Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TRẦN QUANG QUÝ VỚI NHỮNG GÌ CÒN MÃI

 TRẦN QUANG QUÝ VỚI NHỮNG GÌ CÒN MÃI
                                       Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
 
          Nhắc đến tên những thà thơ quan trọng trong nền thơ đương đại Việt Nam, không thể không nhắc tới thi sĩ Trần Quang Quý. Không phải vì nhà thơ đã viết và in nhiều tập thơ. Cũng càng không phải vì nhà thơ đã được tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Không phải vì ông đã từng làm Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội hay làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà Văn, bà đỡ cho nhiều tập thơ của các nhà thơ. Cũng không phải vì ông đã sáng tạo ra thể thơ namkau được nhiều nhà thơ hưởng ứng và có cả một Câu lạc bộ thơ namkau. Có thể những điều trên là nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là Trần Quang Quý đã suốt một đời tận hiến cho thơ ca bằng những tìm tòi, cách tân không mỏi mệt. Trước khi giã từ cõi tạm, nhà thơ đã vượt qua bạo bệnh, cho ra mắt đồng thời trong quý 3 năm 2022 ba tập thơ Những sắc màu đa thức - NSMĐT (thơ namkau), Miền tỏa bóng (MTB) và Những nẻo người ( NNN). Đây là những suy ngẫm, gửi gắm cho bạn đọc, cho đời những gì mà một đời sáng tạo nhà thơ chiêm nghiệm.
         Trong bài viết về tập “Nguồn” của nhà thơ, chúng tôi đã khảo sát và nêu một nhận định khái quát về 2 nguồn cảm hứng lớn, hai đề tài nổi bật, bao trùm trong thơ Trần Quang Quý, đó là QUÊ và EM. Điều đó càng được khẳng định thêm ở ba tập thơ cuối cùng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả mở đầu tập “Miền tỏa bóng” bằng những dòng văn xuôi:
         “Tôi có miền đất thân thiết, máu thịt của mình. Đó là cố hương: làng Hạ Bì, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ nằm dọc hạ lưu bờ tả sông Đà, đối diện bờ hữu là Tản Viên Sơn huyền thoại. Sau là Hà Nội, nơi định cư sinh sống từ năm 1983. Có thể cuộc đời nhiều bươn trải, nhưng với mảnh đất ruột thịt, tôi cố gắng viết được nhiều, viết bằng sự yêu thương trân trọng nhất trong các tác phẩm, như trả ân nghĩa với đất đai cội rễ nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách”.
         Chúng tôi đã từng nhận định rằng viết về quê “với một cảm hứng thiêng liêng, thống thiết, coi quê hương như nguồn cảm hứng lớn thì không mấy ai. Có lẽ trong thơ ca hiện đại chỉ có Nguyễn Quang Thiều với làng Chùa và Trần Quang Quý với làng Hạ Bì”. Đây là một trong rất nhiều minh chứng:
                 Những câu thơ vắt ngang sông Đà
                 nhịp cầu tôi vượt lũ
                 Những câu thơ mạch ngầm bé nhỏ
                 thấm tận đáy cánh đồng mùa khô hạn làng tôi
                                  (Những bài thơ tôi viết – MTB)
 Đây nữa:
                 Mỏi góc bể chân trời, gặp điều dữ hay điều lành
về ngâm mạch nguồn lòng nhẹ bẫng cất cánh
quê cứ thế cho chữ
chữ nối dặm người, chữ đan lưới tình
chữ cất vó bình minh
mở nắng
                 (Ngâm quê – MTB)
Trong tập Những nẻo người, tác giả thường xưng “tôi”. Tôi quan sát, tôi cảm nhận, tôi chiêm nghiệm, tôi linh cảm, tôi nhập đồng, tôi nghe, tôi mơ… Và không thể không có EM.
         Em đứng đợi, bản xa gần thêm gần lại ( Đi qua mùa hoa mận);  Em lượn gì mà môi cong đàn tính (Ải Bắc); em ở đâu, ở đâu/ Người con gái đẹp nhất Lục Yên/đẹp nhất mùa xuân tinh cất những sương mai cộng lại  ( Gọi vía); Tôi lang thang Tam Đảo, lang thang em/ nhập đồng vào đôi mắt vừa ngang dốc ( Tam Đảo đêm tháng Tư); Em biết không, đâu thời tóc xanh trước mênh mông đại dương/năm tháng rắc muối tiêu đầu sóng/ vỗ tôi còn mặn đến bây giờ ( Phú Quốc ngày trở lại);  bỗng thấy em xa xăm triền vắng/ Tiếng biển hú vào trùng khơi vỡ giọng/ Một vết người lẻ cả mùa đông ( Biển mùa Đông),…
Có thể dẫn ra nhiều, nhiều ví dụ tiếp theo của tình thần “Vì em thơ tạo nên lời” ( Xuân Diệu).
         Trong những năm gần đây, tìm tòi đổi mới hình thức thơ được một số nhà thơ quan tâm. Thơ một câu gần với tục ngữ, vì vậy mà không nhiều người làm. Thơ ba câu chỉ có riêng Nguyễn Ngọc Ký in một tập. Có lẽ bởi quá ngắn gọn nên cũng chưa thấy có tập thứ 2. Thơ hài thanh, mỗi câu đủ 6 thanh điệu không, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng chỉ có một nhà thơ Vương Trọng làm một số bài. Thơ 1,2,3 do nhà thơ Phan Hoàng đề xướng có nhiều người theo. Đã có cả 1 tập thơ 1,2,3 Những cánh hoa mở đêm của nhà thơ Phạm Phương Thảo. Thơ namkau do Trần Quang Quý chủ trương thì phổ biến hơn. Đã có 2 tập Khúc dạo một con đường, tập 1 và tập 2 của Câu lạc bộ thơ namkau, có tập Cãi trời của nhà thơ Đặng Quốc Việt, Trần Quang Quý có Namkau (2016), Ướp nhớ (2020), Những sắc màu đa thức ( 2022).
