Vi Thị Thu Đạm
HOA MẬN TRẮNG QUÁ
Cái gì nhấp nhóa trắng thế kia, chẳng phải là hoa mận đó ư? Ông Sàng quờ tay tìm cây gậy rồi thập thững bước ra hiên nhà. Vượt bức tường trình dày bốn tấc, qua cánh cửa gỗ là hơi lạnh ập ngay vào người. Lập xuân rồi mà còn rét thế chứ! Ông Sàng lò dò đi về phía cuối vườn, nơi giáp ranh nhà ông với nhà bà Miều, nơi có hàng mận già nua, gốc đen sì như củi khô mà năm nào cũng vẫn nở hoa trắng xóa.
Ừ. Phải rồi, là hoa mận. Mấy hôm trước ông để ý ngó nghiêng còn chưa thấy, nay đã trắng xóa cả ra. Ông Sàng ngửa cổ, nhìn đám hoa mận nở trắng dưới mưa phùn, đôi môi mấp máy, run run, chẳng ra cười cũng không ra khóc. Hoa mận bây giờ, nhắc ông nhớ về hoa mận ngày xưa.
Mùa hoa mận ấy, cách nay cũng đã gần năm mươi năm, khi ấy ông Sàng còn là một gã trai tơ. Vào một ngày hoa mận nở trắng xóa thế này đây, ông đã gặp người con gái ấy ở hội lồng tồng nhằm ngày hai mươi tám tháng Giêng, hội lồng tồng to nhất vùng Hải Yến này. Ngày ấy, ông dẫn đầu nhóm bạn trai đi hội và sli(*). Bà Miều khi ấy vừa tròn mười bảy, nhưng vì bạo dạn lại hát hay, đối đáp giỏi nên cũng dẫn đầu một nhóm bạn gái đến hội và sli. Lang thang hát dạo qua mấy nhóm, mãi đến cuối chiều hai nhóm hát này mới gặp nhau và mới thực là đối thủ của nhau. Họ hát đối say sưa cho tới tận đêm. Dọc hai bên đường, chỉ thấy hoa mận dâng lên trắng xóa. Càng về tối, sương càng dày đặc. Hơi gió lạnh buốt. Đôi vai áo ướt đẫm sương đêm mà tiếng hát như càng say “Người ơi, người ơi. Hôm nay ta gặp được nhau, như sợi chỉ khâu vào gấu áo. Biết có bền chắc không?”. “Người ơi, nàng ơi. Sợi chỉ đỏ, sợi chỉ xanh. Đã thêu vào tim anh, làm sao mà đứt được?”...
Và rồi, theo như tục lệ các nhóm hát trai chưa vợ gái chưa chồng, cùng với biết bao là háo hức, ông Sàng còn nhớ rằng nhóm của ông đã phân công một cậu trai trong nhóm dừng lại bên bụi sim ven đường, chờ cho nhóm gái, theo phép xã giao, cũng sẽ tách một cô ở lại để đôi bên tâm sự. Đoán rằng Miều là người dẫn đầu nhóm hát của bên con gái, sẽ không dừng lại ngay ở lần tách đôi đầu tiên này, nên cả bốn chàng trai, hình như chẳng có ai muốn nhận nhiệm vụ, phải hè nhau mãi mới có người đồng ý. Thế mà tẽn tò thay, nhóm gái ấy, toàn những cô gái trẻ, lần đầu đi hội và sli, nên các cô chưa ai có ý định hẹn hò riêng. Lúc đi qua chỗ có một chàng trai đứng đợi, các cô đấm lưng nhau thùm thụp rồi cứ thế mà đi qua. Đến thôn Tồng Riền thì nhóm gái hát lời giã bạn, làm cả bốn chàng trai tiu nghỉu. Đêm ấy, từ thôn Tồng Riền lê bước chân về Khuổi Đứa, sao mà thấy xa tít tắp. Bao giờ mới có dịp gặp lại nhau đây? “Người ơi. Bước chân không muốn bước. Bước thật ngắn thôi. Tiếc con đường sắp hết. Tiếc sắp xa nhau rồi”...
