Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CUỘC GẶP MUỘN MÀNG

Đỗ Bảo Châu
 
CUỘC GẶP MUỘN MÀNG
       
  Chủ tịch phường vê vê cái mép cuốn sổ:
- Thế này bác Bảo ạ! Đúng là phường em đã đạt chuẩn nông thôn mới cách đây đã bốn năm. Hồi đó còn là xã, chưa lên phường. Nhưng tình hình bây giờ nó khác lắm. Từ khi con đường Văn Lang mở rộng, nối dài, thì hầu như dân của phường ra mặt đường. Cũng chính vì thế, mà tỷ lệ thương mại, dịch vụ, du lịch tăng cao. Tỷ lệ nông nghiệp hiện nay chỉ còn chưa đầy một phần trăm. Nông nghiệp teo tóp, nhưng đời sống dân lại khá. Không hiếm gia đình bình quân thu nhập một năm trên ba trăm triệu đồng. Có gia đình bình quân tới năm sáu trăm triệu đồng, như gia đình bà Hiên, xóm Hai…
    Đang ghi chép, ông Bảo giật nảy mình. Tay cầm bút run run. Không phải vì mức thu nhập cao, mà vì chuyện khác. Ông nhìn Chủ tịch Phúc:
- Anh vừa nói, bà Hiên? Bà Hiên…
- Bác hỏi bà Hiên nào?
- Bà Hiên…Cái xóm Hai có phải xóm Đồi Sắn?
Chủ tịch Phúc phì cười:
- Xóm Đồi Sắn? Ái chà! Cái tên này là từ xa xưa kia. Đúng hơn là từ thời “bao cấp”. Cả  xóm sống nhờ đồi sắn. Mà hồi đó, bọn em còn bé tí. Bây giờ, không còn vết tích đồi sắn ấy nữa rồi. Nhưng bác biết bà Hiên?
- À! Là tự ngày xưa. Lâu lắm rồi. Mà có khi không phải.
    Chủ tịch Phúc gấp cuốn sổ:
- Đấy! Tình hình phường em nó thế. Theo dõi ngành nông nghiệp, có lẽ bác phải sang bên các xã. Vĩnh Yên hiện nay vẫn còn…
- Biết rồi! Tôi cảm ơn anh…
 
    Cô gái nhanh nhảu:
- Xóm Hai đúng là đây rồi. Ông hỏi thăm nhà ai? À! Bà Hiên. Chắc ông cần tìm chỗ thuê nhà? Cái nhà bà Hiên to lắm. Phải nói là khu đất mới đúng. Có mười mét mặt đường. Ông cứ đi dọc phố Văn Lang, cách đây nửa cây. Tức là ông đi đúng năm trăm mét nữa. Lúc đó, ông hãy hỏi thăm.
- Có phải bà Hiên, con cụ Lý?
- Cái đó thì cháu không biết!
- Thôi! Cảm ơn cháu gái.
Ông Bảo ngó nhìn tên phố. Đây rồi! Cái biển phố Văn Lang còn mới lắm. Mà hình như biển tên các phố đều còn mới. Ông nhẩm tính đoạn đường. Ngôi nhà này chăng? Đúng là cái hàng rào rất dài. Sau giây phút tần ngần, ông bấm chuông…
Một bà cỡ hơn sáu chục tuổi, tóc muối tiêu nhưng rất dày, ra mở cửa:
- Bác là?...
- Tôi hỏi nhà bà Hiên.
- Vâng! Tôi. Mời bác vào. Chắc bác là… À! Bác uống trà nóng hay trà đá?
- Xin bà cốc trà nóng.
Chỉ một lát, người đàn bà đã mang ra một cốc trà nóng, đặt trước mặt ông Bảo.
- Bác chờ tôi chút. Bác cứ uống nước đi. À! Bác có thể tranh thủ xem nhà.
Nói rồi, bà chủ đi vào bên trong. Chắc bà đang có chút việc gì.
   Ông Bảo nhấp một ngụm nước. Trà nóng. Ngon. Nhưng ông không quan tâm đến nước trà. Ông cố hình dung xem bà Hiên có nét nào của người quen cũ. Người năm xưa. Ôi chà! Đã hơn bốn chục năm rồi còn gì. Lúc đó lại trời tối. Lại vội vàng qua cầu phao. Lại thời chiến…
   Thực ra trong chuyến đi này, ông Bảo không có ý định tìm ai, Nhưng khi gã Chủ tịch phường tình cờ nhắc đến người tên Hiên, thì như chạm vào cái kỷ niệm nhạy cảm nhất của ông Bảo. Những kỷ niệm cũ, chìm lấp, bỗng hiện lên rõ ràng. Rõ đến mức không thể ngờ…
 
