Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

TÌNH NGƯỜI VÀ ĐIỆU THỨC TRONG "HÁT TỪ PHAN XI PĂNG"

Cầm Sơn
77-01
TÌNH NGƯỜI VÀ ĐIỆU THỨC TRONG “HÁT TỪ PHAN XI PĂNG”
(Đọc tập thơ "Hát từ Phan Xi Păng" của nhà thơ Lê Tuấn Lộc - NXB Văn hóa Dân tộc năm 2023)
 
  Trên diễn đàn Văn học Việt Nam không lạ gì Lê Tuấn Lộc – Một nhà thơ đã cho ra đời nhiều tập thơ viết về đề tài miền núi và dân tộc ít người, đã từng giành được nhiều giải thưởng cao của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một nhà thơ lão thành hoạt động rất mạnh mẽ, tích cực, có mặt khá rộng rãi trên các diễn đàn văn học nước nhà. Mặc dầu vậy nhưng ông không phải là người được đào tạo bài bản, chính thống cho nghề viết văn, làm thơ mà ông là một kỹ sư, một tiến sĩ khoa học ngành Mỏ - Địa chất, nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề khai thác mỏ. Ông đã từng làm việc ở nhiều công ty khai thác từ mỏ Chromite ở Cổ Định Thanh Hóa đến mỏ Thiếc ở Tuyên Quang, đã trải qua nhiều cương vị từ cán bộ kỹ thuật đến giám đốc quản lý công ty. Cả cuộc đời công tác gắn bó với miền núi, với người dân tộc ít người nên thơ ông nặng tình với đề tài này thì cũng không có gì là lạ.
  Gần đây, vào tuổi 75 ông lại cho ra mắt cuốn tuyển tập thơ lấy nhan đề “Hát từ Phan Xi Phăng”. “Hát từ Phan Xi Păng” có 224 bài thơ dài ngắn khác nhau trong đó có những bài thơ dài như một trường ca gồm nhiều thể loại: thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ truyền thống nhưng xuyên suốt, chủ đạo nghệ thuật của cả tập thơ là phong cách thơ truyền thống.
 
  Ấy là toàn bộ các bài trong tập thơ, độc giả đọc lên là hiểu ngay được nội dung tác giả muốn chuyển tải thông điệp gì. Thơ ông viết đơn giản, mộc mạc, bình dị như câu nói giao tiếp thường ngày của đại đa số tầng lớp bình dân. Vậy nên thơ của ông dễ đọc, dễ hiểu như chính ông tâm tư:
Loay hoay tìm đơn giản/ Mãi vẫn tìm chưa ra/ Để làm điều đơn giản/ Không giản đơn chút nào” (Điều đơn giản).
 Thơ Lê Tuấn Lộc không giống với những thể loại thơ cách tân của một số nhà cải cách làm mới thơ, làm cho câu chữ trở nên kỳ lạ, bí hiểm, đánh đố bạn đọc. Người đọc đọc mãi, đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ đau đầu mà vẫn chưa hiểu nổi nội dung bài thơ định nói điều gì. Tất nhiên, đấy là một lối đi mới, mà cái gì mới thì không phải tất cả mọi người có thể tiếp nhận được, sẽ có một bộ phận người phản đối nhưng đó là một cuộc cách mạng, cần những chiến sĩ dũng cảm, tiên phong lao vào mũi nhọn để khai phá. Có điều việc khai phá mở một lối đi không phải ai cũng có thể làm được. Thơ cách tân khó đọc, khó hiểu nhưng nếu chịu khó nghiên cứu cho kỹ thì thấy nó chất chứa đầy ắp những nội dung của tác giả muốn chuyển tải đến bạn đọc. Nhiều người cũng làm thơ cách tân, cũng sử dụng những thuật ngữ tân kỳ, câu chữ bí hiểm để ra dáng một bài thơ kiểu mới nhưng thực chất nó chẳng chuyển tải được một nội dung gì. Tôi có một anh bạn nhà thơ viết một bài thơ như thế, vì là bạn bè nên tôi không ngại bị đánh giá là dốt, gặp anh bạn ấy, tôi hỏi luôn: “Thế bài thơ ấy mày định viết cái gì mà tao đọc mãi, nghĩ mài cũng không ra”. Anh bạn tôi trả lời: “Thì đến chính tao cũng chả hiểu là tao định viết cái gì, nhưng mà thơ cách tân thì phải làm mình làm mẩy thế, người đọc dẫu không hiểu cũng không dám nói, sợ bị coi là dốt. Thậm chí còn có người tán dương đưa nó lên tận mây xanh nữa ý chứ”. Mặc dù Lê Tuấn Lộc là một nhà thơ đã được định danh trên văn đàn văn học nước nhà nhưng ông không làm mình làm mẩy, không tỏ ra cao đạo mà thơ ông cứ bình dị, mộc mạc, trung thành với lối thơ truyền thống.
 
