Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

NỖI SỢ HÃI MÀU NHIỆM

Nguyễn Mạnh Tuấn
 
NỖI SỢ HÃI MÀU NHIỆM
 
   Chuông điện thoại réo vang. Tôi miễn cưỡng nhấc máy lên nghe: A lô! Một giọng đàn ông lớn tuổi dè dặt: Xin lỗi! Có phải máy của ông Tuấn? - Thưa, đúng! - Ồ! May quá. Xin chào. Tôi là Thân từ Pháp về. Chúng ta là xa lạ, nhưng tôi xin phép đưa đến ông một người, với ông là chỗ quen biết, ông có thể thu xếp thời giờ đón tiếp? - Người đó là ai ạ? - Ông gặp, chắc sẽ nhận ra. Tôi rất khó chịu. Khi đang bận làm việc, tôi hết sức tránh tiếp khách. Nhưng rồi cũng nhận gặp.
 
 * * *
   Hóa ra họ là cặp vợ chồng. Tôi không sao nhận ra nét quen nào ở người phụ nữ ngồi trước mặt. Họ đều khoảng sáu chục. Có lẽ do ở trời tây nhiều năm, với đời sống phù hợp, nên phong thái họ thanh cảnh, có vẻ trẻ hơn tuổi. Cả hai người với đầy đủ họ tên, nói ra, nhiều người trong giới truyền thông và khoa học đều biết. - Xin lỗi! Chúng ta đã quen nhau trong dịp nào? Người phụ nữ nói: - Ông thử nhớ kỹ coi? Cuối cùng, người chồng cười nhẹ: - Năm 1969, ông đã từng đến khu nhà tập thể ngành giáo dục ở đường Kim Mã, gặp một người…? - 69, 79, 89… Bây giờ đã 2007…, những 38 năm. Liệu bà có nhầm? Tôi hỏi. Người đàn bà nheo mắt hóm hỉnh: - Nếu ông vẫn không nhớ thì tôi về vậy. Cái nheo mắt ấy dường như tôi đã gặp ở đâu? Đôi mắt đen âm thầm với hai quầng mắt sâu… Tôi bắt đầu ngờ ngợ rồi giật bắn người như chạm phải điện. Dòng điện của một quá khứ vô cùng nhạy cảm.chieuchong
* * *
  Tháng 8 năm 1963, hơn 8000 thanh niên học sinh lớp 7 và lớp 10, vừa tốt nghiệp cấp 2 và cấp 3, thuộc Đoàn Thanh niên xung phong tháng 8 Thủ Đô, rời Hà Nội đi khắp các vùng rừng núi Đông Bắc, Tây Bắc, khu 4, bề ngoài là đi xây dựng kinh tế và văn hóa miền núi, góp phần làm giàu đất nước... Tôi ở trong đoàn 15 người, được chọn đến xưởng cơ khí sửa chữa ô tô, sơ tán trong rừng Hoành Bồ, thuộc ty Lâm nghiệp Quảng Ninh, học nghề rồi làm thợ. Nhưng 14 người lần lượt trở về Hà Nội bằng nhiều con đường khác nhau: Được cử đi học đại học, chạy chọt để về, hoặc bất mãn bỏ về bị coi đào ngũ… Sự thuận lợi hay khó khăn trong việc trở về thủ đô không phụ thuộc vào năng lực, sự tích cực trong phấn đấu, mà dựa theo bản lý lịch gia đình. Tôi là thằng bị sót lại cuối cùng khi bước sang năm thứ bảy... Dù vậy, tôi cũng không nản chí. Đời thợ nghĩ cho cùng, chẳng có gì là xấu. Ở suốt đời trên rừng núi, thiên hạ ở được mình cũng ở được. Nhưng từ đáy lòng, tôi vẫn luôn khát vọng và ý thức mình nhất định phải làm những công việc cao xa hơn đời thợ, mà hàng ngày và quanh năm tẻ nhạt tháo ra, lắp vào mấy cỗ máy ô tô, chưa kể đời thợ là do tôi bị chỉ định bởi sự kỳ thị thành phần gia đình, chứ không hề do tôi lựa chọn. Tôi nhất quyết phải thoát khỏi số phận để ngẩng cao đầu. Nhưng rồi một sự cố bất ngờ xảy ra. Một lần, rồi nhiều lần đang ngủ, tôi buộc phải thức giấc khi thấy ướt lạnh nơi đũng quần. Rồi cả lúc ngủ trưa cũng bị. Vài lần đầu, tôi nghĩ do làm việc mệt hoặc trong ngày uống nhiều nước, sau ngay cả ngày nghỉ và những ngày kiên quyết không uống giọt nước nào, vẫn bị. Chết rồi. Tôi phát hoảng. Chắc chắn mình mắc bệnh đái dầm! Từ khi mắc bệnh này, khi làm việc trong xưởng, rồi khi đi ăn ở nhà ăn tập thể, thấy ai, nhất là đám thợ nữ và nữ nhân viên phòng hành chính, tôi cũng tránh nhìn, chỉ sợ họ đọc thấy căn bệnh nhạy cảm nơi mình. Và tôi bắt đầu có ý tránh nơi tụ hội. Cách xưởng khoảng 3 cây số, ở xã Sơn Dương, cũng nằm sâu trong rừng, có thư viện huyện sơ tán từ thị trấn Trới vào. Các ngày chủ nhật nghỉ việc, anh em thợ gốc quê Đông Triều, Chí Linh, Yên Hưng, cách xưởng vài chục cây số, hay tranh thủ đạp xe về nhà; số quê ở xa thì ra thị xã Hòn Gai chơi; ai không đi chơi thì ở nhà tăng gia trồng khoai, sắn, rau xanh ở mấy vạt rừng ven suối; riêng đám học sinh Hà Nội luôn dành ngày chủ nhật sang Sơn Dương mượn sách. Mượn về cũng được. Đọc cả ngày, ngay tại chỗ cũng được. Thư viện chỉ có hai nhân viên. Nam là Sử, còn nữ là Thoa. Khi đám học sinh Hà Nội trở về “sống mãi với thủ đô”, chỉ còn một mình, tôi vẫn không bỏ thói quen đến thư viện vào ngày nghỉ. Tôi thuộc lòng ngày trực của Thoa và Sử. Chỉ những ngày Thoa trực, tôi mới đạp xe sang trả sách cũ, mượn sách mới, trò chuyện trên trời, dưới bể, có khi cả ngày. Khát thì được Thoa mời uống nước chè xanh, đói thì được Thoa luộc sắn hoặc khoai lang, khoai sọ. Thoa là dân gốc Hòn Gai, tốt nghiệp trung cấp thư viện, nhỏ người, không xinh lắm, nhưng có duyên, tính tình cởi mở, hồn nhiên. Cô rất mê đọc tiểu thuyết và thơ, nên khoảng cách giữa tôi, một thằng trai Hà Nội với cô gái tỉnh lẻ cũng gần gũi và trong sáng. Nếu có chút gì vẩn đục, thì ở chỗ đôi khi ngồi bên nhau, hay nằm ở nhà đọc sách, vẩn vơ về Thoa, tôi thoáng băn khoăn: Tại sao Thoa người nhỏ mà ngực lại to một cách khác thường? Chỉ thoáng thôi chứ không nghĩ xa hơn. Từ khi mắc bệnh đái dầm, tôi chỉ sang thư viện vào ngày Sử trực. Tôi