Phạm Huy Định
THAO THỨC CÙNG BẢN ĐON (Bút ký)
Một sáng tháng Năm, bước sang ngày thứ hai chúng tôi đến đất Lào. Đoàn được E Săm – Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tỉnh Hủa Phăn và các bạn ở huyện Sầm Nưa đưa đến nhà hàng Huế Thương ăn sáng rất nhanh rồi tạm biệt thị xã Sầm Nưa nhỏ nhắn đang hối hả đón ngày kỷ niệm lần thứ 15 được thành lập. Chúng tôi tạm biệt những con phố ngắn, những nhà hàng gọn nhỏ, xinh xắn, đứng bên bờ sông Nậm Xam. Tôi ngắm Tháp Ngọc ở trung tâm thị xã được choàng ánh ban mai rực rỡ rồi lên xe về với Bản Đon. Sự háo hức pha lẫn hồi hộp và khát khao cứ thể hiện trên từng gương mặt, đôi mắt mỗi người trong đoàn Văn nghệ sỹ của Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình. Đường quốc lộ số 6 chạy về Bản Đon quanh co, dốc lên, dốc xuống len lỏi trong những cánh rừng xanh ngăn ngắt. Tôi có cảm giác mình đang đi trên những cung đường miền Tây Bắc hùng vĩ của Việt Nam. Xe chạy được chừng nửa giờ đồng hồ đã thấy những ngôi nhà sàn thấp thoáng hai bên đường. Mọi người căng mắt dán vào cánh cửa kính ô tô để mong nhìn thấy những bóng nhà sàn quen thuộc trên đất Mường Hòa Bình. Đi được chừng 30 ki lô mét, xe dừng lại. Mọi người bước xuống và khe khẽ thốt lên : Bản Đon đây rồi. Những cư dân Lào gốc Mường đây rồi. Chúng tôi tự nhiên bước vào những căn nhà dọc đường. Những bà mẹ đang mải mê giã củ Sả với Ớt và Mắc khén để ướp cá. Những thiếu nữ gương mặt ngời ngợi, đôi mắt trong veo đang túm tít nhặt rau, miệng cười rất tươi. Những em thơ tíu tít chạy quanh sân xem người lớn chuẩn bị làm cỗ như sắp đón người anh em tới thăm nhà. Những gương mặt của người Bản Đon từ già đến trẻ mới đầu ngơ ngác bởi thấy hai chiếc ô tô chở toàn người mình chưa gặp bao giờ ghé nhà tự nhiên như đến nhà người thân. “Sabađi, sabađi ”... nụ cười thân thiện đáng yêu làm sao của các thiếu nữ và bà con sau lời chào quen thuộc của người Lào dành cho khách lạ...Lạ mà chẳng lạ. Chúng tôi, những người con đất Mường vượt qua bao núi, bao đèo đến đây để tìm những người con gốc Mường sống xa xứ nhiều đời…
Sở thông tin, văn hóa và du lịch Hủa Phăn rất chu đáo khi đã thông tin về đoàn văn nghệ sỹ đất Mường Hòa Bình tới thăm Hủa Phăn và Bản Đon từ chiều hôm trước khi chúng tôi vừa mới đến Sầm Nưa. Hôm nay Sở đã cử ông Bun Thong in thạ phăn nhạ - Phó giám đốc Sở cùng ông E Săm bên Sở Nông lâm tỉnh và cán bộ phiên dịch dẫn đoàn về với Bản Đon...Tôi bước đến bên những cô gái đang ướp cá và tự nhiên bật ra câu hỏi: “Đây gọi là cá gì?”. Rồi mình tự cười và nghĩ, trời ơi đây là đất Lào, bản của người Lào chứ phải bản Mường của người Việt đâu!
