Trần Đắc Hiển Khánh
ĐOÀN TỤ
Hồi còn nhỏ, tôi đã nghe bà ngoại bảo, cái số má tôi khổ. Rồi lại phải đi bước nữa thôi. Tôi chả hiểu sao, chỉ thấy má khóc giấm rứt, giấu ánh nhìn đi nơi khác.
Dần dà tôi nghe lõm bõm, chắp vá chuyện má kể với các dì:
“Dạo ấy tụi chị đang chuẩn bị làm đám cưới. Trên chuyến xe đò về quê ảnh. Dọc đường, chị say xe, ói mửa, mệt rũ người. Vô nhà nghỉ. Một hồi sau tỉnh queo. Định nghỉ lại rồi sáng mai đi tiếp, nhưng nghe tin có trận càn. Ảnh phải quay về gấp nơi đóng quân. Vào trận…Rồi bặt tin. Mãi sau mới nghe nói ảnh trúng đạn lúc đang cứu thương. Cả một tốp tan xác hết, không còn biết ai với ai…Chị có tội với má. Xin lỗi mọi người. Chị đã đi bước nào đâu mà đi bước nữa…”
Dì Tư bảo: “Em nghe nói ảnh là một bác sĩ quân y, một người tốt, đàng hoàng lắm…”
“Dù sao cũng mang tiếng ăn cơm trước kẻng”.
“Thôi thì lo dạy dỗ cho thằng bé nên người”.
Má đi bước nữa khi tôi vào lớp một. Má muốn cho tôi đi cùng. Ngoại cũng muốn tôi ở với ngoại. Tôi nửa muốn theo má, nửa muốn ở với ngoại. Dượng Ba, chồng của má dụ khị tôi: Con ở với má và dượng. Lúc nào nhớ ngoại, dượng chở về thăm.
Khi má có em bé, tôi về ở hẳn bên ngoại.
Lớn lên đôi chút, tôi hay nghĩ ngợi phân vân, hay hỏi vân vi. Bà ngoại bảo, thằng này cả nghĩ.
Người ta bảo, người miền Tây vô lo, vô nghĩ, sống ngày nào biết ngày ấy, phóng khoáng lắm. Chẳng phải lo nghĩ cũng khỏe re. Có lẽ vì hoàn cảnh tôi, vì thời tôi sinh ra đã có những điều cần nghĩ ngợi chăng…
Ngày còn học tiểu học, mấy đứa trong lớp hay trêu chọc tôi. Có lần chúng tụm lại một đám cùng hô: “Ê…ê có thằng không cha!”. Tiếng hô váng một góc sân trường, xoáy vào tai tôi. Tôi ức quá, không biết làm sao, xách cặp chạy thẳng một mạch về nhà. Bà ngoại ôm tôi vào lòng dỗ dành, con nói với chúng nó: Ba tao là bác sĩ, cứu người bị thương, nhưng ba tao lại chết vì vết thương không ai cứu được…
Sự trải nghiệm cuộc sống từ ngày bước vào đại học đã cho tôi những băn khoăn, day dứt về bản thân mình.
Tôi thầm nghĩ, không biết mình ra đời như thế nào?
Từ những chắp nối vụn vặt qua câu chuyện giữa má với bà, với các dì, tôi đã hình dung và hiểu ra mối tình của mẹ- cha tôi là chính đáng, là lẽ tự nhiên. Vì thế mới có tôi trên đời. Thời gian, thời cuộc…có gì đó không như ý con người.
Ngoại bảo, người tính không bằng trời tính.
Tôi không hiểu hết sự ăn năn của má. Tôi cũng không có quyền phán xét. Tôi chỉ muốn biết cội nguồn của mình mà thôi. Quá khứ của mình đâu có xa xôi gì. Ai đó đã nói, “nếu không muốn bị tha hóa, hãy bám chặt lấy nguồn cội”. Hãy tìm sự gần gũi bên trong với con người đã sinh ra mình…Nói vậy có vòng vo quá không? Nói gần nói xa, chẳng qua nói thiệt: Tôi muốn biết cha tôi là người thế nào? Ông bà nội, các bác, các cô, các chú của tôi ra sao?
