Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

LÃO GIÀ Ở THÀNH PHỐ NHIỀU HOA

Nguyễn Hiếu
 
LÃO GIÀ Ở THÀNH PHỐ NHIỀU HOA
                                            
Người già nhất trong nhà

           Thành phố này đúng là chỗ nào cũng có hoa. Hoa người ta trồng thành vườn, làm cảnh thì không nói mà bất kì chỗ nào có đất hở ra là hoa mọc. Chỗ thì hoa tú cầu. Hoa này có hình dáng y hệt quả cầu mà thằng cha họ Cao đời Tống chỉ giỏi đá cầu mà lên được chức Thái uý. Từa tựa như thủ tướng thời nay. Tú cầu nhiều màu sắc, nhưng ít ai biết muốn nó màu lam thì chôn ở gốc hoa vài cái đinh rỉ. Muốn nó màu hồng thì dúi vào gốc hoa ít vôi bột. Rồi thứ hoa vàng khè mọc từng bụi như bụi tầm ma mà người Pháp trước đây mang vào trồng để làm phân xanh bón cho cà phê và cao su. Thứ hoa có màu vàng như phân trẻ này hễ có gió đưa hạt đi rụng xuống đâu là mọc. Bẻ một cành dâm xuống chỗ đất ẩm thì chả mấy chốc đã thành bụi um tùm. Trước năm 1970 thấy gọi là sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại…Sau có gã nhà thơ từ xa đến chả hiểu mô tê, răng rứa gì về loài hoa ấy, kể cả tên gọi nhưng phàm nhà thơ thì đến hố xí hai ngăn còn gọi bằng em nữa là hoa cho dù là hoa dại. Tức cảnh sinh tình, gã phọt ra bài thơ về thứ hoa vàng khè ấy. Trong thơ gã gọi nó là dã quỳ giống như có bố nhà thơ phịa ra cái lá diêu bông không có trên đời. Thấy cái tên hay hay, nhiều kẻ a dua, tỏ ra mình trữ tình, thơ mộng gọi theo. Vậy là giống hoa vốn chỉ trồng để làm phân có cái tên điệu đà. Thành phố này còn có một giống hoa tên rất tây là mimosa. Thân cây là gỗ có thể làm cột nhà, đun bếp chứ không mềm oặt tha thướt, như các loài hoa khác. Lá thì bạc phếch như đọng bụi đường, hoa nhỏ li ti màu nhạt thếch. Lại có ông nhạc sĩ cũng gặp cơn hứng bốc lên làm một bài hát về nó. Người ta hát đi hát lại khiến dân thành phố này sướng rơn coi nó như biểu tượng địa phương mình. Nhưng nói gì thì nói quả tình hoa làm con người ở thành phố này dịu dàng, hiền lành hơn. Đó là chưa kể nhà của thành phố này trước do người Pháp làm nên toàn cỡ biệt thự, chẳng cái nào giống cái nào giữa những đồi thông suốt ngày vi vu gió. Nay đã bị phá đi nhiều song chưa tiệt hẳn nên biệt thự Pháp bên và giữa rừng thông vẫn làm cho thành phố này có nét đẹp riêng…   
          Ấy vậy mà giữa thành phố hoa và biệt thự quý phái, kiêu sa ấy lại có căn nhà. Căn nhà- gọi thế không biết đã chính xác chưa bởi vì vị trí nó hệt như một kẻ biết mình phận hèn kém luôn luôn ẩn nấp không muốn chường mặt ra. Nó nằm ở dưới một cái dốc bé xíu, gần như thẳng đứng Đầu dốc cũng có một khóm tú cầu màu tím. Cái nhà đó bé lắm, hẹp lắm. Nên tuy hai tầng nhưng càng nhìn càng thấy nó giống như căn nhà đặt trên cái chân gà to tướng trong chuyện cổ tích. Căn nhà đó hiện có ba người lớn một đứa trẻ lên mười. Người già nhất là bà