Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRUYỆN NGẮN VĂN GIÁ...

Truyện ngắn Văn Giá
đôi điều phác thảo

PHÙNG GIA THẾ
 
 
van-gia-vanvn2
            NHÀ VĂN VĂN GIÁ
 
1. Bấy lâu, bạn đọc biết đến Văn Giá chủ yếu với tư cách nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Thì cũng đúng thôi, bởi dạy học, nghiên cứu văn học là công việc chính của ông. Cho đến nay, Văn Giá đã in hàng chục tập tiểu luận - phê bình, chân dung văn học và giáo trình đại học, cũng là các tác phẩm chủ chốt tạo thành uy tín văn học của mình. Tiêu biểu trong số đó, có thể kể đến, chẳng hạn như: Một khoảng trời văn học (2000), Vũ Bằng - bên trời thương nhớ (2000), Đời sống và đời viết (2005), Viết cùng bạn viết (2010), Người khác và tôi (2010), Viết khi tâm đắc (2020), Sáng tác truyện ngắn (2014), Viết phê bình văn học (2021)…
Nhưng Văn Giá cũng là một cây bút sáng tác rất có duyên. Cùng với cuốn tản văn Trần gian muôn nỗi (mà ông gọi là viết ngắn), Văn Giá đã trình làng bốn tập truyện ngắn gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc: Một ngày nát vụn (2009), Một ngày lưng lửng (2015), Mưa ở Bình Dương (2019) và Ai nói & tại sao lại nói như thế (2024). Như thế, chỉ riêng trong truyện ngắn, với gia tài ấy, hẳn cũng là rất đáng kể ngay cả với những cây bút chuyên nghiệp, thạo nghề…
2. Thoạt đầu đọc Văn Giá, tôi không khỏi một điều băn khoăn. Không biết có phải do làm Trưởng khoa Sáng tác, lý luận, phê bình (Trường Đại học Văn hóa), sống trong môi trường mà người học chủ yếu là người sáng tác, nên ông cũng thử “đánh liều” viết truyện ngắn chăng? Hóa ra không phải. Đọc Văn Giá mới thấy, ông là một cây bút truyện ngắn rất có nghề. Bước vào thế giới truyện Văn Giá, tôi đã đọc ông như đọc một cây bút truyện ngắn, không phải một nhà phê bình viết truyện. Truyện ngắn Văn Giá cho tôi mấy điều thu lượm sau đây.
2.1. Truyện ngắn Văn Giá là truyện của người kể. Nghĩa là, trong truyện Văn Giá, luôn có một người kể chuyện là nhân vật trung tâm. Nhiệm vụ của nó là kể chuyện mình, hoặc kể lại tất cả những chuyện mà mình nghe được hay quan sát được. Nhân vật của Văn Giá dường như không tự thiết lập thành câu chuyện, nói chính xác hơn, nó không tạo thành “tính cách” một cách độc lập. Dường như, nếu không có một người kể “can dự” vào (kiểu “tôi kể anh nghe”) thì nó không thể tự thân triển hiện. Điều này có nghĩa, khi nào người kể dừng kể thì cũng là lúc hết chuyện. Đây là một “hiểm địa” của người viết, nhưng đồng thời lại là điểm nhấn quan trọng nhất làm thành cái duyên Văn Giá trong truyện kể.
Đọc Văn Giá, thấy người kể chuyện của ông luôn là kẻ ưa quan sát, thính nhạy, tinh đời. Thì đấy, “ăn sáng café” cũng thành truyện (5 người, 5 nghề khác nhau thành 5 chuyện), “chăm người bệnh” cũng thành truyện (4 người bệnh, 3 bà vợ, 1 bà osin đi chăm), “về nơi chốn mới” (4 lần mua nhà, đổi nhà) cũng thành truyện, mà truyện nào ra truyện nấy, sinh động, hẳn hoi với đầy đủ dư vị xã hội, nhân tâm. Không phải ngẫu nhiên, cốt truyện truyện ngắn Văn Giá chủ yếu được triển khai theo mô hình “lắp ghép”.
Đọc Văn Giá sẽ thấy, có một “Văn Giá kể chuyện người” và một “Văn Giá kể chuyện mình”. Tỉ như Quạt giấy, Chăm người bệnh là kể chuyện người, còn Về nơi chốn mới hay Một góc trời xa là kể chuyện mình. Qua đây lại thấy, người kể chuyện của Văn Giá dù ở ngôi thứ ba hay thứ nhất, thì vẫn mang dáng hình của kẻ, nói như tác giả là làm nghề “bới chữ lấy ăn”, đây đó thân gần với tác giả tiểu sử biết bao. Là Tuấn (Về nơi chốn mới), là Doanh (Quán ông già) hay anh giáo xưng tôi (Một góc trời xa)… thì cũng là những “phiên bản” khác nhau của con người tác giả đấy thôi. Nói sự hấp dẫn trong truyện ngắn Văn Giá đặt cược vào cái duyên người kể, là như thế.
