộ quần áo đen. Không phải bộ đồ cũ mà là bộ mới để dành ăn giỗ. Nó nguýt nguýt cái đuôi như ý muốn má mặc đồ mới. Má Năm coi phèn như con ruột, đi đâu cũng dắt theo, ăn cái gì cũng chia phần cho nó. Vắng một chút là má kêu kiếm.
Năm một chín bảy mươi hai, giặc đánh phá ác liệt. Ban đêm từng tốp trực thăng đi soi dọc theo những bờ kinh rạch, thấy người là bắn. Ngày thì bom, pháo xối xả không ngớt. Tình thế quá bắt buộc, má Năm tránh đi ít bửa cho qua buổi. Má cụ bị những vật dụng cần thiết xuống chiếc xuồng chèo Út Đèo chèo lái, con phèn ngồi giữa má bơi mũi. Má Năm nghĩ thương mấy đứa con của nó. Vì lời hứa mà má bấm bụng cho người ta. Ai cũng nài nỉ xin cho bằng được. Với câu:
- Nó còn đẻ chữa nữa mà, mặc sức cho má nuôi.
 Con phèn lặng lẽ nhìn hai bên bờ kinh, chóc chóc nó cúi đầu hạ mõm xuống sát mặt sông hít hít như để nhận định hướng đi. Hai bên bờ vắng ngắt không một bóng người.
Má Năm hối Út Đèo:
- Chèo riết cho khỏi khoảng này, nó thường đánh bom lắm đó nghe! Nói vừa dứt lời, hai chiếc còng cọc đảo vòng trên đầu. Út chèo mạnh tay. Má Năm chợt thấy cột lửa phía trước mặt, thân mình chừng như nhẹ cẩng lên, tai má còn nghe con phèn ẳng ẳng mấy tiếng. Má chìm vào vô thức.
Má Năm dần tĩnh cảm nhận được toàn thân đau đớn, đầu nhức buốc. Tay chân chừng như cử động không được. Có tiếng nói trong bóng đèn lờ mờ.
- Má Năm tĩnh rồi! Má tĩnh rồi! Trong chập chờn, má hỏi:
- Tui ở đâu vậy?
- Đây là trạm y tá tiền phương của bộ đội!
- Út Đèo ở đâu? Con phèn của tui đâu?
- Má nên tịnh dưỡng cho khoẻ. Út Đèo cũng đã khoẻ rồi, phèn thì không biết ở đâu? Có tiếng nói của ai đó chen vào:
- May cho Má! Trái bom rơi nổ xuống mé kinh nên độ sát thương ít. Nếu ở trên bờ thì má vào Út đã chết rồi. Vì quá gần sức ép đã hất xuồng và người lên bờ. Thật là khiếp! Má Năm và Út Đèo bị tức hơi người xay sát, được chữa trị hôm sau khoẻ lại ngay. Má nhớ con phèn ăn ngủ không yên. Nhờ người đi tìm kiếm nhưng vô vọng. Má cứ lẫn quẫn trong đầu óc: “Nếu nó chết thì thấy xác, còn sống thì còn người gặp. Hãy là đã... vào nồi rồi...”
Má hình dung con phèn năm giẩy giụa trong bao, người ta đem chấn xuống nước đến khi chết ngộp bên nồi nước đang sôi ùng ục. Má buồn, nước mắt ứa ra. Ai khuyên can gì cũng không được. Nhắm mắt lại là thấy con phèn. Có khi thấy nó ngồi xẩn, chỏi hai chân trước buồn thiu nhìn nồi thịt bốc khói. Má Năm đến vuốt ve nó, bỏ đi tuốt không ngoái đầu lại. Tiếng lá khua xào xạc, má cũng ngỡ bước chân con phèn. Tiếng sủa của chó từ xa vọng lại, má cũng bước ra ngóng nhìn, tìm kiếm. Út Đèo bề ngoài an ủi má bỏ quên đi, nhưng về đêm gói nước mắt trong khăn mà thương nhớ con phèn.
Ngày áp Tết, má Năm ngồi bên mép cửa nhìn ra sân vắng ngắt, xóm làng thưa thớt buồn hiu hắt. Đạn pháo từ chi khu của giặc bắn vào cầm canh, má Năm nói với Út Đèo:
- Nghĩ mà thương cho con phèn, nếu giờ này nó còn trong nhà đón tết vui biết mấy? Đã chín tháng thiếu năm ngày. Còn trông đợi gì nữa. Từ chỗ bị bom cách đây mười lăm cây số, đường sông nước, dẫu nó có sống đi nữa, biết đường đâu mà về nhà. Má Năm đưa chéo khăn rằn chậm chậm khoé mắt. Nói như trong mơ:
- Sáng nay, mẹ con mình thịt con cá lóc ăn đỡ, còn thịt heo để chiều làm mâm cơm cúng rước ông bà. Phần nào dành cho anh của con thì để riêng, coi chừng nó về bất tử lắm đó. Út Đèo đang ngồi cạo vẩy con cá lóc, cằm gát lên đầu gối lặng lẻ. Bỗng có tiếng chó sủa văng vẳng từ xa, mỗi lúc một gần, gần hơn. Như có cơn gió lốc cuốn tung toé lá theo chân con vật. Từ ở phía sau vườn một cái bóng cấm đầu phóng miết về phía Út Đèo. Nghe tiếng chân dồn dập, Út Đèo ngẩng đầu lên, hoảng hốt:
- Má ơi! Má!