Mãi đến khi tôi tốt nghiệp đại học, đi làm rồi, tôi mới có điều kiện tìm kiếm, lượm lặt thông tin.
Má tôi rất ít khi kể về cha tôi. Lần ấy tôi nói với má: “Con muốn tìm về quê cha…”
Nghe xong, má ngồi im lặng một hồi, giấu những giọt nước mắt đầm đìa trên má, nói:
“Má ân hận lắm…Con ơi, đã có lúc má nghĩ, giá như má chết theo ba con mới phải. Nhưng rồi thời gian xoa dịu nỗi đau. Với lại má thấy có được con cũng khuây khỏa. Nghe thật mâu thuẫn, nhưng với má lại là sự thật. Giờ mọi việc đã qua rồi con ạ”.
Tôi nghe nhói đau. Bặm môi lại để khoác lên mặt vẻ thờ ơ.
Bẵng đi một thời gian, tôi không dám nhắc lại chuyện ấy với má, sợ chạm vào nỗi buồn. Nhưng tôi cứ thấy mình như người mắc nợ, không tập trung làm được việc gì đến nơi đến chốn. Có lúc nhấp nhổm, đứng ngồi không yên. Càng những lúc rảnh rỗi, lại càng áy náy, có cảm giác bất an. Ý thức về sự tìm kiếm trong mê lộ ấy càng thấy nơi xa xôi nào đó vẫy gọi…Có người đã nói: “Người chết không bao giờ mất, khi người sống luôn nhớ đến họ”.
Bỗng một hôm, má đưa tôi tấm hình cũ, giọng nửa vui, nửa buồn, nghe như muốn hụt hơi: “ Đây là lá bùa ba con bỏ cho má”.
Tôi cầm tấm hình. Phía sau có chữ ký Hoàng Nghĩa. Nét chữ rắn rỏi, ngay thẳng, đẹp! Tôi lật đi, lật lại tấm hình, săm soi, nâng niu như báu vật. Bức hình đen trắng tuy cũ nhưng còn rõ nét. Nhìn thoáng thấy bộ đồ rằn ri mặc trên người coi bộ dữ dằn, oách lắm. Nhìn kỹ khuôn mặt vuông vức rất đẹp. Một bên vành môi hơi nhếch lên, làm cho nụ cười nửa miệng vừa có vẻ nghiêm nghị, lại có nét tươi tắn. Đôi mắt thì quả là hiền. Ngắm nghía bức hình một hồi, tôi thốt lên:
“Ba con đẹp trai dữ ta!”
Má tôi quay mặt đi, giấu nụ cười buồn, giọng má run run:
“Người mất thì đã mất rồi, con ạ. Có nhắc lại chỉ đau thêm. Với lại má thấy có lỗi với dượng con…Má đã chót…rồi…Cái thời trẻ người non dạ ấy qua rồi, để cho qua luôn. Con là báu vật, là kết quả tình yêu đầu đời của má. Thấy con lớn khôn là má mãn nguyện với người đã khuất. Tìm về nguồn cội bên nội con là lẽ đương nhiên. Má chả còn nhớ gì nhiều. Lần ấy ba con dẫn má về quê để ra mắt…rồi chuẩn bị làm đám cưới, nhưng đã tới nhà nội con đâu. Nghe nói qua bắc Cần Thơ xuôi về Sóc Trăng, đi hơn sáu chục cây số nữa sẽ tới. Nhà ở ngã ba sông, qua cầu Xẻo Me, rẽ vô xóm Bến… Ba con nói, ông nội con thứ tư, ông Tư Đờn. Ông bà có bốn người con trai, cha con là út. …”
Chắp nối những câu chuyện rời rạc ấy, tôi có thêm thông tin cần ghi nhớ giúp cho việc tìm kiếm. Tôi mở bản đồ xác định vùng quê nội mình.
