Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

VỀ MỘT PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI HÀ NỘI

Lã Thanh Tùng

VỀ MỘT PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI HÀ NỘI

Khi nói về đặc trưng của người Hà Nội, chúng ta thường đã quá quen với tính từ "Thanh lịch".

Đến mức câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" (có người bảo là của cụ Nguyễn Công Trứ khi hát mưỡu ả đào) gần như đã trở thành sáo ngữ. Cứ ai muốn đề cập đến cái phẩm chất ưu trội của cư dân vùng Kinh kỳ hơn nghìn năm tuổi này thì cũng lập tức bật ra như một cái máy, như một định lý, một công tắc automatic vô cùng bén nhạy!

Dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù trên núi hay giữa biển, dù các nhà xã hội học mắt lồi kính trắng hay mấy bà ve chai đồng nát lam lũ, học hành dang dở... Thậm chí đến cả mấy cô cậu sinh viên nước ngoài đang ngọng nghịu nói tiếng Việt ở các trường đại học... cũng đều răm rắp câu đó!

Thôi thì cứ tạm coi như là một tấm huy chương cho truyền thống ngàn năm văn hiến của cái Đất Rồng bay này đi.

Nhưng rồi tôi có lần đã phải bất ngờ với nhận xét của một anh bạn Tây, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, đã từng rong ruổi qua hàng mấy chục quốc gia, chuyên bán ảnh cho các tạp chí du lịch trên khắp thế giới, rồi đến sống và sáng tác ở Hà Nội gần chục năm trong quãng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Anh phát âm tiếng việt không giỏi, nhưng đọc và hiểu xứ ta không kém gì các nhà Việt Nam học.

Hôm ấy chúng tôi ngồi nhâm nhi ở ban công một quán cà phê phố cổ, nhìn ra Hồ Gươm trời mưa phùn. Anh bạn tôi đột nhiên chăm chú đoái theo mãi một đoàn xe cổ động qua phố, hô hào người dân Thủ đô xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch, khiến tôi cũng hơi ngạc nhiên xen chút tò mò.

Như hiểu được ý băn khoăn của tôi, anh bạn quay ra bảo: "Văn minh thì đúng rồi, vì đó là ước muốn chung của tất cả mọi quốc gia, địa phương. Nhưng còn Thanh lịch thì việc gì phải cổ xúy nhiều đến vậy. Lại còn xí riêng cho mảnh đất và con người Hà Nội?".

Khi được hỏi ý anh là sao? Anh trầm ngâm rất lâu rồi lựa từng câu chữ giải thích cho tôi hiểu.

Theo đó, anh thấy khái niệm này không hẳn đúng riêng với người Hà Nội, và bản thân anh cũng không thích nó cho lắm.

Anh bảo, "Thanh lịch" chỉ là cái vẻ bóng bẩy bề ngoài, là thanh nhã, lịch sự, và điều đó thì Hà Nội so với Paris, London, Tokyo, Melburne... chưa chắc đã bằng. Thậm chí nói trong nước Việt Nam thôi, thì Huế, Đà Lạt, Bắc Ninh, Nha Trang... cũng đâu có kém! Đó đơn thuần chỉ luận về hình thức, chứ còn có thật sâu sắc và cao quý thì chưa hề hàm nghĩa.

Theo anh, một ông quan to nhìn có vẻ rất chải chuốt, bóng bẩy, ăn nói nhẹ nhàng, cao đạo, nhưng thực ra ngầm vô cảm trước hoàn cảnh người dân, tham nhũng như ranh, thì cái "Thanh lịch" kia chẳng để làm gì. Một cô gái xinh đẹp, ăn vận thanh cao, đi đứng tung tăng, tươi tắn, nhưng dắt chó cưng đi bậy lung tung, đến đám tang vẫn ngạt ngào son phấn, thì bao nhiêu cái bóng bẩy thanh lịch kia cũng vứt. Rồi ăn nói quàng xiên, ứng xử lạnh lùng, với người thân cũng như người sơ, chẳng biết phân biệt trên dưới, công tư... thì Thanh với chả Lịch, chẳng để làm gì.

Nhiều lắm, những bong bóng rỗng của cộng đồng "Thanh lịch", anh kết luận.tinh-te-la-gi

Tôi khá bất ngờ với ý kiến phản biện của một người ngoại quốc, nhưng nghĩ kỹ thì thấy anh nói cũng có nhiều ý đúng.

Về nhà tìm sách tra cứu, thì thấy Từ điển Hán Việt và Từ điển tiếng Việt có giải nghĩa: Thanh lịch là nhã nhặn và lịch sự, hướng vào sự giao tiếp giữa người với người, thông qua phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (trang phục, trang điểm, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ...)

Vậy là đã rõ, anh bạn Tây kia chỉ trích "cái vẻ bóng bẩy bề ngoài" quả thực không oan.

Khái niệm đó cũng tốt, nhưng chưa thực chất và cấp thiết trong cuộc sống "giai đoạn quá độ" hiện nay. Và chính vì chúng ta quá đề cao nó mà đôi khi xã hội quên mất một vài phẩm tính còn quan trọng hơn, đang dần mai một trong cộng đồng dân cư, ví dụ sự "Tử tế", "Thiết thực", "Tình người"...