sợ Thoa đọc thấy bệnh của mình, nhưng cái chính là Thoa rất kỹ trong việc cho mượn sách, còn Sử thoải mái cho tôi lục lọi các giá sách, lấy ra cuốn vừa ý, chỉ cần nói miệng là mang về, chẳng cần ghi sổ sách. Nhờ vậy mà tôi lặng lẽ tìm được mấy cuốn sách đông y và cuốn Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của chính cậu ruột tôi: Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, có nói đến bệnh đái dầm, mang về xưởng, đọc ngấu nghiến. Cuốn nào cũng nói chữa bệnh đái dầm bằng nướng nhện đến cháy đen, rồi ăn trong một tháng là khỏi. Bình thường, ngày nào, đi đâu, cũng thấy nhện, nhưng mỗi ngày phải có một con để nướng ăn, thì tìm khắp nơi chẳng thấy. Tự đi lùng sục sẽ chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này, tự tố căn bệnh đáng xấu hổ của mình. Một lần, đang rình bắt con nhện bám trên mạng bên bờ suối, bất ngờ một con bói cá trên cành cây cao sà xuống lướt qua, con nhện lập tức biến theo cái mỏ nhọn của con bói cá. Vừa căm thù bói cá, vừa tiếc ngẩn ngơ, nhưng lập tức trong tôi nảy sáng kiến mà mãi sau này, mới ngẫm thấy có lẽ là năng khiếu nhà văn. Chờ đến phiên chợ Sơn Dương, nơi những người Dao hay từ các vùng núi kéo về bán lâm thổ sản, các loài chim, thú rừng, mà có lần tôi thấy họ bán cả chim bói cá, mua bằng được một đôi. Từ khi có lồng nuôi đôi bói cá, treo ở đầu hồi dãy nhà tranh trên núi, dành cho tổ thợ, tôi công khai săn lùng lũ nhện. Hết nhện quanh khu vực xưởng, tôi sang khu nhà tập thể của lâm trường ở gần, rồi sục vào nhà các gia đình sơn tràng người Hoa, người Dao. Tôi nói tìm nhện về nuôi chim bói cá. Nhiều người nói: Cho nó ăn tôm tép cũng tốt, việc gì phải cho ăn nhện? Tôi bảo: Người Dao họ nói cho ăn nhện, nó mới nhanh đẻ trứng. Mấy cô gái con nhà sơn tràng người Hoa nhiệt tình bắt nhện mang vào tận xưởng cho tôi nuôi bói cá. Ăn nhện nướng đâu dễ. Phần thân và chân bị nướng cháy ăn bùi và thơm không khác gì châu chấu hay dế nướng, nhưng phần bụng vẫn mọng nguyên nước, nhìn thấy ghê, nhắm mắt cắn một miếng, nước nhờn và hôi phọt đầy miệng, phát ói. Để hết bệnh, ói cũng phải ăn. Ăn rồi, mỗi khi nghĩ lại, gai cả người. Cuối cùng năng khiếu nhà văn lại phát tiết, tôi lấy một tờ lịch, cuốn con nhện, hít hà nhắm mắt, cho vào miệng, uống theo một ngụm rượu lớn, khi chú nhện trôi vào bụng, trong miệng chỉ còn vị rượu, sau nhiều lần, tự nhiên thấy có vẻ nghiện… nhện. Ăn nhện nướng suốt hai tháng, bệnh vẫn hoàn bệnh. Trong sách, cậu tôi nói: Để bệnh đái dầm kéo dài sẽ dẫn đến suy thận cấp, không chữa trị kịp thời bệnh sẽ biến chứng, chạy vào tim, gây đột quỵ, có thể tử vong. Tôi hết hồn. Nếu là bệnh khác, chắc chắn tôi sẽ dễ dàng đến bệnh viện, nhưng với bệnh nhạy cảm này, đường đến với thầy thuốc còn khó khăn, xa vời hơn đường phấn đấu để được thi đại học... Chưa bao giờ tôi bi quan như lúc đó. Người vẫn khỏe mạnh, hàng ngày vẫn đi làm bình thường, nhưng nỗi lo âu canh cánh cứ ngày một tăng, đến ăn không ngon, ngủ không yên, còn uống? Tôi sợ uống đến mức chỉ nhìn thấy nước đã hết cả khát. Đúng lúc đó, tôi nhận được thư của thằng Nam. Khi còn ở Hà Nội, tôi có hai thằng bạn thân: Đoán và Nam, thuộc loại không dấu nhau điều gì. Ba đứa học cùng từ lớp 8E đến 10E ở trường Chu Văn An 3A, cùng ham mê đá “phủi” ở các sân Long Biên, Ba Đình, Quán Thánh. Khi tôi ra Quảng Ninh, thì Đoán vào Thể Công Trẻ rồi sang đội Phòng không – Không quân, còn Nam, một năm sau, cũng nhập ngũ, thuộc binh chủng công binh. Nam báo tin bị thương trong chiến trường, được đưa ra Bắc điều trị, nay đã khỏi, đang ở nhà nghỉ ngơi đến hết hạn nằm viện, rồi mới trở về đơn vị. Nam nói: Hoặc tao sẽ ra chỗ mày, hoặc mày về Hà Nội. Chúng mình nên tranh thủ gặp nhau được lần nào hay lần đó, nếu không tao vào chiến trường, không biết ông trời có còn cho tao sống trở về gặp mày? Thế là tôi xin nghỉ nửa phép về Hà Nội với Nam. Hồi đó, hai đường quốc lộ từ Quảng Ninh về Hà Nội theo lối Hải Phòng qua đường 5 và lối Phả Lại, Bắc Ninh, qua đường 18 đều bị máy bay Mỹ bắn phá, các thành phố, thị xã trên đường đều tan hoang, phần lớn các cầu lớn đều bị đánh sập, thay bằng cầu phao, đi bằng xe ca đều phải tránh giờ cao điểm và rất không an toàn. Tôi quyết định đạp xe trên 150 cây số theo đường 18 qua Uông Bí, Đông Triều, Phả Lại, Bắc Ninh về Hà Nội. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu nổi tại sao những năm đó, đạp xe đạp một trăm, thậm chí, vài trăm cây số trên đường đầy bom đạn lại là chuyện thường. Hai anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Nhà Nam trong con hẻm ở đường Thụy Khuê, xuyên thẳng ra Hồ Tây. Nhà chỉ có mình Nam vì bà mẹ từ lâu đã sang ở nhà chị Đông của Nam. Tôi ăn ngủ ở nhà Nam ba ngày. Có chuyện vui buồn gì, suốt ngày đêm hai thằng đều trút vào tai nhau. Đắn đo mãi, đến ngày thứ ba, lúc sắp chia tay, tôi mới lộ cho Nam bệnh đái dầm của mình:
 - Mày chết ở chiến trường còn vinh quang, chứ tao mà chết vì bệnh đái dầm thì quá ô nhục.