2.2. Truyện ngắn Văn Giá chủ yếu là chuyện của người trí thức. Có thể xem đây là “mã”, đồng thời là điểm nhìn để nhà văn quan sát, đánh giá, khởi sự và kết thúc câu chuyện. Điểm độc đáo ở đây là, nhân vật trí thức của Văn Giá luôn là kiểu “trí thức dở người”. Nó không xấu xa nhưng cũng không đại diện gì cho lí tưởng. Nó không tha hóa nhưng cũng chẳng có gì tốt đẹp, văn minh. Nó biết vùi mình vào thế cuộc để sinh tồn nhưng cũng tự nhận ra gương mặt nhếch nhác của mình. Dễ nhận ra nhân dạng những gã vô dụng “cơm và vào miệng cứ vãi xuống nền nhà như vãi cho gà ăn”. Ấy thế mà cũng đủ trò đú đởn, chẳng hạn kiểu tự nhủ của ông thầy: “Giả dụ nó không xưng con thì cũng à ơi đôi câu đĩ miệng cho nó vui đời”. Rồi chuyện mấy bố già rủ nhau đi chơi gái, chuyện đưa thầy đi hát karaoke, “liếc mắt thấy thầy sục sạo ra trò” (Mình đã “giề” rồi).
Chân phờ zờ sờ là câu chuyện hội tụ đủ đầy cái buồn - đau - nhục nhã - ê chề của người trí thức. Cái hay và khéo của nhà văn ở đây là, ông không nói mát, nói hờn, mà dùng kiểu giọng tự trào đặc trưng “combo” thêm một nụ cười chua xót về thói dởm hợm, ba hoa, a dua, háo danh, lại cũng phải này nọ vì miếng cơm manh áo của người trí thức.
Quan sát một chút sẽ thấy, nhân vật của Văn Giá nếu không là mấy gã “trí thức dở hơi” thì người kể chuyện của ông sẽ (và trên thực tế) luôn sắm vai người trí thức. Đọc Văn Giá, tôi hay liên tưởng tới Nam Cao. Là tôi nói về cái sự tương đồng giữa con người tiểu sử với hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nói thế là bởi, ngoài đời, Văn Giá lành tâm, tử tế, ân cần, đôi khi lượng sức mình, ông cũng tránh hoặc ít tham gia các kì cuộc nhậu nhẹt giao đãi bạn bè. Thế nhưng Văn Giá trong văn chương - cái tôi thứ hai của ông thì khác, cũng “rất ra gì và này nọ”. Bước vào truyện ngắn, Văn Giá “thứ hai” trở nên lọc lõi, bén tin, thạo đời, “tán gái như ranh” (tất nhiên, như tác giả nói, cũng chỉ là để giải quyết cái đĩ mồm), cũng hùa vào tham gia các vụ karaoke, “thư giãn”, thậm chí thám mã cả những vùng hiểm địa của đời sống. Khi nhập vai vào câu chuyện, cũng là lúc Văn Giá thoát ra khỏi cái cốt cách của một ông giáo viết văn, đôi khi rất “ngầu lòi”, phá cách, thú vị theo một cách riêng (“Vào đi anh. Ôi anh! Ôi… Anh!...” - Mình đã “giề” rồi).
Văn Giá viết nhiều chuyện quê, nhưng là chuyện quê qua cái nhìn anh trí thức phố, cái anh trí thức kẽ chân còn lấm bùn ruộng mạ, hết đời vẫn không hết thói quen quê, cách nghĩ quê, tình quê, nỗi buồn quê… Đây cũng là chỗ cốt tử của câu chuyện “ai nói” và “nói như thế nào”. Bức tường rào là chuyện hai anh em chia đất, nhưng cũng là chuyện chia cách lòng người. Người chú họ ở làng Ngoài là câu chuyện nhà quê với bao đứt gẫy trong quan hệ tình thân.