Thế là tôi cứ sán lấy cô gái Bản Đon, kéo em vào trong ngồi bên chiếc bàn bằng tấm gỗ xẻ kê ở giữa nhà. Chỉ một chút ngỡ ngàng khi chúng tôi làm quen nhau. Cô gái có tên thật dễ thương: Pu Na Vông Đa Hương đã từng học Cao đẳng dược ở trường Hồng Đức Thanh Hóa. Tôi nói với Pu Na về các thành viên trong đoàn và mục đích của đoàn văn nghệ sỹ Hội văn học nghệ thuật Hòa Bình sang Sầm Nưa và tìm đến bản Đon. Mắt Pu Na sáng lên, gương mặt ửng hồng. Tôi bảo em đi theo đoàn để tiện nói chuyện với mọi người, Pu Na vui vẻ nhận lời đề nghị chân thành của mình. Tôi nói với Pu Na rằng em có thể mời các mẹ, các bà cao tuổi đến đây được không? Pu Na nhanh nhảu bước ra nói bằng tiếng Lào với các bạn. Một lát sau tôi ra đón các mẹ và chắp tay chào. Người trong bản cứ đến thêm nhiều. Chủ nhà là một phụ nữ còn rất trẻ nhưng chững chạc. Gương mặt phúc hậu, có đôi mắt rất tinh anh. Chị luôn nở nụ cười tươi rói. Pu Na giới thiệu với tôi đây là chị Pa Ni- vợ của anh An trưởng Bản Đon. Pa Ni 36 tuổi, chồng 37 tuổi. Anh An chồng PaNi mới nhận chức Trưởng Bản Đon được vài tháng. Chị mang nước ra mời chúng tôi và hỏi thăm về lịch trình của đoàn. Chị bảo rằng: “Tối qua nghe chồng nói sẽ có khách quí từ Việt Nam đến thăm bản mình. Cả đêm anh ấy không ngủ. Anh đi các nhà báo tin và sắp xếp, bố trí người chuẩn bị nơi đón khách. Phân công người dựng rạp. Bố trí người làm cơm. Háo hức và mong chờ lây sang cả mình nữa, chỉ có bốn đứa con nhỏ là ngủ say như vầng trăng. Sáng nay chồng dậy sớm và đi khắp bản lần nữa, Giờ chắc đang ở trong sân trường học rồi. Bản Đon chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng nên phải mượn sân nhà trường tiểu học để đón khách đấy!”.
Những bà mẹ Lào gốc người Việt đến bên tôi hỏi thăm. Tôi xúc động quá và chỉ biết nhờ Pu Na nói lời cảm ơn. Ngồi trước mặt tôi và nhạc sỹ người Mường- Nguyễn Thành Viên. Anh nói với mẹ Khăm đã 85 tuổi, mẹ Bu Khăm 88 tuổi, mẹ Say Bon 86 tuổi và chị Bun Chăn 70 tuổi... bằng tiếng Mường. Các bà mẹ nói với chúng tôi rằng họ là đời thứ tư, thứ Năm gì đó của những cụ, kỵ sang Bản Đon Sầm Nưa sinh sống, lập làng, lập bản cho đến bây giờ. Trước khi vào Bản Đon, chúng tôi được bà Mẳn Phênh Khạ Ty Nhạ- Giám đốc Sở thông tin, văn hóa và Du lịch Hủa Phăn cho biết. Người Mường ở Bản Đon là một trong chín dân tộc sinh sống và được chính quyền Hủa Phăn công nhận. Với số hộ trong bản là 103 hộ, gần 800 nhân khẩu. Người Mường ở Bản Đon có tập quán sinh hoạt và bản sắc văn hóa, phong tục riêng. Cũng theo bà Mẳn Phênh khạ ty Nhạ thì người Mường từ Việt Nam di trú sang đất Sầm Nưa từ giai đoạn 1780 đến 1808 (?). Thời gian theo dòng lịch sử trôi qua đã quá lâu. Vậy mà hôm nay chính tại Bản Đon này tôi vẫn được nghe những câu nói tiếng Mường. Trẻ như Pu Na cũng biết nói tiếng Mường. Chị Pa Ni vợ trưởng thôn An là người Lào nhưng cũng