Tác giả An Bình Minh vốn là một nhà báo, anh thích tích hợp từ những chuyến đi, chắt lọc những chi tiết nhỏ nhoi để làm nên những câu chuyện tưởng như ngẫu hứng, nhưng có ngọn nguồn từ cuộc sống đa dạng đời thường. Chùm ba truyện ngắn dưới đây được viết từ các hoàn cảnh ấy…
An Bình Minh
GIÓ THOẢNG
Ngay từ đầu, chuyến đi đã hứa hẹn những điều thú vị. Gần một chục nhà báo lên đường đưa tin cho chương trình quảng bá sản phẩm, tổ chức ở một trong những bãi biển thơ mộng nhất nước. Cùng đi còn có hai ông tây xứ Bắc Âu, tên gọi tắt là Pôn và Pie. Vì có khách ngoại quốc nên trước lúc xe chuyển bánh, cô nhân viên đối ngoại của công ty tổ chức sự kiện đã “giới thiệu đôi nét”: Pôn là người sẽ đọc tham luận tại cuộc hội thảo chiều nay. Còn Pie - là bạn của Pôn, tuy không có nhiệm vụ gì trong chuyến đi này, nhưng ông đang có một ý tưởng đầu tư táo bạo vào Việt Nam. Vì thế, Pie chỉ quá giang, còn sẽ tự túc chỗ ở.
- Đặc biệt trên xe của chúng ta còn có một đôi vợ chồng. Dạ! Chị Ngọc Liên, phu nhân của ông Pôn - Cô nhân viên đối ngoại giọng ngọt như đường phèn, giới thiệu.
Đúng ra thì trên xe còn có vợ một đôi chồng nữa. Đó là Hòa và Thùy Ninh. Họ là người của công ty nên không có gì phải “đặc biệt”.
Đi đưa tin quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tổ chức sự kiện cũng gần giống như du lịch. Thao tác nghiệp vụ loại này dễ như trở bàn tay. Bởi thế chỉ ngay sau phần giới thiệu, được coi là phút nghiêm túc của cuộc hành trình, cánh nhà báo lập tức ồn ào như chợ vỡ. Đến lúc này thì cái tác phong công nghiệp tiến tiến của Pôn và Pie đã làm hại chính họ. Sáng nay, Pôn và Pie đến rất đúng giờ, chọn chỗ ngồi giữa xe để ít bị sóc, nên bây giờ họ bị lọt thỏm giữa các đợt “pháo kích” inh tai, nhức óc. Trên đầu xe dội xuống, phía cuối xe đấu lên; cánh nhà báo thi nhau nói cười, chẳng hề để ý gì đến Pie và vợ chồng Pôn. Nói chán rồi, phía “xóm nhà lá” cuối xe hình thành một tụ “tiến lên” ăn tiền lẻ. Phía đầu xe ôn lại những chi tiết tiếu lâm từ các chuyến đi trước và cười re ré. Thỉnh thoảng cánh đầu xe lại bị hút vào tiếng hò reo của kẻ được bạc cuối xe. Và liền đó lại dội lên tiếng đối đáp, reo hò…
Hình như sự ồn ào đó không ảnh hưởng gì đến Pôn. Ông ghé sát tai vợ thủ thỉ, cái vai to như vai gấu ngựa trùm kín lên cô vợ bé nhỏ. Thỉnh thoảng Pôn lại nghiêng đầu ra xa, ngắm khuôn mặt vợ, rồi dẩu môi hôn phớt qua, phớt lại trên má cô vợ yêu. Chỉ tội cho Pie, bị Pôn vui tình riêng, quên phứt bạn bè. Ngôn ngữ bất đồng, không nói chuyện được với ai, đành ngồi mặt ngây như ngỗng. Thỉnh thoảng, để tỏ ra là người có phong cách hội nhập, Pie cũng hóng chuyện và ngô nghê cười góp
Giữa cuộc hành trình, khi cả đoàn xuống nghỉ, ăn cơm trưa thì Pie - “Như một người đang bay lang thang ngoài vũ trụ, bỗng nhiên bắt được tín hiệu của địa cầu”. (Xin nói ngay, đây là câu của Pie thổ lộ với Ninh khi hai người đã quen nhau. Nó quả là rất đúng với tình cảnh của Pie khi ấy). Chẳng là, trong lúc vào nhà hàng, mọi người đều nhanh chóng yên vị thì Pie cứ lóng ngóng - cái lóng ngóng, ngượng ngập của kẻ ăn theo - trông thật tội nghiệp. Đang lúc không biết ngồi đâu thì Ninh - với thái độ thông cảm của chủ nhà - đã lên tiếng trấn an, chỉ dẫn cho Pie. Và chỉ với ba câu tiếng Anh cùng một ngữ điệu bình thản, thuần thục, nàng đã khiến cho Pie trợn tròn mắt ngạc nhiên, thán phục. “Lúc ấy, sau khi em cất lên tiếng nói thì mọi khúc mắc, cam go đã trở nên dễ dàng như trò chơi của trẻ con” (đây cũng lại là câu Pie nói với Ninh sau khi họ quen nhau). Dù có thể là ngôn ngữ của kẻ khéo miệng, nhưng Hòa tin rằng Pie nói thật. Ninh, vợ anh có giọng nói trong trẻo, diễn cảm tự nhiên, không kiểu cách. Nàng vốn có cự môn đắc địa cư mệnh đóng tại tý. Người được cách này thường là ăn nói tinh tế, khúc triết; làm những nghề liên quan đến phát ngôn như luật sư, nhà giáo là cực phát.