Cũng từ gốc gác miền Tây, tôi dễ dàng kết bạn với người đồng hương lên Sài Gòn làm ăn. Tôi dò la manh mối dẫn về vùng ngã ba sông, có địa danh Xẻo Me, ông Tư Đờn…
Tôi làm quen với một người ở vùng này. Anh tự giới thiệu về mình:
“ Tui Tư Cua…Không ngang như cua đâu mà ngọt mát như cua đồng.”
Tư Cua tiếp tục câu chuyện: Bà ngoại tui là “Bà mẹ Việt Nam á anh hùng”. Tại sao lại là á anh hùng a? Thì bà ngoại tui có một mống con trai, đi bộ đội, hy sinh. Như thế là đủ điều kiện phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng lại có người con gái nuôi là mẹ tui, thành ra không được công nhận danh hiệu cao quí đó. Có hoa hậu, có á hậu. Bà mẹ Việt Nam anh hùng coi như hoa hậu thì ngoại tui là á hậu còn gì. Bà ngoại tui ngồi trên bàn thờ rồi. Tư Cua tui là người duy nhất hương khói cho bà. Ở gần quê tôi có một xã, xóm trên, xóm dưới đều có bà mẹ liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông cứ về đấy thể nào cũng kiếm thấy.
Tôi nói với Tư Cua: Tôi kiếm một ông lão ở vùng quê ông có tên là Tư Đờn hay Tư Đơn gì đó. Ông bà có bốn người con trai. Hình như hai người con lớn của ông bà tham gia quân giải phóng. Còn hai người đi đằng nảo đằng nào chẳng biết…
Tư Cua nói:
“Ngoại tui mà còn, hỏi là biết liền à. Ngoại từng kể. Có bà má hai con liệt sĩ. Lại cũng có con đi lính Quốc gia, cũng chết trận. Nghĩa là con trong một nhà, chia làm hai phía. Giống như tụi mình hồi nhỏ đánh trận giả. Cùng một lũ mà chia làm hai phe. Quân ta đánh quân mình lộn xà ngầu, la ó inh ỏi. Đến lúc hòa cả làng…lại chụm đầu uống chung một ly nước, cùng chia nhau một trái cây bẻ trong vườn.”
Tôi nghe Tư Cua nói chuyện với giọng chân thật, bỡn cợt, cười cười mà ứa nước mắt. Tôi lờ mờ ý nghĩ về gia đình mình. Liệu có như trường hợp Tư Cua kể?
Buổi chiều trước sân nhà Tư Cua. Tôi lặng nhìn dòng sông trước nhà bạn. Từng mảng lục bình trôi lững lờ.
Tư Cua đặt dĩa khô cá lóc trộn gỏi và bình rượu trên bàn bên cạnh tôi:
“Coi bộ ông thích sông nước lắm ha! Lúc nước lớn thế này, coi lục bình trôi lững lờ, thấy lòng mình cũng nổi trôi lững thững. Hồi xưa, tụi này thường leo lên dề lục bình làm tàu thuyền, nước xuôi trôi băng băng. Tàu dừa làm buồm căng trước gió. Bẹ dừa làm bơi chèo, súng ống đủ loại. “Quân địch” từ trên bè đánh xuống. “Quân ta” từ dưới nước đánh lên…Lúc nước ròng, cua còng chỏng chơ, thi nhau bắt về khao quân. “Quân ta” cùng “quân nó” nhậu chung con cua nướng”.
Nói xong, Tư Cua khum hai bàn tay hú một hơi dài sang phía nhà bên.
Lát sau. Một người lội tắt qua bờ mương bước vào. Tư Cua nhanh nhảu:
“Ông Ba Chài! Có bạn tui mới về chơi nè. Khỏe chớ ông Ba?”
- “Khỏe re! Nhậu phà phà. Mới vật mấy thằng hà bá xóm bên. Nghe mấy người nói, anh Tư dẫn khách Sài Gòn về chơi, tôi hú mấy ông lối xóm rồi. Hên thiệt, mới kiếm được mớ cá lóc, góp mồi nhậu liền. Còn con rắn chừng hai ký này…hãy đợi đấy”.