nói được đôi câu tiếng Mường. Cư dân Bản Đon hòa trong nếp sống, dòng chảy văn hóa Lào. Chồng người Lào, vợ là người gốc Mường hay chồng người bản Đon lấy vợ người Lào... Sự chuyển dịch, giao thoa của hai nền văn hóa Việt – Lào đã trở nên bình thường. Nhưng đã về ở Bản Đon họ vẫn còn giữ được tiếng nói hoặc học nói tiếng riêng của dân tộc mình đó là tiếng Mường thì quí giá nhường nào. Mẹ Bu Khăm nói với tôi một câu rất dài bằng tiếng Lào. Tôi quay sang nhờ cô “phiên dịch” Pu Na. Mẹ khẳng định với tôi rằng: “Ở Bản Đon vẫn dùng tiếng Mường để nói với con cháu về các đồ dùng, vật dụng, con vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà, ngan, vịt...Nói với nhau hàng ngày bằng tiếng Lào. Lúc có việc lớn, việc vui hay việc buồn thì nói với nhau bằng tiếng Mường đấy!”. Vậy là chúng tôi khẳng định chính xác rằng đây là một bản có nguồn cội là người Mường ở Việt Nam đã nhiều thế hệ sinh sống trên đất Lào anh em. Các mẹ nói với tôi nhiều lắm. Các bà hỏi về đất nước Việt Nam, hỏi về cuộc sống của người Mường ở Việt Nam. Pu Na rất vất vả khi phải làm cô “phiên dịch bất đắc dĩ” cho riêng tôi. Qua lời của các mẹ tôi được biết thêm rằng ở đây, chính Bản Đon này nhiều người, nhiều gia đình vẫn còn giữ những tập tục của dân tộc Mường. Đó là ngày Tết gói bánh chưng vuông nhưng nhỏ hơn bánh chưng Việt Nam. Ngày vui làm cỗ vẫn có thịt gà nấu măng chua nhưng lấy hạt Mắc Khén thay cho hạt Dổi. Ông bà, cha mẹ về Trời vẫn phải mời Mo, vẫn thực hiện tục quạt Ma. Các mẹ vẫn nhớ và dạy con làm rượu cần dùng trong những lễ cưới, hỏi hay ngày vui trong bản tuy không thường xuyên. Trời, tôi nghe mà cứ ngỡ ngàng từ câu chuyện này sang câu chuyện khác của những người Bản Đon chất phác, hiền lành và chân chất như cây cỏ, hoa lá trên rừng. Trao đổi cùng tôi qua Pu Na, họ nói cho tôi biết rằng có nhiều chị, nhiều mẹ còn nhớ áo cóm, váy dài của người Mường. Họ vẫn còn giữ nhưng rất ít khi mặc, có chăng chỉ vào dịp đón năm mới. Chiếc khăn Clâc của phụ nữ Mường hay đội giờ chỉ còn trong trí nhớ mang máng bởi phụ nữ Bản Đon đã quen tập tục xứ sở mới nơi đang sinh sống là Tằng cẩu. Chỉ tiếc là không còn ai đeo vòng Xà tích nữa bởi trước đây họ dùng vòng Xà Tích bằng bạc đã bị bọn thực dân Pháp thu hết. Cả bản Đon nghe nói lại chỉ còn một, hai chiếc Chiêng và trong bản cũng không có người biết đánh Chiêng. Lớp con cháu thế hệ tuổi 20 đến 30 ở Bản Đon không biết đến bộ áo váy của người phụ nữ Mường. Có chăng những bộ trang phục chỉ được nhìn qua ti vi hoặc các bạn đã may mắn được sang học ở Việt Nam nhìn thấy. Những bài hát Mường đã nhạt phai bởi các thế hệ con cháu sau này không còn được dạy nữa. Nhưng phong tục tập quán khi dựng vợ, gả chồng cho con cháu vẫn theo tập quán của dân tộc Mường. Nhà trai phải làm cỗ cho nhà gái từ mấy ngày trước. Đến ngày đón dâu mới làm cỗ đãi