Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

CANH BẠC ĐỜI NGƯỜI

Trần Đình Nhân

 

CANH BẠC ĐỜI NGƯỜI

  • Trời ơi có người chết đuối kìa!

   Giang đang chồi lên, trụt xuống trong tuyệt vọng, làn nước như cái miệng phễu đen ngòm, muốn nuốt chửng lấy cô nhưng hơi thở lại cố kéo Giang thoát khỏi cái miệng gớm ghiếc ấy… Tiếng người kêu lao xao, mơ hồ như gần, như xa… chợt một vật gì như bàn tay và đôi vai thiên sứ nâng cô lên, nhấc cô khỏi cái miệng nước tham lam, nhầy nhụa kia… đầu cô bị dốc ngược… gió thổi ù ù… tiếng người lao xao… bước chân thập thình nghe như xa, như gần. Nước trong miệng cô trào ra không dứt. Thế rồi, cô thấy mình nằm trên một nền cứng, cô mơ hồ cảm nhận được hơi ấm từ đất, có tiếng người lay gọi và cả động tác co duỗi hai tay cô. Ảo giác tan dần, cô cám thấy đau nhói, tưng tức trong ngực. Cô từ từ mở mắt, không gian quay cuồng, lễnh loãng, xa lạ. Cái bắt gặp đầu tiên của cô là một anh chàng mặc áo lính thủy ngồi ngay cạcnh phía vai đang lay gọi cô, một cô gái đang làm động tác hô hấp nhân tạo... Xung quanh cô còn khá nhiều người, tiếng người nghe lào xào chìm nổi như gió thoảng. Cô dần dần tỉnh dậy nhưng người nặng như đeo chì, ngực nhói đau như có vật sắc nhọn cào trong tim phổi. Khi đủ khả năng nhận biết mọi thứ, cô mới hay mình đang nằm trong bệnh viện, thầy cô và bạn bè ra vào thăm hỏi cô… Cô bỗng nhớ quê đến cồn cào, nhớ rặng dừa xanh ngút ngát và tiếng gió rì rầm xanh dọc con kênh ngày nước nổi. Từng kí ức xa ấp đến, cô xa gia đình, xa quê từ năm mới 7 tuổi. Cô bé miền Nam mất cả cha lẫn mẹ, mất cả hai đứa em trong một trận bom vô tội vạ ở vùng tranh chấp. Cô được bố trí theo chân các cô, các chú lặn lội qua những ngày dài đằng đẵng tập kết ra Bắc bằng con đường bí mật … Thoáng cái cô bé con ngơ ngác thuở nào đã thành sinh viên trường Y năm nhất của thành phố Cảng, một cô gái phổng phao với nước da trắng ngần, một suối tóc nhung huyền buông dài, bồng bềnh như mây say. Vậy mà cô lại hút chết bởi một bông súng mọc ở ven hồ. Buổi trưa, các bạn trong kí túc xá ngủ hết, cô tha thẩn ven hồ, một bông súng đẹp quá, cô tìm một cành tre cố khều lấy bông hoa súng. Cô chới với trượt chân xuống hồ nước, cô không biết bơi mới nên cơ sự. Có người ngang qua nom thấy hét toáng, một chàng hải quân, đơn vị đóng gần đây đã cứu cô thoát hiểm trước lưỡi tử thần. Âu cũng là duyên phận một kiếp người. Họ làm đám cưới với tinh thân nếp sống văn hóa mới “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” trước khi chàng hải quân theo đơn vị vào Nam với tinh thần tốc chiến, tốc thắng. Chiến tranh qua đi, đất nước nối liền Nam- Bắc sau chiến dịch thần tốc năm 1975, cô bác sỹ trẻ Giang theo chồng về vùng Than Đông Bắc lập nghiệp. Ông Trình hồi ấy tuy không bằng cấp gì nhưng là hạ sỹ quan chuyển ngành nên được tổ chức mỏ sắp xếp chân phó chánh văn phòng, còn Giang được nhận làm tại trạm Y Tế mỏ, cô chịu trách nhiệm ở phòng khám bệnh. Cuộc sống thợ mỏ hồi ấy vô cùng khó khăn. Đổi lại hai vợ chồng Giang và Trình đã biết nương tựa vào nhau để sống , đắp bồi nên hạnh phúc. Hai đứa trẻ, một gái, một trai chào đời, đứa con gái vóc dáng mảnh mai, nước da trắng ngần giống mẹ, cậu con trai bụ bẫm, thâm thấp giống cha. Hai đứa trẻ lớn dần trong tình thương của vợ chồng Giang…

