Nguyễn Xuân Mẫn
HƯƠNG VỊ CHÈ
Hôm họp quân chính trên trung đoàn, biết đại đội sẽ đi bổ sung cho công trường xây dựng cầu trên đường sắt Thống Nhất. Nghe tên cây cầu ấy, trong đầu Sẻn đã nghĩ đến nơi anh cần tìm đến nhưng chưa hề đặt chân đến. Trước đến nay đôi lúc Sẻn nghĩ: Có khi năm sáu làng xóm trùng tên nằm rải khắp nơi Quảng Bình thì tìm sao nổi, khác nào tìm chim trong rừng, vả lại bao năm chiến tranh biết thế nào??? Tiếng là ban chỉ huy đại đội nhưng hiện chỉ có hai người, tối qua hội ý thống nhất: Sáng nay Sẻn đi trước hai tiếng để kiểm tra tổ tiền trạm bố trí nơi ăn nghỉ, còn chính trị viên đại đội chỉ huy bộ đội hành quân đi sau.
Chừng mười giờ trưa, rừng già ngút ngàn trùm trên dãy núi đá vôi không làm dịu được cái nóng khô rát của gió Lào giữa ngày tháng sáu. Sau khi Sẻn hạ ba lô xuống giường tạm bằng tre tươi, bưng bát nước từ bếp lên, cô gái đon đả mời: “Chú bộ đội uống nác. Chè xanh đó, cháu phải đi dắt trâu về e nắng, hắn vô khe xa nỏ chộ!” Người Giáy vùng Bản San quê Sẻn hay nấu nước uống bằng các loại lá hay củ rừng, còn chè shan rất nhiều nhưng rất ít người uống. Ngày còn ở nhà, mỗi lần vào thăm bạn ở các làng người Kinh, nếu uống nước chè xanh là đêm ấy Sẻn trằn trọc không ngủ. Những năm tháng Sẻn chiến đấu ở đồng bằng Nam Bộ không hề có nước chè. Khi cô gái vừa đi khỏi, sợ uống chè bị cồn ruột và mất ngủ nên Sẻn mang xuống gian bếp, lấy ca nước lã tu liền một mạch căng bụng.
Tay phe phẩy mũ tai bèo làm quạt, mắt lướt qua căn nhà ba gian nhỏ hẹp, xung quanh nhà và vách ngăn với gian bếp chỉ nẹp bằng lá cọ. Sẻn còn đang miên man nhớ lại lần uống nước chè trên đường Trường Sơn, khi đã buộc xong trâu dưới gốc cây xoan ngoài ngõ, cô chủ nhà vào bếp bưng lên rổ ngô non luộc bốc hơi nghi ngút. Nhặt bắp to nhất, tước bẹ đưa cho anh, cô đon đả: “Mời chú ăn tạm!” Đi dạy học về đói nên cháu nướng bắp ăn no rồi. Nhà cháu chỉ có hai bọ con, bọ cháu đi rú chiều tối mới về. Từ ngày máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, làng cháu liên tiếp bị bom đạn. Người chết, nhà cửa đồ đạc chẳng còn gì, bà con phải chạy sơ tán hết rú nọ tới lèn kia. Sau khi ký kết hiệp định Pa ri, mọi người mới dám về làng nên nhà cửa sơ sài quá. Bữa qua xã đội trưởng dẫn hai anh bộ đội vô nhà, nhủ bọ cháu cho ban chỉ huy đại đội đóng nhờ vì nhà cháu ít người lại ở giữa làng. Nếu các chú nỏ chê thì ở đến khi xong cầu cũng được!” Nhìn sang cô gái, Sẻn mỉm cười: “Năm nay tôi hai bảy, đi bộ đội lúc mười bảy tuổi. Chín năm ròng chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, bây giờ mới ra Bắc, định lấy vợ mà có người gọi bằng chú, chắc không ai lấy tôi nữa!” Cô gái che miệng cười: “Thấy tóc anh bạc, em cứ tưởng anh cỡ ba sáu ba bảy chi đó!” “Vậy o có mấy con rồi? Chỉ ngón tay lên mắt mình, giọng cô gái thoáng buồn: “Có hai con ni. Mười sáu tuổi em đi thanh niên xung phong, sau đi học sư phạm cấp một rồi về quê dạy học được sáu năm. Thỉnh thoảng mới có bộ đội hành quân qua làng em nhưng chẳng ai thèm dừng lại. Nhà em theo đạo, nếu nỏ là giáo viên, em đã ra nhà dòng Mến Thánh giá đi tu rồi. Nhưng bọ em nhủ: Mi nặng nợ với phần đời, nỏ tu hành được! Em đành ở riết trong làng Khe Nét ni!”