Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRÔI THEO DÒNG THỜI GIAN

DỊCH GIẢ ĐĂNG BẨY – THẢN NHIÊN TRÔI THEO THỜI GIAN

   Khoảng đầu những năm 1980, Đăng Bẩy công bố bản dịch bài thơ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi của nhà thơ Xô viết Alexey Fatyanov (1919-1959). Viết từ năm 1945, đây là một trong những bài thơ phổ biến nhất ở Liên Xô thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
   Tâm trạng những người lính ngay sau khi chiến thắng trở về làng quê. Bài thơ được phổ nhạc, bài hát cũng đã dịch ra tiếng Việt và hát lên, hát cả trong một vở kịch Nga rất được ưa chuộng hồi ấy, vở Những con hươu xanh. Những người cựu chiến binh gặp nhau và cùng hát: Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn, đã cất bước cùng nhau trên con đường xa...
   Tôi hầu như đã thuộc lòng bản dịch của Đăng Bẩy ngay sau khi đọc trên báo từ hồi ấy. Nhưng rồi gần ba thập kỷ trôi qua, tôi cố nhớ lại mà bài thơ vẫn thiếu mất một khổ, như trong văn bản này:
  Đêm tháng năm những đêm ngắn ngủi/ Tiếng súng lặng im, trận đánh xong rồi/ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi,/ Các bạn đường đồng đội của tôi?
  Trong ánh chiều tà tôi đi tha thẩn/ Trước cổng nhà gỗ sực mùi sơn,/ Có thể người lính quen hiện đến/ Gió hãy đưa đường người bạn tôi mong?
  Nhỡ đâu bạn vẫn còn chưa vợ/ Thì bạn thân ơi, đừng vội chi buồn/ Đây rất nhiều bài ca và trong huyện/ Nhiều cô em xinh đến mê hồn
  Nông trường chúng mình sẽ dựng nhà cho bạn/ Để ai ai cũng biết ở nơi này/ Có một gia đình anh hùng Xô Viết/ Từng lấy ngực che Tổ quốc những ngày
  Đêm tháng năm những đêm ngắn ngủi/ Tiếng súng lặng im, trận đánh xong rồi/ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi,/Các bạn đường đồng đội của tôi?
  Dịch giả Đăng Bẩy đã dịch nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ ca Nga. Nhiều năm anh là biên tập viên trang Văn học nước ngoài của báo Văn Nghệ. Thỉnh thoảng gặp Đăng Bẩy, tôi hỏi xin anh bản dịch đầy đủ. Chính dịch giả cũng không nhớ lại được. Anh cứ khất lần. Lâu lâu gặp anh, ngồi cạnh nhau trong những cuộc họp, tôi cứ nhắc. Mãi cho đến khoảng năm 2007, chắc là không chịu được nữa, một hôm Đăng Bẩy gửi cho tôi bản dịch mới, kèm theo bản tiếng Nga, lại còn viết thêm mấy dòng: “Đây! Khích mãi, trả nợ nhé – mò tìm bản gốc và dịch lại đấy!”.
  Đêm tháng năm, những đêm ngắn ngủi,/ Trận chiến đã xong, bom đạn câm rồi…/ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi,/ Những người đồng hành, đồng đội của tôi?
  Trong ánh nắng chiều tôi đi tha thẩn/ Trước cổng gỗ tươi sực nức nhựa sơn,/ Chắc hẳn một người từng chung mặt trận/ Đang đến tìm tôi… Gió sẽ đưa đường?
  Ta sẽ nhớ về một thời đã sống,/ Từng dặm đường xa, máu lửa khôn lường./Ta cạn ly đầu, để mừng chiến thắng/ Ly nữa, uống thay người mất, kẻ còn.
  Ngộ nhỡ bạn tôi chưa thành gia thất,/ Thì bạn thân ơi, chớ vội ưu phiền./ Tiếng hát vùng tôi không bao giờ dứt,/ Con gái vùng tôi danh bất hư truyền.
  Nhà bạn, nông trường chung tay xây cất/ Để khắp quanh vùng ai cũng xuýt xoa/ Đấy – một gia đình Anh hùng Xô Viết/ Từng mang ngực ra che chắn nước nhà.
  Đêm tháng năm, những đêm ngắn ngủi,/ Trận chiến đã xong, bom đạn câm rồi…/ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi,/ Những người đồng hành, đồng đội của tôi?