tbn2kdc

   Cốc… cốc… cốc… Đêm… gió khua trước thềm lành lạnh, hun hút như cào vào thẳm sâu kiếp người, tiếng mõ đêm trầm buồn, càng hiu quạnh. Hàng đêm, khi ông Trình lên giường, lừa được đứa cháu bé bỏng lặn trong giấc ngủ, bà Giang lại lặng lẽ thay bộ đồ nâu sồng, trải chiếc chiếu hoa ngồi ngay ngắn trước ban thờ phật, tay bà gõ mõ đều đều, miệng lầm rầm đọc kinh, bà đọc mà như vô cảm, trái tim bà se lại… Từ ngày hưu trí, bà Giang mua một ki ốt rìa đường cổng chợ, xin phép mở một hiệu Tây dược nhỏ. Bà bán thuốc và chữa bệnh để tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng khi thằng con trai bà ngã bệnh qua đời, bà cũng chẳng thiết tha gì, bà bán thuốc và hành nghề vui là chính, cháu cho đi trẻ cho dạn dĩ, đã có ông đưa đi, đón về. Đứa con dâu còn trẻ bà cũng thuận cho về nhà bố mẹ đẻ để tiện đi bước nữa...

   Bà được đề bạt lên trưởng trạm Y Tế mỏ nhưng ông Trình lai bị chuyển công tác bởi cái sự nghặt nghèo của việc tách ra, nhập vào của các nhà tổ chức. Vẫn nguyên hàm cấp phó trưởng một đơn vị nhưng trước kia ông Trình ngồi phòng mát rượi, dưới quyền toàn nhân viên, khách ra vào toàn người có máu mặt, quyền thế, giờ thì ông thu mình một góc quản trị tập Đoàn, ông quản lý vài người gác với một tổ quét dọn toàn những bà mù chữ dở nhưng lại vợ ông này, ông nọ. Có bà cậy thế chồng dám chửi vào mặt ông ngay trước buổi nhật lệnh sản xuất chỉ vì chuyện không đâu. Những lúc ấy, lòng ông tái tê!.. Càng nghĩ, ông càng căm hận cái thằng cha cướp mất chân phó chánh văn phòng của ông. Vậy mà hắn còn lù lù vác mụ vợ nhà quê đen xỉn ra rồi xin về chỗ ông làm nữa chứ?... Chà! Cứ việc… ông có dịp xả cơn giận, ông giao cho mụ vợ đáng thương của kẻ đã cướp mất ghế của ông đặc trách quét dọn cái nhà vệ sinh công cộng, cái nhà vệ sinh mỗi đêm có đến hàng vài trăm người đại tiện, chỉ nghĩ thôi ông đã muốn ói ra rồi! Mỗi buổi sớm, từ cửa vào trong toàn xú uế, bốc mùi váng mũi, lộng cả óc, ruồi nhặng bay loạn xạ, nhất là trong ngăn chứa của bệ ngồi nhòm đã lộn mửa, những con ròi trăng trắng nhung nhúc… nghĩ thôi, ông đã cảm thấy hả cơn tức. Quyền trong tay ông… ai chứ, ông đố mụ vợ đáng thương của cái thằng dám cướp ghế của ông thêm cục vàng cũng không dám phản ứng. Thi thoảng ông lại ghé mắt kiểm tra. Đã gọi là hố xí công cộng người thì đông, vệ sinh vô tội vạ, có mà trực cả ngày cũng khó tránh khỏi sai sót…       Vậy là ông lại có chuyện để nói, để phê bình. Bản tính lương thiện của ông mất dần, thay bằng những hằn học, xét nét từng lỗi nhỏ của những người thấp cố bé họng. Chỉ cần ông đảo mắt qua, có mưa chết cò mấy bà cũng quấn áo mưa, non lá giăng ngang đường mà quét… quét đi rồi quét lại cứ như cái chuyện không quét thì sẽ xẩy ra đại dịch không bằng. Nhất là chuyện phân gác tết nguyên đán, ông mới oai làm sao? Ông đắn đo cân nhắc lập danh sách cắt cử gác cứ như lập đội đặc nhiệm làm nhiệm vụ đặc biệt không bằng. Danh sách được giữ bí mật đến giấy phút chót, khiến các bà không có cơ hội để đổi chác gì cả. Chuyện tổ chức cho công nhân tập thể ở lại ăn tết đêm cuối năm nữa chứ, ông cho mấy đệ tử ruột đến từng phòng để lập danh sách sao cho càng nhiều càng ít rồi đệ trình kinh phí nào bia, nào kẹo, bánh… Tiếng là tổ chức nhưng ông lại mong họ đừng đến. Có đến thì cũng loáng thoáng thôi, ông làm cốt chiếu lệ cho phải phép rồi ông phủi tay ra về, bao nhiều thứ mấy đệ tử có nhiệm vụ khuân về nhà cho ông. Ông thí cho chút nào thì được chút đó chứ đố dám tơ hào một chút. Bà Giang vợ ông dẫu làm thủ trưởng một đơn vị mang tính đặc thù quản lí sức khỏe con người thật đó nhưng bề trên cũng ối kẻ quyền hành, muốn giữ cái ghế cho chắc và kiếm được miếng ăn cũng phải biết lựa người! Nhất là mỗi khi họ đau đầu, xổ mũi. Đã không ít lời đàm tiếu xì xào, kín hở về chuyện quan hệ giữa bà với một tay phó giám đốc. Biết vậy nhưng ông Trình vẫn phải nghiến răng làm lơ. Dù sao kinh tế vợ ông cũng nhờ quyền, nhờ các mối quan hệ đem lại rất nhiều. Chỉ cần ông có thái độ không bình thường một