Chẳng khó để nhận ra xã hội bây giờ thừa mứa những thứ bóng bẩy, lòe loẹt, rỗng tuếch, đạo đức giả. Những đám cưới xa hoa hoành tráng với tháp rượu vang mười mấy tầng, nhung gấm dạt dào, hai họ quan viên nườm nượp đỏ đắn hồng hào, bãi xe bạt ngàn, ban nhạc từ trời Tây, chi phí cả triệu đồng mỗi thực khách... để rồi ít ngày sau đôi trẻ chia tay đường ai nấy đi như chưa từng quen biết.

Những đám tang mấy trăm vòng hoa, đội danh dự bồng súng sáng quắc, điếu văn thảm thiết dài lê thê, thi hài mai táng vào những nghĩa trang rộng, đẹp như vườn địa đàng... để rồi chỉ vài tháng sau những người đến viếng cũng chẳng nhớ nổi tên người đã khuất.

Những buổi bảo vệ tốt nghiệp hoành tráng với Hội đồng chấm luận án bề thế, giáo sư giúp đỡ, giáo sư phản biện chập trùng, hoa tươi bê mãi không hết, rồi các cô tú cậu cử vận áo chùng dài, mũ cỏ thơm quấn ruy băng không khác gì Ốc Pho, Căm Rít... Cứ thế cho đến cả các cấp phổ thông, tiểu học, các cháu bé rời lớp Mầm lên lớp Lá cũng trịnh trọng y hệt, thịnh soạn không kém, trong muôn tia chớp máy quay Ai Phôn!

Những đám sinh nhật, mừng tân gia, mừng ghế mới chức danh lai, mừng thông xe, động thổ... Ôi trời là nhiều, không thể kể hết. Đâu đâu cũng tưng bừng, rền rĩ, náo hoạt, miên man... Mà nội dung thì vô cùng nghèo nàn, rỗng tuếch, nếu không muốn nói chỉ đơn thuần hãnh tiến, khoe khang, thậm chí lợi dụng kiếm chác tiền mừng, quà biếu.

Thực chất này không khỏi khiến những người có lương tri phải ưu tư, thậm chí hoang mang.

Chẳng biết nên buồn hay nên vui, khi dịp gần đây, dịch Covid tạm lui, tôi lại được gặp gỡ anh bạn phó nháy Tây thuở trước.

Sau nhiều hàn huyên về sức khỏe, gia đình, tình riêng, thế sự... tôi nhắc lại chuyện Hoa nhài Tràng An bữa trước, và hỏi, theo anh, người Hà Nội đúng và nên phấn đấu theo hai chữ nào thay cho "Thanh lịch"? Anh suy nghĩ một lúc lâu rồi nói: Là sự "Tinh tế".

Thấy tôi hơi băn khoăn, anh lại vận dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh giảng giải cho tôi. Theo đó người Hà Nội xứng đáng đại diện cho người Việt Nam nhận phẩm chất "Tinh tế", bởi người Tràng An vốn coi trọng Khoa học Xã hội, thường rất cẩn tắc, thậm chí cầu kỳ trong ứng xử, đặc biệt lời ăn tiếng nói. Họ không ngại sách vở, lý thuyết, lại là trung tâm hành chính, cọ sát nội địa ngoại giao... nên lượng thông tin, thực tiễn xã hội có thể nói là dồi dào, trù phú, và đa thanh, đa màu sắc hơn các vùng quê.

Còn so với quốc tế, thì Hà Nội, Việt Nam có một gia tài tiếng Việt rất lung linh, huyền ảo. Người Hà Nội ăn nói lưu loát, va chạm nhiều, nên quen với các cấp độ tinh vi của các khái niệm, và rất có ý thức để phân biệt chúng, nên tự dưng họ trầm tĩnh, khe khắt hơn với từng sự vật, hiện tượng.

Tôi cảm ơn bạn, rồi lại về nhà tra từ điển Tiếng Việt. Theo đó, "Tinh tế" là "Rất nhạy cảm, tế nhị, có khả năng đi sâu vào những chi tiết rất nhỏ, rất sâu sắc". Thì đúng rồi, anh bạn Tây của tôi thật giỏi.

Người Hà Nội cần phải tự hào và phấn đấu, tự rèn luyện mình để ngày càng "Tinh tế". Nếu quan chức có đủ tinh tế, thì những hàm oan, những nỗi thống khổ của người dân sẽ bớt đi nhiều. Nếu mỗi người dân trong bá tính bình tĩnh lại, gắng nhìn kỹ, nhận chân, và thấu hiểu những xô bồ hời hợt đang hàng ngày hàng giờ diễn ra quanh mình, họ sẽ có tiếng nói và thái độ đúng đắn, tường minh, chứ không ù xọe a dua a tòng hùa theo như lối phong trào. Và rồi nếu các chủ thể tổ chức cá nhân đủ khả năng nhận thức, sau đó hành động một cách tinh tế, thì cuộc sống của chúng ta sẽ dễ chịu và sáng sủa lên biết bao, cần gì phải nhiều lời?

Tất nhiên "Tinh tế" cần thiết để nhận thức ra những nét tế vi của sự vật, hiện tượng. Nhưng nó còn cần hơn cho mỗi hành động, giải pháp, mà điều này thì phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm và khát vọng thực hành nhân đạo của mỗi khổ chủ.

Rất mong người Hà Nội nói riêng, và người Việt Nam nói chung, cùng biết bảo ban nhau khao khát, hướng đến sự nhận thức và hành động một cách Tinh tế, để loại bỏ dần những thói đạo đức giả vô bổ, rẻ tiền hàng ngày hàng giờ đang vây bủa chúng ta./.

                                                                L.T.T

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 51
Trong ngày: 261
Trong tuần: 985
Lượt truy cập: 435631
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.