Vũ Thảo Ngọc
CHUYỆN BẠN CÙNG LÀNG
Chúng tôi vẫn ở làng. Cả lớp cấp ba của tôi chỉ có mấy bạn đi học đại học rồi ở lại thành phố làm ăn, công tác luôn, còn đa phần chúng tôi ở lại với làng. Ngôi làng tôi là gọi là đất chữ, nhưng chúng tôi không trưởng thành nhờ con đường khoa bảng được, mà cứ loanh quanh với cái làng thân yêu từ khi sinh ra đã biết ngọn ngành về từng cái ngõ ngang, ngõ dọc, từng bến sông, nơi cổng chùa.. Trong vùng có câu ca : “ruộng làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”, làng Chằm là làng tôi. Mỗi khóa thi ngày xưa đều có những người đỗ đạt cao, có nhà cả cha và con đều đại đăng khoa. Vì thế, từ xưa làng tôi đã rất rộng, sự rộng rênh đất đai đó là nhờ các con dân của làng đi làm quan, làm thày dậy học về mua thêm nên làng cứ rộng thêm lên mãi. Nhưng bây giờ người ta bỏ đồng rồi. Những cánh đồng ruộng mật bờ xôi cũng trở thành góa bụa từ khi nào không biết. Mùa đông, nhìn những khoảng ruộng mênh mang mà co qoắp trong giá rét, lòng tôi cũng thấy xa xót. Nhiều khi tôi đứng ở đầu làng nhìn hút tầm mắt những thửa ruộng của làng bị bỏ hoang, tôi đã bật khóc tắp lự. Dù tôi biết, làm ruộng thì ra làm nhà thì tốn, các cụ dậy từ xưa rồi, ruộng là của hồi môn vô giá của nhà nông ở ngàn năm trước. Giờ ruộng bị ghẻ lạnh, ruộng bị bỏ lại, vô duyên giữa những mùa trăng, giữa những mùa cầy cấy, nhìn ruộng như thế, hỏi sao không khóc được. Thành quả của cha ông bao đời để lại giờ như cô gái xấu xí bị quá lứa nhỡ thì bỏ mặc ngoài làng đầy hờn dỗi…
Minh gọi tôi. Tiếng Minh có vẻ khẩn khoản, khác hẳn những lần gọi đi uống bia khác, tôi cũng thấy ngờ ngợ điều gì đó. Tôi báo vợ ăn cơm đi nhé đừng đợi tôi về ăn cùng như mọi khi tôi la cà với bạn rồi vẫn về chén cơm vợ nấu. Và Minh lại gọi tôi đúng vào một tối gió bấc cào. Mà tay này vốn dĩ cả đời chả bỏ bữa vợ nấu bao giờ, sao hôm nay lại giở chứng rượu chè với tôi khi vừa chập choạng tối. Bụng bảo dạ, lạ tức là phải có chuyện bạn mới gọi mình. Cứ ra xem cái thằng được mệnh danh là ‘đóng hộp” gọi gì…
Con đường làng sạch bong không một bóng người. Đang cữ gió bấc cào, nhà nào nhà nấy co ro trong nhà xem ti vi và tán gẫu. Tiếng gió từ bụi tre còn sót lại trên trục đường làng giờ đã bê tông hóa nhìn đám tre pheo cũng như lạnh lẽo thêm, hai bên bờ rào râm bụt đã không còn, cuối đường còn duy nhất bụi tre già nằm trong khu vườn nhà cụ Kẽm. Vì thế, tiếng gió bấc như phồng lên, thổi tiếng tre kẽo kẹt như làm cho con đường hoang vắng hơn. Tôi đến quán lão Quốc, đã thấy Minh ngồi đó, trong một góc quán khá kín gió, thân hình dài ngoẵng, mặt mũi như quắt lại. Khác hẳn hình ảnh anh cán bộ hợp tác xã bảnh trai, quần áo lúc nào cũng đóng