khách và họ hàng bên nhà mình. Những bước chuẩn bị để đôi trai gái thành thân vẫn đủ như dạm ngõ, ăn hỏi và đưa lễ xin cưới...Có thêm tập tục của người Lào đối với cô dâu mới là người già trong họ và bố mẹ chồng đón con về phải buộc chỉ cổ tay. Tôi mở điện thoại tìm mấy tấm hình các cô gái Việt Nam ở Hòa Bình mặc trang phục Mường cho họ xem. Mọi người tròn mắt và khen đẹp quá, đẹp quá anh à. Những bộ quần áo rất lượt là, sang trọng và đặc sắc quá. Pu Na nói với mọi người cùng xem và nói lại cho tôi biết rằng họ thích bởi trang phục rất đáng yêu không đơn sắc một màu đen, điểm nẹp đỏ như các bạn gái ở Bản Đon vẫn mặc. Tôi nghe xong lòng dạ bâng lâng và tiếc rằng mình đi vội quá chứ không sẽ mang theo một bộ, dù chỉ một bộ trang phục của con gái Mường thôi để tặng...
Chúng tôi tìm hiểu thêm được biết số người già trong bản tuổi từ 80 trở lên còn có 6-7 cụ bà, các cụ ông chỉ có một vài người. Cụ ông cao tuổi nhất bản là cụ Khăm la Mỷ năm nay tròn tuổi 80 nhưng tôi chưa có dịp tiếp kiến vì cụ đã đi chơi với con cháu chưa về...Cùng với thời gian tiếp xúc với bà con trong bản ngắn quá nên chúng tôi cứ bị hẫng hụt và khát khao, trăn trở bởi những điều mình mong muốn, muốn tìm hiểu mà chưa làm được. Câu chuyện với người Bản Đon buổi sáng nay không muốn dứt. Khi Chủ tịch Hội Văn Nghệ, nhà thơ Lê Va thông báo ông Bun Phon một người con của Bản Đon- Nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn mời đoàn cơm trưa cạnh thác Xạ Lời. Chúng tôi nắm tay những người mẹ, người em đã dành mấy tiếng đồng hồ tiếp chuyện để đi về phía thác cách Bản Đon hơn bốn cây số. Ngày thứ hai chúng tôi được thưởng thức ẩm thực của các bạn Lào. Lời mời thịnh tình cùng những chén rượu thơm đượm hương núi trao nhau. Cảnh đẹp, lòng người chân tình và chúng tôi ngồi bên những người con của Bản Đon như Bun-phon-bút-pha-Chăn – Phó giám đốc Sở Nông lâm Hủa Phăn, Bun Phon- Nguyên Phó tỉnh trưởng vừa mới nghỉ hưu, E Săm người bạn Lào đồng hành cùng đoàn suốt hai ngày. Ngồi cùng những người bạn Lào và nhất là những cán bộ sinh ra, lớn lên ở Bản Đon càng hiểu rõ quê mình. Tiếp chuyện các anh, tôi được biết đời sống của 103 gia đình người Bản Đon còn rất vất vả. Nếp sống canh tác còn lạc hậu, việc chuyển đổi giống cây trồng chưa đáng là bao. Thu nhập bình quân đầu người thuộc diện thấp nhất tỉnh Hủa Phăn. Nếp sống vẫn là tự cung, tự cấp. Quan hệ, giao thương với thị trường bên ngoài còn quá ít. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của bà con nhưng chưa tạo thành hàng hóa đem lại thu nhập đều đặn cho các gia đình mà chủ yếu làm ra để sử dụng. Bản Đon chưa có nhà văn hóa dành cho sinh hoạt cộng đồng. Chưa có nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân. Trường tiểu học Bản Đon khi tôi vào thăm lúc đầu giờ được cô giáo Liên Xon cho biết trường được xây dựng từ nguồn vốn của tổ chức UNICEP. Những con đường đi lại trong bản vẫn là đường đất nham nhở, nước đọng thành vũng sau mỗi trận mưa. Các em học lên đến cấp 3 thì phải vượt dốc, trèo đèo hơn ba mươi cây số ra Sầm Nưa. Trong khi đó thu nhập thấp, kinh tế khó khăn nên số học sinh học cấp 3 rất ít. Cả Bản Đon có ba em đã học Đại học ở Trung Quốc, Viêng Chăn đó là Thắt, May và In. Các em đang làm việc ở thị xã Sầm Nưa. Pu Na Vông đa Hương, cô gái “phiên dịch” giúp tôi đã học xong Cao đẳng dược tại trường Đại Học Hồng Đức bên Thanh Hóa Việt Nam về quê để tìm việc làm. Chính vì vậy mà Pu Na nói được ba thứ tiếng: Tiếng Lào, tiếng Việt và tiếng Mường. Mẹ Pu Na là cô giáo của trường tiểu học Bản Đon nói với tôi rằng: “Phải dạy chứ, có học mới nên người. Mình muốn con gái mình có việc làm. Mọi người trong bản mong cho con được học hành cao, đi xa nhưng điều kiện chẳng cho phép đành chịu thôi. Cái nghèo nó làm cho con người ta phải nghĩ ít, phải chọn đường đi ngắn thôi”.
Những căn nhà sàn người Bản Đon ở chúng tôi nhìn thấy không còn bóng dáng chiếc nhà đặc trưng của người Mường ở Việt Nam nữa. Người Bản Đon hôm nay chúng tôi gặp gỡ cũng không biết về họ gốc của mình, những họ điển hình của người Mường như Đinh, Quách, Bạch, Hà mà đã mang họ của người Lào. Không trách được người Bản Đon bởi lịch sử qua đi đã lâu rồi. Thời gian rất dài cộng với bao biến động của lịch sử hàng trăm năm. Do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, xã hội ở nơi mình sinh sống... Sự mai một về nguồn gốc, mai một về văn hóa về tập tục, pha chộn tiếng nói bởi sự giao thoa không thể tránh khỏi cộng với việc hòa nhập là cần thiết để sinh tồn làm cho mình phải đổi thay, quên lãng. Nhưng người gốc Mường ở Bản Đon cũng rất tự hào bởi chính quyền tỉnh Hủa Phăn đã công nhận họ là một trong chín bộ tộc có tập quán, văn hóa, tiếng nói riêng...ở tỉnh và là một dân tộc trong đại gia đình 50 dân tộc anh em trên đất nước Triệu Voi yêu dấu...
Nắng vẫn còn gay gắt, gió thổi cái nóng vào từng khuôn mặt. Nắng đổ trên khuôn viên sân trường tiểu học Bản Đon nhỏ bé. Nắng dội lên những mái đầu trần của các cụ ông, cụ bà, các anh chị trung niên, các cô gái và cả những em tuổi nhi đồng, thiếu niên. Mặc nắng, mặc gió những cô gái trang phục đồng màu đen và những chàng trai vẫn đứng xếp thành hai hàng dài từ cổng trường vào tận giữa sân. Khi xe chúng tôi dừng và mọi người ra khỏi xe thì tiếng vỗ tay ran lên. Hai hàng người vỗ tay đón chào đoàn Văn nghệ sỹ tỉnh Hòa Bình kéo dài không ngớt. Ánh mắt, nụ cười và những tràng vỗ tay đón khách của người Bản Đon đã làm chúng tôi xúc động trào nước mắt. Rất lâu rồi, lâu lắm rồi hôm nay tôi mới lại thấy một cảm giác hạnh phúc, sự trân trọng của nhiều người như thế. Giống hệt ngày tôi bước lên sàn trải thảm nhận bằng tốt nghiệp Đại Học cách đây hơn bốn mươi năm...