Chà! Những tiếng hát như vừa đi qua cửa miệng, mà thoắt cái, đã gần năm mươi năm trôi qua! Ông Sàng ngửa cổ lên trời. Những bông mận trắng nhòa trong đôi mắt già nua của ông.
Bỗng ông Sàng nghe có tiếng hát:
“Người ơi. Hoa mận trắng hoa lê cũng trắng. Mận lê còn kết bạn mùa xuân. Chúng mình có làm bạn hay không?”
“Người ơi, mình ơi. Cách suối thì ta lội suối. Cách vực thì ta xây cầu. Ta hóa thành đôi chim bay đến bên nhau...”
Tiếng hát của bà Miều. Không phải là mơ. Đúng! Không phải là ông Sàng đang mơ đâu. Ông đang đứng dưới những gốc mận già, hàng mận giáp ranh giữa đất nhà ông với đất nhà bà Miều. Bên kia gốc mận, là ngôi nhà trình tường của bà Miều. Ông đang đứng dưới gốc mận đây. Hoa mận đang nở trắng kia. Còn cả mưa phùn nữa chứ. Không phải mơ mà. Gần năm mươi năm qua rồi, bây giờ ông Sàng mới được nghe lại giọng hát của bà Miều. Tưởng đâu chết đi, cũng không còn được nghe nữa chứ.
“Người ơi, mình ơi. Hoa nở trên cành đâu muốn rụng. Người bên người đâu muốn rời xa nhau”...
Đúng là tiếng hát của bà Miều. Giọng bà không còn ngân vang như tiếng con ve sầu, không còn trong trẻo như tiếng con chim nộc thua(**) nữa rồi, nhưng vẫn tròn vành rõ tiếng, đẹp ý hay vần. Ông Sàng không còn đứng vững nữa, bèn ngồi bệt xuống đám cỏ, dựa lưng vào gốc mận già. Trong nhà, bà Miều vẫn hát ê a. Tiếng hát rõ là thực mà có lúc lại như mơ, đưa ông Sàng ngược về những tháng ngày xa xưa.
Mùa đông năm ấy, gió lạnh về sớm. Những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về đã khiến trái tim của Sàng rạo rực. Xong vụ gặt, lũ bạn hò nhau lên rừng kiếm củi. Để chuẩn bị cho mùa đông giá rét, củi phải được chất đầy gầm sàn. Qua tết Nguyên đán là vào mùa hát hội. Mùa hát năm tới, nhất định Sàng phải gặp được Miều. Sàng sẽ hát, sẽ cùng hòa giọng với con chim nộc thua của Tồng Riền, sẽ dùng tiếng hát nói hộ nỗi lòng trăm nhớ, ngàn thương.
Thế rồi, bỗng một ngày kia, ông bố Sàng trong một buổi ngà ngà hơi rượu nói vào mặt Sàng: “Mày đến tuổi lấy vợ rồi đấy. Có đám nào chưa để tao còn đi hỏi?”. Sàng giật nảy cả mình, tim đập thình thình như muốn vỡ. Vờ như chẳng nghe thấy gì, Sàng quay người rút phắt con dao trên liếp rồi lao ra cửa sau theo tiếng gọi í ới của chúng bạn rủ lên rừng hái củi. Cơ mà hôm ấy, Sàng cứ loay hoay như bị ma làm, hết đứng ngẩn đứng ngơ lại cười tủm ta tủm tỉm. Tối đến, Sàng lân la hỏi mẹ “Trưa nay pá nói thế, có thật không mẹ?”. “Thì sao mà không thật, - bà mẹ thủng thẳng đáp. - Con cũng đến tuổi lấy vợ rồi”. “Mẹ à...”, Sàng ấp úng. ‘Thế thích đứa nào rồi à?”, bà mẹ dò hỏi. “Miều, ở Tồng Riền”. Sàng lấy hết can đảm thốt ra bốn từ ấy rồi chạy vội khỏi bà mẹ, không cả biết bà đã nghe rõ hay chưa.