ngoại đứa nhỏ, là mẹ của hai người đàn bà còn lại. Không biết tên thời con gái của bà là gì chỉ thấy dân lối ngõ sâu và hẹp hun hút ấy gọi là bà Tư Ôtô.Vì bà là vợ chả biết thứ mấy, và có cưới xin gì không của một ông lái ô tô khách đường dai. Dân sống lâu năm ở dốc đó giờ trạc tuổi bà cỡ hơn thất thập, non bát thập cũng không rõ mặt ông ấy, vì có bao giờ ông ở nhà đến quá hai ngày đâu? Mỗi lần ông về là bà Tư hớn hở, săng sái lắm. Bà vốn khéo tay giỏi bếp núc nên chồng về là bà ra chợ mua đồ, rồi lụi hụi vào bếp khi thì làm hủ tiếu, khi thì làm nem lụi, bún bò giò heo cho chồng ăn. No say rồi, ông lôi bà vào giường. Xong việc, ông ngáy ào ào. Tỉnh dậy, áo vắt vai mặt tím bầm vì chưa hết hơi men, lừ lừ ra khỏi nhà. Lên đến đầu dốc bao giờ ông cũng đá vào bụi hoa túc cầu một cái. Có lần làm bay một bông hoa lăn lông lốc xuống dốc. Còn thường chỉ bung ra vài cánh hoa loăn xoăn hay chiếc lá hoa mỏng dính. Năm sau ông về đã thấy nhà lại thêm một đứa trẻ. Ông đứng tựa khuỷ tay vào thành cửa hất hàm hỏi:
  • Tên nó là gì?
  • Thằng Lụi ba nó à.
Ông gật đầu, nhếch mép cười:
- Hiểu. Giống như chị nó là con Tiếu để nhắc lại cái món bà nấu cho tôi ăn bữa năm ngoài chứ gì.
          Vậy là bẩy lần ông rẽ qua nhà là bẩy đứa con ra đời. Sau đứa thứ bẩy thì ông chẳng bao giờ về nữa. Đơn giản vì ông tòm tem với vợ một ông chủ tiệm cà phê. Cứ mỗi lần bà này xuống Sài Gòn là lại được ông Tư xếp ngồi ca bin…Ông chủ tiệm biết, nghe đâu như thuê cả mấy đứa thanh niên nghèo nhưng nghiện cả cà phê và cả thứ thuốc lơ mơ xếp đá ngang đường vào một đêm không trăng. Xe ông vấp vào mấy hòn đá đó mà lăn xuống vực ngang đèo Bảo Lộc, ngay chỗ có mấy đồi dâu xanh mướt mà ông từng rủ vợ ông chủ tiệm cà phê vào đó.
          Bẩy đứa con thì đứa đã theo chồng qua Mỹ sau hồi giải phóng, lâu lâu lại gửi cho bà Tư Ôtô xấp đô la mỏng. Đứa lấy chồng ở quãng quá Di linh một chút nơi gì Lại em gái bà Tư ô tô làm ô sin, sau đẻ với ông chủ hai đứa con nên coi như vợ bé của ông Ba Thú - Chồng bà Lại. Nghe nói con chính thức của Ba Thú sáu đứa, con rơi vãi xấp xấp chừng đó. Tuy Ba Thú đã ngoại thất thập nhưng lão còn khoẻ, lại là chủ vài ha cà phê, cao su nên tiền nong rủng rỉnh. Có tiền, còn sức lại hám của lạ nên Ba Thú có tiếng là gã đàn ông bất chấp tất cả để thành kẻ sát gái có hạng vùng đó. Chuyện này sẽ kể sau. Trong cái nhà hai tầng như dựa trên chân gà đó còn hai người đàn bà con bà Tư Ô tô. Cô chị tên là Chả. Chắc cũng để đánh dấu lần ông Tư về bà vợ làm bún chả cho ăn. Cô này lớn lên tự đổi tên mình là Sen. Sen vừa nhoe nhoe quá tuổi 17 đã bị mẹ gả tống táng cho một tay tài xế hơn cô gần chục tuổi. Cô Sen năm nay đã ngoài năm mươi. Nhưng đã ba mươi năm sau khi chồng cô bỏ đi với nhân tình cô ở vậy nuôi con. Khi thằng bé gần hai mươi tuổi cô đưa nó về trả bà nội, còn mình quay về ở