hộp cẩn thận. Trên bàn nhậu mỗi đĩa lạc rang và chai rượu. Những mảnh vỏ lạc màu tím lơ phơ bay trên mặt bàn khi có cơn gió thốc vào. Tôi đến tự tìm chỗ ngồi. Không cần hỏi tôi có đồng ý uống rượu không, Minh rót một cốc to, chúng tôi quen gọi cốc Liên Xô, rồi hất hàm bảo tôi. Ông uống đi. Cứ uống rồi nói gì thì nói, tôi đang muốn chết. Hừ. Tôi cầm cốc uống phân nửa. Tiếng hừ của tôi dứt ra nửa nhễu nó, nửa muốn nói rằng thứ rượu gì mà uống như axit đổ vào họng thế. Bao nhiêu độ vậy. Quan trọng gì. Rát cổ thì nhét mấy hạt lạc rang là xong. Đàn ông đàn ang gì mày. Tôi đáp, đứt họng luôn đấy, đừng có đùa thằng bốn nhăm này ông nội à. Ý tôi nói về độ cồn của thứ rượu mà Minh đã gọi ra. Rồi tôi cũng vân vê mấy hạt lạc rang. Cái bùi, cái thơm của thứ lạc rang thủ công thơm đến lạ, những mảnh vỏ tím mỏng tang cùng bay túa lên khi có cơn gió lia qua, nó bay bay lơ lửng một màn tím vui mắt. Thằng Minh lại tợp một ngụm nữa. Tôi vẫn im lặng. Tiếng gió rú ngòai đường như thốc vào da thịt lạnh buốt, dù tôi mặc khá ấm. Làng bây giờ…hừ, làng bây giờ… Tiếng Minh gằn lại, nhức buốt, như thể của một gã say. Tôi hỏi, sao thế, hôm nay no cơm ấm cật sinh sự gì à. Không. Thế say rượu à. Không. Vậy thì sao nào. Ông gọi tôi ra giữa đêm hôm gió rét để rồi ngồi đó lải nhải cái gì thế. Đúng là vô lý. Hừ. Vô lý mới có lý chứ. Ai sung sướng như ông mà chả có quyền nói thế. Có ai biết nỗi khổ của tôi đâu. Ô, hỏi lạ. Nhà biệt thự, của ăn, của để đầy ra đấy, con cái thì đã trưởng thành, tôi thì còn nan giải lắm, đám trẻ còn… Thì thế mới là chuyện đời. Mới cần ông bạn đến uống cùng. Uống, nào uống đi ông bạn tôi ơi. Minh đưa cốc lên và nốc. Cốc rượu lọt thỏm cái miệng không rớt ra ngòai một giọt mỏng. Ờ thì uống. Tôi cũng bị hắn mê dụ và uống với hắn. Chúng tôi là bạn cùng làng, cùng xóm, cùng đi học mẫu giáo, rồi cùng ở làng làm nông dân. Lớp tôi hầu như ở làng làm ruộng sau khi không thi đỗ đại học năm đó. Nhưng cũng có mấy đứa cùng lớp đã thóat ly ra ngòai nhưng đều trở về làng làm ruộng vì nhiều lý do và bằng lòng với công việc mà cụ tổ mấy đời đã thâm canh trên cánh đồng làng. Thì sẽ không có chuyện gì, làng vẫn bình bình hai vụ lúa. Con cái lớn dựng vợ gả chồng, hết kiếp của bố mẹ lo toan cho các con thì đến các con lại lo cho con của chúng, các cháu lại lo cho cháu của chúng…Cánh đồng làng vẫn bờ xôi ruộng mật, tuy con cháu trong làng đã sinh sôi nảy nở đầy đàn, nhưng cũng không vì thế mà bị đói, ruộng đất mênh mông, chịu khó làm lụng thì vẫn phòng cơ tích trữ được, không giàu nhưng đủ tùng tiệm sống no đủ ngay trên quê hương mình chứ không phải đi kiếm bát cơm ở thiên hạ, phải mang tiếng là kẻ tha phương cầu thực.