Rồi tết Nguyên đán cũng đã cận kề. Bố đan cái lồng to để nhốt gà thiến vào chăn riêng cho béo. Mẹ đi chợ phiên, mua về những gói đường phên thơm nức để làm bánh khảo. Tịnh không ai nhắc gì đến chuyện đi hỏi vợ cho Sàng. Sàng như quả bóng xì hơi, héo rũ. Chắc người già định qua Giêng mới tính. Mà qua Giêng, đến hội và sli, gặp Miều, Sàng sẽ nói rõ nỗi lòng mình.
Nhưng cái số hai người không lấy được nhau. Một hôm, thằng Thực chạy từng tực đến trước mắt Sàng, miệng cười ngoác đến mang tai, bảo “Sàng. Tao sắp lấy vợ”. “Thật à?”. “Thật. Tao lấy cái Miều ở Tồng Riền. Định ngày rồi. Qua tết là cưới”. Mấy lời ấy, thằng Thực vừa nói vừa cười mà Sàng nghe như sấm đánh ngang tai. Choáng quá. Sàng ngồi xụp xuống, thằng Thực còn ôm lấy hai vai Sàng, lay lấy lay để “Không tin à? Mày không tin à?”. Tối hôm ấy, Sàng bỏ cơm, lên giường nằm im như chó ốm. Chờ lúc mọi người đi ngủ hết, bà mẹ lại gần giường, bảo “Dậy mà ăn một ít đi không thì ốm thật đấy. Không lấy đứa này thì lấy đứa khác thôi. Hôm trước tao nói rồi, nhưng bố mày còn chần chừ vì bà mẹ cái Miều là ghê gớm lắm, ai chả biết. Hỏi mà bị nhà nó từ thì xấu mặt, xúi quẩy. Thế mà bố thằng Thực làm liều, ai ngờ lại được việc. Con bé Miều ấy vừa giỏi lại vừa ngoan”. Thôi. Thế là hết. Hết thật rồi. Còn đâu là hát hội. Con chim nộc thua đã có kẻ đan lồng đi bắt lấy rồi. Thằng Thực cùng thích cái Miều mà. Cái thằng vô tâm ấy mà tốt số thế!
Sàng vẫn nằm lì xó giường cho tới sáng hôm sau. Nó sai em gái nhắn thằng Quảng sang nhà rồi hai thằng trèo lên sàn rơm nằm lì cả buổi. Được cái hôm ấy vừa mưa vừa lạnh, hai thằng nằm rúc trong đống rơm cũng chả ai thèm nhòm ngó. Thằng Quảng chốc chốc lại chép miệng “Thôi. Biết làm sao được!” mà nghe càng nẫu hết ruột gan. Đến chiều thằng Quảng bảo “Xuống đi. Tao đói lắm rồi”. Thằng Sàng bảo ‘Ừ. Xuống thì xuống” rồi đứng dậy, dang tay ném mạnh chiếc hặp pịa(***) đan bằng sợi mây mà nó ôm trong tay suốt từ hôm qua tới giờ. Chiếc hặp pịa tự tay nó chuốt từng sợi lạt, tự tay đan trong không biết bao nhiêu đêm.
Hai thằng tụt khỏi sàn rơm vào bếp lục tìm nồi cháo ngô húp sụp soạt. Đói lả đi rồi, mà Sàng thấy hôm nay, cháo ngô đắng thế chứ!
