Nguyễn Tiến Hóa
CHUYỆN KHÔNG MUỐN KỂ
Tôi là một Ôsin, một Ôsin thứ thiệt, có giá hẳn hoi. Các bạn đừng nghĩ, cái nghề này là nghề mạt hạng, là con sen, con ở, là người hầu, người hạ ngày xưa. Thời buổi bây giờ, đôi khi nghề này còn hợm hơn một số nghề khác đấy. Điều này tôi không muốn tự khoe mình, hay là muốn tự trào một tý. Tôi không phải là loại Ôsin chọn chủ, như một số người ở các công ty tư vấn việc làm. Cái tính đỏng đảnh nhân tạo, thay chủ như thay áo của họ đã làm cho các gia chủ phải đau đầu, mỏi mệt, không hiểu vì sao Ôsin lại bỏ mình.
Tôi là một phụ nữ chân quê hoàn toàn, hình thức của tôi cũng ở mức tầm tầm, nhưng hồi trẻ cũng có nhiều trai làng phải siêu lòng để ý. Nếu tôi bớt đi cái tính kiêu kỳ, thì chắc cũng yên bề gia thất như chúng bạn cùng lứa. Người ta ai cũng có cá tính, nhưng cái cá tính của tôi đã quá đà, trở thành quái tính, thành thử nó đã báo hại tôi, để đến bây giờ tỉnh ra, đã hơi quá muộn. Tuy vậy, hiểu được như thế cũng là may cho tôi, vì có người suy ngẫm đến già, mà vẫn không biết được mình là ai. Tôi chấp nhận số phận, chấp nhận nghề Ôsin mà nhiều người dè bửu. Ban đầu còn lạ lẫm, dần dần đâm quen, rồi tôi gắn bó với nghề này lúc nào không biết. Công bằng mà nói nhờ cái nghề này mà đầu óc tôi cũng được mở mang, biết được ối chuyện ở cái phố trí thức mà tôi đang làm việc. Những chuyện tôi kể cho các bạn đều là những chuyện có thật ở cái phố trí thức này. Chỉ có điều vì danh dự của những người tôi đã có thời gian gắn bó sẻ chia vui buồn với họ, nên tôi không muốn kể thật tên.
Cách đây ba năm, qua một người quen giới thiệu, tôi nhận lời đến giúp việc cho một gia đình trí thức. Ông chủ tuổi cũng chạc tuổi tôi, suốt ngày đeo kính cận có tròng đáy, dầy như đít chai. Nghe đâu ông là tiến sĩ y học tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài. Vợ ông cũng là một cử nhân công tác ở ngành thủy sản. Bà ta có dáng quí phái, lại là người Hà Nội 100%, nên trông càng ra dáng mợ. Thời trẻ chắc bà đẹp lắm, vì ngay bây giờ tuy tóc đã điểm sương, nhưng ra ngoài phố vẫn có những cậu ấm đuổỉ theo, tưởng nhầm là bạn cùng lứa. Bà bảo, hôì trẻ có nhiều cây “Si” di động trồng ở trước nhà bà. Có người phải lòng, tương tư phát ốm. Ông bà có hai con kháu khỉnh, một trai, một gái, trông rất dễ thương. Nhìn gia cảnh họ có nếp có tẻ, ai cũng phải thèm, khi họ ra đường người ta đều phải nhìn ngắm, trầm trồ thán phục về một gia đình hạnh phúc. Trớ trêu thay sự đời không đơn giản như vậy. Nhìn bề ngoài người ta dễ bị lừa. Gia đình ông bà hoàn toàn không như người ta nghĩ. Căn nguyên từ đâu chỉ có ông trời mới biết. Có lần tôi được ông ấy bảo: Bà vợ ông mệnh thủy, còn ông mệnh mộc. Hai mệnh này phải dựa vào nhau, không thể rời xa như cây với nước, nhưng lại khắc nhau đến thê thảm. Điều này chả biết đúng sai với ai thế nào chứ với họ thì hoàn toàn chính xác. Những năm tháng sống ở gia đình ông, tôi đã nghiệm ra điều ấy.