              Một thể thơ mới được bạn viết và bạn đọc chấp nhận, mở cửa hòa nhập vào các thể thơ truyền thống của dân tộc có đóng góp quan trọng của người khởi xướng.  Bản thân Trần Quang Quý in đến 3 tập thơ namkau. Trong số đó có những bài thơ độc đáo, ấn tượng làm cho người đọc nhớ mãi.
Phải chăng đây là những cô đúc khi người viết từng biết “Siêu thị mặt” (tên tập thơ của Trần Quang Quý, 2006):
         Sự thật chỉ có một dù muôn vẻ biến hình
           có sự thật nhìn bằng linh giác
            lươn lẹo nhất là vẻ mặt người
            Những cái mặt
            chiếc kim nằm trong bọc mà thôi
                               (Nhận dạng)
Các bài thơ Mặt lạc, Mặt ẩn, Chơi cờ mặt, Cười… đều cùng một chủ đề với những cảm, ngộ khác nhau. Hay bài Bụi trong tập Miền tỏa bóng với hai câu:
E nỗi bụi vô hình lẩn mặt/ Trà trộn ngay những mắt môi cười”.
         Không phải là hình thức quá ngắn để không thể thể hiện tình cảm sâu đằm vô tận:
         Suốt tháng ngày em và các con bận bịu chăm anh
nước mắt mồ hôi lặng chảy vào trong  
niềm tin tươi xanh mỗi ngày thấy mặt trời 
Lời nào cho đủ, cho đủ 
tình thân yêu máu nóng chảy không lời
                 (Lời nào cho em)
Thật ấn tượng với tấm lòng người thi sĩ luôn hướng về những thân phận người bình dân dầm sương dãi nắng:
         Cây điếc lá trên vòm thinh lặng
nắng hực lên, nắng lột da cả những mặt đường
chim dời cây đi ship gió bờ sông
Người qua ngõ khăn trùm kín mặt
Bao tấm lưng còn chăn lửa trên đồng
                        (Tháng 5)
         Có thể nói Trần Quang Quý không quan tâm đến việc tuyên ngôn ồn ào. Nhà thơ lặng lẽ cách tân, đổi mới tư duy, đổi mới hình ảnh, đổi mới từ ngữ và đổi mới cách diễn đạt. Sự trầm lắng và bình tĩnh này không gây “sốc” cho người đọc, nhưng mọi người vẫn nhận ra sự cách tân mới mẻ của thơ ông. Là nhà thơ, tác giả quan tâm đến ngôn từ. Không dụng công như người xưa “Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” (Lời không làm người kinh ngạc, chết không yên – Đỗ Phủ), nhưng ông đề cao chữ: “Có phải Trời chỉ cho tôi huyệt đạo chữ Thăng Long/ cứ chạm mắt hồ, sóng nảy vần xanh” (Huyệt chữ - MTB). Chữ trong thơ ông là phương tiện, là vũ khí:
                 Chữ vén lên trầm tích Lịch sử
                 Chữ lặn sâu vào tận đáy Người
                 Chữ khai sáng những miền u tối
                                       (Viết - MTB)
Bản thân luôn tự học hỏi, tự tìm tòi: “Tôi đi qua tôi để trải nghiệm người […] Tôi đi qua người để trải nghiệm tôi” (Tháng Giêng – MTB). Và từng trải những miền sông khác sông Đà quê hương “Từng mang sông đi vỗ Hoàng Hà, Hằng Hà, Volga, Vơnidơ, Seine, Potomac… ( Trước sông Đà – MTB). Cộng với khát vọng vượt thoát khỏi những gì cứng nhắc, cũ kĩ:
         Tôi muốn cởi tôi hiện thực
             muốn chính tôi cấu trúc lại mình
             cấu trúc lại cũ mèm thời ảo tưởng chân đất
                          (Tôi gọi tôi – MTB)
Tất cả đã làm nên một Trần Quang Quý luôn tươi mới với những câu thơ sâu đằm vốn sống, triết luận, với những hình ảnh chắt lọc giàu sức  gợi mở, khơi gợi cùng suy tưởng, cùng sáng tạo, cũng thưởng thức những dư ba sau câu chữ.
         Đại thi hào Nguyễn Du từng viết:
             …Những đấng tài hoa
         Thác là thể phách, còn là tinh anh
                                      (Truyện Kiều)
Nhà thơ Trần Quang Quý đã rời cõi tạm. Nhưng những gì là tinh anh của ông qua những tập bút kí, tập phim truyện, nhất là qua những tập thơ, đặc biệt là ba tập thơ cùng xuất bản năm 2022 sẽ còn mãi với thời gian!

                                          Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2023
                                                                  V.N

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
12-08-2024 07:46:59 VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!

MỜI NHỮNG NGƯỜI DỰ HÔM 9 THÁNG 8 GHÉ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH RẤT SINH ĐỘNG!

Trả lời

 
12-08-2024 05:49:21 Đào Thị Mùi, 0396722383

Xin cảm ơn nhà thơ nhà báo Cầm Sởn rất nhiều ạ

Trả lời

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 2
Trong ngày: 50
Trong tuần: 629
Lượt truy cập: 417130
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.