Lê Tuấn Lộc
KHÚC VI
LÍNH TRẺ VỀ THĂM NHÀ
LÍNH TRẺ VỀ THĂM NHÀ
Lâu lâu mới về thăm nhà
Thấy môi vợ đỏ như ớt
Dỗ con sang bà chơi hết
Hôn lấy hôn để môi thơm.
Đời lính cái gì cũng vội
Đời lính cái gì cũng nhanh
Luống cuống như là ăn vụng
Đáng ra lại rất đàng hoàng.
Nhà sàn hai giường hai góc
Cót két sợ con giật mình
Giỗ mãi mà con không ngủ
Cứ đòi bố kể chuyện xưa.
Xa về muốn nằm giường vợ
Hai con hai bên mất rồi
Trẻ thơ biết gì giận nó
Thương con chẳng ý tứ gì.
Muốn nằm bên vợ một tí
Hai tay con giữ cả rồi
Cựa mình cũng phải nhè nhẹ
Nhè nhẹ lính không thích đâu.
Chuyện xưa không còn nữa đâu
Ngày mai bố về đơn vị
Với con vừa thương vừa ngượng
Bao lâu thì bố lại về?
Tuyên, 27/10/2002
LŨ QUÉT Ở SƠN DƯƠNG
Ngày mưa và mưa
Đêm mưa như trút nước
Chiều mưa cho thối rừng
Người già bảo coi chừng lũ quét
Cánh trẻ rung đùi: Lũ như mọi năm
Cứ ngồi xem tivi
Cứ ngồi uống rượu.
Gần sáng nước lên thềm
Đồ đạc kê lên giường
Bỗng chốc nước lên giường
Đồ đạc kê lên tủ
Đột ngột nước lên tủ
Người leo lên nóc nhà
Nước mêng mông như biển
Mặc kệ xe máy
Mặc kệ tủ ly...
Cúi nhìn…
Một phút cuốn trôi, phá sạch bản Tân Kỳ
Một giờ rừng Sơn Dương thành biển
Một ngày phố Sơn Dương bùn ngập nửa mét
Chỉ có trời làm được
Cây cổ thụ một người ôm, từ đại ngàn
Trôi về Biển Đông không cần tàu xe
Chỉ có trời làm được
Bình thường cầm tay em vuốt ve đã khó
Bây giờ em ngoan ngoãn cầm tay tôi
Ôm cổ tôi để tôi cõng lên đồi chạy lũ.
Sau lũ
Cá rẻ
Củi rẻ
Chỉ mì tôm là đắt
Phố Đăng Châu đầy gỗ, đầy rác, đầy bùn
Gỗ cạnh nhà xẻ cả tuần không hết
Củi cạnh nhà đun cả năm không hết
Ruộng lúa không thấy, chỉ thấy cánh đồng bùn
lội ngập quá đầu gối.
Ngoài sông
Thuyền cứu hộ băng băng
Ngoài phố
Máy gạt bánh lốp đùn lên hàng núi bùn
Người bảo: Sống chung với lũ
Tôi bảo con tôi:
Đối mặt với lũ.
Sơn Dương, 5/7/2001
NGƯỜI BẢN ĐI PHỐ CỔ
Phố cổ cái gì cũng mới
Nhìn mãi không cổ tí nào.
Hàng Giấy bán đầy những phở
Hàng Giầy bản cả quang treo
Hàng Đường những là tơ lụa
Hàng Than không ai bán than.
Sách bảo ba sáu phố phường
Giờ thấy bao nhiêu phố lạ
Chỗ nào cũng giống nhau cả
Thảo nào mình đi lạc đường.
Thèm rượu vào tiệm uống rượu
Chủ bày ra toàn rượu Tây
Chai rượu bằng hơn tấn sắn
Bữa nhắm mình ăn cả năm.
Mình tưởng cứ cổ là rẻ
Không phải Cổ đắt cắt cổ
Phố cổ bao nhiêu cái lạ
Nhìn mãi không cổ tý nào.
Hà Nội, 3/9/2001
TẬP LÀM NGƯỜI PHỐ
Người phố họ đi thư nhàn
Chẳng thèm ngó ngang đâu cả
Người quen cũng như người lạ
Phớt lờ, nhìn cứ tỉnh bơ.
