Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

RANH GIỚI

Phạm Ngọc Chiểu

RANH GIỚI

    1- Thằng giặc đạp lên cây cỏ, chạy. Những cành cây khô rải đầy mặt đất như cũng có mắt, cứ nhè chọc vào vết thương ở bắp chân phải làm nó đau buốt tận óc. Nhưng nó cứ bước phứa. Sau lưng nó, một phát súng đã nổ. Sau phát súng, một hồi kẻng dài nổi lên gấp gáp. Hai thứ âm thanh nối nhau cùng ập vào gáy nó làm nó bàng hoàng, ngỡ như những tiếng nổ điên dại của một băng liên thanh đang nhằm vào nó mà nã. Nó quay nhanh lại phía sau. Từ cái nơi nó vừa chuồn ra, những luồng đèn pin đang lia quét, đan nhau, rồi cùng túa vào rừng. Thế là nó lại cắm đầu tập tễnh chạy. Càng lúc nó càng hay ngã hơn. Nó nghe mơ hồ tiếng người nói sau lưng. Nó nghe cành cây khô bị đạp gãy càng lúc càng gần. Nó không dám quay lại nữa. Mắt nó chăm chăm xoáy vào đêm rừng trước mặt. Ánh trăng xuyên qua tán cây, rắc loang lổ trên mặt đất càng làm nó phát hoảng, ngỡ đấy là những ánh đèn pin, là con mắt những người rượt đuổi. Bước chân nó càng ríu lại. Nó ngã dúi dụi liên tằng. Đầu nó bỗng bùng lên những lời chửi rủa. Nó rủa cái chân đau, vặc cái chân đau đang phản nó. Mặc mẹ mày, đau cũng phải chạy. Ông không chạy thì ông chết! Cố lên, Phong! Cố lên! Nó rủa lũ đồng đội của nó. Mả cha mấy thằng đầu trọc chỉ giỏi ăn hại và nói phét. Đánh cả buổi sáng không vào nổi cái bản bé như lỗ mũi, phải đánh cả sang chiều mà có vào nổi đâu. Cứ cắm cổ chạy như vịt trước mũi súng của mấy thằng áo chàm. Cái lũ hèn mạt, chẳng khác gì mấy thằng “xế” mạt hạng, thoáng trông thấy mấy thằng công an từ xa đã run bắn cả tay lái, mồ hôi túa ra, vội sờ cốp, nắn túi tìm thuốc lá xem đã có sẵn đó chưa! Chính cái sự hèn của chúng nó mới khiến mình lâm vào cảnh khốn khó này. Mình trúng đạn, ngã vật xuống, chúng hò nhau chạy hết, để mình nằm lại. Không nhanh trí lết sang lột vội xống áo của một thằng dân quân bản Puộc mặc vào, có lẽ mình bị thịt ngay từ bữa đó rồi. Lũ chó thế! - Đứng lại! Một tiếng thét cắt phụt suy nghĩ của thằng giặc đang chạy trốn. Nó giật bắn người. Nhưng ngay lúc đó nó nhận ra tiếng người vừa thét. Ô, tưởng ai, thế thì không hề gì! Chạy, chạy nhanh lên, Phong! Tranh thủ chạy cho nhanh trước khi những đứa khác đến kịp với cô ta...

 - Tôi bảo đứng lại! Không, tôi bắn!

 Bắn? Dám bắn? Chả lẽ cô ấy bắn? Không, dọa thôi! Hôm kia, hôm qua, những lúc thủ thỉ hỏi mình, cả khi cáu giận nữa, nhìn vào mắt và nghe giọng nói, mình thấy cô ta vẫn...

 - Đứng lại! Tôi bắn... này...

   Phát súng nổ vang. Thằng giặc hẫng bước. Mặt nó ật ngửa lên trời. Mắt nó vừa nhận ra mảnh trời xanh nhạt với những ngôi sao lấp lánh xa vời, thì liền đó, tất cả bỗng quay tít. Vầng trăng đang vằng vặc bỗng đỏ như nhuộm máu. Nó chỉ nghĩ thêm được điều này, trước khi ngã sấp mặt vào đám cỏ hôi: Ôi, nó bắn thật... nó bắn người mà nó... từng...

 biengioi2

    2- Tiếng người lao xao hỏi nhau:

 - Nó chết hay chỉ bị thương?

 - Chết.

 -Xem kỹ xem!