Nam nói:
 - Không thể có chuyện chết vì bệnh đái dầm được.
Tôi bảo:
- Sách đã viết như thế.
- Đừng có tin vào sách. Nam nói: Nếu sách viết đúng thì trẻ con trên trái đất không đứa nào sống sót, vì đứa nào cũng đái dầm từ lúc lọt lòng đến lúc 4, 5 tuổi. Mày bị lâu chưa?
 - Mấy tháng rồi.
- Sao mày không nói từ hôm đầu, để tao đưa mày đến gặp chị Đông?
Tôi sượng sùng:
 - Sao lại chị Đông?
- Tao quên chưa nói với mày, chị ấy đang là cửa hàng trưởng cửa hàng thuốc Đông y, chuyên cung cấp thuốc cho nhiều thầy thuốc Đông y trong thành phố. Chắc chắn chị ấy biết ông thầy nào có thể chữa hết bệnh cho mày.
Tôi băn khoăn:
- Lộ bệnh này với chị mày, tao thấy không nên.
Nam nói:
- Mày đừng có sĩ hão. Khi tao bị mảnh đạn găm vào bụng và đùi, mày có tin là tao và tám thương binh cùng trần truồng trên xe tải suốt từ Quảng Trị ra đến Thanh Hóa, cùng trên xe toàn nữ y, bác sĩ và thanh niên xung phong.
* * *
   Chị Đông hơn chúng tôi cỡ chục tuổi. Hồi cùng học với Nam, tôi đến nhà ít khi gặp chị, vì chị ở bên nhà chồng, song nguyên nhân sâu xa chị ít về nhà, tôi nghe phong thanh, do chị mắc tội, ngày nay được ca ngợi là nhiều tính người, nhưng hồi đó bị coi là lẳng lơ. Năm còn học lớp 10, chị đã yêu ông thầy dạy thể dục. Bị bố mẹ phản đối kịch liệt, tưởng hai người chia tay, vậy mà vào năm thứ hai khoa văn, đại học Tổng Hợp Hà Nội, chị mang thai với ông thầy này, khiến trường phải buộc thôi học. Hai người vẫn lấy nhau, nên bố mẹ tuyên bố từ chị. Thời gian này, Nam cũng lạnh nhạt và ít nói về chị mình. Để tăng độ tin cậy về chị Đông với tôi, Nam kể:
 - Bà ấy đẻ hai đứa con, rồi lại thi đại học, nhưng lần này thi vào đại học Y Dược. Bà ấy muốn thành bác sĩ. Với những điểm đen trong lý lịch: Yêu sớm, lấy chồng sớm, đẻ con sớm, một lần bị đuổi học, lẽ ra bị đánh trượt, nhưng nhờ điểm thi cao, ưu tiên phụ nữ, gia đình thành phần cơ bản, nên được cho đậu, nhưng khiếm khuyết đạo đức nặng như vậy cho học ngành dược Đông y đã là quá ưu tiên, nhờ thế, bây giờ bà ấy thành cửa hàng trưởng của hàng thuốc Đông y. Nam nói tiếp: - Tao về đơn vị trễ một ngày, chắc chắn bị kiểm điểm, không chừng mất cơ hội được tuyên dương anh hùng, nhưng không đưa mày gặp chị Đông, nhỡ mày bị làm sao, tao hối suốt đời. Tôi băn khoăn:
 - Tao vẫn cứ ngại lộ chuyện này với phụ nữ.
- Mày an tâm. Chỉ có mình mới ngượng chứ giới y, dược, họ nói chuyện b… l…tự nhiên như người Hà Nội.
 
* * *
  Sáng hôm sau, thay vì ra tàu ở ga Hàng Cỏ, lên đường vào đơn vị ở Quảng Bình, Nam đưa tôi đến cửa hàng thuốc Đông y của chị Đông ở trên đường Hoàng Hoa Thám. Thành phố đang thời kỳ sơ tán triệt để, nên cả cửa hàng lẫn đường phố đều vắng người. Phần chính của cửa hàng sơ tán ra ngoại thành, nên ở cửa hàng, ngoài chị Đông, chỉ có thêm một nữ nhân viên trẻ. Chị nhận ra tôi ngay. Tôi đỏ mặt bừng bừng, lưỡi như bị cứng lại. Nam bảo:
 - Chuyện này tao dễ nói, cứ để tao nói thẳng cho nhanh. Tôi nhẹ hẳn người. Nam kéo chị Đông tách xa tôi chừng vài mét, thì thà thì thầm, rồi hai người cùng phì cười. Chị Đông vui vẻ đi lại chỗ tôi:
 - Đái dầm là bệnh dễ chữa nhất trên đời. Chị chỉ cần cắt cho em ba thang là hết bệnh, nhưng để chắc chắn đúng bệnh, chị đưa em đến ông lang Quát ở Hàng Than. Tôi lúng túng:
- Có cần thiết không chị? Chị Đông:
 - Chị cắt thuốc theo kinh nghiệm qua lời khai của bệnh nhân, không thể bằng thầy lang Quát trực tiếp bắt mạnh... Nam vun vào:
- Nếu vậy thì đi luôn. Có phải lúc nào mày cũng từ Quảng Ninh về đây đâu. Đi từ đây đến Hàng Than mà chắc chắn hết bệnh, còn hơn ra ngoài đó, bệnh vẫn hoàn bệnh.