Về phố mình bước rõ cao
Cố mãi mà chưa thấp được
Nhớ cái thuốc lào chảy rãi
Thuốc lá thì mình không quen.
Mình tập đi cho thư nhàn
Bạn bảo đi sao chậm thế
Thư nhàn đi thế nào nhỉ
Đến giờ mình vẫn đi nhanh.
Đi phố mình thích ngó tí
Lại sợ bạn chê quê mùa
Thì cứ đi thôi nhìn thẳng
Nhưng mà váy đẹp lắm cơ.
Hà Nội, 5/9/2001
ĐÈO KHẾ TRONG SƯƠNG MÙ
Ai đã từng lên đèo Khế trong sương?
Mờ mờ ảo ảo.
Trong sương mù hãy bật đèn vàng lên
Ánh sáng mình tỏ rõ.
Ánh dương mạnh dần lên
Sương mù yếu dần đi
Điều đơn giản xưa mình không hiểu.
Kẻ mờ ám chờ sương mù qua đèo Khế an hơn
Người ngay thật qua sương mù cẩn trọng.
Lái xe sợ sương mù
vực sâu mây đọng
Họa sĩ chờ sương mù để vẽ
Thi sĩ chờ sương
tứ thơ hiện dần ra nhè nhẹ
Ai đã từng lên đèo Khế trong sương?
Đèo Khế, 29/11/2001
CƠM LAM
Nấu cơm không cần nồi
Đun cơm không cần bếp
Ăn cơm không cần bát
Là cơm lam đấy thôi.
Vì sao cơm lam ngon thế
Anh còn chưa biết
Cơm lam nấu bằng gạo dẻo nếp nương
Là tinh chất của núi
Nước nấu cơm lam lấy trong ruột ống nứa
Là tinh chất của trời
Cơm lam bọc trong lụa nứa
Là vải che của rừng.
Sao anh không về Tuyên?
Ăn cơm lam để nhớ.
Tuyên, tháng 4/2002
SÔNG HỒNG Ở LÀO CAI
Hùng tráng và bi tráng
Dòng đầu nguồn như tính khí người trẻ
Dũng mãnh và ngang tàng
Giữa biên cương oai nghiêm trầm lặng thế
Sóng dám tung trắng ghềnh.
Đôi bờ những nàng tiên xinh đẹp giáng trần nơi biên ải
Sao chàng vẫn vung gươm quất ngựa hướng về Biển Đông
Như kỵ sĩ ra đi không bao giờ trở lại
Như chàng trai Hmông phóng ngựa nâu xuống núi
Để mặc lưng đèo màu váy áo thêu ren đỏ
Không hề luyến tiếc
Không thèm đa mang.
Sông Hồng ở Lào Cai
Như chàng trai mười tám
Khí tiết như anh hùng
Khám phá đến tàn phá.
Sông Hồng ở Lào Cai
Chưa biết sông Hồng ở Thăng Long
Như vị tướng bách chiến bách thắng
Vẫn oai hùng nhưng hào hiệp đến bao la
Quên đi những chiến công lẫy lừng
Từng bỏ lại sau lưng huân chương chói lọi.
Sông Hồng ở Thăng Long
Hiển hách quá không cần ai khen ngợi
Cứ mênh mang xuôi dòng.
Sông Hồng ở Lào Cai
Nếu biết một sông Hồng ở Thăng Long
Rộng lòng hào hiệp đến thế
Liệu ngươi còn dám ngạo mạn ngang tàng đến thế?
Cầu Hồ Kiều, 29/5/2002
MÙA BƯỚM Ở SA PA
Bướm nhiều lắm
Lên Sa Pa mà xem
Bướm vàng bay như lá
Lá nhiều bay như bướm
Rợp cả chiều Sa Pa.
Bướm nhiều lắm không ai đuổi bắt
Trẻ Hmông còn lên nương.
Mây lang thang trong chiều Sa Pa
Mây lãng đãng giang hồ như bướm.
Bướm nhiều lắm
Bình minh đã có
Bay nhởn nhơ không biết đã chiều tà
Bướm la đà cho rối lòng du khách
Đêm xuống dần bướm ngụ về đâu.
