Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRƯỞNG THÔN PHÒM

 Nguyên An

NHỮNG CHUYỆN CỦA TRƯỞNG THÔN PHÒM
có phải là chuyện mua bán tiếng cười?
(Nhân đọc tập truyện ngắn Chuyện của Phòm tác giảLaHAN, Nxb Hội Nhà văn 2017)                                                                       
 
Thủa xưa, từ thời nảo thời nào, khi chưa mấy ai được đi học mà biết chữ, người ta đã chế ra những cặp câu lục bát có vần mà đọc cho nhau nghe, những là:
Con cò là con cò quăm
Mày hay đánh vợ đêm nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối chẳng ai cho nằm.
Và là:
Của đời cha mẹ để cho
Làm không ăn có, của kho cũng rồi…
Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi.
Khi đã có người đi học đông hơn, là lúc văn chương được viết ra trên thẻ tre, khắc trên tấm ván, in trên giấy… Bấy giờ, tiếp tục những chiêm nghiệm về cuộc đời mà tạo ra những lời khuyên lời răn cũng na ná như trên. Thời gian này xuất hiện một quan niệm: Văn dĩ tải đạo, Thi ngôn chí, nghĩa là: Làm văn (kể chuyện mình chuyện đời) là nhằm chuyển đạo lý tốt đẹp đến muôn người, sáng tác thơ cốt sao thể hiện được chí hướng làm người chân chính, tử tế.
Tôi đọc 41 mẩu chuyện trong tập truyện ngắn có tên Chuyện của Phòm do ông LaHAN viết ra trong mấy ngày đón Tết Mậu Tuất, tự nhiên nhớ và nghĩ như thế.
Bạn đọc mà đọc tập Chuyện của Phòm, có thể bạn cũng cười phá ra sảng khoái, hoặc trầm ngâm nghĩ ngợi như tôi, hơn tôi. Ý nghĩ nhiều khi rất bất ngờ, chúng chạy nhanh hơn chuột chạy, vèo qua đầu ta nhanh và kinh hoàng hơn một thông tin trên sàn giao dịch chứng khoán sau cú nhấp chuột trên bàn phím.
Ông LaHAN chưa chắc đã ngờ tới “phản xạ” của người đọc truyện của ông cũng nên. Nhưng xin ông cứ vui đi, các nhà văn từng trải như Ma Văn Kháng, Vũ Huy Anh… chẳng đã nói như các nhà nghiên cứu văn học rằng: Tác phẩm thơ hay truyện ngắn dài từng đó, cứ được người này đọc, à lên một tiếng, khiến người khác tìm đọc theo, lại ồ lên một tiếng - một tiếng thôi, là thốt nhiên thôi, thế là báo hiệu một phản xạ, một cộng hưởng, một sự bàn tán bắt đầu, thế là thành công rồi còn gì nữa.
Mà tôi để ý tìm hiểu, thì được biết: tập truyện này được in mẻ đầu 1.000 bản, ở xưởng in Quân khu 7 tại thành phố Hồ Chí Minh, mấy tháng vừa rồi, mấy tiệm photocopy đã photo cả 172 trang giấy trăm bản, hoặc photo một số truyện trong đó có tới cả nghìn bản. Hàng đã đắt rồi.
Tại sao ông LaHAN vốn chỉ quen nhiều với bạn đọc phía Bắc, nay lại được bà con trong kia thích thế? Việc này các nhà phân tích thị trường sách văn học đã và đương kiến giải, còn tôi thì thấy thế này:
  1. Chuyện của Phòm trước hết, là một tập truyện ngắn, viết hay, viết đúng, và trúng với những điều lớp bình dân vẫn thấy, vẫn nghĩ, vẫn bình tán mà qua đó, nội dung cảm nghĩ, tầm cảm nghĩ của họ được nâng đỡ và phát triển hơn lên.
Lại nhớ đến quan niệm về văn thơ của người xưa, thì tác giả của những Chuyện của Phòm đã là một dòng kể theo được yêu cầu bình dị mà cao cả là Văn dĩ tải đạo rồi:
Để không ra vào lan man lí sự “cao xa”, xin có mấy lược kể:
Trước hết, tập truyện ngắn Chuyện của Phòm toàn kể lại, nhắc lại và kể thêm những chuyện nhiều người đều biết và đang xôn xao. Nào là biệt phủ ở Yên Bái và cuộc thi hoa hậu Đại dương, thi hoa hậu ở làng, chuyện đội tuyển bóng đá của ta đá với tuyển bóng đá Thái Lan, đến chuyện nơi này nơi kia có hội thơ hưu trí, tưởng để cho vui, ai dè sau mấy lần gặp gỡ, ai ai cũng nhận mình là nhà thơ cả, đến là phiền…
Ấy là chưa kể đến các “chuyện vặt” như chuyện đặt tên đường tên phố rối rắm và bi hài ở nhiều nơi.
