Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÓC THỀ

Lương Ky

TÓC THỀ
 
   Chị Mai nóng lòng ngóng ra đường. Xe ô tô, xe máy...xuôi ngược luôn nhưng chị chỉ để ý đến xe khách ngược. Từ sáng có cả chục chiếc sao chưa thấy cái nào dừng. Mấy người anh em họ hàng bên chị, bên chồng, bà con lối xóm và bạn bè qua lại câu nọ câu kia hỏi Tuyết- con gái chị về chưa càng làm thêm rối bời tâm trạng.
   Ngày mai, tơ mơ mờ sáng sẽ phải làm cái việc sang tiểu cho bố cái Tuyết. Là sang tiểu thôi chứ không phải cải táng vì việc đó chị đã làm cho chồng mình cách đây hơn chục năm. Giờ phải di dời cho người ta mở rộng đường, nắn cua hạ dốc cắt vạt qua một mảng cái nghĩa địa ngoại ô thị xã. Từ phố nhỏ thành phố lớn, từ thị xã lên thành phố quy họach thay đổi. Thôi thì việc nó thế...Những tưởng chỉ phải một lần làm xây cất mồ mả cho chồng, nào ngờ đành một lần nữa. Mà lại một lần được thấy di cốt người thân, biết đâu chị còn thấy lại lọn tóc thời xuân sắc chị gửi theo anh hồi anh nằm xuống...
   Quá trưa cái Tuyết mới lỉnh kỉnh túi xách từ chuyến xe liên tỉnh bước xuống. Tuyết về vào lúc mẹ cô tưởng có thể nó không về được, có thể nó nghĩ khác...Đang lim dim ngủ trên chiếc ghế nửa nằm nửa ngồi thì chị Mai nghe loáng thoáng tiếng con:
- Mẹ! Thế việc chuyển mộ cho bố con còn gì phải chuẩn bị nữa không? Con bận quá. Sáng sớm nay mới quyết định về được. Con mua thêm một số thứ...
- Cô về là tốt rồi! - Chị nhìn con, cộc lốc. Chị bỗng giật mình. Cái Tuyết đang túm lại mái tóc dài đen bóng của nó vừa bị xổ tung ra sau chuyến đi xe nhiều giờ. Mọi người lúc này đã tỉnh sau nghỉ trưa cùng để mắt nhìn Tuyết. Ai đó buột miệng: - Trời! Tóc cái Tuyết hệt như tóc cô Mai ngày trẻ.
*  *  *
Tất thẩy những gì vừa lộ ra sau khi bật nắp tiểu sành lên làm bao điều trào dâng trong kí ức chị Mai. Di cốt của anh Hoàng- chồng chị hao vơi đi nhiều, nhưng lọn tóc chị gửi bên anh vẫn còn nguyên màu đen như lần trước.
...Ngày ấy. Một chiều tháng ba rực rỡ nắng xuân. Cây gạo cổ thụ đầu cổng trường trông như chết đứng với cái gốc bạnh xù xỉn mốc, những cành cây lớn nhỏ trơ trọi vươn dài, giá chẳng có những chùm hoa đỏ thắm. Mai- cô học trò lớp mười xinh tươi mơn mởn với hai bím tóc tết thả xuống lưng đang đứng cách cây gạo một đoạn, nép sát bức tường thành cổ nhà Mạc cố dương mắt ngóng đợi xấp thanh niên nhập ngũ sắp đi qua lối đó đến điểm tập trung. Thực ra cô chỉ đợi một người. Người ấy học trước cô hai lớp. Lẽ ra anh vào đại học bách khoa từ năm bảy bảy. Nhà neo, anh không đi học được đã xin vào làm công nhân nhà máy cơ khí địa phương. Đợt này anh nhập ngũ sau cái đận mười bảy tháng hai*. Anh vận bộ đồ xanh công nhân hứng khởi bước nhanh cùng bạn bè. Mai đã chạy tới trao vội vào tay anh chiếc khăn mùi xoa với cái phong bì bên trong có thiếp chúc mừng anh lên đường và...một nhúm tóc mai. Thẹn thùng nói với anh câu tạm biệt, Mai vẫn không nghĩ được vì sao hôm trước, khi chuẩn bị quà tặng anh mình đã nảy ra ý định gửi theo nhúm tóc mai mềm mại cắt từ cái "bờm" trước trán vốn đang là mốt các cô gái trẻ bấy giờ. Mai và anh Hoàng cùng chung bến đò, thường cùng đi về trên con thuyền gỗ cũ, chưa một lần cầm tay nhau, chưa câu hò hẹn...
