Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
1234
2345
4567
3456
5678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

VĂN HỌC CÔNG NHÂN

Lê Tuấn Lộc

VAI TRÒ CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỚI DÒNG VĂN HỌC CÔNG NHÂN

   Cách đây khoảng 10 năm, có ý kiến phát biểu: gần đây, dòng văn học công nhân và người lao động hầu như không phát triển. Có đúng không? Nhìn từ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn năm 2021- 2023 do báo Lao Động tổ chức đã thành công rực rỡ cho thấy Sáng tác về Văn học Công nhân hiện nay đầy khả năng phát triển. Nhưng nhiều câu hỏi đặt ra còn bỏ ngỏ...

Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam, tổ chức ấn nút thành lập chi Hội Nhà văn Công Nhân

                    Không biết cơ duyên nào nhưng một thời, các nhà văn Việt Nam trưởng thành ở Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam rất nhiều. Nhà văn Ma Văn Kháng, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012, trọn đời ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tên tuổi ông lồng lộng trong dòng Văn học Công nhân, cho dù ông viết nhiều đề tài đa dạng và lĩnh vực nào cũng xuất sắc. Ông từng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa IV và khóa V, từng là Phó giám đốc nhà xuất bản Lao Động. Nhà văn Xuân Cang, tỏa sáng trên bầu trời văn học Công nhân, ở khu gang thép Thái Nguyên từ năm 1959, giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012, từng là Giám đốc Nhà xuất bản Lao Động, Tổng biên tập báo Lao Động, ủy viên Ban thư ký của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khóa VI, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt nam khóa IV. Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh đã từng là chủ nhiệm trang Văn học công nhân của tạp chí Công Đoàn nhiều năm. Nhà văn Bùi Việt Sỹ từ nước Nga về thẳng Báo Lao Động và đến ngồi ở báo Lao Động cho đến khi về hưu. Ông từng là Chi Hội trưởng Chi Hội Nhà văn công nhân. Nhà văn Trần Dũng, từng là Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao động. Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, từng là Phó giám đốc Nhà xuất bản Lao động, nhiều năm là trưởng ban Văn học Công nhân Hội Nhà văn Việt Nam. Một điều nữa mà thế hệ sau, nhiều người còn chưa biết. Đó là nhà văn Võ Huy Tâm, tác giả tiểu thuyết Vùng Mỏ, giải nhất Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1953, đã từng là cán bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ khi ở chiến khu Việt Bắc. Tổng cộng đến có 10 nhà văn Việt Nam trưởng thành từ Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam. Những gương mặt sáng giá của Hội Nhà văn Việt Nam đã trưởng thành từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất nhiều. Đấy là niềm tự hào của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam mà không có bộ nào và cơ quan ngang bộ nào có cơ duyên đó, kể cả Trung ương đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và Hội Phụ nữ Việt Nam. Những giải thưởng danh giá về Văn học Công nhân có phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm đều do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đóng vai trò chính. Điều đó là tất nhiên vì Văn học Công nhân là dòng văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

          Vì sao có Chi Hội Nhà văn Công nhân.img_7290

           Nhiều người cũng chưa biết cơ duyên này. Chi Hội Nhà văn Công nhân, một trong ba chi Hội đặc thù của Hội Nhà văn Việt Nam (Chi Hội Nhà văn Quân đội, Chi hội Nhà văn Công an và Chi Hội nhà văn Công nhân), nhưng khi thành lập lại ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chính Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người ấn nút thành lập chi Hội mà nhà thơ Nguyễn Tùng Linh là linh hồn của chi Hội này.

          Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh cho biết, khoảng năm 1996, theo các nhà văn Việt Nam ở Tổng liên đoàn, đề nghị nên thành lập chi Hội Nhà văn Công nhân vì lúc đó, tác phẩm viết về Văn học công nhân nhiều. Anh em giao cho nhà thơ Nguyễn Tùng Linh lên gặp đồng chí Đặng Ngọc Tùng, lúc đó là Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng đã có tờ trình báo cáo đồng chí Cù Thị Hậu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn chuẩn y. Bộ Công An đồng ý cho phép cấp con dấu riêng của chi Hội để giao dịch. Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh, linh hồn của Chi Hội Nhà văn Công nhân, là Trưởng chi Hội trưởng đầu tiên. Chi hội được bảo trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Như vậy, dòng Văn học Công phân, phôi thai từ 1934 với tiểu thuyết Lầm Than của nhà văn Lan Khai viết về đời sống lầm than của thợ mỏ than ở Tuyên Quang, đến 1953 có tác phẩm Vùng Mỏ của Võ Huy Tâm được giải nhất cuộc thi của Hội Văn nghệ Việt Nam, là tác phẩm đầu tiên về Văn học Công Nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mãi đến năm 1996 mới thành lập chi Hội Nhà văn Công Nhân.

          Từ 1996 đến 2006, các nhà văn Việt Nam ở Tổng Liên đoàn đã nghỉ hưu hầu hết, nhưng các cuộc thi sáng tác và trao giải về dòng Văn học Công nhân vẫn do Tổng Liên Đoàn chủ trì, cấp kinh phí và tổ chức trao giải.

          Làm gì để dòng Văn học Công Nhân tiếp tục phát triển.

          Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có vai trò đặc biệt và quyết định cho sự tồn tại và phát triển của dòng Văn học Công nhân Việt Nam từ trước đến nay. Năm 2019, trên cơ sở Chương trình phối hợp số 937/TLĐLĐVN-HNVVN Ngày 15/6/2009, được ký kết giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam về việc " Xây dựng và phát triển văn học đề tài Công nhân - Lao động và Công đoàn giai đoạn 2009 - 2020" và sau cuộc trao giải thưởng Văn học Công nhân năm 2014, hai bên đã cùng phát động Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài " Công nhân và Công đoàn giai đoạn 2015-2019" theo kế hoạch phối hợp số 56, ngày 23/9/2014.

          Mặc dù chưa tổng kết chương trình phối hợp này nhưng, Báo Lao Động đã chủ động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn về Văn học Công nhân 2021-2023 thành công rực rỡ. Cuộc trao giải tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội tối ngày 26/11/2023 với 24 tác phẩm (2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 12 giải khuyến khích) được tặng thưởng đã chứng minh điều ấy. Tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã khẳng định: " Đến nay, có thể khẳng định, cuộc thi đã thành công tốt đẹp về nhiều mặt. Việc “đánh thức” một mảng đề tài quan trọng trong nền văn học nước nhà trở thành điểm nhấn và thành công quan trọng của cuộc thi. Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân-người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học-nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, để dòng chảy Văn học Công nhân mạnh hơn và thường xuyên, cần có một chương trình phối hợp dài hơi từ 5 đến 10 năm tới, được thỏa thuận ở tầm cao nhất là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Cần có một hội thảo đánh giá về giòng văn học Công Nhân thời gian qua và những việc lớn phải làm tiếp theo để chuẩn bị chương trình phối hợp đó. Làm được những việc trên cũng góp phần hoàn thành nhiệm vụ của Hội nghị Văn hóa toàn quốc mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đề ra ngày 24/11/2021, góp thêm những biện pháp quyết liệt để chuận bị cho dịp 100 năm thành lập nước, năm 2045.

                                                                          Tháng 5 năm 2024

                                                                                    L.T.L

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 46
Trong tuần: 844
Lượt truy cập: 457905
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.