Và rồi kể từ đó, Pie hớn hở, không rời Ninh nửa bước. Hệt như học trò ngoan, lẽo đẽo theo cô giáo để được nghe những lời dạy dỗ, chỉ bảo quý giá. Xem ra tình cảnh này có lợi cho cả hai. Pie có người hướng dẫn, trò truyện, được giải thoát khỏi cảnh ngô nghê trước đám đông lạ. Còn Ninh, được dịp thi thố vốn ngoại ngữ vốn không mấy khi có được đối tác tương xứng. Hơn thế cô còn là một phụ nữ xinh đẹp và thông minh.
… Đến tối, thì Pie được dịp gần Ninh một khoảng thời gian khá dài nhân bữa tiệc búpphê ngoài trời. Ra chiều thông cảm với trạng thái tình cảm của Pie và để tỏ rõ nam nhi Việt cũng có phong cách tây như ai, Hòa lánh đi nơi khác. Đứng cạnh Ninh, Pie gần như quên hết mọi vật xung quanh, quên khung cảnh tuyệt vời, một bãi cỏ êm như nhung giữa vườn dừa cao vút, ngập gió và ào ạt sóng biển; quên một cuộc liên hoan thịnh soạn với các món hải sản cao cấp; quên bản tính ga lăng của đàn ông phương tây nhẽ ra phải đi lấy thức ăn cho Ninh; quên cả những cặp mắt tò mò theo dõi ông tây cười nói rôm rả khoa chân, múa tay bên một cô gái Việt trẻ đẹp... Nhưng cũng nhờ cái quên hết sự đời của Pie mà Hòa có cớ lại gần tiếp thức ăn cho vợ, vừa giữ cho cuộc trò chuyện của Pie được tự nhiên, vừa không để mọi người hiểu lầm rằng việc lảng tránh của Hòa là biểu thị sự phật ý. Song, cứ nhìn cái cách vung tay, nhún vai, môi cười, mắt cười của Pie thì ai cũng biết ngay là chàng đang trong trạng thái ngây ngất… Thôi kệ, ỡm ờ một tý, ú tim một tý, nó cũng có cái hay hay của nó. Thêm một chút giao thoa cho cuộc sống thêm thi vị cũng là dịp hiếm có - Hòa nghĩ.
- Cái ông Pie này rất lạ - Ninh hào hứng thuật lại cho chồng nghe khi tiệc tan - Tình yêu sông nước của ông ta thật hiếm có. Ông ấy bảo: Dù đã đi khắp các con sông tên tuổi trên thế giới, nhưng không hiểu sao khi đến Việt Nam, ông mới thấy đây chính là những dòng sông mà ông hằng mơ ước. Chính ông cũng ngạc nhiên không lý giải nổi điều gì đã khiến những dòng sông ở đây hấp dẫn thu hút hết tâm trí của ông đến vậy. Mãi sau này, Pie mới vỡ lẽ: Không. Không thể có một nơi nào trên thế giới mà chỉ có ở đây thôi… Ở đây, dòng sông in đậm bóng hình người con gái Việt Nam duyên dáng, dịu hiền và huyền bí (Pie lại ghi điểm - Hòa nghĩ, thầm ghen tỵ. Cả thời trai trẻ, chưa bao giờ anh nói được với vợ một câu hay như thế).
- Không thể ngờ cái con người cục mịch ấy lại có được tâm sự sâu lắng đến vậy - Ninh không dấu được vẻ thích thú, tiếp - Tội nghiệp. Pie rất thật thà. Ông ta bảo: Đến khi tiền bạc, của cải cho phép ông ấy thực hiện được ước mơ đóng một con thuyền đầy đủ tiện nghi để du ngoạn trên sông thì đã xế chiều. “Ba mươi năm trước, tôi mới hai mươi bảy tuổi”. Pie hóm hỉnh giới thiệu tuổi tác của mình như thế - Ninh bật cười - Sau đó, ông ấy bảo: Vì vậy, bây giờ tìm được người phụ nữ cùng với mình trên con thuyền tình yêu ấy thật khó khăn. Đúng ra thì ông ấy cũng đã gặp rất nhiều cô gái, nhưng…
Hóa ra trực giác của Hòa chính xác. Pie mê vợ anh thật sự và ngay từ phút đầu đã bị một cú sét choáng váng. Ông ta thú thật, gặp Ninh ông có cảm giác như tìm được người có cùng ước mơ. Được sống với người phụ nữ mình tôn thờ, yêu quý; được thả thuyền lang thang trôi trên những dòng sông là ước vọng muôn đời của Pie. Thế rồi trong một tích tắc được thần ái tình cổ vũ, Pie đã dũng cảm bắn một mũi tên: “Liệu tôi có xứng đáng được cùng em trong con thuyền của - riêng - chúng – ta, êm đềm trôi trên những dòng sông quê hương không”.
Đến đây thì câu chuyện của Pie không còn trở nên đáng chế diễu nữa. Chính cái ước mơ cháy bỏng ấy đã chứng minh cho tâm hồn của Pie. Dù cảm xúc hơi đường đột (có thể đó là phong cách sôi nổi, sống hết mình của xứ sở) thì ước mơ nghiêm túc ấy phải đáng được trân trọng.
