Phạm Trọng Thanh
ÔNG TRẠNG TÀI HOA SÀNH NHẠC MÊ CHÈO
Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496) quê làng Cao Phương (làng Hương) huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay thuộc xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, có học, Lương Thế Vinh thông minh, học giỏi. Tài ứng xử, đối đáp mau lẹ từ thuở thiếu thời, ông được người đời truyền tụng là “Thần đồng làng Hương”. Ở tuổi khóa sinh, trước ngày lên Kinh ứng thí, người bạn của ông là Quách Đình Bảo, quê ở làng Phúc Khê, huyện Thanh Lan (nay thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) tìm sang chơi nhà, không gặp. Quách Đình Bảo nghĩ rằng Lương Thế Vinh mải vùi đầu vào đèn sách ở đâu đó, nên lặng lẽ ra về. Dọc đường, hỏi ra mởi biết Lương Thế Vinh đang chơi thả diều ngoài bãi với bọn trẻ trong làng. Quách Đình Bảo biết học lực bạn mình không phải tay vừa. Và khoa thi năm ấy, năm Quý Mùi (1463), Lương Thế Vinh đậu Trạng nguyên; Quách Đình Bảo đậu Thám hoa. Ngày Lương Thế Vinh cờ biển vinh quy, dân làng mở hội, ông Trạng tân khoa được dân làng vinh danh là “Ông Trạng thả diều”.
Đỗ đầu cả nước với bài văn sách thi Đình do vua Lê Thánh Tông ra đề, hỏi về “Đạo trị nước của các bậc đế vương”. Nhà vua khi đọc bài văn sách xuất sắc của Lương Thế Vinh đã hào hứng châu phê: “Quyển này không hổ danh là một bài đối sách. Văn càng đọc càng thấy thích thú”.
Đậu Trạng nguyên, ông được vua yêu mến, tin dùng. Lương Trạng nguyên trải qua các trọng trách: đứng đầu Viện Hàn lâm, Đồng bí thư trông coi kho sách của nhà vua, dạy học ở Quốc Tử Giám, lại là Tư vấn Sùng Văn Quán rồi Tú Lâm Cục là những trường đào tạo nhân tài đất nước.
Lúc mới làm quan ở Viện Hàn Lâm kiêm chức Cấp sự trung khoa Công, chuyên giám sát các công trình tạo tác lớn của Nhà nước như đê điều, bến bãi, đường sá, Trạng nguyên Lương Thế Vinh đã vận dụng toán học đo đạc, tính toán việc thi công các công trình tránh được hao phí, thất thoát. Thuở ấy, lúc các nho sĩ mải mê tầm chương trích cú, thì Lương Thế Vinh lại chú tâm vào thực học, chú trọng việc truyền thụ toán học, khuyền khích việc học toán vận dụng vào cuộc sống. Soạn giả Bùi Văn Tam, trong cuốn Trạng Lường Lương Thế Vinh đã viết: “Ngay từ thuở còn đi học, trong một bài văn, Lương Thế Vinh đã xác định “Thần cơ diệu toán vạn niên sư” (Tính toán giỏi sẽ là thầy của muôn đời). Khi làm quan, dạy học, Lương Trạng nguyên đã biên soạn cuốn Đại thành toán pháp. Đây là cuốn sách dạy toán đầu tiên ở nước ta. Bởi thế, ông có thêm biệt danh “Trạng Lường” (ông Trạng tính toán giỏi).
Về văn chương, Lương Thế Vinh là người uyên bác, 32 năm làm quan trong Viện Hàn Lâm, đọc rộng, hiểu nhiều, tài thi phú văn hương của ông được đồng liêu ghi nhận. Nhà sử học Phan Huy Chú, trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí viết về Trạng nguyên Lương Thế Vinh: “Vua thích văn chương của ông, mới cho ông luôn gần mình, giúp việc văn từ, đặc biệt là văn từ bang giao với nước ngoài”. Khi Hội Tao đàn được thành lập, Lương Thế Vinh được Tao đàn Nguyên súy Lê Thánh Tông chọn làm Tao đàn Sái phu (người giúp việc biên tập) đem tài năng trác việt của mình phục vụ cho văn chương đất nước.
