Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (C8)

Cầm Sơn

XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương 8)


     Trương Hoàng giật mình, hơi bối rối một chút khi nhận ra Nhứng nhưng rồi trấn tĩnh lại được ngay, làm như vô tình đang mải trao đổi với trưởng phòng kỹ thuật về chất lượng mấy lô rừng đoàn vừa đi kiểm tra để tránh phải nhìn thắng vào Nhứng khi bắt tay đồng thời cũng chỉ nắm tay hơi nhè nhẹ rồi rụt ngay về để tránh sự tiếp xúc. Chắc thể nào Nhứng cũng nhận ra nhưng nếu Hoàng cứ giữ thái độ lạnh lùng coi như không biết thì Nhứng sẽ phải hoang mang nghi ngại . Ở đời, thiếu gì người giống nhau, mà thời gian không gặp lại cũng đã hơn hai mươi năm, tuổi tác làm cho hình dáng thay đổi, tên cũng thay đổi, thân phận lại cách xa sẽ làm cho Nhứng tin rằng mình nhận nhầm không phải người xưa. Vậy thì cứ tự nhiên, thoái mái, đâu có chuyện gì đâu nào. Trong chính cuộc sống đích thực nhiều khi cũng phải đóng kịch, đóng kịch cho vai diễn của chính mình, điều này thì Hoàng vẫn tự nghĩ mình xứng đáng là một diễn viên siêu hạng nên xảy ra trường hợp vừa rồi cũng chỉ là chuyện nhỏ.
  Cái ngày có quan hệ với Nhứng thì ở nhà quê bố mẹ Linh đã làm lễ “ chạm ngõ” với gia đình Diệp là bạn gái cùng học lại cùng làng với Linh. Khi Nhứng thông báo có thai thì đúng vào lúc người ta thành lập một cái Liên hiệp Công nghiệp Rừng để phục vụ cho dự án xây dựng một nhà máy lớn của nước ngoài tài trợ. Linh không nói gì, cứ lẳng lặng xin vào làm việc ở Liên hiệp Công nghiệp Rừng, do mới thành lập đang cần người, vả lại thời bấy giờ cái bằng trung cấp cũng còn có giá chứ không như bây giờ nên Linh được tiếp nhận ngay chứ thực ra Linh cũng đâu có phải là “con ông cháu cha” gì. Họ phân công Linh lên mãi một Lâm trường tận một tỉnh gần biên giới phía Bắc. Cũng tốt, càng xa càng tốt, ở gần nhỡ đâu cái Nhứng nó lần mò đến thì bẽ mặt. Tên đầy đủ của Linh là Trương Hoàng Linh, với lý do cái tên Linh nghe như tên đàn bà nên Hoàng đã làm thủ tục xin cắt bỏ chữ Linh để đổi lại thành Trương Hoàng. Thế mà đã trên hai mươi năm. Khi quay lại để làm giám đốc công ty Xuân Lâm, Hoàng cũng quên béng mất có cái cuộc tình ấy ngày xưa. Ừ thì chẳng qua nó cũng chỉ là một chút chơi bời thời tuổi trẻ. Mấy lần xuống làm việc, Hưng đưa Hoàng ra nhà hàng của Nhứng Hoàng cũng vẫn làm như không quen biết, Hoàng vẫn giữ một khoảng cách tránh không nói chuyện với Nhứng thì làm sao Nhứng lại gợi chuyện với Hoàng được, dẫu có nghi nghi hoặc hoặc thì cũng chẳng thể nói ra, và việc ấy cũng đã trở thành bình thường đối với cả hai người. Chỉ sau lần sảy ra cái vụ của Hán Văn Lập làm cho Nhứng phải biết ơn Hoàng nhưng cũng là cơ hội để Nhứng đẩy mối quan hệ tiến tới gần gũi hơn và Hoàng cũng không thể tránh né mãi được. Mỗi lần nói chuyện thân mật, Nhứng cố tình khơi gợi làm như vô tình động chạm, lúc thì cái tay cái vai, có lúc Nhứng còn ấn cả bộ ngực vào sau lưng Hoàng. Những lúc như thế, Hoàng cảm giác như trong người  có ngọn  lửa bùng cháy, hình như đấy là cái giác quan thứ sáu hay cái luồng điện trường sinh học gì đó của hai người nó có bước sóng đồng điệu làm thành cơn sóng thần cộng hưởng trào dâng. Nhất là sau cái lần Hoàng chứng kiến cảnh Diệp vợ Hoàng hú hí với Chu Tài, Hoàng càng thấy có nhu cầu đụng chạm với Nhứng. Bây giờ người nào đã yên phận người ấy, cứ nói thẳng toẹt ra cho đỡ phải đóng kịch, Nhứng có giận dỗi thì cũng chẳng dám lu loa, mà dẫu có làm um lên thì ai người ta tin, chả có mảy may động được đến danh dự của ông giám đốc, chắc chắn Nhứng sẽ không dại gì mà làm như vậy. Còn con mẹ Diệp dẫu có nghe phong thanh được thì cũng là một đòn cho nó biết thế nào là lễ độ. Cũng không thể hình dung ra nó lại đốn mạt đến thế. Lần ấy  cứ nghĩ là Tổng giám đốc ưu ái, nhưng công bằng mà nói thì ông ta cũng ưu ái Hoàng thật. Lấy lý do phó Tổng giám đốc Ngô Hùng đang chỉ đạo dở dang công việc, Hoàng được thay mặt Tổng công ty vào thành phố Hồ Chí Minh dự một cuộc hội thảo cấp Quốc tế về Lâm nghiệp. Chu Tài bảo đấy cũng là một động thái để lót đường cho Hoàng thay thế Ngô Hùng sau này, cái đó  hiển nhiên Chu Tài không nói thì Hoàng cũng hiểu ra. Mọi thủ tục Văn phòng Tổng công ty đã lo đầy đủ, Hoàng chỉ việc rẽ qua Văn phòng nhận vé rồi ra sân bay. Lẽ ra máy bay cất cánh vào lúc chín giờ tối, nhưng không hiểu do trục trặc kỹ thuật thế nào mà nhà ga lại thông báo là chuyến bay phải hoãn đến bảy giờ sáng hôm sau. Họ bảo khách hàng ra cửa nhà ga sẽ có xe đưa  mọi người về nghỉ  tại khách sạn cấp ba sao Maidza bên Yên Phụ Hà Nội, phí nghỉ  khách sạn và bữa ăn sáng ngày mai họ chịu trách nhiệm chi trả khách hàng, họ còn xin lỗi  rất lịch sự. Trong số khách có vé đi chuyến bay ấy, không ít người tỏ ra khó chịu, nhưng biết làm sao được. May mà chú lái xe còn nấn ná đợi để sếp vào nhà chờ thì mới quay về, Hoàng bảo nhà mình cũng gần, thôi thì chú đưa anh về, sớm mai thầy trò lại xuống, nghỉ ở nhà nó vẫn cứ thoải mái hơn là nghỉ ở khách sạn. Hoàng bấm máy gọi Diệp nhưng không có tín hiệu liên lạc, không biết hôm nay Diệp đi đâu mà giờ này lại ở ngoài vùng phủ sóng. Về đến nhà, cổng khóa trong, chắc giờ này Diệp đã đi ngủ, những khi có Hoàng ở nhà thì Diệp thường thức khuya xem ti vi đến hết chương trình phim buổi tối  mới đi nghỉ, nhà Hoàng có hai đứa con thì một đứa đã học xong ra trường  làm việc luôn ở Hà Nội, một đứa đang học Đại học, ngày nghỉ có thêm Hoàng về còn ngày làm việc chỉ mình Diệp ở nhà. Khu phố Hoàng ở là khoảnh đất từ thời cơ quan văn phòng Liên hiệp Công nghiệp Rừng cắt ra phân cho cán bộ nên nhà nào cũng rộng rãi, còn có cả vườn tược. Hoàng cho lái xe về còn Hoàng vẫn có bộ chìa khóa tự mở cổng vào nhà. Cửa chính đóng bên trong, Hoàng vòng ra phía sau thì thấy cửa sổ phòng mở, ánh đèn ngủ trong nhà hắt ra qua lớp rèm vải nhờ nhờ sáng, đến cửa sổ, Hoàng định gọi vợ thì bỗng nghe thấy tiếng nói cười rúc rích. Hoàng đứng im lắng nghe.
