Đỗ Thị Hiền Hòa
KHI THỜI GIAN TRÔI QUA
Hai bà già lục tuần đang ôn lại chút kỷ niệm trong quá khứ thì từ ngoài cổng chiếc xe con màu đen sang trọng từ từ tiến vào. Mây bảo Suối:
- Con gái tao về đấy! Hôm nay tao bảo nhà có khách nên nó mới về sớm thế này. Đố mày biết nó là con Cua hay con Cáy ngày xưa đấy?
Một phụ nữ dáng cao, khuôn mặt rạng rỡ, mái tóc nhuộm vàng hoe cắt ngắn ngang vai, trong bộ trang phục bắt mắt. Chiếc áo khoác màu huyết dụ dài quá mông, nhưng vẫn không phủ kín, (hay cố tình chìa ra) đoạn váy kẻ ngang đan màu xanh trắng, ôm khít hai đùi. Bên trong, cái quần tất màu đen, bó sát, khiến cho đôi chân như dài hơn, thanh mảnh hơn, diệu nghệ hơn trên đôi giày da, gót cao 9 phân màu huyết dụ giống màu áo khoác. Vừa xuống khỏi xe cô đã phải trả lời một cú điện thoại nào đó, chiếc điện thoại to như cuốn sổ con, không cần gí sát vào tai mà vẫn nghe và nói chuyện bình thường: A lô! anh à? em về nhà có chút việc, cứ yên tâm đi, em thu xếp xong xuôi hết rồi...
Cua hay Cáy ư? Mấy chục năm rồi, Suối chỉ biết hai con gái Mây lúc chúng còn thò lò mũi, giờ Mây đố, có tài thánh Suối cũng không nhớ được. Suối bảo:
- Cua hay Cáy thì cũng là con mày cả. Mừng cho mày vì nó xinh đẹp hơn mày ngày xưa, lại còn biết lái ô tô nữa. Mới có hơn ba mươi năm mà thế hệ chúng nó hơn chúng mình nhiều quá.
- Công việc nó đòi hỏi mày ạ. Chúng nó phải biết lái xe, phải biết tiếng Anh, phải thạo vi tính, in tơ nét gì gì đó thì mới kiếm được việc làm ngon, nếu không biết gì thì khó xin việc lắm, mà có xin được cũng lại là cái chân sai vặt chẳng khác gì tao với mày ngày xưa. Cách đây bốn chục năm, Mây được coi là đứa sống thực dụng. Đang làm văn thư đánh máy, Mây xin kỳ được xuống bán căng tin. Căng tin nghĩa là được trực tiếp đến các cửa hàng lớn nhận hàng về rồi phân phối lại cho cán bộ công nhiên viên theo tiêu chuẩn. Cái gì cũng phải phiếu vé, từ vài lạng đường đến vài mét vải, mấy con dao lam, mấy bánh xà phòng... ôi giời, chia chia chác chác, chóng cả mặt. Vậy mà Mây thích làm việc đó. Những ô phiếu lẻ của đường, thịt, vải, đậu, cá, dầu, mắm... thứ gì mà chả có lẻ, nhiều người ngại không lấy, vui lòng dồn cả cho Mây. Nhiều cái lẻ cộng lại thành cái chẵn, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái lớn. Chỉ khoảng nửa năm làm căng tin Mây đã thành người “có máu mặt”. Những bộ cánh mới liên tục được thay đổi. Chiếc xe phượng hoàng màu cánh chả vẫn mới coong được thay