Và nhiều hơn, chiếm đến 40% nội dung, là các chuyện riêng của Phòm: Phòm được bầu làm trưởng thôn sang khóa thứ ba, nhất quyết trả tiền phụ cấp cho nhà nước mà không được, vì xưa nay không ai chê tiền nhà nước – tiền chùa như thế(!), chuyện cha con Phòm bắt trộm, rồi Phòm dạy vẽ, học viết báo, chôn sổ đỏ, nằm bệnh viện, viết sử làng, lại cả chuyện Phòm đi du lịch, đi hát karaoke, đi dự hội nghị quốc tế gặp vợ chồng Thị Nở - Chí Phèo v.v., và v.v… Là chuyện riêng, bí mật lắm, nhưng vì tin ở bạn nhiều, nên Phòm đem ra kể hết.
Phòm kể chuyện nhà,  chuyện làng, chuyện nông thôn thì đổi mới… Chuyện nảo chuyện nào, qua lời ông LaHAN, đều có vẻ tếu táo ngô ngố đấy, thoắt cái, lại ranh mãnh giễu nhại thế nào…, mà lạ thế, khi tiếng cười sắp dứt, đã chơm chớm nỗi đau buồn. Hoặc có chuyện lại mang máng trạng thái như hoa mắt, ù tai, chưa hiểu thế nào, thôi thì “cháu cứ kể ra vậy, các bác cứ đọc rồi tính tiếp với cháu xem thế nào cho phải là được”.
Được cái chuyện nào cũng có ý tứ nhắc nhở, cảnh tỉnh, gợi nghĩ suy, gợi việc nên làm, việc cần sửa sang… mà gọn ghẽ chỉ chừng dăm bảy trăm chữ, nghìn chữ là cùng. Ví dụ như chuyện Phòm đi du lịch, có kể:
Vừa xuống sân bay, Phòm vê vội thuốc, cho vào nõ điếu, rít một hơi “hào sảng”, đúng lúc định hỉ cái sái thuốc ra sàn bóng loáng kia thì cô con gái đã nhanh tay lật ngay cái mũ trên đầu ra, hứng lấy cái cục hôi xì đen đen của bố. Phòm kêu lên: cái mũ hơn triệu bạc, sao phí thế con?! Cô gái giải thích rằng luật pháp ở đây cấm làm bẩn, ai không theo có thể bị phạt tiền, nặng hơn là vào tù, đi dọn hố xí… Phòm quát lên: Nó làm thế là sỉ nhục con người, là vi phạm nhân quyền! Lũ tư bản rêu rao là dân chủ, tự do mà thế thì chẳng bằng tự do của làng ông! Biết thế này tao đếch thèm đi với chúng mày cho xong.
Hay như chuyện Phòm bàn về giáo dục, là chuyện thường nhật ở làng, cũng là chuyện quốc gia đại sự xưa nay, thấy rối như canh hẹ, nẫu cả người. Phòm ngẫm nghĩ và tính cho con gái thế này:
Cứ thi, cứ vào trường sư phạm. Điểm cao thì học xong, ra trường dạ
y con nhà giàu; điểm thấp, học xong ra dạy con dân đen, đều sống được cả. Vả lại, cứ phải vào trường đại học đã, thế nào cũng có bằng đại học giắt lưng, ra trường không sợ ế chồng; đấy cũng là tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ đang không có học trò mà dạy kia kìa. Ngành giáo dục – đào tạo đang muốn có thêm thành tích phổ cập giáo dục toàn dân đại học đấy thôi!
Đọc chuyện này chỉ hết chừng 3 phút, mà tôi biết, có mấy người đã phụ họa Phòm, đã nghi ngờ ông LaHAN là tay móc máy cả mấy ngày… Nhưng cũng có ông nhỏ nhẹ: Tôi mà quen ông LaHAN, tôi sẽ bảo ông ấy tặng mấy vị chức sắc trong ngành giáo dục, mong sao họ dành thì giờ mà đọc, để hiểu dân ta đang nghĩ gì, muốn gì với cái ngành rất chi là quốc sự này.