với mẹ. Chính vì cái lẽ bị chồng bỏ rồi nhất quyết ai mai mối, mẹ Sen khuyên giải, chửi mắng chán vẫn không chịu tái giá nên bà Tư Ôtô không ưa gì Sen. Bà bảo “con này láo từ nhỏ. Hay cãi ba nó, cãi cả tao. Tên ba má đặt cho thì phải giữ. Nay lại dám đổi. Phỏng coi bố mẹ ra cái gì. Còn việc nữa. Trăm đứa đàn bà bỏ chồng đều hư hỏng. Không tật nọ cũng thói kia. Người đàn bà là phải có chồng. Dù chồng có vợ đông vợ tây thì vẫn là chồng mình. Đàn bà có chồng mới là đàn bà tử tế”. Cũng may Sen giống mẹ ở tài nấu nướng nên cô cũng mở được quán bán hàng ăn. Khác mẹ ở bản lĩnh, tốt bụng, chịu khó. Giời nắng cho chí giời mưa, khi ấm khi rét căm căm ngày nào cũng vậy, cứ ba giờ sáng. Cô đều đặn ra quán. Phần giời thương kẻ chịu khó, phần món nào quán của cô cũng ngon, rẻ kể cả những ngày lễ tết. Bát hủ tiếu, bát bún riêu của cô cũng tăng giá, nhưng tăng chả đáng bao nhiêu nên quán của cô vào loại đông khách. Cô em tên mẹ đặt là Phở, sau đi học cô này đổi tên là Yên. Yên có cái may mắn là được ăn học đàng hoàng. Có thể do mặt mũi cô này xinh xắn lại đúng thời bố cô làm ăn được, năng về nhà. Vì thế Yên có bằng đại học hẳn hoi. Giờ làm trưởng phòng kinh doanh của một Công ty mua bán, sửa chữa thang máy. Từ hồi chơi phơ búc được một tay biết đôi chút nho nhe chỉ dẫn nên Yên đặt ních của mình là Khói Chiều. Cũng là do chơi phơ búc, lại nhiễm phong trào thơ đang lên nên Khói Chiều dần dần biết cả làm thơ nên được gọi là nhà thơ. Mỗi khi về nhà, không phải hôm nghỉ chưa về với chồng thì mặc kệ chị, mẹ thu dọn nhà cửa, thằng con học hành ra sao, Khói Chiều ngồi dính hàng giờ với cái láp tóp. Cô cố dặn ra mấy câu thơ kiểu ”chiều này mây lặng lờ trôi. Chim bay mỏi cánh lòng tôi buồn buồn” đưa cùng bức ảnh đã qua phô tố sốp của mình, rồi ngồi nhấm nháp những lời còm tán tỉnh và ca tụng thơ và hình dáng của mình.lagiachimgai
 
Trận xung đột thứ nhất giữa Sen và mẹ trong thời gian cách đây hai tháng.

          Có hai đứa con gái ở cùng nhà nhưng cả dốc này ai cũng biết bà Tư Ô tô tỏ ra ghét bỏ Chả tức Sen hơn. Bà cũng chẳng yêu quý gì Phở tức Yên nhưng bà nhận ra, hễ bà nặng lời là nhà thơ Khói Chiều lại dắt con ra xe về Sài Gòn với chồng, hay ra phòng làm việc của Công ty. Lúc đó chỉ còn bà và Sen. Từ lâu bà ghét cay ghét đắng đứa con gái cứ thui thủi một mình, mặc dù công to việc lớn gì trong nhà đều đến tay Sen. Từ cúng bái, tết nhất, giỗ chạp, chở bà đi chùa, đi bệnh viện. Mặc dù trên Sen bà còn một con trai cả. Tuy chẳng nhờ vả gì thằng con suốt ngày say sưa này nhưng bà vẫn quý nó như hạt soàn. Nhất cử nhất động bà bênh con trai chằm chặp. Bà đã nói: con giai dù dở bao nhiêu vẫn là dòng dõi của ba nó, là con bà. Hôm ấy vừa nhìn thấy Sen bán hàng về. Lúc đó khoảng hơn 12 giờ một chút. Bà Tư đã dóng dả bảo:
  • Mày bỏ đồ lề đấy, phóng xe ra xem con bé nó đẻ chưa?
