Dư Hồng Quảng
BÍ ẨN VỤ “HÀ THÀNH ĐẦU ĐỘC”
“Đội Bình nghĩa sỹ Hà Thành muôn thủa chẳng phai mờ” - đó là một vế đối tạc trên lăng mộ cụ Đội Bình đặt tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hoà, Tp Hà Nội.
Giở lại trang sử bi hùng chống thực dân Pháp, con cháu càng cảm thương người anh hùng và tự hào về truyền thống quê hương.
Sau khi vụ binh biến nổi tiếng "Hà Thành đầu độc" thất bại, ngày 8/7 cách đây đúng 100 năm, các nghĩa sỹ cầm đầu cuộc bạo động là Đội Bình (Nguyễn Chí Bình), Đội Nhân (Đặng Đình Nhân), Đội Cốc (Dương Văn Bê) đã hiên ngang bước lên đoạn đầu đài.
Thủ cấp của các cụ đã bị bỏ vào rọ tre đem bêu tại các cửa ô Hà Thành. Ai đã can đảm cướp lại thủ cấp cụ Đội Bình rồi bí mật đem về chôn giấu tại cánh đồng thôn Kim Châm? Vì sao đến nay không còn lại dấu vết và hành trình tôn vinh người anh hùng...?
Đó là những câu hỏi vẫn trở đi trở lại trong lòng những người tâm huyết với quê hương.
- Đại nghiệp dở dang, nghĩa sỹ hiên ngang khi bị trảm.
Xã Đội Bình quê tôi mang tên người anh hùng Đội Bình xả thân vì nước. Nhưng những người biết chuỵện về nghĩa sỹ Nguyễn Chí Bình đều đã khuất núi.
Ông Đặng Đình Tân- 85 tuổi, nguyên Phó bí thư Thường trực huyện uỷ Ứng Hoà, trước là Bí thư chi bộ Đảng, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã Đội Bình, người may mắn hoạt động cùng các vị lãnh đạo tiền khởi nghĩa nên còn lưu được một số tài liệu và nhớ vài câu chuyện kể về cụ Đội Bình.
Theo cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng xã Đội Bình thì cụ Nguyễn Chí Bình người làng Kim Châm (hoặc Kim Trâm), là hạ sỹ quan pháo thủ trong quân đội Pháp, giữ chức cai đội nên gọi là Đội Bình.
Các sĩ quan người Việt yêu nước là Đội Bình, Đội Nhân, Đội Cốc... cùng ngấm ngầm bất mãn với lính Pháp. Đội Bình được thủ lĩnh Đề Thám móc nối làm nhân mối bên trong.
Theo kế hoạch, Đội Bình sẽ tiến hành đầu độc bọn lính Pháp, rồi chỉ huy một mũi nổi dậy làm nội công hỗ trợ cho nghĩa quân Yên Thế của Đề Thám vượt sông chiếm thành Hà Nội.
Ông Tân đã đọc cho tôi nghe bài ca Hà thành đầu độc : “Ông Bình làm chủ trong quân/ Ông Nga làm phó ba quân cứ lời/ Bỏ thuốc độc nó trúng rồi/ Thẳng lên kho súng giết người lính canh/ Lấy được súng, cướp lấy thành/ Ba toà đánh chiếm chia binh ba đường…”.
Diễn biến vụ "Hà thành đầu độc", tài liệu của Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Theo kế hoạch đã định, lúc 7 giờ ngày sử 27/6/1908 cuộc đầu độc binh lính Pháp được tiến hành.
Toàn bộ hơn 150 tên thuộc Trung đoàn pháo binh thứ tư và 82 tên thuộc Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ chín đã trúng độc. Nhưng chất cà độc dược quá nhẹ, chỉ làm cho bọn lính ngất ngây hoặc phát rồ.
Tiếp đó, do thông tin bị lộ khi có người trong số các quân nhân đi xưng tội ở nhà thờ, linh mục báo cho giặc, bọn Pháp ra lệnh giới nghiêm, tước khí giới binh lính người Việt, bắt các đầu bếp và cai đội. Anh em khởi nghĩa chưa kịp bắn pháo hiệu cho nghĩa quân Đề Thám bên ngoài thì đã bị bắt giam.