  Nhúm tóc mai vớ vẩn thế mà như bùa mê thuốc lú của người dân tộc. Nó làm chàng trai hầu như chỉ nghĩ tới một người con gái suốt những ngày gian lao nơi chốt biên thùy. Sau khóa huấn luyện hai tháng dòng không tin tức, chàng lính trẻ đã gửi cho Mai lá thư đầu tiên. Mai hồi hộp chừng nào, run run mở cái bì thư tự gấp dán bằng cơm nguội rời rạc ghi tên Mai lại còn mở ngoặc ở mép Mai tóc dài.
suoi-toc
*   *   *
 
   Mai ra trường phơi phới trẻ trung với tấm bằng dược sĩ thời nhất y nhì dược...Mai có ngay suất biên chế, tập sự mười tám tháng hưởng tám mươi lăm phần trăm lương. Mai vẫn giữ nguyên lọn tóc dài duyên dáng óng ả làm hoa mắt bao cán bộ, bác sĩ, kĩ sư...Có chàng còn hứng trí vịnh hẳn một bài thất ngôn bát cú về mái tóc ấy, đại loại có câu:
...Tóc em buông xõa bay trong gió
Hồn anh mơ mộng gửi theo mây...
  Nhưng Mai chỉ âm thầm chờ đợi một người. Người ấy cũng đã đến ngay với cô sau khi biên cương yên hàn trở lại. Có điều anh Hoàng tiếp tục khoác quân phục phù hiệu màu xanh lính biên phòng. Lần khác anh về, tặng Mai chiếc vỏ chăn con công sặc sỡ. Đắn đo mãi anh mới đặt xuống trước mặt Mai chiếc phong bì ngày nào anh nhận từ tay cô. Phong bì nhàu góc, cái thiếp phai màu, chỉ còn những sợi tóc mai vẫn như chẳng hề bị thời gian tác động. Anh ngỏ ý muốn có mái tóc dài của Mai...
Họ cưới nhau. Đêm tân hôn anh cuốn lọn tóc mát rượi của vợ mấy vòng quanh cổ mình như chiếc khăn quàng thần tiên đưa anh vào bồng bềnh hạnh phúc...
  Anh vẫn ở chốt, cấp bậc tăng, chức sắc có, chỉ thiệt thòi xa người vợ trẻ khó bù đắp vô chừng. Nhiều đêm giá lạnh bên vách núi đá tai mèo khô sắc xám xịt hoặc những buổi tuần tra đẫm sương mù...anh cố tưởng tượng cái khăn pu-la là lọn tóc của Mai cho đỡ thèm đỡ nhớ. Những ngày xuân về vùng cao, hoa đào hoa mận, hoa lê khoe sắc làm ấm áp hơn, ong đua nhau đi tìm mật, bướm lượn lờ bay và những phiên chợ tình kì thú dội vào nơi sâu thẳm tình cảm lứa đôi...Những ngày xa nhau đằng đẵng của họ chỉ được đền bù bằng mươi lăm ngày phép nơi gian nhà tập thể tranh tre nứa lá ở cơ quan Mai. Thế nhưng vài lượt chồng về Mai vẫn chưa nghe được trọn vẹn câu "mười lăm ngày phép rõ rành con anh..." mà bố con lão xẩm hát ngoài chợ...

