Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÔI VÀ ĐỐM

An Bình Minh
 
TÔI VÀ ĐỐM
                                             
  Có thể nói, cả cuộc đời tôi, kể từ khi tắm chậu cho đến lúc già như bây giờ đều gắn bó với một con chó. Phải công bố mệnh đề này kể ra cũng hơi kỳ kỳ. Nhưng đó là sự thật.
Xin bắt đầu ngay từ con chó của tôi tên là Đốm ở vùng Đông Bắc. Lúc tôi đang là lính cao xạ chiến đấu với máy bay Mỹ để bảo vệ một nhà máy điện nằm nép dưới chân dãy núi Yên Tử vào giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ trước.
  Tôi có được con Đốm trong một cảnh huống khá bất ngờ khi đang chặt lá ngụy trang. Dạo ấy, với tình trạng liên miên về cấp một, cấm trại trăm phần trăm thì được đi chặt ngụy trang là một dịp đổi gió mà anh lính cao xạ nào cũng ngóng đến lượt. Chặt ngụy trang là được tranh thủ vào làng kiếm cớ ghé thăm mấy o dân quân trực chiến tán chuyện, là chạy qua hợp tác xã tiêu thụ để được các em bán cho vài điếu Tam Đảo “ưu tiên ngoài tiêu chuẩn”... Một chuyến đi như thế, anh nào đẹp trai, khéo miệng nhiều khi còn kiếm được cây nhà lá vườn của mẹ chiến sĩ làm quà cho tiểu đội. Riêng tôi, tháng trước còn được hẳn một em dân quân xinh đẹp theo về tận đơn vị để lính ta “cải thiện mắt”. Số là tôi thuộc hạng trai mới lớn sức vóc có thừa, nhưng vốn dân thành phố không quen gánh gồng nên cứ so vai rụt cổ bước siêu, bước vẹo trông rất thảm hại. Và cái cảnh ấy lọt vào cặp mắt giàu tình thương cá nước của một em môi cong, cổ cao, chân dài. Thế là em liền khoác chéo khẩu CKC, ghé vai vung tay dẻo như múa gánh lá ngụy trang về tận trận địa. Có thể nói lần ấy tôi như lập được một chiến công hiển hách. Cả đơn vị nhao lên cười đùa chêu ghẹo, khiến cô em phải quẳng vội gánh lá, che miệng khúch khích cười, bỏ chạy... Nói chung là có bao nhiêu điều thú vị chờ đón cái ngày đến phiên được xổng trại ấy.
 
   Lần này cũng vậy. Tôi định bụng đi kiếm lá ngụy trang cho tròn việc quân rồi sau mới rẽ vào làng tính chuyện riêng tư. Nghĩ vậy, tôi vác cây đòn càn buộc cuộn dây bươn qua hai quả đồi lúp súp, vạch cỏ tranh xuống cuối khe hợp thủy giữa một thung lũng nhỏ. Tôi gặp may ngay từ phút đầu. Mảnh đất hóc hiểm, lại hẻo lánh nên chưa có tay nào đến chặt lá ngụy trang. Xen giữa đám cỏ tranh và dứa dại, là những bụi cây xanh rì bởi hút được nước từ mạch ngầm nên chưa đầy hai chục phút, tôi đã chặt xong hơn nửa gánh lá. Nhưng đang khi chặt tiếp thì bỗng nhiên có một con chó nhảy xổ ra, nhe nanh gầm gừ. Sói! Sói! Tôi hét lên, nhảy lùi lại dạng chân khua dao thủ thế... Trấn tĩnh lại, tôi nhận ra một con chó xám gầy dơ xương, cổ tụt xuống hai bả vai đang vằn mắt nhìn tôi đầy căm hận. Hiểu rồi, đây là chó nhà, chắc chạy bom hoảng loạn nên lạc mất đường về. Vậy là tôi tránh nó, vạch cây rẽ lối khác. Nhưng vừa bước được vài mét, tôi lại bị nó đón đường, nhe nanh nhẩy xổ vào nhè tôi chân chực đớp. Láo! Tao đã tránh mày rồi mà. Tôi nghĩ và chợt vỡ lẽ khi nhìn thấy bộ vú lòng thòng thỗn thện của nó. À.., chó đẻ. Chó đẻ lang và mình đang đi đến gần ổ con của nó.
  Vậy là hay rồi. Tôi phác nhanh kế hoạch, chặt một cây dứa đực gai lởm chởm vừa khua khua đuổi nó, vừa sục sạo bắt chó con. Cuối cùng, sau một hồi quần thảo chiến đầu với chó mẹ, tôi đã tìm được một con cún run rẩy nằm ép dưới bụi cây mua nở đầy hoa tím. Cũng phải vất vả lắm tôi mới vừa ôm được nó, vừa xua chó mẹ, gánh lá ngụy trang dời khỏi vùng chiến. Con chó mẹ đuổi theo tôi lên mỏm đồi rồi quay lại thung lũng. Tôi đoán là nó trở về tìm các con còn lại đang sơ tán núp đâu đó. Vậy thì tốt rồi, tao chỉ xin của mày một đứa thôi đấy nhé. Với lại về với tao, con mày sẽ được sung sướng... Những điều bụng bảo dạ này đã khiến tôi yên lòng, không lo bị coi là mẹ mìn độc ác.cho-dom
   Bữa đó tôi trở về trận địa, lại như một người lập được chiến công đúp. Gần như cả đại đội náo nức xúm xít quanh con chó. Nghe tôi thêu dệt, kể lại tình huống hiểm nghèo lùng bắt chó con, chính trị viên cười, bảo “Hay nhỉ. Tình mẫu tử đấy. May mà cậu không bị mẹ nó đớp mất chim”. Cả lũ khoái chí, tôi còn khoái hơn quên hết cả ngượng ngùng. Rồi ai nấy tranh nhau bình phẩm xem tướng chó. Gần như tất cả đều tấm tắc khen ngợi. Người thì bảo loại chó quý được cách “tứ túc mai hoa” với bốn chân từ khoeo xuống móng màu trắng. Người lại nói màu vàng tươi như nắng này là cực hiếm. Mà hiếm thật. Tôi đã từng nuôi nhiều chó nhưng chưa thấy con nào có màu vàng chói chang như con này. Toàn thân màu cam, từ giữa mũi kéo lên đỉnh đầu vòng quanh cổ xuống ức, tạo thành một cái yếm hình áo ghi lê trắng toát với các đốn đen được phân bố đối xứng và cực kỳ đều đặn.