Con phèn nhảy cẩn lên đầu lên cổ, le lưỡi liếm lia lịa vào mặt mũi Út Đèo. Má Năm nghe la, đứng dậy chậm chạp bước ra sân. Con phèn bỏ Út Đèo chồm lên ngực má hai chân trước xô đẩy má vào nhà. Má Năm ôm phèn vào lòng rưng rưng nước mắt. Phèn mừng nguýt đuôi rỉ nước đái ra ngoài. Chỉ có mấy tháng mà con phèn thay đổi lạ. Lông của nó không còn mượt như xưa mà xạm màu cằn cổi. Mình mẩy đẩy vết tích, đỉnh đầu một vết thẹo dài xuống khoé mắt. Ở cần cổ có ngấn như dây luộc xiềng xích trơ trọi, lớp da chai mốc. Cặp mắt mất đi màu đen lánh mà thay vào màu đỏ ngầu ngầu hung tợn. Tính tình gắt gõng thường nhe răng gầm gừ với người lạ mặt. Má Năm mân mê sờ sẩm từng vết tích trên mình con phèn như để chia sẻ. Nói với Út:
- Mèn ơi! Hai đầu gối của phèn rụng lông hết trọi trơ, nhúm da nhăn nhèo. Có lẽ nó vượt muôn ngàn bờ cỏ rậm. “Bao nhiêu là gian khổ mày đã trải, phèn ơi là phèn!” Má Năm vừa nói mà nghẹn ở cổ. Từ nay, má không để mẹ con mình chia lìa nhau.
Chiến tranh ngày một ác liệt hơn, những trận đánh lớn đầy chết chóc, kéo dài nhiều ngày. Giặc tăng cường mọi cách đánh bật bộ đội cách mạng ra khỏi thôn xóm. Ngược lại, bộ đội ta quyết bám trụ, bao vây chia cắt địch vào thế gọng kiềm, xoay trở khó lưỡng nạn. Mỗi người dân quân phải phấn đấu hơn để giành thắng lợi từng bước đi, từng vùng đất. Ngay ở phần đất má Năm đào bốn cái hầm bí mật an toàn. Bộ đội du kích thường bám trụ ở đây. Vừa mới ra giêng, giặc mở những trận càn lớn ở khắp nơi, ngày đêm không ngớt tiếng máy bay trên đầu và đạn pháo. Má Năm nói với Út:
- Chuyến này dẫu có chết cũng ở tại nhà. Không đi đâu hết. Má đã xay hàng chục giạ gạo cất giấu dưới hầm. Phòng khi có giặc đủ gạo, muối là khỏe re. Tao thấy tình hình này không lâu lắm đâu. Thế nào ta cũng thắng một ngày thật gần.
Bửa cơm sáng vừa xong, Út chưa kịp rửa chén thì máy bay quần đảo trên đầu dữ dội. Đủ loại máy bay: đầm già, còng cọc, trực thăng… Anh Tám du kích xã chạy lại nói nhỏ với má Năm:
- Nó đỗ quân xuống cánh đồng phía sau nhà rồi đó! Má lo chuẩn bị xuống hầm nghen! Út nhìn má Năm hỏi:
- Con phèn làm sao má?
- Không biết làm sao đây?! Đem xuống hầm, nghe lính đi trên đầu nó hực bụm mỏ sao kịp. Để ở trên, chúng gặp bắn ăn thịt. Biết phải làm sao đây? Còn đang phân vân, trái pháo nổ bên hông nhà khét nghẹt, đạn miểng bay rào rào. Con phèn dỏng đuôi biến mất. Trái thứ hai rắt réo trên mái nhà. Út kéo má Năm xuống hầm, đạn nổ trượt qua sân, nấp hầm rung chuyển, lổ tai lùng bùng. Sau đợt đạn pháo cày xới tứ tung, Út và má Năm nghe rầm rập những bước chân người. Lục soát, chửi bới, súng nổ lẫn lộn không phân biệt được. Út lắng nghe trong mớ âm thanh đó có tiếng của con phèn hay không? Không! Út mừng thầm:
- Vái trời đừng có cái gì xảy ra với con phèn. Trời chừng như đã xế chiều mà giặc còn tới lui chưa rút. Bỗng có tiếng nói, Út nghe rõ mồm một:
- Khu vực này có hầm bí mật, bọn chỉ điểm đã đánh dấu rồi đó. Cấp trên ra lệnh moi cho bằng được. Ba đứa bây chia nhau mỗi đứa một bờ cỏ. Tìm được sẽ trọng thưởng, mặc sức mà ăn xài.