chút, ngay cái ghế hiện tại của ông cũng không còn mà vợ ông cũng sẽ thẳng thừng bác đi những cái mà ông cho là đúng. Ông thừa biết bà Giang lấy ông chủ yếu là cảm ơn cái nghĩa cứu bà thoát chết đuối! Nếu không bà sẽ không bao giờ chấp nhận một anh lính quèn, bằng cấp không có, người lại lùn bè bè như ông. Cuộc sống vợ chồng ông bà nếu chỉ có vậy thì cũng chẳng phải phàn nàn. Khổ nỗi hai đứa trẻ chúng cũng buộc phải lớn. Đứa con gái của ông bà học hành không giỏi giang gì. Nhưng hai ông bà đều là cán bộ, thêm sự khéo léo của bà, con bé được một suất theo học trung cấp tài chính do mỏ đỡ đầu. Ra trường có việc ngay. Cậu con trai đang học lớp 8 có gì phải lo. Cậu ấm học có vẻ sáng dạ hơn con chị, bà tự hào về cậu ấm, mỗi khi có ai gợi đến chuyện học hành của cậu ấm là bà như lên cơn say về những kì tích học tập của cậu. Chương trình xây dựng lại trạm y tế mỏ với một quy mô bề thế khang trang, hiện đại, có ý nghĩa lớn về chăm sóc sức khỏe cho thợ mỏ! Ngờ đâu lại thành trò chơi định mệnh với gia đình bà. Một thằng con trai cao to, có vẻ lịch lãm làm quản lí thi công công trình, anh ta là cháu họ ông chủ thầu xây dựng. Sơ yếu lý lịch của anh ta được cập nhật nhanh chóng. Anh ta mồ côi cha nên học hết phổ thông xuống Hải Phòng theo chú họ làm xây dựng. Vốn chuộng hình thức, bà có thiện cảm với chàng thanh niên này ra mặt. Biết bà có cô con gái rượu vừa xinh xắn, vừa có việc làm tử tế, ngoài việc “U… U… Con… Con…” ngọt như mía lùi, anh chàng chăm chỉ, tháo vát, luôn xử lý những việc tay chân mỗi khi bà cần. Rồi cậu ta thay chiếc xe Honda 67 cà tàng bằng chiếc xe vespa super 125 mầu mận chín khiến bà càng choáng ngợp. Ngày thầy thuốc Việt Nam, cậu ta tự lái một chiếc xe toyota 4 chỗ bóng lộn đến chơi nhà, kèm theo một chai rượu ngoại hạng sang với lời chúc mừng có cánh... Những cuộc đến thăm nhà bà bằng chiếc ô tô 4 chỗ dầy thêm. Sẵn cảm tình, bà nhanh chóng bị thuyết phục bởi sự hào hoa, sang giầu của anh ta! Cô con gái rượu của bà cũng xiêu lòng. Ông Trình xưa nay răm rắp nghe bà. Lời của bà tựa như thánh chỉ. Hôn lễ của cô con gái rượu với anh chàng bảnh chọe được tổ chức ngay sau khi trạm Y Tế của mỏ khánh thành ít bữa. Đám cưới diễn ra hoành tráng với giàn xe rước dâu khá sang hồi bấy giờ. Nhưng ngay sau đám cưới ít ngày, gia đình bà mới tá hỏa, ngôi nhà của chàng rể quý ở quê phải vay tiền của chú họ chủ thầu để sửa chữa trước khi đón dâu về. Tóm lại, anh ta chẳng có gì, ngay cả chiếc vespa super 125 mầu mận chín khiến bà choáng ngợp dạo trước đến chiếc Toyota 4 chỗ bóng lộn cũng là mượn của ông chú họ chủ thầu để làm mẽ cưa cẩm con gái bà. Chuyện đã rồi… Bà đành lặng lẽ tính kế giữ thể diện cho mình. Bà dồn tiền tích lũy từ những hoa hồng béo bở qua mỗi kì đề xuất kí hợp đồng mua thuốc chăm sóc sức khỏe công nhân, những đồng tiền nhặt nhạnh từ những ai cần đến cái quyền của bà. Cuối cùng bà cũng chọn mua được một mảnh đất ưng ý và xây cho vợ chồng đứa con gái một căn nhà hai tầng xinh xinh với số tiện nghi vừa tầm. Bà đã tính chuyện xin cho chàng rể về mỏ làm một chân gì đó, khổ nỗi anh ta chằng bằng cấp gì, đi làm lao động phổ thông thì mất mặt quá! Mặt khác, ông chú chủ thầu xây dựng lại giữ chàng rể của bà với mục đích làm để trả nợ. Bà lại một phen căng mình kiếm tiền bằng quyền chức của mình để trả hết nợ nần cho chàng rể quý. Đứa cháu ngoại đầu tiên bụ bẫm chào đời cũng an ủi bà được ít nhiêu. Tưởng đến hồi kết tốt đẹp!.. Ai ngờ, một buổi sáng bà đang ngồi lim dim mắt trên chiếc ghế đệm mút bọc da mát rượi trong phòng làm việc, một chị công nhân khá thân với gia đình bà từ trên công trường xuống. Quen như mọi khi, bà vừa trả lời thân thiện, vừa với tờ đơn thuốc. Nhưng chị công nhân lại có vẻ bí hiểm điều gì, kéo ghế ngồi sát bà, chị hỏi thăm tình hình gia đình bà rồi đến vợ chồng đứa con gái. Bà bắt đầu tâm sự, nhất là chuyện thằng cháu ngoại, nó mới giỏi giang làm sao, mới có gần hai tuổi mà đã biết đủ trò… Chị công nhân nọ nghe một hồi lâu mới có dịp rụt rè chen vào:

  • Em hỏi thật, chị có biết gì hơn về con rể chị không?

Bà nhìn chị công nhân trân trối một lát, ý như thăm dò rồi nói:

  • À nó bỏ nghề xây dựng rồi, chị đang tính xin cho nó về mỏ!

-   Vậy hả chị?- chị công nhân lưỡng lự- Nhưng em muốn thông tin cho chị một điều, chị kiểm tra xem sao!

  • Có việc gì em cứ nói!- Nét mặt bà đã có chiều khó chịu- việc gì mà bí hiểm vậy? Thiếu gì miệng lưỡi thế gian!
  • Dạ… dạ… không phải ạ!- chị công nhân ấp úng- Là… là… có người đã nhìn thấy con rể chị chích… chích ạ..!

Bà tái mặt, nhổm dậy nhưng bà chấn tĩnh kịp, mắt bà hằn lên vẻ giận dữ:

  • Cô nghe ai mà độc mồm, độc miệng… phải tội lắm đó! Tôi không tin đâu… xin lỗi cô, tôi bận rồi!- Vừa nói, bà vừa đẩy ghế đứng dậy, ý là mời khách ra cho. Chị công nhân đi rồi còn nghe tiếng đóng cửa cái “Rầm” của bà phía sau. Bà bắt đầu nguyền rủa người đời, nguyền rủa cái nhà chị công nhân thân với thiện kia, uổng phí công bà ưu ái xưa nay. Bà mím môi, miệng lẩm bẩm đầy uất ức: “Từ này… đừng có hòng thuốc với men… đồ vô ơn!” Bà chưa biết trút cái bực bõ vào đâu, chuông điện thoại trong túi blu của bà đổ dài. Bà ngó tên người gọi thì ra cô giáo chủ nhiệm của cậu ấm nhà bà… Bà tươi tỉnh bật máy nghe, nói ngay:
  • Chị đây… có việc gì mà gọi chị vào giờ này?
  • Dạ!- đầu kia giọng cô giáo vọng lại rõ mồn một,- Em xin lỗi vì gọi cho chị vào lúc này. Nhưng chị ơi… nhà có việc gì mà Bình nó nghỉ học hai hôm này không xin phép gì? Thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp rồi mà độ này nó học xuống quá!