* * *
   Chị Đông đi một xe đạp, còn Nam đi một xe, chở tôi đến nhà ông lang Quát. Nhà ông ở gian mặt tiền, nhỏ chật. Chiếc tủ gỗ đánh véc-ni màu gụ, có các hộc đựng thuốc, cao đến tận trần, chiếm kín một mặt tường. Bàn tiếp khách của ông nằm giữa quầy giao thuốc và chiếc tủ. Đang thời kỳ sơ tán triệt để mà bệnh nhân chờ được ông bắt mạch, cắt thuốc đến gần ba chục người đủ lứa tuổi già trẻ, đàn ông, đàn bà. Nhờ chỗ quen biết của chị Đông mà tôi được ông ưu tiên bắt mạch ngay từ khi bước chân vào nhà. Người tôi không sốt mà nóng bừng bừng, chân tay cứng ngắc, khi việc bắt mạch diễn ra trước mấy chục bệnh nhân. Ngón tay trỏ và giữa của ông chỉ chạm vào mạch ở cổ tay tôi chừng vài giây, rồi ông hỏi:
- Ai nói anh mắc bệnh đái dầm? Tôi lúng búng:
- Thưa! Tự cháu thấy ạ.
- Mỗi lần bị, mùi nó khai hay tanh?
- Thưa! Hồi đầu, cháu không để ý, sau thấy lúc khô thì có mùi tanh, nên cháu nghĩ mình bị rất nặng, cháu rất sợ. Thầy lang Quát đưa mắt cho chị Đông, rồi cười, lắc đầu với tôi:
- Anh không bị đái dầm mà bị di tinh. Tôi thắc mắc:
 - Di tinh là gì ạ?
- Đang nhiều bệnh nhân chờ, nên không phải lúc giảng giải về bệnh cho anh. Giờ tôi cho anh một đơn thuốc, muốn cắt ở đây cũng được mà về cửa hàng chị Đông cắt cũng được. Chịu khó về sắc uống một tháng là khỏi. Trở về cửa hàng, chị Đông đưa đơn cho cô nhân viên dưới quyền cắt thuốc, còn chị ra ngồi bàn nước với tôi và Nam. Nam hỏi:
- Di tinh là bệnh gì?
Tôi thầm biết ơn Nam đã hỏi thay câu lẽ ra tôi phải hỏi. Hóa ra một thằng lăn lộn nơi bom đạn chiến trường cũng không thông thái hơn thằng biền biệt chốn núi rừng. Chị Đông giải thích bằng giọng thản nhiên:
- Đó là hiện tượng sinh lý bình thường của nam giới ở tuổi thành niên, có người bị một thời gian rồi hết, nhưng cũng có người bị nhiều và kéo dài, nếu không quan tâm chữa trị sẽ thành bệnh, dẫn đến suy nhược cơ thể rồi biến chứng tiêu cực sang các bộ phận khác trong cơ thể. Nam hỏi:
 - Sao em không bị?
- Em thích bị lắm hả?
Nam ngượng nghịu làm thinh. Còn tôi chột dạ hiểu ra, so với đái dầm, di tinh bị lộ ra sẽ kinh khủng hơn nhiều. Một thằng học sinh tiểu tư sản Hà Nội bệnh hoạn mới bị di tinh... Tôi sợ hãi bảo chị Đông:
 - Vì không phải lúc nào cũng về được Hà Nội, chị cắt thuốc cho em hẳn ba tháng để phòng xa. Chị Đông:
- Phải tin thầy thuốc chứ. Ra Quảng Ninh, em cứ sắc uống đủ một tháng, tình hình thế nào, em thư về cho chị, nếu bệnh không hết, chị sẽ gửi thuốc cho em theo đường bưu điện.
 Đang trai trẻ khỏe mạnh, làm việc cả năm, không nghỉ ốm một ngày, chơi thể thao như điên, nay đột nhiên mang cả núi thuốc về sắc như người bệnh nặng? Chưa kể những năm đầu giải phóng miền Bắc, thuốc nam kèm theo chiếc ấm đất để sắc, còn bị kỳ thị, bị coi là thuốc lang băm. Tôi đột nhiên lo sợ. Để đạt được hệ số “an toàn” cao nhất, tôi nhờ chị Đông viết vào đơn thuốc: “Bệnh áp huyết cao”, một tên bệnh có vẻ sang trọng ít nhạy cảm về đạo đức, để về xưởng, có sắc thuốc cả năm cũng không ai nghi ngờ phẩm giá. Chị Đông phì cười:
 - Em đúng là gà tồ.
 Sáng hôm sau, tôi tiễn Nam ra ga Hàng Cỏ. Trước khi lên tàu, Nam bùi ngùi: - Tao vào chiến trường không biết thế nào, nhưng mày chắc chắn sống rồi. Chúc mày sớm hết cái bệnh “kim tinh” quái quỷ. Nam nhớ sai tên bệnh, nhưng tôi cũng không đính chính:
- Chúc mày chiến thắng trở về.
 
* * *
  Trên đường từ Hà Nội ra Quảng Ninh, chiếc xe đạp cuốc Liên Xô Sput-nic của tôi chở thêm chiếc túi du lịch giả da căng phồng, cố ý không kéo khóa phéc-mơ-tuya, để mở miệng, lộ ra những cuốn sách mới mua: Chiến Tranh và Hòa Bình, Đỏ và Đen, Những Người Khốn Khổ, dày cộp, đồ sộ, với những tên tác giả chỉ nghe đã thấy nể người đọc, dùng để che bên dưới là những thang thuốc chữa bệnh di tinh, dùng cho một tháng. Đến Phả Lại đúng lúc Mỹ ném bom nhà máy điện và bến phà. Ai nấy đều quăng xe, chạy dạt ra hai bên đường, có hầm trú ẩn thì trú, bằng không, nấp đại xuống bờ ruộng. Nhà máy điện trúng bom, khói lửa mù mịt, nhưng con phà đang qua sông an toàn, bến phà thêm vài hố bom… Tôi chạy vội đi tìm chiếc xe. Ủa! Xe của mình đâu rồi? Sợ mất xe thì ít, sợ mất thuốc thì nhiều. Rõ ràng chiếc xe của mình để ở đây… Tôi ngơ ngác giữa mấy chục người đã từ những chỗ nấp túa ra lấy xe và hành lý bỏ trên đường. Một con phà cập bến. Trong những ô tô rời phà lên bờ có chiếc xe ca chở khách đường Hòn Gai – Hà Nội. Tôi buộc phải đi xe khách trở lại Hà Nội gặp chị Đông để lấy thuốc. Không có thuốc là có thể tuyệt đường con cái, hết đường lấy vợ. Tôi đã ngồi trên xe, chiếc xe chuẩn bị chuyển bánh thì dưới đường, có người kêu:
- Chiếc xe này của ai? Xe này của ai đây?