   Nhưng cho đến khi thằng Ong, pháo thủ số 2 xuất hiện thì mức độ khen tặng có chiều phân vân. Thằng này đánh nhau thì hăng, đã từng bắn liền một lúc hai mươi lăm quả đạn pháo tám lăm ly, mỗi quả nặng hơn ba chục cân ngon ơ. Chỉ có điều nó nói năng thì châm chọc, bốp chát nghe rất khó lọt tai. Nhìn con chó, thằng Ong thủng thẳng, phán: “Con này đốm đuôi là hạng chó giềng mẻ đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt. Chúng mày nghe chửa?”. Nhưng nó lại có cả đốm đầu thì sao - Tôi cãi lại. Đám đông phân tâm, ngẫu nhiên chia hai phe cãi nhau chí chóe...
  May mà cuối cùng có chính trị viên lên tiếng. Anh nói như quan tòa, phân giải: “Đúng là có đốm đuôi thật. Nhưng con này được cách nhất quý phá cửu tiện, tức là một cái quý phá đi chín điều bần tiện. Bần tiện thì chưa thấy, song nó lại có cái cực quý, đó chính là đốm trắng ở chót đuôi. Cái bút lông đấy, các cậu thấy không?”. Ờ nhỉ. Chúng tôi trầm trồ vỡ lẽ. Rồi chính trị viên nói tiếp: “Nghĩa là chủ của con chó này sẽ rất hay chữ, đỗ đạt cao. Cậu đấy!”. Anh nhìn tôi và nói thêm: “Cậu nuôi con này là rất may mắn. Mai này hòa bình nhớ dùi mài kinh sử mà thi cử cho ngon lành, nhá”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi nở từng khúc ruột, vậy là thằng Đốm mang về toàn điềm hay.
   Lời chính trị viên nói như thần. Ba tháng sau, kể từ ngày tôi có con chó, mọi thứ hanh thông hẳn lên. Đầu tiên, là đợt thi kiểm tra xạ kích, tôi đạt ngay loại giỏi, thực hiện “3 phát bắn nhanh” chỉ với 20 giây. Kế đó, suốt bốn tuần liền, tôi đứng đầu trong thao tác khởi động pháo. Và cả một tháng đó tôi nhận gác đúng giờ, không sai một phút. Trước đấy, vì chuyện thay ca trễ mà tôi đã hai lần bị hoãn kết nạp Đoàn. Chả là đang tuổi ăn ngủ (là tôi tự bao biện cho mình như thế), nên tôi thường xuyên bị chậm, ít thì vài ba phút, nhiều thì có khi tới cả mười lăm, hai mươi phút. Anh đốc gác biết cái tật của tôi nên sau mỗi lần lay gọi, đánh thức còn kéo hai chân tôi ra khỏi màn, đặt xuống đất lạnh để tôi tỉnh ngủ. Mặc, tôi vẫn pho pho ngáy tiếp.
   Song từ khi có con Đốm thì khác. Vừa lờ mờ nghe tiếng gọi là tôi bật dậy khoác yếm đạn AK chui đầu ra khỏi màn. Cũng đúng lúc ấy con Đốm nằm trên mái bạt đã chạy xuống xoắn xuýt phả hơi ấm vào chân tôi. Khi tôi đứng gác, mắt dõi phía chân trời là nó leo lên nằm trên bờ công sự, ngếch cổ nhìn theo hướng mắt của tôi như cùng cảnh giới. Gác đêm của đơn vị cao xạ là canh trời chứ không phải phòng kẻ gian. Lúc có báo động thì người trực gác có nhiệm vụ tháo bạt che loa hãm lùi. Và bao giờ cũng vậy, khi tôi nhẩy lên phía đầu nòng pháo thì con Đốm lao vụt ra khỏi công sự. Nó khéo léo nép sát giao thông hào, không hề làm vướng chân các pháo thủ đang rầm rập chạy ngược vào trong.
   Con Đốm bám tôi ngay cả khi tôi ngủ. Không ai dạy nó, mà cứ đúng khi đại đội có hiệu lệnh “tắt đèn” là nó bò lên nằm trên mái bạt. Nhiều đêm lơ mơ tỉnh giấc, tôi lại thấy một vùng lõm phía trên bụng là biết nó đang nằm ở đó. Con chó này mũi ướt, nó thuộc loại mà các cụ xưa bảo đó là giống quý, có thể nằm được ngoài sương thâu đêm suốt sáng để canh trộm.
   Với thành tích “chuyển biến rõ nét, hoàn thành nhiệm vụ được giao”,  cuối quý đó tôi được kết nạp vào Đoàn. Kể từ khi có con Đốm tôi làm việc gì cũng kết thúc một cách trọn vẹn. Có thể nói, đó là công của nó. Ngay cả chuyện “chuyển biến rõ nét” thì cũng là... nhờ nó. Trong tôi như có động cơ giục giã, hãy nhanh nhanh để còn chơi và dạy dỗ thằng Đốm.