Thông lá nhọn cành mọc vàng lá bướm
Cây lá đen? Không phải bướm đen tuyền
Hoa bươm bướm mình ngỡ là bướm trắng
Thật giả mơ hồ trong Sa Pa.
Sa Pa, 29/5/2002
PHONG LAN SA PA
Năm trước lên Đà Lạt
Bạn tặng lan hoàng thảo
Hoang dã mà quý phái
Tự nhiên mà sang trọng
Thích quá chăm mãi
Xuân sau hoa không nở
Tôi buồn đến bâng khuâng.
Năm sau lên Sa Pa
Bạn cũng tặng phong lan
Hoa đẹp đến mê hồn
Nửa năm không tàn phai
Tôi chăm hoa như chăm em bé
Hy vọng mùa xuân lan cho hoa.
Xuân sau
Cây đào trước sân không chăm hoa vẫn nở
Lan vẫn xanh tươi nhưng buồn câm lặng
Như chưa từng cho hoa.
Lan ơi, hay là người!
Lan ơi, hay là đời!
Sa Pa, 29/5/2002
ĐỪNG THẤY...
Anh đừng thấy ruộng bậc thang bảo là đẹp
Đẹp thì đẹp
Khổ ngàn đời đấy thôi
Núi không cao thì cần gì đẽo thang ra thế.
Đừng thấy em đeo gùi bảo là lạ
Rồi xúm vào chụp ảnh
Gùi đè lưng em còm cõi một đời
Gùi đè lưng mẹ cho bè bàn chân.
Đừng thấy em mặc váy bảo là lạc hậu
Lên nương cũng tiện
Đi tắm cũng tiện
Đi hội càng vui.
Đừng thấy em không nói bảo là không hiểu
Em nói được tiếng Kinh
Anh nói được tiếng Hmông không?
Lào Cai, 30/5/2002
EM GÁI NGƯỜI TRẠI VÀ ANH HÀ NỘI
Khổ mấy anh Hà Nội
Lên Tuyên cứ thích chụp cái lạ
Người Trại Quần Cộc1 có gì mà lạ.
Sao cứ gọi em là dân tộc thiểu số
Vào bản người Trại anh là người thiểu số
Những người Trại lại là đa số rồi.
Đừng vẽ em như thế
Mắt em không khờ dại thế đâu
Hãy để người Trại vẽ người Trại
Người Hà Nội vẽ người Hà Nội.
Mấy anh hẹn em về Hà Nội
Sẽ đưa đi em đi Hồ Gươm chơi
Em về đúng phố, tìm đúng số nhà thì lại là người khác
Con gái người Trại bảo không là không
Sao anh bảo không là có
Thế mà bảo “Đừng nghe con gái nói...”
________
1 Tên gọi khác chỉ người Dao.
Khổ mấy anh Hà Nội
Lên rừng cứ đòi hôn em
Em có người yêu rồi không hôn được đâu.
Anh bảo người Trại khác người Hà Nội
Em bảo người Trại giống người Hà Nội
Em mặc quần áo Hà Nội còn đẹp hơn người Hà Nội
Người Hà Nội thích gì người Trại thích cái đó
Anh muốn gì em muốn cái đó
Chỉ một điều khác thôi
Người Trại thích núi rừng
Người Hà Nội thích phố phường.
Thiện Kế, tháng 5/2002
CHÁU TÔI BẢO
Về Hà Nội, cháu tôi bảo:
Hà Nội chỉ có đường
Không có nhà
Mái ngói cũng không có
Mái lá lại càng không
Người Hà Nội thích ở ngoài đường
Không thích ở nhà
Tôi nghe tròn xoe mắt.
Đi phố, cháu tôi bảo:
Người đông như kiến
Đi như hội
Người Hà Nội chỉ đi chơi
Không đi làm.
Ngã tư, cháu tôi bảo:
Đến rầy, đèn đỏ phải dừng lại
Đi chưa đầy quăng dao
Ùn tắc, sờ áo nhau được.
Công viên, cháu tôi bảo:
Hà Nội có nhiều cây
Không có rừng
Núi giả, hoa giả.
