Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

PHÒM (Tập 1- Tiếp)

LaHAN

PHÒM HỌC VIẾT BÁO

 Phòng văn hóa huyện có công văn về xã, rồi xã về thôn. Có lớp tập huấn viết tin bài cho đài, báo của huyện. Mỗi xã cử 2 người, xã ưu tiên cho thôn của Phòm. Phòm đi mấy nhà bảo mấy cháu vừa học hết phổ thông. Chẳng đứa nào chịu đi. Vì thành tích thôn, Phòm đi học. Phòm nghĩ thầm: Sợ đếch gì, trưởng thôn mà viết báo thì càng tốt chứ sao; vài cái câu đọc trên đài huyện thì ai mà chả viết được!!!
   Thầy dạy là giáo sư mời từ Học viện Báo chí truyền tin từ ở Hà Nội về. Cán bộ huyện bảo: Đã cất công mời thầy, đã tốn tiền thuê thì mời hẳn Trung ương cho nó oách.
   Bài giảng của thầy những là sáng tạo tác phẩm báo chí, nào là chủ đề, nào là tư tưởng chủ đề trong một bài báo, rồi là Tìm Nghiên (tức là tìm hiểu và nghiên cứu)... cứ rối tinh rối mù trong đầu Phòm.
   Thế rồi nguyên tắc 6W + H
Thế rồi rút tít hấp dẫn.
Rồi thì nhấn mạnh trọng tâm vấn đề.
Rồi còn thăm nắm dư luận khi bài báo đã phát hành...
Chao ôi! Có ba ngày tập huấn mà cứ như đào tạo tiến sĩ không bằng!!!
Đến ngày thảo luận. Phòm hỏi thầy:
 - Muốn nắm đúng, sát thực tế phải làm gì?
Thầy bảo :
- Phải lăn lộn với đời sống nhân dân.
 - Muốn vạch mặt xã hội đen thì làm thế nào?
Thầy bảo:
- Phải có đủ cứ liệu.
- Muốn đủ cứ liệu phải làm gì?
 - Phải trà trộn, phải lẫn vào với chúng!
 - Chúng biết thì sao?
 - Đôi khi phải dùng “Khổ nhục kế”.
- Khổ nhục kế là gì?
- Như Việt Vương Câu Tiễn nếm cứt Vua Ngô Phù Sai...
Cả lớp cười, vỗ tay đôm đốp... Phòm lai hỏi thầy:
 - Giả sử viết về chống tham nhũng, kẻ tham nhũng biết được, giương bẫy đưa mình vào tròng thì sao? Thầy ân cần dặn:
- Thường có hai cái bẫy: Tiền và gái. Các anh phải tránh xa hai thứ đó ra!.
Phòm cười:
- Hơ hơ... Làm gì thì cũng phải làm ra tiền và có sung có sướng, tránh hai thứ ấy thì đi viết báo làm gì???
 Thầy và cả lớp tròn O mắt nhìn Phòm.
Phòm cao giọng:
 - Em là em đưa thẳng chân vào bẫy cho nó sập!
Thầy chưa hết bàng hoàng, Phòm nói tiếp:
- Đấy cũng là khổ nhục kế mà thầy. Em không chịu khổ về cái thân xác, mà em xin chịu khổ về cái danh dự. Cũng thế cả thôi!
Thầy bước đến bắt tay Phòm, lắc lắc và nói với cả lớp:
- Điều này chưa có trong giáo án của Học viện. Sau đợt này, tôi về Hà Nội, bổ sung ngay, bổ sung ngay... Cả lớp tung hô Phòm như một nhà phát minh. Trời giữa trưa hè, nắng quắt lá tre mà Phòm thấy mát hây hẩy khắp mặt mày chân tay...
 