 
   Nhờ đã kinh qua nhiều đời nuôi chó mà tôi nghiệm ra rằng, phương pháp sư phạm đối với chúng cứ vừa chơi vừa học là hiệu quả nhất. Nhưng muốn được thế thì phải làm sao để chúng yêu quý mình, bám riết lấy mình. Chó vốn là con vật thuần hậu, có mối quan hệ rộng; trong một gia đình, nó có thể chấp nhận nhiều chủ cùng một lúc, nhưng nó luôn phân biệt đâu là “chính chủ”, còn đâu là những chủ phụ; thậm chí nó còn có thể phân biệt được người nào là chủ thứ hai, thứ ba. Để con Đốm coi tôi là ông chủ chính danh, ngay từ lúc ôm nó về, tôi đã cởi ngay chiếc áo may ô bọc lấy nó. Sau đó, cứ chiếc áo nào trước khi giặt, tôi đều quàng vào cổ nó vài tiếng đồng hồ với dụng ý đơn giản để nó bện mùi mồ hôi của tôi.
   Điều này là tôi học được của người Mường ở Hòa Bình. Ấy là khi con chó của họ có chửa, ông chủ nhà bèn lấy một sợi mây làm vòng đeo vào cổ tay. Hơn hai tháng sau chó đẻ, đợi đến trước ngày lũ con mở mắt họ bèn lấy lửa dúi vào ổ chó. Lúc đó, chó mẹ sẽ lập tức ngoạm bầy con đi sơ tán. Con nào được chó mẹ tha đi đầu tiên, đấy chính là con được cưng chiều nhất và đương nhiên cũng sẽ là con chó khôn nhất. Cứ lấy vòng mây thấm mồ hôi người mà tròng vào cổ con cún ấy, lớn lên nó sẽ theo ông chủ như bóng với hình.  
   Có thể nói Đốm rất sáng dạ. Chỉ trong gần bốn tháng cùng với cái đà lớn nhanh như thổi, nó đã thuần thục tất cả “yếu lĩnh động tác” mà tôi đã dạy cho nó. Nhưng cái đặc biệt hơn cả là không hiểu sao nó nhận biết được mọi tình cảnh ái ố hỷ nộ của chúng tôi. Chuyện này chỉ xảy ra một lần, song đã tác động đến ứng xử của cả đại đội đối với con Đốm. Đó là cái lần tiểu đội tôi phải họp kiểm điểm rút kinh nghiệm việc thực hiện không đủ hai loạt “3 phát bắn nhanh” trong một trận chiến đấu. Hai loạt theo lệnh này phải là sáu viên. Vậy mà chẳng hiểu đổ đốn hay là vì máy cắt ngòi nổ trục trặc mà khẩu đội tôi lại chỉ bắn được có 5 viên.
   Họp kiểm điểm là khổ nhất. Dù sự việc hai năm rõ mười, thì vẫn phải lần lượt từng người một phát biểu. Có anh chẳng biết nói gì, cũng cố rặn ra mấy tiếng lục khục: “Tôi thấy chúng ta sai rồi. Xin hứa lần sau không thế nữa”. Không được! Sai là sai thế nào? Nhưng mà sai thế nào thì tiểu đội trưởng đã nhận cả rồi, có nói thêm cũng bằng thừa. Là chúng tôi nghĩ trong bụng thế chứ đâu dám cãi lại. Vậy là trung đội phó, đại diện cho cấp trên lại phải gợi ý cho từng chiến sĩ, nhắc lại nguyên nhân cùng biện pháp khắc phục cụ thể. Trùng lặp thì cũng phải ý kiến để “thể hiện nhận thức, quan điểm”.
   Và thật lạ, trong suốt thời gian chúng tôi đánh vật với nhận thức ấy thì con Đốm cứ nằm phủ phục ngoài sân. Tôi rất thích cái tướng nằm bò như cá sấu với mõm đặt giữa hai chân trước, cái đầu áp sát mặt đất của nó. Với cách này sẽ giúp cho nó vừa có khả năng phát hiện tiếng động từ xa, vừa trong tư thế sẵn sàng chồm dậy xung phong lao lên đớp vào cổ kẻ thù. Nhưng hôm nay, nó nằm đấy mặt buồn thiu, mắt lấm lét dõi vào trong lán nhìn các ông chủ đang tiu ngỉu, nặn óc nghĩ lời phát biểu nhận lỗi. Rõ là nó cũng lo lắng, chia sẻ nỗi buồn với chúng tôi.
  Thêm xui xẻo cho tiểu đội tôi là thằng Ong cũng nhận thấy điều này. Lúc đi qua lán thấy con chó không đứng lên vẫy đuôi thì nó hiểu ngay sự tình bèn nói bâng quơ: “Kiểm đi. Kiểm cho thật hết tội vào để lần sau. Chừa”. Ấy là nó nói xéo chúng tôi. Rồi nó quay ra ngân nga với con chó: “Người buồn Đốm có vui đâu bao giờ. Hí hi ha ha...”. Thằng này láo thật. Nó chỉ được cái đánh nhau là hăng, chính nó đã từng một lúc “ba phát bắn nhanh” chơi liện 22 của đạn, mỗi quả nặng gần 30 kilogram. Nghe đại đội biếu dương nói đấy là số đạn mà hồng quân Liên Xô to khỏe lực lưỡng đã lập kỉ lúc trong chiến tranh vệ quốc ở Thung Lũng Rua. Được vậy thôi, còn nó chính là đồ con Ong châm chích.