  Thế là đã có lại một bản dịch đầy đủ. Cả khổ thơ mà tôi đã quên trong bản dịch cũ.screenshot_1489
   Rốt cục thì Đăng Bẩy đã trả nợ cho tôi. Nhưng rồi cũng hơi buồn cười. Hai chúng tôi đều đã loay hoay một thời gian mà không ai nghĩ ra phải đi tìm bản dịch ở nơi lưu trữ tờ báo Quân đội Nhân dân khoảng đầu những năm 1980. Vậy thì chắc sẽ có ngày một độc giả yêu thơ tìm lại được văn bản ấy. Chắc chắn nó phải còn ở đâu đó, chẳng lẽ lại không thể tìm được một bài thơ trong hệ thống thư viện lưu trữ của ta.
  Từ sau lần dịch lại bài thơ, Đăng Bẩy cộng tác với tôi giúp thêm màu sắc mới cho trang Văn Nghệ của báo Đại biểu Nhân dân. Tôi đặt anh viết về các nghệ sĩ điện ảnh danh tiếng của Liên Xô và nước Nga một thời. Vì sao? Ký ức của người Việt về nền điện ảnh ấy vẫn còn tươi mới. Vì sao nữa? Báo chí truyền hình ta lâu nay chỉ khai thác nguồn Âu Mỹ, cho nên cũng bị mất cân đối. Văn hóa văn nghệ Âu Mỹ hay quá đi chứ, nhưng nếu chỉ có một mình nó độc diễn thôi thì như lệch hẳn người, chân chấm chân phẩy.
   Đăng Bẩy nhất trí với tôi, rồi vào cuộc. Cặm cụi tìm tài liệu, viết về các nghệ sĩ điện ảnh lớn của một nền điện ảnh sừng sững một thời.
  Từ những Oleg Strizhenov của Người thứ 41, Borisova của Thằng ngốc, Kirienko của Sông Đông êm đềm, Smurtunovsky trong Hamlet, Batalov của Moskva không tin vào nước mắt cho đến những Verchinskaya của Cánh buồm đỏ thắm, Người cá, Ruồi trâu, Taratorkin của Tội ác và trừng phạt, Pyrieva của Anh em nhà Karamazov, Svetlana Toma của Đoàn Digan tan biến vào chân trời, Alfierova của Con đường đau khổ, Vladimir Kolkin của Thép đã tôi thế đấy…
   Rồi những đạo diễn bậc thầy như Sergei Gerasimov, Bondarchuk, cha con Chukhrai, Tarkovsky, Konchalovsky, Nikita Mikhalkov… Anh không viết như những bài báo thông thường, mà là những chân dung mang tính văn học, kể về cuộc sống và sự nghiệp của họ, về cá tính và sự phát triển số phận của họ, theo những thăng trầm lịch sử của đất nước. Cũng phải đến hơn dăm chục chân dung công phu như vậy. Đạo diễn Việt Linh rất tâm đắc.
   Chị đang làm bộ sách về nghệ thuật điện ảnh cho nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn. Từng học đại học điện ảnh ở Liên Xô, học những bậc thầy như anh em đạo diễn Alov và Naumov, từng tiếp xúc những nghệ sĩ lớn của Nga, Việt Linh dự định sẽ in những bài chân dung của Đăng Bảy thành một tập dày dặn.
   Mấy năm trời chị đi tìm nguồn tài trợ để in tập sách về nghệ sĩ điện ảnh Nga mà chị đã đặt sẵn tên, lấy cảm hứng từ nhan đề bộ phim Đoàn Digan tan biến ở chân trời, như một hàm ý về nền điện ảnh Xô Viết. Tập sách này chắc sẽ được đón nhận, những người yêu điện ảnh Nga - Xô Viết vẫn còn nhiều.
   Những bài viết về nghệ sĩ điện ảnh Nga và Đông Âu, những bài viết về văn hóa nghệ thuật Đông Âu của Đăng Bẩy có một giọng riêng. Anh không dừng ở loại văn cung cấp thông tin của báo chí. Có lẽ là thói quen của người làm báo văn học, lại có một quan niệm thẩm mỹ mang tính văn học. Thành ra các bài viết của anh dường như hợp với sách hơn là với báo, và nếu in trên báo thì chủ yếu hướng vào đối tượng người đọc yêu thích văn chương.