- Những lần gặp gỡ anh em cứ có cảm giác như có lỗi với chị Quyên
- Lỗi lầm cái quái gì, bà ấy bây giờ chỉ quấn quýt với mấy đứa cháu nội cháu ngoại và nhòm ngó mấy đồng tiền của ông chứ có quan tâm gì đến ông nữa đâu.
  Hình như có một luồng khí bốc từ ngực lên làm căng phồng những li ti huyết quản trên não bộ, Hoàng định gạt tung tấm rèm vải xem đôi gian phu dâm phụ này chúng đang làm trò gì, nhưng rồi do bản năng kìm nén nhẫn nhịn vốn dĩ đã được rèn luyện suốt một đời công tác đã kịp ngăn Hoàng lại.
- Đúng là đàn bà khi đã mãn dục, chả còn thiết gì chuyện ấy nhưng đàn ông các anh thì vẫn còn hăng hái lắm. Mà cuối năm nay anh cũng nghỉ hưu rồi còn gì
- Nghỉ là nghỉ thế nào,còn bao nhiêu việc dang dở, anh đã đề nghị ở lại thêm một năm để giải quyết cho xong
- Thế thì nhà em cũng yên tâm, anh mà nghỉ trước lão Ngô Hùng thì rồi không biết ai sẽ là người thay thế lão ấy
- Em cứ yên tâm lớn đi, mấy tháng nữa Ngô Hùng nghỉ anh sẽ đưa chú Hoàng thay thế vào vị trí ấy. Ngoài anh ra, em cũng phải bảo chú ấy làm tốt công tác vận động hành lang nữa nghe chưa.
- Ôi,Thế thì em yêu anh quá! Hic…híc.

Hoàng khẽ quay ra, nhẹ nhàng khóa lại cổng rồi rút điện thoại gọi lái xe
- Chú Quang à, anh vừa nhận được điện thoại từ ga Hàng không thông báo chuyến bay sáng mai cất cánh vào hồi bốn giờ ba mươi phút, vậy chú quay lại đưa anh về khách sạn nghỉ cùng đoàn cho chắc chắn, sợ sớm mai lúng túng lỡ giờ bay.
   Khốn nạn thật, hóa ra là chúng nó đã hú hí với nhau từ lâu. Thôi được, đã đến cái tuổi này thì cũng chẳng còn gì nữa mà ghen. Làm um lên lộ ra xấu mặt cả lũ mà lại còn đổ vỡ hết tất cả, bao nhiêu công lao vun vén xây dựng tòa tháp công danh, thận trọng từng bước đi lời nói suốt cả cuộc đời không nhẽ chỉ vì một tí ghen tuông nhỏ nhoi ấy mà để sụp đổ. Dẫu sao thì việc này cũng còn kín chưa ai biết ngoài Hoàng ra, vậy thì hãy cứ nhắm mắt, bịt tai và phải coi như sự việc vừa rồi Hoàng chưa từng gặp. Cũng chỉ hết năm sang năm là Chu Tài nghỉ hưu, cái chân ghế của ông ta có chắc thì bậc công danh của Hoàng mới rộng rãi sáng sủa, các cụ ta xưa chả đã từng nói “ con giun nó đùn con dế, con dế nó bế con giun “ đó sao. Thôi thì nhẫn nhịn, o bế nó một chút cho êm xuôi. Sau này khi Chu Tài nghỉ rồi thì cũng coi như sòng phẳng, chẳng nợ nần ân oán nhau điều gì, ông mất của kia thì bà đã chìa của nọ ra rồi, mà lúc ấy, đối với Diệp, Hoàng còn giữ được cái thế thượng phong. Thôi, thế có khi lại tốt, chẳng nên lăn tăn làm gì. Chuyến đi này cũng là cái cớ, bây giờ phải tập trung suy nghĩ về việc tặng quà đối với từng người cho phù hợp, Chu Tài đã quá quen thuộc, khỏi lo, lão đi nước trong nước ngoài suốt nên quà đối với lão chả giá trị gì, cứ một cái phong bao vừa phải là phù hợp nhất đối với lão, Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ là người ký quyết định bổ nhiệm, về danh nghĩa ông ta là người cao nhất nhưng trong thực tế vẫn chỉ là người thừa hành vì Chu Tài lại còn là Bí thư Đảng ủy, từ trước đến giờ mình còn  chưa quan tâm đặc biệt tới ông ta, chỉ có phong bì mỗi dịp lễ tết, kỳ này xem ra cần phải có một món quà đặc biệt, các ủy viên Hội đồng Quản trị khác cũng phải có quà nhưng không quan trọng lắm, duy có tay trưởng phòng Tổ chức cũng không thể xem thường, đôi khi có nghị quyết của lãnh đạo rồi nhưng nó cứ chùng trình nêu lý do thiếu thủ tục này, thủ tục nọ đâm ra dầy dà, thậm chí nó mà không ưng bới móc cái nọ cái kia lại đâm ra hỏng việc nên cũng cần suy nghĩ xem quà tặng nó cái gì. Việc này tưởng đơn giản nhưng nó lại là việc chính của chuyến đi này, chứ còn nội dung cuộc hội thảo thì quan trọng cái nỗi gì. Hoàng nới cúc cổ áo, bảo lái xe tắt điều hòa hé mở kính để đón gió đồng hương lúa. Đường về khuya vắng vẻ, chiếc xe màu đen của Hoàng tăng ga lao vun vút trong màn đêm quánh đặc.