. Sẻn sững sờ buột miệng: “Ở đây có nhiều làng Khe Nét không?” “Chỉ có làng em thôi!” “Có o nào tên là Thìn không?” “Làng em có tới ba người tên là Thìn, nhưng anh hỏi Thìn mô?” “O Thìn thanh niên xung phong, năm 1966 ở binh trạm Cổng Trời đường Trường Sơn!” “Răng anh biết người đó?”. Nhìn ra ngọn núi đá trước nhà như người con gái đang trầm tư giữa nắng trưa, Sẻn trả lời: “Mười năm về trước, chuyện đó là:
…Năm 1966, hành quân vào Nam, suốt ngày trèo đèo dốc mệt mỏi, qua các khe nước đều có biển đề: “Máy bay Mỹ vừa rải chất độc hoá học, không dùng nước ở đây được”. Cuối buổi chiều đơn vị Sẻn nghỉ ở một binh trạm do thanh niên xung phong đảm nhiệm. O cấp dưỡng bê ra nồi quân dụng nước chè, bộ đội ta háo hức uống, khen chè ngon và hả hê không còn khát bỏng họng. Nghe Sẻn hỏi đường xuống khe lấy nước uống, o nuôi quân cười: “Anh bộ đội chê nước của thanh niên xung phong sao? Nấu bằng chè rừng không phải thuốc bùa mô mà sợ. Dưới bếp hết nước rồi, năm người của tiểu đội nuôi quân chúng em vừa xuống khe lấy chừng ba mươi phút nữa mới về được. Dưới khe đó máy bay Mỹ hay ném bom nên rất nguy hiểm. Anh nhấp tạm một vài hớp chè cho đỡ khát!” Đầu Sẻn nhen lên chút xấu hổ, e rằng người con gái kia sẽ nghĩ nước chè không dám uống thì đánh giặc sao được, nếu chờ có nước lã thì mình chịu khát sao nổi. Sẻn đành liều múc đầy ca nước chè tu một hơi hết sạch. Quả nhiên dù hành quân mệt mỏi, nhưng Sẻn trằn trọc không ngủ được. Sẻn hết trách mình sao không cố chịu khát để chờ nước lã thì không bị nước chè dày vò suốt đêm. Anh lại thầm trách o nuôi quân không chuẩn bị hai loại nước để bộ đội uống thứ gì tuỳ thích. Nghe tiếng binh boong của vợ chồng đôi chim từ quy đi ăn đêm đến gần nhau hơn làm Sẻn cười thầm: “Thôi sáng sớm mai sẽ…!” Đơn vị tập hợp bộ đội chuẩn bị hành quân, Sẻn chạy xộc xuống bếp gặp o nuôi quân nọ: “O đền tôi đi!” “Răng anh?” “Nước chè của o bắt tôi mất ngủ trắng đêm!” “Đền chi bây chừ?” “Ghi quê quán vào đây, hết giặc, tôi về tận nơi mới cho biết bắt đền cái gì!” Nói rồi, Sẻn rút chiếc bút Hồng Hà trong túi chìa cho cô gái: “Đây o viết cả họ tên vào báng súng này!” Hai câu: “Quê nghèo Khe Nét Quảng Bình, Rú sâu đèo dốc sợ anh nỏ về” cô gái vừa viết xong thì tiểu đội trưởng gọi Sẻn, không kịp nói lời chia tay, anh khoác vội khẩu AK chạy theo đơn vị…
Nghe Sẻn kể xong cô gái xúc động: “Rứa nên bây chừ anh xin về đây làm cầu chăng? Người đó có chồng con rồi thì ra răng, anh có gặp không? “Anh đành không dám…!” “May cho anh đó, chẳng có người đánh ghen với anh mô!” Chạy vụt vào trong gian bếp, cầm ra chiếc hộp đựng thuốc đánh răng, mở nắp lấy chiếc bút máy Hồng Hà thân màu sữa, nắp mạ vàng tay run run đưa cho Sẻn, người con gái oà khóc: “ Người đó… đứng… trước mặt anh nì! Em… đề…đền… cho… anh… đó!” Cầm chiếc bút có ghi cả họ tên mình, Sẻn ôm chầm lấy Thìn: “Thế mà anh cứ nghĩ đánh rơi khi đuổi theo đơn vị!”