Ông Ba Chài để bọc cá nướng bốc hơi thơm phức lên bàn. Con rắn ngọ ngoạy trong bọc nilon quẳng xuống góc sân. Ông đưa bàn tay to bè mở bọc lá chuối, bày con cá lóc nướng với mớ rau sống, gia vị…một cách thuần thục như tiếp viên nhà hàng. Tay sắp đặt, miệng nói:
- “Dân xóm rãy này được gió trời quạt mát thấu ruột thấu gan. Ánh sáng trăng sao vằng vặc cùng uống với mình, lúng liếng trong ly, cùng ngả nghiêng say. Chúng tôi hưởng mọi thứ của trời cho. Chim trên trời. Cua, cá, tôm, tép dưới sông. Mùa nào thứ nấy. Chẳng thiếu thứ gì. Thiên nhiên hào phóng. Người với người cũng hào phóng với nhau…Hôm nay đủ bạn nhậu rồi. Mọi bữa thiếu chân, chúng tôi kêu mấy bà cùng nhậu. Ở đây có mấy bà nhậu mạnh lắm. Chưa chắc mấy cậu theo kịp. Cũng giống như hồi xưa, mấy bà xứ này đánh giặc giỏi không thua gì mấy ông chồng. Mấy bà còn sản xuất ra bao lính chiến…oánh nhau giỏi lắm. Nghĩ tội nghiệp mấy bà. Giờ có bà còn. Nhiều bà mất rồi. Bà còn, giờ lại khóc những đứa con trên bàn thờ. “Lá vàng còn ở trên cây / Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời?”. Có người chả còn ai hương khói, nối dõi, nối dòng…”
Khi tôi nói về manh mối cần dò tìm, ông Ba Chài hứa sẽ dẫn tôi đến xã bên, có xóm Bến ở Ngã ba sông. Ở đấy có bà Tư Đò. Bà có bốn người con, người hy sinh, người bị ta tiêu diệt. Tôi nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng mình. Trống ngực đập thình thịch. Nhưng sao lại là bà Tư Đò? Bà có tên nào khác nữa không?
“Bả chở đò qua sông nên người ta gọi vậy. Tên cúng cơm của bà là gì chả biết. Bữa sau tui dẫn cậu tới. Người quen à? Có họ hàng gì không?”
Nghe hỏi vậy, tôi lại thấy sống lưng mình lành lạnh. Nhưng chẳng biết nói sao, chỉ ngồi im. Ông Ba Chài dặn tôi cứ ở chơi với Tư Cua. Mai đi công chuyện về sẽ dẫn đến tận nhà bà Tư Đò…
Đêm ấy chúng tôi ngồi uống đến khuya. Ông Ba Chài nằm vỗ bụng ca bài vọng cổ rồi ngáy khò khò trước hiên nhà. Tư Cua giăng mùng trải nệm cho tôi ở nhà trong, nhưng tôi không sao chợp mắt được. Ý nghĩ lẩn quẩn trong vòng vô định kiếp phù sinh. Ngọn gió thiên thu thổi vô định hay phiêu diêu nơi cực lạc…Lại nghĩ, giây phút ra đi của những người đã khuất là bất chợt mà thành bất tận, vĩnh cửu. Và chết đi là vĩ thanh của cuộc sống. Vĩ thanh sẽ lưu giữ chân thành cuộc sống…
Nằm mãi không sao ngủ được. Tôi nhớ lại những vùng quê, những ngôi nhà, những bà má tôi đã từng dò hỏi. Tôi từng gặp những bà má có hai, ba con liệt sĩ. Có bà mắt mờ, lưng còng, tai không còn nghe thấy gì, bà nói tự bà nghe. Có bà khi hỏi, má có khỏe không, thì trả lời: “Khỏe! Đêm qua tui dẫn tụi nó sang bên kia sông đi đánh đồn Năm Dõng. Đánh nhau suốt đêm. Về qua đây, thằng nào thằng nấy tả tơi tơi tả…Thế là sáng bạch nhật”. Ngưng một lát lại kể tiếp: “…Đêm trước tui đang ngủ, nghe tiếng gọi: Má ơi con đói. Tui bưng ra nồi cơm nguội với hũ mắm, một rổ khoai, cả trái mít bự tổ trảng. Chúng xúm vô ăn như tằm ăn rỗi. Rồi lại lội sông ào ào. Chúng bơi như ráy cá một đoàn trên mặt nước. Đi tuôt luốt…thế là sáng bạch…”
Tôi chợp mắt một lát thì trời sáng. Tôi nghĩ, một mình đến xóm Bến trước xem sao. Tôi nói với Tư Cua, mình dạo vòng quanh xóm rồi lên chợ.