  Quý ba năm ấy, Tổng công ty Lô Giang có ba sự kiện quan trọng, một là Ngô Hùng đến tuổi có quyết định nghỉ hưu, hai là có thông báo của Văn phòng Chính phủ đồng ý với ý kiến đề nghị của Tổng công ty Lô Giang cho phép Tổng giám đốc Chu Tài  tiếp tục làm việc thêm một năm, ba là quyết định đề bạt Trương Hoàng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thay thế Ngô Hùng.
  Ngay từ lúc mới ngồi vào cái ghế Phó Tổng giám đốc, Chu Tài  đã có ý tạo dựng hình ảnh cho Hoàng, việc đầu tiên là Văn phòng mua và bố trí cho Hoàng một xe loại đắt tiền còn sang hơn cả xe của các ủy viên Hội đồng quản trị khác, việc tiếp theo là chuyển phần theo dõi nguyên liệu từ phó Tổng giám đốc sản xuất sang cho phó Tổng giám đốc Lâm sinh quản lý, đây là giai đoạn công nghệ có yếu tố lớn nhất của chi phí đầu vào, từ trước tới giờ không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu vị trí ấy hao hao giống như câu tục ngữ của ông bà ta xưa nói là “ chuột sa chĩnh gạo”. Tất nhiên, không thể mọi cái đều trông chờ vào Chu Tài, Hoàng cũng phải xây dựng một chiến lược củng cố và tôn vinh vị thế của mình. Đối tượng quản lý chính của Hoàng là giám đốc các công ty Lâm nghiệp và tổng kho nguyên liệu. Trong số những người này, những tay trẻ tuổi thuộc thế hệ đàn em thì không nói làm gì, có một vài tay lớn tuổi, trước đây ngang hàng nhau thậm chí về mặt bằng cán bộ đôi khi họ còn nhỉnh hơn Hoàng. Bây giờ vị thế đã khác, họ cần phải hiểu ra điều đó và phục thiện, nếu không cũng phải ấn cho đầu họ thấp xuống. Họ cần phải hiểu phó Tổng giám đốc Hoàng không giống như Ngô Hùng, không thể cứ chạy tọt lên Tổng giám đốc còn phó Tổng giám đốc phụ trách khối lại làm ngơ được. Trương Hoàng này không chỉ đã là giám đốc công ty mà còn xuất xứ từ kế toán trưởng nên mọi ngõ ngách của các công ty Lâm nghiệp Hoàng thạo như những lối mòn ngang tắt khắp các nẻo rừng. Tay Tổng kho trưởng thì không khó, một mặt nó cũng thừa hiểu việc giữ gìn quan hệ trong nhóm lợi ích là thế nào, mặt khác nó ở gần, lúc nào Hoàng cũng có thể đến kiểm tra nên nó không thể dám vượt mặt Hoàng. Trong đám  giám đốc các công ty Lâm nghiệp cần phải chọn tay sừng sỏ nhất để ra uy, khuất phục được những kẻ đàn anh thì cả bọn sẽ phải nể sợ. Điểm mặt trước tiên là tay Đức, giám đốc công ty Tứ Lâm. Từ khi Hoàng ngồi lên cái ghế phó Tổng giám đốc làm cấp trên của hắn, thái độ của hắn vẫn thấy bình thường không tỏ ra mặn mà chằm bặp xum xoe cũng không hờ hững, giống như cách hắn quan hệ với các cán bộ cấp trên khác, như vậy là không được, hắn phải hiều  Phó Tổng giám đốc phụ trách khối mới là cấp trên trực tiếp phụ trách hắn. Tay này lớn tuổi nhất, cũng trưởng thành từ kế toán trưởng công ty nên mọi việc trong công tác quản lý của hắn rất chắc chắn. Dù chắc chắn đến mấy thì trong thời buổi này cũng tránh sao được những kẽ hở. Có điều những chỗ hắn hở sườn thì Hoàng cũng hở như hắn khi còn làm giám đốc công ty nên không thể và không dám chọc ngoáy, không chỉ về mặt thi đua, kể cả khối lượng sản xuất, hiệu quả sản xuất công ty hắn cũng luôn là tốp dẫn đầu, mới đây hắn lại được tặng thưởng Huân chương Lao động mà trong đầu hắn như người ta thường nói là cũng đầy sỏi nên việc làm lu mờ hình ảnh hắn cũng cần thận trọng, nếu không lại bị mang tiếng hiềm khích cá nhân. Thực ra thì từ trước đên nay, giữa Hoàng với Đức cũng chẳng có hiềm khích gì, có điều trước đây ở cùng trên một địa bàn huyện nhưng phương pháp ứng xử hai người không giống nhau nên không ưa nhau thôi. Bây giở tương quan khác rồi, quan hệ là trên dưới, chỉ cần Đức đi vào đúng quỹ đạo của Hoàng , cùng nằm trong một nhóm lợi ích là ô kê, cứ tốt đẹp như thường. Hắn đã có thâm niên công tác bốn mươi năm, nhiều năm làm kế toán trưởng Lâm trường và đã kinh qua đến mười lăm năm làm giám đốc, chắc hắn cũng phải hiều ra điều đó.  