*   *   *
   Thủ trưởng cơ quan Mai là người đàn ông gần năm chục tuổi lẻo khẻo khô cằn nhưng có vẻ trí thức: chiếc kính cận dày cộp treo trễ mắt bao lấy khuôn mặt nhỏ thó trắng trẻo và cái trán hói sâu gồ dô toát ra nét thông thái. Ông ta thường lầm lụi cần mẫn ít nói, tính cách rắn rỏi khắt khe. Ông bắt na bắt nét nghiêm nghị đến lạnh lùng với mọi người. Vợ con ở quê, ông cơm niêu nước lọ một thân một mình ở gian nhà gạch đầu cơ quan, nửa làm việc, nửa kê giường ngủ và thông ra gian bếp sáu bảy mét vuông. Lương cao, tiêu chuẩn cao lại lắm kẻ nể người vì...nên bếp núc nhà ông thường bay ra mùi thơm thịt cá. Ria bàn ăn thường có chai cuốc lủi hoặc rượu bổ canh-ki-na hay hà thủ ô ...
  Mai vẫn gọi ông bằng chú như ngày nào về cơ quan. Tuy ông chỉ học qua trung cấp nhưng lâu năm trong nghề lại thuộc diện"chịu khó phấn đấu vươn lên" như ông vẫn thường nói với cấp dưới, ông là biểu tượng nể trọng của lớp cán bộ mới vào nghề như Mai.
  Ông ta vẫn nhìn Mai bình thản, vô cảm. Có lẽ Mai chỉ nhận thấy ở ông một thoáng bối rối cám dỗ duy nhất trong lần cô đang sắp xếp quầy thuốc thì tự dưng búi tóc tròn như trái bưởi sau gáy bung buột ra xõa dài theo cái lưng thon thả chảy xuống ôm gọn vòng mông đầy đặn hòa luôn vào màu đen bóng của cái quần xa tanh, buông chạm xuống hai bàn chân trắng hồng trên đôi guốc mộc của Mai. Cô phải dừng việc đưa hai bàn tay ra sau khẽ cuốn dần lọn tóc lên. Đôi tay cô dược sĩ thon đều khéo léo chia ba phần lọn tóc vắt ngược chúng ra trước bộ ngực căng phồng. Và như máy, cô đan mớ tóc thành cái đuôi sam. Thủ trưởng đứng ngây người, giật mình khi điếu thuốc lá tự cháy tới ngón tay...Vài lần có món ăn tươi ông gọi Mai và mấy anh em tập thể cùng xì xụp nấu nướng. Lúc ấy ông thường dành cho Mai đôi chút tâm lý vì "cô Mai là vợ bộ đội xa nhà". Với chị em khác chưa hợp lý gia đình vẫn còn cảnh "có chồng cũng như là không" ông tỏ ra thấu hiểu lắm. Thủ trưởng có cô con gái sắp thi vào đại học muốn theo ngành dược của bố. Dịp hè con bé lên chỗ bố chơi và để ôn thi, ông nhờ Mai vì "chị ấy giỏi, có thể giúp con ôn luyện...". Mai và ông hoàn toàn không gợn chút cá nhân nào. Mai vô tư giữ khoảng cách cha chú với cấp trên.
  Con gái thủ trưởng thi đỗ vào đại học dược. Hứng khởi, ông ta tổ chức bữa cơm kha khá mời mấy chiến hữu và anh em tập thể. Lúc bấy giờ đã là cuối tháng tám, mưa bão giăng hoài. Khu cơ quan bị vây trong màn mưa. Ngoài đồng, xa xa con nước rập rình, đây đó vang vọng tiếng ễnh ương buồn nản. Trong bữa liên hoan tất nhiên Mai là nhân vật nổi trội vì thủ trưởng cơ quan đã nói ngay từ đầu với mọi người rằng" con bé nhà này thi đỗ đại học phần lớn là nhờ cô Mai đây". Mọi người hô nhau ép Mai uống từng li rượu thuốc"của nhà làm ra". Hồi sinh viên cũng có vài lần quậy rượu với bạn bè, nhưng chưa khi nào Mai uống nhiều như thế. Mai loạng quạng tìm lối về gian nhà của mình trong mưa. Giông bão, điện mất. Ngọn đèn dầu leo lét soi được khoảng nhỏ cái bàn làm việc, soi rõ cái ảnh chồng Mai- đại úy biên phòng nghiêm nghị đang nhìn người vợ yêu quý của mình xõa mớ tóc dài lòa xòa bao lấy khuôn mặt đỏ hồng nóng rực với đôi mắt thấm lệ nhìn anh đầy khát vọng...