Ba Đình, cháu tôi bảo:
Chỉ Bác Hồ sống lâu.
Hà Nội, tháng 5/2002
TÔI HỎI CHIM KHƯỚU
Mày ăn gì mà hót hay thế
Nó cứ hót như xưa nay vẫn hót
Không thèm trả lời tôi.
Hót như khướu, người đời bảo thế
Ông bà nó
Bố mẹ nó
Vẫn hót như nó hót
Không cần ai dạy ai.
Cậu bé Nùng bẫy khướu trên nương
Đem về phố bán
Bị giam hãm trong lồng
Nó vẫn hót
Như không biết đời nó thế là hết.
Cửa lồng bung ra
Khướu bay đi
Như không cần phòng xanh mát lạnh
Không thèm ngó thức ăn người để sẵn
Chim vui ca tím chiều.
Tôi dùng bẫy bắt lại
Không buồn
Nó vẫn hót
Như không hay thân phận cầm tù.
Cửa lại tung ra, chim khướu lại bay đi
Không ngoái lại lồng cũ
Cào cào người để sẵn.
Tôi hỏi khướu
Tội gì tự làm khổ mình thế
Sao mày cứ đòi sổ lồng
Con khướu như không hiểu lời tôi
Trong rừng phách nó hót vang
Để rồi tôi ngẩn ngơ.
Tuyên, 7/6/2002
ĐƯA CON ĐI THI ĐẠI HỌC
Con đi thi đại học
Bố lo không ngủ được
Cái lo của con chuyển sang bố.
Con làm bài không được
Mồ hôi vã ra như tắm
Mồ hôi của con chạy sang bố.
Con phải thi mà bố bị cử
Con phải học mà bố bị hành.
Ở đời khối người có bằng
Chẳng làm được gì
Có người càng nhiều chữ càng dở
Lên cao nhiều đường đi con ơi!
Thì con cứ đi thi
Để mai làm cán bộ
Bố về lại bản cũ
Đi làm nương sớm chiều.
Tuyên, 29/7/2002
NGƯỜI NÚI - NGƯỜI PHỐ
Người núi thích về thành phố
Đi lại dễ dàng
Con học dễ thành danh
Cái đầu khôn ngoan.
Về phố sống chen chúc
Ồn ào xe cộ
Ra đường không ai hỏi ai
Người núi lại muốn về núi.
Người phố thích về rừng
Gió mây cũng trong lành
Không gian thoáng đãng.
Về rừng
Bí rì rì
Trở đi mắc núi
Trở lại mắc sông
Có tiền cũng không mua được gì
Người phố lại muốn về phố.
Tuyên, 5/8/2002
CANH ĐẮNG
Tặng anh Trương Minh Tú
Em đãi tôi món canh đắng
Đắng đến chảy nước mắt.
Tôi uống một chén rượu
Nhắm với rau ngót rừng
Thịt lợn muối, rau đắng
Riềng cay, rau đắng ơi, đắng ơi!
Canh đắng
Chỉ người Tày mới có
Càng ăn càng thích
Càng ăn càng nghiện
Càng ăn càng muốn ăn.
Tôi nghiệm ra
Người Tày giống người Kinh
Chỉ nghiện cay đắng.
Chiêm Hóa, 9/8/2002
SÔNG ĐÀ
Sông Đà vừa đa mang vừa vô tâm
Lương Sơn vừa Mường vừa Kinh.
Sông Đà - Càng dữ càng tốt
Nọc độc - Càng độc càng quý.
Tàn ác - Cũng có thể anh hùng
Hoang sơ - Có thể là thơ mộng
Đời hai mặt
Trong cái tốt có cái xấu.
Anh hùng đa thê
Thi nhân đa mang
Hồng nhan bạc mệnh.
Hòa Bình, 24/11/2002
BỐC LỬA ĐÊM LƯƠNG SƠN
Gió thổi
Váy xòe
Xòe cho thấu sáng.
Chiêng ngân lên
Xèng xèng…
Âm trầm vọng núi
Mặc ngoài kia
Trăng sông Đà lấp lánh
Mặc kệ đường số Sáu
Quanh co và hoang sơ
Thẳng băng và xa tắp.