 - Ngoẻo thật mà. Một tiếng hốt hoảng kêu to:

- Thôi chết, nhầm rồi này.

 - Sao?

- Đây là đồng chí thương binh bọn em mới đưa về bữa trước. Đồng chí dân quân bản Puộc.

 - Thật không?

 - Thật mà. Đúng là đồng chí ấy.

 - Bỏ mẹ. Thế ai báo động?

Đến câu hỏi ấy, bác sỹ Thu mới dứt khỏi cảm giác bàng hoàng. Cô nhận ra mình vẫn đứng nguyên chỗ đứng bắn, báng súng vẫn tì vai, ngón tay trỏ vẫn áp nơi lẫy cò. Cô xách súng chạy vội lên, lách mọi người chen vào, cúi lật mặt kẻ vừa bị bắn. Đôi mắt kẻ đó ngây dại, mông lung nhìn trời. Những ngón tay Thu run rẩy vuốt đôi mắt đó. Xong, cô ngửng lên nói với mọi người đứng xung quanh đang lặng lẽ nhìn cô:

 - Không, không nhầm đâu. Đúng là một... thằng giặc đấy... Tôi biết h... ắ... n...

 

    3 - Phải, Thu biết con người này. Biết rõ lắm. Biết, thân, và... Cho đến trước ngày bọn Pôn Pốt gây sự, lòng Thu vẫn xao động, vẫn nhói đau khi nghĩ đến con người này. Có thế thật. Hoàn toàn đúng như vậy. Một hoàng hôn đã xa, Thu xách va li thẫn thờ bước. Thiên nhiên biên giới đẹp lắm nhưng Thu thì vô tình với thiên nhiên. Cô chỉ thấy hiu quạnh. Cô nhẩm lại những ngày xa Thủ đô. Ôi, Hà Nội, biết bao giờ mới được trở về nơi thân yêu đó, sống giữa người, xe náo nhiệt đêm ngày? Mẹ ơi, bao giờ con mới được về bên mẹ để được nghe mẹ mắng mỏ một cách lo lắng, yêu thương như suốt hai chục năm qua?...

- Này, về đâu mà tha thẩn, thẫn thờ thế cô bạn? Cái xe I-Fa cao lênh khênh chợt phanh kít bên Thu, tiếng máy rình rình nổ. Và chàng lái xe trẻ thò đầu ra khỏi ca-bin, hỏi xuống. Thu vẫn bước. Cô không nghĩ rằng người con trai xa lạ đó hỏi mình.

- Khinh người thế? Hỏi cô đấy. Về đâu mà đi bộ? Thu nhìn lên. Một khuôn mặt trẻ, trắng trẻo tươi cười nhìn cô.

- Tôi...về xa!

 - Là đâu? Lên đi cho đỡ vất, tiểu thư!

 Thu thành khách ca-bin tình cờ của chiếc I-Fa như vậy. Người lái trẻ thật vui tính. Anh ta hồn nhiên nói chuyện, như thể Thu là bạn thân của anh từ lâu. Anh ta độc thoại thì đúng hơn.

 - Cô vào đây công tác? Thảo nào. Trông thì biết chứ. Sao mà buồn quá thế? Chắc là đang nhớ nhà, nhớ các cụ, nhớ bạn bè? Nhớ người yêu nữa, phải không? Thôi cũng được. Ngày đầu xa nhà chả mấy ai không thế. Buồn, và nhớ. Đúng thôi. Chỉ miễn là, sau nỗi nhớ đó, đừng có chuồn là được! Phải, đừng có chuồn, cô ạ...

 Xe bắt đầu leo dốc. Tiếng máy xe nặng nhọc. Đã bắt đầu nhìn thấy những cây đào chi chít quả. Những cây thông thân thể mốc xanh. Bỡ ngỡ, cộng với sự giữ mình một cách ý tứ khiến Thu ngồi sát ra cánh cửa ca-bin, dán mắt vào các sườn núi đang chầm chậm lùi lại phía sau. Người lái trẻ vẫn hồn nhiên trò chuyện:

- ... Đúng thế, đừng có chuồn. Chuồn thì chẳng ra cái quái gì! Đáng là người vất đi. Bữa trước tôi đã trị một thằng cha mạt hạng như vậy. Nó từ Thái Bình xung phong đi làm công nhân cầu đường. Xung phong chứ nào ai bắt ép? Tay tôi chở nó đến công trường, cũng vượt dốc vào cữ này đây. Vậy mà chưa được hăm mốt ngày, thằng cha đánh bài chuồn. Loắng quắng thế nào hắn gặp tôi, vẫy rối vẫy rít. Tôi tưởng nó đi có việc gì, phanh xe cho lên. Nhưng chỉ câu hỏi thứ hai, tôi biết ngay thằng cha đào ngũ. Lập tức tôi phanh cháy đường, lôi tuột nó xuống. Đồ hèn! Hèn thì không được ngồi xe tao, hiểu chưa? Xéo! Tôi quát thẳng vào cái mặt đang nghệt ra của nó. Thuận chân, tôi cho nó một cái đá, rồi lên xe, vù thẳng. May mà sức hắn cũng kha khá không ngã úp sấp xuống vệ đường... Thu bật cười:

 - Thế nếu mấy bữa nữa anh lại gặp tôi vẫy nón đi nhờ thì sao?

 - Nhờ như thằng cha kia?

- Cứ cho là như vậy?

 - Thì một là, cô bẹp mất cái nón. Và hai là, nếu trót để cô lên ca bin rồi...

 - Anh cũng lôi tuột tôi xuống, và...?

 - Chắc là thế thôi! Thu che miệng cười. Người lái trẻ nhìn thẳng vào mặt cô:

- Sao cô cười? Cô không tin? Thu không giải thích. Cô chỉ nghiêm trang nhìn thẳng lại người lái trẻ để anh ta hiểu cô là người thế nào.

   Sau đó, thảng hoặc tiện xe đi qua bệnh viện của Thu, người lái trẻ tốt bụng lại tạt vào thăm cô chốc lát. Lần nào Thu cũng được quà. Một giỏ đào. Một túi mận. Mấy bắp ngô lấy từ tận nông trường xa. Có khi là một cuốn truyện mới. Và, thỉnh thoảng Thu còn nhận được thư tay của mẹ, khi anh ta đánh xe về Hà Nội lấy hàng... Người lái trẻ thành người thân của Thu, của cả gia đình Thu lúc nào cô cũng không nhớ nữa. Thân, đúng thế. Và ...Tôi đã yêu con người ấy. Vâng, quả có vậy. Không phải mãi đến buổi chiều bước vào phòng khám bữa đó, nhận được lá thư in dấu bưu điện của người con trai ấy, lá thư viết vội cho tôi: “Tôi phải trở về Tổ quốc. Người ta bảo tôi rằng, nếu tôi không về là tôi phản bội Tổ quốc tôi, phản bội dân tộc tôi, cái điều mà không một ai có lương tri lại có thể mắc. Nên tôi phải về, dù cho đến lúc viết những dòng này, tôi vẫn không rõ rồi đây bản thân tôi sẽ thế nào? Vĩnh biệt Thu, người con gái tôi vẫn yêu vụng nhớ thầm suốt bấy lâu nay!”; Không, không phải đến lá thư đó tôi mới yêu con người ấy, và tôi mới biết con người ấy yêu tôi. Tôi đọc được gan ruột anh từ rất lâu rồi, trước lá thư đó. Tôi còn đoán biết được vì sao rất yêu tôi mà anh không nói ra, cứ cố nén lòng mình. Người con trai đó hóa ra còn rất phong kiến, quá mặc cảm về mình, về nghề nghiệp và chỗ đứng của anh ta. Hẳn anh nghĩ rằng, một cô gái Hà Nội, lại là cô bác sỹ như tôi, chắc gì trao tình yêu cho một chàng lái xe ở tận nơi núi rừng xa ngái này? Thật là một cái nhìn lầm lẫn đến tệ hại. Vâng, tôi yêu anh ta từ lâu. Một con người sống đẹp thế, nóng nảy một chút nhưng rất có tình người, chẳng đáng yêu sao? Và, vì thế, tôi đã định một bữa nào đấy, dịp tôi được nghỉ phép chẳng hạn, tôi sẽ nói thật với anh ta tất cả, những lời yêu cùng với những lời trách, để anh hiểu tôi. Vậy mà... tôi đã chậm hơn bọn chúng nó. Anh ta đã bị chúng lôi tuột qua biên giới trước khi tôi nắm lấy bàn tay anh ta…

