Đoàn Ngọc Minh
Ò PIU
Dân bản Pù Dặm từ trẻ già, trai, gái đều gọi gã bằng cái tên tục: ò Piu, mặc dù tuổi gã ít cũng ngoài bốn mươi mùa lá! Lúc đầu Piu cảm thấy rất khó chịu, thậm chí gã nổi khùng! Nhất là với đám đàn bà, con gái! Những người mà gặp gã, họ đều tìm cách né tránh gã! Trong khi gã luôn nhe hàm răng khấp khểnh như cái nắng cuối thu và xỉn như vỏ cây ngâm dưới nước lâu ngày ra một cách cởi mở, nhiều lúc nghe mọi người chửi “ò Piu đẳn zá” (thằng Piu ngứa lên rồi đấy!) gã cụt hứng, cặp mắt thô lố cau lại “tao không được cười được tán gái sao? Chúng mày muốn tao cũng muốn chứ?”.
ò Piu sống độc thân ở bản Pù Dặm từ ngày mũi còn thò lò. Gã không biết bản quán, tổ tiên mình ở phương nào? Tộc người Tày hay Nùng? Gã lớn lên ở Pù Dặm và cũng quen luôn thổ ngữ của vùng này! Hồi còn hợp tác, Piu được chia ba đám ruộng ở Khe Sung cấy được dăm chục bó mạ - đủ cho gã sống tằn tiện. Nhưng ò Piu lại có cái đầu trống rỗng! Gã chẳng viết nổi tên mình chứ đừng nói đến chữ thứ hai. Tan hợp tác Piu trắng tay, vì mấy đám ruộng đã bị họ Nông đòi lại. Từ ấy, ò Piu vất vưởng đi gánh nước thuê, bổ củi thuê, hay bất kể công việc gì để đến bữa bụng gã không kêu òng ọc là tốt rồi...
Bản Pù Dặm chỉ chừng hơn chục nóc nhà, nằm rải rác xung quanh cánh rừng nổi lên giữa thung lũng Pác Phai khá rộng. Bên phải Pù Dặm là dòng Tẩu Đông uốn khúc dưới chân thung lũng; bên trái bản theo lối mòn qua bên kia thung lũng là đường xuống chợ Pác Gà. Dân trong bản nói đủ ngôn ngữ: Tày Sóc Giang, Nùng Khen lài, giọng người Kinh lai Tày lơ lớ... rất ít giọng người Tày vùng Tả Cáp. Vậy mà ò Piu lại có giọng nói của người Tày vùng này! Mặc dù, đến cái tuổi đã mấp mé nửa lá xanh, nửa lá vàng; nhưng Piu vẫn chưa kiểm nổi mụn vợ. Nơi gã trở về mỗi chiều chạng vạng là cái gác chuồng trâu nhà trưởng bản Sằn: “Mày ngủ chỗ ấy vậy... nắng mưa không đến là được...”. Trưởng bản đặt mấy tấm gỗ gạo, Piu gánh rơm về trải lên. Đêm, gã nằm khểnh trong đống rơm, có khác gì đắp chăn bông đâu! Ban đầu, mùi phân trâu khăm khẳm, Piu thấy khó chịu, gã nằm úp mặt xuống đống rơm để tránh mùi phân trâu xộc lên, giờ thì gã lại thấy cái mùi phân trâu khăm khẳm, tiếng cộc...cộc của sừng trâu cọ vào cột chuồng mỗi đêm như gắn với cuộc sống đời gã!
ò Piu ngô nghê, nhưng gã vẫn muốn tìm những bông hoa đẹp. Trong bản Pù Dặm, Piu thường mơ thấy A San, năm nay A San đang độ tuổi hoa nở, cô ấy hay đỏ mặt khi gặp con trai, mỗi khi Piu gặp A San và gọi “Noọng ơi”, Piu chỉ nhận lại cái liếc mắt lạnh lùng, từ bờ môi như nét vẽ của San lẩm bẩm câu gì đó mà Piu không nghe được. “A San thích mình” Piu ngờ nghệch cười phá lên, dân bản mỗi khi gặp Piu cất tiếng cười hớ...hớ như vỡ cả cánh rừng vốn yên ắng này thì họ càu nhàu “ra cửa gặp ò Piu thật xúi”...