   Mặc thăng Ong châm chích, Đốm cứ nằm như thế cho đến tận bữa cơm trưa. Dường như lúc ấy nó vẫn chưa hết buồn. Nó ăn uống miễn cưỡng, nhỏ nhẹ, nghiêng đầu nhón được một hai miếng là lại hướng mắt đi nơi khác, ngượng ngập.
   Sau sự kiện này, con Đốm đã nhanh chóng trở thành người thân của cả đại đội. Ngoài thời gian phần lớn ở cạnh tôi, nó vẫn chạy đi giao lưu khắp trận địa. Thỉnh thoảng, ở đâu đó có tiếng gọi “Ê! Đốm... Đốm! Xương đây, xương đây” là nó liền phóng đến, lát sau hý hởn tha cục xương về lán. Nhưng tôi vốn cầu toàn. Chủ sao, chó phải vậy. Lính có suất, ghét nhất cái kiểu khách không mời mà đến.
    Lần thứ hai, khi nó lao đi tha về một cục xương đầy thịt đang khoái chí lấy chân trước đè xuống đất, nhe răng gậm, tôi bèn quát: “Đốm! Lần sau cấm nghe chưa. Ra khỏi khẩu đội phải xin phép”. Thằng Ong đi qua, nghe thấy bèn phá bĩnh, nhấn thêm: “Không sao! Ai cho cứ việc ăn. Thực túc binh cường”. Nhưng con Đốm vẫn tập trung nghe tôi dạy. Nó từ từ nhả cục xương xuống đất, vươn cổ, cúi đầu vẫy vẫy cái “bút lông” to tướng, mắt hí hớn ra chiều biết tội, xin xí xóa.
   Cứ tưởng nói chơi chơi vậy mà nó biết nghe lời thật. Các lần sau, mỗi khi nghe tiếng gọi là nó chạy lại ngồi chống hai chân trước, đuôi vẫy lia lịa, ngước nhìn tôi với đôi mắt van nài xin phép; để rồi chỉ chờ lệnh “Được! Đi đi” là nó lao như gió, phóng đến “nơi có tiếng gọi của xương”. Các cụ bảo, trong các giống vật sống cạnh người, chó là loài có nghĩa nhất. Con nào khôn mà nuôi lâu, nó hiểu được cả tiếng người. Nếu vậy thì con Đốm của tôi là điển hình số một.
 
   Nhưng tuyệt vời nhất là Đốm quen với chiến trận và lại còn biết “tham gia chiến đấu” nữa. Những lúc cảnh giới khi đơn về cấp 1, nó nằm trên công sự, mắt cũng chăm chú dọi tít phía chân trời. Tôi biết thừa giống chó mắt kém, bù lại thì thính giác, khứu giác của nó nhạy bén tuyệt vời. Con Đốm có thể nghe được tiếng động cơ máy bay từ rất xa. Hình như nó phát hiện được là nhờ sóng siêu âm rung động trong không khí mà tai của người không thể nghe được. Cái điều này thì phải tìm hiểu thêm, nhưng đã có một lần nó vểnh tai, nghiêng ngó, rồi khục khục trong cổ. Động tác này đã khiến tôi cảnh giác lia ống nhòm về phía bãi sú theo hướng tai giật giật của nó. Liền đó, tôi phát hiện ở chân trời tít ngoài mí biển táo tác mấy cánh chim và ngay sau đấy là một chiếc A4D hệt như một con cá đuối từ từ ngóc lên, định mò vào đánh trộm...
   Lại chuyện này nữa mới lạ, con Đốm còn biết cả chia sẻ vất vả với chúng tôi. Cứ sau mỗi một trận đánh, khi trung đội trưởng truyền lệnh về cấp 2, các pháo thủ bắt đầu lục cục dời vị trí xạ kích là nó bò lên khỏi hầm cá nhân chạy vào công sự hý hởn vẫy đuôi với hết người này, người kia trong tiểu đội. Song, để có được thói quen này, con Đốm cũng đã một lần phải phen bạt vía kinh hồn. Đó là cái hôm chúng tôi chặn bắn máy bay Mỹ tràn vào đánh Hà Nội. Để tránh hỏa lực pháo cao xạ, chúng bay thấp từ biển, ngóc lên cắn đuôi nhau dập dình trên dãy Yên Tử hệt như bầy cá mập lách qua đá ngầm lao về phía tây nam. Khi trở ra, chúng không theo đường cũ mà ngay từ giữa đỉnh Yên tử, đã cắt đường lao tắt ra biển để hạ cánh xuống tàu mẹ ngoài khơi. Thế là lũ máy bay nằm gọn trong phần tử bắn P bằng không của cụm pháo trung đoàn. Chưa có trận nào chúng tôi có được tình huống ngon đến vậy...
   Suốt một ngày đánh nhau căng thẳng, lại thêm tin vui Cụm pháo của Trung đoàn bắn rơi hai máy bay Mỹ khiến mãi chập tối chúng tôi mới kịp nghĩ đến con Đốm. Nhưng tôi tìm nó khắp nơi, ở lán đạn, ở hầm để ba lô, ở ba bốn cái hố cá nhân ngoài pháo trường vẫn không thấy nó đâu. Mãi sau, tôi bắt gặp Đốm nằm như con dán, nép mình trong hàm ếch dưới bờ ruộng, tai cụp, mắt nhắm nghiền trông thật thảm hại. “Mày hả! Sao thế này?”, tôi quát. Nó bò ra mắt lấm lét, đuôi quặp vào háng, lúc lâu sau nó lần đến chồm lên ôm chặt lấy chân tôi run rẩy. Tôi chán chường, hất con Đốm văng ra xa, rồi bỏ về lán.