Về âm nhạc, do yêu thích đàn ca và sành âm luật, Lương Thế Vinh được nhà vua giao việc cùng với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận tham khảo nhạc cổ, soạn ra hai bộ lễ nhạc mới: bộ Đồng văn chuyên về hợp xướng; bộ Nhã nhạc chuyên hòa tấu bằng nhạc khí, dùng trong quốc lễ và triều hội.
Đất Thiên Bản xưa, Vụ Bản ngày nay vốn là vùng đất cổ hình thành các “kẻ” (làng, xã...) từ thời các vua Hùng dựng nước. Đây cũng là nơi giao lưu nhiều dòng văn hóa dân gian lâu đời với các lễ hội, truyền thuyết, các nhân vật huyền thoại còn lưu truyền đến ngày nay trong sự tích “Thiên Bản lục kỳ” (Sáu sự lạ đất Thiên Bản: Thần Tam Ranh Sừng Sỏ Sắt đời vua Hùng Thuận Tông; Cường Bạo Đại vương, đời Đinh Lê; Trạng nguyên Lương Thế Vinh, đời Lê sơ; Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đời Lê Trung hưng; Bà Chúa Thông Khê, đời Lê Trung hưng; Điền Quận công chống thủy quái, đời Lê Trung hưng).
Thời Lê, nghệ thuật sân khấu, chèo hát không được biểu diễn trong cung đình. Dẫu vậy, chèo lại rất phát triển ở các làng quê. Trong thời kỳ Nho học thịnh hành, với lòng yêu quý bộ môn nghệ thuật dân gian này, Lương Thế Vinh vẫn để công sức nghiên cứu, biên khảo, chép thành sách Hý phường phả lục dưới bút danh Thụy Hiên.
Lịch sử Việt Nam, tập I (xuất bản năm 1970) ghi nhận: “Cuốn Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh xuất bản năm 1501 có thể coi là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền. Tác giả đã tổng kết kinh nghiệm, nêu lên thành những nguyên tắc có tính chất lý chất lý luận và nghệ thuật biểu diễn, múa hát và đánh trống”.
Qua tác phẩm này, ở phần thứ nhất, người đọc được biết vị tổ sư nghề chèo đầu tiên là bà Phạm Thị Trân, một nghệ sĩ múa hát giỏi thời Đinh. “Bà vốn người Hồng Châu (nay là Hải Hương), phong tư mỹ lệ, giỏi về ca hát, múa và làm trò, trong đám hý phường nổi tiếng một thời. Người xưa làm thơ khen có câu:
“Hai tay đưa lên như muốn hái quả bàn đào
Cất tiếng hát như ruổi mây giục gió
Kêu van làm rơi lệ quần sinh
Thét mắng làm bở vía kẻ ác”
...Khoảng năm Thái bình (niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng), quan cai hạt đem tiến bà vào cung, được phong chức Ưu Bà, chuyên dạy biểu diễn trong quân ngũ”.
Tác giả Hý phường phả lục còn viết về tổ sư Đào Văn Sở, người Châu Đằng, giỏi về trò nhại “đã biết múa, biết hát, ai làm việc gì ông cũng bắt chước y hệt”. Ông viết về tổ sư Sái Ất, người Tế Giang, thường có tài “ứng khẩu khôi hài”. Cũng theo Lương Thế Vinh, thiền sư Từ Đạo Hạnh là người biên soạn các tích chèo đầu tiên ở nước ta.
Sang phần Tạp lục (ghi chép tản mạn) “tác giả đã giúp ta hiểu về cách tổ chức các phường chèo xưa. Tác giả đi sâu vào nghệ thuật chèo, nêu lên quy tắc “tứ tương” (bốn sự tương quan) trong múa, luật “hô ứng tương sinh” (thế giằng co, ứng đối) trong giao lưu nhân vật, luật “ngũ kỵ” (5 điều cần tránh) trong biểu diễn, quy tắc đánh trống chèo, và quy tắc “lục tự” (sáu chữ là 6 tiêu chuẩn của nghệ thuật chèo: thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần). Tác giả khẳng định:
“Chứa đựng ở bên trong làm sao thì trang sức bên ngoài làm vậy. Múa cũng thế. Đại để, trong lòng bi ai thì hai tay chậm chạp; trong lòng hớn hở thì hai tay nhanh nhẹn; nếu chẳng như vậy thì múa cũng bằng thừa. Múa là vẻ bên ngoài của khí chất bên trong, há chẳng phải như vậy hay sao?”.