bằng chiếc favorits màu xanh lá. Trong phòng ở của Mây đã có chiếc tủ lệch 3 buồng (một ngăn cao, hai ngăn thấp hơn) là một loại tủ sang trọng nhất thời đó. Cái đáng nói nhất là Mây trở thành nhân vật quan trọng, người này nhờ cậy, người kia trông đợi. Niềm trông đợi gởi gắm vào những thứ chẳng có gì to tát, thường là một mét vải sa tanh, hay nửa bánh xà phòng 72% hôi xì. Nhưng mà người ta vẫn phải mong đợi sự giỏi giang, khéo léo và nhiệt tình của Mây. Cô chịu khó nghe ngóng, nắm bắt thời cơ, cốt sao mua được những hàng hóa tốt nhất cho cơ quan. Ai cần gì cô sẵn sàng giúp, và khéo léo gợi ý để người ta bỏ đi những cái lẻ, cái thừa. Rồi đùng một cái mọi người rất ngỡ ngàng khi Mây đưa thiếp mời dự cưới. Chồng của Mây là ông Triết, trưởng phòng vật tư. Nhận tờ thiếp mời in đơn sơ, mộc mạc, Suối không dám tin vào mắt mình. Ông Triết đã ngoài 50 tuổi, sắp sửa về hưu, quê mãi Thanh Hóa xa xôi. Ngoài 50 tuổi thì chắc phải vợ con đề huề rồi chứ? Sao bây giờ mới cưới vợ thế này? Nhìn vào lý lịch thì ông ta chưa hề có vợ. Còn về tuổi tác có hơi cao, gấp đôi tuổi Mây, nhưng vẫn là trai tân, dù sức khỏe có hạn chế, mùa đông cũng như mùa hè, ông ta luôn ho khù khụ. Người ta bảo ông bị viêm phế quản mãn tính, chữa cũng không khỏi. Đã vậy, dáng ông đi luôn khòng khòng, như người phải vác nặng trên lưng. Còn Mây 26 tuổi xuân, da thịt tươi thắm, mắt phượng mày ngài, sao Mây lại chọn vị hôn phu gần như dị dạng ấy. Nếu là tình yêu thì chẳng nói làm gì, đằng này... đùng một cái là cưới, chắc có uẩn khúc gì đó. Suối thắc mắc mãi nhưng Mây không giải thích. Cô bảo: Mày có đến dự với tao thì đến, không thì thôi, đừng vặn vẹo gì. Tao lấy chồng hoàn toàn hợp pháp, có làm sao mà mọi người cứ làm như trời sập vậy. Sau đám cưới khoảng bảy tám tháng, Mây sinh ra một bé gái. Đến đây thì mọi người bắt đầu hiểu về cái đám cưới cộc lệch kia. Hai năm sau Mây lại sinh một bé gái nữa. Hai cô bé đều xinh tươi mũm mĩm, tên khai sinh chả biết là gì, chỉ thấy Mây gọi chúng là Cua và Cáy. Ông Triết yêu quí hai con gái như ngọc như ngà, nên không bao giờ ông đồng tình với vợ gọi con là cua là cáy mà ông gọi chúng là Ngọc, là Ngà. Lúc nào cũng “Ngọc ơi! Ngà ơi! lại đây với ba nào!”. Có điều nếu ông đưa chúng ra ngoài cơ quan thì ai cũng tưởng ông nội, hoặc ông ngoại dắt cháu chứ không phải là bố dắt con. Kệ thiên hạ, ông chẳng mấy bận tâm. Chẳng cái gì trên đời này thay thế được Ngọc, Ngà của ông.