Mặt Sen vẫn đỏ dừ vì vừa xách thùng cua nặng trĩu từ xe xuống, vừa thở vừa hỏi :
  • Mẹ nói là con bé nào?
Bà Tư Ôtô dẩu mỏ lên:
-  Cái con này hay nhỉ. Nó là con cái Tẩm người yêu của thằng Lít con anh hai mày chứ còn ai vào nữa.
-  Con Tẩm là cái con nhân viên mát xa quán Mimoza chứ gì? Con đã bảo mẹ, bảo cả với anh hai rằng chính mắt con nhìn thấy nó vào khách sạn với đủ loại đàn ông, đâu chỉ với thằng Lít.
  • Nhưng nó bảo là nó có bầu với thằng Lít.
-   Đấy là việc nó bảo, còn mẹ muốn thì mẹ cứ ra. Con đang mệt chết người ra đây. Mà con có ngồi dỗi con cũng không hơi đâu mà đến.
Bà Tư Ô tô quắc cặp mắt đầy rẻ quạt lên rủa xả:
-  Thằng Lít là cháu nội của tao. Con thằng Lít là chắt nội. Tao vừa nghe anh hai mày con Tẩm nó sinh con trai rồi.
          Sen cười khẽ một tiếng định đi vào nhà thì nghe thấy giọng Hai Lụi lè nhè đằng sau:
-  Má nói đúng đấy. Mày vừa đi bán hàng về, đang sẵn tiền. Bận không đi thì mày đưa cho anh ít tiền…
Bà Tư Ô tô vung tay:
-   Ít là ít thế nào. Bét cũng phải hai triệu. Mày chả vừa gọi điện cho má là con bé không có đồng nào mà thằng cu lại phải nằm lồng kính.
Hai Lụi chuệnh choạng đi lại gần Sen. Mồm ngoác rộng, khiến Sen phải cúi mặt, bịt mũi vì mùi rượu nồng nặc từ mồm anh trai bay ra:
-  Đúng rồi. Chỉ ít là hai triệu. Đứa đây. Tao thấy cái túi của mày phồng dữ quá ha
  • Tiền của tôi có phải là vỏ hến đâu mà cho con đĩ ấy.
-   Kìa. Mày chả thương anh gì cả. Dù sao đứa bé đó cũng cháu đích tôn của anh mà. Em là bà trẻ.
Sen bĩu mồm lên:
-  Đít tôn với chả đít nhôm. Con con đĩ thì biết con của thằng Lít hay của thằng nào. Anh thương cháu anh thì anh mang tiền ra cho mẹ con nó.
Bà Tư Ô tô cố gìm giọng quát như sợ người quanh dốc nghe thấy:
-   Mày làm đĩ hay sao mà mày tường tận thế. Cứ cá vào ao nhà mình là của mình.
-  Thì má lấy tiền gì Tép bên Mĩ gửi về mang ra cho nó chứ tiền của con là tiền mồ hôi, nước mắt không phí phạm, vứt qua cửa sổ được.
