Nguyễn Đình San
VỀ HAI HIỆN TƯỢNG LIÊN QUAN ĐẾN THƠ LỤC BÁT
- Thơ lục bát là thể thơ truyền thống. Câu trên 6 tiếng (lục), câu dưới 8 tiếng (bát). Tạo ra được một bài thơ kiểu này không khó, vấn đề ở chỗ có hay, cò khiến cho người thưởng thức thích không mà thôi. Nhà thơ nào cũng ít nhất có một lần làm thơ lục bát. Ai ai cũng có thể làm được thơ kiểu này. Có một hiện tượng: Những người làm thơ nghiệp dư, phong trào thường hay tìm đến thơ lục bát hơn là các thể thơ khác (tự do, thất ngôn bát cú, năm chữ, bốn chữ, …). Điều này chứng tỏ thơ lục bát dễ làm hơn. Bất cứ ai cũng có thể làm được những câu lục bát đại loại như sau:
Kể từ đất nước hòa bình
Làng trên xóm dưới quê mình đẹp sao!
Thơ lục bát mà làm khéo, hay thì chẳng khác gì ca dao:
Hỡi cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về nhà
(Ngô Văn Phú)
Còn nếu làm vụng, dễ dãi thì dĩ nhiên chỉ là văn vần, kiểu như 2 câu nói về “làng trên xóm dưới” vừa dẫn ở trên. Tình trạng này ta vẫn bắt gặp đầy rẫy ở những bài thơ phong trào, đăng báo tường cơ quan, đoàn thể, thơ ở các câu lạc bộ (Người cao tuổi, hưu trí, phụ nữ, các tổ chức nọ, kia, …). Loại văn có vần này không thể gọi được là thơ, không có chút giá trị thẩm mỹ nếu không muốn nói là làm tổn hại đến năng lực cảm thụ cái đẹp của người thưởng thức. Nó chỉ có tác dụng chuyển tải để nhắc nhở người ta ghi nhớ một điều gì đó trong cuộc sống, ví như:
Luôn nhớ khóa cổ khoá càng
Đi xe thực hiện an toàn giao thông
Hoặc :
Gìn giữ nếp sống văn minh
Không được đổ rác linh tinh ra đường
Cũng theo truyền thống, thơ lục bát gieo mỗi câu một dòng. Vậy mà không hiểu tại sao người ta đua nhau tuỳ tiện chặt chém ra nhiều mẩu để bắc chữ theo kiểu leo thang:
Em về
để lại
đường mòn
Dấu chân
in đậm
vết son
thuở nào.
Có người cho in theo kiểu “ruộng bậc thang” như trên. Cũng có người để thẳng hàng, thành mỗi câu hai tiếng. Tôi đọc hai câu trên mà cứ nghĩ mãi: Không hiểu vì lí do gì mà tác giả lại phải gieo thành 7 dòng, chỉ để tốn diện tích khi in? Trường hợp này có trạng thái cảm xúc xốc xáo, chấn động bất thường gì đâu mà phải huy động đến kiểu chặt câu rồi “leo thang” như vậy, mà hoàn toàn có thể để hai câu bình thường trên 6, dưới 8. Lại có lần tôi đọc được thơ lục bát như sau:
Dù ngồi
Dưới đáy
vực sâu
Ta
vẫn
ngẩng đầu
ngạo nghễ
hiên ngang!
Có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh - rất mạnh, rất khẳng định – cái tư thế “ta vẫn” nên đã chặt vụn ra như trên. Đọc những câu thơ vừa dẫn bắt buộc phải ngưng, ngắt ở cuối mỗi dòng chứ không thể liền mạch như thông thường. Nếu là người nghe, sẽ thấy sao?
Nói như vậy không có nghĩa tôi dị ứng với thơ bậc thang. Sẽ là cần lắm nếu đúng là người viết cần nó để diễn tả những cảm xúc thật dồn dập, mạnh mẽ, đuổi bắt, nhằm gây ấn tượng đặc biệt cho người nghe. Mai-a-cốp-ski – nhà thơ Xô viết lớn – đã là người mở đầu lối thơ này, gặt hái được nhiều thành công mà trường ca Lênin là một điển hình tiêu biểu. Ông đã diễn tả rất tài tình không khí của nước Nga trước cái chết của vị lãnh tụ vĩ đại vào năm 1924. Ở nước ta sau này cũng có những nhà thơ như Trần Dần, Lê Đạt học tập Mai-a, song, không phải bài nào cũng thành công như mong muốn. Như vậy, kiẻu chặt vụn rồi leo thang không pảhi mới mẻ gì nên nếu có vận dụng thì cần hết sức cân nhắc kẻo phản lại ý định ban đầu của người viết do cảm xúc bị vụn, loãng, còn về hình thức thì lập dị, thậm chí kì quặc!
- Đã làm thơ lục bát, chẳng ai lại không nắm được một luật sơ đẳng: Tiếng thứ 6 cuả câu 8 bắt bụôc phải vần với tiếng thứ 6 cuả câu trên (cũng có khi là tiếng thứ 4 câu sau). Trường hợp trên là phổ biến. Trường hợp dưới ít hơn nhưng hoàn toàn ổn và vẫn được vận dụng:
Hãy lau nước mắt nhớ thương
Để phút lên đường anh nhẹ bước chân.