 Nhìn xuống đường, tôi thấy hai người đàn ông, mỗi người dắt một chiếc xe cuốc Liên Xô, trong đó có một chiếc, trên giá đèo hàng buộc chiếc túi du lịch của tôi. Tôi vội rời xe khách, cẩn thận nhìn tấm biển đăng ký, biết chắc xe của mình, tôi chộp lấy ghi đông xe:
- Sao ông lấy xe của tôi? Người đàn ông:
- Tôi xin lỗi. Hai cha con tôi cũng đi xe Liên Xô. Lúc hết báo động, thằng con tôi lên trước lấy trước, tôi lên sau, thấy mỗi cái này, tưởng là của mình. Tôi làu bàu:
- Xe bác, hai người chở nhau, còn xe tôi có chiếc túi du lịch tổ bố, làm sao có thể nhầm? Người đàn ông khổ sở:
- Tôi xin lỗi. Bom vừa ném xong, thần hồn còn nát thần tính… Tiên sư bố thằng Mỹ, với lại xe Liên Xô cái nào cũng như cái nào.
  Cuối cùng, tôi cũng đạp xe về đến xưởng sơ tán trong Thác Cát, Hoành Bồ. Cần phải rẽ vào phòng Tổ chức ở ngôi nhà ngói ba gian, gặp ông Bấc, trưởng phòng Tổ chức, mà anh em thợ gán cho biệt hiệu Mũi Khoằm, để báo đã đi hết phép, và sang trọng hóa những thang thuốc, nhưng phải đi đường nào không qua dãy phòng hành chính và các nhà xưởng bên đường, để tránh những con mắt tò mò của đám thợ thuyền về một thằng mắc bệnh di tinh từ Hà Nội lên. Tôi cố làm một bộ mặt thản nhiên bước vào phòng ông Bấc. Thật không đúng lúc khi trong phòng đang có em Luyến thợ điện.
 - Anh Tuấn mang quà gì Hà Nội lên mà nặng thế? Luyến cười hỏi. Tôi đỏ mặt:
- Toàn sách ấy mà.
- Anh đọc xong nhớ cho em mượn nhé. Ông Bấc bảo Luyến:
- Việc xong rồi, cô về xưởng làm việc đi. Sách dân Hà Nội đọc toàn chuyện yêu đương lãng mạn, cô không đọc được đâu.
  Luyến ra khỏi phòng, chính ông Bấc lại lúng túng, nói như thanh minh với tôi:
- Phụ nữ đến tuổi, yêu rồi lấy chồng, chúng tôi luôn khuyến khích, nhưng cô này thành phần cơ bản lại đi yêu và sắp cưới một anh cùng quê con nhà địa chủ, nên tôi phải gặp riêng, làm công tác tư tưởng. Tôi nói:
- Thưa! Tôi vừa hết phép. Ông Bấc gật gật đầu:
- Thế à! Thầy mẹ anh có khỏe không?
- Thưa! Bố tôi không ở Hà Nội, còn mẹ tôi mất từ năm tôi 3 tuổi.
- Ờ, tôi quên. Thế thì anh đi phép đột xuất về Hà Nội làm gì?
 - Khi xin phép nghỉ, tôi đã báo với anh, thằng bạn tôi bị thương ở chiến trường được về Hà Nội điều trị.
- Ờ! Tôi nhớ rồi. Có gặp được bạn không?
- Thưa! Có gặp.
- Thế thì tốt. Còn gì nữa không?
- Thưa! Tiện đây, tôi cũng báo với anh. Lần này về, tôi có mang lên thang thuốc chữa… bệnh… huyết áp cao.
- Chữa cho ai?
- Thưa! Cho tôi.
 Ông Bấc nhìn tôi nghi ngờ:
 - Anh khỏe như voi, sao lại có thứ bệnh chỉ bọn thành phần bóc lột mới mắc?
- Thực ra, những ngày đi làm, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy người mệt mỏi… Lần này, về Hà Nội, có lẽ do đạp xe đường dài, gặp mưa nắng thất thường, nên mấy lần bị ngất xỉu, phải đi khám thầy thuốc.
- Có giấy của bệnh viện không?
Tôi hú hồn vì đã phòng xa, đưa tờ đơn thuốc của chị Đông, phần căn bệnh có ghi: Bệnh áp huyết cao. Phía dưới có đóng dấu: Trung tâm Đông y dược Tuệ Tĩnh.
- Tuệ Tĩnh là ai?
- Thưa là tên của Trung tâm Đông y, đồng thời cũng là tên một danh y.
- Danh y trời cũng là tư nhân, là lang băm. Anh là công nhân Nhà nước, không đến bệnh viện Nhà nước mà lại lấy đơn thuốc của một lang băm, nhỡ uống vào chết người thì sao?
- Lúc bị ngất, người nhà đưa đến đâu thì tôi cũng theo đấy.
- Nhưng lúc cắt thuốc, anh phải tỉnh chứ?
- Ông lang Quát cắt thuốc cho tôi là thầy thuốc hàng đầu Việt Nam, đã từng chữa bệnh, cắt thuốc cho cả Thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng. Ông Bấc hạ giọng:
- Theo đúng nguyên tắc, anh phải lấy giấy giới thiệu của xưởng, ra bệnh viện huyện khám, rồi điều trị theo đơn bác sĩ, nhưng thôi, lần này, tôi thông cảm…Thuốc này sẽ không được thanh toán đâu nhé. Thế anh phải nghỉ bao nhiêu ngày để uống thuốc?
- Thưa! Không phải nghỉ ngày nào, vì sáng ra cho thuốc vào ấm sắc, tối về, nước bốn, cạn ba, mới uống. Ông Bấc:
- Sao anh không nói ngay từ đầu? Nếu không phải nghỉ ngày nào thì việc quái gì phải báo cáo với phòng Tổ chức? Tôi kín đáo thở phào nhẹ nhõm.
