Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

KHỞI NGHIỆP MÙA COVID

An Bình Minh
 
KHỞI NGHIỆP MÙA COVID

   Trả khách xong, mới sáu rưỡi tối. Hiển quyết định “tha trâu”, nghỉ sớm. Kệ, phải tự thưởng một ngày quá hên. Mười hai cuốc xe trừ thuế má, thu về chín trăm ngàn đồng. Số đẹp, tiền khủng, đâu bỡn. Chưa bao giờ được nhiều tiền như thế này, kể từ sau mùa covid lần thứ nhất đến giờ.

   Hên thật. Hên một cách lạ kỳ. Sáng nay mới năm rưỡi, chạy xe ta tà ra ngõ, vừa mở mạng thì đã có khách tít tít gọi. Thế là suốt từ đấy, sau cuốc xe mở hàng từ vùng ven vào trung tâm thành phố là liên tục khép kín lộ trình ở nội đô, đến trưa ngồi nghỉ dưới bóng cây ven hè chỉ vừa kịp nhai xong ổ bánh mỳ, đã lại có khách. Mà lạ, các cuốc xe qua điểm đen ùn tắc hôm nay cũng khác ngày thường, vẫn tà tà chạy, không phải chống chân xuống đất, hơn một phút đã ra đường thoáng. Hì hì, những chín trăm ngàn cơ mà, đảm bảo chưa một thằng Grab xe máy nào kiếm nổi một ngày được ngần nấy tiền, giờ này chắc ở nhà đang ăn cơm. Nghĩ vậy, Hiển quyết định chơi sang, ghé quán gà nướng lu ướp mắc mật, làm một con hai trăm ngàn về đãi cả nhà.

  Hiển bắt đầu chạy xe công nghệ ngay sau mùa covid lần thứ nhất, còn bây giờ là mùa covid thứ hai. Thì cứ gọi tắt nôm na thế, để tránh phải gọi covid tái phát, nghe ghê ghê là. Khi ấy, do công ty không có hợp đồng và tình trạng này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ, nên bộ phận xuất của Hiển phải làm việc cầm chừng, một tuần 2 ngày. Cả vợ Hiển làm cùng trong khu chế xuất cũng thế, tuy có khá hơn, nhưng suốt mùa covid ấy đến nay cũng chỉ làm việc cách nhật. Mãi đến lúc thành phố giải tỏa giãn cách xã hội, xe máy chở khách được phép hoạt động trở lại, Hiển lập tức đăng ký chạy Grab và không ngờ mọi việc trôi chảy. Thế là khởi nghiệp của Hiển thông suốt kể từ đấy.

   Để ra được cái quyết định khởi nghiệp hợp lý này, vợ chồng cũng đã phải mất vài đêm bàn bạc, suy tính lung lắm. Quế, vợ Hiển lo lắng, chạy Grab liệu có ăn không? Chủ hãng Grab phải nuôi lính của họ nên thường ưu tiên cho Grab chuyên nghiệp, còn thừa ra họ mới gọi đến mình, Grab nghiệp dư. Thế thì vêu mỏ. Nhưng không làm mà chỉ ngồi so đo thì sao biết thành hay bại. Kệ, chẳng nhẽ ngồi không à, với Hiển thì việc gì cũng làm mà. Từng tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin hẳn hoi, nhưng sau 3 tháng chạy đôn, chạy đáo không kiếm được việc, thấy công ty trong khu chế xuất tuyển nhân viên kiểm đếm xuất nhập, lương khởi điểm 6 triệu, ăn đứt lương đại học, Hiển liền đăng ký phỏng vấn. Nhưng kể cũng oái oăm, nhân viên kiểm đếm thôi mà đòi hỏi trình độ vi tính ngất trời. Nào là phải thành thạo soạn thảo chứng từ văn phòng, lập số liệu bảng Excel, rồi là thiết kế các slide với “công cụ quyền lực” Power Point để báo cáo, thuyết trình khi cần thiết. Nhưng chắc cũng vì thế mới đến phần cho Hiển. Dân công nghệ thông tin mấy trò này, muỗi.

   Cũng nhờ có sẵn kỹ năng vi tính tưởng sẽ phí phạm đối với anh nhân viên kiểm đếm, nhưng nhờ an phận với nghề nên tám năm làm việc ở công ty, Hiển luôn được thưởng danh hiệu “chuyên cần”, được đề bạt lên trưởng bộ phận, lấy vợ và có được thằng cu Tễu bốn tuổi rưỡi. Rồi covid tràn đến...