Đến chợ chồm hổm ven đường. Hỏi thăm nhà bà Tư Đò ở Ngã ba sông. Người xe ôm nói, tui rành xóm đó lắm. Yên tâm. Tui chở tận nhà.
Ngồi sau xe, tôi vẫn phấp phỏng, hồi hộp. Lần nào tìm gặp các bà cố, tôi cũng hồi hộp như thế này. Nhìn những khuôn mặt già nua, nghe những câu chuyện như cổ tích hay từ những giấc mơ của các cụ cứ ám ảnh tôi mãi…
Đang nghĩ ngợi lan man thì người xe ôm dừng lại, giơ tay chỉ: “Tới nhà má Tư rồi nè.”
Tôi nói với người xe ôm, muốn ở lại đây một mình.
Cho đến lúc ấy, tôi vẫn chưa hình dung ra câu hỏi bà cụ thế nào. Lý do gì đến gặp bà? Nếu đúng là bà nội tôi thì sẽ ra sao?
Chân tôi bước ngập ngừng. Từ ngoài cổng, tôi nhìn thấy một bà lão đang ngồi trên chiếc sạp ngoài hàng ba, bên cạnh âu trầu.
Bà ngồi như thế từ khi nào? Lặng lẽ. Một mình…nhưng lại như đang trò chuyện với ai đó ngồi bên. Câu chuyện có lẽ từ hồi xuân sắc đến giờ chưa dứt…
Tôi có linh tính, bà lão đây chính là người tôi muốn tìm kiếm.
Bước vào sân. Tôi sững lại. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã có cảm giác như đã gặp bà lão ở đâu rồi. Trong suy nghĩ hay trong giấc mơ? Hay từ trong truyền kiếp?
Sau khi chào bà, tôi hỏi, giọng run run ngấp ngứ:
“Thưa…cho cháu…hỏi…đây có phải nhà bà Tư Đờn?”
Bà nhìn tôi vẻ ngỡ ngàng. Đôi mắt nhuộm màu thời gian nhưng vẫn còn tinh tường nhìn tôi:
“Nhà bà Tư Đờn đây. Sao bây giờ lại có người kêu tên Tư Đờn – tên ổng. Người ta vẫn kêu tôi là Tư Đò. Mà cũng chẳng phải tên thiệt của tôi. Chở đò qua sông riết, người ta gọi thành quen ”.
Bà thở giấc vì nói hơi dài hay do nhắc đến chuyện cũ? Bà nhíu đôi lông mày, đưa tay dụi mắt rồi chớp chớp nhìn tôi, vẻ ngờ ngợ như muốn hỏi, sao tôi biết cái tên này?
Tôi thoáng nhìn đôi tai xệ như tai Phật và khuôn mặt phảng phất dáng quen quen của bà. Ánh mắt hiền từ nhìn tôi như có luồng ánh sáng kỳ lạ. Tôi chợt thấy như có luồng điện chạy khắp người hay là một sự giao cảm gì đó thật khó gọi tên ra được.