Gần một tháng ban chỉ huy đại đội ở nhờ nhà dân, sáng nào Sẻn cũng thấy o Thìn dậy sớm ra vườn cắt nắm cành chè tơ, rửa sạch sẽ, cho vào ấm đất. Khi chiếc ấm to trên bếp sôi thì dội nước vào, lắc đều rồi đổ đi, sau đó mới cho tiếp nước sôi và đặt xuống cạnh bếp lửa. Ra ở doanh trại, cậu Nghiêm làm liên lạc vào dân xin chè về nấu nhưng Sẻn bảo uống không ngon. Rất may doanh trại dựng ngay đầu làng nên sau bữa ăn, Sẻn thường rủ Chủn, chính trị viên đại đội vào thăm nhà bọ Giao và xin nước chè. Quê Chủn ở Bắc Giang, nhà có tới ba sào chè là nguồn thu không nhỏ của gia đình anh, mỗi phiên chợ, mẹ anh hái đầy hai sọt chè lá đi chợ bán dư tiền mua được cả yến gạo ngon. Anh vẫn thường nói mình đẻ ngoài vườn chè, lớn lên bằng lá chè mà lại không uống được nước chè. Tuy thế, chiều lòng đại đội trưởng, vừa chụp mũ tai bèo lên đầu Chủn vừa cười với cậu liên lạc: “Chả biết đại đội trưởng nghiện chè hay nghiện o giáo Thìn hở Nghiêm!” Chủn nói không sai, mấy tháng sau Sẻn trở thành chàng rể ở làng Khe Nét.
Chuyển ngành về nông trường cách nhà năm cây số, Sẻn xin cho Thìn chuyển theo, về dạy học ở Bản San xã mình. Nhà đông anh em nên vợ chồng anh xin bố mẹ cho làm nhà ra ở riêng. Chỉ tay sang khu đất rộng bên cạnh trường, ông Thung hiệu trưởng bảo Thìn: “Cô giáo làm nhà ra chỗ này không phải đi xa, chú Sẻn đi làm cũng gần. Tôi sẽ vận động phụ huynh học sinh giúp đỡ!” Dựng nhà vào ngày chủ nhật nên ông Thung mời bằng được ông Tùng, trưởng phòng giáo dục vào mừng cho giáo viên đầu tiên của trường có nhà riêng. Dù chẳng bàn bạc gì với vợ chồng Thìn nhưng ông hiệu trưởng già nói bô bô với cấp trên: “Tôi bảo chúng nó rồi. Đất đai rộng phải trồng nhiều cây ăn quả lâu năm. Chỗ hủm kia thì đào ao nuôi cá. Các cụ nói rồi, an cư mới lạc nghiệp. Cứ như các giáo viên khác, chỉ nơm nớp sợ phải điều đi trường khác nên không cả dám trồng rau ăn thì yên tâm dạy sao được!” Hiểu ra ông giáo sắp về hưu này đang ngầm cảnh cáo nhẹ mình, ông Tùng gượng cười: “Bác có ở hoàn cảnh em đâu, giáo viên ít, nhiều xã rẻo cao không có người dạy, đành điều hai ba giáo viên lên, khi vào học ổn rồi thì ghép lớp lại để chuyển bớt giáo viên đi nơi chưa có lớp!”
