Đỗ Bảo Châu
TRONG SƯƠNG CHIỀU ĐẠI LẢI
Vào những năm “tám mươi” của thế kỷ trước, lúc đó tuy giải phóng miền Nam đã được mấy năm, nhưng có chiếc xe máy để đi, vẫn còn là của hiếm. Bởi vậy, Triều có một chiếc xe máy, đã có thể “vây vo” với bạn bè. Cậu em trai của Triều đi lao động tại nước ngoài. Năm ngoái gửi về cho anh trai một chiếc xe “Babetta”. Triều bèn bán đi, thêm tiền mua một cái “Môkích”, hay còn gọi là xe “Sim-sơn” bình xăng võng. Dân chơi gọi xe “bình xăng gãy”. Màu cánh trả. Thời đó Sim-sơn được coi là “tướng”. Sim-sơn có một ưu điểm đặc biệt là thấp, dễ đi. Bộ giảm sóc thì tuyệt vời. Đi cứ êm như ru. Chả thế mà khi sắm xe máy về, cả xóm sang xem.
Cuối năm “tám tư”, Triều được Hội văn nghệ địa phương cử đi dự trại sáng tác Đại Lải. Hồi đó phải là những cây bút được chú ý, đã đăng tác phẩm ở báo chí Trung ương, hay đã có sách in, mới được đi dự trại. Triều đạt các tiêu chuẩn đó. Trại mở một tháng, ở tập trung. Khi ra trại, phải có tác phẩm. Và phải là tác phẩm viết trong trại. Nói chung những điều kiện đó với Triều, không khó. Do Đại Lải chỉ cách Hà Nội cỡ hơn năm chục cây số, nên khác với các anh em trại viên, đi xe đò, Triều đi chiếc Sim-sơn lên trại. Hồi đó, thế là rất “oách”, rất hiếm. Khi một trại viên có xe máy, lại xe máy “oách”, khá nhiều anh em đã ngỏ ý chiều thứ bảy, cho “bám càng” về Hà Nội. Nhưng quan tâm nhất, là mấy chị em nhà bếp. Anh em gọi là “chị nuôi”. Có bốn chị em, thì có đến ba em trẻ trung, trong đó có em Cải là xinh xắn nhất. Cải và một em nữa, tên Hương, thường xuyên đi chợ mua thực phẩm. Chợ ở thị trấn Xuân Hòa, cách trại khoảng năm, bảy cây số. Không gợi ý, thì Triều cũng ngầm hiểu rằng, các em rất “thèm” được anh Triều đèo đi chợ. Mà cũng là phải đạo thôi. Có ai ngồi viết lách từ sáng đến chiều? Mỗi sáng, đưa các em đi chợ cỡ tiếng rưỡi, hai tiếng, thì ảnh hưởng gì đến sáng tác? Có khi còn gợi cảm hứng, sáng tác tốt hơn. Ấy thế là cứ cỡ sáu giờ sáng, Triều lại xách xe, đèo “em nuôi” đi chợ. Mà thường chỉ đèo em Cải… Được ba hôm đầu, đã có cái tủm tỉm cười, rồi ai đó nói bâng quơ, “trông đến là đẹp đôi”. Nhưng sau ba hôm, cả Triều và Cải đều thấy bất tiện. Cải thì ngượng. Mà Triều cũng thấy bất ổn. Ở chỗ, đi chợ phải có hai người. Hình như nguyên tắc phải thế. Một mình Cải đi, có vẻ không xuôi. Chuyện tiền nong, mua bán thực phẩm, là phải có hai người. Trước sự khó xử ấy, Triều bèn nghĩ ra sáng kiến. Anh dành hẳn một buổi chiều, chọn chỗ đường vắng, hướng dẫn cho Cải tập đi xe. Ái chà! Chuyện này cũng chưa có tiền lệ. Nhất là vào những năm “tám mươi”, phụ nữ đi xe số còn cực hiếm. Rồi nhỡ… Nhưng Triều đã quyết tâm để Cải tự mình đi xe máy. Cải vốn nhanh nhẹn, khôn ngoan, chỉ một hai lượt cầm lái (có Triều ngồi phía sau) đã đi khá ngon lành. Lại thêm niềm vui được tự đi xe máy, nên Cải rất ham tập. Và tiến bộ rất nhanh. Tiến bộ đến mức Triều cũng không thể ngờ… Sau hai buổi tập xe, thì Triều đã hoàn toàn tin tưởng giao chiếc Simsơn “bình xăng gãy” cho Cải. Sáng sáng, Cải lại đèo Hương đi chợ. Mỗi lần Cải nổ máy, cả trại ngó ra nhìn. Và coi như một sự kiện của trại. Sự kiện chưa bao giờ có. Chưa có tiền lệ. Đến khoảng chín giờ, tiếng xe máy giòn giã trở về trước sân nhà sáng tác. Phía sau đèo đầy rau, củ, quả…
* * *
