Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

MÙA ỎNG ĐANG XANH

Trần Tâm

 MÙA ỎNG ĐANG XANH                                                        

    Dọc những băng tầng, đầu đường khai thác than đã bỏ từ lâu rải rác khắp vùng đồi quê hương tôi ngập tràn cỏ dại và những lùm cây bụi. Mỗi năm vào mùa đông ken, đất khô rát, lửa lại rần rật cháy. Cỏ cây xơ xác úa vàng góp sức cho ngọn lửa hừng hực, phút chốc thiêu trụi hết thảy. Chỉ sau vài giờ, những triền đồi như được sơn phủ một lớp tro than. Thế rồi, qua những ngày sương mù như bưng lấy mắt, sức sống tiềm ẩn của cây cỏ lại vươn dậy. Lửa chỉ cháy lá, đốt cành. Mầm sống bật lên từ gốc. Vài hôm sau, màu xanh tơ non đã tràn lên. Lúc đầu còn lẻ tẻ sau rồi ào ạt từng ngày từng giờ. Vào xuân, trong những cơn mưa duyên dáng nhẹ nhàng như cài như đan, cỏ cây tràn lên, xanh om suốt những vạt đồi.

    Đóng góp tích cực vào màu xanh ấy là ỏng. Một loài cây có họ hàng gần gũi với lau le. Lửa chỉ đốt cháy được phần khô rác. Đất lở, đá lăn làm nó bật gốc, trôi dạt theo những dòng nước xối do mưa tạo thành nhưng bám vào được đất là màu xanh nhú ra mập mạp, cứng cát không dễ gì làm chết được.

    Chúng tôi thường cùng nhau len lách qua các vai đồi ấy rong chơi, bẻ cây, vặt quả khi cái lạnh đã đi xa hun hút. Từ giữa mùa xuân, những bụi cây dại đã thống lĩnh làm chủ dọc miền đất ấy. Trong bọn chúng tôi có thằng Lộc. Nó mồ côi cha mẹ, ở với chú dì. Nhà rách vách thủng gặp bão nhỏ mưa to, nước chảy tràn từng vũng trên nền. Đi học về, chúng tôi thường đổ xô vào nhà, giọng dài ra:

    - Bà ơi! Mẹ ơi! Có gì ăn chưa? Con đói…để nghe những lời mắng mỏ: - Hay nhỉ? Cơm đấy! Dọn ra mà ăn. Mày tưởng tao không đói chắc?

    Còn Lộc, nó lầm lũi cất cặp sách, đi gánh nước, vo gạo, nhóm bếp. Tuổi thơ của nó đầy cực nhọc, chả bao giờ dám vòi vĩnh, nũng nịu. Chiều đến, nó thường ở trên đồi. Khi búp ỏng thành lá là nó cắt, cắt suốt tới đầu thu. Hàng ngày, nó tước lá cuốn thành từng cuộn, lèn vào bao tải, vác về phố, bán cho những người gói bánh chưng quanh năm. Nhiều khi không đắt hàng, họ trả công bằng bánh ế. Chiếc bánh chưng vuông vuông, be bé, có sợi lạt buộc thành hình dấu cộng là niềm vui của bao đứa trẻ nhưng ở nhà nó không hiếm ngày phải ăn trừ bữa. Bàn chân Lộc đạp đá, đạp gai cành, vấp ngã tướp máu. Ăn bánh chưng lại càng mưng lên, nhìn phát khiếp. Mùa thu ỏng ra bông. Hôm đầu còn thưa thớt, lác đác nhưng chỉ tuần trước tuần sau đã dày đặc. Mùa bông ỏng kéo dài đến cuối thu rồi vãn dần tới áp têt. Những ngày hanh hao, chân tay nẻ toác là mùa bông ỏng chín. Mỗi khi gió rung, từng làn phấn hoa ỏng li ti, nhỏ như cám, bay dật dờ. Cây ỏng kết thúc cuộc đời khi thân già xơ, lá úa khô vì lửa, vì nước, đắp xuống gốc làm mùn nuôi nấng lứa ỏng mới vào đầu năm sau. Lộc lấy bông ỏng bánh tẻ về phơi khô, bán cho người ta làm chổi quét nhà, quét vôi. Quanh năm, nó mặc bộ quần áo sờn đi học còn lại toàn rách thủng của ông chú thải ra. Nó vá víu, buộc túm để leo đồi. Có năm, cuối tháng ba, trời vẫn căm căm, Lộc qua nhà rủ:1080980796chit-2

    - Có lên đồi không?