biengioi

   4- ... Khuôn mặt người thương binh bản Puộc mà đội cứu thương đem về làm tôi luống cuống. Mọi người ngơ ngác nhìn tôi, còn tôi thì chằm chằm nhìn vào khuôn mặt thân thuộc đang nằm trên bàn cấp cứu. Đúng rồi, vẻ mặt này, đôi mắt với hai nét mày sắc như hai vết mực Tàu này. Cái miệng lúc nào cũng hơi mím mím kia nữa... Trời ơi, không sai chút nào. Một sự trùng hợp quá đặc biệt về hình thể chăng? Không, đúng là anh ấy, nhất định là anh ấy rồi. Ước gì anh thương binh mở mắt ra để mình nhìn cho rõ hơn. “Kìa, sao chị chần chừ thế? Cấp cứu cho anh ấy đi. Anh ấy nằm ngất ngay bên một hố đạn pháo. Bắp chân phải bị nặng đấy, chị xem ngay đi, kẻo... “. Tiếng người tổ trưởng tổ cứu thương hồi hộp, giục giã, khiến tôi sực nhớ nhiệm vụ người thầy thuốc. Mọi việc cấp cứu, băng bó, hồi sức cho người thương binh được tôi làm rất nhanh. Nhanh, và căng thẳng, bởi trong đầu óc tôi nóng rực bao câu hỏi. Người tôi như bã ra sau ca cấp cứu... Hôm sau, tôi giao việc chăm sóc, điều trị người thương binh mới cho đồng chí y sỹ có kinh nghiệm nghề nghiệp cao của bệnh xá. Tôi cố ý tránh mặt anh ta vì sợ rằng, vừa mới tỉnh lại, gặp tôi, mà lại đúng là anh ta, thì... cái sự gặp gỡ đó chả có lợi gì cho anh ta cả. Sau một đêm thao thức lục lọi ký ức và đối chiếu với những điều mình tận mắt thấy về người thương binh, tôi đã khẳng định rằng, người thương binh đó là con người tôi đã..., và anh đã gửi cho tôi lá thư mang dấu bưu điện dạo nào. ... Ngày thứ 3, tôi được báo là người thương binh đã tỉnh. Ngày thứ năm, anh ta đã ngồi dậy và ăn nhúc nhắc tí chút. Ngày thứ sáu, anh đã hỏi được những người phục vụ đôi câu. Và hôm sau, anh đã hỏi mượn sách báo để xem. Tôi quyết định vào gặp anh ta. Tôi nhớ nguyên nét mặt người thương binh lúc ấy. Ngỡ ngàng. Mừng vui. Bối rối. Và, sửng sốt. Có tất cả. Vâng, đúng thế. Nhưng lúc ấy, chả hiểu sao tôi không đặt một dấu hỏi, mà lại chỉ nghĩ về tất cả những dáng vẻ lạ lùng kia với những ý tốt đẹp: chắc anh đang ngạc nhiên sao tôi lại phải ra cái chỗ súng đạn này? Nên tôi đã mỉm cười với người đó, một nụ cười thiện cảm có pha chút tự hào nữa chứ! Có gì đâu anh, bọn phản bội đã đánh sang đất này, mọi người cùng xông ra đánh đuổi bọn chúng, lẽ nào tôi ngồi yên cho được? Tôi đã phải xin mãi với lãnh đạo mới được ra đây góp sức đánh giặc cùng mọi người đấy! Chúng tôi bắt đầu trò chuyện...

“… -Rồi sao nữa anh? Tôi run run hỏi người thương binh mà bây giờ đã đúng mười mươi là “anh ấy” rồi. Vì tôi xúc động thực sự. Nỗi gian nan anh ấy phải trải qua trong những ngày trở về cái “Tổ Quốc” của anh kinh khủng quá.

- Rồi tôi trốn khỏi Công xã để tìm đường trở về bên này... Câu trả lời chậm chạp thế nào, và người trả lời lại lảng, không dám nhìn vào tôi, khiến tôi ngờ ngợ.

- Anh về bên này từ khi nào? Tôi hỏi tiếp, và thâm tâm cứ mong cái ngày giờ sắp nghe nói kia không phải là ngày bọn Pôn Pốt đánh qua biên giới Tây Nam, mà là trước đó, trước rất xa, rất xa. Nhưng trước mắt tôi lại là một sự lúng túng, không nói được. Nỗi ngờ vực trong tôi lớn vuột lên.

- Sao anh không về với đội xe cũ mà lại vào bản Puộc? Không có câu trả lời.