Miều về làm dâu thôn Khuổi Đứa, làm vợ Thực nhằm ngày hai sáu tháng Giêng. Chỗ buồng ngủ của cô dâu mới cả đêm hôm ấy sáng ánh đèn, dù đã rất say rượu mà Sàng vẫn còn nhớ rõ. Sàng say mèm tới tận mấy ngày, bỏ cả hát hội Hải Yến năm ấy. Mà nó cũng tuyên bố luôn rằng chẳng bao giờ đi hát hội nữa. Rồi Sàng cũng lấy vợ, sinh con. Đúng là Sàng cũng chẳng bao giờ đi hội và sli nữa, dù cho mỗi mùa hoa mận nở, những tiếc thương trong lòng luôn chực ngân lên thành câu hát.
Mà sao yên lặng thế nhỉ?. À, bà Miều không hát nữa rồi.
Có tiếng kẹt cửa, rồi tiếng bà Miều hắng giọng:
- Ông già. Vào nhà ngồi, ngồi đấy mưa ướt hết!
Ông Sàng giật mình, lồm cồm đứng dậy, vừa phủi đít quần vừa ngó quanh.
- Bước sang bên này đi. Có lối đi mà - bà Miều gọi. - Tôi có chè ngon mới pha đấy!
Ờ nhỉ, ông Sàng trông thấy có một lối mòn giữa bờ giậu thật. Ông ậm ừ chả biết nói sao, bước thấp bước cao, chỉ vài bước là đã sang đến vuông sân nhà bà Miều.
Bà Miều mở rộng cửa, ông Sàng bước vào, ngồi xuống bộ bàn ghế gỗ, ngửi thấy mùi chè mới pha thật thơm
- Đưa cái mũ về đây để tôi đem đi hơ lửa, ướt hết rồi!
Ông Sàng cởi mũ đưa cho bà Miều rồi đón lấy từ tay bà chén chè nóng. Nhấp ngụm nước, ông bảo:
- Từ nãy tới giờ, tôi ngồi nghe bà hát.
- Ừ. Cũng lâu lắm rồi tôi không hát. Nay thấy hoa mận nở nhiều quá, vui miệng thì hát thôi.
Ông Sàng ngồi im, chẳng biết nói gì thêm. Mãi rồi, bà Miều mới thủng thẳng:
- Bữa trước, có đứa cháu gái ở Đài truyền hình của tỉnh mời tôi ra nhà văn hóa thôn rồi bảo tôi và sli để nó thu vào máy đấy. Nếu nó nói trước thì tôi đã rủ ông rồi. Vẫn còn mấy bài sli kháng chiến, khi còn trẻ tôi cũng học lỏm được từ các chị. Bữa nào cô cháu ấy đến, thì tôi lại hát.
Nói rồi bà Miều lại cất tiếng hát “Ơi người ơi. Ơi chị em ơi. Dòng suối này là bạc, tấc đất này là vàng. Vàng bạc này của ta, ta phải giữ. Dù máu đổ thành sông ta quyết giữ”...
Ông Sàng đưa mắt nhìn ra ngoài. Những cây mận góc sân nhà bà Miều cũng đang độ nở hoa trắng muốt.
Vào một mùa xuân hoa nở như thế này đây, thằng Thực đã xung phong đi bộ đội khi vợ nó vừa đẻ đứa thứ ba. Nếu không bị ngã ngựa gẫy tay, thì Sàng cũng nhập ngũ cùng một ngày với nó. Nó đi bộ đội được hai năm, đến mùa xuân năm bảy chín thì ở nhà hay tin nó hy sinh. Độ ấy, cũng vào mùa hoa mận nở trắng bốp, gia đình Miều làm ma khô, tiễn thằng Thực về với tổ tiên. Xác nó khi ấy còn ở ngoài chiến trường, sau này thì được quy tập về nghĩa trang. Còn ngôi mộ đắp sau ngọn đồi kia, là ngôi mộ không có cốt. Ngày làm ma đưa nó lên đồi, Miều mặc bộ quần áo xô trắng, đội khăn tang trắng, đi sau quan tài, giữa những cây mận nở hoa trắng lạnh, là hình ảnh mà mỗi khi nhớ lại, Sàng lại thấy lòng đau như dao cắt. Sau đám ma thằng Thực mấy năm thì bố mẹ Thực cũng lần lượt về với tổ tiên. Miều gả chồng cho đứa em út, rồi ba mẹ con sống lặng lẽ mùa qua mùa trong ngôi nhà trình tường mỗi ngày một cũ kĩ.