   Cuối cùng, cái câu tiếu lâm có tính buông bỏ “Thôi kệ. Cứ để yên xem sao” khiến cả hai vợ chồng bật cười, thì cuộc bàn về khởi nghiệp kết thúc, coi như nhất trí trăm phần trăm. Thế là sáng hôm sau, mờ đất, Hiển nai nịt gọn gàng, áo chống nắng, khẩu trang, ngoắc chai nước trà loãng vào xe lên đường. “Anh đi nhé”, Hiển chào vợ, trang trọng, thoáng chút bin rịn, hệt như người ra trận.
   Vậy mà có ăn và có thêm nghề mới đủ sức cầm cự chống trả covid. Trước mắt, thu nhập của hai vợ chồng bị giảm xuống còn bảy triệu, nhưng nhờ có Hiển chạy xe kiếm thêm dăm ba triệu đắp đổi, vậy là tạm hòa.
mien_tro
*  *  *
   Phải nói là cái mùa dịch covid này gieo neo thật. Vừa Tết ra là covid ập đến làm xáo trộn mọi hoạt động thường ngày. Nhà ở yên trong nhà, phường ở yên trong phường. Ở nguyên trong nhà là yêu nước, chống dịch như chống giặc, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn dân. Quy định được ban ra như mệnh lệnh thời chiến, nơi nào không thực hiện sẽ nghiêm trị. Các địa điểm công cộng, trường học, nhà trẻ đóng cửa, ngoài đường vắng tanh, chỉ những người đi làm bằng xe cá nhân với khẩu trang, kính bảo hộ kín mít, chạy như đuổi cướp.

   Covid mà giờ đây là đại dịch covid đã làm đảo lộn mọi mặt của cuộc sống. Chưa bao giờ vấn đề sức khỏe của người dân khắp địa cầu lại được đồng loạt quan tâm ở khắp nơi trên thế giới như bây giờ. Covid thiết lập giãn cách xã hội, nhưng covid cũng làm cho con người xích lại gần nhau, biết quý trọng những phút giây xum họp. Chả thế mà một ông già ngồi xe của Hiển đã than: “Hơn cả thời chiến tranh sơ tán ngày xưa ở ngoài Bắc. Bom đạn thế nhưng vẫn thoải mái, tụ họp, gặp gỡ vui vẻ thoải mái mỗi khi dịp, chứ đâu như bây giờ muốn đến thăm con cháu cũng không được. Chúng ở chung cư, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Quà bánh mang cho chúng cũng phải để ngoài cổng, đứng xa nhìn chúng xuống lấy và nói với vào đôi ba câu chuyện. Rồi về”.

   Covid reo rắc cái chết có mầm, có ngọn không từ một ai, đã buộc con người vận dụng mọi khả năng để chống lại chúng. Cũng vì thế mà cuộc sống thời covi tuy tưởng đơn điệu khô khan, nhưng ý tưởng thì lại phong phú bất ngờ. Khắp nơi, người ta nghĩ ra đủ mọi cách làm việc tốt để chia sẻ khó khăn. Cơm trưa miễn phí, phát khẩu trang, đến cả áp dụng công nghệ để ra những ATM gạo, chỉ cần nhấn nút gạo ra rào rào thì thật tài tình. Xã hội bao trùm không khí lo sợ là có thật, nhưng cạnh đó lại không thiếu những sản phẩm đậm tính hài hước, lạc quan như dành cho người bước vào trận đánh gay go ác liệt. Đài truyền hình liên tục phát đi bài hát dí dỏm, diễu cợt covid, gọi chúng là bé corona, mô tả cách thao tác rửa tay, sịt cồn khiến thằng Tễu nhà anh cũng suốt ngày í éo, líu lô “Ồ ố ô ồ ô... Cùng rửa tay xoa xoa. Cố cô na, cố cô na...” trông thật tức cười.
  Chưa hết, con virus corona nhỏ bé vô hình vậy mà đã tác động, thay đổi mọi trạng thái của con người. Anh vốn băm bổ thì bỗng nhát như cáy. Anh hiền lành ít nói thì bỗng nổ banh trời để sống ảo. Người tưởng tốt hóa xấu, người trông đã thấy xấu thì hóa ngược lại, chẳng biết đằng nào mà lần. Covid trớ trêu, nó như lộn cả mặt trái xã hội lên vậy.