Tôi chợt nghĩ ra cách nhập vai một cán bộ huyện, xã phụ trách về chính sách xã hội hay thương binh gì đó, hỏi:
“Thưa…năm nay nội bao nhiêu tuổi rồi?”
“Kém hai tuổi, chẵn chín chục”.
Giọng bà hóm hỉnh, bỡn cợt. Bà lão khá minh mẫn, nhanh nhẹn so với tuổi.
“Thưa…nôi được mấy người con?”
“Hết thảy bốn người lận, toàn trai.”
Bà kéo dài giọng. Ngưng một lát, bà thủng thẳng nói tiếp:
“Cả bốn thằng rủ nhau đi hết. Ba thằng lên bàn thờ rồi…Còn thằng út cũng biệt vô âm tín…”
Tôi thầm trách mình có lỗi, khêu ra nỗi đau của bà. Chẳng biết những cán bộ thương binh xã hội có hỏi chuyện như vậy không? Tôi đành ngồi yên nghe bà kể:
“Bốn thằng: Hiếu - Thảo - Lễ - Nghĩa. Ông nhà tôi mong chúng sống ăn ở hiếu thảo lễ nghĩa với cha mẹ, với đời. Ấy vậy mà thời cuộc có cho chúng tròn chữ hiếu - nghĩa đâu. Ổng về trời đã đành. Giờ tôi già rồi lại hương khói cho cha con ổng. Ngày mới giải phóng, tôi khóc ngày khóc đêm, khóc thầm lặng lẽ. Khóc lúc tỉnh lúc mê. Giờ hết nước mắt rồi, hay nó thấm vào trong không biết…Chẳng nói dấu gì cậu, hai thằng lớn nhà tôi theo giải phóng, hy sinh cả. Hai thằng em lại ở phía bên kia, một chết trận, một mất tích. Nghĩ tội nghiệp, cả bốn thằng chưa đứa nào có vợ con, chẳng thằng nào có một mống nối dõi…
Nghe đến đây, tôi run bắn người lên. Lạnh toát cả người mà mồ hôi lại vã ra. Tôi định nói: “Có cháu đây”, nhưng chỉ biết lặng im ngồi nghe. Bà lại thủng thẳng kể:
“…Con một nhà. Ở hai phía…Thế mới nên chuyện. Cũng vì cái chuyện hai phe mà khúc mắc hoài. Người mẹ nào lại muốn những đứa con trong một nhà chia nhau làm hai phe mà đánh nhau ha cậu. Tội nghiệp thằng út là bác sĩ, được điều vô quân y, tham chiến mấy trận rồi mất tích…”
Đến đây tôi có thể khẳng định, ba Nghĩa tôi đúng là con út của gia đình này rồi. Mừng quá! Cuộc kiếm tìm của tôi bấy nay đã có kết quả. Nhưng lại chợt băn khoăn. Thì ra mình lại đem thêm một bằng chứng về sự khúc mắc bấy nay, xác tín thêm chuyện hai phe…Mấy lần định rút bức hình ba Nghĩa trong túi ra, dấp dứ mãi lại thôi. Lại nghĩ, dù sao, tôi cũng là cháu nội duy nhất, máu mủ còn lại của gia đình này. Đang phân vân nghĩ ngợi thì bà tiếp:
- “Nâng lên đặt xuống mãi tôi mới được hưởng đầy đủ chế độ chính sách. Cũng được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng. Cân nhắc mãi rồi họ mới chịu đó. Rồi họ bàn định xây nhà tình nghĩa. Đập nhà này ra. Uổng quá. Tôi chả cần gì nữa. Mọi người hiểu cho là được rồi. Tôi ở thế này cũng rộng chán. Ăn hết lắm, ở hết bao nhiêu. - Cứ để thế này, mỗi khi chúng nó về, như ngày xưa, nhận ngay ra ngôi nhà mình bên sông”.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Tay giữ khư khư tấm hình.