Còn thì bất cứ sự khác biệt nào trong vần, luật ở thể thơ lục bát đều không được chấp nhận.
Niêm luật là như thế. Xưa nay chẳng ai tranh luận, bàn cãi. Nhưng giờ đây, cảm xúc người làm thơ ngày càng đa dạng, phong phú. Vậy nên thiết nghĩ cũng có thể du di, linh hoạt mà xê dịch vần điệu một chút ít, miễn sao 2 vần đừng quá xa, gây “chối tai” và nghe vẫn ngọt, vẫn như đúng là được. Một nhà thơ viết mấy câu như sau:
Vĩnh hằng trong cõi mông lung
Thoả cơn khát biển trập trùng sóng dâng
Xin trả lại chốn trần gian
Hai cuộc đời trói đa đoan vào mình...
Tôi đọc cả bài thấy hay, ý tứ độc đáo, lời thơ được tìm tòi, không dễ dãi. Vậy mà chỉ vì tiếng “gian” ở câu thứ 3 không hoàn toàn cùng vận với tiếng “dâng” ở câu thứ 2 mà bị biên tập xổ toẹt, không đăng. Hẳn là tác giả bài thơ trên thừa biết hai tiếng dâng và gian không cùng vần nhưng khi đọc lên rõ ràng là vẫn ổn vì hai âm gần nhau. Tôi thấy hoàn toàn chấp nhận được vì chẳng nên quá “bẻ hành bẻ tỏi” để bỏ phí một bài thơ hay. Trong một bài thơ khác tặng mẹ chồng đã mất trước khi mình về làm dâu, một nữ tác giả viết:
Dẫu rằng chẳng được làm con
Phận dâu hiền thảo liệu còn dành em
Chưa nghe tiếng mẹ một lần
Chưa được phụng dưỡng tấm thân hao gầy
Tôi cũng đọc kĩ cả bài thấy rất cảm động, nhưng đã bị người biên tập từ chối dùng chỉ vì có hai chữ không vần ở cuối câu thứ 2 và 3. Bài thơ gồm 20 câu tất cả, chỗ nào cũng đúng vần trăm phần trăm, Chỉ mỗi chỗ trên có vần hơi xa nhau (em và ân) đọc lên chẳng thấy có vấn đề gì. Vậy mà bị bỏ cả bài!
Còn nhiều, nhiều lắm, không thể viện dẫn hết được.
Tôi xin ghi ra đây những câu thơ hay, nổi tiếng ở thể lục bát mà vần không phải là 100%, chỉ gần nhau nhưng hoàn toàn được chấp nhận. Và sự thực là những câu thơ đó được bạn đọc rất ưa thích, có khi được lưu truyền:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Hai âm en và ên không hoàn toàn có vần mà chỉ gần nhau.
Lâm râm mưa chuyện trên cành
Thì thào lá nói trong mành nước se
Phòng anh nghe tiếng mưa đi
Em xa chẳng hiểu làm chi giờ này
(Mưa – Xuân Diệu)
Cũng trong bài trên, về cuối bài, thi sĩ ái tình trứ danh lại viết:
Hơn là nhắn cá gửi chim
Nhờ mưa đưa bức chăn êm tới người
Thôi em nghỉ việc khuya rồi
Chăn đêm em đắp cùng trời với anh
Cứ xét nét niêm luật theo kiểu cứng nhắc như người biên tập thơ ở một tờ báo nọ (người này cũng làm thơ) thì bài Mưa của Xuân Diệu cũng phải bỏ đi vì ở bốn câu thơ cuối bài (dẫn ở trên) liên tiếp mắc lỗi về vần. Song, sự thực đó là một bài thơ hay, nổi tiếng. Người đọc chẳng ai để ý đến sự xộc xệch về vần điệu của Xuân Diệu.
Bốn câu thơ lục bát sau đây, tôi tin chắc sẽ được người đọc có cảm tình mà không truy cứu tác giả vì tội không tuân thủ chặt chẽ niêm luật:
Bao giờ dãy cỏ nương xa
Cho anh quạt gió rừng hoa mỗi chiều
Em về tóc giữ thương theo
Thoảng thơm làn gió chảy đều vai em
Tuy nhiên, nếu bất chấp vần đến mức quá xa như sau thì không thể chấp nhận, dứt khoát không được, dẫu ý tứ có hay đến mấy:
Em đã bắt mất hồn tôi
Để chỉ còn xác vật vờ sớm hôm
Đã gọi là thơ, dẫu có là lục bát - thể được coi là cần sự chặt chẽ về vần điệu – cái cốt yếu vẫn là cái hồn, cái mạch, nhịp điệu, âm điệu. Vần chặt chẽ 100% có thể vẫn cứ chẳng có âm điệu. Ngược lại, vần “du di” – như những câu đã dẫn – có khi rất xa nhau mà vẫn giàu âm điệu, gây khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc. Vậy nên, người thưởng thức thơ - đặc biệt là các nhà biên tập – khi thẩm định, hãy chỉ nên chú trọng, để ý đến tiêu chí uy nhất, cuối cùng: Bài thơ có hay, có thú vị không, đem đến cho chúng ta cái gì … mà thôi. Chớ soi kính hiển vi về vần với nghĩa đen trần trụi của từ này./.
N.Đ.S