   Chỉ riêng trong mấy cái phòng trọ nhỏ bé của Hiển thôi cũng phát lộ đủ điều trớ trêu. Điển hình cái cô Diễm lớp em út của Quế chẳng hạn. Nhìn vào chỉ toàn là quần nọ áo kia, đỏng đảnh ỡm ờ, nhăng nhít thì ai ngờ lại tốt đáng ngạc nhiên. Diễm làm tiếp viên nhà hàng, lương tháng tượng trưng chỉ một triệu hai, thu nhập chính từ tiền bo của khách. Nhưng thói đời vẫn thế, dân nhậu hễ rượu vào thì cặp mắt háo sắc dính chặt vào dáng các em xinh đẹp là đôi tay đều trở nên hào phóng, đã cho Diễm đút túi mười lăm, mười sáu triệu đồng dễ như bỡn. Mùa covid giãn cách xã hội, các nhà hàng dẹp tiệm, vậy mà cô không chút buồn phiền. Những ngày các mẹ bỉm sữa trong nhà trọ đi làm, Diễm gom mấy đứa con nít lập nhóm trẻ miễn phí, lại cả cơm nước dỗ dành ngọt ngào chu đáo. Được một ngày làm bảo mẫu tình nguyện, Diễm đã than mệt, tưởng sẽ bỏ nghề; vậy mà kéo đến hết thời gian giãn cách, tận cho đến khi quán ăn, nhà hàng caraoke được phép mở lại, tính ra cũng đến hơn một tháng. “Phải cố thôi, tập tành để sau này còn một nách hai con cho nó thạo việc”. Nó nói tỉnh queo và cười rõ tươi. Cái Diễm đúng là đẹp người đẹp nết. Nó có nụ cười Trời phú, ai trông thấy cũng sẽ quên hết mệt nhọc.

   Ngược lại với cái Diễm là bà chủ nhà. Sao Diễm chả bù cho bà lấy vài phân...
Chồng bà Nhàn là cựu chiến binh chống Mỹ, sau giải phóng về hưu với quân hàm trung tá. Lúc ấy mà đã trung tá là to lắm. Hồi những năm tám mươi, chỗ này là vùng ven, năm sáu giờ chiều đã không người qua lại. Vì thế mà đất nền được cấp theo kiểu “dao quăng”, đo bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nghe tin đơn vị của chồng cấp đất, bà Nhàn nghỉ việc thương nghiệp Hà Nội, bay thẳng vào Nam. Nhờ cái khôn của dân thương nghiệp và thấu cái cảnh đất chật người đông, bà bảo mấy chú doanh trại đo ngay cho 300 mét vuông, xây ngôi nhà cấp 3, đất khuôn viên trồng rau, nuôi heo. Sau này có khu chế xuất kế bên, phố sá mọc lên sầm uất, bà Nhàn xây dãy phòng cho thuê...

   Nghe bà Nhàn kể mà phát thèm. Cái thời đó khổ nhưng mà sướng. Dân Bắc vào thành phố được cấp nhà, chỉ kén chỗ nuôi heo. Nuôi heo tiện lắm, cám bã sẵn, rau muống bỏ mối đến tận cửa nhà. Thời đó, mua tấm tôn dặm mái nhà không kiếm đâu ra, chứ thức ăn gia súc thì bán ê hề. Gặp nhau, chào nhau là hỏi thăm sức khỏe heo. Heo khỏe là tay bắt mặt mừng, heo bệnh thì ủ rũ, trông thấy chủ heo tốt nhất tránh né để khỏi chạm vào nỗi đau xát muối. Hồi ấy, con heo mới là đầu cơ nghiệp. Rồi bà Nhàn khoe, toàn bộ cơ ngơi này là nhờ nuôi heo mà nên cả. Nuôi heo thật chứ không phải như mấy cha nuôi heo, buôn chổi đót xây biệt phủ đâu. Họ xạo đấy.