    Một ngày mùa đông, cuối năm 1972, chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang đến Thủ đô Hà Nội…nha-bao-do-bao-chau-het-long-vi-dan-ngheo-chiu-su-bat-cong-oan-uc-082040_577
    Hồi đó cầu Long Biên đã bị Nich-xơn ném bom phá hỏng. Hà Nội qua sông Hồng bằng một chiếc cầu phao, bắc chỗ cầu Chương Dương bây giờ. Thường là chỉ đến nhá nhem tối, cầu mới bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Và nhộn nhịp cho tới tận khuya.
    Đoàn người dắt díu nhau. Thanh niên có. Phụ nữ có. Đông nhất là phụ nữ và trẻ con. Bao giờ cũng có những dân quân tự vệ đứng dọc cầu phao, vừa hướng dẫn, giúp đỡ, vừa bảo vệ đoàn người sơ tán.
    Hôm đó, theo chương trình ra ngoại thành công tác, Bảo – một chàng trai trẻ măng, mới ngoài hai mươi tuổi – mang một cái ba-lô gọn gàng, vòng quai vào yên xe đạp, đạp đi. Đến đoạn cầu phao, thì phải xuống dắt xe. Trời đã tối hẳn. Đoàn người chen chúc, xô đẩy nhau. Ai cũng muốn nhanh chóng đi  khỏi cầu phao. Lúc đó không biết thế nào. Nhỡ bất đồ có còi báo động, máy bay địch…Báo động mà đang trên cầu phao thì thật nguy hiểm. Ấy chính là tâm trạng của người đi trên cầu phao. Đang dắt xe, Bảo chợt trông thấy một cô gái. Vai bên trái đeo chiếc túi có quai dài. Tay phải xách một cái túi, kiểu túi du lịch. Cái túi rất nặng, làm cô gái lệch hẳn người. Trông cái dáng xách túi của cô gái thật tội nghiệp. Bảo thấy ái ngại. Anh bèn đeo ba-lô lên vai, đi đến sát cô gái, và bảo: “Cô gì ơi! Cô để cái túi lên xe của tôi. Này!” Cô gái dừng lại, nhìn Bảo, có vẻ hơi e ngại. Bảo giục: “Để túi lên, đi cho nhanh”. Cô gái chịu trận, và chắc cũng mệt nữa, đặt cái túi du lịch lên xe của Bảo. Bảo lại dặn: “Cô phải bám tay vào túi cho chắc. Tôi chỉ chú ý được phía trước thôi”. Cô gái “Vâng ạ!” rất ngoan. Thế là người dắt xe, người giữ túi, vừa đi vừa phải chống đỡ với đoàn người đông đúc, lộn xộn, cứ xô đẩy để tìm cách vượt lên phía trước cho nhanh.