Cái đẹp của diễn viên, theo Lương Thế Vinh phải là cái đẹp đầy sức sống, cái đẹp tự nhiên của thân hình cân đối, hài hòa, tươi khỏe, mắt và môi phải diễn cảm, đi đứng phải uyển chuyển:
“Khứ giả hoa khai song cước hạ
Lai giả hồi hoàn tổng thị xuân”
Dịch: Đi thi hoa nở dưới chân/ Quay vòng lại mọi vẻ xuân đủ đầy.
(Dẫn theo soạn giả Bùi Văn Tam trong cuốn Trạng Lường Lương Thế Vinh- NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội - 2007))
Người đời còn kể về ông Trạng tài hoa Lương Thế Vinh, người say mê chèo hát từ thuở còn đi học. Thân phụ Lương Thế Vinh là Lương Thế Triệu, một người tính tình thuần hậu, có theo đòi nghiên bút, chăm chỉ việc đồng áng, thích đàn, hát. Do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh chống quân Minh xâm lược nên ông lỡ dở việc học hành thi cử. Lúc yên hàn, rảnh việc, ông Triệu thường ngồi đàn hát vui vẻ. Lương Thế Vinh sớm bén duyên nhịp phách ngũ cung ngay ở nhà mình. Rồi từ các buổi hội làng, các kỳ lễ hội hàng tổng, ông nhập tâm nhịp điệu trống phách, thuộc các tích chèo, tập kéo nhị, thổi sáo và nhập cuộc các đêm chèo với tâm thế phơi phới.
Một lần, phường chèo làng Hương đến làng Si biểu diễn. Sắp đến màn giáo đầu thì người kép đàn đau bụng, trong phường không ai thay thế được. Mọi người nhìn nhau lo lắng. Đúng lúc ấy Lương Thế Vinh rẽ đám đông bước vào, cậu đỡ lấy cây nhị của người kép và bước ra cúi chào cử tọa. Rồi cậu khóa Vinh thong thả ngồi xếp bằng cạnh dãy chiếu cạp điều. Cây vĩ trong tay cậu nhẹ nhàng đưa đẩy. Tiếng nhị uyển chuyển réo rắt tấu lên khúc lưu thủy mời mọc quan viên, dân làng vào hội. Lập tức trống chèo dõng dạc nổi nhịp. Cô Đào vai chính bước vào đêm diễn mặt mày nở tươi duyên dáng khác thường. Người ta không thể ngờ một cây nhị nghiệp dư lại có thể bắt nhịp rồi hòa điệu trong trình thức vở diễn, chắp cánh cho điệu múa, lời ca. Đêm chèo xuân thành công mỹ mãn. Gánh chèo được thưởng ba quan tiền và năm vuông lụa. Lúc ấy, cô Đào bước đến cúi đầu cảm tạ cậu khóa Vinh. Cô đem lòng yêu chàng bấy lâu nhưng không dám tỏ tình vì biết Thế Vinh sắp lên kinh ứng thí, sợ chàng xao lãng việc thi cử. Mấy năm không gặp nhau, ngày quan Trạng vinh qui, cô Đào mừng lắm. Nhưng khi biết chàng đã có nơi xe tơ kết tóc, cô Đào tủi phận, buồn bã bỏ phường. Cô ốm tương tư, để lại một bài thơ tuyệt mệnh rồi lặng lẽ qua đời nơi xóm vắng. Trạng biết tin, cảm phục, thương xót vô cùng. Ông cho xây một ngôi miếu nhỏ thờ nàng. Ngôi miếu Ả Đào ở Giáp Nhất làng Hương còn trong chuyện kể, gợi nhớ mối tình nghệ sĩ thầm kín thuở xưa.
P.T.T
Người gửi / điện thoại