Nhớ có lần, Sàng nói với Miều “Để tôi gặt nhà tôi xong, tôi sang giúp”. Ấy thế mà mấy mẹ con Miều gặt ngày gặt đêm. Nhà Sàng gặt xong, thì thóc lúa nhà Miều cũng đã vào bồ. Rồi có lần vụ ngô, Sàng bảo “Mai tôi hộ bẻ ngô ở ruộng Lớn nhé. Mấy mẹ con đến mà gánh về là được”. Ấy thế mà, đêm ấy sáng trăng, Miều đi chặt ngô cả đêm. Sáng ra đã thấy ba đứa con Miều kĩu kịt gánh ngô về. Từ lần ấy, không bao giờ Sàng dám mở mồm nói giúp Miều nữa. Cho mãi đến một hôm, ấy là một buổi tối mùa hè, trời nổi cơn gió lớn rồi mưa to tầm tã, nghe tiếng khóc thét bên nhà Miều, Sàng vội vã lao sang. Thì ra gió thổi tắt ngọn đèn làm đứa con gái út khóc váng lên. Hai thằng anh ra ao lùa vịt vẫn chưa về. Miều thì đang đánh vật với con trâu Moong. Nó vừa đẻ xong, định lùa nó vào dưới sàn rơm mà nó nhất định không chịu. Sấm chớp đùng đoàng làm nó sợ. Sàng xông vào, ghì đôi sừng nó xuống, vừa kéo vừa lôi. Miều bế con nghé con, vừa kịp chạy qua sàn rơm thì cái chuồng trâu đổ xụp xuống. Đặt con bê con xuống chỗ rơm mà Sàng vừa rải ra, Miều đưa mu bàn tay lau vội hai hàng nước mắt. Không cầm lòng được, Sàng bèn quàng tay ôm chặt lấy Miều. Nhưng vừa áp vòng eo nóng rẫy ấy vào sát cơ thể mình, Sàng đã bị Miều bẻ quặt tay rồi thoát đi mất. Miều chạy bổ về nhà, dẫu cho ngọn đèn treo trên cành mận đã tắt từ lâu, dẫu cho mưa từng hạt to tướng quất vào má, vào vai bỏng rát.
Ngày hôm sau, Sàng đeo dao sang nhà Miều tính giúp dựng lại cái chuồng trâu thì đã có mấy người cũng đang đến để làm việc đó, do Miều đi gọi họ về giúp. Tưởng đâu Sàng cũng chỉ là một thành viên trong đội làm giúp, họ cùng bắt tay vào việc, đến quá trưa thì xong. Cơm nước xong, Sàng vừa về đến nhà đã lại nghe thấy tiếng chẻ tre bôm bốp. Thì ra Miều chẻ tre, rào một hàng thẳng tắp chỗ ranh giới hai nhà. Nghe thấy Miều nói với vợ Sàng, rằng đàn ngan nhà Miều hay sang nhà Sàng nhẫm nát cả mấy luống rau nên phải rào vào để tránh gà tránh vịt. Thế là từ đó, muốn sang nhà Miều phải đi đường vòng khá xa, qua một cái ao to. Cũng từ đó, Sàng không bao giờ bước chân sang bên ấy nữa. Hàng rào ấy đổ mục thì Miều lại rào một hàng rào mới. Cũng có năm, là Sàng chủ động chẻ tre để rào lại hàng rào phân cách hai nhà. Mọi công việc hiếu hỉ xã giao bên nhà Miều, Sàng đều phó thác cho vợ. Ngay cả ngày giỗ của Thực, năm nào Sàng cũng nhớ, cũng đều nhắc vợ thịt gà, đồ xôi mang sang bên ấy. Miều cũng vậy, mọi công việc cỗ bàn của nhà Sàng, Miều cũng phó thác cho thằng Lanh, con trai cả, thay mặt mẹ mà sang góp mặt. Mọi việc được hai nhà sắp đặt như vậy thì cũng là lẽ thường thôi, không ai thấy có điều bất thường ở đó cả. Nhưng có một lần, Sàng nghe bà mẹ mình nói một lời bâng quơ “Làm bà góa khó lắm, không phải dễ đâu. Tao là tao thương con Miều lắm!”. Mãi tới khi bà mẹ chết đi rồi, nghiệm lại biết bao nhiêu là việc, Sàng mới thấy lời bà mẹ thật là nặng như đá tảng.