Trong bản Pù Dặm, người ghét ò Piu nhất là giả Som – mẹ A San. Piu hay mò dưới gầm sàn nhà A San ngắm trộm cô, A San hiền lành, tóc dài chấm gót, cặp mắt bồ câu lay láy như hạt nhãn. Trai bản rủ nhau lượn nàng ới ngoài ngõ, mời gọi...nhưng A San chỉ thầm yêu một người đàn ông đã đứng tuổi, cao ráo, bộ râu quai nón xanh rì càng tôn thêm tướng mạo đàn ông của anh ta – Tuyên, tên người đàn ông nọ quê ở dưới xuôi (A San cũng không biết thực ra quê anh ta ở tỉnh nào) về bản Pù Dặm cùng hai người đàn ông khác, họ đã trọ ở nhà San để khoan thăm dò nghe đâu là quặng boxit gì đó thì phải: “Các anh còn ở đây lâu không?”; “ Lâu chứ, khi nào xong việc mới đi nơi khác”; Tuyên vuốt vuốt mái tóc thơm mùi bồ kết đun với vỏ bưởi óng mượt của A San và ngả đầu cô vào ngực mình. Tốp người khoan thăm dò xong rồi ra đi vào đúng hôm A San theo mẹ xuống chợ huyện. Không gặp được Tuyên, A San phát khóc “biết bao giờ anh ấy quay lại Pù Dặm này”...
Trưa, cái nắng vùng núi cũng lạ, nóng muốn nổ con mắt. Ve ra rả càng làm cho con người thấy khó chịu, A San bưng mâm cơm lên đặt ở chiếc chiếu giữa sàn nhà, chợt cô bịt miệng chạy vội ra ngoài sàn nôn khan:
- Mày chết đi con ạ! Giỏi thì đi nhặt bước chân nó về...còn ngồi đây khóc làm gì? Pa mày ở bên tổ tiên rồi, nếu không sẽ thả mày theo dòng Tẩu Đông thôi. - Mé...con phải làm gì bây giờ?
- Mấy tháng rồi hả đồ mặt dơi? – Mẹ A San đay nghiến.
- Con không thấy... được...được gần hai tháng rồi! - A San hức hức.
- Thế này thì còn thằng nào dám đón mày nữa? Chết đi con ạ! - Giả Som kéo mạnh vạt áo chàm lên quệt mắt.
Ké Vèn, một tối đi làm quan lang ở bản Phiêng Lừa về, rượu ngô vùng này vốn nổi tiếng ngon, uống mãi, không biết say. Ké bước liêu xiêu qua bờ ruộng bậc thang. Trượt chân, ké Vèn cắm mặt xuống bùn. Sáng, người ta mới phát hiện ra. Ké Vèn chết để lại ba đứa con: A San là con cả, thằng Sí mười lăm mùa lúa và thằng Pèng mới bốn mùa quả...
Tay ò Piu run run bám chặt cột dưới gầm sàn nhà A San: Thế này là sao? A San nuốt quả sa nhân rồi sao? Gã đờ đẫn. Dù chưa một lần biết mùi đàn bà, nhưng bản năng đàn ông của Piu cũng cảm nhận được người con gái mà gã đắm đuối đã không còn vẹn nguyên nữa. Thật tiếc cho bao nhiêu lần gặp A San, ò Piu buông lời “noọng ơi”, cô ấy chỉ lườm rồi lẩm bẩm trong miệng những lời lẽ mà gã chẳng bao giờ nghe được. Dù sao Piu cũng thấy thích. Thấy rạo rực trong bụng...
Piu thất thểu chui ra khỏi gầm nhà sàn A San, bước chân như bị buộc đá. Gã muốn khóc, nhưng cặp mắt khô như gió đông.
Cái tin A San nuốt quả sa nhân đã loang ra như thế! Giả Som truy đi truy về, hết dỗ dành lũ trẻ con, lại săng sái với đám con trai bản. Thì ra tin này từ cái mồm thối của thằng nửa điên nửa dại ấy!
Giả Som đón đường Piu. Gã cười cười “Giả đi đâu sớm thế? Hôm nay có cần bổ củi không?”. “Bốp”. Bất thần giả Som dang cánh tay phải tát một cái rõ mạnh vào mặt Piu. “Bổ vào cái đầu đựng đầy cứt trâu của mày đi! Từ nay đừng bao giờ để tao thấy mặt biết chưa?”. Xong, giả Som hầm hầm bỏ đi. Lúc này ò Piu mới thấy rát ở má trái, mắt gã muốn nổ đom đóm. Mụ già này sớm nay uống nhầm rượu mật gấu rồi! Mà mình làm gì sai nhỉ? Mụ tát mình vì cớ gì? Con chả phải, cháu thì không! Piu chịu, quả là cái đầu u u mê mê không chứa nổi một chữ trong đầu làm sao mà nhớ, mà hiểu được? “Giả Som chết tiệt kia...ác lắm, chết không ai vào gần đâu!”. Piu gào lên. Đã vậy, từ nay, thằng này đói thì kiếm ăn nhà khác, củi nhà mụ Som cứ để mà đun cả khúc... cáu tiết, sẵn mẩu cây nằm chỏng trơ bên đường, gã nhặt lên quật túi bụi vào bụi lau gần đấy, những bông hoa lau tơi tả, cuốn theo gió mất hút.