Nhờ sự giúp đỡ của bà con trong xã, vợ chồng Sẻn - Thìn có ngôi nhà gỗ ba gian. Mấy hôm liền Thìn thấy sau bữa ăn tối, chồng mình lại sang xóm Nam Hoà, chị biết anh đã nghiện chè nên ăn cơm xong không có là không chịu được. Thìn vào trong xóm khai hoang Tiến Lâm vừa mua chè tươi về nấu và xin hạt trồng. Ở đây có giống chè vàng lá nhỏ như quê chị, nó chịu được nắng nóng của gió Lào mà lại thơm ngon hơn chè xanh lá to. Chỉ hai năm sau vợ chồng Sẻn đã có hai sào chè vừa uống, vừa trở thành nguồn thu không nhỏ mà chẳng phải chăm bón vất vả. Mỗi năm một lần, cứ độ qua tiết lập đông, chị lại đốn bớt cành, cuốc đất phơi cho hả rồi bón phân chuồng vun đất vào gốc. Sang tiết lập xuân, mưa phùn trời ấm là chè đã khoe chồi non mơn mởn. Khi ngoài đồng gặt xong lúa chiêm, chị bón tiếp phân chuồng lần nữa và lấy rơm rạ về rải dầy dưới gốc vừa tránh mưa xói mòn, vừa không cho cỏ mọc lại tạo thêm mùn. Được chăm bón chu đáo nên tuần nào chị cũng có chè đi chợ. Bốn giờ sáng ngày chủ nhật cũng là ngày phiên chợ, Thìn đưa con cho chồng bế rồi hối hả ra vườn cắt chè, buộc từng bó nhỏ rồi cũng hối hả đạp xe lên chợ. Vừa đến đầu chợ, người người đã xúm lại mua, chỉ mươi lăm phút, dăm chục bó chè cành của Thìn đã hết sạch. Nhiều người không ai biết tên nên đều bảo nhau chè cành của chị mặc áo bà ba màu gụ là ngon nhất. Dần dần người mua người bán quen nhau qua việc Thìn hướng dẫn mọi người từ việc chọn giống chè, cách chăm sóc và cả cách nấu rồi còn dặn cắt hay hái chè đừng để qua đêm vì bị ôi không ngon nữa.
Chỉ còn hơn năm nữa là được nghỉ hưu, cô giáo Thìn đang dạy học thì đột ngột ôm đầu vật vã rồi mê man bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu ngoài bệnh viện tỉnh. Khi chụp phim, các bác sĩ phát hiện có một dị vật như hạt gạo nằm trong não. Lúc ấy ông Sẻn mới nhớ một đôi lần vợ ông kể…
…Đầu giờ chiều, nghe Liên và Ngát bảo nhau đi đốn chè về nấu nước đón bộ đội nghỉ lại chiều tối nay, Thìn bảo: “Tau đi với!” Vừa nói Thìn vừa đeo xanh tuya rông có bao đựng con dao rựa chạy theo. Liên quay lại: “Mai mi được về rồi, nghỉ ở nhà chuẩn bị các thứ đi!” “Nhưng bọn bay nỏ biết có cây chè to nhất, đốn cả tháng nỏ hết mô. Tau đi với tụi bay lần cuối thôi mà!” Theo Thìn dẫn đường, rẽ rừng sang bên kia dốc, chừng hai mươi phút sau tới gần cây chè to ngang người ôm. Thìn bảo: Để tau trèo lên đốn cho nhanh kẻo mần ăn kiểu ả chơi trăng như bọn mi, chẳng may máy bay thả bom thì mất gáo sạch!” Đột nhiên trên trời có tiếng ì ì nặng nề rất gần. Thìn chỉ kịp kêu: “B52 rồi bay” là lúc mặt đất rung lên bần bật kèm theo những tiếng nổ lộng óc ù tai, hơi bom tạt mạnh xé quần áo rách toang. Khói bom quyện theo bụi toả mù mịt, đất đá bay rào rào, cây đổ ngổn ngang. Loạt bom thứ hai, thứ ba rải theo sườn đồi, Thìn ngẩng lên nhìn, một quả bom phát quang nổ cách chừng mươi mét. Liên bị chính cây chè đổ ngang đè trúng đầu, hai tay hai chân giẫy giụa yếu ớt rồi ngừng hẳn. Cách đó không xa, thân xác Ngát be bét, đỏ lòm. Chẳng hiểu bom có rơi vào đơn vị hay không nhưng trong tình huống nguy kịch, Thìn cứ phải chạy về cầu cứu. Nhìn quần áo Thìn tơi tả, mặt mũi đen sạm khói bom, máu trên đầu rỉ xuống mang tai đã se lại, mấy người vội cắt tóc cho Thìn rồi đặt gạc dán băng dính. Đến đêm không bị rỉ máu mà cũng chẳng đau lắm, Thìn cứ nghĩ chắc khi chạy về bị va vào đâu đó…
Nhìn bà nằm lịm trên giường bệnh, lòng ông đau thắt lại. Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường, chịu đựng không biết bao trận bom đạn, không biết bao lần đấu súng với kẻ thù nhưng ông không hề sây xát. Thế mà sau mấy chục năm đất nước hoà bình, chiến tranh lại tái diễn trong gia đình ông. Suốt bảy ngày nằm cấp cứu, bà Thìn không nói được câu nào rồi ra đi sau một cơn co giật.