Tay này coi trọng việc chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân, những chính sách của hắn luôn bảo đảm lợi ích của người lao động, nhưng hắn lại không biết củng cố, bảo vệ quyền lợi cho nhóm lợi ích và coi nhẹ lợi ích của cấp trên. Đấy chính là điểm yếu để có thể đánh gục hắn. Ngay chính kế toán trưởng của hắn cũng bất bình về cách làm việc của hắn, phải nhằm vào cái thóp này để khống chế hắn. Tiếp theo là thằng cha Thân, giám đốc công ty Lâm nghiệp Yên Lâm, công ty có quy mô lớn thứ hai trong Tổng công ty chỉ sau thằng Tứ Lâm, tay này lớn tuổi nhưng mới được đề bạt giám đốc có hai năm, dễ thuần phục hơn, nhưng không thể không để mắt đến vì khối lượng sản xuất lớn, mầu mè nhiều, nó mà nắm được sếp trưởng thì cái chức phó Tổng nó coi ra gì. Kế nữa là tay Đằng, công ty Lâm nghiệp Thanh Lâm, thằng này tuy cũng là lớp cán bộ sừng sỏ nhưng dễ nặn vì cách làm việc của hắn là bịt bọc, chui vào tổ kén tránh sự chú ý của người đời, hắn không khoa trương hình thức, không chú ý đến thành tích, được khen hay không không quan trọng nhưng cũng không ai có thể chê hắn, công ty hắn cứ bình bình mà đi, bề ngoài cứ tưởng hắn nhỏ nhoi, yếu hèn nhưng thực chất công ty hắn rất vững chãi. Hắn  khôn ngoan, biết lợi dụng khe hở của chính sách. Mỗi năm hắn chỉ trồng mới hai ba trăm héc ta chứ không phải hàng ngàn héc ta như thằng Tứ Lâm, nhỏ nhoi thế nên không mấy ai chú ý. Thực ra hắn đâu có trồng, căn cứ vào Nghị định một ba năm của Chính phủ hắn giao khoán đất cho công nhân và dân trên địa bàn địa phương. Điều này thì đúng đường lối chính sách không ai có thể bắt bẻ được hắn, có điều cái ma mãnh của hắn là hắn lợi dụng vào  cụm từ “Giao đất khoán rừng” để khoán theo kiểu “ Phát canh thu tô”. Hắn chẳng đầu tư gì ngoài cây con giống, mà sản xuất cây con giống thì hắn đã có lãi ở đấy rồi. Hắn làm đúng theo tinh thần Nghị định, thời gian giao khoán là một chu kỳ cây, mỗi chu kỳ cây hắn thu sáu mét khối gỗ. Hộ nào thực hiện tốt thì chu kỳ sau tiếp tục được thực hiện, hộ nào chây ỳ không nộp hoặc gây khó khăn thì thu đất lại. Đối với cây keo, càng chu kỳ sau đất càng tốt, năng suất rừng càng cao vì cây này là cây họ đậu có khả năng cố định đạm cho đất, không ai dại gì mà để mất quyền nhận khoán. Tiền đầu tư do Ngân Hàng phát triển cho vay theo lãi suất ưu đãi hắn sử dụng cho việc kinh doanh thu mua gỗ nguyên liệu, không sử dụng hết thì hắn cho cán bộ thân tín đứng tên thông qua khoản cho vay tạm ứng để gửi vào tiết kiệm ở Ngân Hàng thương mại lấy khoản chênh lệch lãi suất. Thế là hắn chỉ ngồi không mà tiền thì vẫn cứ sinh xôi nảy nở. Không ồn ào, không vinh quang, không vang dội nhưng cứ cầm cái chắc trong tay. Quan chức ở Tổng công ty, quan chức địa phương ở xã ở huyện không ai khen hắn nhưng cũng chả ai chê được hắn điểm gì. Hắn như một con thú hoang dã biết dấu nốt chân. Nhưng với ai chứ với Hoàng này thì không phải thế. Cứ để hắn đấy, vì nếu muốn hắn chui ra khỏi kén đối với Hoàng chả khó khăn gì. Kệ hắn, miễn đánh động để cho hắn biết điều với Hoàng là được. Trước hết là tay Thân, phải đưa vào quỹ đạo ngay. Hoàng nhấc điện thoại bàn bấm cho số máy phòng giám đốc của công ty Lâm nghiệp Yên Lâm. Một giọng phụ nữ cất lên ở phía đâu dây bên kia.
- A lô! Ai gọi đấy ạ!
- Chính tôi mới cần hỏi lại cô, sao lại có giọng phụ nữ ở phòng giám đốc thế này?
- Dạ, em là cán bộ công ty lên làm việc với giám đốc nhưng hiện giờ anh ấy đang đi ra ngoài.
- Khi nào anh Thân về cô bảo gọi lại cho ông Hoàng phó Tổng Giám đốc ngay nhé!
Hoàng vừa đặt máy thì chuông lại réo.
-         Vâng, tôi nghe!
-         Báo cáo anh Hoàng, tôi là Thân đây. Xin lỗi anh có việc gì đấy ạ!
      -  Anh ở đâu không nghe máy lại có giọng phụ nữ ở phòng anh?
- À, tôi vẫn đang ở trong phòng làm việc cùng với cán bộ công ty, nhưng là máy bàn không biết ai gọi nên bảo cô Yến ngồi cạnh máy nghe hộ.
- Quan cách gớm nhỉ?
- Quan cách gì đâu anh, cuối năm cánh báo chí họ hay gọi xin tài trợ, quảng cáo, có tay còn giở dọng đe nẹt ở Bộ nọ Ban kia nên cứ lảng khéo không gặp là tốt nhất.
- À, ra thế. Kể ra anh cũng khéo thật.
- Lần sau anh cứ gọi bằng di động, nó có hiển thị tên người gọi thì tốt hơn.
- Biết thế, có việc cần trao đổi với anh. Trong những ngày gần đây anh bố trí về Tổng công ty gặp em chút nhé. Khi nào đi thì gọi trước để em còn sắp xếp lịch làm việc.