* * *
   Rời phòng ông Bấc, thay vì đi qua dãy nhà xưởng và ga ra dọc đường chính, rồi theo lối bậc thang lên khu nhà tập thể dành cho công nhân trên đỉnh núi, tôi theo con đường mòn đi tắt, để không ai thấy mình. Khu sơ tán của xưởng sửa chữa ô tô chúng tôi cách ngã ba Đồng Đăng trên trục Quốc lộ 18 bảy cây số vào sâu trong rừng bằng đường nội bộ của ngành lâm nghiệp. Loại đường trải cấp phối đỏ này phần lớn dọc theo các bờ suối từ rừng và khe núi chảy về Cửa Lục rồi ra biển. Sau này, hiểu rõ về bom đạn Mỹ trút xuống từ đủ loại máy bay, thì địa điểm sơ tán là quá an toàn, nhưng giám đốc xưởng, kỹ sư Lý Văn Voòng, và trưởng phòng tổ chức kiêm bí thư chi bộ Đảng Hoàng Văn Bấc, quá phòng xa, sợ xưởng ở ngay bên đường, cạnh dòng suối sẽ làm mồi cho bom Mỹ, nên chỉ những phân xưởng máy móc nhẹ, dễ sơ tán như: Nguội, hàn, ga ra ô tô mới ở cạnh đường, trong những hầm bán lộ thiên. Các máy công cụ nặng như máy tiện, máy khoan dinh hết lên các các nhà hầm lưng núi. Con người là vốn quý nhất, hầu hết công nhân các phân xưởng trong đó có tôi, bị đẩy lên ở các dãy nhà tranh dựng san sát trên đỉnh núi, dưới mái rừng lim. Suốt thời kỳ Mỹ ném bom, đến tận cuối năm 1972, chỉ có một trận bom gần nhất ném xuống cầu Thác Cát cách nơi sơ tán 200 mét và hai trận xuống cầu Đồng Ho, cách xưởng 2 cây số, bom đều trượt mục tiêu, rơi xuống các sườn và đỉnh núi, khiến ai cũng tỉnh ngộ: may mà chúng không chọn xưởng chúng tôi, vì nếu “vinh dự” được chọn, chắc chắn bom sẽ rơi xuống sườn và đỉnh núi, hầu hết cán bộ, công nhân viên và tài sản giá trị nhất của xưởng sẽ tan thành mây khói. Nhưng nhờ khu nhà ở tập thể của công nhân ở trên đỉnh núi mà việc sắc thuốc chữa bệnh di tinh của tôi, chẳng mấy ai biết, không thành chuyện bàn tán, tiếng nhỏ, tiếng to, trong đám thợ thuyền. Tôi vừa kê xong ba hòn đá ở chỗ khuất ngoài đầu hồi dãy nhà tập thể, đang ngồi ngắm chiếc ấm đất vừa đặt lên, thì Chử Văn Long, phụ trách kỹ thuật của xưởng, tay ôm một chồng sách mấy chục quyển, thở hổn hển từ dưới chân núi lên.
- Mày làm cái gì thế?
- Tao tao… tao…
- Nghe cái Luyến thợ điện nói mày về, tao lên phòng Tổ chức thì Mũi Khoằm nói mày lên đây rồi. Làm sao có chuyện mày bị áp huyết được?
- Tao nói dối, chứ thực ra đây là thuốc bổ. Vì hồi này ăn uống kham khổ nên tao nhờ cắt thuốc để bồi dưỡng. Chử Văn Long tin ngay:
- Mày đi vắng, cái Thoa ở thư viện bên Sơn Dương sang đây tìm mày hai lần. Tôi chột dạ:
- Để làm gì?
- Nó nói mấy tháng nay, mày cố ý tránh mặt nó để dùi mài kinh sử chuẩn bị thi đại học.
- Làm gì có chuyện đó?
- Vậy mày có sang thư viện gặp thằng Sử, mượn các loại sách cây thuốc?
 - Có, nhưng tao ghi tên sách khác mà?
 - Cái Thoa phát hiện ra, nên thằng Sử phải khai hết, thế là nó đoán năm nay mày định thi vào khoa dược trường y dược, nên nó ra tận thư viện tỉnh, lục tìm đủ loại sách thuốc sang cho mày. Tôi nhìn chồng sách đến ba chục cuốn Chử Văn Long để trên giường, vừa cảm động vừa ngượng chín cả người.
- Mày biết thừa, ông Bấc và phòng Tổ chức Ty năm nay đã gạt đơn xin đi thi đại học của tao. Long nói:
- Vấn đề ở đây, chuyện đi học đại học giờ không quan trọng bằng việc nó yêu mày.
- Cái gì?
- Tao thấy nó quá nhiệt tình với mày. Thư viện tỉnh sơ tán tận Quang Hanh, Cẩm Phả, bom đạn Mỹ ném thường xuyên, nó vẫn sẵn sàng hy sinh tính mạng lùng bằng được sách cho mày, không thể là chuyện nhiệt tình suông, nên tao tỉ tê hỏi han, kết quả, nó tự thú là đã để ý và yêu mày từ lâu.
  Được Thoa yêu là quá bất ngờ, cũng rất cảm động, song hoàn toàn là điều tôi không mong muốn. Tôi nói với Long:
- Mày biết thừa tao đang bằng mọi giá đi học đại học, để thoát khỏi đời thợ, nên không quan tâm đến chuyện yêu đương.
- Sao mày ngu thế? Yêu đương thì ảnh hưởng gì đến chuyện đi học đại học?
- Không ảnh hưởng, tao cũng không thể yêu cái Thoa...
- Nó xinh như thế, lại rất gần chúng mình ở chỗ ham mê đọc sách, mày chê nó ở điểm nào? Tôi làm thinh.
- Nói thật đi, mày không thích nó ở điểm nào? Tôi dè dặt và hơi nóng mặt:
- Mày có thấy ngực nó quá to?
- Trời! Ngực to thì sao?
- Sách nói, đàn bà ngực to thì đa dâm.
- Sách nào? Sách nào nói bậy bạ? Tôi nói:
- Cuốn Nhân Tướng Học dịch của tác giả Trình Hạo, Trung Quốc, do nhà xuất bản Phổ Thông xuất bản, trang 15, nói rõ: Đàn bà lông mày rậm, mắt to đen, miệng rộng, vú to, mông cong, chân dài, nách và chỗ đó rậm lông là tướng đa dâm.
- Sao mày ngu thế? Đó là loại sách xem tướng gái lầu xanh, còn gái nhà lành những đặc điểm đó đều được văn học coi là đẹp. Tại sao vú to lại là dâm được. Vú của tất cả các loại giống cái đều dành cho con. Vú to là biểu hiện người mẹ khỏe mạnh, sữa nhiều, con cái tha hồ bú, không phải lo đến bệnh viện xếp hàng, xin bác sĩ khám, để được phiếu cung cấp sữa hộp, nhục hết chỗ nói.