Hồi Mây mới lấy chồng, cô cũng nghe đâu đó người ta chế diễu. Nào “trời mưa nước chảy qua sân...” nào “...như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu”. Ai hát thì cứ hát, còn Mây thì tính toán kỹ. Ông Triết tuy hơi già, nhưng ông ấy là trưởng phòng, lương cao, các tiêu chuẩn khác cũng cao, từ phiếu đường, phiếu thịt đến tiền thuốc chữa bệnh, rồi tiêu chuẩn nhà ở đều cao hơn người khác. Các con cô sinh ra có chỗ dựa chắc chắn. Bản thân cô cũng được chiều chuộng hơn, nếu lấy cái anh công nhân quèn thì phải thức khua dậy sớm, rồi hàng tháng phải tiết kiệm chi tiêu, không khéo lại cãi nhau đánh nhau vì túng tiền, vậy chả khổ hơn ư... Vậy mà những tính toán của Mây vẫn trệch ra ngoài vòng quay của số phận. Năm ấy ông Triết 55 tuổi, mà nhà máy không đi vào sản xuất, Ban kiến thiết phải giải thể. Những cán bộ, kỹ sư được điều chuyển công tác, ông Triết cũng được điều chuyển về Bộ. Ông Triết chọn cách về hưu non chứ không về Bộ. Bởi vì về Hà Nội ở một mình để lại vợ con tại đây thì... Ông đã quyết định như thế mà không bàn gì với Mây. Khi việc đã xong rồi, Mây mới biết. Nhìn tờ quyết định về hưu non của chồng, Mây uất muốn chảy máu mắt. Không thể kìm nén, Mây chùm chăn gào khóc. Vừa khóc cô vừa xỉ vả chồng. Chẳng nể ông chồng gần gấp đôi tuổi mình, cô cứ một điều đồ ngu, hai điều đồ hèn, rồi lại đồ đểu. Nghe cô vợ trẻ rủa xả như vậy ông Triết cũng uất lắm, nhưng sợ hàng xóm láng giềng đàm tiếu nên ông đóng chặt cửa, ngồi chết lặng, coi như mình không nghe tiếng. Mây uất, bảo ông là đồ ngu, đồ hèn, cũng có cái lý của cô. Đáng lẽ ông chuyển về bộ, có chỗ ở Hà Nội, lương cao, có vị thế, 5 năm nữa mới phải nghỉ hưu. Trong thời gian đó làm gì chả xoay sở đưa được vợ con về thủ đô. Giờ ông về hưu, lại là hưu non thì các con cô biết trông cậy vào đâu? Vậy chẳng là đồ đểu thì là gì. Còn ông, tuy không nói một lời, nhưng trong đầu ông cũng đầy bão tố. “Tao biết thừa, mày chỉ tham tiền, tham địa vị chứ mày cần gì tao. Nhưng tao không phải thằng ngu. Về Hà Nội cũng chỉ làm chân điếu đóm cho mấy vị chức sắc, chứ bổng lộc đâu đến lượt mình. Với lại để mày ở đây tự do thì ... còn gì là vợ, mày sẽ công khai thành vợ người khác ngay. Buồn hơn nữa là phải xa hai cô con gái Ngọc, Ngà, sao sống nổi. Từ đó gia đình Mây không còn cơm lành, canh ngọt như trước nữa. Từ ngày không chạy căng tin, Mây đã thấy đời sống eo hẹp quá rồi, nay chồng lại hưởng lương hưu non, nên gia đình thực sự túng bấn. Mây bắt đầu nhặt nhạnh, càm cắp mọi thứ có thể để biến chúng thành tiền. Từ gỗ cốp pha đến ván hòm đựng hàng, đến xi măng, gạch đá. Những thứ là gỗ thì cô thuê rẻ ông hàng xóm, cũng dạng về hưu non, lương thấp, đóng thành chạn bát (lúc đó gọi là gác măng giê), rồi đem bán. Vì không mất tiền mua gỗ, công thợ lại rẻ bằng nửa thợ ngoài, nên giá bán cũng mền hơn giá chợ. Vì vậy cứ có cái chạn