Một tiếng “bốp” trầm xốp vang lên. Giọng nhừa nhựa của Hai Lụi phun phè phè:
-  Con này láo. Con này láo quá. Mày một thân một mình, thằng con mày cũng làm ra tiền rồi mày giữ tiền để cho giai hay sao mà không cho cháu…con này, con này…
          Sen ôm mặt chạy vụt lên dốc. Đến lưng chừng chắc mệt quá, cô ôm vào thân cây mimosa không biết có từ khi nào nhìn xuống, Hai Lụi định chạy theo nhưng vấp phải thành cửa ngã rúi rụi xuống mặt sân xi măng. Bà Tư Ô tô sót con trai, quên cả việc dấu hàng xóm gào lên:
-  Đồ con đĩ. Đồ cô độc cô quả. Mày đừng có dẫn xác về cái nhà này nữa. Biết thân biết phận cút đi đằng nào thì cút ngay.
Nói dứt lời, bà cúi xuống nhìn con trai. Vừa lúc hai Lụi chồm lên. Mặt mẹ mặt con va vào nhau đánh cốp một cái. Hai Lụi có lẽ đau quá, nhăn mặt, đẩy mẹ ngã sóng xoài ra chỗ gã vừa ngã, mồm leo lẻo:
  • Má đuổi theo nó ngay để lấy tiền của nó chứ tôi…Tôi chả có xu mẹ nào trong túi đây này.
 
Trận xung đột gần nhất của Sen và mẹ

          Trận xung đột này có dính dáng đến Ba Thú chồng gì Lại, em gái bà Tư Ôtô. Một hôm có việc lên Đà Lạt. Chả hiểu vì nguyên cớ gì, Ba Thú tỏ ra tử tế đưa vợ đến thăm chị vợ là bà Tư ôtô. Vừa vào nhà, Ba Thú ngồi trên ghế đưa mắt nhìn quanh nhà, rồi nói vẻ thương sót:
- Nhà chị hai nhỏ quá hen. May là anh hai đã phăng teo, chứ thế này mà vợ chồng tý toáy thì cả nhà đều tường hết còn gì.
Gì Lại định nói lại, thấy đôi mắt của chồng lừ một cái liền im thin thít. Bà Tư Ôtô làm như ngãng tai không nghe thấy. Vừa lúc đó Sen về. Cô tháo thùng cua khỏi xe Hon đa thì Ba Thú ngoảnh ra. Có lẽ vì gã nghe thấy tiếng động của cái thùng đặt trên nền xi măng. Gã nhổm dậy, đôi mắt mở tròn nhìn vào cặp mông của Sen, rồi cười thành tiếng “hơ, hơ “. Nghe tiếng cười của Ba Thú, Sen ngẩng lên, cô lễ phép:
-  Dượng và gì lên thăm má con ạ. Mời Dượng và gì uống nứơc, con ra rửa mặt chút con vào, chân tay bán về dơ quá.
Ba Thú lại “hơ hơ” rồi hỏi trống không:   
  • Con này có phải con Chả?
  • Thì nó chứ còn ai nữa, giờ nó đổi là Sen.
Chuỗi “hơ hơ” của Ba Thú chưa dứt:
-   Nhớ rồi. Hồi nó theo bà xuống bán hàng cho nhà Tư Còi. Gầy lép như con nhái. Giờ nom ngon quá ha. Nhất là cặp mông.
-   Ngon lành gì. Chồng bỏ ba chục năm nay rồi. Về ăn báo cô tui. Nặng nợ má đào thế đấy. Bà Tư Ôtô đay nghiến.
Ba Thú lần này không hơ hơ nữa mà cười khùng khục một chặp rồi gọi:
  • Nè, Sen. Không phải rửa ráy gì trọi. Nge dượng nói đây.
  • Dạ. Dượng dậy gì con nghe.
Ba Thú nhìn chằm chằm vào bộ ngực đang phập phồng vì chưa hết mệt của Sen gật gù:
-  Chồng bỏ ba chục năm rồi. Hoài phí quá Sen ơi. Thôi để về kì này sẵn con quen với tư Còi, dượng giới thiệu cho hắn. Thằng chả giầu ú. Lấy Sen về ngon lành vậy. Chỉ hai, ba năm là hắn lăn đùng ra chết. Lúc đó Sen tha hồ tiền vàng.