  Ấy là toàn bộ các bài trong tập thơ, người đọc có thể nhận ngay ra sự nhất quán về bút pháp nghệ thuật của tác giả, đó là thơ được ra đời bởi đầy đủ các yếu tố “hứng, quan, quần, oán”, bởi cảm hứng của tác giả đã chuyển tải sang người đọc làm lay động lòng người, bởi nội dung bài thơ dù viết ở thể thức gì cũng đều chất chứa nhân tình thế thái, bởi người nào đọc cũng có những cảm nhận có thể gọi là tương đồng với những mừng vui, yêu thương hay giận hờn, đau buồn, oán thán. Trong “Hát từ Phan Xi Păng” dù bài thơ viết về cảnh sắc, viết về một mảnh đất cụ thể nào thì tác giả cũng lấy con người làm trung tâm. Ông đã từng phát biểu: “Văn học không nói về thân phận con người thì nói về cái gì”. Con người gắn liền với đạo đức xã hội, phong tục tập quán vùng miền nhưng không phải là những lời giáo huấn khô khan mà bằng cảm xúc của người thơ, có thể là sung sướng, khoái lạc hoặc trái ngang, buồn khổ thông qua nhận thức đời sống xã hội, nhận thức về thế giới loài người không chỉ là duy lý mà bằng những cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, an, lạc, ái, ố, dục, vọng của đời người.
 
  Ấy là toàn bộ các bài trong tập thơ, khi đọc lên bạn đọc có thể cảm nhận thấy sự nhún nhẩy của âm từ trong mỗi câu thơ tạo thành một điệu thức riêng của từng bài thơ.
   Tiếng Việt có 6 thanh âm gồm: ngang, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng. Sáu thanh âm này khi phát thành âm thanh thì nó có cung bậc cao thấp khác nhau. Thanh ngang (thanh không dấu) là một thanh tương đối cao, có âm điệu bằng phẳng ổn định, giống nhau ở tất cả các âm tiết. Thanh huyền được phát âm ở âm vực thấp, cũng giống như thanh ngang, thanh huyền có cường độ đồng đều không thay đổi. Thanh ngã là thanh điệu thuộc âm vực cao, bắt đầu thấp hơn và kết thúc cao hơn khi phát âm. Thanh hỏi là thanh điệu thuộc âm vực thấp, khi phát âm, điểm bắt đầu và kết thúc thanh điệu đều ở âm vực thấp nhưng nó lại cao lên ở khúc giữa. Thanh sắc là thanh điệu thuộc âm vực cao, khi phát âm phải lên giọng thật nhanh để tạo ra âm điệu. Thanh nặng là thanh điệu thuộc âm vực thấp, ít nhầm lẫn nhất trong các thanh điệu vì cảm giác ngắn, đột ngột và mạnh.
  Âm nhạc trong thang thất âm có 7 bậc tính từ thấp lên cao là: đồ, rê, mi, pha, son, la, si nhưng trong đó cung bậc cao thấp giữa nốt mi và nốt pha chỉ là một nửa cung, giữa nốt si và nốt đô ở khoảng tám trên cũng chỉ một nửa cung. Vậy thế cho nên cung bậc trong âm nhạc dù là 7 bậc nhưng từ khoảng tám thấp đến khoảng tám cao liền kề cũng chỉ cách nhau 6 cung bậc, đồng điệu với thanh âm của tiếng Việt. Có thể nói giữa âm nhạc và thơ ca trong Tiếng Việt là một mối lương duyên kỳ diệu. Mối giao thoa giữa thơ và nhạc là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và giai điệu, cung bậc khơi gợi đến tầng sâu tận cùng cảm xúc và mang đến cho người nghe những trải nghiệm nghệ thuật sâu lắng.
 Trong “Hát từ Phan Xi Păng” bài thơ nào cũng thấy vương vất, âm ỉ và chất chứa khí nhạc trong mỗi câu thơ, khổ thơ nên rất nhiều bài thơ của Lê Tuấn Lộc đã được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc, có những ca khúc trở thành bài hát đặc trưng cho một địa danh.
Cát Cát!
Suối gầm thăm thẳm
Thông cao ngất ngư
Cối giã gạo thậm thình
 