nào Mây bán hét cái đó, lời lãi cũng kha khá. Còn xi măng, gạch đá thì cữ trữ đấy rồi để ý xem nhà ai sắp cơi nới hay sửa chữa, Mây liền gạ bán, giá cũng rất mềm nên người ta dễ chấp nhận. Sau một thời gian ngắn nhà máy ngừng xây dựng thì những thứ đó cũng hết, Mây lại xoay sở làm quen với mấy cửa hàng bách hóa, dược phẩm, xin những thùng đựng hàng để tiếp tục biến thành chạn bát. Rồi cô lại làm quen với xí nghiệp gỗ, vài tuần lại mua được một cỗ quan tài, gỗ đóng quan tài là loại gỗ xấu, giá rất rẻ, nếu biến thành chạn bát thì lãi gấp 5 lần. Mây vui lắm, vì không phải ai cũng tìm được mánh làm ăn tốt như thế. Nhưng ông Triết thì kịch liệt phản đối. Ông vốn là người sống chỉn chu và ngay thẳng, khó lòng chấp nhận kiểu làm ăn như Mây. Ông thà ăn ít, hoặc nhịn đói còn hơn làm ăn khuất tất. Can ngăn mấy lần không được, ông bực, cộng thêm nỗi uất ức lần trước, lần này ông to tiếng mắng vợ: “Cô là đồ vô lương tâm, vô đạo lý. Cô dám tranh cả tấm áo của người chết à. Từ nay cô mang tiền ấy đi đâu thì mang. Các con tôi không cần những đồng tiền ấy. Lương của tôi tuy thấp những vẫn cao gần gấp đôi lương của cô, các con tôi vẫn sống đàng hoàng, không cần phải lợi dụng áo quan của người chết”. Gọi là gỗ đóng áo quan nhưng vẫn là gỗ mới. Ông Triết lu loa như vậy, hàng xóm nghe tiếng, người ta lại tưởng áo quan đã chôn người rồi, hoặc biết là gỗ mới nhưng người ta vẫn liên tưởng, thấy ghê ghê, người nọ truyền người kia, nên gác măng giê của Mây không ai mua nữa. Mây giận lắm. Cô bắt đầu ôm chăn chiếu ngủ riêng để phản đối ông chồng mà cô vẫn cho là hâm hấp. Trước đó dù không yêu và có lúc rất ghét nhưng Mây vẫn dằn lòng nằm chung giường, mặc cho ông làm mọi việc theo sở thích của đàn ông, cho ông thỏa mãn, cho ông im miệng về chuyện những đứa con khó tin là của ông. Bởi vì ông đã già, lại yếu, lại bao năm không gần gũi đàn bà nên các chức năng sinh sản hầu như đã teo tóp và cạn kiệt. Tuy chưa đến mức bất lực, nhưng hiệu quả rất thấp. Dù sao hằng đêm được ôm ấp người vợ trẻ, được thỏa mãn theo kiểu riêng của mình thì ông đã thấy mãn nguyện, chẳng bận tâm đến việc bé Ngọc sinh non, 8 tháng đã ra đời, và bé Ngà tuy sinh đủ 9 tháng nhưng chẳng có nét nào giống ông. Ngay từ khi Mây sinh non bé Ngọc, nhiều tiếng xì xèo, ông đã tâm niệm một điều: “Cá vào ao ai người ấy được”. Hai cô con gái đã vào nhà ông, đã mang họ ông thì đích thị là con ông chứ là con thằng chó nào được”. Mây đã bịt được miệng ông mà còn ngăn được những ngờ vực của ông bằng cách hằng đêm ôm ấp, vuốt ve ông đúng cách một người vợ chiều chồng. Nhưng đến đận này thì cô không thể. Cô quyết ngủ riêng để ông biết thế nào là giá trị của người đàn bà trẻ. Mấy lần ông làm quen, mấy lần ông nịnh nọt, rồi van lơn, xin lỗi... nhưng Mây quyết không tha thứ. Rồi cô làm đơn xin đi lao động nước ngoài theo tiêu chuẩn công nhân