    Chúng tôi nhìn trời, nhìn nó, lắc lắc đầu. Lộc im lặng, lùi lũi đi. Vệt áo rách hở vai nhìn như vệt bỏng.

    Chúng tôi theo nó khi rỗi rãi, chả có việc gì. Hái sim, vặt quả nho dại, nhặt quả mâm xôi chén cho vui mồm. Có đứa cầm bông ỏng ra sức rút, mặt đỏ bừng, nhiều khi còn đứt ngang bông. Nó dạy cách bẻ ỏng. Một tay cầm bông, tay kia cầm chiếc lá trên cùng. Hai tay giật nhẹ theo hai hướng trái ngược, vừa nhanh, vừa nhẹ lại không gãy. Nó chăm chú tước nhặt. Chúng tôi vồ vập hỏi làm nó mệt hơn. Rút được vài chục bông, chúng tôi chán, tìm những bông ỏng cụt. Có loài sâu ăn nõn từ khi bông ỏng còn non. Đến mùa ỏng chín, sâu đã lớn nằm im lìm trên những ngọn cây không còn bông ấy. Chúng tôi bẻ ngọn, đốt lửa lên, ném vào. Lúc sau bóc ra. Những con sâu trắng nõn, mềm oặt, trông như con mọt con. Để nó lăn lăn trên tay rồi vỗ bộp một cái vào miệng, vừa béo vừa bùi. Lộc ít khi tham gia. Không cần nướng chín, nó chỉ tách vỏ ngoài để sâu non ngọ ngoạy, dẫy dụa trên tay, thản nhiên vỗ vào miệng, nhai nuốt ngon lành rồi lại chăm chăm tước bẻ đến khi vàng vàng chân trời mới về. Thường thường ăn cơm xong, tôi mới nghe bên nhà nó cọ nồi, xát gạo.

    Nó ở mái đồi nhiều hơn mái trường. Bàn chân trần đen đúa đạp trên đá nhọn, trên cây cành gãy đổ. Lá ỏng, bông ỏng thành tiền. Đá thành đường. Những con đường ngoằn ngoèo len lách dưới lùm cây rậm rạp. Những cây ỏng đã nuôi nó lớn lên. Trong đám bạn bè, tôi không thấy ai vất vả và chăm chỉ như nó.

     Tuổi thơ nhanh chóng qua đi, chúng tôi mỗi đứa một phương như những nắm thóc ném vào gió bão. Tầng than ngày càng thấp rồi xuống rất sâu. Những bãi thải xưa trở thành dải cây rộng dài, xanh ngăn ngắt. Mỗi khi xuân về nhìn lên sườn đồi, tôi lại bâng khuâng nhớ Lộc. Từng cụm ỏng xanh om khó lẫn với những cây khác đã xẻ xương thịt mình ra nuôi nấng bạn tôi suốt một thời đói cơm rách áo. Trong tầng cây bụi trùng trùng không có loài nào vất vả quật cường trên đất đá khô khốc nhọc nhằn có màu xanh vạm vỡ, hừng hực sức sống như những cụm ỏng ấy. Mùa ỏng đang xanh, tôi vẫn thấy Lộc cặm cụi giữa băng tầng khắc nghiệt và thân thiết. Vẫn thấy nó ngước nhìn lên những khu nhà ngày một vươn cao quanh bạt ngàn bông ỏng lả lướt, mềm mại rập rờn trong gió như những bàn tay vẫy gọi kia.

                                                                                                T.T

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 34
Trong tuần: 1176
Lượt truy cập: 436147
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.