   Bà choáng váng buông máy... thời gian gần đây, cậu ấm con trai bà rất hay lui tới nhà con rể, nó bảo “Đến đó học bài rồi trông nhà cho anh chị đi làm…”. Bà mơ hồ nhận thấy chuyện chẳng lành… người bà run lên như đang cơn sốt. Bà phải ngồi lặng người một lúc mới lấy lại bình tĩnh, bao nhiêu suy nghĩ vây quanh bà... Lẽ nào lại thế? Hai đứa con là tài sản vô giá, bà thường tự hào và hy vọng ở chúng, dù thằng con rể có lừa cả nhà bà thật nhưng bà đã bù vào lỗ hổng đấy thôi, chịu tiếng mất mặt một chút rồi đâu cũng vào đó… Thằng Bình con trai bà, học hành có vẻ giỏi giang hơn con chị… Nó là cuộc sống, niềm tự hào của gia đình bà, mỗi khi đi họp phụ huynh học sinh là bà thấy mát lòng rười rượi. Mỗi lần ai nhắc đến nó là bà quên cả thời gian kể lể về nhưng giỏi giang “Hơn người” của nó! Với bà cậu quý tử nhà bà phải nhất quả đất chứ chả chơi… Bà không ngại bốc thơm con với khách ngay trước mặt cậu quý tử… có khi khiến cậu ngượng chín cả mặt…. Vậy mà… lẽ nào…? Bà tái mặt! Nhớ lại thông tin chị công nhân vừa nói, nhớ thời gian gần đây cậu ấm xin tiền rất nhiều. Ông Trình có phàn nàn chuyện bà chiều con nhưng bà hắt đi “Rằng giờ nó đã lớn cũng phải bạn bè, cấm đoán nó thua bạn kém bè, nó tủi”… Càng nghĩ lòng bà càng như lửa đốt! Bà vội vã đóng cửa. Chú lái xe trực trạm hỏi: “Gần trưa rồi chị đi đâu”? Bà nói: “Chú đưa chị xuống nhà cháu một chút!” Nhưng đến gần nhà, bà lại bảo: “Chú cho chị xuống đây, chú đưa xe về trạm kẻo có bệnh nhân! Tôi vào chợ mua chút rồi vào nhà cháu. Chiều cháu nó chở tôi lên bằng xe máy được rồi”. Bà vào chợ nhưng chỉ cốt chờ tài xế quay đầu xe đi khuất, bà rảo bước đến nhà con gái gần đó. Lòng bà rối bời khiến bước chân ríu lại, tim đổ hồi. Trời đã sắp thanh minh nhưng vẫn còn lạnh mà trán bà lại rịn mồ hôi. Cổng không khóa, bà nhẹ nhàng rút then cổng, cửa nhà cũng không khóa, nghĩa là có người ở nhà. Bà nhẹ nhàng bước lên thềm hiên, ghé mắt qua lỗ khóa cửa trong. Bà bàng hoàng cả người, miệng ríu lại. trong nhà thằng con rể quý hóa đang chích mũi tiêm vào bắp tay cậu ấm của bà. Đất dưới chân bà như sụp xuống, mồ hôi trán bà tứa ra, đất trời chao đảo, quay cuồng… người bà không còn sinh khí, chân khuỵu xuống chới với... Bàn tay bà đập vào cánh cửa cái “Rầm”. Hai thằng khốn nạn ở trong nhà giật bắn người. Qua lỗ cửa, bà còn loáng thoáng thấy thằng rể quý hóa rút ống tiêm lẳng lên nóc tủ. Cửa mở thì bà đã đứng dậy được, bà nhìn thằng con rể trân trối rồi cơn điên ấp đến, bà rút chiếc giầy dưới chân lao vào giáng thẳng vào mặt thằng con rể, giọng bà gằn như hụt hơi:

  • Mày… mày… phá… nát… nhà tao… mất rồi!