    Tháng trước, trong cuộc họp giao ban Tổng giám đốc, Hoàng đã được Chu Tài chấp thuận đề xuất về việc luân chuyển cán bộ trong khối Lâm nghiệp và ngay sau đó đã có nghị quyết của Hội đồng Quản trị về vấn đề này, ấy là cái nghị quyết chung chung thế thôi chứ luân chuyển thế nào, luân chuyển ai thì chẳng dựa vào cơ sở quy hoạch nào cả. Trong thực tế, những nhà lãnh đạo Tổng công ty có mấy khi để mắt đến khối Lâm nghiệp, trong đầu họ chỉ có nhà máy, chỉ có sản xuất Công nghiệp chứ mấy anh giám đốc công ty Lâm nghiệp sản xuất thủ công lạc hậu có khác gì với mấy anh chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp. Chính vì vậy họ đâu có nghĩ rằng cái nghị quyết về luân chuyển cán bộ của họ cuối cùng cũng chỉ trở thành con “ Ngáo ộp” trong tay Hoàng để mang ra hù dọa đám giám đốc các công ty Lâm nghiệp. Kiểm mặt các giám đốc Lâm nghiệp xem ra thì cũng chẳng nên luân chuyển ai, bởi các công ty Lâm nghiệp mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn đang ổn định. Nhưng nếu không luân chuyển anh nào thì hóa ra cái đề xuất của Hoàng bị lộ tẩy là trò lạo xạo cá nhân hay sao, vả lại cũng phải thể hiện cái uy quyền của Hoàng chứ. Vậy thì cũng phải luân chuyển thật một tay nào đó. Tay Đức, tay Thân, tay Đằng đâu dễ có lý do để động đến họ, vả lại mục tiêu của Hoàng cũng không hướng tới việc luân chuyển họ, thế là Thụ nằm trong tầm ngắm của Hoàng. Tay này vừa được đề bạt từ phó giám đốc lên thay ông giám đốc bị kỷ luật phải nghỉ, chẳng hiểu thế nào lại đi to tiếng với kế toán trưởng. Thôi thì cũng có cái cớ để xử lý, thế là mới được đề bạt lên làm giám đốc chưa đầy một năm, Thụ đã phải quay về làm phó giám đốc cho Thân và Hoàng lại có dịp ban phát ân huệ cho Bích lên làm giám đốc thay Thụ. Hoàng cũng hiểu rằng cái trò “rung trà cá nhảy” chỉ hù dọa được mấy gã giám đốc trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm chứ mấy tay già dơ như Trần Mạnh Đức thì cần phải có phương pháp mới trị được. Trước hết Hoàng báo cáo Chu Tài tình hình cơ bản về các công ty Lâm nghiệp, trong đó những chỗ có vấn đề về đoàn kết nội bộ là công ty Tứ Lâm do Đức làm giám đốc, công ty Yên Lâm do Thân làm giám đốc. Đương nhiên là Chu Tài sẽ giao cho Hoàng xem xét kiểm tra. Đôi khi vào những lúc tán gẫu với anh em các phòng ban trên Tổng công ty, Hoàng làm như vô tình phóng lửng những câu đại loại như kỳ này có thể luân chuyển tay Đức, tay Thân về làm phó phòng Lâm sinh hoặc một chức vụ gì đó tương tự trên văn phòng, sẽ cần nghiên cứu người thay thế hai tay này. Lời nói của lãnh đạo Tổng công ty đâu có phải là chơi, xuống đến các phòng ban thì sẽ được hiểu như đấy là chủ trương của Hội đồng Quản trị rồi, nó lan truyền rất nhanh thậm chí đến cả những tổ sản xuất ở các đội trong các công ty Lâm nghiệp tít hút tận rừng sâu người ta cũng xì xào bàn tán về những tin nóng hổi ấy. Lúc đầu nó chỉ là tin vịt, nhưng trong thực tế cuộc sống đôi khi những tin vịt lại có tác động khá lớn đến những đối tượng khách thể liên quan, khối kẻ chạy nháo chạy nhào, khối anh cơ hội cậy cục để mong được thăng quan tiến chức. Vậy là cá nhẩy thì chỉ có lợi cho Ngư ông mà thôi. Gặp Thân theo như kế hoạch đã hẹn, Hoàng nói:
- Có ý kiến trong Ban cán sự Tổng công ty về việc luân chuyển vị trí công tác của anh, riêng em đề nghị cứ từ từ để còn xem xét, vậy mời anh lên trao đổi đôi chút về tình hình công ty và nghe ý kiến của anh về vấn đề này.
- Báo cáo anh  những mâu thuẫn va chạm thường nhật là điều tất yếu không thể tránh khỏi, nhưng tôi thấy công ty chỗ tôi vẫn hoạt động bình thường, ổn định.
- Em cũng nghĩ như thế nhưng trong Hội đồng Quản trị còn nhiều ý kiến khác nhau.
- Việc đó do lãnh đạo các anh xem xét. Tất nhiên tôi cũng mới chỉ làm giám đốc hai năm nhưng tôi cũng đã có rất nhiều năm làm phó giám đốc, cá nhân tôi thấy rằng mình vẫn đảm đương tốt công việc của giám đốc công ty. Còn luân chuyển thế nào do lãnh đạo các anh xem xét. Mà theo tôi cứ nói thẳng, cái đó do anh là chính thôi, chứ các ủy viên Hội đồng Quản trị họ còn có bao nhiêu việc để làm, họ chú ý gì mấy đến các công ty Lâm nghiệp.
- Anh nói đúng, về quản lý khối Lâm nghiệp thì ý kiến của em quyết định nhất là đúng rồi. Thôi việc này anh cứ để em đối phó, anh cũng không cần phải chạy chọt đến ai làm gì. Có một điều cơ chế quản lý ngày nay điều tiết theo hướng thị trường, chúng ta cứ nói thẳng với nhau cho dễ làm việc. Ai làm công tác quản lý thì cũng đều cần có quyền lợi. Em đã từng làm giám đốc dưới công ty nên hiểu rõ quyền lợi của giám đốc như thế nào. Điều này không nói chắc anh cũng hiểu, trước đây hồi còn làm giám đốc em cũng phải chia quyền lợi cho cấp trên.
- Điều đó anh không nói thì tôi cũng hiểu. Mà tôi cũng vẫn ngấm ngầm chia quyền lợi lên cấp trên thì mới tồn tại được đến ngày hôm nay đấy chứ.
- Đấy, chính là ở chỗ đó, cách làm việc kiểu ấy xưa rồi. Không cần phải ngấm ngầm gì cả. Ta cứ ngửa hết cả bộ bài ra và chia quyền lợi một cách rõ ràng, sòng phẳng. Ví dụ công ty anh là một trong những công ty đứng đầu về sản lượng khai thác. Cách quy đổi từ khối lượng sang trọng lượng hiện nay đã tạo điều kiện cho các công ty Lâm nghiệp chuyển khoảng trên dưới hai mươi phần trăm doanh số sang kênh phân phối ngầm. Điều đó ý kiến của anh thế nào?
- Cái đó ai làm công tác quản lý Lâm nghiệp ở Tổng công ty này cũng có thể hiểu, tôi không phủ nhận
- Vậy ý kiến của em thế này anh Thân ạ, đề nghị anh mỗi quý một lần nộp lên mười phần trăm để nuôi lãnh đạo Tổng công ty, còn mười phần trăm do quyền anh phân phối cho các anh em cộng sự kể cả người dưới công ty anh và một số cán bộ thừa hành trên Tổng công ty có liên quan. Khoản mười phần trăm đó anh nộp cho một đầu mối là em, phó Tổng giám đốc phụ trách khối, việc phân phối trên này ra sao là do em chịu trách nhiệm. Anh thấy thế nào?