   Chó mà cụp đuôi là nó đang trong tâm trạng lo lắng, hoảng loạn. Bất giác, tôi nhớ đến cha tôi, khi ông nói về con Vện hồi ở Thái Nguyên. Đó là dạo gia đình tôi đi kháng chiến, cha tôi thường phải chuyển nhà theo nhiệm vụ mới. Mỗi lần như vậy, đồ đạc của cả nhà được chất lên một chiếc xe bò, cha tôi kéo còn hai anh tôi, đẩy. Trên xe có tôi và chị tôi bế đứa em út mới hơn một tuổi. Mẹ tôi đeo túi đựng bình sữa, tã lót đi bộ bên cạnh cùng với con Vện. Nhưng thỉnh thoảng bà lại bị tụt xuống phía sau, khuất nẻo trong những đoạn đường vòng, khiến cả nhà lo lắng vì vẫn nghe đồn quãng đường rừng núi vắng vẻ này có con cọp thọt chân, quen ăn thịt người. Những lúc ấy hai anh thường rút cây đòn càn đầu vạt nhọn sẵn sàng lao về phía sau, nhưng cha tôi bình tĩnh bảo, trong trường hợp này là không sao. Chỉ khi nào, con Vện cụp đuôi vào háng, hớt hải chạy lên phía trước mới là lúc nó hoảng loạn báo tin có hổ đang đến gần.
   Nhớ lại chuyện xưa, tôi hết giận con Đốm. Vả lại đây là trận đánh đầu đời của nó mà. Nó hoảng sợ là phải. Trận đầu của tôi cũng đâu có thua gì nó. Thậm chí tôi còn run run hai chân như khi phát biểu thu hoạch tập huấn chính trị cơ mà. Nghĩ vậy, tôi ngồi trên phản chờ nó lò dò đến sân gọi lại gần, một tay vuốt lưng, tay kia xoa xoa, vỗ vỗ dưới cổ nó. Với loài chó yết hầu là chỗ hiểm yếu nhạy cảm, không phải chủ sờ đến đó là nó đớp liền. Vuốt cố là biểu thị sự động viên khen tặng, vì thế tôi đợi cho nó bình tâm, ngẩng đầu lên với đôi mắt ươn ướt thì mới nhỏ nhẹ: “Không sao. Không sao. Trận đầu tiên trong đời của mày ấy mà. Rồi sẽ quen thôi. Nào! Dũng cảm lên”. Con Đốm có vẻ thấm lời tôi, đôi mắt nó trở lại tươi vui, khoáng hoạt. Thấy vậy, tôi đổi giọng, quát yêu: “Ê! Vào đây!. Cùng chúng tao thông nòng pháo”. Nó như bừng tỉnh, chồm lên, bám theo chân tôi chạy vào công sự.
 
   Con Đốm được cả đơn vị yêu mến, chiều chuộng. Ngay đến thằng Ong bốp chát, khô khan là vậy nhưng cũng rất thương con Đốm. Tất nhiên Đốm cũng tỏ ra rất quý ông chủ thứ hai này, nhưng nó luôn phải tỉnh táo, thận trọng đề phòng. Chuyện này có nguyên nhân hẳn hoi. Chả là thỉnh thoảng thằng Ong vẫn nhường một miếng thịt to trong suất ăn của mình cho con Đốm. Nhưng bao giờ cũng vậy, khi nghe tiếng sáo gọi là Đốm ta ngoẹo ngoẹo đít, khoan thai vẫy đuôi, nhín nhín từng bước tiến lại gần. Nó biết thừa ông chủ này sẽ lại bắt đầu hành nó. Quả nhiên, một tay dấu cục xương sau lưng, thằng Ong chìa tay phải ra hô lớn “bắt tay!”. Con Đốm nhẹ nhàng và rất điệu đà khẽ đặt chân phải vào bàn tay của chủ Ong. Lập tức thằng Ong rụt tay lại, hô lớn: “Không phải tay này. Tay kia”. Nhưng con Đốm không chịu, nó đã được huấn luyện tay nào chân nấy. Tay phải là chân phải, tay trái là với chân trái. Không có chuyện ngược đời, tay phải “bắt” chân trái được. Thế là Đốm đứng yên, “cái bút lông” vẫn vẫy nhẹ nhẹ làm thân, nhưng mặt nó quay đi nơi khác giận dỗi, bất tuân. Chỉ chờ có vậy là thằng Ong khoái chí cười ha hả, bảo: “Giỏi! Mày thực hiện nghiêm điều lệnh đội ngũ. Thế là tốt”. Và nó đặt cục xương lên hòn gạch thưởng cho con Đốm.
   Đúng là thằng Ong rất thương con Đốm, nhưng theo cách riêng của nó. Không chỉ nhường ăn nhường uống, mà nó còn nghĩ đến cả tương lai cho Đốm. Nó bảo: “Mai kia hết chiến tranh, cho Đốm này đi đóng phim thì cứ gọi là nhất”. Thằng Ong kể, trong thư viết về nhà nó khoe chuyện con Đốm, cả gia đình ai cũng thích. Rồi thằng Ong rành rọt nói với con Đốm, nhân thể lên mặt dạy đời chúng tôi, thế này: “Về quan điểm giai cấp thì chúng tao không được phép khoe mày đâu. Chỉ có bọn tư sản mới làm thế. Các cụ bảo giàu khoe chó, khó khoe con. Nhưng mày cũng giống như con của nhà nghèo tụi tao thôi. Thế nên có khoe mày một tý cũng không bị mang tiếng là mất lập trường đâu. Nghe chửa”.
