Đỗ Ngọc Yên
CHÂN THẬT VÀ HỒN HẬU LÀM NÊN GIÁ TRỊ
Thật tình cờ tôi có trong tay tập thơ Thương chi lạ, của nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình, Hội viên Hội NVHN. Theo tôi được biết thì đây là tập thơ thứ 3 của anh, sau hai tập trước là Bốn mùa thương nhớ (2022) và Còn lại yêu thương (2023). Vậy chi ba năm gần đây, mỗi năm Nguyễn Sỹ Bình cho ra đời một tập thơ.
Tôi thật sự bất ngờ khi biết anh là một cán bộ quản lý thị trường, công việc bận hơn nuôi con mọn, vậy mà không hiểu anh lấy đâu ra thời gian để làm thơ cơ chứ, một lĩnh vực hoạt động tinh thần chẳng liên quan gì đến công việc quản lý thị trường của anh.
Một bất ngờ nữa người viết Lời đầu sách cho anh lại là “Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa với một tuyên bố xanh rờn lấy làm tựa đề cho bài viết của Lão ý: Thêm một người làm thơ là thêm một sự lương thiện. Cũng chả biết độ xác tín trong tuyên bố của Lão Khoa đến đâu. Mặc. Tôi thấy thế là mừng cái đã. Ở cái thời buổi nhiễu nhương này thật, giả, trắng, đen, thiện, ác cứ lộn tùng phèo cả lên, mà nghe Lão Khoa nói thế thì tạm thời hãy tin cái đã.
Tuy là công tác ở một chi cục quản lý thị trường địa phương của Hà Nội, nhưng Nguyễn Sỹ Bình đã đặt dấu chân lên nhiều vùng miền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Hà Nội là nơi anh để lại nhiều dấu ấn trong thơ nhất, có tới 6 bài: Sông Hồng ngày cuối năm, Về Hà Nội đi em, Hồng Hà và tôi, Nhớ Hà Nội, Làng tôi, Quê hương và Mẹ. Ngược miền Tây Bắc anh có bài: Mùa vàng Tây Bắc. Xuôi Quảng Ninh thì có: Hạ Long đêm trăng. Vào miền Trung và Tây Nguyên lại có Huế và em, Chiều Kontum, Lỡ hẹn Cà Ty (Bình Thuận). Riêng về quần đảo Trường Sa, nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình có hẳn một chùm 9 bài: Trường Sa ơi, Đến Trường Sa, Đảo Sinh Tồn, Hoàng hôn trên biển Trường Sa, Lính đảo Song Tử Tây, Đảo Trường Sa, Trăng biển đảo, Nhà giàn, Lễ tưởng niệm trên đảo Gạc Ma.
Nói như vậy để thấy nhà thơ Nguyễn Sĩ Bình là người đi nhiều, biết lắm. Để ghi lại những nơi mình đến, những cái mình đã trải nghiệm, anh đã lưu giữ chúng lại bằng thơ. Âu đây cũng là cách mà nhiều nhà thơ thường làm. Cũng như họa sĩ thường lưu lại kỷ niệm bằng những bức tranh. Các nhà nhiếp ảnh thì lưu lại bằng những khuôn hình. Các nhà văn thì lưu lại ký ức bằng những trang văn…
Tập thơ Thương chi lạ dày 107 trang, khổ 15x23,5cm, gồm Lời đầu sách của Trần Đăng Khoa, một bản nhạc in cuối sách và ở giữa là 86 bài thơ. Thơ Nguyễn Sỹ Bình thường ngắn và được chia theo khổ gồm 4 câu. Chỉ có 2 bài Làng tôi (7 khổ) và Quê hương và Mẹ (12 khổ), số còn lại từ 4- 6 khổ.
Trong tổng số ấy được phân bổ theo các thể thức như sau: Bát ngôn (8 chữ mỗi câu) là 40/86; Thất ngôn là 24/86, Ngũ ngôn là 12/86; Tự do là 10/86. Trong tập này, Nguyễn Sỹ Bình không viết Lục bát, Song thất Lục bát, Thất ngôn tứ tuyệt hay Lục ngôn. Ngoài 10 bài được viết theo thể thức thơ Tự do, còn lại 76 bài được tác giả viết theo các thể thức thơ truyền thống phương Đông, chủ yếu là ảnh hưởng của thơ Trung Quốc thời kỳ trung đại với những quy chuẩn niêm luật rõ ràng, chặt chẽ đến mức trở thành hình mẫu của nền thi ca Trung Quốc thời bấy giờ. Và các thể thức thơ ý của Trung Quốc đã có ảnh hưởng chi phối thơ ca Việt Nam Trung- Cận đại. Ngay của khi Phong trào Thơ Mới (1932-1941) ở Việt Nam ra đời từ sự ảnh hưởng của thơ ca phương Tây, chủ yếu là thơ Pháp, thì các thể thức thơ truyền thống như tôi vừa nói ở trên vẫn còn tồn tại cho đến tận hôm nay, đặc biệt là đối với nền thơ ca chống Mỹ.