mất việc. Thế là Mây đã chọn được khoảng trời tự do, không phải chạm mặt hàng ngày với ông chồng già gàn dở. Còn ông Triết, trước đây trong con mắt bạn bè ông vẫn là người thông tuệ. Ông biết cả chữ Nho, thuộc làu những chương hồi trong sách Tam quốc diễn nghĩa, rồi trong Thủy Hử, rồi rất nhiều những kiến thức khoa học khác nữa, khác hẳn với cô vợ trẻ, chỉ biết đến cá thịt, gạo mắm. Nhưng đến đận này thì có lẽ ông gàn dở thật. Đã không được nằm chung giường, ôm ấp vuốt ve thì chớ, nay cô ta đi lao động nước ngoài thì đến hình bóng cũng chả thấy đâu. Ở nước ngoài ông lạ gì, người ta sống theo kiểu thực dụng, có điều kiện là ôm nhau, là hôn nhau được ngay. Mây trẻ hơ hớ như vậy, làm sao mà thoát được. Nghĩ thế, không chỉ gàn dở mà ông gần như hóa rồ. Mọi khi hễ động vợ chồng to tiếng là ông đóng cửa lại, sợ người ta cười, nay ông chủ động mở toang cửa và nói thật to, mong cho tất cả mọi người nghe tiếng, mong cho Mây xấu hổ mà chừa, mong cho có người thông cảm, chia sẻ với ông. Những lời nói của người được mệnh danh là thông tuệ trước đây được chọn lựa kỹ để khỏi mếch lòng người đẹp thì nay trái lại ông tìm những lời xấu xa, thô tục nhất để lăng mạ người vợ trẻ. “Mày tưởng mày cao quí mĩ miều à? Nếu ông không làm phúc cưới mày thì mày chỉ là con điếm mà thôi. Mày thích đi thì đi ngay đi, cút mẹ mày đi, đừng bao giờ về cái nhà này nữa nhé”. Mây không đối lời, căm giận nén lại trong lòng, nhanh chóng làm mọi thủ tục để sớm lên máy bay. Một buổi sáng trong lúc ông chồng già chạy đâu đó, chắc ông vẫn đôn đáo muốn nhờ người can thiệp để giữ Mây ở lại, thì Mây lẳng lặng thồ hai con bằng xe đạp về quê. Cô để lại tờ giấy có mấy chữ “tôi đưa con đi gửi, chào ông”. Và Mây không trở lại căn nhà đó nữa, sáng hôm sau cô đã lên máy bay, bay sang Tiệp. Khi ông Triêt về đọc được mảnh giấy đó, ông gào lên: “Con khốn nạn. Nó đưa Ngọc, Ngà của tôi đi đâu rồi?!!”. Hàng xóm bảo: “Cô ấy đưa các cháu về bà ngoại là yên tâm quá rồi. Để chúng ở đây thì bác vất vả quá”. Cũng từ đó Suối không có điều kiện gặp lại hai cô bé xinh tươi ấy nữa.
Khi đã nằm lên cái giường rất êm của Mây, Suối mới khe khẽ hỏi:
- Này, Cua với Cáy là con của ai? Bây giờ thì mày đừng giấu tao nữa. Muốn biết để chia sẻ với bạn thôi.
- Bây giờ tao cũng chả muốn giấu nữa. Nhưng nghe rồi mày đừng buồn và đừng tức nhé
- Sao tao lại phải buồn và tức. Mừng cho mày còn chả hết nữa là…
- Cua là con của Tân, người mày yêu thiết tha ấy! Suối vùng dậy, nhảy bổ ra khỏi giường, chằm chằm nhìn Mây:
- Mày vừa nói cái gì? Mày nói điêu. Tao không tin
- Không tin nhưng đó là sự thật. Thế mà bảo không tức. Thôi, nằm xuống đây tao kể cho mà nghe. Có tức thì cứ đấm ngực mà chết. Con tao giờ đã gần bốn mươi tuổi rồi, mày còn ghen được sao? - Tao thèm gì ghen. Nhưng sao lại có chuyện trơ tráo đến thế? Hóa ra mày cướp Tân của tao ngay hồi ấy à?