 - Không lẽ sách viết sai?
- Không tin, mày thử nhầm chức năng, sờ vào đấy xem chúng nó có tát vỡ mặt? Tôi lắc đầu, vẻ chưa tâm phục khẩu phục. Long hùng hồn nói thêm:
- Những thằng nhìn vào đâu của đàn bà cũng tưởng tượng ra chuyện bậy bạ, mới chính là bọn đa dâm. Mày cẩn thận không chính mày mắc bệnh ấy.
Tôi giật thót như bị Long bắt quả tang bệnh nhạy cảm. Chử Văn Long sinh năm 1942, hơn tôi ba tuổi, cũng dân Hà Nội, nhưng ra Quảng Ninh không cùng lứa Thanh niên xung phong tháng 8 Thủ Đô, mà được Tổng cục Lâm nghiệp điều ra làm cán bộ kỹ thuật của xưởng, sau khi tốt nghiệp trường trung cao cơ điện. Tuy còn ở tuổi hai mươi, nhưng Long đã có bốn con, lý do đơn giản chỉ là do gia đình cho Long đi học trung cấp, ở nhà không có người lao động trên đồng ruộng hợp tác xã, sẽ thiệt công, nên bố mẹ ép anh phải lấy vợ vào năm 17 tuổi, trước khi đi học. Một thằng có vợ, bốn con, lại thỉnh thoảng có thơ tình in trên báo Văn Nghệ, chắc chắn phải hiểu đàn bà hơn thằng chưa có mảnh tình vắt vai, là tôi, nhưng điều quan trọng là Long đã vô tình điểm trúng yếu huyệt của tôi, nên tôi chỉ còn cách chết lặng.
- Thế nào! Long hối thúc: Nếu mày đồng ý, tao sẽ vun vào. Tao mát tay vụ làm mối lắm. Tôi gật đầu như một sự đầu hàng vô điều kiện:
- Tao đồng ý.
* * *
  Sáng nào, dù sương đêm còn ngập mờ mịt trong phòng, trời rét như cắt thịt, tôi cũng dậy sớm trước giờ anh em thợ dậy tập thể dục, ra đầu hồi, hì hụi cho thang thuốc vào ấm, vun củi thành than cho lửa cháy âm ỉ, để chiều tối, hết giờ làm việc, anh em xuống nhà ăn bên bờ suối ăn chiều, thì tôi vọt lên núi, chắt thuốc ra bát, nhanh như chớp, uống cạn để không ai nhìn thấy. Một tháng trôi qua, bệnh không còn xảy ra trong giấc ngủ trưa, ban đêm thay vì một tuần hai lần thì giảm xuống một lần, nhưng tâm lý khủng hoảng gấp trăm lần, vì bệnh di tinh, ngay cả ông lang Quát cũng nói có thể dẫn đến tuyệt đường con cái, song ở góc độ đạo đức, nó bị coi là một thứ bệnh hoạn…nên suốt một tháng trời, ăn không ngon, ngủ không yên, tôi từ 64 cân tụt xuống còn 58, từ chưa bao giờ bị ốm, nay thành ốm thật. Sợ bị mất danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua, đồng nghĩa với việc mất điểm khi ông Bấc xét cho đi thi đại học, tôi gắng gượng đi làm nhưng không sao tập trung vào công việc, cứ làm một ngày lại nghỉ hai, ba ngày. Ông Bấc nhìn tôi lắc đầu:
 - Hôm anh mang thuốc về, tôi nói cái trung tâm danh y Tuệ Tĩnh tư nhân chỉ là của lũ lang băm, nay anh thấy tôi nói đúng không?
Bù lại với tai họa trên, tôi lại không chỉ một mà những hai em đến chăm sóc. Em thứ nhất đương nhiên là Thoa, vừa được Chử Văn Long vun vào, vừa dường như em cũng thích tôi bị bệnh để có cơ hội chăm sóc, gần như chiều nào, sau giờ làm việc, em cũng đạp xe từ Sơn Dương sang xưởng. Em thứ hai là Ly, giáo viên trường cấp 2, tận ngoài thị trấn Trới, do Ngân, người yêu của Phạm Gia Bình giới thiệu. Tôi thích Ly hơn Thoa, vì luôn ôm mộng nếu lấy vợ, nhất định phải lấy một em to con, như Ly là phù hợp, nhưng Ly có lẽ do nhiều người săn đón, nên cô với tôi vẫn còn khoảng cách xa hơn với Thoa. Song chính tôi cũng không muốn gần hơn với cả hai em. Quan hệ giữa tôi với hai em là mối quan hệ đầy mâu thuẫn. Vài ngày không thấy hai em đến xưởng chơi thì nhớ, thì mong. Nhưng thấy hai em, trong tôi chỉ toàn những ý nghĩ vẩn đục…Từ khi bị bệnh, không hiểu sao gặp hai em, mắt tôi luôn tránh nhìn…, chỉ sợ các em đọc được căn bệnh và những điều tội lỗi mình đang nghĩ. Cả hai cùng tin tôi bị áp huyết cao. Thoa thì đi lùng đủ các sách về bệnh áp huyết cho tôi đọc, còn Ly đưa hẳn người anh họ là bác sĩ quân y đến khám. Anh này sau khi khám kỹ, quả quyết: - Anh bị áp huyết thấp, chứ không phải cao. Một ngày chủ nhật, nhân ca trực của Sử, tôi sang thư viện huyện ở Sơn Dương quyết lùng cho được cuốn sách về bệnh di tinh. Kết quả, suốt một ngày ròng, tôi và Sử tra hết danh mục 132.176 cuốn sách đủ các loại của thư viện: Khoa học, Triết học, Chính trị, Văn học, Y học, Giáo khoa, Thiếu nhi, vân vân…, không có một cuốn nào nói về bệnh di tinh. Lúc chán nản ra về, tình cờ thấy trên bàn của Sử có cuốn sách chừng 200 trang, cũ kỹ, rách nát: Nam Nữ Cần Biết, tôi cầm lên nhác qua. Trời ơi là trời. Trang 15 có mục in chữ đậm: Bệnh di tinh. Đúng là mình ở hiền gặp lành. Sử nói:
 - Cuốn này em đang đọc. Toàn dạy yêu… Tôi bảo:
- Không thể tin được cả một núi sách mà chỉ có một cuốn dạy yêu. Cậu cho tôi mượn cuốn này. Tôi mang cuốn Nam Nữ Cần Biết về đọc ngấu nghiến. Mục Di tinh chỉ có đúng nửa trang, chủ yếu là dọa không chữa kịp thời và đúng phương pháp sẽ tuyệt đường con cái, suy thận cấp, chạy vào tim, có thể gây tai biến mạch máu não, dẫn đến tử vong. Tôi hoảng sợ viết thư về cho chị Đông: Em đã uống hết thuốc hơn tháng nay, thoạt đầu, “áp huyết” có giảm, nhưng sau lại trở lại như cũ, nhưng em sợ nhất là bị xuống 6 cân, sức khỏe rất kém.
