Đinh Thiên Hương
CẢM THỨC MỚI TỪ MỘT ĐỀ TÀI CŨ TRONG THƠ
CỦA NỮ SỸ VÙNG MỎ TRANG NHUNG, QUA TẬP “SẮC ĐỜI”
Viết về mẹ là một đề tài không mới. Dường như đã là người làm thơ đều có ít nhiều cảm xúc về đề tài-về nhân vật trữ tình vừa thiêng liêng vừa ơn sâu, nghĩa nặng, tình dầy này. Đấy là câu chuyện của muôn người và ngàn đời. Nhưng mỗi người lại có những cảnh huống và tâm trạng khác nhau. Vả lại, tùy vào tài thơ, tài hoa mà giữa biết bao nhiêu những gì tưởng như quen thuộc, nhàm lăp, mỗi nghệ sỹ đều có những khám phá mới mẻ. Hoặc ít ra, họ cũng có cách diễn tả độc đáo, làm nên bản sắc nghệ thuật cho riêng mình.
Đọc những bài thơ viết về mẹ, thấy thi sỹ Trang Nhung có những khám phá, diễn tả cảm động và mới lạ. Thơ chị hiện hữu 2 người mẹ: mẹ đẻ và mẹ chồng.
Mẹ đẻ gắn liền với “Dòng sông mẹ”, với “Quê mẹ: “Lối cũ mờ rêu cỏ / Ngõ xưa đậm sắc chiều”. Khi mẹ chỉ còn “vương bóng” nơi bến quê, thì lòng con cũng như hoá thân vào hai bờ lau, “thổn thức” khôn khuây trong nỗi “Nhớ mẹ”. Và trong bài “Nhớ mẹ”, tác giả đã tạc vào không gian, thời gian nghệ thuật không chỉ dáng hình, mà còn đặc biệt là phẩm hạnh của người mẹ: “Mẹ tôi chẳng đẹp chỉ giòn / Nết na mẹ giữ phận con nhà nghèo / Quê mùa chân đất gieo neo / quanh năm chỉ biết băm bèo thái khoai”. Không biết khi viết những dòng thơ này, tác giả có chịu ảnh hưởng gì từ câu ca dao xưa “Một ngày hai bữa cơm đèn / Còn gì má phấn răng đen, hỡi chàng?” Nhưng quả là chị Trang Nhung đã tạo ra những hình ảnh tương phản, có giá trị thẩm mĩ về một người mẹ quanh năm, suốt tháng lam làm “Khi cấy ruộng nước, khi cày ruộng khô”. Để từ đó, người viết có 2 dòng thơ kết hay mà lạ: “Mẹ tôi chẳng đẹp bằng ai / Lòng thương con cứ rộng dài tháng năm”. Vẫn là lối so sánh và hình ảnh tương phản. Song tôi nhận thấy, ở đây có cách đo “lòng thương con” của mẹ, không phải là độ xa cao của kích tấc vũ trụ, mà là bằng cái vời vợi của thời gian. Nó đằng đẵng, lặng thầm và triền miên suốt cả đời người.
Cho nên khi mẹ đã khuất núi rồi, là người con chí hiếu, trong các bài “Mẹ tôi”, “Mẹ ơi” “Tháng Chạp”, “Về thăm mẹ”, chị đã tạo ra những tứ thơ hay, nhiều hình ảnh mới. Đó có thể là phút giây “Chiều đông trút gánh bồ hòn…mẹ xa”. Đã dùng tới hình ảnh “gánh bồ hòn”, thì không thể nói cuộc ra đi là thanh thản…Chắc mẹ còn chất chứa những âu lo. Nhưng dẫu sao, mẹ cũng vĩnh biệt cõi tạm, rất hữu hạn để phiêu du về cõi vô cùng “Bồng bềnh mây trắng lối hoa / Mẹ tôi đi giữa la đà sương mai”. Thật là siêu thực và huyền ảo. Trang Nhưng cũng như khá nhiều nhà thơ của Câu lạc bộ thơ Lục bát Hạ long, rất có tài về bút pháp nghệ thuật này, như Trần Thưởng, Nguyễn Đình Thái…Mà duyên may, trong nhiều lần giới thiệu tuyển tập Thơ Lục bát Việt Nam, tôi có dịp trích dẫn, viết lời bình và khẳng định!