Ba đứa con bà Miều dựng vợ gả chồng rồi ra đi hết cả. Nghe nói thằng Lanh giờ làm cán bộ to rồi, chẳng mấy khi thấy nó về, chỉ thấy thằng Tài, con trai thằng Lanh là hay qua lại. Nhà ông Sàng cũng vậy. Bốn đứa con mỗi đứa một nơi. Từ ngày vợ ông Sàng mất, thằng thứ hai cho con gái về học ở huyện nhà để ở cùng ông, chăm ông. Con bé nghe lời bố, về ở với ông nội đã ngót hai năm, vừa hiền lại vừa ngoan. Sáng đi học, chiều về còn chăm được một vườn rau xanh mướt, hai ông cháu ăn là mấy đâu, toàn gửi ra cho bố mẹ.
- Thằng Tài nó về ở hẳn đây rồi, ông biết chưa?
Bà Miều đột ngột hỏi làm cho ông Sàng ngẩn ra.
- Thế ông lại chưa biết rồi, - bà Miều thủng thẳng. - Thằng Tài thi đỗ công chức xã rồi. Nó làm cán bộ xã Hải Yến, nó bảo nó sẽ làm lại cái nhà trình này, rồi nó tính ở hẳn đây.
- Nhưng mà... - ông Sàng ngập ngừng. - Nhưng mà tôi lại nghe nói là, qua Giêng này, bà sẽ ra sống ngoài thành phố?
- À! - Bà Miều hắng giọng, - thì ra ông đã nghe chuyện. Thì là vợ thằng Lanh, nó lấy chồng mà đã về đây mấy lúc đâu. Nó muốn tôi ra ngoài ấy để nó báo hiếu ấy mà!
- Thế bà có đi không?
- Thì phải đi cho các con báo hiếu chứ!
Thế thì qua Giêng này, bà ấy đi ra thành phố thật rồi. Ông Sàng ngồi yên mà chẳng biết nói sao. Bỗng bà Miều đứng dậy đi vào buồng rồi cầm ra một cái usb. Bà xòe tay hỏi ông
- Ông có biết cái gì đây không?
- Không biết. - Ông Sàng lắc đầu.
- Cô cháu phóng viên ở Đài truyền hình ấy, bảo ở trong này, là tất cả những bài sli tôi hát đấy. Muốn nghe phải có máy. Thằng Tài hứa mua máy cho tôi rồi. Nhưng tôi tặng nó cho ông.
Ông Sàng xòe tay, run run nhận từ bà Miều cái thanh nhựa nhỏ xíu ấy mà miệng mấp máy chẳng nên lời. Mãi rồi ông mới nói:
- Tôi thì chẳng có gì tặng bà.
Bà Miều lại một lần nữa đứng dậy, đi vào buồng. Lúc trở ra bà cầm trên tay chiếc hặp pịa đã lên nước vàng óng.