    Mai thả màn vội vàng, thổi đèn, lăn vào giường giang chân tay mơ màng trong men say mà tưởng như đang được chồng vuốt ve âu yếm. Rồi cô chìm sâu vào giấc nồng. Trời đất, gió mưa bên ngoài chẳng lay động Mai...
Đêm khuya. Lấp ló đâu đó ánh đèn pin của ông bảo vệ già soi chiếu lệ.
   Thủ trưởng cơ quan sau một giấc dài sực tỉnh vớ cây đèn ba pin, khoác áo mũ che mưa cẩn thận đi tua một vòng. Ông đi hết dãy nhà gạch, qua khu nhà kho, ra gặp ông bảo vệ hỏi han tình hình...Ông tiếp tục đi tới dãy tập thể mươi gian dài dằng dặc dọi đèn pin ngắm nghía...Đâu cũng chỉ một màn mưa, bong bóng trắng sân gạch, nước chảy xối xả. Ông đi lên hành lang tránh mưa. Mát giời, mọi nhà ngủ yên. Ông thả bộ tiếp qua phòng Mai cũng vô tình như những phòng khác. Tối thui, nhưng không hiểu sao cái cửa liếp phòng Mai bị gió xô đẩy cùng cái ghế chẹn bên trong vào một khoảng tới gang tay. Hơi ngạc nhiên, ông vội "e hèm" và loạng đèn pin vào. Căn phòng im ắng như rỗng không. Ông lên tiếng:
- Cô Mai đi đâu mà bỏ cửa thế này?
Im lặng. Chỉ có tiếng mưa đều đều. Ông đẩy cửa thêm một chút và soi đèn. Lúc này ông mới thấy cái màn tuyn buông hững hờ và bên trong Mai nằm thẳng cẳng, tóc xõa tứ tung, miệng khò khè thở. Ông hơi run, có phần hốt hoảng khẽ tới gần cầm tay Mai lay lay. Mùi hơi rượu còn nồng xộc. Mai mềm nhũn bất động. Ông đánh liều đưa tay đập đập lên cái má nóng hổi của Mai, gọi tiếp:
- Cô Mai, tỉnh đi nào!
   Mai ú ớ, tay giơ lên khua khoắng, nói lều thều: - An...nh Ho...àng à! A...nh của e...m !...Và cô như muốn níu tay ông. Ông vội lùi ra, cởi áo mưa đặt đại lên ghế, sà lại lay gọi Mai. Mai vẫn vậy. Cơ thể cô nóng ran, miệng vẫn lảm nhảm "a..nh Ho..àng..." và tay quờ quạng vào không khí...Thủ trưởng cơ quan run như cầy sấy, vội vàng quay ra đẩy cái ghế áp chặt cánh liếp quay lại sán tới cô Mai. Ông áp mặt vào mái tóc mát lạnh bên khuôn mặt rực lửa của cô. Cái kính rơi xuống vương vào mái tóc tự lúc nào...
   Mai bừng tỉnh. Cô đưa tay lên tóc chừng muốn cuốn lại và mấy ngón tay cào phải cái kính. Cô giật mình lơ mơ cảm nhận trên mình một thân người còm rom hầm hập phập phồng khác lạ tấm thân rắn chắc của anh lính biên phòng. Mai cố vùng lên...Và cô đã không thể làm được điều gì...Người kia quơ vội cái kính lẻn nhanh khỏi màn, vơ các thứ của mình tuồn vào đêm mưa...
   Mai dậy châm đèn. Cô ủ rũ nhận ra bóng mình với cái đầu lờ phờ tóc lắc lư trên vách như ma trơi. Cô gục đầu xuống bàn bên tấm hình anh Hoàng và nức nở...Mái tóc xòa lõa chùm kín đôi vai trần rung rung từng hồi. Cơn gió giật qua đẩy cánh cửa và cái ghế làm cô tỉnh hẳn. Cô bắt đầu mang máng nhớ ra mình đã biết tìm về phòng sau bữa rượu hồi đêm nhưng không nhớ nổi có cài then cửa không. Và cô hình dung ra cái kính với tấm thân nhỏ thó gầy guộc đã biến đi đâu mất là ai...