- Anh đã nói như thế thì tôi sẽ thực hiện đúng như thế!
-  Chúng ta là những người ngồi chung một con thuyền, nổi cùng nổi, chìm cùng chìm, trên này thì lo lái còn các anh cứ yên tâm chèo cho khỏe, phải thẳng thắn rạch ròi với nhau thế thì mối quan hệ mới bền vững được. Anh thấy cách làm việc như thế có thoải mái không?
- Trong đời công tác tôi chưa gặp cấp trên nào như anh, nhưng đúng là cứ như thế lại dễ làm việc.
- Vậy thì tốt rồi. Thế thôi nhé!
     Đối với thằng cha Đức thì chưa thể thẳng thắn như thế được, nó mà không đồng ý với cách làm việc kiểu ấy thì đâm ra mình lại bị hớ với nó, cần phải có thêm thời gian. Trước hết phải tổ chức một cuộc thanh tra xem thực thể công ty hắn ra sao, mẹo mực hắn làm ăn thế nào, những võ chung của các công ty Lâm nghiệp thì cho qua nhưng thể nào hắn cũng có những cái lỗi riêng, phải toét còi một vài cái lỗi mới có thể nắm gáy mà trị hắn được. Nhưng nếu chỉ  thanh tra mình hắn sẽ lộ tẩy ý đồ cá nhân nên Hoàng đã đề nghị Chu Tài cho mở một đợt thanh tra khoảng ba mươi phần trăm số công ty Lâm nghiệp trong Tổng công ty và tính chất cũng chỉ là đợt thanh tra thường xuyên để Tổng công ty nắm được thực trạng hoạt động của các công ty. Đoàn thanh tra do Hoàng chỉ đạo được thành lập, Hoàng chọn Nhân phó phòng Lâm sinh làm trưởng đoàn, tham gia đoàn còn có một số cán bộ chuyên viên bên phòng Kế toán Tài chính. Trước khi triển khai Hoàng có triệu tập một cuộc hội ý và cho chủ trương.
- Đợt thanh tra này có tính chất nội bộ và là việc làm thường xuyên của công tác quản lý, các đồng chí cần làm thật kỹ đến từng chi tiết trong công tác tổ chức quản lý cúa các công ty, đánh giá được thực trạng công ty, thấy được những mặt còn tồn tại riêng biệt của từng công ty để Tổng công ty có biện pháp uốn nắn, khắc phục. Trong quá trình làm việc, nếu phát hiện được điều gì thấy còn băn khoăn thì các đồng chí liên hệ để tôi chỉ đạo, không phát ngôn linh tinh gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ.
 Hoàng cũng trao đổi riêng với Nhân là Tổng giám đốc chỉ đạo phải xem xét thật kỹ chỗ công ty Tứ Lâm vì công ty này có quy mô lớn nhất Tổng công ty, tay này gần đây có quá nhiều ý kiến chỉ trích Tổng công ty, cần phải xem hắn làm ăn ra sao mà to miệng thế. Ở công ty Tứ Lâm, đoàn huy động tới bốn cán bộ của Tổng công ty và năm cán bộ của công ty túc trực phục vụ đáp ứng yêu cầu của đoàn, bới tung chứng từ ghi chép từng cái phiếu thu phiếu chi. Sau ba ngày làm việc nghiêm túc, Nhân gọi về báo cáo Hoàng:
- Báo cáo anh là trong này họ làm chặt chẽ lắm, nếu chỉ thanh tra qua chứng từ thì chả bắt bẻ được họ cái gì đâu.
- Cứ phải làm cho kỹ, không nhẽ lại không có cái gì sai. Anh phải tiếp xúc với cán bộ, công nhân gợi ý để họ phát giác xem hắn làm những trò gì. Thái độ của hắn ta thế nào?
- Khó có thể nói thái độ ông ta thế nào. Ngay sau buổi họp đầu tiên của đoàn với công ty để triển khai công việc thì ông ta giao cho các trưởng phòng ở nhà tiếp đoàn còn ông ta nói đi dự trại viết văn trên Tam Đảo, ông ta còn bảo cán bộ công ty không được gọi điện thoại làm phiền ông ta.
- Không nhẽ trình độ như anh làm trưởng đoàn mà lại không phát hiện được gì à
- Không phải thế, ông ta cũng bảo “ Cứ giở những cái nguyên tắc cách đây hàng một phần tư thế kỷ ra thì thằng nào làm giám đốc mà chả có cái sai. Các lão cứ hỏi chính ông Hoàng mà xem, nếu cố tình bôi nhọ nhau thì tuỳ”. Ông ta là người có bản lĩnh, tự tin, không thể dồn mãi theo ông ta được. Theo tôi anh nên cho dừng lại là vừa rồi đấy, làm quá không có lợi đâu. Còn tôi thì không thể muối mặt để làm hơn được.
- Thôi thế thì tùy các anh!
    Tay Nhân này cũng là hàng cán bộ quản lý sừng sỏ, hắn đã từng giữ cương vị trưởng phòng trên Liên hiệp trong khi Hoàng mới chỉ là anh kế toán trưởng dưới Lâm trường, chẳng qua hắn kém vận động nên khi sáp nhập đành giữ chức phó phòng. Cũng nghĩ tay Nhân này với tay Đức xưa nay không ưa gì nhau nên muốn mượn tay Nhân để trị tay Đức. Nhưng hắn đã nói thế thì cũng đành thôi, cũng không thể ra mặt với tay Đức được, mà làm quá nó điên lên quặc lại không khéo thành ra tai hại. Thôi được, còn khối cách để trị.