Cát Cát!
Cầu treo chông chênh
Mây trôi bồng bềnh
Cô gái Mông gùi ngô đi về đâu hoàng hôn...
     (Cát Cát – Hát từ Phan Xi Phăng)
  Bài thơ này đã được nhạc sĩ Lê Minh phổ nhạc thành ca khúc “Cát Cát hát” phần lời bài hát gần như giữ nguyên lời thơ của bải thơ “Cát Cát” không phải thay thế, sửa sang gì nhiều.
 
  Không chỉ ở những bài thơ viết theo hình thức truyền thống mà kể cả những bài viết theo hình thức văn xuôi trong tập thơ khi đọc lên cũng cảm nhận được điệu thức nhạc ở bên trong.
  ... Tây Trang, mùa hoa cúc quỳ
Váy Mông Hoa, hoa cả áo, hoa cả cánh tay trần trắng như trứng gà bóc, hoa cả bộ ngực trần, e ấp mùa xuân, thêm lấp lánh vòng bạc trắng trên ngực cô gái Thái Trắng, áo trắng, váy xanh trong mùa xuân đi hội tung còn.
  Cúc quỳ, mùa Tây Trang
Văng vẳng nghe tiếng khèn bè vang xa nghiêng cả bản, nghiêng cả trời chiều trong mùa xuân đang về, rung rinh cả núi rừng Tây Bắc, làm xao động lòng người chiến sĩ biên cương, súng chắc trong tay, vó ngựa tuần tra gõ nhịp trong chiều đông lạnh giá...
 
  Rất nhiều các bài thơ trong tuyển tập « Hát từ Phan Xi Păng» tác giả dành viết về tình yêu đối với những địa danh cụ thể, nơi ông đã từng để lại dấu chân, nhưng đặc biệt là Tuyên Quang và Thanh Hóa. Tuyên Quang là mảnh đất ông sống và làm việc với một thời gian dài, còn Thanh Hóa là quê hương ông và đó chính là lòng yêu nước. Nhà văn I li a Ê Ren Bua có câu nói nổi tiếng: “Dòng suối chảy vào sông, sông chảy vào đại trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga rót vào biển”. Lòng yêu nước xuất phát từ tình cảm với những điều bình dị nhất: yêu thương, thân thuộc với một mái nhà, một con đường, một khai trường khai thác mỏ với âm thanh rộn rã tiếng còi xe, nhớ một tiếng chuông nhà thờ ngân lên chìm trong lá, nhớ một góc phố trong nét rừng đồi đột ngột nhô lên hoặc yêu cái màu nõn nà của cánh đồng ngô xanh mướt quê người cùng chông chênh bóng cọ nghiêng trời Tuyên Quang. Nghĩa là lòng yêu nước xuất phát từ tình yêu với những cái cụ thể, với khung cảnh quen thuộc nhìn thấy, sờ thấy trong cuộc sống bình dị hàng ngày. Tình yêu ấy tạo nên một liên kết vô hình, quấn quýt chặt chẽ con người với làng mạc, quê hương, đất nước.
 