PHÒM LÊN YÊN BÁI
 
Gớm! Mấy ngày nay các bác nói về Yên Bái nhà em ghê ghê là. Nào:
 - Lên Yên Bái đi đái cũng run(!).
Thế em là con rể Yên Bái, lên thăm quê vợ thì nhịn ăn, nhịn đái à? Quê em cảnh đẹp. Người xinh. Không tin các bác lên gặp gái Mường Lò, quanh họ nhà vợ em xem. Khéo thì chẳng mang được cái thân về!
 Trừ mấy thằng đầu trộm đuôi cướp (ngày xưa còn làm thổ phỉ). Trừ những thằng lục lâm thảo khấu (ngày nay gọi là lâm tặc). Trừ những tay anh chị ma cô dắt gái, trừ những thằng tàng trữ vũ khí tự tạo và vũ khí quân dụng. Trừ những thằng ba bửa ăn vạ dọc đường. Trừ những thằng những con cướp vợ giật chồng người khác. Trừ những thằng chửi bố, đánh thầy; Trừ những thằng buôn thuốc phiện, ma túy...
  Tóm lại là trừ hết bọn tiêu cực thì quê vợ em rặt những người hiền lành.
  Ngày xưa, tức là những năm đói kém cuối thế kỷ trước, Phòm em cũng lăn lộn lên rừng Yên Bái kiếm sống. Em cũng lạc rừng, cũng đói ợ cả giun ra mồm. Nhưng lấy được vợ xứ Yên.
  Ngày ấy lấy gỗ rừng cũng khó khăn rồi. Phòm em lận đinh lim sến táu dưới bè nứa bè vầu về xuôi. Cũng có nhiều bận bị cướp trắng. Mà lũ cướp thì... Eo ôi! Kể ra... Các bác ướt đũng quần!
   Vợ em vốn nhà lành. Bố làm trên tỉnh. Hình như ông có phòng nhì ở phố. Ít về quê lắm. Chỉ có 3 mẹ con đàn bà con gái ở xó rừng. Một hôm em lừa cô ấy lên xe máy bảo ra phố chơi. Em vù 80 kilômét một giờ trên đường rừng. Vào lán tạm của tụi khai thác gỗ xin phép thầm. Em chỉ ảnh một ông cụ cắt ra từ họa báo, treo trên vách nứa bảo:
- Bố anh mới mất. Em vái cụ đi! Cô ấy mới học xong cấp 2, lóng ngóng cầm 3 thẻ hương. Vái như bổ củi. Gió thổi lật bật vào khung ảnh làm cái má cụ già trong đó cũng như méo xệch đi. Xong. Em bảo:
 - Em là người nhà anh rồi đấy nhé!
  Cô ấy ngơ ngác hồi lâu rồi òa khóc! Về nhà em cũng nói với mẹ vợ em thế. Bà người tông giật, lại hơi điếc; cười cười và gật gật...
  Sau này ôm bụng chửa về xuôi. Gặp bố em còn sống. Cô nguýt em rách cả khóe mắt. Có vợ rồi mà đi đâu em cũng phải thủ dao phòng thân. Vì ông bố vợ ở tỉnh hận em lắm! Thuê đầu gấu định diệt em.
  Thế rồi con cái đầy nhà, vợ em chửa 6 bận đẻ được 4 đứa, nom vẫn xinh ra phết. Giờ lên Yên Bái cứ vui như Tết cộng ra Giêng.
  Bố vợ em hưu rồi. Ông thường vỗ vai em bảo:
 - Mày khá!
 Lại còn dặn thêm:
- Trưởng thôn tuy chức nhỏ. Nhưng biết làm thì... vẫn... vẫn khá!!!