    Trước đây thời Ngô Hùng còn làm việc, Chu Tài vẫn coi khối Lâm nghiệp là của Ngô Hùng. Về lịch sử thì Ngô Hùng  đã từng là Tổng Giám đốc, hàm cán bộ  tương đương với Chu Tài, chẳng qua biến động của nền kinh tế, Bộ sắp xếp lại các doanh nghiệp sáp nhập vào nhau nên Ngô Hùng đành ngồi ở cái chức phó Tổng. Do vậy, khối Lâm nghiệp Chu Tài phó thác cho Ngô Hùng không muốn động chạm đến vì có thể gây mất đoàn kết không có lợi cho Tổng công ty. Mặt khác, Chu Tài còn có nhiều việc hướng tới những ý đồ lớn hơn nhiều nên cũng chả hơi đâu mà để mắt đến mấy cái anh Lâm nghiệp lạc hậu tít hút trong rừng ấy làm gì. Từ ngày có Trương Hoàng, hắn cũng cung phụng cho Chu Tài khá nhiều bổng lộc, hóa ra cứ tưởng mấy thằng cha Lâm nghiệp nhếch nhác vậy mà cũng béo tốt đáo để. Chính vì vậy, Hoàng trở thành cộng tác đắc lực của Chu Tài. Mọi đề xuất của Hoàng đều được Chu Tài chấp nhận và ủng hộ, không những thế, Hoàng còn được Chu Tài dìu dắt giới thiệu làm quen với nhiều quan chức cao cấp trên Bộ và đến cả Văn phòng Chính phủ làm cho trong lòng Hoàng lúc nào cũng khấp khởi sự hãnh tiến. Nhiều lúc trà dư tửu hậu, Hoàng  không giấu giếm bật mí  với những bạn bè thân thiện là mục tiêu của Hoàng sẽ còn đi cao, đi xa hơn nhiều nữa, cánh cửa công danh đang mở rộng chào đón Hoàng.
   Mùa đông năm trước, một đợt rét đậm kéo dài nhiều ngày, sương muối mịt mùng bao phủ khắp trùng trùng rừng núi, những lô rừng có độ cao tuyệt đối từ ba trăm mét trở lên hầu như sương trắng cả ngày lẫn đêm, sau hàng tháng trời như vậy, bỗng nhiên có một ngày hừng nắng,  cũng chỉ vì cái ngày hừng nắng đột ngột ấy đã làm chết hàng loạt rừng trồng của Tổng công ty Lô Giang ở hầu hết các công ty Lâm nghiệp. Nhưng thiệt hại nặng nhất là rừng của công ty Tứ Lâm. Lúc bấy giờ Ngô Hùng còn đang là phó Tổng giám đốc phụ trách khối, ông đã cho công ty Khảo sát Thiết kế đi đo đếm kiểm tra, riêng công ty Tứ Lâm rừng bị chết trên một diện rộng tới một ngàn bảy trăm héc ta, nếu trừ những cây không bị chết quy đông đặc lại thì cũng tương đương với trên bảy trăm héc ta. Đây là đợt rét đậm gây thiệt hại khá lớn trên toàn Quốc cho nhiều ngành đặc biệt là ngành Nông Lâm nghiệp nên Nhà nước có chủ trương  kiểm tra và hỗ trợ cho những nơi bị thiệt hại lớn. Ngô Hùng đã phối hợp với bà phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính xem xét và báo cáo Chu Tài cho trích từ Lợi nhuận trước thuế hỗ trợ thiệt hại cho công ty Tứ Lâm trên hai tỷ đồng. Lợi dụng vào sự việc này, Hoàng nói với Chu Tài là bấy giờ tay Đức ma lanh mua được cả hai ông bà phó Tổng giám đốc để công ty hắn moi được tiền hỗ trợ của Tổng công ty, đương nhiên là Chu Tài tin lời Hoàng. Hoàng đã gieo được mầm mống của sự đố kỵ đối với Đức vào đầu Chu Tài.
 Lần nào lên làm việc trên Tổng công ty, Lệ cũng đến phòng Hoàng, không chỉ do công việc mà là do Hoàng yêu cầu phải báo cáo tình hình công ty. Cứ theo như báo cáo của Lệ thì Đức rất độc đoán, gia trưởng. Có điều anh ta không lợi dụng chức vụ để tham lam vơ vét nên cũng chẳng thể phản đối anh ta. Những khoản tiền tiết kiệm được từ công tác đầu tư trồng rừng chẳng cần báo cáo thì Hoàng cũng thừa biết nhưng anh ta không phân phối cho cán bộ mà chỉ để một phần dành cho Công đoàn tổ chức chung cho cán bộ đi nghỉ mát còn phần lớn anh ta chi cho xây dựng như mở đường mới, làm nhà mới cho các đơn vị trực thuộc, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng… Chính vì thế ai đến công ty Tứ Lâm cũng đều phải công nhận là nó vui, nó đẹp. Tuy vậy, những cán bộ dưới quyền thì họ lại không thoả mãn cách làm việc như thế, bởi họ không được lợi lộc gì.  Khoản chênh lệch do quy đổi giữa hai đơn vị đo lường anh ta một mặt đề nghị Tổng công ty khảo sát và có văn bản chính thức, mặt khác anh ta yêu cầu các đơn vị thực hiện phải áp dụng một tỷ lệ quy đổi cao hơn, nếu không chấp nhận thì phải đấu thầu, vậy là ai cũng đều chấp nhận vui vẻ, anh ta còn đưa ra quy chế cấm các đơn vị khai thác vận chuyển không được chi cái gọi là bôi trơn lót tay cán bộ quản lý. Anh ta còn đang dục dịch cho làm cầu cân để thống nhất một đơn vị đo lường khỏi tranh cãi. Trên đời này có lẽ chỉ có thằng cha này là hâm số một. Được quản lý một công ty có quy mô lớn nhất, ngồi ở một vị trí béo bở nhất trong hàng các giám đốc công ty Lâm nghiệp mà lại gàn dở đến vậy. Cũng may, để làm một cái cầu cân cỡ sáu mươi tấn cũng mất trên trăm triệu đồng, tầm tiền này phải được Tổng công ty phê duyệt chứ nếu cứ để hắn làm cầu cân thì hỏng to, toàn bộ các công ty trong Tổng công ty dù không muốn cũng phải theo chỗ nó, thế thì còn màu mè gì nữa. Phải nhanh chóng ngăn chặn những suy nghĩ của hắn từ trứng nước, nếu không cũng phải mạnh tay cho luân chuyển.
 Một cuộc trao đổi với Đức giống như cuộc trao đổi với Thân nhưng diễn ra theo một hướng khác ngoài sự suy đoán của Hoàng
- Anh Đức ạ, ở ngoài này các anh lãnh đạo nói nhiều về anh, họ đang có kế hoạch luân chuyển anh về làm phó phòng Lâm sinh nhưng em đang cố gắng thuyết phục các anh ấy, nếu để chuyển anh về phòng Lâm sinh thì khác gì đi đày.
- Cám ơn sự quan tâm của chú, nhưng không cần luân chuyển đâu chú ạ, tôi năm nay năm mươi tám tuổi, bốn mươi năm công tác trong đó có mười năm năm làm giám đốc chỉ ở một cái công ty Tứ Lâm ấy thôi. Nó suy thịnh hưng vong  thế nào thì những người làm Lâm nghiệp ở Tổng công ty này đều biết cả. Nay tôi thấy mệt mỏi nên sẽ xin nghỉ hưu trước hai tuổi.