   Nhưng rồi đã xảy ra chuyện chưa từng có về Đốm. Nó diễn ra trong một trận chiến bi hùng. Hôm ấy, là chiều tháng mười mùa gặt, đã gần xế mà bầu trời vẫn trong xanh vời vợi. Chúng tôi nổ súng suốt từ chín giờ sáng, phải trực cấp 1 ăn trưa ngay tại khẩu đội. Đúng vào lúc đang hy vọng được về cấp 2 “thông nòng pháo, nghỉ ngơi, vui chơi, tắm giặt” thì bỗng trinh sát cảnh báo máy bay lởn vởn ngoài mép biển, rôi liền ngay đó một tiếng nổ đanh gọn choáng óc, khói bụi bùng lên ở khẩu đội 4.
   Nửa phút im lặng gần như tuyệt đối cho đến lúc bóng trung đội trưởng Thiềng trong hầm chỉ huy giữa pháo trường lao về phía khói bụi. Nửa phút im lặng tiếp theo, đại đội phó chạy đến. Hai người chụm đầu thì thào và một lệnh bàng hoàng được ban ra: “Khẩu đội 4 hy sinh. Tẩt cả ở yên vị trí chiến đấu. Các đồng chí đảng viên ra làm công tác tử sĩ”. Lác đác vài ba bóng người từ các công sự pháo tất tưởi chạy đến... Chúng tôi, lính tráng được lệnh ở nguyên tại chỗ, không - ai - được - thò - đầu - lên - khỏi - công - sự. Tuy vậy bằng tất cả các giác quan tò mò, hồi hộp chúng tôi nhận ra được công việc đang gặp khó. Đã hơn nửa tiếng trôi qua mà việc điểm danh tử sĩ vẫn chưa xong.
   Thêm nửa tiếng nữa trong cảnh bóng tối sập xuống, ánh đèn pin loang loáng ra mấy ruộng vừng bị sức ép đổ rạp, xơ xác. Sao vậy nhỉ. Chẳng nhẽ...văng xa thế. Rồi khoảng mươi phút sau, chúng tôi hoảng hốt khi nghe tiếng Đốm sủa vang ở gần bãi sú vẹt. Trời con Đốm, ai cho mày ra đó - không dám quát lên, nhưng gần như cả tiểu đội tôi đều đồng thanh thì thầm. Có ánh đèn pin loáng nhoáng lao ra phía con Đốm. Rồi tiếng trung đội trưởng Thiềng thất thanh: “Đây rồi! Đồng chí Lữ đây rồi” Ba bốn cái bóng đèn pin lập tức nhào đến. Trong ánh đèn soi đường, chúng tôi nhận ra trung đội trưởng Thiềng cởi trần, lấy áo bọc một vật nặng, khom lưng che chạy về phía lán khẩu đội 4. Phía sau, con Đốm cụp đuôi vào háng đuổi theo...
  Khoảng một phút, Đốm chạy về khẩu đội. Chúng tôi, ai nấy đều hiểu sự tình, con Đốm không vẫy đuôi. Cái đuôi nó cụp vào sau háng đi vòng qua từng người như báo tin buồn. Hai con mắt nó lóng lánh, lóng lánh. Rõ ràng nó khóc.
   Chuyện về Đốm sau đó được kể vắn tắt, khẩu đội 4 bị một quả tên Srai phóng từ máy bay Mỹ, loại tên lửa tìm diệt sóng ra đa của ta bị “lạc đạn” cắm vào công sự đúng phía không có lá chắn khiến tất cả hy sinh. Sáu tử sỹ, chỉ vài người nguyên vẹn, còn lại đều bị tan nát. Riêng tiểu đội trưởng Lữ bị mất thủ cấp, tìm mãi không thấy. Chính Đốm đã phát hiện ra tít tận bãi su vẹt. Nó đứng bên cạnh đầu anh Tứ, quay về phía bộ đội đang sục sạo, xủa vang... Anh Thiềng kể, rất may chỉ một lát nữa là thủy triều lên, nưới tràn kín bãi su. Đúng là một chuyện... khó nói, Đốm đã “lập công” trong một trận đánh bi thương của chúng tôi. Nhưng sau đó, nói thế nào nhỉ... “chiến công” của Đốm đã trở thành niềm tự hào chung. Hy sinh ở đại đội thuộc nguyên tắc bí mật, vậy mà không hiểu sao nó lan sang cả mấy đơn vị bạn trong Cụm pháo Uông Bí. Tiếp phẩm của tổ anh nuôi thì thầm kể mấy lần ra chợ gặp đồng nghiệp, họ đều thì thầm giới thiệu anh với các cô nhân viên cửa hàng  mậu dịch “Đại đội con Đốm đấy”.
   Và... tất nhiên, Đốm được cả đơn vị chúng tôi yêu mến, thường xuyên được thưởng. Cả anh nuôi nữa, mỗi lần chia cơm, đều dành cho Đốm một cục xương bám đầy thịt, hoặc miếng đậu phụ nhồi to đùng. Đã thế lại còn xướng tên gọi: “Đây..! Suất của Đốm”.
 
    Chúng tôi và Đốm sống yên vui với nhau như thế được hơn hai năm thì biến cố bất ngờ ập đến. Sáng hôm đó, vừa hừng đông mà trời đã lại bừng nắng, kiểu này chắc sẽ đánh nhau to. Trên công sự hầm chỉ huy, đại đội trưởng vừa thông báo đêm qua một hàng không mẫu hạm của Mỹ đã di chuyển lên vĩ tuyến 20 ngoài khơi và bây giờ chính trị viên đang cùng trung đội trưởng đứng trên công sự giữa pháo trường. Thông thường lúc này là chính trị viên sẽ có đôi lời quán triệt tư tưởng, động viên tinh thần bộ đội. Nhưng hôm nay thì hình như không phải. Hai người nói chuyện gì đó có vẻ nghiêm trọng, thỉnh thoảng lại cùng nhìn về phía khẩu đội của tôi.