Vừa nói, bà vừa bước đến bên bàn thờ, ngước lên ba tấm hình, chỉ vào từng người, giọng run run mà rành rẽ:
“Đây là Hai Hiếu - Đây là Ba Thảo - Đây là Tư Lễ. Còn một thằng không có được một bức hình lưu lại. Nó là thằng Út Nghĩa. Út cưng của má. Tất cả đều là con má rứt ruột đẻ ra. Thằng Út Nghĩa coi như mất tích. Má trông đợi triền miên. Má cố sống đợi nó về…”
Tay bà run run cắm cây nhang cuối cùng, nói:
“Về với má con ơi! Má vẫn đợi con nè…”
Không thể kìm nén được nữa. Tôi khóc òa lên. Tiếng khóc đầy ắp căn nhà. Tôi đứng sững như chôn chân xuống đất. Tay run run đưa tấm hình ba Nghĩa ra:
“Nội ơi, nội có nhớ ai đây không?”
Bà đưa tay cầm bức hình. Mắt bà bỗng như ghim lút vào đó, miệng lắp bắp: “Giống…giống lắm!”. Chợt bà ngước lên nhìn tôi, ánh mắt sáng lóe lên, khẳng định:
“Thằng Nghĩa…Út cưng của má đây mà. Sao cháu có bức hình này?”
Bà nhìn tôi chằm chằm, đôi chân như muốn sụm xuống. Ánh mắt bà như làn sóng xuyên qua tôi. Cũng ánh mắt ấy đã kéo tôi lại gần. Tôi ôm choàng lấy bà:
“ Nội ơi…Con là con của ba Nghĩa đây!”
“Cháu…Cháu tôi…thiệt à? Tôi tỉnh hay mê đây?”
Đôi tay bà thõng xuống, xuội lơ. Ánh nhìn đăm đăm lại như ghim xoáy vào tôi. Bà ngắm nghía tôi từ đầu đến chân, nói:
“ Mà đúng thiệt rồi…Mày…mày giống hệt thằng Út Nghĩa lúc ra trường là bác sĩ…”
*
Ngày khánh thành ngôi nhà tình nghĩa của bà nội. Tôi dẫn cháu Hiếu - con trai tôi về gặp bà cố. À mà tôi đã đổi tên con tôi. Thông báo với cả nhà, với dòng họ: Từ nay phải gọi cháu tên Hiểu. Tên của bác Hai cháu là Hiếu rồi…
Tôi cũng đã chụp lại bức hình ba Nghĩa của mình. Với kỹ thuật chụp hình bây giờ, tôi có thể chụp lại mà chỉ lấy khuôn mặt ba. Còn trang phục thì tùy ý, muốn comle, cavat thế nào chả được. Má tôi bảo, má muốn cứ để bộ đồ rằn ri cho thiệt giống. Như má nói, đấy là lá bùa ba bỏ cho má- Hãy giữ nguyên lá bùa yêu đó cho thiêng! Hình ảnh này, với khuôn mặt đẹp như thiên thần đã in sâu vào lòng má rồi.
Tôi lựa chiều theo ý má. Với lại thấy mấy bức hình các bác tôi bà nội để trên bàn thờ đều là hình chụp tự nhiên. Bà nội bảo, chụp hình mới, vẽ mày vẽ mặt không giống khi xưa, chúng nó về không nhận ra thì sao.
Tôi đặt bức hình ba Nghĩa tiếp theo một dãy bốn người, đúng thứ tự.
Bà nội tôi đốt nhang cắm cho từng người rồi nói:
“Vậy là đông đủ cả rồi. Sống có anh có em. Chết cùng sum họp, đoàn tụ thế này là hợp lẽ. Má xuống dưới đó cũng gặp mặt đông đủ các con. Thằng cháu cưng của nội đâu. Cả thằng chắt nội nữa. Đốt nhang lên cúng các bác đi nào”.
Cha con tôi thắp nhang, vái lạy.
Ngọn đèn trên bàn thờ leo lét sáng. Khói nhang bay lên thành những sợi trắng nhờ…uốn lượn…vấn vít cả bốn bức hình cùng đoàn tụ trên bàn thờ.
T.Đ.H.K