    Lúc sang khỏi cầu phao, Bảo quay lại, bỗng giật nảy mình. Cái túi vẫn còn nằm trên xe, mà cô gái thì không thấy đâu. Bảo ngơ ngác ngó tìm. Bỗng anh cảm thấy thót tim khi nghe có tiếng mếu máo: “Bác ơi! Bác tự vệ ơi! Cháu để cái túi trên xe của anh ấy…Bây giờ anh ấy đi đâu rồi? Anh ấy…Giời ơi! Cháu chết mất. Bác tìm cho cháu!” Người tự vệ đầu đội mũ cối, nói dõng dạc: “Cháu cứ yên tâm. Những bọn lưu manh, không thoát được đâu. Bác sẽ tìm thấy ngay thôi mà…” Nghe những lời nói ấy, Bảo rụng rời chân tray. Lúc này mà Bảo xuất hiện, thì gã dân quân tự vệ và đám người đi sơ tán kia, sẽ cho anh “ra bã” ngay tức khắc. Thời chiến, người ta ghét cay ghét đắng những kẻ lợi dụng để lừa đảo, ăn cắp. Bảo tình ngay lý gian, có cãi đằng giời. Nghĩ vậy, anh vội vàng dắt xe đạp giấu vào chỗ có cái cây to che khuất. Sau đó anh mới đi ra phía cô gái đang mếu máo kia. Cũng may cô ta không nhận ra Bảo. Anh bèn chờ lúc gã dân quân tự vệ đang giúp mấy bà có con nhỏ, bèn nắm chặt tay cô gái. Khi cô ta giật mình quay lại, Bảo đặt ngay ngón tay lên miệng, ra hiệu im lặng. Anh dắt cô gái vào chỗ bóng tối, nói khẽ đủ nghe: “Cái túi của cô kia kìa! Ai thèm lấy của cô. Cô kêu lên thế, để người ta đánh chết tôi à?” Cô gái hiểu ra, lí nhí: “Lúc em bị vấp, em ngẩng lên thì không thấy anh…em…em…” Bảo giằn giọng: “Thôi! Không nói gì nữa. Cô ra cầm cái túi. Rồi biến đi. Thật đúng là làm phúc phải tội”. Cô gái cứ lí nhí xin lỗi! Xin lỗi! Rồi xách cái túi lên. Lúc này, Bảo bỗng thấy mủi lòng. Anh không nỡ để cô ta xách cái túi nặng. Và anh lại cho cô ta để lên cái xe đạp của anh…
    Qua câu chuyện rời rạc, Bảo được biết cô gái ra ga sơ tán để đi tàu lên Vĩnh Yên. Cô gái nói rằng, cái túi nặng trĩu kia chính là túi hạt giống cây rừng. Cô mang lên Vĩnh Yên để ươm hạt trồng rừng. Và tiết lộ cho Bảo, cô là người của Vĩnh Yên. Cô gái bảo: “Nhà em ở gần ga Vĩnh Yên. Xuống ga, đi cỡ cây số, thì có lối rẽ bên tay phải. Đi tiếp đến đồi sắn, là đến nhà em. Tên em là Hiên. Cứ hỏi Hiên, con bà Lý…”
    Chuyện chỉ có thế. Khi đến lối rẽ vào ga sơ tán, thì hai người chia tay. Bảo hứa với Hiên, nhất định anh sẽ có dịp lên Vĩnh Yên. Và thế nào anh cũng đến thăm: “Tôi nhớ rồi. Hiên, con bà Lý. À! Tên tôi là Bảo…”
    Vậy mà ngay cả khi giải phòng, đất nước thống nhất.  Ngay cả khi Bảo đã “lên đời” từ xe đạp lên xe máy. Ngay cả khi nhiều lần đi qua Vĩnh Yên. Anh không hề đến thăm Hiên. Anh quên mất, hay đó chỉ là lời hứa hão?...
 