Sau khi bà Thìn mất, hai thằng con trai đều đòi đón ông Sẻn ra ở với chúng nó ngoài thành phố nhưng ông không chịu đi. Thằng Phìn bảo: “Ông phải ra ở với con vì con là cả! Nhà ba tầng, tầng nào cũng có phòng riêng tuỳ ông chọn!” Ông phàn nàn: “Phố xá ồn ào lắm, bố quen sống ở quê rồi!” Vợ thằng Nhàn, con dâu thứ hai mấy lần đi xe con về thủ thỉ: “Bố thui thủi một mình, chúng con xấu hổ với người ta lắm. Bố già rồi, ăn uống đáng bao, vợ chồng con lo chu đáo như mẹ con lo cho bố. Lương hưu bố cứ giữ tiêu gì thì tiêu, không phải để dành, việc gì cần tiền bố bảo cho chúng con lo. Không nói ra nhưng ông biết vợ chồng cả hai đứa đi làm từ sáng sớm, hết giờ làm còn đánh tennit, đua xe đạp, có khi tám chín giờ tối mới về, chả lẽ tối nào ông cũng phải ngồi ngủ gật chờ con cháu về mới ăn cơm. Yến là cô con gái út lấy chồng cách nhà gần trăm cây số, lần nào về cũng sụt sùi: “Ông bà bên nội chẳng còn ai. Hay bố đi với con?” Ông cười: “Bố còn khoẻ chán. Con không lo!”
Mặt trời vừa nhô lên khỏi dãy núi phía đông, toả ánh nắng hồng tươi. Những giọt sương sớm đọng trên búp chè non trông tựa những hạt ngọc bích lung linh. Thơ thẩn đi giữa vườn chè, tán cao ngang thắt lưng, sâu thẳm trong lòng ông phảng phất nỗi buồn vì sẽ phải xa mảnh đất với chè mang bao kỷ niệm vui buồn sâu sắc. Ngày ấy nghỉ ở binh trạm Cổng Trời hai tiếng Khe Nét viết trên báng súng theo chàng lính trẻ hành quân rồi in sâu trong tâm trí suốt chín năm ròng. Ngày ấy cây cầu Khe Nét trên đường sắt Thống hất đã đưa những con tàu vào Nam ra Bắc và đưa ông gặp lại rồi nên duyên với người con gái chỉ mới gặp một lần cách đó mười năm và từ đó ông mới nghiện chè tươi. Ngày ấy và cả về sau, cô giáo Thìn thường nói: “Cha em vẫn nhủ, cụ Hải Thượng Lãn Ông dạy chè là vị thuốc nam cho người nam. Vị ngọt, vị chát và mùi thơm trong chè kết hợp với nhau giúp cho tim mạch ổn định, tăng cường trí nhớ, và hỗ trợ xương khớp. Bị các bệnh cảm sốt, đau bụng tiêu chảy uống chè đặc là bệnh tiêu tan. Trẻ con mắc ghẻ lở dăm bữa tắm bằng nước chè thiu tra muối là khỏi. Nhưng muốn chè thành vị thuốc cũng phải biết dùng đúng cách, đó là phải nấu cả cành và lá. Là thuốc nam chữa bệnh cho người nam nên phải dùng ấm đất mới hiệu nghiệm, vì đồ kim khí thường làm giảm công dụng của chè…” Khi nghỉ hè về quê ngoại, bà mua bằng được cái hai ấm đất, một to một nhỏ mang ra Lào Cai giữ gìn rất cẩn thận chỉ chuyên nấu nước chè.