Truyện ngắn Văn Giá đây đó xuất hiện hình tượng người đi tìm kí ức, tìm lại những thân sơ quá vãng tình đời (Phật chỉ, Một góc trời xa, Tìm em…) nhưng cơ bản gắn với những chủ đề đương đại. Chuyện từ nhà ra ngõ. Chuyện đông tây. Chuyện thế sự nhân tâm. Do thế, truyện của ông, nếu không gợi ra ít nhiều ý vị nhân sinh, thì cũng là những câu chuyện mang tính luận đề. “Lại bảo, trên hội trường sau đó, sát chân tường, nơi kệ bục phông màn linh tinh, tự nhiên có một đống mối đùn to như cái mả. Lúc nhúc những mối là mối. Mối cánh. Mối già. Mối trẻ. Mối non. Chắc là có mối chúa” (Hội/hậu trường). Tuy nhiên, Văn Giá không viết văn để răn đời, càng không phải để chửi đời. Cái hay của ông là ở chỗ, ông biết trào tiếu, cả tự trào. Mà khi người ta biết tự trào rồi thì còn cần chửi hay răn ai làm gì nữa…
2.3. Truyện ngắn Văn Giá tự nhiên trong cách kể, linh hoạt về thi pháp. Có lẽ đây là điểm cộng lớn nhất trong các sáng tác của ông. Cách tạo giọng của Văn Giá cũng rất đặc trưng. Ông luôn giữ chất giọng tửng tưng, pha chút chì chiết, bỡn cợt, tự trào song thảng hoặc lại tạo những cú “đẩy chệch” khiến bạn đọc phải ngẫm ngợi, nhói đau. Tỉ như trong Quạt giấy, vị giáo sư có phần “dở tính”, nhưng cũng bởi lòng thương cảm, cuối cùng lại viết di chúc nhường một phần tài sản cho cô giúp việc không có quan hệ thân sơ. Trong Chăm người bệnh, cô vợ “bệnh nhân thứ hai” cả ngày cười đùa cốt để chồng vui chỗ đông người, tối lại một mình ra sảnh khóc. Trong Một góc trời xa, thế giới ký ức được kể bởi một ông giáo già ưa hồi tưởng, đa cảm, mộng mơ, để lại bao ngậm ngùi, buồn thương, tiếc nuối. Trong Mưa ở Bình Dương, sự đồng cảm của ông giáo với người bác sĩ như một giải pháp “chữa lỗi” cho những hống hách của công quyền trở nên vô nghĩa bởi ngay sau đó, vị bác sĩ bị đám “du côn phường” thu giấy phép hành nghề…
Văn Giá có cách kể dí dỏm rất có duyên, kiểu: “học đại học tại chức ngành “ăn theo nói leo”; “Tôi quê Hà Nội mở rộng” (Mưa ở Bình Dương); “Vợ lão hay nói nửa vui nửa thật, mỗi khi về tới nhà chả có ai mừng, chỉ mình con chó mừng thôi” (Một ngày “Lão Hạc”)…
Văn Giá biết thế mạnh và chỗ chết người của giễu nhại. Thế nên, ông tương đối chừng mực trong lối viết này. Đến tập truyện thứ tư, ông có truyện Diễn ngôn rất đặc sắc. Toàn bộ truyện ngắn được tổ chức trên nền đối thoại. Các diễn ngôn chọi nhau, cơ bản là nhại các diễn ngôn chính thống rỗng nghĩa. Ở đây, lời chính thống và phi chính thống được đặt theo chuỗi song hành. Mô hình vận hành hệ thống công chức được dân gian hóa, quy về hoạt động tiêu hóa hay hoạt động tính giao.
Văn Giá ưa sử dụng câu văn ngắn, giàu nhịp điệu, kiểu: “Bây giờ thì răng lợi đã tạm tạm. Bác sĩ bảo lên sẹo rồi. Để chừng một năm nữa khám lại xem sao. Tôi kiễng chân, ngoác mồm, nghiêng mặt nhòm vào trong gương. Quả là đã lên sẹo. Cái răng này đây. Một tối Bình Dương mưa gió”… (Mưa ở Bình Dương); “Lên Mẫu Sơn. Hàn đi một mình. Thi thoảng trốn khỏi Hà Nội, Hàn vẫn hay đi đâu đó một mình. Xuôi Bắc. Ngược Nam” (Phật chỉ).
Truyện ngắn Văn Giá gẫy gọn, tốc độ trần thuật nhanh, đôi khi gấp gáp. Ông ít miêu tả thiên nhiên, sử dụng nhiều chuyện xen độc đáo. Tuy nhiên, tôi rất thích những đoạn trữ tình trong truyện ngắn của ông. Ở đây, sự thiếu vắng một cấu trúc tự vận hành của cốt truyện được bù đắp ở chỗ nhà văn rất biết gợi không khí truyện. “Thì ra đây chính là con sông Thương chảy về làng tôi dưới xuôi. Tại đây, có một cái bến xây gạch từ mặt đê dốc xuống sát mép nước. Cái Thiềm bảo bến có ba mươi sáu bậc. Chả biết có đúng không”; “Bến sông Thương thượng nguồn trưa ấy. Tiếng đập chiếu vang động mặt sông. Sông cứ chảy vô tình. Sông ơi, có phải mấy chục năm nay mày vẫn thế?...” (Đồng bạc lấy may).
3. Truyện ngắn Văn Giá như những “mảnh vụn nhân gian muôn hình đòi lên tiếng”. Ở đó, có cái chua xót, ngậm ngùi, cái vân vi về cõi nhân sinh vụn vẽ. Ở đó, có cái hoang mang vô hình về những bào mòn đứt gẫy tình người trong cõi nhân gian. Văn Giá có lối viết tửng tưng, ưa cật vấn, đôi khi tỏ ra hơi lạnh, đâu đó chêm xen cái bỡn cợt đặc thù, nhưng ông không giấu được một trái tim nồng hậu, ấm nóng, trái tim luôn khao khát hướng về những điều tốt đẹp, từ tâm. Ở tuổi mình, Văn Giá tự tin viết ra những điều mình nghĩ. Có lẽ ông cũng tự tin mình là một cây bút truyện ngắn. Còn tôi thấy ông là một cây bút truyện ngắn hay./.
anh_cua_trung_nguyen_11
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 43
Trong tuần: 691
Lượt truy cập: 417858
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.