Tính ông cẩn thận, ngăn nắp, làm gì cũng suy tính trước sau. Còn tính bà thì ngược lại. Khi nhà có một tủ, quần áo bà để ra ngoài vì lý do thiếu chỗ, khi ông sắm thêm một tủ nữa thì quần áo vẫn vứt tứ tung. Mắc nào, dây nào cũng có quần áo. Giường nào, ghế nào cũng đều có áo quần. Thật khó mà phân biệt được cái nào đã mặc cái nào chưa. Tôi rất cảm thông với ông, những lúc ông dọn dẹp. Ông có quan điểm thương người lao động. Thấy tôi vất vả thu gom xếp đặt, đôi lúc ông cũng mó tay vào. Nhưng ba người xả (hai con bà cũng bắt trước tính mẹ) thì một mình tôi dọn sao cho xuể. Có những việc tưởng như đơn giản, ông nhắc bà tới năm lần mà chứng nào vẫn tật ấy, bà vẫn không sửa. Tỷ như bà thích bơm nước tưới cây, tưới xong bà chỉ tắt điện mà quên không khóa vòi, nên khi ông bơm nước lên tầng thì nước lại chảy ra vườn lênh láng. Ông biết bà quên, nhưng nhắc nhiều lần bà vẫn bỏ ngoài tai, lại còn rảnh rót: “Lần sau đi mà làm lấy “.
Cái triết lý của bà tưởng là triết lý cùn, thế nhưng lại lẹm sắc và thực dụng đáo để. Cái triết lý ấy đối với bà, nó đúng ở mọi lúc, mọi nơi. Có lần bà nấu cơm, mới chín lẻ rưỡi, bà đã bắc ra ăn. Hạt gạo chưa chín hết, bóp ra còn bột. Ông nói để thêm tý nữa, bà bảo cơm đã chín rồi, không ăn thì lần sau vào mà nấu, không ai hầu được. Ai hầu ai? Cái đó chỉ có bà mới hiểu. Chỉ có điều trong gia đình thì biết bao nhiêu việc mà người vợ phải đảm đương, mà cứ như cái triết lý của bà thì ông phải làm, phải lo tuốt tuột. Cái nghịch lý này, tưởng là phi lý, hóa ra lại là có lý ở ngôi nhà ông. Nếu như cái sự làm thì bà sẵn sàng nhường cho ông, nhưng cái tài sản, cái lợi quyền thì bà nhất quyết không nhường. Ngôi nhà năm tầng này do ông làm ra bà cũng nhận là tiền của bà. Cái lý của bà là: Nếu không có bà thì ông làm sao mà giữ tiền được. Trang trại ông mua bà cũng đòi đứng tên. Và hàng tháng ông phải nộp lương cho bà đều đặn. Thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, những lúc bực không chịu được ông thường lẩm bẩm như vậy.
Nhà bà chỉ nên hiện diện một chủ là êm, cứ có hai chủ là lại vang lên bản hòa tấu, tiếng bấc, tiếng chì, lúc thì réo rắt, eo xèo, lúc thì sục sôi với đủ các làn điệu. Nào là tại sao hôm nay lại đi về muộn? Tại sao lại ở lại chơi thể thao? Tại sao lại ngồi xem vô tuyến mà không kèm con học?…Bao nhiêu là cái tại sao để bà chì chiết đay nghiến. Ông là người nhẫn nhịn. Được thể bà càng làm già, lấn tới. Nhưng ở đời ai mà chịu mãi được. Con giun xéo lắm cũng quằn. Đến lúc ông nổi đóa lên thì bà liền đóng cửa, mở đài thật to cho hàng xóm không biết. Nhà bà hàng quí vẫn luôn được nhận phiếu gia đình văn hóa, nên bà phải giữ, phải bảo vệ cái hư danh ấy.
Đươc cái hai ông bà mà ngồi tranh luận với nhau thì chả ai thắng ai cả. Mà cái sự tranh luận này diễn ra triền miên, ngày này qua ngày khác. Bà là người hãnh tiến, không bao giờ chịu thua chồng. Lời nói của bà, lý lẽ của bà bao giờ cũng đúng. Bà rất cần người ủng hộ bà. Vì thế mà bà cần tôi. Tôi trở thành người hòa giải, đồng minh của hai người. Hai con bà còn nhỏ đứa lớn mới lên mười, đứa nhỏ mới lên bảy. Cả hai người đều không muốn con cái biết bố mẹ bất hòa, nên những lần xung đột, đều xảy ra lúc trẻ con vắng nhà, hay lúc chúng đi ngủ. Những lúc ông bà tranh luận căng thẳng, bà lại nhờ đến tôi hòa giải. Chả hiểu những lời tôi phân trần có ma lực gì mà những nguồn cơn của hai người trở nên dịu xuống. Thực tình tôi chỉ là một người giúp việc, có tư cách gì mà can thiệp vào việc của gia chủ. Mà họ còn là những người trí thức, có học vấn, có trình độ là thầy, là cô của tôi. Nhưng vì họ nhờ nên tôi không thể từ chối được. Nghĩ đến cuộc sống vợ chồng mà tôi thấy gai người. Gia đình trí thức còn thế này, chứ gia đình khác thì còn đến đâu. Bao nhiêu là hoàn cảnh, mâu thuẫn nảy sinh, mà tôi không thể lý giải được. Dường như ông bà sinh ra là phải sống cùng nhau, hành hạ cùng nhau. Cái sự hành hạ mỏi mệt đến mức, mà người gây ra lại tưởng là thói quen, tập quán. Một sự hành hạ triền miên, không chấm dứt, không buông tha. Đôi khi ông tự trào rằng cái số ông nó thế, nhưng cũng có lúc ông lại bảo tô:
- Tôi thấy chán đời.