Múa đi - dù trăng tàn
Mặc kệ hừng đông rạng
Múa cho sập nhà sàn
Rừng cọ thì cao
Đồi chè thì xanh.
Hòa Bình, 24/11/2002
TIỆC ĐỨNG
Ngon thì ngon
Không ăn được
Thuở nhà ai ăn cỗ thì đứng
Cứ như là thiếu ghế.
Cả đời mình ăn đũa
Giờ ăn thìa ăn dao
Lúng ta lúng túng
Ngon mà chả thích.
Nhà mình ngồi sàn
Thích thì gắp
Thích thì bốc
Khoái nhau cạch một cái
Thế là trăm phần trăm!
Tay phải bưng đĩa
Tay trái cầm lon bia
Ăn làm sao được
Chạm lon
Ngửa cổ chả biết còn hay hết
Ngon mà không khoái
Tự do mà không tự nhiên.
Về nhà mình
Thích thì gắp
Thích thì bốc
Cạch là trăm phần trăm.
Tuyên, 14/12/2002
ĐI HỌP TỈNH
Tặng N.V.P
Đi họp tỉnh một ngày
Phố xá cái gì cũng đẹp
Nhà khách cái gì cũng hay…
Buổi tối nhìn xuống đường
Đèn như sao sa
Ở bản, nhà sàn nhìn xuống đường
Tối như hũ nút.
Đi họp tỉnh hai ngày
Phố xá nhìn mãi cũng chán
Ngồi lâu mỏi cái lưng
Leo dốc một lúc thì tốt.
Đi họp tỉnh ba ngày
Chán phè phè
Chủ tọa nói thì dài
Chữ nhìn hoa cả mắt.
Xa vợ ba ngày cô gái nào cũng đẹp
Nhìn xuống đường
Váy ngắn phơi phới
Đùi trắng như trứng gà bóc
Nhìn tức cả mắt.
Về bản, lên sàn
Chỉ vợ mình là đẹp
Chả đâu bằng nhà mình.
15/12/2002
ĂN BỐC
Mình đi ăn cỗ ở bản
Xôi nếp, thịt lợn luộc lót lá chuối
Tay bốc chấm muối
Nhớ mãi một đời
Trẻ con dù cầm bát
Cuối cùng rồi cũng bốc một tí.
Mình đi ăn tiệc
Lúc đầu cái gì cũng lịch sự
Này đĩa này dao, này khăn ăn, này giấy thơm
Rượu ngà ngà mình thấy ai cũng bốc
Có hơi men người ta ăn thật hơn
Người ta hoang dã hơn
Không mấy ai giữ ý.
Thịt gà chỉ cầm xé là ngon
Đùi lợn chỉ cầm gặm là khoái
Chân chó nhắm rượu chỉ cầm ăn sần sật là thú.
Nói thật chỉ ăn bốc là ngon!
Tuyên, 17/12/2002
HÀ NỘI CÁI GÌ CŨNG CÓ
Bạn tỉnh xa về tấm tắc khen
Hà Nội cái gì cũng có
Quýt Hà Giang
Cam Vinh...
Chè Tuyên rõ ràng cứ bảo chè Thái.
Mấy cô karaoke xinh như tranh vẽ
Hỏi ra thì lại Tuyên Quang mình
Mà lại người Tày
Thế mà được tiếng là người Hà Nội.
Măng mình ngon thế chả dám ăn
Đem về Hà Nội bán đắt hơn
Các cụ bảo:
“Bòn nơi phố quạnh đãi nơi quần hồng”.
Chăm chút mãi được con gà tre béo
Chả dám ăn
Đem về Hà Nội bán giả làm gà rừng
Thế là
“Bán hàng ăn những chũm cau”.
Hoa hậu, á hậu Hà Nội
Hỏi ra thì cũng Tuyên Quang mình
Thế mà Hà Nội được tiếng.
Hà Nội cái gì cũng có
Hà Nội muốn gì cũng có.
Tuyên, 4/1/200
HÀ NỘI NHIỀU NGƯỜI GIỎI
Mình ở bản không hiểu chả biết hỏi ai
Lên huyện đã xa
Lên tỉnh càng xa
Mình về Hà Nội thấy bao người giỏi
Hôm mình xem tivi
Chị vụ trưởng giải đáp pháp luật
Mình đi chợ thấy chị cũng ra chợ mua cá
Cũng đòi thấp giá như mình.