Gì Lại hơi cau mặt:
-  Ông này. Ông Tư gần tám chục rồi, con Sen thì…Như ông với cháu Hợp sao được .
Ba Thú cười cùng cục.
-  Được tất. Giờ có đủ thứ thuốc lo gì. Một viên, năm chục bạc uống vô còn sung hơn thanh niên là khác chứ đùa.
-   Dượng cứ nói cho vui thế chứ con thì như má con nói, là cái nợ đời ai người ta cần.
-  Hơ hơ. Dượng đã giới thiệu là chắc liền à. Nếu giới thiệu không nên thì đền đạn.
Bà Tư Ô tô nheo mắt:
  • Dượng nói thế là sao?
-   Hơ hơ. Có thế mà chị hai không rõ sao. Đúng là đàn bà già lẫn. Tui nói vậy tức là tui giới thiệu con Sen cho Tư Còi. Tư còi không ưng thì tui…Tui chịu trách nhiệm lấy cái thân tui đây đền cho con Sen…có thế mà không hiểu.
Khuôn mặt Sen đang đỏ hồng vì mệt bỗng đổi sắc. Giọng cô nghiêm lại, lạnh băng:
-  Dượng là bậc chú cha, ăn nói cho tử tế nếu không đừng trách con hỗn hào.
Ba Thú hơ hơ, mặt hếch lên:
-  Ô. Chú cha. Tui với Sen ruột thịt chó gì. Sen đàn bà, tui đàn ông thích thì sáp dô.
Sen hất mặt. Mắt vằn lên:
  • Dượng im mồm đi. Ăn nói như loài cầm thú ấy.
-   Hơ hơ. Thì dượng tên là Ba Thú mà lại…Sen không phải là đàn bà sao?
  • Ông cút ra khỏi nhà tôi ngay.
Thấy con gái nổi giận, đuổi vợ chồng em gái, bà Tư Ôtô vẫy vẫy hai tay:
-  Con này hỗn láo quá. Dượng chỉ nói đùa thôi mà. Phải không dượng. Đừng chấp nó. Dượng uống nứơc đi.
-  Hơ hơ. Tui nói thật đấy chị hai à. Tui đền, tui đền thật mà. Người như thế kia mà nằm không thì uổng quá hà
  • Cút. Ông cút ngay khỏi nhà tôi. Đừng để tôi gọi công an đến…
  • Hơ hơ…Trông Sen nóng càng xinh, càng đẹp.
Thấy Sen rút điện thoại trong túi ra gì Lại hốt hoảng.
-  Gì xin, gì xin. Hai dượng cháu người nhà…có gì mà công an …Thôi, thôi đi về đi đã. Tui biết tính con này rồi mà…nó mà khùng lên thì…
Nhìn hai vợ chồng cô em gái đi ngược lên dốc. Đến ngang cây mimosa Ba Thú lại túm vào cành cây chìa ra nhìn xuống, đôi môi lép nhép. Bất đồ cành cây không chịu nổi sức nặng của gã đàn ông già gẫy gập xuống Dưới nhà bà Tư Ô tô làm rầm:
-   Dượng chỉ nói đùa cho vui, mà mày làm tợn quá…Ông ấy mua cả gói quà cho tao, tức mày cũng mang về không cho nữa nè…
-  Ông ấy mà để gói quà ở đây con cũng vứt đi. Đồ già mà trắc nết. Mất dậy
-  Mày lắm tiền…Mày không thích thì tao thích…Mà ...mà.. Nhỡ ông ấy tức lây sang gì, bỏ gì Lại thì gì lại thành không chồng như mày có khổ không cơ chứ.
Mặt Sen rắn lại:
-  Chuyện gì ấy con không biết. Nhưng ông ấy mà ăn nói mất dậy như thế lần nữa, con sẽ bảo thằng Lân nó lên cho một trận.
-  Thôi. Thôi. Tao biết con trai mày giỏi rồi. Đừng có mà bảo nó đánh nhau ở nhà tao. Kinh lắm. Khiếp lắm!