- Bỏ ra ngoài những lời tán tỉnh vớ vẩn thì việc đóng thuyền dong duổi trên những dòng sông ở Việt Nam là một ý tưởng tuyệt vời - Ninh nói như đọc được ý nghĩ của chồng - Một tình yêu sông nước mãnh liệt đến kỳ lạ mà vào tay các nhà báo thì có thể thành một thiên ký sự tuyệt vời.
- Đúng – Hòa nói, cố giữ giọng bao dung.
Hừng đông, cả đoàn kéo nhau về thành phố. Cũng giống như chuyến xuất phát, vợ chồng Pôn đến từ sớm, ngồi chỉnh chiện giữa xe, chỉ thiếu mỗi Pie. Đã đi nhờ xe lại trễ hẹn, Pôn bực ra mặt, bấm điện thoại liên tục. Vợ Pôn tỏ rõ thái độ “phe ta”, phiên dịch với giọng tức tối: “Lại ngoài vùng phủ sóng. Thật quá đáng”. Cuối cùng, theo hướng dẫn của Pôn, đoàn quay xe, chạy tà tà về phía con đường cụt ven biển. Rồi cũng chính Pôn là người phát hiện ra Pie đầu tiên: Ông ta đang ngồi bên một cô gái trong quán cafe. Cô gái có nước da ngăm ngăm đen, móng tay sơn đỏ choét, bắp chân cán bèo khỏe mạnh, hai bàn chân đen nhẻm, gót nứt nẻ. Họ ngồi chụm đầu trên chiếc bàn nhỏ; mắt Pie như dán vào bộ ngực quá khổ, tự do buông thả trong chiếc áo hai dây hớ hênh của cô gái. Chàng thì thầm say sưa, còn nàng tít mắt, cười nghiêng ngả. Họ quên hết mọi sự; quên cả chiếc xe của đoàn rà đến, đỗ sát bên cạnh. Pôn lao khỏi xe, như người đuổi bắt kẻ móc túi. Sau một hồi xì xồ cùng Pie, Pôn nhún vai, cổ đỏ lựng, trở về xe. Cuộc đối thoại với Pie được vợ Pôn phiên dịch, đại ý: Ông ấy không về. Sẽ ở lại để bàn bạc cùng đối tác.
Đối tác… Hì, hì… Gần như cánh nhà báo hiểu hết. Chỉ có Ninh là không hiểu và chẳng để tâm. Nàng còn đang chăm chú, say sưa ngắm nhìn những con sóng bạc đầu, gối nhau ào ạt trào lên bờ cát. Nhưng Hòa thì hiểu. Pie đã tìm được đối tác đầu tư - là cái cô gái có gót chân nứt nẻ kia - họ vừa chụm đầu vào nhau để bàn chuyện thực hiện ước mơ thiêng liêng, đóng thuyền dong duổi trên những dòng sông quê hương…
Xe chuyển bánh. Cánh nhà báo lại đấu hót. Họ quên phứt ngay Pie, chẳng ai đưa ra một lời bình luận nào. Với họ, dào ôi… đó chỉ là chuyện mây bay, gió thoảng trong bức tranh đời sống muôn hình, muôn sắc thôi mà.
Nhưng riêng Ninh thì khác. Bầu trời xanh trong ánh mắt của cô đang có một đám mây đen nặng nề trôi.
Mũi Né Phan Thiết - Tháng 4.2016
A.B.M
TRỞ VỀ
Như mọi lần, chuyến đi thật gọn nhẹ, không ai phải chờ ai và không khí thì cũng vậy, phút ban đầu hơi có phần trang nghiêm.
Lịch trình đã được vạch sẵn từ nửa năm. Đơn giản và tất cả đã thuộc lòng. Nhưng, cũng như các lần trước, khi chiếc xe ra khỏi ngõ, bon bon trên đường lớn thì Đoàn hội trưởng bắt đầu “xin có có vài nhời ngắn gọn”.
- Thôi, bây giờ báo cáo các đồng chí thế này: Năm nay, như đã bàn bạc và thống nhất, chúng ta sẽ đi tham quan hồ Núi Cốc. Trên đường đi, xe sẽ rẽ vào Thượng Du thăm đồng chí Vĩnh. Đồng chí Vĩnh bị xuất huyết não, nằm một chỗ đã hơn ba tháng nay rồi. Ngoài kinh phí huy động cho chuyến đi thì chúng ta cũng có một chút quà, quy thành tiền. Một số tiền tàm tạm để góp cho đồng chí Vĩnh điều trị. Vậy đó. Xin báo cáo các đồng chí, hết.
Trong hội, Đoàn là người lớn tuổi nhất và cũng là người duy nhất trong đơn vị lúc nhập ngũ đã có vợ. Những lần tụ họp, sinh hoạt chính thức như thế này, bao giờ Đoàn cũng là người mở đầu với câu truyền thống “báo cáo các đồng chí”. Quen rồi, bỏ đi thấy nó ngượng ngập sao đó. Và cũng từ thói quen tự nhiên hình thành lâu đời trong quân ngũ, lúc ấy khi anh “báo cáo” là tất cả đều im lặng, chăm chú lắng nghe, dù thừa biết nội dung chẳng có gì mới.
Rồi lại cũng như mọi lần, sau cái phút trang nghiêm “đồng chí, đồng bào” là mày mày, tao tao, chuyện nở như pháo tết.