Chúng tôi xếp hàng đôi đi vào sân trường Tiểu học trong nắng chiều Sầm Nưa, trong sự nhiệt thành, trân trọng và quí khách của người Bản Đon. Tay khách, tay chủ nhà đan nhau, nắm chặt nhau và câu nói duy nhất chúng tôi biết và nói với mọi người ra đón đó là “Sabađi, sabađi ”. Nhân dân Bản Đon đón tiếp chúng tôi thịnh tình như đón những người anh em trong nhà đi xa lâu ngày nay mới trở về. Ban tổ chức của bản dựng nhà bạt, kê bàn ghế theo hình chữ U để mọi người đều được nhìn thấy sân khấu nhỏ nhưng trang trọng với tít chữ “Giao lưu văn nghệ Viêt-Lào”. Khi nhà thơ Lê Va giới thiệu các thành viên của đoàn với bà con, mỗi lần xướng tên một người là những tràng vỗ tay kéo dài. Nhân dân trong Bản Đon hầu như có mặt đầy đủ từ người già đến trẻ nhỏ. Một sự kiện có thể nói là đặc biệt của bản. Chúng tôi những người khách xa đến đây chỉ một thoáng thôi đã như thể người trong một nhà. Cả bản làm cỗ đón khách. Cả bản đến để đón và tận mắt gặp những người con đất Mường Hòa Bình vượt hàng trăm cây số đi tìm những người Lào gốc Mường sống ngoài biên giới. Mọi người trong bản đến để chứng kiến lễ buộc chỉ cổ tay cho khách lạ mà quen. Lời ông Mo cất lên chậm rãi, trầm bổng, hương thơm tỏa ngát trong căn phòng chật kín người. Chúng tôi ngồi quanh mâm cỗ có thủ lợn, có thịt, có gan tim luộc chín, có gạo, muối bánh kẹo... Chúng tôi lặng im nghe lời Mo âm sắc tiếng Mường pha chộn tiếng Lào. Mo nói lời đại ý rằng: “Hôm nay là ngày lành tháng đẹp. Tại Bản Đon huyện Sầm Nưa của nước Triệu Voi. Trên có trời cao, dưới có đất dày. Xung quanh có cỏ cây hoa lá, có suối reo, chim hót. Có thần linh tại xứ minh chứng. Chúng tôi những người Lào gốc Mường ở Bản Đon đón anh, đón em, con cháu ở xa về. Một nén nhang bay chưa đủ, hai nén nhang bay chưa đủ nhưng trời đất, thần núi, thần suối, thần sông chứng giám cho cuộc gặp có một không hai. Từ giờ phút này những người anh em đến từ nơi xa tận Việt Nam về đây nhận anh, nhận em. Nhận là người trong một nhà, trong một mường. Tình thân càng thêm thân. Đã thương nhau, quí nhau càng thêm thương quí dù mưa, dù gió, dù vật đổi sao rời. Nghinh tiến lễ vật, chia nhau cho đủ dù ít, dù nhiều cùng nhau thụ hưởng. Vòng chỉ buộc vào tay cho tình thân càng thêm thân. Cầu cho anh, cho em đi xa về gần có đấng trên phù hộ. Cầu cho tình nghĩa anh em bền chặt dài lâu. Núi có cao, suối có sâu, đường dẫu có dài, cách xa hiểm trở nhưng trong lòng mãi mãi ở bên nhau...”.