Tôi có nói là truyện của LaHAN viết ra trong tập Chuyện của Phòm được lớp bạn đọc bình dân chuyền tay nhau đọc, là có lý do, ấy là: người bình dân bây giờ đã hay đọc sách văn chương và nhật báo hơn mấy ông công chức – quan chức thật (Tôi có kiểm chứng đấy). Vả chăng, một tác giả văn chương, ở một tác phẩm cụ thể, hẳn sẽ hướng tới một lớp/lứa công chúng nào đó mà viết, mà đối thoại; thì đó là dấu hiệu của một sự trưởng thành của ông/bà ấy trong nghề. Một nền văn chương văn học biết hướng đến số đông bình dân là một nền văn học có tính nhân dân – dân tộc và lành mạnh, rất có năng lực cộng sinh mà cùng phát triển.
  1. Mất thì giờ là lãng phí, là “không kinh tế” tí nào. Tập truyện Chuyện của Phòm quả là không làm mất thì giờ của bạn đọc, tôi cũng đoán là khi nó được in thêm, hẳn là tác giả được nhuận bút nhiều hơn rồi. Nhà văn cũng “làm kinh tế” à? Thì làm, chứ sao không?
Theo tôi, ông làm bằng việc xác định được, chọn lựa rồi thực hành được một lối kể chuyện. Nói theo mấy nhà nghiên cứu văn chương, thì tác giả tập truyện ngắn này đã có nghệ thuật viết truyện ngắn vững vàng, tạo ra được sức hấp dẫn đối với người đọc.
Theo dõi đoạn trên, chắc bạn đọc đã thấy rằng: ông LaHAN kể chuyện ông Phòm, mà “đụng độ lung tung” bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu sự việc to to nhỏ nhỏ nhức nhức buốt buốt cả. Viết không vững, “người ta” kiện ra tòa ấy chứ!
“Ấy là giả tưởng thế thôi, có điên mà đi kiện nhà văn, thế ra ông lại lạy ông tôi ở bụi này à?”, có người đã nói với bạn thế.
Không nên và không thể “kiện” được ông này, và nhiều ông/bà viết truyện, làm thơ phơi bày thực trạng có chỗ có lúc là “không ra gì”. Hơn thế, cũng nên học theo họ mới phải.
Các cụ ta lâu nay vẫn dặn con cháu: Liệu lời mà nói nhé. Lại cũng có câu: Nói phải củ cải cũng nghe. Cái lối kể chuyện biết “liệu lời” ở tập truyện ngắn này là ở nhiều biểu hiện:
Chùm ví dụ 1. Tác giả bắt đầu câu chuyện rất tự nhiên, nhẹ nhàng, tỉ như: Có chuyện là “vào ngay”, không lượng lừ mất thì giờ của người đọc:
- “Giữa trưa, Phòm nhận được lệnh: 4 giờ chiều có mặt tại Ủy ban xã. Có việc gấp”.
- “Cậu bí thư chi đoàn thôn đến nói với Phòm: Gay quá bác ạ!”
- “Nghe chuyện ở “Sài Goòng” có hai cô gái đi chơi đêm. Bị giữ…”
Có chuyện lại mở đầu “nhẩn nha”, thấp thoáng nụ cười tủm tỉm:
- “Làng Cửa Ao có anh Sèng.
Phòm hay qua chơi. Nhà Sèng có nhiều khúc quanh đáng suy ngẫm…
- “Phòm có 3 đứa con gái và duy nhất một thằng con giai. Thằng con tóc rễ tre, mắt lé, tai chuột, ranh từ bé. Tên nó là Phền. Năm nay 13 tuổi.”
- “Nhà em không thích bàn về vụ án. Mấy hôm nay gặp cơn bão mạng về vụ kiện của đại gia Cao Toàn Mỹ với Hoa hậu Nga Nga gì đấy. Em thấy sao mà phức tạp thế! Người chửi Mỹ, người chê Nga…”
Hai cách mở đầu trên là “rất cổ điển”, như sách đã dạy ngón nghề viết truyện, chẳng qua là ông LaHAN vận dụng đúng với nội dung tiếp theo, bằng một nhịp điệu văn xuôi vừa tiết chế vừa linh hoạt. Chỉ là thế thôi, thưa bạn đọc, mà nên đấy. Ai ai có thích viết truyện, đã viết truyện, cứ thử mà xem. Nhà văn đàn anh Đỗ Chu đã từng nói: Cái truyện ngắn hay là cái truyện mở đầu tự nhiên, tưởng như mình cũng có thể kể ra được…
Còn cách mở đầu thứ ba tôi nhặt ra làm ví dụ ở đây, lại rất có dáng dấp của lối viết bút ký, như chẳng văn chương gì:
- “Là cựu chiến binh, lại có tí chức sắc, ăn nói được, lại có đồng đội cũ làm chánh tòa ở huyện; Phòm được mời (đích danh) làm Hội thẩm nhân dân”.