    Bà Hiên đã ra. Bà có vẻ hơi ngượng khi để ông khách đợi lâu. Bà xởi lởi:
- Bác đã tranh thủ xem nhà rồi chứ? Cái chỗ này, em chưa xây dựng gì, vì có ý để cho thuê. Người thuê tùy theo công việc kinh doanh, mà xây cất phù hợp với họ. Ấy! Cũng có nhiều người đến hỏi thuê rồi đó ạ. Có người giả năm chục triệu một tháng. Có ông người Nhật, muốn thuê để làm văn phòng tư vấn. Em bảo: “Sao ông không thuê ở phố nhỏ, phố vắng? Rẻ hơn nhiều”. Ông ấy bảo: “Tôi cần một chỗ “hoành tráng”. Tôi đâu có thiếu tiền!” Thế đấy. Em chưa trả lời, vì em còn hỏi ý kiến con gái. Thực ra, đáng lẽ phải hỏi ý kiến nhà em. Nhưng hai bố con đi làm ăn xa, tận Bình Dương cơ. Bởi vậy, em để con gái quyết định…”
Ông Bảo ngập ngừng:
- Thế này bà Hiên ạ!...
Bà Hiên ngồi xuống ghế:
- Bác cứ nói. Thú thực là không hiểu sao, em nhìn bác, lại thấy quen quen. Chả lẽ đã gặp ở đâu? Mà sao bác…em thấy có cảm tình ngay từ đầu. Bác cứ nói. Thậm chí em không lấy đắt như người ta đâu. Với em bây giờ, tiền không quan trọng.
- Tôi hiểu!
Ông Bảo vẫn đắn đo. Hình như ông có điều gì khó nói. Bà Hiên khích lệ:
- Thì bác cứ cho biết.
- Tôi xin lỗi bà. Tôi đến, không phải để thuê nhà…
Bà Hiên ngỡ ngàng:
- Ấy chết! Vậy mà em cứ tưởng…Bác có việc gì thế ạ?
- Chả là…Có một chuyện rất xa. À! Rất lâu rồi. Hồi đó còn chiến tranh chống Mỹ. Bọn Mỹ leo thang ném bom Hà Nội. Cầu Long Biên bị sập. Người Hà Nội phải qua cầu phao…À! Mà có lẽ tôi nhầm địa chỉ chăng? Tôi xin lỗi!
Thấy ông khách muốn đứng dậy, bà Hiên vội vàng:
- Bác cứ ngồi. Ấy! Bác cứ nói tiếp đi…
- Vâng! Thế thì để tôi kể tiếp. Lúc dắt xe đạp qua cầu phao, tôi có gặp một bà… À! Một cô gái, xách cái túi rất nặng. Tôi mới bảo cô gái, hãy để cái túi lên xe của tôi. Rồi sau đó…
Mặt bà Hiên biến sắc:
- Vậy bác là…bác Bảo?
Ông Bảo giật mình, ngỡ ngàng:
 - Trời ơi! Hóa ra tôi không nhầm. Bà chính là…Hiên lúc đó. Hiên, con bà Lý. Thế…cụ Lý?
 Bà Hiên rơm rớm nước mắt:
- Mẹ em…Vâng! Bà em mất đã lâu rồi. Hồi còn sống, bà vẫn nhắc đến bác. Chả là…em có kể lại chuyện cho bà. Bà bảo: “Thế nào nó cũng đến tìm con. Con hãy đợi…”
 Bà  Hiên vội lấy cái khăn, chấm những giọt nước mắt. Nhưng không hiểu sao, nước mắt lại càng chảy ra giàn giụa. Bà nói trong tiếng nấc nghẹn, như đang trở về với ký ức:
- Bao nhiêu năm. Nhất là sau cái đêm ấy, em cứ chờ. Cứ đợi. Hết năm “bảy hai”. Rồi ‘bảy ba”. Rồi “bảy sáu”,  ”bảy bảy”…Anh ở đâu? Sao không một lần đến thăm em? Giá biết địa chỉ của anh, em đã đi tìm. Em ngu ngốc quá. Chỉ biết tên, mà không hỏi địa chỉ của anh. Giời ạ!”
Ông Bảo bỗng thấy cay cay sống mũi. Giọng ông không được mạch lạc:
- Bà Hiên!...Hiên à! Lỗi tại tôi. Tôi là thằng đàn ông chẳng ra gì. Tôi có lỗi!
Bà Hiên như sực tỉnh:
- Bác có lỗi gì đâu? Chỉ có em là đứa con gái ngu dại. Em cứ nghĩ, cái hôm đó, là duyên giời đã cho em gặp bác. Nhưng giời cho, mà không biết cách giữ, thì rồi giời lại lấy đi…
Bà Hiên đã không kìm nén nổi những giọt nước mắt ướt đẫm khuôn mặt. Còn ông Bảo thì lúng túng, chẳng biết làm gì.
Bà Hiên bỗng nói khẽ:
- Lát nữa, con gái em sẽ sang đây. Thôi! Chiều nay, bác ở lại, ăn với mẹ con em bữa cơm…
                                      
                                                          Một chiều tháng 6 năm Kỷ Hợi
                                                                           Đ. B.C
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 60
Trong tuần: 1168
Lượt truy cập: 436173
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.