   Tập hợp thành quyển, đến nay Đăng Bẩy mới có mấy đầu sách: Ra đi không trở lại, truyện vừa của nhà văn Nga Xô Viết Vasil Bykov, NXB Phụ Nữ, Việt Nam và NXB Cầu Vồng, Nga. Mùa thu trong rừng sồi, tuyển tập truyện ngắn Nga Xô Viết, NXB Hải Phòng. Kẻ đánh cắp thần linh, truyện ngắn châu Á hiện đại, NXB Đà Nẵng. Tình yêu khôn lường, thuộc bộ sách về những câu chuyện tình đáng nhớ, NXB Thanh Niên. Thơ dịch rải rác trên báo chí thì dễ đến hàng trăm bài, nhưng cũng chẳng chịu tập hợp vào tuyển tập nào. Kiểu như bài Giờ bạn nơi đâu, hay bài Phụ nữ cười mà tôi còn mang máng nhớ được. Đăng Bẩy cũng tham gia dịch hỗ trợ cho người chủ biên trong những tuyển tập thơ của Blok, Esenin hoặc nhà thơ hiện đại Xô Viết Andrei Voznesensky, tập Chân dung Plisetskaya.
   Tôi gặng hỏi, duyên nợ với văn chương như vậy thì chắc hẳn từ khi còn ít tuổi anh đã có dây dưa nào đó với thơ phú. Đăng Bẩy đã phải ngất ngưởng mà thú nhận rằng năm 1963, đang học lớp chín, hệ phổ thông mười năm, anh có bài in ở mục Ca dao của tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng chưa từng dám khoe ai. Còn bài thơ đầu tay thì in trên báo Văn Nghệ năm hai mươi tuổi, tháng 5-1968, lúc đang là thanh niên xung phong.
  Mỗi lần trên đường từ Việt Trì về Hà Nội, đi qua làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, tôi lại nhớ ra đó là quê của Đăng Bẩy. Cái làng bên ngoài san sát nhà cửa, xe cộ nườm nượp, vào trong còn thấy ao chuôm vườn chuối và những sản phẩm vại sành chum sành đặc trưng.
   Đăng Bẩy sinh năm 1948, thời tuổi thơ ở làng, anh kể, chiến tranh đói dài đói rạc, phải làm đủ thứ nghề như đào mương, cắt tóc, thợ may, phu hồ. Cho nên đến năm 1965 đi thanh niên xung phong, làm đường, trồng rừng, gian khổ nhưng có đủ bữa ăn, thoát được cái đói. Đủ năm năm công tác, anh được đi học bổ túc rồi thi đại học, may đỗ điểm cao, được gửi đi Liên Xô du học.
   Một năm học tiếng Nga dự bị ở thủ đô Minsk của Belarus, 1972-1973, rồi Đăng Bẩy chuyển về Leningrad, nay là Saint Petersburg, thành sinh viên Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp, khoa Chế biến gỗ, chuyên ngành Cơ khí. Về nước, từ 1978-1981 anh làm kỹ sư nghiên cứu - thiết kế, Viện Máy công cụ và Dụng cụ, Bộ Cơ khí và Luyện kim, nay là Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp IMI.
   Từ tháng 10-1981 chuyển về làm biên tập viên trang Văn học nước ngoài, báo Văn Nghệ, rồi đứng ra làm phụ trương Văn nghệ Dân tộc, sau đó làm thư ký tòa soạn Văn Nghệ cho đến khi về hưu.
   Lang thang nghề nọ nghề kia như vậy, rồi đến với nghiệp văn chương từ lúc nào. Đấy là vì nhà văn Hồng Phi rủ rê về báo Văn Nghệ trông coi trang Văn học nước ngoài, để ông ấy rảnh tay chuyên tâm viết kịch và phê bình nghệ thuật. Đấy là vì họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu khích lệ, không làm thơ nữa thì dịch bài cho anh em tham khảo. Thời ấy, đang cần nhiều người dịch văn học từ tiếng Nga.
   Mấy chục năm rồi, Đăng Bẩy vẫn nhớ thuở ban đầu, Hoàng Hữu khích lệ: không làm thơ nữa thì dịch bài cho anh em tham khảo với chứ. Tham khảo, hình như hai tiếng ấy vận vào đời làm báo và dịch thuật của Đăng Bẩy. Anh ít bận lòng đến làm sách hoặc các hợp tuyển để đời, anh chỉ coi công việc dịch của mình nặng về báo chí tham khảo, ai nhớ cho đôi ba bài thì nhớ, không thì cứ để cho nó thản nhiên trôi theo thời gian.
                                                                                            Hồ Anh Thái
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
19-08-2024 08:30:46 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN HỒ ANH THÁI!

BÀI VIẾT CHÂN TÌNH!

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 12
Trong tuần: 744
Lượt truy cập: 426604
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.