   Đoạn bà lao vào thằng quý tử, túm cổ nó dúi dập mặt vào tường nhà, giọng rít lên xoe xóe:

  • Bình, mày giết bố mẹ rồi con ơi? - Bà ngã ngồi xuống nền nhà…

   Cuối cùng bằng cách của bà, thằng Bình cậu ấm cũng lấy được tấm bằng phổ thông trung học. Nhưng để làm gì? Càng nghĩ, bà càng cay đắng! nó không thể cai được thứ thuốc chết chóc kia. Thằng rể quý hóa của bà rồi cũng bị bắt quả tang đang tiêu thụ chất trắng phải vào bóc lịch. Chỉ tội nghiệp con gái bà mới tý tuổi đầu đã một mình nuôi con. Nó uất quá, ly dị với thằng chồng chết tiệt, một mình bồng con ra mãi cửa khẩu Móng Cái xin một việc làm như để xa lánh nơi chôn nhau, cắt rốn. Thời gian đầu bà cương quyết cai nghiện cho con trai bằng cách giám sát nó, rồi bằng dây xích sắt, nhiều lúc hai ông bà phải trói giật cánh khỉ cậu ấm rồi cho một mũi an thần. Vợ chồng bà dùng khá nhiều biện pháp cai nghiện cho con mà đâu vẫn hoàn đấy. Nhiều lúc đang giúp con cắt cơn nghiện thì có điện gọi đến nào là ông này thế này, vợ ông nọ thế kia… không thể từ chối bằng bất kì lý do nào được. Phật ý họ có mà treo niêu, còn uy tín công việc của bà nữa chứ, bà không thể để danh dự của mình tan theo mây khói… Công việc của vợ chồng bà ở cơ quan cũng không thể để bê trễ!.. Bà đành phải dùng hạ sách là cấp thuốc cho cậu ấm theo chế độ nhất định nhưng đấy là những lúc bà biết và quản lý được. Bà đưa ra một thông tin thằng quý tử của bà đã cai được nghiện. Tin được truyền tụng từ những chiếc loa do bà thổi vào! Hệ thống truyền thanh không công cho bà quả là hiệu quả. Bà còn tìm được cả vợ cho cậu ấm, đám cưới không lớn nhưng cũng đủ xe hoa với lễ lạt. Nhờ có vườn rộng, bà xây chuồng, tạo vốn cho con dâu chăn nuôi gà, lợn. mỗi kì xuất chuống đến hàng tấn lợn hơi. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa… Tiếng cậu ấm nhà bà cai được nghiện, lấy vợ rồi làm kinh tế gia đình bằng chuồng trại quả là phát huy tác dụng. Cậu ấm còn sinh cho bà một đứa cháu gái bế bồng nữa chứ, có cả nhà báo uy tín về viết bài tụng ca về sự hoàn lương, làm kinh tế giỏi của cậu con trai bà. Vậy mà vẫn có kẻ “Thối miệng” bảo là bà làm bác sỹ, tài chẳng thấy đâu, chỉ giấu được thằng con nghiện. Có người cãi, báo chí đưa tin, viết bài đăng báo hẳn hoi lẽ nào không phải? Nhưng liền bị bác lại “Tin với bài là một trò! cái chính vào nhà bà ấy chẳng bao giờ thấy mặt cậu ta, có lẽ bị cùm trong buồng và tiêm thuốc ngủ”. Lời qua tiếng lại nhiều, bà biết cả, bà căm hận những kẻ rỗi công vô nghề cứ xía vào chuyện của nhà bà. Bao nhiêu tích cóp bà bù trì cho đứa con gái và thằng con rể, tưởng tử tế hóa ra rước họa vào nhà. Những bài báo có cánh viết về thằng con trai “Chết tiệt” của bà cai được nghiện, làm kinh tế giỏi mới mùi mẫn làm sao. Bà rưng rưng cảm động thật đấy, nó giúp bà làm lạc hướng được dư luận nhưng trong sâu thẳm trái tim bà là một nỗi đau giằng xé. Gia đình bà đã phải sống trong một tâm trạng ê chề nhưng vẫn phải tồn tại vờ như vui thật. Bây giờ thì chẳng còn gì sất… chỉ còn tiếng mõ khua “cốc… cốc… cốc…” trong đêm và nỗi buồn tủi của cái tuổi chiều tà bóng xế.

   Cũng may đời bà còn một mụn cháu nhỏ nhoi… Bà hy vọng, lòng thành của bà thấu được tới đức Phật, thấu tới được đức từ bi, che chở cho mẹ con con gái bà, che chở và rộng lượng với đứa cháu nội nhỏ nhoi, côi cút của bà được an lành để đi qua kiếp người./.

                                                                                T.Đ.N

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 52
Trong tuần: 806
Lượt truy cập: 450320
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.