- Sao lại chán?
- Cô đã biết rồi
- Tôi thấy ông là người đàn ông nhẫn nhịn.
- Nhẫn nhịn là vì con.
- Nhiều người làm khác ông.
- Cô thấy cuộc sống chồng vợ có mệt không?
- Mệt, nhưng không sợ.
- Sao cô không lập gia đình?
- Vì chưa có ai thương. Tôi thấy ông không hỏi tiếp mà chỉ thở dài.
Tôi biết bên trong của sự chịu đựng tĩnh lặng, đang ẩn chứa những cơn bão lòng dữ dội. Dần dần tôi mới vỡ ra rằng: Tiền tài địa vị chưa chắc đã mang đến cho người ta hạnh phúc. Phú quý, giàu sang không là phép mầu nhiệm đưa người ta đến cõi Niết Bàn. Gia đình là tình thương tổ ấm, nhưng đôi khi nó trở thành nơi giam cầm, đày đọa. Tôi mới hiểu được phần nào vì sao có nhiều nhà tỷ phú, nhiều nhà khoa học mắc bệnh trầm cảm chán đời. Cuộc sống của họ bị vòng kim cô kiềm tỏa, họ càng vũng vẫy nó càng xiết chặt hơn. Gia đình ông đang rơi vào hoàn cảnh đó. Biết tôi thích thơ, ông thường mua cho tôi các tập thơ Xuân Diệu, Tế Hanh. Tôi thầm cám ơn, và ái ngại cho ông, cố gắng phần nào làm giảm bớt sự mệt mỏi cho ông.
Ở đời không ai được tất cả, nhà được chồng hỏng vợ, người được vợ hỏng chồng. Nếu được cả hai thì lộc để đâu cho hết. Âu đó cũng là qui luật bù trừ của tạo hóa. Các con bà rất ngoan và chúng rất quí tôi. Có chuyện gì ở trường với cô giáo bạn bè, chúng đều tâm sự cùng tôi. Thời gian chúng sống gần tôi còn nhiều hơn là gần bố mẹ. Có lần tôi đưa chúng về quê, thăm miền trung du rừng cọ đồi chè, được ăn cơm lam, gà đồi, bánh nếp chúng cứ quyến luyến không muốn về. Tôi hỏi các cháu:
- Vì sao các cháu không muốn về?
- Cô ơi, về nhà buồn lắm.
- Sao lại buồn?
- Vì phải nghe bố mẹ chúng cháu cãi nhau.
Tôi hơi giật mình. Thì ra những lần chúng ngủ, họ va chạm với nhau chúng đã nghe thấy, rồi tảng lờ không biết. Điều này có nên nói cho họ biết không. Không nói là tôi có lỗi với các cháu, lỗi cả với bố mẹ các cháu. Mà nói thì nói thế nào để họ khỏi tự ái hiểu lầm. Tôi không muốn để tâm hồn các cháu bị tổn thương, bị phơi nhiễm thói đời. Nhiều lần bà tâm sự với tôi về tình cảm của bà đối với ông. Bà nói bà yêu ông hết mực, bà muốn độc quyền chiếm đoạt ông. Bà muốn xóa bỏ mọi cái riêng trong con người ông để ông mãi mãi là của riêng bà. Con người bà, tình cảm, tính cách của bà đối với ông là lớn hơn tất cả. Ông còn mơ tưởng gì . Hết giờ làm việc là phải về nhà để hưởng cái hạnh phúc mà bà chờ đợi. Bà trách ông đã kiếm được vàng mà không biết dùng, biết giữ. Nhưng ý nghĩ của tôi lại trái ngược với ý kiến của bà. Bà tỏ ra ái ngại với cái sự độc thân của tôi. Quần áo bà mặc vài lần không thích bà lại cho tôi. Có lần bà bảo: Lúc còn khỏe thì không lo gia đình, đến lúc trái nắng trở trời thì lấy ai lo. Ngay như hoàn cảnh của bà cũng là đã muộn. Bạn bè cùng tuổi bà có đứa đã có cháu rồi. Tôi thấy bà nói cũng có lý, nhưng cái số tôi nó vậy chả biết bao giờ mới đứng. Bà cũng vài lần dẫn người đến giới thiệu cho tôi, nhưng rồi cũng chưa thành. Người thì không thích tôi, người thì tôi lại không hợp. Họ cứ đến rồi họ lại đi. Thấm thoắt tôi đã ở nhà bà ba năm và sẽ tiếp tục nếu không có ngày ấy xảy ra…