 
*   *   *
 
   Nghĩ quẩn, Mai quyết quyên sinh bằng một liều thuốc ngủ đô cao sau sáu bảy tuần lễ dằn vặt khóc thầm và không thấy...tháng. Chính ông bảo vệ già đã phát hiện ra chuyện vào một buổi sáng ngày làm việc, đã hơn tám giờ mà chưa thấy Mai đâu. Xuống khu tập thể, qua cửa phòng Mai then cài im ỉm. Dòm qua liếp ông thấy Mai sóng soài, tóc rối bời đang nằm vật trên giường, không thả màn. Ông tri hô mọi người tới phá cửa phòng Mai. Thấy người cô còn ấm ấm cho là cô bị cảm nhập tâm nên vội đưa đi bệnh viện. Khi khám, bác sĩ xác định Mai uống thuốc ngủ nên tiến hành ngay việc thau ruột, hồi sức...Thủ trưởng cơ quan linh tính chuyện chẳng lành vội dàn xếp cách giải quyết êm thấm: cho điện gọi chồng Mai về. Có lẽ chồng Mai cũng chỉ biết vợ bị cảm ốm, nguy kịch nên cơ quan mới hay tin. Anh lầm lũi chăm nom động viên vợ nhanh chóng bình phục. Ít ngày, Mai khỏe hơn, anh lại phải trở về với nhiệm vụ của mình.
Lão sếp của Mai càng lầm lì hơn. Mặt lão lạnh tanh. Xung quanh chẳng nghe lời ong tiếng ve gì. Có điều, lão lén gọi Mai lên "cảnh cáo" việc làm liều lĩnh của cô vừa rồi. Lão cũng lập lờ cố nói vài lời thanh minh cái lỗi "trời" bữa ấy...Mai chỉ còn biết cắn chặt môi tím bầm rỉ máu...
 
*   *   *
  Một chuyện đau lòng nhất đời đã đến với Mai: Anh Hoàng trong lần đi tuần tra địa bàn mình phụ trách đã vô tình dẫm phải trái mìn còn sót lại bên đoạn đường chênh vênh đá núi và hi sinh. Đơn vị cho xe về đón Mai lên dự lễ truy điệu vĩnh biệt anh. Thủ trưởng cơ quan không trực tiếp đi nhưng lão bố trí đại diện đoàn thể, xe cộ chu đáo...Chẳng hiểu bụng nghĩ sao mà Mai đã giắt theo cái kéo thật sắc vào túi xách tay.
    Mai lặng người trong bộ đồ đen với mái tóc xõa dài như con quạ ủ rũ bên linh cữu chồng. Khi người ta mở nắp áo quan cho nhìn mặt anh lần cuối, bất thình lình Mai hất hai người bạn giữ mình bên cạnh, thọc vội tay lấy cái kéo đưa lên sau gáy. Tay túm tóc, tay cắt thật nhanh cả lọn tóc. Mai đặt mớ tóc dày chẹt tay xuống bên thi thể chồng rồi rũ xuống chết giấc...
Trong tư trang, đồ dùng khiêm tốn của người lính biên phòng đơn vị gửi lại cho Mai quý giá và đau đớn với cô chính là cuốn nhật ký của chồng. Anh Hoàng đã dành nhiều giấy mực nói về mái tóc của vợ như thể trên đời chỉ riêng mình Mai có. Mai cũng không ngờ tới là chồng mình đã biết vợ không phải bị cảm nhập tâm như lời lão thủ trưởng cơ quan nói. Có đoạn anh ghi:"...M ơi! Anh hiểu, con người bằng xương bằng thịt mà em. Anh biết M muốn tạ lỗi với anh (anh không nói em có tội mà nói là có lỗi thôi) bằng cách trừng phạt mình. Mong em hãy tĩnh tâm. Mỗi lần thấy lòng yếu mềm em hãy đưa tay lên vuốt mái tóc thay anh..."
  Mai đã sống những ngày mất chồng bằng hình bóng anh. Đứa con duy nhất của Mai từ ngày sinh ra mẹ chỉ cho nó biết một bố Hoàng thôi.