Mình đi đổ rác
Gặp bác cùng dãy nhà tập thể đi đổ rác
Hỏi ra thì bác là giáo sư đấy
Lại làm đến thứ trưởng
Nếu ở tỉnh miền núi
Chỉ nhìn thấy bác phóng xe con vèo qua
Cả đời không thấy mặt
Người giỏi Hà Nội nhiều như lá rừng
Người giỏi miền núi ít như thú rừng.
Mấy cháu bản mình đi học Hà Nội
Chả đứa nào muốn về quê
Về bản khổ lắm
Không giỏi được
Làm cho Hà Nội đã giỏi lại càng giỏi
Nhiều người giỏi Hà Nội không có việc chỉ đi chơi.
Cách gì chia bớt tiền người giàu Hà Nội cho người nghèo ở bản
Người bản bớt nghèo đi
Hà Nội không nghèo hơn
Chia bớt người giỏi Hà Nội cho miền núi
Chắc miền núi giỏi lên rất nhiều
Chia bớt đất rừng miền núi cho Hà Nội
Hà Nội bớt chật chội hơn.
Hà Nội, 22/1/2003
MẾ VỀ THÔI
Mời mãi mế mới về chơi
Cháu nội sinh chưa đầy tháng
Tuổi già mặt mày tươi rạng
Cháu ta như hoa của rừng.
Lần đầu mế về Thủ đô
Toalét ngỡ là chậu nước
Suýt nữa thò tay khoát được
May con kịp vào chỉ cho.
Ngày hai buổi con đi làm
Bốn bức tường còn lại mế
Cún con ngủ như lợn con
Tivi xem mãi phát chán.
Nhớ nương mế nhìn xuống đường
Dòng xe trôi như suối chảy
Trên lầu cao đâu nhìn thấy
Mây trời và bóng trâu đi.
Cá chuối đắm đuối vì con
Hà Nội mế đâu có thích
Chỉ thằng cún con là nghịch
Cho mế vơi nỗi nhớ rừng.
Thì mai cún con đầy tháng
Chúng mày cho mế về quê
Nơi vui không người trò chuyện
Còn buồn hơn trên nương ngô.
BÓNG ÁO CHÀM TRÊN ĐƯỜNG HÀ NỘI
Một thoáng gặp trên đường
Thế là day dứt mãi
Màu xanh chàm dầu dãi
Cứ như là ngày xưa.
Nhìn sau tưởng người quen
Ngoái lại nhìn không phải
Cứ như là thơ dại
Cứ như là ngây ngô.
Điều tưởng là đơn sơ
Bây giờ thành sâu sắc
Điều tưởng là sâu sắc
Bây giờ quên mất rồi.
Nào đâu những triền đồi
Bóng áo chàm lóa nắng
Những hoàng hôn bằng lặng
Lóc cóc trâu về chuồng.
Bóng áo chàm thoáng qua
Người áo chàm ngoái lại
Thế rồi day dứt mãi
Cánh rừng có nương ngô.
Hà Nội, 6/5/2003
VỚI BẠN
Tặng Mai Liễu
Tao người Kinh còn mày người Tày
Điều đó không sao cả.
Hai thằng giống nhau đều thích làm thơ
Thơ hay dù Kinh, Tày đều sướng.
Hai thằng giống nhau đều thích lang thang
Thấy gái xinh đều thích.
Hai thằng giống nhau đều nể vợ
Vợ lườm đã sợ.
Mấy anh làm thơ miệng hùm gan sứa
Nói tưởng hay làm chả ra gì.
Tao đã đến nhà mày
Vợ mày đãi tao rượu Na Hang nhắm với măng đắng.
Mày đã đến nhà tao
Vợ tao đãi mày rượu Thanh nhắm với nem chua.
Hai thằng giống nhau
Khi đã say không có gì giấu giếm.
Mày khác tao làm thơ ban đêm
Tao làm thơ buổi sáng.
Chúng mình khác nhau, người Kinh, người Tày
Điều đó không sao cả.
21/4/2004
L.T.L