…Lần ấy bà đi công tác miền Nam dài ngày, ngày nghỉ các cháu đi thăm quan, ở nhà chỉ còn tôi với ông chủ. Ông cùng tôi tham gia lau chùi nhà cửa để chuẩn bị đón bà sắp về. Thông thường việc này một mình tôi làm, nhưng hôm nay bà đi vắng nên ông tự nguyện tham gia. Ông mặc bộ quần thể thao, để lộ những bắp tay, bắp chân săn chắc. Đúng là dân chơi thể thao. ở nhà ông đã ba năm mà tôi chưa bao giờ có dịp được ngắm thân thể ông kỹ thế. Người này sức lực còn ăn đứt thanh niên. Trông ông chả ai bảo đã ngoài tuổi bốn mươi. Ông bê chậu nước băng băng, lên xuống cầu thang thoăn thoắt. Mỗi người mỗi việc chỉ hơn một tiếng nhà cửa đã sạch bóng. Chỉ còn công đoạn treo rèm. Tôi nhờ ông đứng dưới đưa rèm còn tôi đứng lên ghế để treo. Việc này tôi làm đã thuần thục. Nhưng ông không chịu để tôi đứng trên. Ông bảo tôi đứng dưới, đưa rèm cho ông treo. Tôi cứ nghĩ ông sẽ lúng túng ở công đoạn này, nhưng thật không ngờ ông làm còn nhanh hơn cả tôi. Ông bảo hồi ở nước ngoài ông đã làm công việc này quen rồi. Chỉ còn treo một tấm rèm nữa là kết thúc, ông rướn người móc chiếc khuy cuối cùng, bất ngờ chiếc ghế bị trượt, ông ngã xuống. Tôi xô tới đỡ ông, nhờ đó mà cản được cú rơi tự do xuống sàn đá. Tôi hỏi ông:
- Ông có đau không, để em đưa đi viện?
- Khỏi cần, có em là bác sĩ rồi, mà đừng gọi anh như thế nữa.
Tôi dìu anh ra giường, lấy đá chườm vết thương cho anh. Tôi bảo anh xoay người để tôi kiểm tra xem có bị chấn thương ở vùng khác không. Anh đứng dậy bảo tôi:
- Anh là dân thể thao mà, không hề hấn gì đâu, anh chỉ nhờ em chữa trị chấn thương tinh thần của anh thôi.
- Đã bị đau thế này mà còn đùa.
- Đau mà vẫn bế em được đấy.
- Đố dám.
Anh ôm tôi, bế lên nhẹ nhàng. Anh nhìn tôi âu yếm. Trong tay anh, tôi trở nên bé nhỏ. Tôi ngước mắt nhìn lên. Anh đặt xuống môi tôi một nụ hôn. Tôi ôm ghì lấy anh xiết chặt. Cả hai chúng tôi cùng hôn nhau thắm thiết. Chính giây phút này thì vợ anh xuất hiện. Bà đứng như trời trồng…
…Đêm ấy, trằn trọc mãi tôi không ngủ được. Tuy rằng chị ấy chưa nói câu gì, nhưng tôi biết cơn sóng thần đang dần dần ập đến. Tôi có lỗi với chị. Tôi có lỗi với các cháu. Ngôi nhà này không còn chỗ đứng cho tôi. Tôi không thể tiếp tục công việc ở đây. Tôi âm thầm sắp xếp quần áo, để sáng mai ra đi trước khi trời sáng. Phòng bên các cháu đang say giấc. Chúng chưa biết việc gì đã xảy ra trong căn nhà các cháu. Tôi ra đi chắc chúng sẽ buồn, chúng sẽ tìm tôi. Tôi không biết ngày mai tại căn nhà này những gì sẽ xảy ra. Không biết gia đình anh có còn nguyên vẹn không. Bao nhiêu là câu hỏi cứ vẩn vơ trong đầu tôi. Thực tình tôi lo cho mình thì ít, mà lo cho anh thì nhiều. Anh T ơi! Anh là bác sĩ chữa bệnh cứu người, sao không cứu được anh.
N.T.H