   Linh tính mách bảo, có chuyện gì đó liên quan đến tôi chăng? Thôi rồi. Hèn chi mà lúc đi qua lán tiểu đội, chính trị viên không gọi con Đốm và nựng nó như mọi khi. Tôi chột dạ kiểm nhanh các công việc của mình trong mấy ngày qua. Không. Không có gì sai sót hết, mọi việc còn chỉn chu nữa là khác... Vậy thì chuyện gì nhỉ? Chuyện gì mà cả Đốm cũng tỏ ra chột dạ, nghển cổ nhìn tôi đầy lo lắng. Rồi nó lẳng lặng chui vào lán đạn trong công sự. Chẳng nhẽ lại có chuyện liên quan đến tôi và con Đốm?
   Linh tính của tôi chính xác sau đó nửa giờ. Trung đội trưởng đến lán gọi tôi và tiểu đội trưởng ra “nói chuyện này”. Như để chọn câu mở đề thích hợp, anh ngập ngừng một lát rồi bảo: “Các cậu phải cho con Đốm đi thôi. Đó là lệnh của tham mưu trung đoàn. Vọng quan sát xa ở núi Nưa vừa báo về, Đại đội mình có một con chó đốm sẽ làm lộ trận địa”. Tôi choáng người. Đất dưới chân như sụt xuống. Rồi như để chúng tôi hiểu mệnh lệnh là do hoàn cảnh, là bất khả kháng, anh giải thích: “Các cậu biết đấy, máy bay của địch có thể nhìn thấy cả số hiệu sơn trên khẩu pháo kia mà”. Nói rồi anh bỏ đi, lộ rõ vẻ buồn rầu.  
 
   Tôi hiểu anh không chỉ buồn vì chuyện cho con chó. Đây là lần thứ hai đơn vị tôi bị nhắc nhở về việc bất cẩn trong ngụy trang trận địa. Mấy tháng trước, cả đại đội đã phải phát đi gần trăm cây hoa bươm bướm, Những cây hoa này là do một cậu trả phép mang hạt từ quê lên gieo. Chỉ hơn một tháng sau, những cây hoa họ cúc mọc xanh rì quanh các công sự, tạo thành thảm ngụy trang xanh mướt mắt. Nhưng tháng sau nữa thì nó ra hoa. Những đóa hoa năm cánh mỏng tang ba màu đỏ, trắng, hồng như đàn bướm rung rinh trong nắng vàng mới tuyệt làm sao. Mấy tay lính đồng hương với tôi còn ngắt chúng cắm vào vỏ đạn bày trong công sự làm biểu trưng của “chiến tranh và hòa bình” khiến chính trị viên nhìn thấy cũng phải tủm tỉm cười, tấn tắc khen trai Hà Nội lãng mạn.
   Nhưng sau đó, cũng mấy tay vọng quan sát xa phát hiện báo về trung đoàn. Suốt ngày chúng áp mặt vào kính quang học có độ phóng đại tới mười lăm, hai mươi lần thì làm gì chẳng nhìn thấy hoa, thấy chó. Chứ đằng này máy bay Mỹ nó vụt qua như tên bắn, cuống đít tìm cách tránh đạn pháo, có thằng giặc lái nào nhìn nổi được Đốm của tôi? Nhưng lập luận và cãi lý vậy, chứ quân lệnh như sơn. Chiến tranh là không có lôi thôi. Chiến tranh không chấp nhận cái đẹp. Tôi phải cho con Đốm đi ngay trong ngày.
   Cái lệnh phải cho con Đốm lan nhanh ra cả đại đội. Ai cũng thấy tiếc. Riêng tiểu đội tôi thì... nói dại, hệt như có đám tang. Khổ thân nó, mà cũng khổ thân tôi. Biết cho ai bây giờ. Tôi điểm khắp xóm. O Thắm chăng. O này mặt bầu bầu, mắt sáng, tóc mai loăn xoăn, hiền lành tốt bụng. Nhưng tôi phải bỏ ngay dự định này bởi chợt nhớ chính O Thắm đã từng cho đại đội tôi cả một ổ chó con vì không đủ cơm gạo nuôi nó. Gửi xuống tiểu đội nuôi quân chăng. Không được. Anh nuôi tuy ở ngoài xóm núi khá xa trận địa, nhưng con Đốm tinh khôn sẽ vẫn chạy về pháo trường tìm gặp tôi thì sao...
   Trong lúc chúng tôi thì thầm bàn bạc thì con Đốm đã lủi vào trốn trong công sự. Chó là loài mẫn cảm, có thể biết trước tai họa, chắc giờ này con Đốm đang nằm ép mình dưới những thùng đạn được kê cao tránh ẩm, hệt như cách trốn của con Láu khi gia đình tôi ở làng Chèm ngoại thành Hà Nội cách nay gần chục năm. Lúc ấy là mùa hanh hao, chó thường thè lưỡi đi lang thang ăn cỏ nhiễm sương đêm rồi phát dại sùi bọt mép, mắt đỏ quạch, gặp người là nhe răng chực cắn. Vì thế, phòng y tế huyện đã phải phát thông báo cấm nuôi chó. Để dấu con Láu, tôi đã dặn nó không được ra ngoài, không được sủa khi có người lạ đến nhà. Nó nghe lời và đã nằm bẹp dí trong gầm chạn suốt hai tuần nhưng vẫn không thoát. Hàng xóm biết chuyện đã báo cho ủy ban xã. Họ mang lồng sắt, gậy thòng lọng đến tận nhà bắt tôi phải giao nộp con Láu.