- Quà của ông tôi vẫn giữ đây mà!
Ôi. Là chiếc hặp pịa tự tay ông đan, phối hai màu lạt nhuộm đỏ vàng, làm sao mà ông quên được. Nhưng sao bà Miều lại có cái hặp pịa này mới được chứ?
Bà Miều nhìn ông, thủng thẳng:
- Là Quảng đưa cho tôi, ngay sau hôm ông vứt nó vào bụi cây. Quảng bảo, Sàng đan tặng Miều đấy, nhưng biết tin Miều lấy chồng Sàng vứt nó đi rồi. Tôi nhặt đem cho Miều. Miều giữ nó hay vứt đi là tuỳ Miều!
Ôi cái thằng! Thế mà cho đến lúc chết, nó cũng cấm có kể lại chuyện này.
Ở bên nhà ông Sàng nghe như có mùi khói bếp. Hình như cái Thúy đi học về, đã nhóm lửa nấu cơm.
- Còn một chuyện này nữa đấy, không biết ông đã nghe hay chưa?
- Còn chuyện gì nữa thế?
- Thằng Tài cháu tôi nó muốn lấy cái Thúy cháu ông làm vợ đấy!
- À, ừ... Thảo nào...
Thảo nào cứ thấy mặt cái Thúy là thấy mặt thằng Tài, chúng nó theo nhau thế chứ!
- Bố mẹ nó bảo chờ cái Thúy học xong mới thưa chuyện. Tôi thì tôi bảo, cứ sang nói chuyện với bố mẹ nó, cho chúng nó đi lại dần với nhau là vừa. Chứ mình thích thì cũng có người khác thích chứ, không nhanh là mất vợ!
- Bọn trẻ bây giờ khôn lắm bà ạ. Chúng nó có ưng nhau thì mới nên vợ nên chồng. Chứ chúng nó không ưng thì có bắt cũng chả được!
Mãi rồi ông Sàng cũng cự lại bà Miều một câu, làm cho bà cứ cúi mặt cười mỉm mỉm.
- Nếu mà hai đứa nó lấy nhau thật, thì tôi lại về Khuổi Đứa này trông nhà, trông con cho chúng nó, chứ tôi không ở thành phố lâu đâu!
- Ừ. Bà nghĩ thế là phải. Mình cả đời ở đây rồi!
Ông Sàng thở ra nhè nhẹ, tay nắm chặt cái usb, nhìn ra ngoài sân, thấy hoa mận trắng bồng bềnh như mây trôi.
Cái Thúy từ cửa đi vào, tay xách cái làm, bên trong có bát canh nóng hổi
- Bà. Anh Tài về muộn, bảo cháu nấu canh mang sang cho bà. Cháu mà biết ông cháu ở đây, cháu dọn mâm sang ăn một chỗ cho vui nhỉ?
- Thôi để ông về. Để ông về!...
Ông Sàng lập cập đứng dậy, một tay cầm gậy, một tay nắm chặt cái usb. Ông đi đến chỗ bờ giậu giáp ranh giữa hai nhà, còn nghe bà Miều dặn với theo
- Ông à, năm nay không làm hàng rào nữa nhé, để bọn trẻ nó tiện qua lại.
- Ừ. Không rào nữa. Không rào nữa đâu! - Ông Sàng lầm bầm.
Mưa phùn đã ngớt. Dưới bầu trời xuân trong trẻo, hoa mận nở bung. Hoa mận trắng quá!
V.T.T.Đ
-----------------------------
(*) Và sli: Hát shi, phong tục hát đối trong ngày hội của trai gái dân tộc Nùng
(**) Nộc thua: Một loài chim rừng, hót rất hay
(***) Hặp pịa: Hộp đan bằng mây tre cho con gái dân tộc Nùng đựng đồ may vá.