*
* *
Họ gồm 12 cựu chiến binh, vốn cùng ở một đơn vị, sau hòa bình sống quanh quẩn ở Hà Nội. Thỉnh thoảng họ cũng gặp nhau, nhưng là nhỏ lẻ, riêng biệt chứ “tổng thể” như thế này thì một năm chỉ một lần. Riêng với đồng đội ở các tỉnh khác thì thưa thớt hơn. Có dịp về Hà Nội mới gặp, nhưng cũng là tiện đâu ráp đấy… Vì vậy, mỗi năm vào dịp chiến thắng 30-4, nhóm cựu chiến binh đồng hương Hà Nội lại sắp xếp một lịch trình nghỉ mát, tham quan một danh thắng nào đó. Trên lộ trình, tiện đường đi họ nhân thể ghé thăm một chiến hữu xưa. Năm ngoái là đi Việt Trì, thăm thằng Đông; năm kia là ra Quảng Ninh và thăm lão Tân; năm kia nữa là xuống Hải Hậu và thăm cha Lẫm… Cứ thế, hơn hai mươi năm lập hội cựu chiến binh tháng 9.65 Hà Nội, họ đã đi thăm lần lượt được gần hết đồng đội ở các tỉnh.
Cũng như mọi lần, sau phần khai mạc, coi như hết nhiệm vụ, Đoàn ngồi im. Mặt vẫn còn dư âm trang trọng của phút “báo cáo các đồng chí”, nhưng con mắt thì đã nheo nheo thích thú, nghe chuyện và cười góp. Khơi mào và “quản ca” suốt cuộc hành trình vẫn lại là Thành sáo. Thành nhớ mọi chuyện, lại có khiếu pha trò; U60 rồi mà giọng vẫn vang vang như nói từ trong chum, làm mọi người cười tới nghẹn thở, ho sặc sụa.
- Các bố có nhớ năm hai ngàn lẻ ba chúng mình về thăm thằng Tắc không. Bố Trần lẩn thẩn nhớ nhầm, lại cứ hỏi con gái ông học năm thứ mấy rồi. Khốn nạn, thằng Tắc làm gì có con gái. Nó đã chối, còn tôi thì cũng đã nháy mắt, ra hiệu liên tục; vậy mà bố Trần lại cứ đoan chắc “hai năm trước, ông dẫn cháu lên nhà tôi, giới thiệu hẳn hoi”.
- Khổ lắm, nhớ nhầm thằng Đính. Thằng Đính mang con gái lên Hà Nội trọ học ở nhà tôi - Trần cười ngây ngô, hối lỗi.
- Thế mới thành chuyện - Thành tiếp - Về sau, lúc tụi mình rút đi rồi, lão Tắc bị một trận tơi bời khói lửa, tưởng đứt gánh. Chả là vợ lão đổ tội cho lão có bồ nhí, đem lên Hà Nội giới thiệu với bạn bè. Hớ… hớ… Tiếng cười của Thành bắt nhịp. Cả xe cười vang.
- Bởi vậy “con” xin các bố - Thành nén cơn cười, tiếp - Các bố đều già hết cả rồi. Đi đâu giữ mồm, giữ miệng, đừng có nhớ nhầm gà thành cuốc mà khốn.
Cười thì cười, nhưng phải công nhận cha Thành nói đúng. Mấy bố già là chúa le te; cậy ta đây có tuổi, hơi một tỵ là tinh tướng. Lỡ miệng, gây họa, khiến đồng đội xẻ đàn tan nghé như chơi.
Chuyện được nửa cuộc, đã thấy những ngọn đồi nhấp nhô, xa xa mờ mờ bóng núi. Con đường trầm bổng, êm như lụa băng qua những vạt ruộng, vườn đồi. Màu xanh bồng bềnh của cây lá và màu vàng chanh lung linh của nắng quện với làn gió dịu dàng đưa hương lúa đang thì làm đòng thoang thoảng, ngây ngây dịu ngọt.
- Đây… tới rồi - Đoàn lên tiếng. Chờ cho ôtô dừng hẳn, anh quay xuống phía sau xe, tiếp - Bây giờ theo kế hoạch, ta ghé thăm gia đình đồng chí Vĩnh nửa tiếng.
Cả đoàn dong duổi nối đuôi nhau trên con đường đất băng qua mấy thửa ruộng lớn. “Đường này chắc mới đắp; xe máy đi ngon lành rồi - Đoàn vừa đi vừa nói như giới thiệu - Đây, bắt đầu từ đây, vòng hết quả đồi này, sang hai quả đồi phía đằng kia là đất nhận khoán của gia đình đồng chí Vĩnh. Ờ, bạch đàn khá rồi, sắp khai thác được rồi”. Đang chậm rãi ngắm nghía, bỗng Đoàn giật giọng, hoảng hốt:
- Khoan. Thôi chết rồi! Ông Thành… Ông Thành chạy vào xem sao.
Gần như cùng một lúc, sau tiếng kêu của Đoàn, mọi người đều nhận ra thấp thoáng trong sân nhà phía lưng đồi, có mấy cái bóng chít khắn trắng. Không có lẽ… Rồi lao xao người phía trong nhà chạy ra. Có tiếng ai đó kêu hời, thất thanh: “Ối em ơi, chú Vĩnh ơi, các đồng chí của em về đây rồi”. Vậy là đã rõ. Vĩnh chết rồi. Rất nhanh, không đợi ai phân công, Thành quay ngược ra phía đường lớn. Anh chạy đi mua hương, nến.