   Ấy là bà Nhàn nói lại cái chuyện đã kể từ chục lần trước, vì loáng thoáng nghe đâu như dân trọ trách bà không giảm tiền thuê nhà để chia sẻ khó khăn trong mùa dịch covid. Khắp nơi người ta đều làm thế, có chủ nhà còn miễn phí cả tiền điện nước nữa cơ. Thế mà riêng bà thì chẳng thấy động đậy gì, đã thế còn giải thích: Bà xây nhà cho thuê chỉ là kiếm tiền chợ, giá cả vậy là rẻ lắm rồi. Phòng rộng mênh mông mà có hai triệu rưởi một tháng, tính ra chỉ 200 ngàn một mét vuông, còn muốn gì. Covid nghe sợ thế thôi, nhưng Việt Nam ta giỏi lắm. Thế giới đổ bệnh từng ngày, riêng ở ta là yên chí, học sinh, sinh viên, lao động nước ngoài đang còn rần rần xin về nước để được chữa trị miễn phí kia kìa. Bà Nhàn hiểm thật, cứ làm như đã có nhà nước đỡ đần, nên bà chẳng việc gì phải chia sẻ khó khăn. “Biết hạ giá tiền nhà thế nào, được vài ngày hết dịch lỡ dở ra thì biết tính sao?”. Bà chốt hạ một câu ngang như cua.

   Thôi thì bỏ qua chuyện lằng nhằng dây điện, hạ giá tiền thuê nhà. Nói cho ngay là không thuê nhà của bà thì cũng chẳng biết thuê đâu rẻ và tiện như  ở đây. Kể ra thì bà nói cũng phải, nó hiển nhiên như gõ “từ khóa” trên máy tính vậy. Thường thì người ta chỉ xây phòng rộng mười mét cho 2 người ở, phòng của bà mười lăm mét quả có rộng thật. Nhưng cái chuyện khiến Hiển tức tối là chuyện khác. Nó là cái vụ mà bà Nhàn “sáng kiến” để giúp mấy gia đình có con nhỏ ở nhà trọ.

   Ngay khi biết chuyện này, Hiển đã gọi bà Nhàn là mụ phù thủy ác độc. Nhưng Quế vội thanh minh, chẳng qua cũng là bà Nhàn làm việc tốt mà thôi. Rồi cô kể, cái hôm nhìn lũ trẻ múa may như loăng quăng hát bài cố cô na rửa tay xoa xoa, thì bà Nhàn sướng quá bèn bảo để bà dẫn mấy đứa trẻ ra phường lĩnh quà từ thiện covid. Diễm đồng ý ngay, ai chứ bà Nhàn mà kể hoàn cảnh của lũ trẻ con công nhân ở trọ đang bị giảm nửa lương thì ai cũng phải tin và sẽ chẳng ai nghi ngờ này nọ. Quả nhiên, chưa đầy nửa tiếng sau, bà và bọn trẻ lặc lè ôm quà về. Thế là từ đó, cách vài ngày bà Nhàn lại dẫn lũ trẻ đưa đi các bàn phát quà từ thiện trong phường. Quà lũ nhóc tha về thường là vài kí gạo, xấp khẩu trang, mươi lăm gói mỳ, mắm muối, dầu ăn; có gói sang hơn còn thêm cả lốc sữa, chục trứng... mỗi thứ một tý, nhưng quả là rất thiết thực. Vậy mà im thin thít, mãi đến khi thằng Tễu bảo mẹ, mai nó sẽ theo bà Nhàn ra phường xem có phát đồ chơi không thì Hiển thấy lạ, dặm hỏi. Đúng là về nhà hỏi trẻ, Tễu lập tức kể ra vanh vách. Ra thế, Quế và Diễm tòng phạm.
- Gì mà tòng phạm. Quà từ thiện là người ta phát cho những người dễ bị tổn thương, người lương thấp, mất việc, người già yếu, nghèo đói. Thì mình cũng đang bị tổn thương còn gì.
- Nhưng mình đã đói đâu - Hiển đay lại. Rồi anh nhận ra ngay mình lỡ lời. Kinh nghiệm người đi trước đã dạy, nói năng với vợ phải... nhẹ nhàng, đừng căng thẳng. Vậy mà ai cũng mắc. Cũng may là Quế chỉ đáp:
- Thôi anh. Không phải như thế đâu.
  Quế nói nhẹ nhàng. Nàng vẫn thế, bao giờ cũng biết làm dịu không khí đối thoại. Nhưng lần này còn hơn thế, Quế đưa ra câu kết tưởng như không ăn nhập gì với chuyện vợ chồng đang bàn, song lại rất cụ thể. Nàng đã gạt đi nỗi ngại của anh về chuyện Tễu có thể nhiễm thói quen, thích nhận đồ từ thiện. Nỗi lo mà Hiển có sẵn một kỉ niệm hằn sâu trong tiềm thức...