Nhưng thời buổi bây giờ đã khác. Người ở tỉnh liên tục về tuyển người đi làm công ở nước ngòai, nhưng lại chỉ tuyển đám đàn bà, con gái đi làm cái công việc là ô sin, tức là làm “con ở” cho nhà người ta, mà phải đi đến mấy năm. Hội phụ nữ xã đứng ra lo vay vốn cho đám chị em nghèo. Số tiền mấy chục triệu cầm tay cả đời người chả dám mơ, giờ phải chiụ trách nhiệm về nó, nhận tiền từ chỗ này và đưa tiền sang chỗ kia cho người lo làm thủ tục để “bay”. Râm ran câu chuyện trong làng, bao giờ cô, chị, dì…bay, lương được trả bao nhiêu, người ta có lừa mình không…Vui buồn lẫn lộn trên những gương mặt sạm vì mưa nắng đồng làng. Nhưng vẫn thắp lên những hy vọng to lớn, hy vọng thay đổi cuộc đời mỗi cá nhân và gia đình họ sau cái hợp đồng lao động chỉ biết ký tên vào cuối tờ giấy khai… Những âu lo ấy đã nhanh chóng tan đi, khi lứa đầu tiên đi đã có tiền gửi về, có mấy chị còn gửi cả ảnh về nhìn như người trên tờ báo ảnh đẹp. Tiền từ nước ngòai về làng chuyển thành nhà cửa khang trang. Thế là đến lượt sau, lượt sau nữa. Hết các chị ở diện nghèo thì người ta cũng chả hơi đâu mà dò xét nữa, miễn có người đi, bên kia người ta đang rất cần người. Lóang cái đã hơn mười năm có cái phong trào “sang tây làm ô sin”, ấy là cứ nói chung chung sang tây chứ thực chất các chị chỉ chủ yếu đến quốc gia gần ta là Đài Loan là chính, ở làng đã thành quen miệng, hễ ai cứ ra nước ngòai, ấy là người đi “sang tây”! Ban đầu còn e dè, sau thì chả ai bảo ai, tự tìm đường đi. Có chị đã bốn mươi, bốn nhăm vẫn tìm đường đi, các chị bảo đi ba năm còn hơn ở nhà làm ruộng cả đời. Có chị thấy thu nhập ổn, về rồi lại tìm cách đi tiếp, tiêu biểu cho cô Xoan bên xóm Chùa đi đợt đầu tiên đến bây giờ vẫn chưa về. Nhà cửa xây cất tươm tất, kệ cho ông chồng ở nhà xoay xỏa cho hai đứa con và việc nhà. Có nhà xây, có tiền gửi về, vui thế còn gì nữa. Ở nhà nhìn nhau mấy mẫu ruộng làm nổ đóm đóm mắt cả đời cũng chẳng xây nổi cái nhà cho tử tế. Lo lắng quanh năm mà chả no bụng, đi thì xa chồng con, xa quê hương nhưng có tiền mang về thì vẫn hơn. Tiền quan trọng lắm. Tiền làm mặt mũi ai cũng nở hây hây. Đầu làng cuối ngõ cứ râm ran nhà này xây nhà to, nhà kia xây nhà to hơn. Nó như con dịch hạch lây nhiễm nhanh chóng. Rồi lại rồ lên những câu chuyện vợ anh ở xóm Bắc không về vì phải lòng ông chủ, được ăn sung mặc sướng chả muốn về nước. Vợ anh bên xóm Đông cũng đang làm thủ tục về nước cắt đứt với chồng vì lựa chọn cuộc sống ở bên đó bằng cách ly hôn thật và lấy chồng giả. Giả kết hôn để được nhập cư, được là công dân nước họ vĩnh viễn. Những hân hoan từ đồng tiền kiếm được bên tây về xây nhà cứ râm ran, âm ỉ, kẻ khen, người chê, những gia đình có con gái, vợ đi làm ô sin cũng thấy nhấp nhổm, kẻ đang đi chả thèm nghe tin đồn, nhưng người sắp đi cũng một phen hú vía. Và vốn dĩ chịu thương chịu khó, không sợ khó khăn và gian khổ, chấp nhận xa chồng ở cái tuổi thanh xuân nhưng bù lại có mớ tiền xây được cái nhà cao, cửa rộng và có của ăn của để nên chị em trong làng vẫn nô nức kéo nhau đi. Công việc của chị em là ô sin nên chủ yếu là đổ bô, hầu hạ người ốm sắp chết, người tàn tật bệnh hiểm nghèo…không quan trọng miễn đi đến hai năm là tiền gửi về đủ trả nợ chi phí vay khi đi cũng cố gắng xây được cái nhà cho bằng chị bằng em. Mẫu nhà trong làng đều giống nhau. Kiểu dáng biệt thự Thái. Ấy là nói thế, chứ ai sang nước Thái bao giờ mà biết, nói “nhà kiểu Thái’ là nói theo mấy ông thợ xây cho nó sang. Xây xong nhà là mơ ước to lớn của mỗi người trong làng. Con gà tức nhau tiếng gáy. Cứ có nhà đã, còn trang bị nội thất thì không cần, khi nào có điều kiện thì sắm. Vì thế, có nhà xây xong thì cứ trống hươ trống hóac vì làm gì có tiền để sắm đồ đạc, nhưng vẫn hoan hỉ lắm….