Đoàn cựu chiến binh và tang gia tụ tập thì thầm ngoài sân. Trong nhà thày cúng đang làm lễ gọi hồn. Hai anh con trai của Vĩnh đang quỳ trước bàn thờ xì xụp vái theo gõ lanh canh. Trời, thì ra hôm nay là đám giỗ một trăm ngày của Vĩnh. Qua ngần ấy thời gian, không khí tang tóc đã nguôi ngoai chút ít, nay bỗng rộ lên. Cả nhà ai cũng ngạc nhiên “Các bác không biết tin, mà sao lại về được đúng ngày này”. Phía đầu hồi, chị của Vĩnh vẫn không thôi tẫm tức: “Em ơi, em về đi. Các đồng chí của em lên thăm đây này”. Người em trai của Vĩnh, chạc hơn 50 tuổi, dáng rắn rỏi, chậm rãi, trang nghiêm kể đầu đuôi: Chú nó mất cũng nhẹ nhàng lắm. Thế còn vết thương? Dạ, thì thỉnh thoảng nó cũng hành chú ấy. Chính hôm ngã là hôm gió mùa đông bắc. Chú ấy mang quắm đi sửa tán bạch đàn, rồi bị… Sau đợt ngã, chú ấy nằm nhà được hai tháng, vẫn tỉnh táo, rồi đi. Gia đình cũng biết chú ấy có bạn bè cùng đơn vị chiến đấu ở Hà Nội, nhưng không có địa chỉ, nên không sao báo được cho ai. Thôi thì cũng mong các bác thông cảm.
Rồi câu chuyện chuyển sang lý do của lễ cầu hồn.
Chả là cách đây ba ngày, chú Vĩnh hai lần về báo mộng cho thằng cháu đích tôn. Chú ấy dặn: Giỗ một trăm ngày đừng làm to, chú ấy không về đâu. Chú ấy bảo, còn đi chơi ở Thanh Hóa; lại nói rõ cả tên xã, tên huyện. Nhà này thì không có họ hàng gì ở trong đấy mà lúc còn sống, cũng chả bao giờ thấy chú ấy nhắc đến Thành Hóa. Các bác bảo trẻ con mới tám chín tuổi, làm sao nó tự nghĩ ra được. Vì thế, hôm nay gia đình tổ chức gọi hồn. Ông bác làm lễ trong kia cũng là đảng viên. Xã không có ai biết cúng, nên nhờ bác ấy cúng hộ…
Quà thăm hỏi được chuyển thành đồ phúng điếu. Hai cái nến, chục thẻ hương, một chiếc phong bì kín đáo và bó hoa mua hái vội bên triền đồi (không hiểu ai mà sáng kiến và chu đáo thế). Tất cả được xếp lạnh lẽo, thê lương trong chiếc khay nhựa đặt trên chiếc bàn nhỏ. Trước khi dâng lên bàn thờ, cả nhóm cùng với gia đình ra viếng mộ Vĩnh. Vẫn người em của Vĩnh tiếp chuyện và hướng dẫn. Chỉ con đường đất khá to dẫn ra mộ, anh cho biết:
- Đây, con đường này chú Vĩnh cũng nhắc đến. Chú bảo, không cần đắp to làm gì. Có đắp, chú cũng chưa về.
Mộ Vĩnh nằm trên lưng chừng quả đồi nhận khoán cạnh nhà. Hoa sim tim tím, hoa mua hồng hồng nở rộ hai bên đường và quanh mộ. Vẫn người chị của Vĩnh rỉ rả: Em ơi. Em chết thiêng hãy về đây đón các đồng đội của em đi…
Xong phần mặc niệm ngoài mộ, nhóm cựu chiến binh dâng ở lễ bàn thờ. Cộng hòa xã hội… Lũng Ho thôn, Thượng Du xã… Hôm nay… đồng chí Vĩnh ơi hãy trở về. Đồng đội của đồng chí đang lên thăm. Ông “thày cúng” nghiệp dư đội một chiếc mũ biên phòng, hai tai mũ gài lên chóp đầu nghiêm chỉnh. Tay cầm đôi đũa, ông gõ nhè nhẹ vào cái bát (thay cho chuông) điểm nhịp lời khấn có phần ngượng ngập. Đã ba lần gieo, đồng tiền năm nghìn đều rơi vào quẻ cấn thuộc thổ và quẻ đoài thuộc kim. Không ứng nghiệm. Cố tỏ ra chuyên tâm với công việc, nhưng xem ra “ông bác” có vẻ ngượng với khách. Tiếng ông nhỏ nhẹ gọi “đồng chí Vĩnh” nghe giông giống như lời phát biểu trong phiên họp chi bộ hơn là buổi lễ gọi hồn.