Giả Som tát ò Piu là chuyện vặt; vì trong bản, đến đứa trẻ mặc quần thủng đít cũng còn dám bắt nạt Piu chứ đừng nói gì đến người lớn! Quanh năm, ai thuê gì Piu làm nấy, Piu không cần tiền, gã phơi lưng làm, đến bữa gói cho gã nắm cơm, dúm măng ớt trả công gã là được. Ai nói gì, châm chọc gì, gã chỉ nhăn nhở cười, nhìn thấy đàn bà, con gái gã lại hấp háy cặp mắt ốc nhồi. Trời nóng, Piu vô tư cởi quần áo tắm truồng cùng bọn trẻ con dưới dòng Tẩu Đông... quanh năm, gã chỉ mặc bộ quần áo tôchâu bạc thếch, chiếc mũ cát không còn vành, đôi dép caosu luôn thò năm ngón chân dài ngoẵng ra ngoài; mùi mồ hôi dầu thum thủm càng làm cho mọi người xa lánh gã. Piu không lấy thế làm buồn, vì bản thân gã cũng chẳng hiểu nổi thế nào là buồn? Gã cảm thấy cuộc sống hiện tại như vậy là đủ: Người ta có chỗ ngủ khi đêm về, gã cũng có; đến bữa người ta ăn, gã cũng ăn; mọi người đi làm để sống, thì việc gã gánh nước, cày thuê, bổ củi thuê cũng có khác gì? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhiều đêm, gác tay lên trán, nghe con mọt đục cột chuồng trâu kèn kẹt, Piu lang mang: Cuộc sống thực tại của gã thật cô quạnh, thiếu vắng, gã cựa mình, sột soạt rơm. Nghĩ đến A San, Piu thở hắt. Cô ấy rút cuộc chỉ là bông hoa sớm tàn! Ngày mai, A San làm đám cưới. Cô ấy về làm ma họ Lý ở mãi Lủng Ca, gã đàn ông này vợ chết để lại đứa con gái năm hay sáu mùa hoa gì đó! Đầu Piu không đựng nổi cái chữ, song những chuyện trong bản Pù Dặm này, có lẽ Piu biết nhanh không kém gì người khác. Vì gã hay lang thang, tai dựng lên đón chuyện, mà chuyện A San gã phải biết chứ! Có đêm nào, gã không lén lút ôm cột nhà sàn của A San, ngắm cô qua khe ván lát sàn nhà! Cả những đêm sụt sùi mưa, sương giá... cái chân vẫn đưa gã đi.
Piu muốn ngủ, nhưng mắt gã cứ thao láo, gió cuối đông u u táp vào mái rơm chuồng trâu xào xạc, lũ thắc thản đậu trên bụi chuối trong vườn trưởng bản Sằn thi nhau kêu xẹt...xẹt; Piu hờ hững nhìn qua nóc chuồng trâu, vầng trăng cuối tháng cong cong chơ vơ giữa vòm trời mênh mông, những đốm sao nhấp nháy xa vời như đang chuyện với nhau...
Xưa nay, dân bản Pù Dặm có cưới xin, ma chay hay bất cứ chuyện gì, hầu như họ không đoái hoài đến ò Piu “gọi nó đến chỉ tổ vướng chân...khi người ta khóc thì nó cười...”. Ngày mai A San về Lủng Ca, mình sẽ không còn được nhìn thấy cô ấy nữa! Mọi người đến uống rượu vui vẻ... Bất giác, ò Piu nấc lên như trẻ nhỏ. Lần đầu tiên trong đời Piu thấm tháp nỗi cô đơn.
Hôm nay là chợ phiên cuối năm, dân bản Pù Dặm í ới gọi nhau đi chợ cho sớm để về còn gói bánh chưng. Tiếng ngựa chồn chân gõ móng lộp cộp, có con hí vang tìm bạn tình. Lũ trẻ nhao nhác đợi pa mẹ cho đi chợ mua áo mới:
- Piu à, nếu không đi đâu, trưa nay thả trâu giúp ta nhá? Ta để gói cơm dưới bếp ấy! - Trưởng bản Sằn gọi với lên chỗ Piu nằm.