Ông Trần Lâm, 86 tuổi quê ở xã Đội Bình (hiện ở nhà E4- phòng 108 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, tham gia cách mạng năm 1937 và nguyên là Bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình) đã gửi cho ông Tân tài liệu nói thêm về vụ Hà thành đầu độc.
Tài liệu cho biết trong cuốn Les destinées de l" Indochine (Vận mệnh Đông Dương) của tác giả Jean Ajalburt in năm 1908 ở Paris có ghi chi tiết cụ thể đáng chú ý:
“Trong ánh ban mai nhợt nhạt mà những người chụp ảnh lấy làm tiếc, cuộc dẫn độ đến nơi hành hình với 3 bị cáo bị trói tay bằng một dây xích sắt... Mặt sân Quần Ngựa đóng 3 cái cọc tre lớn. Bọn đao phủ trói 3 người tù quỳ xuống đất, lưng tựa vào cọc. Một viên thừa lại cầm loa, cất cao giọng tuyên đọc bản án...
Nguyễn Chí Bình với một giọng quyết liệt đã nói: "Tôi cảm ơn những người Âu đã đến đây để nhìn tôi chết. Chết như thế này là một cái chết nhẹ nhàng. Chúng tôi đã muốn nổi dậy, nhưng đã bị bội phản bởi những quân nhân trong đại đội. Còn đối với bạn bè, hỡi các bạn, nếu rồi đây các bạn thành công thì xin hãy nhớ đến gia đình tôi…"
Sau một hồi kèn ba tiếng, những lưỡi gươm tuốt ra. Những cái đầu của người khởi nghĩa cứ ngẩng thẳng lên cao, nhiều lần người ta phải lấy tay dúi xuống…Rồi những lưỡi gươm giáng xuống. Và dưới hình thức một sự đề kháng đột biến, với một nghị lực vùng lên phi thường, một thân thể không đầu nhảy vọt lên, giật tung ra cả cái cọc trói…
Người ta đặt những chiếc đầu đó trong những cái rọ tre nan thưa, mang lên phía đường Sơn Tràng, Hà Đông, Phố Huế, nơi các nghĩa sỹ phải chịu bêu đầu. Dọc đường máu cứ nhỏ giọt..."
Cái chết bi thương của Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân là chiêu bài khủng bố của thực dân Pháp đối với tinh thần phản kháng của người Việt. Nhưng chúng đã nhầm, và lịch sử đã chứng minh cái sự nhầm ấy của thực dân Pháp và tay sai.
Đội Bình buộc phải làm cho Pháp nhưng chống Pháp vì cụ là người Việt yêu nước. Thật đúng là: "Đội Bình sống giữa đục mà không hề vẩn đục, nghĩa sỹ thác quang vinh muôn thủa vẫn còn vinh".
Người dân quê tôi vẫn có lời ca ngợi cụ Đội Bình và các nghĩa sỹ vụ Hà thành đầu độc: "Dù thất bại vẫn anh hùng, tấm lòng đối với non sông thẹn gì".
- Quê hương yêu dấu mang tên liệt sỹ Nguyễn Chí Bình.
Theo tài liệu của ông Trần Lâm thì trong thời khắc lịch sử đau thương ấy, thủ cấp cụ Đội Bình bị quân Pháp bêu đã 2 ngày. Ngay từ ngày đầu cuộc hành quyết 8/7/1908, các chiến hữu dũng cảm của nghĩa sỹ Nguyễn Chí Bình đã ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ hành động.
Hôm đó, đêm đã về khuya, lợi dụng lính canh mệt mỏi, họ đã táo bạo, nhanh chóng cướp lấy thủ cấp của cụ Đội Bình, vượt gần 60 cây số về thôn Kim Châm.
Tôi về thôn Kim Châm, xã Đội Bình những ngày đầu tháng 7/2008. Một làng quê xanh mướt êm đềm như bao làng quê Bắc Bộ. Ấn tượng hãi hùng truy lùng khủng bố trăm năm trước không còn ai sống để kể lại. Chuyện cướp thủ cấp cụ Đội Bình mang về làng bí mật chôn cất đã chỉ còn trong lời kể của người già.
Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Sảo, 45 năm tuổi Đảng, là người thừa tự nhang khói anh linh cụ Đội Bình. Mẹ ông- cụ bà Dư Thị Quyết (50 năm tuổi Đảng, mất năm 1997) là cháu ruột của cụ Dư Thị Sáu. Cụ Sáu (thường gọi là cụ Hậu) là vợ cụ Đội Bình.