Đấy là tình hình chung ở làng, mọi người không còn ỉ ôi đánh giá nhau nhà chị này, nhà cô kia đi tây làm ô sin với kiểu dè bỉu, cay ca như ngày xưa nữa, mà lại trở thành câu chuyện khen nhau, khen chị kia, cô này giỏi thế, đảm đang thế, bứt đi mấy năm là về có nhà cao cửa rộng, đổi đời, mát mặt… râm ran cả làng, ai cũng vui, cũng hỉ hả. Mặc dù xóm trong, xóm ngòai chị em kéo nhau ùn ùn đi, nhưng vợ chồng Minh không hề quan tâm. Ở làng ai cũng quen thuộc hình ảnh vợ chồng Minh lúc nào cũng đi bên nhau làm lụng, đúng là vợ chồng như đôi chim cu. Cứ miệt mài, cứ chắt chiu và có phần bằng lòng lắm với cuộc sống hiện tại. Phong trào đi tây làm ô sin chỉ là đối với đám chị em khó khăn, hộ nghèo, cái khí thế chị em trong làng gần như nô nức đi tây làm thuê hình như chẳng mảy may tác động đến, len lỏi đến cuộc sống khăng khít và ấm cúng của vợ chồng nhà Minh. Vốn dĩ nhà không thuộc diện khó khăn, có của ăn, của để từ thời cha mẹ, Minh cũng thuộc diện chịu khó nên hai vợ chồng chả mơ mòng đến việc đi để đổi đời. Thế mà đùng cái, nhìn thiên hạ xây nhà xây cửa rầm rầm, tự nhiên Minh thấy cái nhà ngói chắc chắn của cha mẹ để lại cứ nỏm noi, thấp bé giữa cả rừng nhà kiểu mới. Dù gì mình cũng có chân cán bộ hợp tác bao năm, dù gì mình cũng là tầng lớp không nghèo trong làng từ trước, vậy mà mình lại hóa ra thua cả mấy chị đi làm ô sin. Ý nghĩ đó đã nung nấu và đưa đến quyết định vợ chồng Minh là phá nhà cũ đi, xây cái nhà mới cho nó bằng chị, bằng em. Vốn liếng bao lăm có đồng nào dốc ra hết. Nhất định phải có cái nhà “giả Thái” như hàng xóm trong làng. Ngôi nhà xong thì ai cũng phải trầm trồ vì nó khá đẹp, lại tọa lạc trên khu đất đẹp nhà Minh nên kiểu dáng nó được phô bày hết mọi góc độ. Nhưng nhà xây xong là đồng nghĩa với việc trong nhà rỗng không. Thế là cằn nhằn. Thế là cọ miệng nhau, gằn hắt nhau. Thêu, vợ Minh vốn nổi tiếng trong làng là cô dâu hiền thục chịu khó nhất nhì làng. Thêu chưa bao giờ cãi lại chồng một câu. Nói theo cách của bọn tôi, Thêu luôn coi Minh là số một, Thêu tôn thờ và tuyệt đối hóa Minh về mọi thứ. Minh ho nhẹ một tiếng là Thêu đã dúm lại rồi. Nhưng về mức độ chịu thương chịu khó thì không ai đọ được với Thêu. Cô ấy có thể ăn mặc xòang xĩnh, nhưng Minh thì luôn được vợ chăm chút rất bảnh chọe, lúc nào cũng chỉnh tề áo bỏ trong quần, chúng tôi đã gọi kèm với tên cậu ta là Minh đóng hộp là thế. Chả bù cho bọn tôi, có gì mặc đó, bà xã bảo nên thế này, thế kia cũng ầm ừ cho qua chuyện. Nhưng Minh thì được Thêu tỉ mẩn mọi thứ. Việc bếp núc, phân gio Minh không bao giờ phải đụng tay chân. Thêu lý giải, chồng là cán bộ hợp tác là phải chỉn chu không người người ta cười em. Mỗi khi chúng tôi tụ tập, thường trêu cái sự tỉ mẩn của Thêu với Minh, cô ấy chỉ nhún nhường bảo thế. Chúng tôi thì cười khóai trí để trêu Minh, nhưng Thêu thì nghiêm ngắn nói về Minh như nói về thần tượng đặc biệt của cuộc đời mình. Không bỡn cợt, không suy bì. Nhìn cô ấy nhẫn nại trong mọi việc càng thấy quý cái bản chất thật thà và chu tòan của Thêu với Minh. Nhìn họ thế, bọn lớp tôi thường đùa, thằng Minh vừa sướng, vừa khổ, vì lẽ, vợ nó biến nó thành tượng trong đền thờ mất rồi. Nhưng Minh thì an nhiên với sự được chăm sóc, yêu chiều đó của Thêu. Sự quen ấy không gỡ ra được, mà bị gỡ ra tức là Minh sẽ bị mất đi một phần thân thể của mình. Đó chính là sự phụ thuộc bất biến của Minh khi luôn phải bám vào cánh tay vợ trong cuộc sống.. Lũ bạn thấy mừng cho cậu ấy có một cô vợ chính chuyên, Thêu nhẫn nhịn vì chồng, vì con đến thế, nhưng cái gì tương đối thì còn khả dĩ, chứ đã quá lên, chắc sẽ có ngày Minh đón nhận hậu quả vì sự chăm chiều của Thêu với cậu ấy.