*
* *
Sau cái phút chia tay bịn rịn, chèo kéo, dùng giằng giữa chủ khách, “để anh em còn phải đi tiếp theo kế hoạch”; nhóm cựu chiến binh không ai nói với nhau một lời nào, lầm lũi trở ra xe. Nhưng khi vừa yên vị thì trận ồn ào, vốn bị ghìm nén hơn một giờ đồng hồ bởi không khí trang nghiêm, tang tóc lập tức dội lên. Mọi người như tranh nhau nói. Ai nấy như ngã ngửa: Chết cha, cái tên thôn, tên xã ở Thanh Hóa mà bố Vĩnh về báo mộng cho thằng cháu chính là nơi đơn vị tập kết trước khi vào Nam. Thế ra lão Vĩnh có ai trong đó. Ai gì. Chắc có con ở đấy rồi…
Rồi cả xe nhao nhao hồi tưởng về một sự kiện mà gần như họ đã quên phứt trong nhiều năm qua. Họ là lính kỹ thuật thông tin tăng cường cho mặt trận. Lính “mì chính cánh” được biên chế cho những đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên. Toàn những thằng đã tốt nghiệp phổ thông, học thêm 6 tháng nghiệp vụ. Anh nào anh nấy đẹp trai, đọc thông viết thạo, lại đàn hay, hát giỏi; tán dẻo ngọt như mạch nha, bảo sao con gái không mê. Nhưng tay Vĩnh này it nói, ngại giao tiếp, có em nào mê nhỉ. Ấy, cái anh tẩm ngẩm tầm ngầm thế con gái mới chết. Chứ mấy cha bẻm mép thì gái chỉ thích chứ không đặt niềm tin vào đấy được. Nhưng mà vào lúc nào? Các buổi tối đều thấy bố Vĩnh ngồi nhà cơ mà. Gớm, bây giờ mà sao lại có người còn ngây thơ thế. Đã phải lòng nhau thì người ta chỉ cần năm mười phút, nửa tiếng là đủ sâu đậm...
- Này. Bây giờ khớp lại thì chắc là tay Vĩnh có vấn đề thật các ông ạ - Cuối cùng Đoàn lên tiếng, chấm dứt mọi tranh cãi, thắc mắc - Tình sâu, nghĩa nặng cỡ nào thì không biết, nhưng dứt khoát là phải có ai đó.
Rồi Đoàn kể: Dạo ấy, trước khi lên đường đơn vị đóng lại xã Đ gần 3 tháng. Đó là ba tháng khiến cán bộ khung lo ngay ngáy, ăn không ngon, ngủ không yên vì các tướng tán gái như điên. Để đề phòng xảy ra chuyện nọ chuyện kia, đến giờ tắt đèn đi ngủ, các cán bộ từ trung đội trở lên đều phải kiểm tra, đi vén màn, sờ chân từng người. Riêng Vĩnh thì khỏi. Đúng là tất cả các buổi tối anh đều có nhà thật. Nhưng… Thực ra thì có lúc Đoàn đã sinh nghi. Ấy là sự trùng hợp từ ba bốn lần gì đấy, khi Đoàn từ chỗ họp cán bộ khung về thì đồng thời cũng gặp Vĩnh cũng vừa đi đâu đó. Và (đặc biệt, hầu như lần nào cũng thế) trước đấy vài phút có một cô gái lách ra từ sau chùa gần lán trung đội, men sát hàng rào đi ngược chiều với Đoàn. Nhưng Đoàn lại nghĩ, lão Vĩnh thật thà, ù lỳ chăm chỉ cần mẫn thì chẳng có chuyện gì đáng ngại. Hóa ra (có thể) Vĩnh đã tranh thủ cái khoảng thời gian nhá nhem, sau giờ cơm chiều và trước lúc sinh hoạt buổi tối… Đoàn vốn hiền như bụt. Anh thú thật, trách nhiệm thì phải làm, thỉnh thoảng bắt được ai đó giắt màn, độn chăn hình người lỏn đi chơi khuya, anh cũng chỉ lầm bầm “các cậu chỉ làm khổ tớ”; rồi hôm sau giao cũng cho qua, chẳng báo cáo, báo mèo làm gì…
Rồi những chuyện đó cũng lào xào trôi khi cả đoàn náo nức nhận lệnh lên đường. Tất cả đều trở thành nhỏ nhoi dễ được tha thứ trước trận mạc đầy rẫy chết chóc; một chút vô kỷ luật, một chút mạnh bạo liều lĩnh đã trở thành kỷ niệm, trở thành một món quà thi vị, phảng phất lẫn lộn cùng sự chết chóc, đói ăn, sốt rét của những người lính trẻ.
- Nhưng kể ra lão ấy cũng thiêng thật. Đúng một trăm ngày, run rủi sao mà chúng mình lại lên thăm động viên gia đình. Tiếng ai đó cảm thán.
- Còn lão thì đi chơi. Một người đế vào cho trọn câu.
- Sang năm, phải đến nhà thằng Sánh các ông ạ - Cuối cùng Thành sáo lên tiếng, phá tan phút yên lặng vừa ập xuống bất thường - Các ông nhớ thằng Sánh không?
Ừ, phải rồi, thằng Sánh. Thằng ấy ai mà quên được. Thằng Sánh bị thương ở Đắc Pét đưa về trạm phẫu Đắc Kro cách hai chục cây số. Hai người cáng nó, chết. Thay hai người khác cáng nó cũng chết nốt. Bây giờ nó ở tít Sơn La, năm nào cũng nhắn tin vật nài mời anh em mà không được.
- Các ông xem thế này có được không - Một người đề xuất - Sang năm ta kéo nhau đi Điện Biên, nhân thể lên thăm nó.
- Không nhanh khéo lại chết bố nó rồi - Có tiếng hưởng ứng.
- Không. Thằng ấy cao số lắm. Chết thế chó nào được - tiếng một người khác, giọng chắc nịch.
Rồi cả xe im lặng. Mệt và mỗi người đang mải theo đuổi một ý nghĩ. Ngoài cánh đồng, gió thoang đãng thổi, những ngọn đồi lúp súp gối nhau làm nền cho bầu trời xanh cao, lồng lộng, mênh mang và buồn.