  Hơn ba năm sau, mẹ con Mai xin chuyển hài cốt anh về gần xây cất cho anh để thường xuyên hương khói. Lọn tóc vẫn như nguyên vẹn lại được đặt tiếp theo anh. Từ ngày chồng mất Mai không còn để tóc dài nữa. Cô âm thầm lặng lẽ sống, không mảy may nghĩ chuyện đi bước nữa mặc dù Mai vẫn nhan sắc vừa mắt cánh đàn ông, cả trai tân...Ngoài công việc, Mai coi lão sếp như người chết rồi. Lão nghỉ hưu, về quê. Cấp trên giao cho Mai đảm nhận cái ghế của thủ trưởng cũ. Cô gắng đảm bảo công tác tốt và nuôi con nên người. Cái Tuyết giỏi giang, chăm ngoan và thích theo nghề mẹ nên đã quyết tâm thi đỗ vào trường đại học dược. Chắc nó còn tiến xa...
  Rồi người ta quy hoạch thị xã lên thành phố. Rủi may lẫn lộn...Một lần nữa chị Mai thấy lại hài cốt chồng và lọn tóc thời trẻ của mình bên anh mãi mãi. Vẫn biết các cụ bảo"...cái tóc là góc con người", với chị- cái tóc là cả cuộc đời. Chẳng biết cô con gái có hiểu rõ về mẹ mình không?!
Chiều hôm xong công việc, mẹ con ngồi bên nhau. Cái Tuyết giật mình nhận ra mẹ hốc hác, thiểu não. Cô vội hỏi:
- Mẹ, làm sao con thấy mẹ sa sút đi quá vậy? Mẹ ốm bệnh ra sao? Mẹ đi khám bác sĩ chưa? Mẹ làm con sợ! - Cô ôm lấy mẹ thổn thức- Việc của bố đã xong, mai con tính đưa mẹ đi Hà Nội, đến phòng khám cao cấp xem sao.
- Không đâu, mẹ không sao con ạ!
- Ôi, mà tóc mẹ bạc nhiều rồi đó! Sáng, con nhìn lọn tóc mẹ chỗ bố...Hồi trẻ tóc mẹ đẹp vô chừng...
Mẹ con họ rì rầm trò chuyện.
-...A, mà mẹ ơi! Mẹ có còn nhớ cái bác thủ trưởng cũ cơ quan mẹ không? Bác Thường "kính" ấy mà. Hôm rồi, cô con gái bác ấy- cái chị dược sĩ ngày xưa mẹ giúp ôn thi...Chị ấy tìm đến chỗ con, chuyện rằng bây giờ chị mở quầy thuốc tân dược ở một phố lớn, hái ra tiền, gia đình chồng con đề huề lắm. Bác Thường "kính" già yếu, sống cô quạnh ở quê vì bác gái đã mất...Nghe chị ấy nói, con muốn bùng khỏi trường "tập sự", tính sau này mở cửa hàng cửa hiệu thuốc...Giờ thì có khi lại nhất dược nhì y chứ mẹ...
Chị Mai nhìn xói sâu vào mắt con. Chị xực nhớ ra cái thư lão thủ trưởng cũ viết cho mình năm trước"trình bày hoàn cảnh", hỏi thăm chị sống ra sao và thập thò ý nguyện "muốn được làm bạn già, được chia sẻ cùng mẹ con Mai...". Chị buột miệng:
- Con nói chuyện người ta mà làm gì! - Biết mình lỡ lời, chị vỗ vỗ vai con, lái đi- Là con cứ yên tâm gắng học xong đại học, rồi cao hơn. Gì đâu vội ham có ham giầu. Rồi còn chồng con, cô ạ. Mẹ còn khỏe, mẹ đỡ đần cho...
   Chị Mai vuốt mái tóc dài óng ả sực nức mùi thơm thứ dầu gội đầu tân thời của con. Mắt hoe đỏ, chị thở dài, lẩm bẩm: - Mái tóc con gái...Mẹ sẽ nói với con tất cả...Lúc nào mẹ thấy nên...

                                                                                                                L.K
 
 
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 83
Trong tuần: 1178
Lượt truy cập: 436197
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.