… Tiếng trống báo sắp vào giờ học bên trường vang lên làm ông xúc động. Nếu từ ngày ấy vợ chồng ông chỉ trông vào đồng lương mà không có cụ Thung và các giáo viên cùng phụ huynh trong xã giúp đỡ, làm sao vợ chồng ông có mảnh đất này. Dù gần nhà nhưng công việc của người đội trưởng sản xuất, rồi thành giám đốc nông trường đã cuốn hút hết thời gian, có khi hai ba ngày ông mới về nhà. Ngoài giờ lên lớp, bà Thìn lại quần xắn móng lợn, hết cuốc xới ngoài vườn lại lấy rau nấu cám lợn. Không ở vườn chè thì cũng lên đồi cắt cỏ ném xuống ao cho cá ăn. Cây ngắn ngày, cây lâu năm, chuồng lợn, đàn gà, ao cá… Nhờ bà lo toan vất vả nên có tiền cho ba đứa con học xong đại học và mười lăm năm trước, xây được ngôi nhà mái bằng rộng hai trăm mét vuông. Không lâu nữa nhà cửa vườn cây ao cá chẳng còn, vì để nhường đất cho mở rộng trường học. Mảnh đất hơn sáu nghìn mét vuông này sẽ mọc lên nhà đa năng hai tầng và sân thể thao cho học sinh. Ông thở dài: Nếu còn sống để được tận thấy sự lớn lên của nơi đã ba mươi năm gắn bó, chắc bà ấy sẽ vui mừng lắm! Ông tự nhủ tuy còn khoẻ nhưng sắp vào tuổi tám mươi, đã sang lúc bóng xế chiều hôm nên sẽ ra ở với các con cho chúng nó yên tâm.
Ra ở với vợ chồng con trai cả đã hơn nửa tháng, sáng nào chị con dâu cũng mua chè tươi về hãm vào ấm tích rồi ủ trong giành để ông Sẻn uống. Ban ngày con đi làm, cháu đi học, ông chăm sóc mấy cây cảnh, quét dọn rồi ngồi xem ti vi, mọi việc ấy quay đi quay lại mãi cũng chán. Hôm nay ông khoá cửa ra công viên đi dạo cho khuây khoả và mong gặp được người quen để dốc bầu tâm sự. Sắp tới cổng công viên, ông nghe có tiếng gọi: “Ông ơi! Cháu mời ông vào xơi nước chè tươi cho tỉnh táo!” Ông nhận ra tiếng cô gái ngồi bên chiếc bàn bầy bánh kẹo, hoa quả, nước giải khát và bộ cốc thuỷ tinh. Cạnh bàn là chiếc giỏ phủ mảnh chăn dầy, chắc trong giỏ là ấm nước chè. Dù trước khi đi đã uống nước chè nhưng nể lời mời nên ông vẫn ghé vào. Ngồi nhâm nhi cạn cốc nước chè thứ hai, ông Sẻn vẫn không tìm thấy nước chè của hàng này và cả của con dâu nấu chẳng có được hương vị như chè của vợ ông ngày trước. Chợt cô gái bán hàng nhìn vào ông với vẻ ngạc nhiên: “Ông ơi! Tờ báo Giáo Dục Thời Đại của ngành cháu đưa tin trường tiểu học Bản San, nơi cháu sắp được về dạy, có nhà ông cụ Lý A Sẻn ở cạnh, phải thu hồi đất để mở rộng trường. Ông cụ đem hết số tiền hai tỷ đồng đền bù, ủng hộ cho trường làm quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Nhìn ảnh ông cụ trong bài báo này sao mà thấy giống ông thế!” Ông Sẻn tủm tỉm cười: “Thiên hạ nhiều người giống nhau lắm cô giáo à! Đứng dậy chào cô gái bán hàng rồi đi vào công viên, mắt ông Sẻn rươm rướm lệ, miệng vừa lẩm bẩm: “Chiếc hòm đựng hai cái ấm đất có cây bút Hồng Hà, chúng nó cất đâu mà mình chưa tìm thấy?”
Tháng 3 năm 2022
N . X . M
Người gửi / điện thoại