... Cuối cùng, tôi đành giao con Đốm cho trung đội xe xích chăm sóc. Cũng may, ngay tối hôm ấy cả trung đội xe sẽ phối thuộc với một đơn vị bạn đi nhận pháo mới tận Hưng Yên. Cánh lái xe sống gần dân, hay được đi đây đi đó, muốn có RTC tức là rượu thịt chó thì vào nhà hàng. Vì thế con Đốm ở với họ chắc sẽ được an toàn.
 
   Buổi chiều, trước khi đem con Đốm đi cho, cả khẩu đội tôi góp cho nó một bữa thịnh soạn đầy thịt và xương. Bữa ăn hệt như mâm cơm cuối cùng dành cho tử tù, mấy thằng lính trẻ tụi tôi chụm đầu thì thầm nhìn nó đầy thương cảm. Tôi dằn lòng bảo “Ăn đi. Ngoan nào Đốm. Tao chỉ gửi mày một thời gian rồi sẽ đón mày về. Nhá..!”. Nhưng lần này thì con Đốm không nghe tôi. Nó không còn lòng dạ nào để ăn vì biết tôi nói dối. Suốt hơn mười phút, nó đứng chết trân, đuôi cụp vào háng, nhìn tôi... Nó khóc. Đúng là nó khóc thật, hai vệt nước nhuộm xẫm lông chảy xuống cằm và mắt nó u tối đầy đau khổ. Có một nghiên cứu nào đó của Đác Uyn nói rằng con vật nuôi khi đau buồn, nó cũng khóc, chỉ có điều nó không ý thức được nó đang khóc mà thôi. Thế thì đúng rồi. Con Đốm của tôi đang khóc đây. Nó giống tôi. Nhưng tôi hơn nó biết nuốt nước mắt vào trong lòng. Phút chia tay với con Đốm đầy lưu luyến thương cảm, đã khiến tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi. Chắc bà cũng thế vào cái hôm tôi nhập ngũ. Lúc chia tay, mẹ nắm vai vuốt tóc tôi rồi bà bỏ vào buồng. Cha tôi ngăn không cho tôi vào theo. Ông không muốn tôi mềm lòng khi nhìn thấy mẹ tôi khóc... Bây giờ thì tôi hiểu bà đã từng đau đớn đến chừng nào.
 
   Tôi không biết cái phút chia tay dai dẳng ấy sẽ phải chịu đựng đến bao giờ, nếu không có sự xuất hiện của trung đội phó lái xe. Đã đến giờ xuất phát nên anh phải thân chinh lên đón con Đốm. Thôi thế cũng may, đỡ cho tôi cái nỗi đau phải dắt nó đi “hiến tặng”. Trước khi giao sợi dây xích, tôi vuốt lưng, xoa xoa nơi cổ con chó, bảo: “Thôi! Đốm ơi. Mày đi đi. Tao thương mày lắm...”. Tôi nói nghẹn ngào, nước mắt ầng ậng không dám chớp. Thấy vậy, trung đội phó lái xe cũng dỗ dành: “Thôi nào, Đốm! Chào các ông chủ đi rồi về với tao. Về với tao được đi du lịch. Tao sẽ cho mày ngồi cabin tha hồ ngắm cảnh. Nhá...!”. Nó cúp đuôi vào hàng, đi. Nhưng chỉ được vài bước, nó khựng lại dạng tấn bốn chân lôi ngược sợi xích trong tay anh trung đội phó. Thấy tình thế không thuận, cả tiểu đội tôi xúm lại động viên nó, thúc giục nó. Cuối cùng con Đốm cũng phải đi. Nó vừa bước, vừa trì kéo không nỡ dời chúng tôi. Tôi cố để mình không khóc.
   Mãi sau, nghe tiếng gầm rú khởi động của những chiếc xe xích thì nỗi ân hận của tôi bùng lên day dứt. Tôi nằm phủ phục, rũ xuống như tàu là héo. bật khóc. Để mặc cho những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi, tôi đấm hai tay vào đầu mình rên rỉ. Tôi ngu quá. Tôi đã có lỗi với nó. Sao lúc ấy tôi lại không bảo, Đốm ơi! Phải chia tay mày tao khổ tâm lắm. Nhưng vì chiến tranh. Chiến tranh đấy. Chiến tranh đã bắt tao phải chia lìa mày, không cho tao và mày sống với nhau... Giời ạ! Sao tôi lại có thể quên điều ấy. Giá nói được như thế với con Đốm. Chắc nó sẽ hiểu và tha thứ cho tôi...
 
   Đúng lúc ấy thì thằng Ong đi chặt ngụy trang về. Biết cái lệnh phải cho con Đốm, nó xộc vào lán, nắm cổ áo lôi tôi dậy, táng thẳng một cú đấm vào măt tôi. Tôi bổ chửng, choáng váng. Nó hét như lệnh bắn: “Đồ ngu. Mày không biết mấy thằng lái xe là đồ tể à”.
  Rồi nó rú lên. Mặc cho tiếng động cơ gầm gào đã xa dần. Thằng Ong vùng đuổi theo những chiếc xe xích...
 
                                                               Hồ Chí Minh, tháng 8.2018
                                                                             A.B.M
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 32
Trong ngày: 452
Trong tuần: 1137
Lượt truy cập: 435937
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.