- Anh không nên bức xúc, đây là việc hệ trọng nên cần phải bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ.
- Thế chú tưởng ngần ấy năm công tác, tôi không đủ kinh nghiệm để có thể bình tĩnh hay sao?
- Có người nó báo cáo anh đang tuyên truyền nó xấu lãnh đạo Tổng công ty.
- Tôi biết là ai đã báo cáo với chú điều ấy, chính là chú Tùy phó giám đốc của tôi và chú cũng đã kiểm tra thông tin qua Hán Văn Lập và một vài người khác, bởi tôi nói điều đó trước mặt những người ấy, nhưng một giám đốc có thâm niên như tôi sao lại đi nói xấu Lãnh đạo cấp trên một cách bừa bãi như thế, tôi muốn nói sự thật là lãnh đạo Tổng công ty đâu có quan tâm đến Lâm nghiệp, Lâm nghiệp chỉ là bình phong, là yếu tố cần và đủ để lãnh đạo Tổng công ty hướng tới một mục tiêu khác, mà nội dung này tôi cũng đã phát biểu tại một cuộc họp giao ban Lâm nghiệp có mặt cả Tổng giám đốc Chu Tài chứ đâu có phải là tuyên truyền nói xấu. Cùng một lời nói, người ta có thể hiểu đấy là lời nói xây dựng nhưng người ta cũng có thể hiểu đấy là lời nói chống đối. Ở vị thế của tôi lúc này, tôi đâu có cần phải thanh minh làm gì cho rắc rối. Nói thật với chú, cái hôm họp giao ban mấy tháng trước, khi Tổng giám đốc Chu Tài phát biểu có câu  “cứ kêu khó khăn mãi sao chẳng thấy cha nào xin từ chức  giám đốc đi”. Lúc ấy cả hội nghị im phắc, tôi đã định đứng dậy xin nghỉ ngay từ hôm ấy, nhưng ông Định vốn thân thiện với tôi ngồi phía trên đưa mắt nhắc nhở và như thế thì cũng có vẻ khiếm nhã quá nên tôi cố gìm lại. Không nhẽ tất cả các giám đốc Lâm nghiệp lại toàn chỉ là những thằng cha ăn bám. Mình cũng cần phải có lòng tự trọng chứ.
- Nhưng anh xin nghỉ như thế, mọi người lại nghĩ là do em chèn ép anh
- Xung quanh ta, có rất nhiều người tinh tường, không cần biện minh người đời cũng sẽ hiểu. Nếu tôi không có ý định nghỉ và vì chỉ còn hai năm nữa là cũng đến tuổi về hưu thì tôi thiếu gì cách để một hai người nào đó muốn luân chuyển tôi cũng không có cớ gì để luân chuyển nổi. Nhưng tôi đã nói là tôi mệt mỏi, muốn nghỉ lắm rồi!
- Vậy anh cũng cần phải hỏi ý kiến chị ấy nữa chứ!
- Nếu tôi xin nghỉ thì chắc chắn là bà xã  nhà tôi phấn khởi lắm, bà ấy đã khuyên tôi và lẽ ra tôi phải nghe theo bà ấy mà xin nghỉ từ năm ngoái mới đúng, có điều để từ giã một quyền lực, dù chỉ là cái chức giám đốc công ty nho nhỏ cũng đâu có dễ, nhiều người còn chạy vạy sửa tuổi trong hồ sơ hoặc đệ trình kêu xin cấp trên lấy lý do này lý do khác để được làm thêm một hai năm, thói đời chuyện ấy cũng là thường tình trong mớ hỗn độn bon chen của kiếp nhân sinh, tôi đâu có phải vĩ nhân gì nên  cũng không ngoại lệ. Nhưng đến giờ này thì tôi đã tỉnh táo hẳn và tôi thấy lời khuyên của vợ tôi là đúng đắn.
- Anh đã quyết tâm thế thì cũng không thể cản anh được. vậy anh có đề nghị gì không?
- Về cá nhân, tôi không có đề nghị gì. Về việc chung tôi sẽ viết rõ trong đơn đề nghị chú Tuỳ thay tôi, mặc dù chú ấy cũng không ưa gì tôi nhiều khi còn có những hành động ngầm chống tôi nhưng chú ấy làm phó nhiều năm, là người dân tộc bản xứ am hiểu tường tận công ty và địa phương, để chú ấy thay tôi thì có lợi hơn cho việc chung.
- Thế còn thằng cháu anh đề nghị đề bạt phó giám đốc thì sao
-  Anh ta là cháu họ bên vợ tôi, mà cháu họ thì họ cả  làng. Khi đưa ý kiến ra Đảng uỷ tôi không nghĩ nó là cháu. Đơn giản là mô hình hiện tại của công ty tôi có hai phó giám đốc. Một phụ trách sản xuất, một phụ trách công tác Đảng và khối đoàn thể, hiện nay anh ta đang làm Chủ tịch Công đoàn, đề nghị đề bạt anh ta thay đồng chí phó giám đốc phụ trách khối đoàn thể nghỉ hưu cũng là chuyện dễ hiểu. Việc đó đã có ý kiến bằng văn bản của Đảng uỷ công ty không phải ý kiến riêng của tôi.
- Nghe nói anh muốn mua lại cái xe anh đang đi?
- Nếu lãnh đạo Tổng công ty quan tâm thì tốt, tôi không xin.
- Những việc trao đổi với anh hôm nay em hứa sẽ giải quyết được.
      Đức bắt tay đi rồi, Hoàng vẫn còn bàng hoàng, không ngờ câu chuyện lại lệch hướng đến như vậy. Hoàng đâu có nghĩ đến chuyện Đức xin nghỉ hưu trước tuổi. Cũng chỉ thử nắn gân, rung trà cá nhẩy tý thôi, ai ngờ Đức lại quyết liệt đến thế. Không thể nói là hắn tự ái, chắc chắn là hắn đã có suy nghĩ chín chắn từ trước, hắn đã dồn Hoàng và lãnh đạo Tổng công ty vào tình thế lúng túng về công tác cán bộ và chỉ đạo cái công ty Tứ Lâm sau khi hắn nghỉ, nó mà be bét ra thì Hoàng thật là dơ mặt. Đã thế thì cứ mặc mày, tinh tướng! sẽ không thể thoả mãn những ý định  của mày và cũng sẽ không giải quyết cho mày một quyền lợi gì hết. Đồ gàn dở!

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 44
Trong ngày: 176
Trong tuần: 909
Lượt truy cập: 435504
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.