   Gia đình bố mẹ anh vốn nhà nghèo. Nghèo từ thời bố ở chiến trường về lấy mẹ anh, cho đến bây giờ vẫn nghèo. Nhà anh ở ngoại thành Hà Nội cái vùng đất hẹp như manh chiếu, lại không có nghề phụ nào nên bố anh phải thuê đất từ bãi giữa sông Hồng, trồng rau màu nhưng vẫn nuôi hai chị em Hiển học đến hết đại học. Cô chú làm công nhân trong nội thành thỉnh thoảng vẫn gửi quà, giúp chị em Hiển vài thứ đồ dùng cần thiết. Thời bao cấp ai tiêu chuẩn nấy, nên cũng toàn là thứ nhặt nhạnh, tích góp mà có dư ra chút đỉnh. Dạo ấy, Hiển thích nhất các đồ dùng của đứa em họ cùng tuổi, nó to con hơn nên quần áo của nó mặc chật là Hiển được thầu. Một lần như thế, Hiển nhận được bộ quần jean, áo cá sấu còn mới, anh chạy vào nhà thay mặc và phóng ra ngoài nhảy lên uốn éo làm trò, biểu hiện sự thích thú tột độ. Nhưng rồi Hiển chột dạ, cụt hứng. Chẳng ai cười, me anh lảng mặt còn bố thì ậm ừ gì đó vẻ buồn bực. Tối ấy, chị của Hiển gọi em đầu hè béo tai, mắng “Làm gì mà nhảy cẫng lên thế. Mày làm bố mẹ buồn. Biết chưa”.

   Chuyện ấy, sau này lớn lên, Hiển mới hiểu ngọn nguồn tình yêu thương sâu thẳm của cha mẹ với con cái. Cơm ăn, áo mặc là những thứ cần thiết giản đơn như hơi thở thường ngày phải lo được đầy đủ cho con. Nghèo hèn, thiếu thốn, để con cái phải thèm khát, thích thú với những thứ dư thừa của người khác, dù là họ hàng gần gũi thì cha mẹ nào chả buồn đau... Dường như cái câu chuyện xưa ấy cũng gây ấn tượng mạnh cho Quế. Chả thế mà từ khi có Tễu, vợ chồng Hiển chẳng bao giờ để con thiếu thốn một thứ gì. Từ đường sữa, quà bánh đến quần áo, đồ chơi, Tễu đều có đầy đủ...

*   *   *
    Hiển về đến nhà, xe rà rà đầu ngõ đã thấy dãy hành lang nhà trọ sáng đèn, ngày giãn việc nên tất cả đang ở nhà. Con chó Lu của bà chủ đang chơi với Tễu nhận ra tiếng xe máy nó lao ra, vẫy đuôi rối rít kéo theo sau cu Tễu. Hiển gỡ túi gà nướng đưa cho con trai rồi dắt xe vào dựng ở đầu hồi. Con Lu bám theo tay Tễu xách túi gà nướng, Tễu vừa chạy vừa rối rít “Mẹ ơi, cô Diễm! Gà nướng, gà nướng”. Rồi nó bảo con chó: “Lu, Lu vào đây tao cho mày cái chân”.

   Đến lúc này, Hiển mới nhận ra mùi thơm hoa nguyệt quế. Cây ở mãi tít đầu nhà bà Nhàn mà hương thơm ngan ngát, vấn vít theo làn gió se se tràn sang khu nhà trọ. Dạo này, thành phố phương Nam mà cũng được hưởng tiết thu, rất mong manh và bất ngờ. Cái tiết trời nhẹ bẫng, bâng lâng mà phải người đã biết đến mùa thu ở miền Bắc mới nhận ra. Chẳng hiểu có phải vì điều này không mà Hiển thấy lòng mình thư thái, rộn lên niềm vui khó tả...
 
                                                                 
                                                                            A.B.M
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 449
Trong tuần: 1134
Lượt truy cập: 435933
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.