Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NÓNG BỎNG KÝ ỨC

Dương Thiên Lý

z3520933410329_a73a184d0be8eaa293417cbfe3a7d8ca

NÓNG BỎNG KÝ ỨC   
          
             Người lính cất bước ra đi, rời xa tiếng ca quan họ Bắc Ninh vắng xa trên dòng sông Cầu. Nơi mà con nước xưa đã tắm mát một thời của tuổi thơ anh, nay đã trở thành một cựu chiến binh. Thương tá Phạm Thế Hoàn, người trai thị trấn tỉnh Bắc Ninh. Qua lần mời của các anh chị muốn gặp một tác giả vùng sâu vùng xa, vùng đất đầu gối Trường sơn, vai kề biên giới. Lại được sự ưu ái của người bạn đọc phương xa ở Bắc Ninh. Tôi thực sự thấy hạnh phúc và hâm mộ những người lính trở về sau trận mạc. Các anh chị mời tôi ngồi xuống bên cạnh mọi người.
          Anh thỏ thẻ tâm tình kể lại từng đoạn, từng chương của tôi mà anh đã đọc. Anh nói, tại cô là giáo viên mà cô lại hiểu tâm lý và các sinh hoạt của người lính qua các cuộc chiến đấu, qua các địa chỉ. Con sông Thạch Hãn, trận đánh ác liệt ở làng Vây, Đường 9 - Nam Lào… trong cuốn tiểu thuyết “Chiều vụn” của cô? Chưa hết, nhất là chương 2 của cuốn tiểu thuyết “Nước mắt đắng”. Ôi thật thương xót cho những tình cảm rất thực của từng đôi vợ chồng trong bom đạn. Họ tranh thủ từng giây phút trong cuộc chiến đấu sống còn. Sự đời nó thế chăng? Con người vốn sinh ra cho tình yêu, hạnh phúc! Nhưng chiến tranh chống quân xâm lược, buộc những đôi trai gái phải dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vô điều kiện cho đánh giặc, kể cả ở cái cối xay thịt Thành cổ Quảng Trị...
           Anh thượng tá vừa nhấp một ngụm trà xanh, rồi anh nói tiếp: “Rất tiếc cuộc chiến đấu ấy tôi chỉ có giam gia ngoài rìa, rồi tiến thẳng vào Quảng Nam, Quảng Ngãi”. Anh đang say sưa kể hàng trăm trận đánh lớn nhỏ mà anh tham gia. Hình như anh có một cảm xúc hướng mắt nhìn về một góc trời phương Nam và thở dài. Thời gian lăn lóc với bom đạn, với chiến trường khốc liệt Quảng Nam. Chiến trường Quảng Đà vô cùng gian nan và nguy hiểm. Trên trời B52 vãi bom đạn cày xéo thành hồ, thành sông. Máu chảy đỏ ngầu nhuộm tím bầm cả ruộng đất. Ngoài cửa biển Đà Nẵng pháo kích chiu chíu, viu viu, choang choác, đùng đoàng nổ đinh tai điếc óc. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bụng đói thiếu cơm, đau ốm thiếu thuốc. Khi súng thiếu đạn. Gạo ở miền Bắc không vận chuyển vào Nam được. Xuống đồng bằng lấy gạo thì bị địch phục kích ngăn chặn. Lên rừng sâu bị địch thả chất độc hóa học, cỏ không mọc nổi, huống gì trồng rau màu, ngô lúa. Sự sống chết treo trên từng sợi tóc. Do đó khoai sắn của đồng bào dân tộc chết hết, cây rừng trút sạch lá. Bộ đội đói không hoạt động được. Cấp trên cho trung đoàn 26 và trung đoàn 41 lui về phía sau. Có một số anh em chiến sĩ trên đường hành quân lên cơn sốt rét. Da dẻ tái xanh như tàu lá chuối, nhiều lúc phải nằm lại dọc đường. Lợi dụng thời cơ ấy, địch đã cho bọn gián điệp lên rừng giả danh bộ đội, giả vờ sốt nằm mắc võng nằm lại bên bờ suối và bìa rừng để được các đơn vị thu dung đưa về đơn vị...
           Sáng hôm sau! Một trận mưa lũ đổ xuống hối hả. Giội xuống phần đất trung đoàn 575 pháo binh. Đường xá lầy lội, mưa lũ sạt lở, làm cho việc di chuyển của trung đoàn pháo khó khăn lại càng khó khăn thâm. Trong lúc đó, cán bộ chiến sĩ trung đoàn sức khỏe yếu dần, và đi đến kiệt sức. Do đó tên gián điệp dễ dàng thu nạp vào đơn vị đại đội 12 tiểu đoàn 3.