Ông Sảo nghe kể các nghĩa sỹ cầm đầu vụ Hà thành đầu độc đều bị truy xét đến cha mẹ, vợ con. Nhiều người bỏ trốn. Cụ Đội Bình nghe nói có người vợ hai ở Hà Nội, sinh được 2 đứa con trai. Sau vụ hành quyết, không rõ số phận của họ ra sao. Đến nay cũng chưa có tài liệu nào khẳng định.
Vợ cả của cụ Đội Bình là Dư Thị Sáu (tức cụ Hậu) không có con nên ở quê cùng cháu gái là Dư Thị Quyết. Sau nhiều lần doạ nạt và dò xét, cuối cùng bọn thực dân và tay sai bỏ qua cụ Hậu không giết (vì nghĩ cụ không có con cái, không còn mầm “tạo phản”, là người vô hại).
Ông Sảo thường nghe mẹ Quyết kể chuyện mai táng bí mật cụ Đội Bình: các đồng chí đặt đầu cụ vào một chiếc nồi sứa (bằng đất nung) vì không kịp mua tiểu sành (và cũng vì sợ bọn hào lý phát giác). Chiếc nồi sứa được chôn vào bờ ruộng rau muống, bây giờ là ruộng lúa.
Cụ Hậu vốn ít lời, từ ngày cụ Đội Bình mất đi, cụ gần như không nói. Chính việc giữ bí mật của cô (cụ Hậu) mà người cháu gái (cụ Quyết) cũng không hé răng với bất cứ ai trong làng về nơi chôn thủ cấp cụ Đội Bình. Ngày giỗ cụ Đội Bình (mùng 10/6 âm lịch), đợi đến đêm khuya gia đình mới ra nơi đánh dấu là có mộ để thắp hương.
Trong ngôi nhà bình dị dựng trên mảnh đất của cụ Đội Bình tại thôn Kim Châm có một chiếc bàn thờ khiêm nhường treo tường dành cho người nghĩa sỹ quả đoán 100 năm trước làm những kẻ cướp nước khiếp sợ.
Ông Đặng Đình Tân- nguyên Phó Bí thư thường trực huyện uỷ- cho biết, ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối được đổi thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình. Phủ Ứng Hoà ngày ấy cũng đổi tên thành phủ Đội Bình thuộc tỉnh Nguyễn Trãi (sau lại đổi thành huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây).
Sau cải cách ruộng đất và hợp tác hoá, UBND xã Đội Bình tính chuyện xây mộ cho cụ Đội Bình. Người ta xăm tìm nơi bờ ruộng đặt chiếc nồi sứa cất giữ thủ cấp năm xưa nhưng không thấy. Ruộng nương đều đã biến cải thời vào hợp tác, không tìm được hài cốt.
Xã Đội Bình xây mộ cụ Đội Bình tại ngã ba đường rẽ vào làng Kim Châm. Mộ xây cho nghĩa sỹ Nguyễn Chí Bình không có hài cốt mà cũng không có một dòng chữ lưu danh.
Là học sinh cấp I-II Đội Bình nhưng bao nhiêu năm trời, thế hệ chúng tôi không hề biết rằng nằm ngay ven đường đến trường ấy là nơi mộ chí của một người anh hùng xả thân vì Tổ quốc.
Rất may gần đây, UBND xã Đội Bình đã xây lại lăng mộ cụ Đội Bình với kinh phí khoảng 30 triệu đồng. Lăng mộ nghĩa sỹ Đội Bình nằm phía ngoài, bên cạnh nghĩa trang liệt sỹ xã Đội Bình.
Di ảnh và hài cốt đều không có. Chỉ đôi câu đối trên mộ chí chắc sẽ lưu truyền mãi mãi: "Đề Thám anh hùng Yên Thế ngàn thu còn toả sáng/ Đội Bình nghĩa sỹ Hà Thành muôn thủa chẳng phai mờ".
Là người con của xã Đội Bình sống ở xa quê, tôi viết bài này như một nén nhang bái vọng anh linh cụ Đội Bình và các chiến hữu của cụ nhân ngày giỗ lần thứ 100 của họ. Một ngày mà lịch sử giữ nước của dân tộc ta không thể nào quên: 8/7/1908-8/7/2008.
D.H.Q