Có những lần giỗ mẹ, nhà thơ trở về, mà lòng cứ thấy chênh chao, nao nao, hụt hẫng, có gì như thể dở dang: “Phượng chưa muốn đỏ / Ve chưa gọi chiều / Bờ lau thổn thức liêu xiêu / Xót thương nghẹn đắng bao điều…mẹ ơi!”. Cũng trong bài “Mẹ ơi” ấy, nhà thơ có những hình ảnh so sánh, ẩn dụ và tương phản đầy ám ảnh về đời mẹ quần quật lam lũ sớm khuya “Gửi lưng cho nắng mẹ ươm hạt vàng / Người ta trảy hội xuân sang / Vội vàng mẹ đổ cả vầng trăng đêm”. Đây là những hình ảnh thơ đầy ánh xạ, quen mà rất lạ.
Nghệ sỹ Vùng mỏ Trang Nhung tài hoa ở nhiều lĩnh vực. Con cháu chị giờ phương trưởng, thành đạt. Nhưng tôi đoan chắc từ trong ti vi huyết quản của chị và hậu duệ có phần gen trội của mẹ, của bà. Người phụ nữ tiền bối ấy (tức là mẹ của chị, bà của các cháu bây giờ), đã từng nhiều lần được Trang Nhung khắc họa bằng hình ảnh thơ nhằm khẳng định bản chất tảo tần, chịu thương chịu khó và tâm hồn cũng đầy ắp những rung ngân: “Giêng – Hai trảy hội mùa xuân / Vội vàng mẹ quẩy cả vầng trăng khuya / Tháng Ba cho đến cuối thu / Bán lưng cho nắng mẹ lo mùa màng”. Thiết nghĩ, người mẹ luôn biết dặn con những lời này, thì phúc ấm cho gia đình và yên bình cho xã hội: “Nhớ nghe con qua chặng cơ hàn / Các con giờ áo mũ xênh xang / Miệng cười như hoa-sắc ngời như nắng / Đừng quên những ngày cay đắng…/ Nhớ nghe con / Dù cuối trời xa / Trăm nẻo đi…/ Dành một đường về mẹ”. “Phúc đức tại mẫu”, gia đình là tế bào của xã hội, bắt đầu từ đấy chứ đâu!
Cho nên, tôi rất tâm đắc và xin dành những lời cuối cùng này cho bài “Lời ru của mẹ”. Trang Nhung viết tặng mẹ chồng. Nhà thơ đã mượn một phương thức diễn xướng trong đời sống sinh hoạt dân gian là hát ru, để tái hiện và ca ngợi đức hạnh của mẹ chồng kính quý, yêu thương. Người con dâu tự nhận là người vụng dại “Ngày con mới về làm dâu / Đường kim mũi chỉ khâu chưa thẳng hàng”. Nhưng lòng yêu thương rộng mở và tấm gương nhân từ của mẹ chồng trải suốt “tháng rộng ngày dài”, đã làm cho “trong ngoài ấm êm”, niềm vui “nhân lên…một cây nay đã đơm thêm nhiều chồi”. Thế rồi mẹ ru con, bà ru cháu. Những bài hát ru không chỉ dẫn dụ trẻ thơ chìm vào giấc ngủ, mà còn có chức năng giáo dục luân lý, đạo đức: “À ơi…Con nhớ nằm lòng / Cành non khéo uốn nên vòng Nguyệt hoa / Lời thương mẹ dạy xưa xa / Như gương soi tỏ biết là đục trong”. Tôi lại nghĩ, cùng với tấm gương nhân cách tuyệt vời của mẹ chồng, chắc khi viết mấy câu hát ru này, nhà thơ cũng ám ảnh bởi lời dạy của dân gian xưa qua tục ngữ: “Dạy con từ thuở còn thơ / Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Ở đây là Trang Nhung dạy bảo con dâu bằng tất cả tình yêu thương, chăm chút của mẹ chồng, kể từ khi cô con dâu là con cái trong nhà, lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng. Vậy là, những câu thơ của Trang Nhung, không chỉ có ý tứ mới, mà có cả cách diễn tả mới, diễn tả bằng điệu hát ru chan chứa yêu thương, tình nghĩa. Đó là cảm thức rất mới trong một đề tài cũ, không ít những thị phi, oan nghiệt của người đời…
Thời gian không cho phép, tôi xin được dừng lời.
Chúc chị Trang Nhung luôn an vui, tràn đầy cảm xúc ân tình và dồi dào năng lượng sáng tạo.
Đ.T.H