A.B.M
BẾN ĐỢI
Họ gặp nhau trong căn nhà “đồng nghiệp hưu trí” nằm cuối con hẻm nhỏ. Ông đến trước, lóng ngóng bấm điện thoại. Bà đến sau, thoáng một chút lạc lõng và ngơ ngác. Rồi họ tay nắm tay, líu ríu chào hỏi, vồn vã mất vài phút mới nhớ đến chuyện phân ngôi chủ khách. Thì cũng là giới thiệu cho phải phép chứ trước đó, chúng tôi đã nghe ông kể vắn tắt về bà.
- Đây! Các ông có tin được không? Đây là cái bắt tay duy nhất mà tôi từng ao ước hơn ba chục năm trước - Người đàn ông cười sảng khoái, nhấn mạnh từng lời. Rồi ông kể về cái thời lãng mạn của tuổi trẻ, chân ướt chân ráo lên cứ.
Năm đó, một chín bảy mốt. Họ trẻ măng. Chàng hai mươi tuổi, là thành viên của bản tin phong trào thanh niên sinh viên Sài Gòn. Cách mạng đang lớn mạnh, cũng đang cần có báo chí, là đại học văn khoa năm thứ hai, chang được bí mật tuyển chọn. Nàng, mười chín. Đậu tú tài, năm ngoái theo anh Hai lên cứ làm đánh máy, kiêm giao liên nội bộ. Là lính cựu, nàng có nhiệm vụ tiếp nhận chàng, hướng dẫn vài “quy định sơ lược”, chờ ngày đưa chàng sang sông, đến cơ quan tuyên huấn R.
- Trước khi đi, chúng tôi đã sống bên nhau ba đêm hai ngày. Chính xác là hai ngày rưỡi, đúng không bà - Ông cười và hóm hỉnh cải chính - Nói thế cho tình tứ, chứ thực ra là ở hai lán khác nhau và cũng không phải chỉ có một mình.
Chưa một lần ở rừng, chiến khu càng không. Tất cả chỉ biết qua chuyện kể của bè bạn, bây giờ mục kích, mọi thứ đều khiến chàng trai lạ lẫm, thích thú. Nhưng bất ngờ và ngạc nhiên hơn cả chính là phút gặp Thủy.
- Là người đàn bà này đây. Bây giờ trông rày, nhưng ngày xưa, các ông có tin không. Tôi đã ngỡ ngàng tới mức gần như cấm khẩu. Trời! Ở cái nơi rừng thiêng nước độc, sống chết liền kề sao lại có một cô gái xinh đến thế. Ngày đó thế nào nhỉ - Ông ngừng vài giây nhìn bà tìm đồng minh và tìm cách diễn đạt. Nhưng bà chỉ ngồi im, lắc đầu nhè nhẹ, nheo mắt, chớp chớp cười.
- Hôm đó thế nào nhỉ. Phải rồi, Bà mặc áo bà ba này, dáng thanh thanh, đôi vai gầy mềm mại khoác khẩu AK... Tóc ngang vai, mặt tròn, mắt huyền trong veo tuyệt đẹp (thì bây giờ vẫn còn nét đẹp - tôi thầm xác nhận); nào có thua nữ sinh Sài Gòn. Và thế này nữa. Lúc đó tôi cứ vẩn vơ với ý nghĩ, sao cái áo bà ba đẹp thếm đã từng nhìn bao lần mà cho đến tận bây giờ mình mới nhận ra là nó đẹp. Các ông biết không, khi ấy tôi còn nguyên máu anh sinh viên văn khoa mơ mộng. Kể từ khi gặp Thủy, mọi thứ đều được thi vị hóa: mùi sắn nướng thơm nồng, cái con đường nhỏ thấp thoáng trong rừng lồ ô, những cánh hoa dại đơn côi, le lói.., tất cả đều trở nên lung linh, huyền ảo.
- Nhưng các ông có tin được không? Cái này mới quan trọng: chính cô Thủy đây đã cho tôi cảm hứng với hẹn ước ngày đầu là sẽ đi trọn cuộc kháng chiến. Dù chẳng hề biết cuộc đi này bao giờ đến đích... Thế đấy! Cái nguyên cớ của một sự thiêng liêng đôi khi lại chỉ bắt đầu từ một suy nghĩ nhỏ nhoi, một ánh chớp ngẫu hứng thôi các ông ạ.
Một khoảng lặng bất chợt, tất cả như chìm vào suy tư triết lý.
Bà ngồi yên, cười. Thỉnh thoảng khẽ bĩu môi, gật gật đầu vừa như bao dung vừa như khuyến khích, mặc cho ông hứng chí với cái câu chuyện có phần bốc đồng. Chúng tôi ngồi nghe. Và chẳng cần ông phải luôn miệng hỏi “có tin không” - chúng tôi tin. Cũng toàn dân R, dân K, dân B ngắn, B dài cả, nên đều đã từng có những cảm xúc tuổi trẻ buổi đầu theo cách mạng.