Quả nhiên như chúng tôi đã nói với nhau, nhưng lại nằm ngòai sức tưởng tượng của chúng tôi. Một tháng trước, vì món nợ xây nhà quá khả năng của vợ chồng Minh, nên cô vợ bất ly thân của Minh đã nhanh chóng lên đường đi làm ô sin cho một gia đình người cùng quê ở bên tây. Điều này đám bạn cùng lớp chúng tôi không ai biết. Tôi nghĩ, chắc vợ chồng nó ngại bị hỏi han, lại phải giải thích này khác, rồi người làng lại chả rêu rao, cứ tưởng nhà cán bộ thì không đi làm ô sin. Vợ cán bộ đi làm ô sin thì có giời sập à. Cánh đàn ông chúng tôi không ai để ý, nhưng sau này chuyện vỡ ra, vợ tôi đã nói luôn, anh không biết, cả làng người ta biết, nhà ấy giỏi đóng vai cán bộ lắm. Đói nhăn răng vẫn cắm tăm ăn no rồi nhé. Chỉ vì chữ sĩ hão mà xảy ra nông nỗi ốm lửng rồi kêu bạn đến cứu. Rõ nhục. Tôi ớ người. Ồ, hóa ra là thế ư. Trong mắt tôi vợ chồng Minh Thêu đúng là như thế mà, lạ nhỉ…Nhưng thôi, kệ bà xã, tôi nghĩ, chuyện đàn bà thường hay đàn đúm, thêm bớt ý mà.
Cho đến tối nay nó gọi tôi ra cái quán rượu đầu làng này. Hóa ra là nó…nhớ vợ không chịu nổi. Giọng Minh ướt sũng, đầy đau khổ. Ông có biết một tháng nay tôi sống thế nào không. Tôi ngủ mơ và tòan gặp ác mộng. Triền miên mất ngủ và đầu tôi gần như không tài nào điều khiển được công việc hàng ngày. Ngôi nhà to đùng, trống hóac không phải vì chưa có đồ đạc mà vì tôi thấy nó cứ như cái ao cá đầu làng, tôi cứ như bị đám cá dưới ao rỉa vào da thịt. Hai đứa con mỗi đứa một công việc, có đứa nào ở nhà đâu. Tuần trước, bữa giữa tuần, đầu tôi như có ngàn vạn mũi kim đâm vào. Tôi đã quay cuồng và ngả ngửa giữa nhà, may sao cái điện thoại vẫn nắm ở tay, thằng con tình cờ gọi điện xem bố ăn uống gì chưa, thì nó chỉ nghe thấy tiếng thở của tôi. Thằng bé gọi cô nó đến đưa tôi đi viện huyện, rồi nó phải phi hơn trăm kilomet về với tôi. Nhưng nằm ở viện cũng chả chẩn đóan ra bệnh gì. Vợ đi ngày nào thì tôi coi như đi viện ngày đó. Nhưng hình như chả bác sĩ nào nói ra được căn bệnh của tôi. Vợ chồng thằng con thứ hai bắt tôi phải nằm viện. Nhưng mà nằm viện như thế thà chết đi còn hơn. Ngày nào cũng thấy người bệnh đủ mọi nơi đổ về, tòan bệnh nan y. Mình không bệnh hóa có bệnh, thế là tôi trốn về. Tôi muốn gặp ông. Tôi muốn nói rằng, ông tìm cách nào chỉ cho tôi. Làm thế nào để vợ tôi về. Ông biết đấy, từ nhỏ chúng tôi đã cùng xóm, lớn lên cùng học, làm lụng, yêu và lấy nhau, chưa bao giờ hai đứa xa nhau nửa ngày. Trời ơi, sao tôi khổ thế này. Tôi đã làm khổ Thêu. Tôi đã làm khổ Thêu. Minh khóc. Hắn khóc dấm dứt. Khóc nức lên. Rồi ồ ồ khóc. Chao ôi, tiếng khóc của