- Thả trâu á? Được thôi...tôi đi trưa về ngay mà! – Piu uể oải ngồi dậy.
Trưa, người về bản không còn tấp nập như lúc đi, lác đác người, ngựa cõng đầy hàng mua sắm chầm chậm vượt dốc. Con đường mòn lô nhô đá gan gà, bên là vách núi, bên là thung sâu, đã làm cho bước chân người, ngựa không nhẹ như khi đi. Piu vẫn đội chiếc mũ cát rách, bộ quần áo tôchâu bạc thếch, đôi dép caosu thò cả năm ngón chân ra ngoài. Gã nhởn nhơ ngắm đất trời, xa hơn, muốn được gọi “nọong ơi” với các cô gái. “Ôi trời, có lẽ đã trưa lắm...về nhanh còn thả trâu cho trưởng bản Sằn”. Gã lấy bàn tay che mắt, ngửa mặt lên nhìn mặt trời đang lượn lờ sau những đám mây trên đỉnh Kéo Thin. “Kia không phải mẹ con mụ Som đấy chứ?”. Gã định nhón bước cho nhanh, chợt khựng lại; gần đỉnh đèo giả Som vai đeo túi pác mạ, tay dắt dây thừng, dáng đi mỏi mệt, còn thằng bé Pèng thì đội chiếc mũ nồi ngất ngưởng trên lưng ngựa. Từ cái hôm bị giả Som giáng cho cái tát, Piu luôn tránh mặt giả, không phải gã sợ, mà gã thấy ghét. Con gái mụ đi ăn sa nhân sớm...vậy mà mụ lại trút đắng lên đầu ta. Trời sẽ thấy mụ Som ạ. Piu thong thả bước, lên đến đỉnh Kéo Thin gã tính sẽ đi qua lối tắt để về cho nhanh, khỏi chạm trán với mụ hổ già đó... “roạt...roạt... mé ơi”. Con ngựa trượt chân khuỵu xuống, thằng Pèng ré lên khóc thất thanh, ò Piu nhìn lên mặt xanh như lá: Thằng Pèng đang lăn lông lốc như quả bí xuống lối mòn, chút xíu nữa, nó sẽ rơi xuống cái hõm hun hút ăn sâu vào lối mòn. Piu chẳng kịp nghĩ ngợi gì thêm, gã vọt như sóc, kịp chặn thằng bé lại bên cái hõm sâu không thấy đáy ấy.
Bàn tay bị đá cứa tướp máu của gã cố bám vào gờ đá, tay kia Piu chặn thằng bé Pèng mặt mũi sứt sát. May nó mặc áo bông dày chứ không thì... Tấm thân cao gầy của Piu lủng lẳng dưới hõm. “Con ơi”. Giả Som gọi con hoảng hốt, cánh tay run rẩy của giả Som ôm chầm thằng bé:
- Piu à, mày...mày có sao không? – Mặt giả Som bờn bợt như mưa chiều.
- ùm! Gờ đá Piu bám đột nhiên lở xuống vực hun hút sâu...
- Đin phạ ơi! Cứu...cứu v ...ới...ới Piu ơi...! – Giả Som thất thanh.
Gã chỉ kịp nghe được như vậy.
Dân bản Pù Dặm vạch lá, nối dây thừng thành cái thang dây chắc chắn thả xuống vực sâu để tìm ò Piu! Đến chiều tối, thì họ lôi được gã đang nằm bất động trên cành nghiến lên khỏi cái hủm sâu tối om nọ, khắp người gã xây xát, chân tay tướp máu, cặp mắt thô lố của gã vẫn lộ vẻ khiếp đảm, gã ngơ ngác trước những gương mặt già trẻ lớn bé của bản: Những cặp mắt lần đầu tiên làm gã quên đi mình là kẻ cô đơn, những cặp mắt khiến gã quên đi cái chết gang tấc mà gã vừa trải qua:
- Tôi còn sống sao? – Piu lắp bắp.
- Chả lẽ mày chết còn gặp được mọi người sao? – Trưởng bản Sằn khoát tay cười.
- Về thôi Piu à! Về ta đun nước tắm cho! Mà cái bụng mày có lẽ cũng như cái thùng thiếu nước rồi đấy! Về thôi! – Giả Som cầm tay gã dắt đi.
Những bước chân lạo xạo trên đá, vài viên sỏi nhảy tưng tưng xuống triền núi. Dân bản lao xao chuyện, bầy sẻ rừng giật mình vụt khỏi ngọn cây. Bóng tối lan rất nhanh trên lối mòn về bản./.
Đ.N.M