Triều dừng lại ở quãng đường, mà anh ước tính còn khoảng ba cây số nữa, thì đến trại Đại Lải. Đây chính là nơi có những vạt sim cằn, có đoạn đồi lúp xúp với đất đá ong đỏ quạch năm xưa, nay đã mọc lên những dãy nhà tầng, nhà nghỉ. Nơi đây cũng chính là quãng đường trống vắng, anh tập xe cho Cải. Ôi! Thế mà đã gần chục năm. Bất giác Triều đưa tay lên túi áo sơ-mi. Một mảnh giấy cỡ bằng bàn tay, gấp tư, vuông vắn. Triều giở ra. Anh chợt mỉm cười với những dòng chữ chân phương, hồn nhiên như chữ học trò: “Anh Chiều ơi! Khi nào có dịp lên Đại Lải, anh bớt chút thời giờ ghé thăm em nhớ. Anh Chiều ơi! Bây giờ em đã sắm được xe máy rồi. Một con “tám hai tám chín” hẳn hoi. Anh lên nhớ. Em chờ anh…” Cái chữ “Chiều” viết sai chính tả, cứ làm Triều bật cười và bâng khuâng mãi. Anh đọc đi đọc lại lá thư. Và anh hiểu rằng, bấy nhiêu năm, Cải vẫn nhớ đến anh. Biết đâu, vẫn mong chờ anh. Nhớ cái hôm chia tay. Buổi chiều hôm trước, Cải đã chủ động gặp Triều. Gặp rất nhanh. Cải bảo: “Chiều nay, em muốn gặp anh. Được không?” Triều mỉm cười: “Sao không được? Nhưng anh phải chuẩn bị một số việc. Tối đi. Tối gặp nhau”. Cải lắc đầu: “Tối thì không. Em không được gặp ai buổi tối”. Triều ngạc nhiên: “Vì sao lại không được gặp buổi tối. Ai nói với em như vậy?” Cải lại lắc đầu: “Không ai nói. Dưng mà… chuyện dài lắm. Không gặp được buổi chiều thì…thôi vậy”. Cải định đi. Triều vội giữ tay lại: “Thôi được rồi! Anh đồng ý. Chiều nay gặp nhau ở đâu?” Cải hấp tấp: “Ở bến…chỗ bến ven hồ. Em sẽ ra trước, đợi anh…” Chỉ nói có thế, Cải đã chạy vù đi. Triều cũng không rõ là mấy giờ? Cái bến thì anh biết rồi. Thôi! Đành cứ ngóng nhìn ra bến… Triều làm rất nhanh cái việc sắp xếp đồ đạc. Anh cứ phải chốc chốc lại ngóng nhìn ra bến. Khi thấy thấp thoáng bóng Cải, anh vội vàng khép cửa, đi nhanh ra. Bến không có người. Nhưng chỗ này cũng chẳng kín đáo gì. Hơi nước từ hồ bốc lên, tạo thành một màn sương mờ mờ, ảo ảo. Khi Triều ra, Cải nói hấp tấp: “Em cũng không gặp anh được nhiều thời gian đâu. Là vì lát nữa, em phải về bếp, chuẩn bị bữa liên hoan tối nay. Với lại…cũng chẳng có chuyện gì quan trọng cả…Mai anh về…Liệu bao giờ anh lại lên?... Liệu bao giờ gặp được anh?” Triều xích lại gần Cải, thì Cải hốt hoảng lùi ra xa. Anh biết, Cải giữ ý. Anh nói nhẹ nhàng: “Rồi anh sẽ lên đây…Lên gặp Cải. Anh sẽ lên thường xuyên. Công việc của anh hay phải đi. Anh có thể lên luôn được. À! Anh muốn biết, vì sao em lại bảo buổi tối, em không đi được? Không được gặp ai?” Cải cười: “Cũng chẳng có gì đâu. Chả là cái trại năm ngoái, ông phụ trách trại có nói riêng với chị em, là…là…mấy anh chị văn nghệ sĩ ở trại ấy mà, họ sống buông thả lắm. Các cháu phải tránh xa. Đừng để rồi mang tiếng cho trại. Đấy! Đại loại ông ấy dặn bọn em thế. Nên…không đứa nào dám hẹn hò buổi tối. Ông ấy mà biết, thì chết!” Triều nhếch mép, cười chua chát: “Ra vậy! Anh hiểu rồi. Nhưng văn nghệ sĩ, cũng tùy từng người. Không phải ai cũng sống buông thả đâu. Thậm chí chỉ là rất ít. Hay em cũng nghĩ anh?...” Cải vội vàng: “Không! Em không bao giờ nghĩ về anh…Anh đã giúp em rất nhiều. Em chỉ sợ anh bận…rồi anh quên…Anh sẽ không lên đây nữa…” Thú thật lúc đó, Triều chỉ muốn được ôm Cải vào lòng. Nhưng anh biết làm như vậy, sẽ hỏng hết tất cả. Rồi Cải sẽ nghĩ xấu về anh.