Út bấm tay má Năm, má Năm lo lắng bồn chồn trong dạ. Trong ba cái bờ cỏ đó, có hầm bí mật ở cuối vườn. Mặc dầu cách một con mương lạng nhưng má Năm nghe được từng mũi chỉa chạm vào đất sừng sực phát ớn xương sống. Chừng như bọn chúng xom gần đến điểm. Má Năm, Út đứng tim nghe ngóng. Bỗng có tiếng la lớn:
- Bây ơi! Tiếp tao! Rồi tiếng của một con vật gầm ngừ như ngậm xương. Tiếng la đứt khoảng. Trời ơi! Chết… Tiếng con phèn ẳng ẳng ngấu nghiến, tràng súng nổ cực nhanh. Tiếng người rên rỉ:
- Nhức quá bây ơi! Nó gậm nát cánh tay của tao rồi!
 
Bọn chúng hú gọi nhau đến kè thẳng bị chó cắn. Thằng bị chó cắn lải nhải:
- Đ… má! Bắt được tao bầm nát như tương.
- Bầm làm gì? Luộc cơm mẻ ngon hơn. Cái đồ hư đốn, làm không lại con chó mà phách lối cái miệng.
Có tiếng hối thúc:
- Máu ra nhiều quá, băng bó nhanh lên!
Má Năm và Út nghe rõ không xót lời nào. Vừa mừng, vừa lo. Mừng, chúng bận tay không xom chỉa tìm hầm bí mật. Lo cho con phèn với loạt súng đó! Má Năm lầm nhầm trong miệng:
- Tội cho con phèn!
 
Trời chừng như đã khuya, bốn bề vắng ngắt Má Năm và Út chui lên hầm nghe ngóng. Không biết chúng còn biệt kích lại không? Có bóng người từ phía bờ ruộng đi vô. Má nhìn kỷ, thấy quen hỏi:
- Chú Tám hả?
- Chị Năm và Út có sao không?
- Tôi lo cho chú quá! Tôi nằm dưới hầm nghe từng mũi chỉa nhọn hoắc.
 
Chú Tám nói:
- Tôi cám ơn con phèn! Nó đã cứu tôi. Nếu không thì trái lựu đạn này chia hai với bọn lính. Con phèn đâu rồi chị?
- Đâu có biết! Tôi cũng vừa mới lên đây!
- Bà con mình an toàn là tôi mừng. Cẩn thận nghe chị. Chú Tám quay lưng còn nói ngoái lại:
- Chị nhớ cám ơn con phèn dùm em. Hôm nào em thưởng nó nửa ký thịt nạc. Chú Tám lẫn vào bóng đêm.
Con phèn cảm nhận được sự chăm sóc của má Năm và Út nên nó cứ quấn quýt bên chân không rời bước. Mấy đêm liền má năm không ngủ được, vừa chợp mắt lại giật mình như ai gọi. Má lo cho thằng Ba, thằng Tư không biết có sao không?
Tuổi già phần lo lắng cho các con, má Năm lâm bệnh, con phèn nằm trực chờ dưới giường Má Năm không rời nửa bước. Út đi nấu cháo nó theo ngồi một bên thấy mà thương. Má năm được Út tận tình chạy chữa thuốc men và bà con lối xóm, bộ đội địa phương trợ giúp nhưng một hôm má trút hơi thở trên giường. Trước khi tắt hơi má còn đưa tay vẫy vẫy con phèn. Út thấy vậy lấy tay má rờ lên đầu con phèn vuốt vuốt mới chịu buông lơi.
Chôn cất má Năm vừa xong, con phèn cũng bỏ ăn nằm dã dượi, có khi đi lang thang ngoài bờ ruộng, lanh quanh phần mộ của má Năm mõm cúi sát mặt đất hít hít rồi ngước nhìn về hướng gió. Có khi nó lặng lẽ nằm dưới gầm giường, nơi mà má Năm thường nằm, mắt lim dim buồn. Út Đèo cho là con phèn bịnh nên tìm đủ thứ thuốc cho uống, đúc cháo cho ăn, nó chỉ liếm láp lấy lệ rồi nhắm nghiền đôi mắt. Mới có mấy hôm mà thân mình nó ốm nhôm ốm nhách, bước đi liêu xiêu, chậm chạp ra nằm ngoài phần mộ từ khi trời mát cho đến khuya mới vào nhà. Út lo lắng, buồn theo nó, một hôm con phèn nằm chết bên phần mộ của má Năm, Út buồn chôn con phèn bên cạnh mộ của má.
Buổi chiều Út ra thăm má Năm, thấy một người đàn ông ngồi xù xụ như pho tượng nơi chôn con phèn. Út đến gần nhìn kỷ:
-  Chú Tám hả?
-Ừ! Tao đã mang ơn con phèn lớn lắm, chỉ có nửa ký thịt nạc mà không thực hiện được! Buồn quá Út ơi!
Chiến tranh đã qua lâu, kẻ mất người còn, kẻ quên người nhớ. Nhưng ở xóm quê không bao giờ quên cái tình con phèn với Má Năm!
 
                                                                N.H
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 19
Trong tuần: 748
Lượt truy cập: 426611
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.