 
Ba Thú vẫn tin có đồng tiền thì muốn làm gì cũng được.

            Ba Thú không phải là hạng đàn ông nghe người ta chửi vào mặt biết hồi là bỏ của chạy ngay. Vì thế nên. Về đến nhà gã bấm điện thoại liền cho bà chị vơ.
-  Chị hai à. Mang cho chị chút quà mà lúc vội, quà lại mang về. Thôi để khi nào tôi lên mang lại chị hen!
  • Dượng tốt quá. Tui biết chứ. Cũng là tại con mắc dịch nên…
Ba Thú cười cùng cục:
-  Bà nói con Chả là tui muốn nó sướng mà nó không biết đường. Ai đời nghe nói sáng nào cũng dậy từ ba giờ sáng để ra quán bán hàng. Sống thế cực muốn chết à? Thôi, chị cho tui cái số điện thoại của nó để tui khuyên nó. Chứ ai lại chịu khổ mãi vậy.
-  Rồi. Rồi. Dượng nghe nhé. Mà rồi hôm nào dượng lên? Bà Tư Ô tô cập rập
-  Chị hai yên tâm đi. Mai, mốt tui bảo vợ tui lên đón chị hai xuống với vợ chồng tui vài hôm. Chị Hai muốn gì có đó hà. Thôi đọc số điện con Chả đi.
       Nghe được số điện của cô cháu vợ, mặt Ba Thú chun lại những nếp nhăn rồi lại căng ra phởn chí. Gã đưa tay thật xa nhoay nhoáy bấm số.
          Chị khách hàng quen ngồi ở chiếc bàn nơi Sen đang đứng cạnh nồi nước lèo sôi sùng sục. Nghe thấy tiếng điện thoại chị khách nhắc:
  • Cô có điện kìa. Nghe đi đã. Hôm nay chị cũng không vội mà.
  • Không sao đâu ạ. Em làm cho chị xong rồi nghe cũng được mà
 Đặt bát bún nóng hổi trứơc mặt chị khách, Sen lùi xa rút điện thoại ra:
  • Tui nghe đây ạ.
     Giọng Ba Thú ề à:
-  Hôm nọ là Sen hơi nóng đó nghen. Nhưng thôi. Hôm nào một là xuống dượng chơi. Gì mà phải làm cho vất vả ra.
  • Thôi nhé. Tui đang bận bán hàng.
Ba Thú vội vàng nói ngang:
-  Nói nốt câu này đã. Sen cứ tính xem một ngày bán được bao nhiêu, rồi ở lại bao nhiêu ngày tui trả đủ từng nấy. Vui vui mà Sen…
  • Đồ ôn dịch. Cố quát khẽ xong Sen tắt máy cho vào túi.
Thấy Sen tắt máy Ba Thú hơ hơ một lúc rồi lẩm bẩm ”không nghe thì tao nhắn tin. Đứa đàn bà nào chả hám tiền. Tiền ít thì có thể chê, tiền nhiều thì khó đấy”
 Tín hiệu nhắn tin rung lên. Sen rút máy ra. Dòng chữ nhắn tin của Ba Thú nổi lên “nếu Sen ngại gì, thì tui sẽ bảo gì Sen lên đón má Sen xuống Sài Gòn chơi. Còn tui sẽ lên trên ấy. Tui sẽ đưa cho Sen 30 triệu để Sen xắm sửa. Thôi, 50 triệu cho tròn đi. Hay Sen muốn bao nhiêu thì cứ bảo hen. Vô tư đi. Chỉ mai một thôi à”
Mặt Sen xám lại vì giận dữ. Cô lẩm bẩm đúng là đồ thú vật. Rồi cô bấm điên thoại cho con trai:
  • Chiều nay lên má có chuyện với con.