… Rồi, sáng ngày thứ ba, họ lên đường. Cánh rừng bừng lên trong nắng xuân. Những chổi non đỏ tía đọng sương, lóng lánh như saphia. Hoa điểm xuyết trên ba tầng cây, hoa từng chùm rủ trên dây leo, hoa từng đóa to trong vòm lá chót vót, hoa dại mọc lấm tấm sát mặt đất qunh lối mòn. Tất cả như hòa quyện vào không gian sắc hương lung linh, ngan ngát; lúc quấn quýt, lúc phảng phất dặt dìu... Mỗi người một chiếc xe đạp, nàng trước, chàng sau, leng keng theo lối mòn dẫn ra bờ sông. Bóng nắng xuyên qua kẽ lá, loang loáng in những bông hoa chấp chới trên mũ tai bèo, trên đôi vai thanh tú… Con đường gồ ghề không làm chàng bận tâm bởi những ý nghĩ cứ dai dẳng bám lấy chàng. Sao mình không một lần được nắm tay Thủy. Hôm kia, hôm qua rồi bây giờ, ngay đằng trước kia thôi; chiếc quai súng chéo ngang lưng và vòng eo thon thả, bồng bềnh sao thân thương đến lạ lùng. Nhưng cái gì đã khiến anh lưỡng lự đến mức nhút nhát. Sự thánh thiện phảng phất nét nghiêm khắc chăng. Sự tươi vui thân tình khiến cho động thái bạo dạn dễ trở thành thô thiển chăng? Mặc kệ. Nhất định phút nghỉ giải lao, mình sẽ nắm tay nàng. Chàng quả quyết nghĩ.
Người ta bảo, con gái đẹp có cả mắt ở sau gáy thật chẳng ngoa. Chừng non nửa cây số, linh cảm cái lưng của mình gai gai, không được tự do, Thủy bỗng dừng lại, nói: “Đến đây, đường độc đạo, anh chạy trước đi”. “Trời! bộ tôi là tù binh sao”. Chàng hóm hỉnh “kháng cự” khiến nàng không nhịn được cười. Tiếng cười trong như pha lê…
Nơi chia tay là một bến nước trong veo, nép dưới tàn cây sum suê bên bờ sông Vàm Cỏ. Đây là chỗ hẹn của những người từ thành ra chờ ghe qua sông và cán bộ từ Cứ về bí mật trở lại nội đô hoạt động. Cái bến nước thâm nghiêm đầy bí ẩn, nhưng lại thanh bình yên ả đến lạ kỳ với những hòn đá đen bóng như đàn trâu đằm, nằm xếp lớp từ bờ đất ra tận chỗ đậu thuyền. Gió mơn man reo vui mát rượi, đẩy đốm nắng dưới bóng lá lung linh, in xuống đáy sông những cánh hoa vàng sóng sánh... Cái bến nước mà người con trai nổi hứng văn chương reo to “bến đợi, bến đợi” ấy, mãi đến phút chót chàng vẫn chưa nắm được tay nàng.
- Thôi… Giờ thì còn gì mà kể. Lão rồi - Bà cười khỏa lấp.
Dường như sự nhắc nhở đã đưa hai người trở về với thực tại. Chuyện lập tức lắng xuống, dành cho vấn đáp riêng tư. “Vâng… Bây giờ vẫn vậy - Thằng cháu nội lên ba rồi. Hồi đầu năm nay, bố nó ra Bình Thuận quy tập được ông nội về nghĩa trang thành phố - Dào ôi! Có gì mà không sống được, ăn là bao…”.
- À, cũng đầu năm nay họ tính chuyện phục hồi đảng cho tôi - Bà hạ giọng. Trầm. Buồn.
- Thì cũng là cái chuyện ấy đấy - Ông quay sang chúng tôi nói to, có ý nhắc.
Phải rồi. Chuyện ấy đã nghe khi nãy: Giải phóng, bà về làm trưởng phòng tổ chức một công ty lớn ở thành phố. Là đơn vị đầu tiên “vượt trùng dương” thời đổi mới, công ty nổi như cồn. Nhưng đó là cái phần nổi mỹ miều thơ thới trên mặt boong, còn phần chìm là một hầm tàu đen thui, nặng chịch chứa chất những gian dối lời giả, lỗ thật cùng tay giám đốc được hưởng nhiều ưu đãi của thời kỳ thí điểm đã mặc sức vơ vét cho túi riêng... khiến nó không thể ra khơi. Bà viết đơn tố cáo tham nhũng. Nhưng chim chích mổ bồ nông, giám đốc được đề bạt; bà bị khai trừ đảng vì vi phạm những điều không được làm, đành xin về hưu non. Nhưng rồi trời có mắt. Năm ngoái tay giám đốc bị ra tòa. Mười năm tù, không kể tội cũ “bất hồi tố”.
- Thôi… cái gì qua rồi, cho qua luôn - Bà nói, giọng đượm buồn, nhưng rắn rỏi. Không rõ bà bảo cho qua cha giám đốc tham nhũng, hay cho qua việc phục hồi Đảng.
Chuyện trở lại rôm rả khi họ hẹn nhau quyết trở lại bến nước - Mới tập họp được ba ông cũng dân R muốn hành hương - Đã kiếm được xe bảy chỗ - Chạy ba tiếng đồng hồ là đến nơi (cho bõ cái dạo phải mất hai ngày, qua bốn chặng giao liên) - Ý, quên (bà nhắc ông), nhớ đem theo thằng cháu nội, chụp hình cho vui…
Rồi họ cùng cười. Và con tim đã vui trở lại. Trong ánh mắt của người đàn bà như có một bến đợi trong veo, sóng sánh nắng vàng...
A.B.M
Viết, tháng 4.2014
Sửa lại tháng 8.2016