 - Hay anh bị lạc? - Tôi buột một lời gợi ý không hề nằm trong ý định. Quả nhiên, người ngồi trước mặt tôi vui mừng chộp ngay lấy sự gợi mở đó, sự vui mừng của kẻ sắp chết đuối vớ được cọc đã bóc trần cái sự thật mà anh ta đang lúng túng che giấu:

- Đúng rồi... đúng, anh bị lạc, anh bị lạc mà... Tôi nhìn thẳng vào mắt con người vừa lắp bắp nói với tôi. Đôi mắt đã thân thuộc lắm đối với tôi kia hiện rõ sự bối rối trước cái nhìn của tôi. Tại sao vậy? Trời ơi, chả có lẽ...

 - Và anh đã báo tin cho bà con bản Puộc biết cái ý định đánh sang bên đây của bọn Pôn Pốt?

 - Vâng, à ừ, anh..., tôi... đã báo...

 - Và lúc bọn chúng tràn sang, anh đã cùng anh chị em dân quân bản Puộc chiến đấu, nên anh bị thương?

 - Đúng rồi, đúng..., là như thế... Những câu lắp bắp, vẫn là những câu lắp bắp cùng những cái gật đầu rất vội đến mức ngờ nghệch. Tôi quyết định thẩm tra lần cuối cùng:

- Thảo nào, từ sáng đến giờ anh em dân quân bản Puộc cứ đòi vào gặp anh, cản thế nào cũng chả được. Họ vẫn đang ngồi chờ ngoài kia. Tôi vừa bịa, vừa đưa mắt thăm dò, rồi giả bộ đứng lên:

 - Có lẽ cho họ vào gặp anh, kẻo tội. Vì anh cũng đỡ nhiều rồi... Câu nói của tôi chưa xong thì cái sự hoảng hốt của con người ngồi trước tôi, trong cái vỏ thương binh, hiện ra hoàn toàn. Không chỉ bằng ánh mắt, giọng nói mà bằng cả sự run rẩy. Và cuối cùng, không kìm nén được sự sợ hãi, hắn ta chộp vội lấy cánh tay tôi mà thú thật, mà van xin. Người tôi nổi gai lên trong nỗi kinh hãi. Trời ơi, thế ra cái điều suốt mấy hôm rày tôi ngờ ngợ, vì yêu thương mà tôi có sự ngờ ngợ đó, lại đúng là sự thật tàn nhẫn thế này ư? Có lẽ nào... Con người ngồi trước tôi đây, ngay trước mặt tôi đây, gần lắm, rất gần, từng là người tôi yêu thương, tôi xót xa ân hận vì đã để người đó bị bọn giặc lôi tuột khỏi tay tôi ngày nào, thì bây giờ, con người ấy đang ngồi sờ sờ đây nhưng đã biến thành một kẻ khác rồi, một thằng giặc sang cướp nước tôi, cùng đồng bọn hắn giết chết bao người vô tội! Thật thế không, có thật thế không?

- Anh Phong, anh đã nói dối, nói dối tôi suốt nãy giờ! Đúng không? Anh nói đi, có đúng như vậy không? Một cái nhìn ngước lên rất nhanh, cái nhìn sợ hãi và cầu xin. Người tôi tê tái. Trời ơi, đúng là hắn rồi. Loang loáng trước mắt tôi những ngôi nhà chìm trong lửa đỏ, những em nhỏ, mế già ngã gục trước mũi súng và lưỡi cuốc của những thằng người vận quần áo đen, quấn khăn xà rông quanh đầu. Tôi cố dằn giọng để câu hỏi của tôi không vang ra khỏi phòng: - Anh nói đi, có đúng là anh đã cùng đồng bọn sang đây ăn cướp và bắn giết không? Anh trả công đất nước tôi, dân tộc tôi đã cưu mang, đùm bọc anh suốt bao năm như thế, đúng không? Không có câu trả lời, chỉ có cái đầu húi cua rũ xuống. Tôi ẩy cái ghế lùi lại phía sau và đứng bật lên, bước như chạy ra phía cửa, bỏ lại sau lưng tiếng gọi ú ớ trong cổ họng của tên phản bội. Nước mắt tôi chan chan, môi tôi bậm chặt lại. Lúc ấy, hoàng hôn đang mờ trên núi xa...