 
Kết cục không biết vui hay buồn  

          Nhưng vì mệt mỏi vì sáng phải dậy sớm từ ba giờ sáng dọn hàng, chiều lại lật bật sửa soạn hàng họ cho ngày hôm sau nên Sen cũng quên ngay chuyện tán tỉnh vô luân của Ba Thú. Kể cả chuyện má cô ngày hôm nay đi đâu, mặc dù trưa về cô nghe hàng xóm nhắn lại là bà lên chùa Chai thắp nhang. Quên cả việc cô bảo thằng Lân con cô trưa nào dỗi cũng rẽ vào nhà ngoại xem tình hình thế nào để phòng ngừa Ba Thú…Về đến nhà. Gắng gượng, rửa ráy, ăn qua loa một chút rồi cô đi nằm. Vừa thiêm thiếp ngủ, Sen chợt nghe tiếng ổ khoá cửa ngoài động đậy, rồi cánh cửa từ từ mở, liền sau lại nhanh chóng đóng lại. Sen nghĩ chắc má về, nên cô vẫn nhắm mắt ngủ tiếp. Bất đồ cô nghe tiếng giầy khe khẽ, rón rén, rồi tiếng thở phì phì. Sen mở choàng mắt dậy, giật mình khi thấy thân hình mập lùn và khuôn mặt dài ngoẵng đầy nếp nhăn như mặt lưới của Ba Thú. Thấy Sen nhổm dậy, Ba Thú lôi trong túi ra tập tiền dầy cộp vẫy vẫy:
-  Yên tâm đi Sen. Cả vợ tui, chị hai, má Sen đó hôm nay lên chùa rồi xuống tui hai ba hôm mới về. Tui đưa cho họ vô khối là tiền. Chơi xả láng, mệt nghỉ. Giờ nhà chỉ có tui và Sen thôi mà.
Sen đứng phắt dậy chỉ tay ra cửa:
-  Ông cút ra ngay khỏi nhà tôi. Sen định thò tay vào rút điện thoại nhưng cô chợt nhận ra cô để di động ở nhà ngoài sau khi rửa mặt. Ba Thú vẫy vẫy xếp tiền vừa tiến lại gần:
-  Chỗ này đúng năm chục triệu đây. Sen muốn nữa tui lại đưa thêm. Vô tư đi.
Vừa nói, Ba Thú vừa nhích bước gần cô cháu vợ. Sen lùi dần về phía khoảng tường bị kẹp giữa bàn thờ và cái giường như khuôn cô lại. Cô nhìn xung quanh rồi hét lên:
  • Ông, ông tíến lại gần thì đừng trách tôi.
Ba Thú nhăn nhở hơ hơ:
  • Có gì đâu mà trách. Tiền nè, tiền nè…Cầm lấy rồi ngoan đi!
  Vừa nói gã vừa tung tập tiền trên giường rồi lao đến ôm choàng lấy Sen. Sen cố nghển đầu lên để tránh mùi miệng chua lòm, thum thủm của gã dượng đốn mạt, nhưng không kịp khiến cô xây xẩm. Hai tay gã đã ôm cứng lấy Sen. Miệng gã hua lên trên mặt Sen. Cô bị ép chặt vào khoảng tường, chân tay bủn rủn thì vừa lúc đó chỉ nghe tiếp cộp khô khan, liền đó là tiếng ối từ cái miệng há rộng của Ba Thú. Hai cánh tay gã thõng xuống. Khi Sen cố nhích người để tránh thì cả thân hình ngắn ngủn của gã đổ ập. Mặt gã đập mặt vào bức tường. Lúc đó Sen mới nhìn thấy khuôn mặt đỏ bừng của thằng Lân và cành mimosa đang rung rung trên tay nó. Vẫn là cái cành bị gẫy vì không chịu được sức nặng vít xuống của lão Ba Thú hôm bị Sen đuổi khỏi nhà. Cái cành Sen chặt hôm trước vì vướng tay lái hon đa lúc Sen đưa hàng ra quán vứt góc sân chờ khô làm củi

                                                                      Ngày 26/2/2015. 
                                                                              N.H                                                                                       
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 41
Trong ngày: 444
Trong tuần: 1130
Lượt truy cập: 435917
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.