thằng đàn ông gần năm mươi tuổi làm cho tôi cũng rối trí. Minh vừa khóc vừa đưa điện thoại cho tôi, ông nói với Thêu giúp tôi. Tôi cầm điện thoại, tiếng Thêu ấm áp, ríu rít, em đây, bố khỏe chứ, các con khỏe chứ, em ổn định rồi, bố yên tâm, nhanh như một giấc mơ thôi bố ạ, em sẽ về với bố và các con như kế hoạch... Tôi vội cắt ngang, gắt to, anh Tòan bạn chồng em đây. Em có về được không thì về, nó sắp chết rồi. Tôi thấy tiếng Thêu như nức lên. Có tiếng điện thoại rơi khô khốc. Chắc cô đã không thể nói thêm câu nào với tôi sau cái câu gắt gỏng “điểm huyệt” của tôi khi nãy. Chả hiểu sao tôi lại thốt ra cái câu…chết người ấy. Thôi kệ. Chẳng còn cách nào khác. Nếu Thêu về biết đâu chả hay hơn. Chứ tình trạng này còn kéo dài chắc Minh sẽ gục hẳn. Tôi thẫn thờ nhìn Minh co rúm trong bộ dạng thần kinh đã không thể điều khiển được. Tôi gọi xe cấp cứu. Tôi gọi con cậu ấy để nó chuẩn bị đón bố vào viện. Đêm ấy, đường làng vắng hoe. Những căn nhà tiền tỉ đủ màu xanh đỏ lấp lóa dưới ánh trăng cuối tháng trong tiết đông như chẳng có tí sinh khí nào. Tôi như kẻ mộng du đưa Minh vào bệnh viện. Giọng cậu ấy lạc đi, chẳng nghe rõ lầm rầm câu gì, nhưng chỉ nghe rõ câu Thêu, Thêu…anh làm khổ em, anh có lỗi… Lầm rầm không đầu không cuối. Thân hình như quắt thêm, mồ hôi vã ra ướt áo thì xe cũng tới viện. Sau khi thăm khám, cậu bác sĩ trẻ trả lời tôi, chẳng sao đâu bác ạ, ông ấy bị sang chấn tâm lý thôi ạ, cứ để ý ông điều trị vài bữa là ổn ạ. Vợ chồng thằng con cũng kịp đến hớt hải cảm ơn tôi đã đưa bố chúng nó vào viện kịp thời.
Tôi về làng, lòng nặng trĩu những ý nghĩ không đầu không cuối. Cánh đồng làng đang phơi ải trắng, một vài khu ruộng trồng màu xen kẽ, cái màu xanh của khoai ngô như làm dịu lòng tôi, nhìn cánh đồng mênh mông tôi thấy, sức lực con người có lẽ quá bé nhỏ. Tôi vẫn ở làng, công việc cũng quá nhiều, chả có thời gian mà ngẫm ngợi. Mơ ước thì nhiều lắm, nhưng cũng tự biết sức mình. Và tự mình điều chỉnh những tham vọng không cùng ấy mà thôi… Hóa ra, Minh cũng không cưỡng lại cái sự hơn thua ở đời, và Thêu quá vì chồng con mà không nghĩ rằng cô ấy rời khỏi Minh là cậu ấy mất đi một phần thân thể. Sau thì tôi biết ngọn ngành, vợ chồng Minh đồng thuận để Thêu đi giúp việc người ta ba năm, mỗi tháng gửi tiền về cho Minh trả nợ tiền xây nhà. Nhưng sau khi biết tin chồng mắc bệnh như thế, Thêu đã bỏ việc bay về, và cõng thêm món nợ không nhỏ vì chồng con.
Tôi cứ nghĩ mãi mà không cắt nghĩa nổi chuyện của họ, hai vợ chồng họ là hai hay là một thực thể.
Hà Nội, một ngày đầu thu
V.T.N
Người gửi / điện thoại