Thương chi lạ là tập thơ viết khá đều tay, không có bài nào quá nổi trội, cũng không có bài nào dưới mức trung bình, dù được tác giả viết dưới thể thức nào. Tuy nhiên vẫn có những câu, những khổ khá hay, đọc thích:
Yêu mến ai, yêu cả lối đi về
Trao đi hết, chỉ yêu thương ở lại
Giữ ngọn lửa trong tim luôn ấm mãi Cho hôm nay và những tháng ngày sau
(Ngày đi qua)
Hay:
Sông mùa này không đỏ nặng phù sa
Mà hờ hững chảy xuôi nơi cuối bãi
Con đò nhỏ lững lờ trôi theo lái
Cầu Long Biên in bóng nước sông Hồng
(Sông Hồng ngày cuối năm)
Và:
Ngược dòng thời gian về tháng ba xưa
Mộc mien cháy đỏ, triền đê chiều nắng
Hoa xoan tím trên lối đi vẳng lặng
Em đi rồi để nỗi nhớ cô liêu
(Tháng Ba xưa)
*
Trong Thương chi lạ của Nguyễn Sỹ Bình, tôi thích những bài thơ viết theo thể thức Ngũ ngôn (5 chữ/câu), gồm có 12/86 bài, mà bài nào viết cũng ổn, dù mức độ hay và chưa hay có khác nhau. Tuy số lượng bài không phải là nhiều so với các thể thức thơ khác, nhưng phần thơ Ngũ ngôn của Nguyễn Sỹ Bình đã làm sáng cả tập thơ lên.
Ở những bài Ngũ ngôn, phần lớn có cấu tứ thơ rõ ràng, giọng điệu thanh thoát, ngôn ngữ biểu hiện mộc mạc, giản dị mà tác giả vẫn chuyển tải được thông điệp ý tưởng muốn gửi bạn đọc yêu thích thơ mình. Tôi cho rằng đấy là thành công rất đáng ghi nhận của Nguyễn Sỹ Bình mà không phải ai cũng có thể làm được. Thể thức thơ Ngũ ngôn như là một thế mạnh, thậm chí là một nghệ hiệu của thơ Nguyễn Sỹ Bình.
Chúng ta hãy đọc ngẫu nhiên hai bài Ngũ ngôn trong tập Thương chi lạ để có thể thấy được Nguyễn Sỹ Bình dường như có nghề làm thơ theo thể thức này:
Gọi nắng bớt gắt gao
Gọi mưa thôi nặng hạt
Gọi mây đừng phiêu dạt
Che mất lối em về
Gọi gió những đêm hè
Ru em ngon giấc mộng
Gọi biển xanh đừng động
Sóng lớn làm em say
Gọi ánh trăng đêm nay
Sáng trong xua bóng tối
Bước em đi trên lối
Năm tháng đưa em về
Gọi trong cả cơn mê
Gọi bốn mùa thương nhớ
Gọi tình yêu một thuở
Gọi chút tình hanh hao
Gọi kỷ niệm năm nào
Gọi nỗi buồn day dứt
Gọi trái tim đánh mất
Gọi em một kiếp này.
(Gọi)
Lời thơ như tự bung xõa ra, không cần phải lo luận ý, lượm tứ gì, cứ thế mà tuôn trào một cách tự nhiên nhất có thể. Ở đây người đọc không thấy bất cứ dấu tích nào của sự “làm văn, làm thơ” cả. Thậm chí dường như trong 5 khổ của bài Ngũ ngôn này, người đọc không tìm thấy dấu tích của sự can thiệp từ lý trí của người thơ ở đâu. Cảm xúc hoàn toàn khuynh loát lý trí. Có lẽ vì thế mà bài thơ trở nên hơi nhiều lời, dài và có đôi chỗ hiệp vần khá dễ dãi chăng?
Và đây là một bài Ngũ ngôn ngẫu nhiên khác trong tập Thương chi lạ.
Đi qua câu hát ru
Bước qua thời thơ ấu
Chạm ngưỡng cửa cuộc đời
Một hành trình phấn đấu
Vượt qua một chặng đường
Thuận lợi với gian nan
Một đời người nếm trải
Còn yêu thương nồng nàn
Muốn bước qua thời gian
Quay về miền ký ức
Tìm lại câu ca dao
Của một thời đánh mất
Như về nơi bắt đầu
Đã thấu hiểu nông sâu
Bản tâm như bàn thạch
Dù đời… xô đi đâu
(Quay về)
Bài Ngũ ngôn thứ nhất là một bài thơ tình, còn bài Ngũ ngôn thứ hai là một bài thơ thế sự. Dù là thơ tình hay thơ thế sự, người đọc cũng không thấy Nguyễn Sỹ Bình phải “cố gắng ra vẻ” làm thơ. Mà dường như ngôn từ cứ như dòng suối mát tự mạch nguồn của người thơ chảy ra. Không phàn nàn, oán trách, không cay cú được thua, không lụy mới hay cũ, mà cứ chân thật, hồn hậu như thế đã làm nên giá trị thơ của ông cựu cán bộ quản lý thị trường Nguyễn Sỹ Bình.
Chúc mừng nhà thơ!
Dịch Vọng, Cầu Giấy, HN, 25- 12- 2024
Đ.N.Y