Và dường như khẳng định lời ông phụ trách nào đó. Tự nhiên, Triều thấy day dứt. Lời nói hồn nhiên của Cải, như lưỡi dao sắc lẻm, cứa vào lòng anh. Anh thấy trái tim mình như bị rỉ máu. Không ngờ, thái độ khác lạ của Triều, Cải đã nhận ra. Đúng hơn là Cải linh cảm thấy, lời nói của Cải đã làm tổn thương cho Triều. Mặt Cải cúi gằm, như người vừa mắc lỗi. Cải nói: “Cái điều em vừa nói, em chỉ nói đùa thôi. Không có thế đâu. Em nhỡ mồm. Em xin lỗi! Thôi, em phải về. Các chị ở bếp, chắc đang chờ…”. Rồi, không để Triều nói gì, Cải chạy vụt đi…
* * *
Con đường lên Đại Lải khác chăng, chỉ là những vạt đồi sim, những dải đất trống đã bị san lấp, phủ kín bằng những ngôi nhà, những hàng quán, những khách sạn san sát. Nhưng cái dốc dẫn đến khu nhà nghỉ, thì vẫn còn đó. Khu tiền sảnh được cải tạo khang trang, bề thế hơn. Trước khu tiền sảnh, có một cái biển đề “Nhà sáng tác”. Nhưng bây giờ vắng vẻ, vì chưa có trại. Chỉ có khu nhà bếp, hay còn gọi là khu nhà ăn, có bóng dáng người. Triều không lên khu văn phòng, vì anh chỉ đến thăm nơi trại cũ, chứ không có việc gì. Chả lẽ lại hỏi thuê phòng? Anh đi xuống khu nhà ăn… Có mấy cô gái đang hí húi làm bếp. Nghe nói khi không có trại sáng tác, nhà ăn vẫn nấu nướng để phục vụ khách tham quan. Anh ngó vào khu bếp. Toàn những khuôn mặt lạ hoắc. Một cô gái tò mò đi ra: - Bác cần gì ạ? Bác định đặt cơm? Đoàn bác có mấy người ạ? Triều lúng túng. Anh trả lời không được mạch lạc: - Không! Tôi chỉ qua thăm… - Bác thăm ai ạ? Văn phòng thì ở tầng hai… - À! Không…Tôi chỉ thăm…Ngày trước, tôi đã dự trại ở đây… - Bác dự trại thứ mấy ạ? - Cũng lâu lắm rồi! Tôi muốn hỏi chị Cải…
Cô gái bỗng tươi tỉnh: - Có phải bác là bác Triều không ạ? Triều giật mình: - Đúng rồi! Sao cháu lại… - Cô Cải không còn làm ở đây nữa. Cô cùng chồng cô ấy mở trang trại rồi ạ. Sở dĩ cháu hỏi thế, vì cách đây mấy năm, cô ấy có để lại bức thư, dặn bọn cháu, là chuyển cho bác Triều, nếu bác ấy có đến… Triều cảm thấy bàng hoàng. Vậy là Cải đã lấy chồng. Đã đi khỏi nơi đây. Và có lẽ đã là người làm ăn khấm khá. Cô cháu gái chạy vào khu bếp. Khá lâu sau quay ra, trên tay cầm một phong thư nhỏ, đưa cho Triều: - Đây ạ! Cô Cải dặn khi nào bác lên…Và cô ấy bảo, thể nào bác cũng lên. Cô ấy chỉ nói đưa lá thư cho bác, mà chẳng dặn thêm gì. - Bác cảm ơn cháu! Linh tính đã báo trước rằng, chuyến đi này, anh sẽ gặp lại Cải. Nhưng anh không ngờ, gặp nhau bằng một lá thư. Triều hấp tấp rời nhà sáng tác. Anh đi nhanh về phía cái bến năm xưa. Kỳ lạ thay, những vạt sương bảng lảng cứ từ mặt hồ bốc lên, khiến cảnh vật mờ ảo, như gần, như xa. Triều ngồi xuống mỏm đá cũ. Anh cẩn thận xé phong bì. Cái phong bì mỏng tang. Bên trong là một mảnh giấy nhỏ, kiểu giấy học trò. Anh hồi hộp mở tờ giấy… Lá thư chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Em không còn ở đây nữa. Anh đừng tìm em. Nhưng em vẫn là người con gái quê mùa vụng dại của anh. Em. Cải” Lòng Triều chạnh buồn. Bất giác hai dòng nước mắt ứa ra. Lặng lẽ. Anh hiểu rằng, bao nhiêu năm nay, Cải chờ đợi anh. Cải đã mỏi mòn. Mà đời con gái có thì, có lứa… Một buổi chiều Đại Lải
Đ.B.C
Người gửi / điện thoại