          Sau nhiều lần bị địch đánh phá, tổn thất, đơn vị đã theo dõi và phát hiện. Đã bắt quả tang khi tên này dung bộ đàm liên lạc về trung tâm. Bắt được tên gián điệp, đơn vị cử người đưa về A Sanh - A Sở. Nhưng do mất cảnh giác, tên này trốn thoát. Từ đó, chúng mang quân càn quét khu hậu cứ. Tất cả các đơn vị đóng trên địa bàn đều bị đánh phá tan tác. Trong khi đó, Quân khu 5 lệnh cho tiểu đoàn 575, phải bằng mọi giá đánh vào khu cảng Tiên Sa (Bán đảo Sơn Trà), nơi có nhiều sĩ quan Mỹ nghỉ ở dấy.
             Sau nhiều lần nghiên cứu địa hình, chúng tôi quyết dịnh mạo hiểm, đưa pháo lên cao ngang sườn đèo Hải Vân (Trên hầm số 2) để bắn ra cảng Tiên Sa. Quyết tâm là thế, nhưng thực hiện khó khăn và phức tạp vô cùng. Đang trên đà kéo pháo, B52 đã phát hiện. Chúng đã đem bom rãi thảm xuống trận địa. Bom giập nát hết đường trọng điểm. Khó khăn chồng lên khó khăn. Cuộc sống đơn vị lắm lúc đến ngạt thở, vì sức và lực quá chênh lệch. Mình đã thua hẳn đối phương, giặc Mỹ trên không, mình dưới đất, di chuyến tránh trú rất khó. Cơ giới lại còn kém nữa. Lính Việt Nam ta chỉ còn lòng can dạ và lòng yêu nước quá nồng nàn. Nên bất chấp tất cả, sức mạnh nào cũng không qua sức mạnh yêu nước. Sức mạnh và chân lý của lý tưởng các mạng. “Không có gì quý hơn độc lập tự do!" Cán bộ và chiến sĩ ta, đưa hết tinh thần yêu nước để cá cược với giặc Mỹ!..
           Anh kể lại chiến tranh một thời đã qua mà anh thở dài. Chiến tranh đã đi qua, mình đổi lấy nền độc lập. Thật dắng cay và bi ai lắm. Đơn vị của của anh thực thi đợt một vẫn đứng vững trận địa. Cuộc hành quân để giành trận địa lần 1 chưa đạt được mục đích. Anh thượng tá Phạm Hoàn lại đứng dậy, nhìn ra một góc trời xa. Tuồng như anh nhìn vào hướng trận địa cũ phía Nam, hồi tưởng kể tiếp: “Quyết định lần 2: Trinh sát đề xuất đưa pháo ra bờ biển sát mép nước, để có tầm bắn chính xác tới mục tiêu. Nhung phương án này cũng gặp nhiều khó khăn. Phải vượt qua đường Quốc lộ số 1, nơi địch kiểm soát chặt chẽ, không thể thực thi được nhiệm vụ. Suốt đêm hôm đó, không sao ngủ được”
          Lần thứ 3: Một phương án vô cùng táo bạo hơn được đề xuất, là đặt trận địa sát vào kho xăng Liên Chiểu, gây yếu tố bất ngờ. Khi đánh, đề nghị đặc công, bộ binh phối hợp kiềm chế địch để pháo binh thực thi. Đây là phương án hết sức mạo hiểm, được mặt trận 44 đồng ý. Cấp trên cử đồng chí thượng tá Hồ Quang Đàm xuống động viên đơn vị. Đồng chí đến động viên từng cán bộ chiến sĩ và quàng khăn đỏ cho các cán bộ tham gia trận đánh với tinh thần quyết tử.
          Được các đơn vị đặc công, bộ binh phối hợp, đơn vị anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt. Phía ngoài biển địch bắn ca nong. Kích bụp….xiu xiu… đoàng!.. Trên trời lũ diều hâu quần rú, khạc ra những vòi lửa đạn đỏ lòm xuống. Vùng đất xanh um cây cối trở nên cháy rụi. Cũng may pháo của ta lúc đó đang hăng say của tuổi xuân mười tám đôi mươi. Họ ngoan cường trước bom đạn quân thù, họ hiên ngang bất khuất trước kẻ thù, quyết không đội trời chung. Máu yêu nước thương dân đã trỗi dậy sống còn với loại mặt thú lai tính người.
           Trân đánh đó thắng lợi to lớn. Đơn vị pháo và các đơn vị bộ binh phối hợp với nhau. Đánh nhanh, diệt gọn 200 sĩ quan Mỹ cảng Tiên Sa. Song anh thở dài, nhớ và thương lắm đồng đội của tôi...
          Một kỷ niệm khó quên của trận đánh vào tháng 09 năm 1969 của trung đoàn pháo binh 575 Quảng Đà, sau này đơn vị anh được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ tràn nhân dân. Sau trận đánh đó anh làm một bài thơ. Có tựa đề : “Kỷ niệm không quên”:

Một chín sáu chín khó quên
Đói cơm vẫn phải trực bên lưng đèo
Đá dựng tai mèo dốc đứng chênh vênh
Suối sâu vực thẳm thác ghềnh
Gùi đạn, vác pháo cồng kềnh khó đi
Phần ăn thì chẳng có gì
Môn thục, môn giác đỡ khi đói lòng
Đang cơn gian khó long đong
Nghe tin Bác mất đau lòng xót xa
Chúng con người lính xa nhà
Từ nay vĩnh biệt cha già kính yêu
…………

(Trích bài “Kỷ niệm không quên” của Thượng tá Phạm Thế Hoàn tháng 09/01969)

          Đúng vậy, thượng tá Phạm Thế Hoàn văn võ lại song toàn đến thế. Không trách có nhà lãnh đạo Mỹ nói, Sợ nhất là Việt Nam, một người lính cũng là một nhà thơ. Một người lính cũng là một nhà văn. Trong những năm tháng ác liệt ấy, anh là một thượng tá pháo binh. Bây giờ anh từ trong khói lửa anh bước ra. May mắn trời giữ lại mạng sống để anh trở về quê hương. Sống sót được, nhưng anh nước mắt lung tròng. Nếu chồng chềnh một chút nữa là tuôn chảy ra thôi. Nhưng anh đã cố nén giữ nước mắt lại. Anh đứng trước bàn thờ tổ tiên cầu nguyện. Anh nhớ lắm nơi đồng đội tôi ngã xuống để cho anh được sống hôm nay. Anh nhớ một thuở đạn bom, xác xơ lau cỏ. Giờ anh về thăm lại chiến trường xưa anh nói: “Sau những ngày xa cách chiến trường xưa, để trưa nay anh về đứng ở cầu. Gió Lào tung bay tóc bạc, lất phất ký ức vướng mái đầu xanh ngày ấy. Cuộc đời binh nghiệp lắm bể dâu. Anh tần ngần trở về cuội nguồn cũ. Nhớ bóng dáng o thanh niên tiếp đạn tải lương giúp đơn vị anh vượt thác. Anh thốt lên lời nghèn nghẹn: “Bóng dáng em đâu? Chỉ có lối cũ anh về”. Để gốc cau già rễ trồi lên mặt đất, anh không dám hình dung em nữa. Chỉ sợ gió rung mo cau rơi mất, anh đành làm ngọn gió lang thang. Tìm trên mảnh vỡ rỉ han cầu Hòa Vang, còn thấm máu các em nằm hòa cùng bụi đỏ. Để anh nhẩm đọc bài thơ ngày xưa anh viết dỡ. Rồi anh buông thả cuối dòng ba chấm lãng đãng rơi! Và nay anh đứng trên đèo Hải Vân nhìn xuống, anh đọc tiếp mấy câu thơ nữa:

“ Thác đang mãi tung bờm vách núi
Phố xá thì bộn bề cát bụi
Nên tôi làm thơ để đi tìm em.
Nay em ở đâu?
Trên dốc đèo cao hay vực thẳm
Để anh vẫn mãi đi tìm đồng đội của anh…”

          Thương lắm đồng đội ơi! Bóng đã xế tà. Hoàng hôn đã buông xuống tôi khép lại bà lú. Anh tiễn tôi ra về với một câu quan họ Bắc Ninh. Làm cho tôi bịn rịn người ơi! Người ở đừng về. Người ơi! Giọng của anh cựu chiến binh 73 tuổi sao mà ngọt lịm thế…
          Thôi xin chào anh nhé em về. Thượng tá Phạm Thế Hoàn vời vợi nhìn vào phương Nam. Anh đưa tay chào tạm biệt…
                                                                               D.T.L
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 35
Trong tuần: 720
Lượt truy cập: 449783
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.