 

    5- Tiếng súng nổ rồi hồi kẻng báo động làm bác sỹ Thu choàng tỉnh. Cô tung chăn, lao vội ra cửa, không kịp quờ chân tìm dép, chạy thẳng đến phòng “người dân quân bản Puộc bị thương”. Chiếc giường trống không. Cửa sổ có chấn song làm bằng những mảnh luồng bị tháo ra mấy mảnh, vừa khoảng người chui lọt. Cô cắn chặt môi, ngoắt về phòng mình, giật vội khẩu súng trên vách liếp, lao theo mọi người vào rừng. Đường rừng gập ghềnh. Những hòn đá mồ côi nhẵn trơn như bôi mỡ. Những vỉa đá sắc như dao níu cứa bước chân. Và đêm tối. Và cành lá quất rát rạt ngang mặt. Thu cứ phăm phăm chạy, đầu bừng nóng một lời giục giã chứ không hề thấy cảm giác đớn đau trên da thịt. Nhanh lên Thu ơi, nó mà thoát thì mày có tội. Tội lớn lắm! Thu bỗng thoáng thấy một bóng đen ẩn hiện trước mặt cô. Cái bóng đen tập tễnh, tập tễnh. Nó kia rồi! Bước chân Thu kéo ngắn khoảng cách giữa mình và cái bóng đen đang cố chạy cà nhắc, cà nhắc. Thu quát tiếng thứ nhất. Thu quát tiếng thứ hai. Cái bóng đen vẫn cố chạy, cố lẩn. Hình như nó biết rằng đó là tiếng Thu quát nên không sợ.

- Đứng lại! Tôi bắn... này! Cùng với tiếng quát, Thu đứng dừng. Cô nâng nhanh súng tì vào vai. Cái bóng đen ào ra chỗ ánh trăng, đúng vào lúc Thu thoáng nhớ yếu lĩnh thứ năm bài xạ kích đứng bắn. Thu rê mũi súng. Đây rồi, cái gáy kẻ trốn chạy lấp đầy đường ngắm của Thu. Cô nín thở. Và...

   - Đoành! Tiếng súng nổ vang rừng. Cái gáy người vụt biến trước mắt Thu. Cô bàng hoàng, nghe rõ tiếng tim mình vang dội. Ôi, ai đó đã...

   Câu chuyên đúng ra đã có thể đặt dấu chấm hết. Sợ rằng bạn đọc có băn khoăn gì chăng về cô bác sỹ trẻ của chúng ta, người viết xin ghi chú đôi dòng: Sau khi bọn xâm lược đã phải cút về phía bên kia biên giới, bác sỹ Thu chia tay bệnh xá tiền phương, trở lại bệnh viện quen thuộc của cô. Người tinh ý sẽ thấy cô bác sỹ trẻ có một thay đổi nho nhỏ trong nếp sống thường ngày. Ấy là, cứ hết giờ trực, cô lại ra ngọn đồi sau viện, đăm đăm nhìn qua bên kia biên giới. Giây phút ấy, nếu có ai đột ngột nhìn vào mắt Thu, người đó sẽ gai người lên. Mắt cô gái như có lửa, nhìn vượt qua những ngọn đồi, xuyên qua tầng tầng hơi núi, như muốn thiêu đốt một cái gì ở phía xa. Và đêm đêm, Thu ngồi rất khuya bên ngọn đèn điện đã được che chụp cẩn thận, trước những trang nhật ký. Cô viết nhọc nhằn từng dòng, từng dòng. “Phát hiện ra cái thực rất tồi tệ của con người đó rồi, sao mình chần chừ không báo cáo? Vì mình vẫn còn cố níu kéo một niềm tin. Mơ hồ và mong manh lắm, mà vẫn cứ tin! Chao ôi, hăm mấy tuổi đầu, tận mắt nhìn tội ác của lũ phản bội rồi mà mình vẫn còn ngây thơ!...” “... Sao lúc ấy mắt mình chợt tối sầm lại, và ngón tay đặt nơi lẫy cò súng bỗng run, để ai đó nổ súng mất???” “Trời ơi, sao chúng nó giỏi nhuộm đen những tâm hồn người đến vậy???...”

 

   Hàng tuần thức cùng quyển sổ, cô bác sỹ trẻ của chúng ta chỉ ghi có thế!

 

                                                                                Thị xã Hòa Bình, tháng 2, 1979

                                                                                Hà Đông đầu tháng 3, 1979

                                                                                             P.N.C

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 30
Trong ngày: 161
Trong tuần: 896
Lượt truy cập: 435481
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.