- “Sê-gêm.
Các em đã thi đấu quật cường. Các em đã chiến thắng vẻ vang. Các em đã giúp cho bao người yêu bóng đá trên dải đất chữ S đỡ sạm mặt vì các trận thua khác trên các lĩnh vực khác! Trên cả tuyệt vời! Phòm không ngủ được.”
Cái mở đầu kiểu này là lời của nhà Đài Truyền hình hay cùa Phòm? Hay của “một tay rách việc” nào đó?
Ấy, lối vào truyện của các truyện trong tập này đại loại thế. Là rất có giọng điệu riêng, linh hoạt và tạo chú ý ngay từ đầu, tạo đối thoại ngay từ đầu đối với người đọc. Tôi cũng định đưa ra một chùm ví dụ 2, là để nói về cái khả năng “liệu lời mà nói” - ở đây, là khả năng kể chuyện của tác giả trong những câu/đoạn giữa truyện, để bạn đọc biết rõ hơn nội dung và ý tứ của các truyện của trưởng thôn Phòm, ông Phòm cho mọi người hay. Nhưng ngặt nỗi, truyện nào cũng vắn gọn đến mức nếu tóm tắt lại, thì hóa ra lại làm hỏng nghệ thuật sáng tác của LaHAN mất thôi. Xin bạn đọc hiểu cho.
Bây giờ tôi muốn dùng chùm ví dụ 3 để bàn về cái kết của các truyện vậy. Về cái kết thúc mỗi truyện trong tập này, cũng linh hoạt lắm.
- Lúc thì vắn gọn như một châm ngôn: “Đấy! Giải quyết việc gì, cứ có lòng thương người, bao giờ cũng hơn!”
- Gần gần giống cái kết chuyện như thế, là cái kết chuyện bằng câu nói nhẹ như không mà ý tứ đến tận bao nhiêu ông to to nằng nặng đồng cảm, là câu này: “Trưởng thôn tuy chức nhỏ. Nhưng biết làm thì… vẫn… vẫn… khá!!!”
- Và nhiều hơn, là những cái kết “tả cảnh ngụ ý, gợi tình”. Chuyện vào bệnh viện, chứng kiến sự bẩn thỉu, mất an ninh, tốn kém đủ đường… Phòm dặn con: Sau tao già chớ đưa vào bệnh viện nhé!... Muốn chết cũng không được chết (bởi bác sỹ, y tá, người chăm sóc thuê… đều muốn bệnh nhân sống lâu nữa), tác giả viết tiếp câu kết: “Gió ù ù bên tai Phòm, nghe như tiếng tù và rúc trong núi đá những ngày mưa dai!” Hay như ở cái kết của nhiều truyện khác, nhà văn thường tả cảnh nắng, cảnh gió, cảnh mưa, cảnh ồn ào đám đông, tiếng gà gáy tư tư, tiếng mèo kêu như nói: “Tiên sư lũ chuột thối. Rồi chết với ông!!!” Bỗng đập một cái là cái kết thế này: “Chú được dân tin là một phần nhé! Phải hiểu lòng lãnh đạo nữa mới lâu bền ở chức đấy được!” và: “Phòm ra về giữa cái nắng quái chiều hôm. Mặt Phòm trĩu xuống! Nằng nặng… Mình ngu… ngu thật! Nhưng lòng lãnh đạo thì dò thế đ. nào được! Thôi về trung thành với mẹ thẽm ở nhà thôi!”
Người thì bảo tập truyện ngắn này còn được nhiều người đọc nữa, nhờ cái thói ngôn ngữ đời thường được đưa vào ngọt mà hóc: người lại cho rằng tập truyện này “nói”, “bàn” chuyện lớn từ những chuyện vặt, cũng là cái hay.
Tôi muốn chua thêm: Tập này toàn chuyện ngỡ như chỉ để mua vui, tào lao hài hài của mấy người hay ngồi quán nước chè vỉa hè, quán bia cỏ… thế mà đọc, không dừng giữa chừng được, rồi đọc tiếp, đọc nữa thấy bao nhiêu việc nước, lẽ đời trong đó. Quả thực đã có một tiếng cười hả hê và đa nghĩa trong tập truyện Chuyện của Phòm này.
Đây là tiếng cười khỏe khoắn lành mạnh, nó đang hòa nhịp vào dòng văn xuôi dùng tiếng cười để góp phần tẩy rửa và tống tiễn cái xấu, cái không còn thích hợp, cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta thêm mạnh bước.
                                                                                                        N.A
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.