screenshot_948
 
ĐÃ NẶNG VIỆC LÀNG LẠI QUÀNG VIỆC NƯỚC
 
Phòm phớn phở bước vào nhà cụ Tén.
Cụ đang ngồi thư thái thưởng trà. Phòm cất giọng:
 - Thưa cụ, con thay mặt dân làng cảm tạ cụ đã hiến trên 1.000 mét vuông đất để dân làng làm sân sau của nhà đền ạ!
Cụ Tén xua tay:
- Chuyện có gì đâu bác Phòm. Đấy là đất tôi chớp thời cơ mua được, còn như bác hiến cả đất hương hỏa của các cụ để làm đường dân sinh mới đáng phục.
 - Dạ, cháu là...
 - Vưỡn biết bác làm cán bộ. Cán bộ làm gương thế, dân ai dám không theo!
- Thưa cụ, chúng con đang tính xin ý kiến dân làng và Ủy ban xã, đặt tên cái cầu sau đền, chỗ đất cụ hiến, là cầu cụ Tén ạ!
 Cụ giãy nảy:
 - Ấy chết, bác đừng làm tôi tổn thọ!
Rồi cụ nghiêm mặt:
 - Bác Phòm ạ, cái tên Tén là tên cha mẹ đặt cho tôi. Tôi không muốn lúc nào cũng có người réo tên cúng cơm của tôi. Bác hiểu không!?
- Dạ! Cháu xin lỗi vì sự ngu dốt ạ!
- Đó là các bác chưa nghĩ đến thôi. Chứ bác để ý mà xem. Cuối phố huyện mình có cái cầu cô Hương. Chẳng biết từ xa xưa dân ở đó quý trọng cô như thế nào. Nhưng nghe lũ trẻ nó nói: “Cướp trên đầu cô Hương!”, rồi “Có đái qua đầu cầu cô Hương mà đái!!!”. Rồi chúng hẹn nhau lên cầu cô Hương hôn hít sờ mó nhau, ô uế cả cầu, hổ cả tên cô.
 - Thế ý cụ thì đặt tên các cầu, các phố, các đường phố thì...
 - Tôi chẳng dám Gái góa bàn chuyện triều đình. Nhưng cũng thế cả thôi! Theo tôi thì đừng nên lấy tên cúng cơm đặt tên đường, chỉ lấy công tích hay địa danh phát tích của người đó thôi. Ví như đường Hai Bà Trưng thì tên là Mê Linh, đường Trần Hưng Đạo thì tên là Chí Linh, đường Nguyễn Trãi thì tên là Côn Sơn, đường Lê Lợi thì là Lam Sơn...
Phòm gật gù. Tán thưởng. Rồi bỗng dưng đứng phắt dậy:
-Vậy thì đường Lê Lai tên là đường Cứu Chúa, đường Phạm Ngũ Lão là đường Đan Sọt, đường Yết Kiêu là đường Đục Thuyền, đường Trịnh Văn Bô là đường 5.000 lượng vàng...
Phòm bỗng lắc đầu:
- Không ổn, không ổn cụ ạ! Nếu thế thì đường La Văn Cầu tên là đường Lựu Đạn, đường Bế Văn Đàn là đường Giá Súng, đường Phan Đình Giót là đường Lỗ Châu Mai à? Ghê quá! Ghê quá! Rồi đường Nguyễn Bính là đường Lỡ Bước Sang Ngang, đường Chế Lan Viên là đường Điêu Tàn, đường Trần Mai Ninh là đường Nhớ Máu à... Nghe sợ!
- Thế ý bác Phòm thì nên thế nào?
 - Theo cháu thì Thủ đô và các thành phố lớn, ngoài các phố cổ Hàng Nón, Hàng Đào, Hàng Thùng... ra thì nên lấy tên các tỉnh thành cả nước. Có đường Lạng Sơn, đường Phú Thọ, đường Trà Vinh, đường Cà Mau... Rồi lấy đến cấp huyện, có đường Tam Quan, đường Củ Chi, đường Phù Ninh, đường Quảng Xương, đường Thuận Thành... Có những con phố mang tên Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, phố Tình Yêu, Thân Ái, Thương Yêu... Rồi phố Sao Hỏa, phố Sao Kim, phố Sao Thổ... Còn các phố Hoa nữa, phố Hoa Cúc, phố Hoa Hồng, phố Hoa Lan... Chao ôi! Thành phố sẽ tràn ngập hoa!!! Còn ở thôn quê, cần ghi công đức ai thì lấy họ và tên đệm của người đó đặt cho công trình ạ. Cụ Tén chưa hiểu, vẫn ờ ờ... thì Phòm nói luôn:
- Ví như cụ họ Lê Hữu, chúng con xin đặt tên cầu là CẦU LÊ HỮU, vừa nhớ ơn cụ Lê Hữu Tén, vừa nhắc nhở cả dòng họ Lê Hữu luôn noi gương và phải làm gương như cụ ạ!
Cụ Tén cười móm mém:
- “Bác giỏi, giỏi...”.
 Mũi Phòm cũng phập phồng theo hơi thở và tiếng cười khộc khộc cố nén trong họng!
 Làm trưởng thôn phải thế chứ!
                                                                                                LaHAN
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 444
Trong tuần: 1130
Lượt truy cập: 435922
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.