  Trong cuộc đời công tác, tác giả từng có khoảng thời gian khá dài đứng ở cương vị là Giám đốc công ty. Ở cương vị này, để lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính của mục đích kinh doanh là thực hiện tốt mọi chỉ tiêu về sản lượng, kinh tế, tài chính thì yếu tố con người là chủ đạo, là quan trọng nhất. Với một Giám đốc công ty, trước hết ông phải lo không chỉ cơm đủ ăn, áo đủ ấm mà còn phải lo cho cơm ngon, áo đẹp cho toàn bộ công nhân viên của công ty. Phải đồng cảm với hoàn cảnh của mỗi thân phận, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của từng con người trong công ty để có những biện pháp kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ cho họ đủ điều kiện yên tâm công tác, làm việc xây dựng và yêu mến công ty. Chính vì vậy, trong tập thơ có nhiều bài tác giả xoáy vào tận cùng sâu thẳm của lòng trắc ẩn, đồng cảm với những ẩn ức, xót xa của mỗi phận người.
Phút giây dan díu với tìnhz5361588054142_c649836575f5bdbea47edb9e339f019f
Bây giờ đơn chiếc một mình mình lo
Phút giây ân ái hẹn hò
Bây giờ trơ trọi con đò sang sông.
À ơi! Bế bế bồng bồng
Mẹ đi lấy chồng… Bước nữa hay thôi?
Đêm thanh vắng, mẹ ru hời
Còn ai ở cuối chân trời có nghe?
                    (Lời ru trong đêm)
Hoặc:
Xuống cầu thang chiều tà
Lòng tôi buồn da diết
Chủ nhà thì đã chết
Vợ con trông vào đâu?
 
Chia tay với gia đình
Tôi như người có lỗi
Áo chàm nhòe tím núi
Chiều giăng man mác chiều.
    (Thăm người Nùng bị nạn)
 
  Trong hành trình sáng tác, Lê Tuấn Lộc đã cho ra đời trên 20 tác phẩm lớn nhỏ. Đến nay, ở tuổi ngoài thất thập, ông vẫn liên tiếp cho ra lò nhiều tập thơ mới. Năm 2020 Đại học Hồng Đức tổ chức hội thảo về tập “Thơ và thợ”, năm 2023 Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức giới thiệu tập trường ca đồ sộ “Cảm ơn người – Sông Mê Kông” và bây giờ, năm 2024 ông lại tiếp tục cho ra mắt “Hát từ Phan Xi Păng”.
  Không chỉ sáng tác, trong lĩnh vực hoạt động xã hội ông cũng vẫn tích cực tham gia. Hiện tại ông đang đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân; Chủ tịch Hội Văn nghệ sĩ, nhà báo Xứ Thanh tại Hà Nội, Chủ tịch Hội mỏ Chromite Cổ Định Thanh Hóa và tham gia ở nhiều tổ chức xã hội khác. Ở lĩnh vực nào, cương vị nào ông cũng nhiệt tình, tâm huyết. Tin tưởng rằng ông sẽ còn tiếp tục cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm với chất lượng nghệ thuật cao trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời cùng tâm hồn người nghệ sĩ. Để kết thúc bài viết, xin mượn một câu vè gửi tặng ông:
Già thì già tóc già râu
Tâm hồn nghệ sĩ còn lâu ông mới già!
                                                                            C.S
 
    
 
 
 
 
 
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 50
Trong tuần: 563
Lượt truy cập: 423169
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.