- Tao cướp đâu. Chính mày bảo mày quên hắn rồi. Hai người chẳng đã không nhìn mặt nhau sao. Không phải hắn đến với tao ngay đâu, mà tới lúc tao làm căng tin, có đồng ra đồng vào hắn mới tới. Tao cũng tưởng hắn yêu mình thật nên dâng hiến cho hắn, mong một ngày hắn cưới làm vợ. Chồng kỹ sư, vợ căng tin, ổn quá còn gì. Khi tao bảo em có thai rồi thì hắn run cầm cập, hứa rằng anh sẽ thu xếp cưới, nhưng rồi hắn cứ lảng dần. Biết vậy nên tao đá hắn trước cho bõ tức. Tao bảo hắn: Nhớ cái mặt con này đấy. Tưởng đây không kiếm được bố cho con hay sao. Rồi cạch mặt hắn. Chia tay tao, hắn lại đến với con Thúy. Mày không biết chứ cái con Thúy nó âm thầm nuôi hắn mấy tháng. Nó bị thụt quĩ, bị bắt tù cũng một phần tại cái lão Tân của mày.
- Vớ vẩn. Của mày chứ sao lại của tao. Ngày ấy mà tao biết thì tao bóp cổ mày.
- Có cho ăn kẹo cũng chả dám. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, người ta có con với nhau, có gì sai trái đâu. Thôi, chuyện qua lâu rồi, thông cảm lắm mới tiết lộ bí mật đấy. Con Cua, con Cáy nó không biết gì đâu. Mày mà lộ chuyện thì mày chết với tao. Giờ là đến lượt tao bóp cổ mày đấy. Mà đời hắn cũng khổ lắm, chẳng ra gì đâu. Ngày ấy thì hào hoa, phong độ. Bây giờ trông khiếp lắm. Chạy xe ôm ở đầu cầu ấy.
- Thật thế à? Sao mày ác thế. Con gái hắn giầu có và giỏi giang thế, sao không cho hai bố con nhận nhau, để nó giúp đỡ bố nó.
- Hắn không xứng làm bố của nó, không đủ tư cách để gặp nó. Nếu hắn đàng hoàng tử tế thì tao cho con tao gọi là bố lâu rồi. Con tao là do tao và ông Triết dạy dỗ nên người. Sao lại phải gọi cái người vô lương tâm ấy bằng bố cơ chứ. Giá như ngày tao lấy ông Triết nó can một lời, hoặc đòi lại con thì đi một nhẽ, Đằng này nó vội vàng đến với con Thúy, coi như không có gì xảy ra… sao giờ dám nhận con tao.
- Này thế còn con Cáy có phải con hắn không?
- Tao đã lấy ông Triết rồi, sao lại là con hắn được. Con của chồng tao đấy.
- Nhưng mà nghe nói ông ấy già, lại hết khả năng…
- Mày nghe ai nói. Chỉ có tao mới biết ông ấy còn khả năng hay hết chứ. Rõ vớ vẩn. Thực tình ông ấy có yếu, nhưng hưng phấn lên vẫn hoạt động tốt. Con Cáy đích thực là con ông Triết. Tao không phải là đứa lăng nhăng đến nỗi lấy chồng rồi lại đi có con với người khác. Mày đừng có suy diễn mà tao sẽ giận.
- Tao tin mày. Tao thông cảm với mày. Tao cũng bái phục mày. Cuộc đời mày thế hóa ra lại thành công nhất. Bây giờ hai con mày thuộc diện giàu có trong huyện. Vậy ông Triết...
- Ông ấy ngoài tám mươi rồi, nhưng khỏe lắm. Con Ngọc, con Ngà thỉnh thoảng lại đánh ô tô đưa bố đi du lịch khắp nơi. Ông ấy bảo giận tao thật đấy, nhưng vẫn cảm ơn tao vì đã cho ông ấy hai con gái vàng. Và cũng tỉnh ra vì tao chịu khó lăn lóc và tính toán nên lúc về già cuộc sống ổn hơn. Suối nằm im như đã ngủ, nhưng thực tình bà vẫn suy ngẫm về những ngày tháng đã qua.
Đ.T.H.H