Bữa cơm làng đãi khách xa với những món ăn truyền thống của dân tộc Lào: cá nướng, thịt gà ngon, thịt lợn nướng thơm phức, xôi nếp thơm dẻo, măng rừng luộc để cả bẹ, lá rau rừng thơm thơm cùng với rượu nấu từ gạo xôi ủ men tự làm được trưng cất bởi bàn tay, công sức của các mẹ, các chị, các em. Lời chúc chân thành tự đáy lòng, không ai ép rượu nhau mà cứ rót ra chén là cạn. Những đôi mắt lúng liếng, những đôi môi, gò má ửng hồng bởi men rượu và cả men tình. Tình người Bản Đon gửi trong từng chén rượu đầy vơi để chúng tôi được mênh mang, được lâng lâng, được thấy hạnh phúc xen lẫn tự hào. Sau những chén rượu nghĩa tình là lời ca tiếng hát vang lên dưới bầu trời Bản Đon. Những bài hát tiếng Việt, tiếng Lào nói về tình nghĩa anh em Việt- Lào bay vút lên hòa vào núi rừng Sầm Nưa, cứ da diết trong lòng. Các em gái trong bản múa Lăm Vông cho chúng tôi xem. Bàn tay người con gái Bản Đon rất điệu nghệ cùng bước chân uyển chuyển trong tà váy thổ cẩm duyên dáng. Vòng Lăm cứ rộng thêm. Những nụ cười tươi hơn thay cho lời mời cùng múa. Những người anh em Việt –Lào cả trai, cả gái cứ quấn lấy nhau trong điệu múa quen thuộc của Lào mà chúng tôi vừa kịp học vội. Chúng tôi người Hòa Bình và người Bản Đon đã là người trong một nhà. Trong lòng chúng tôi dạo dực, bâng khuâng và có chút nuối tiếc lại và càng thao thiết về người Bản Đon. Nhận những món quà do chính người Bản Đon làm ra trước lúc chia tay. Một tấm vải thổ cẩm, một gói chè phơi khô. Giản đơn thế thôi nhưng chúng tôi trân trọng đón bởi đó là cả tình cảm, tấm lòng. Anh em trong đoàn chúng tôi ra về trong tâm trạng chộn rộn thật khó tả. Cảm giác sống mũi mình cay cay, đôi mắt tự nhiên ứa lệ. Tôi chạy đến phía hàng ghế sau phía cuối sân, ôm lấy những bà mẹ Lào gặp sáng nay. Nắm chặt tay thô ráp của những chàng trai chân chất và nhiệt thành. Nắm rất nhẹ những đôi tay mềm mại của các cô gái Bản Đon, cô gái Sầm Nưa. Họ quây lại, đặt bàn tay nhỏ nhắn xinh đẹp lên tay tôi và nói thật to “Xốc đi đơ- Phốp căn mày” (Chào tạm biệt, hẹn gặp ngày mai nhé). Chỉ thế thôi, nhìn nhau thôi chẳng muốn rời. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Quang Dũng ông viết trong thời kỳ đoàn quân Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “...Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”.
Tạm biệt Bản Đon, tạm biệt những con người giản dị, hiền hòa và chân tình. Câu nói của bà mẹ Lào qua Pu Na dịch lại trước khi bước lên xe trong ánh điện nhập nhòa: “Đừng quên đường về lại Bản Đon nghèo con nhé” làm tôi xao xuyến, một con sóng rất lạ cứ dâng trong lòng. Đêm ấy trong căn phòng thoáng thoảng mùi hoa cỏ của khách sạn xinh đẹp đứng bên bờ Nậm Xam dù khí hậu về đêm ở Sầm Nưa rất mát mà tôi chẳng chợp mắt. Cứ thao thức, thao thức nghĩ về Bản Đon. Tôi tin rằng đêm nay nhiều người ở Bản Đon cũng thao thức như tôi. Không ngủ để cho những câu nói ân tình đọng sâu trong trí nhớ. Không ngủ và suy nghĩ về một Bản Đon trong tương lai. Chúng tôi những văn nghệ sỹ tỉnh Hòa Bình đã vượt núi, băng đèo đi thật xa trên đất nước Triệu Voi để thắm chặt thêm tình hữu nghị Việt-Lào. Chúng tôi thao thức về những người Lào anh em có gốc Mường nơi xa xứ. Xa là nhớ, mãi mãi nhớ về nhau. Dẫu biết phải chia tay nhưng thôi, chúng tôi sẽ “Phốp căn mày”.
P.H.Đ
Người gửi / điện thoại