Hai tuần sau, tôi nhận được thư chị Đông: Chị đã trao đổi với thầy lang Quát. Thầy bảo, nếu thu xếp được, em nên về Hà Nội để thầy khám lại. Vừa nghỉ phép hai tháng trước, nay đi nữa làm sao ông Bấc chấp nhận? Tôi bảo chị đánh cho tôi bức điện. Mấy ngày sau, tôi có bức điện: Bố ốm nặng, về ngay. Ông Bấc nghi ngờ:
- Hôm rồi, anh nói bố đi vắng kia mà? Tôi nói:
- Bố tôi bệnh ở quê. Thế là tôi được đi nốt nửa phép.
* * *    
   Đạp xe về đến Gia Lâm gặp trận bom dội xuống nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tôi bị một vết rạch ở cánh tay do kính vỡ văng phải, nên đến nhà chị Đông ở Thụy Khuê với cánh tay bị băng. Chị gỡ băng, rửa lại vết thương và băng lại cho tôi. Đến nhà chị, tôi mới biết rõ hoàn cảnh. Chồng chị, người từng là thầy dạy thể dục khi chị học cấp ba, là sĩ quan cấp tá, vào chiến trường miền Nam từ năm 1963. Do Nam cũng ở trong chiến trường, nên chị phải nuôi cả mẹ mình lẫn mẹ chồng. Hai đứa con, một trai, một gái, đứa cuối cấp 2, đứa đầu cấp 3, một đứa trường sơ tán ở Đông Anh, đứa kia trường sơ tán ở Phúc Yên, hễ có ngày nghỉ, chị phải đạp xe khắp nơi để lo lắng chăm sóc cho hai mẹ và hai con. Khi tôi đến, hai bà mẹ đều từ nơi sơn tán về với chị. Nhìn người phụ nữ tần tảo này, tôi cứ phân vân: Liệu hồi trước, gia đình và nhà trường có quá khắt khe khi coi chị là hạng lẳng lơ, hư đốn? Chị bảo:
 - Ngày mai, thầy Quát hỏi gì, em phải khai thật hết. Thầy ấy không tin mình bắt mạch sai và cắt thuốc không đúng. Sáng hôm sau, tôi đến nhà thầy lang Quát thì chị Đông đã đợi sẵn. Trong đầu tôi chuẩn bị sẵn lời khai làm sao không nói dối, nhưng cũng ít nhơ nhuốc nhất. Nhưng thầy không nói, không hỏi gì. Ông lặng lẽ cầm tay tôi bắt mạch đến cả phút, rồi nói: Từ nay, anh không phải thêm thuốc thang gì hết. Nếu về lấy vợ thì anh sẽ khỏi ngay, bằng không thì đến tuổi ba mươi bệnh anh sẽ hết.
- Thưa! Từ nay đến ba mươi, cháu vẫn bị thì…
- Anh không còn bệnh lý mà mắc vấn đề tâm lý. Nếu coi cái vụ đầy thì tràn là chuyện tự nhiên thì dần dần sẽ hết. Tôi chưa kịp nói thêm, ông đã quay ra nói với người giúp việc vốn là con gái ông:
- Đến người khác. Tôi cùng chị Đông ra về. Tôi nói:
- Em bị bệnh rõ ràng nhưng ông ấy lại nói là tâm lý. Chị bảo:
 - Thầy không nói sai đâu. Có điều tâm lý nhiều khi khó chữa hơn bệnh lý. Im một lúc, chị nói tiếp: Em cứ bình tĩnh về nghỉ ngơi, chiều đến cửa hàng, chị sẽ bàn thêm. Chị còn ở lại gặp thầy để hỏi kỹ thêm.
* * *
  Đầu giờ chiều, tôi đến cửa hàng thuốc. Chị Đông đang cùng cô nhân viên bận bốc thuốc từ các hốc tủ ra những tấm giấy bản trải trên mặt quầy, rồi gói cho những người khách xếp hàng trước quầy. Thấy tôi đến, chị ra mời tôi đến bàn nước:
- Thầy Quát quả quyết, sau khi uống thuốc, vấn đề về thận gây nên di tinh không còn, nhưng do sinh lực của em quá mạnh, và ám ảnh tâm lý quá nặng, nên chuyện đó vẫn tiếp tục. Thầy khuyên em sớm lấy vợ là trên cơ sở giải quyết cả hai lý do trên. Tôi nói:
- Về tâm lý, em sẽ cố, nhưng chuyện lấy vợ ngay thì quả là khó.
- Em đã có người yêu chưa? Với chị, em cứ nói thật.
- Em có hai bạn gái, một cô nhân viên thư viện thì yêu em, còn cô giáo viên cấp 2, em có cảm tình, nhưng chưa thể tiến tới tình yêu cũng như hôn nhân, nếu chuyện học đại học chưa đâu vào đâu. Chị Đông đột ngột hỏi:
- Chị vẫn nghe nói “Gái lâm trường, giường bệnh xá “, sự thật thì thế nào? Tôi nói:
- Làm nghề sửa xe lâm nghiệp, em đi nhiều lâm trường, công trường, thấy nơi nào cũng có chuyện trai, gái buông thả, nhưng thực tế rất ít, không như mồm thiên hạ đồn thổi. Tại sao tự nhiên chị hỏi vậy?
- Tiện miệng, chị hỏi thôi. Bây giờ, chị nói thẳng, em đang phải chữa bệnh, mà là bệnh nghiêm trọng. Em cũng biết thừa, nếu không thoát được tâm lý, từ nay đến năm 30 tuổi, em tiếp tục suy nhược và xuống cân thì tình hình sẽ rất xấu.
- Em biết và cũng rất lo. Nếu không hết, bệnh sẽ từ thận biến chứng sang tim, dẫn đến đột quỵ, vô sinh, có khi đột tử… Chị Đông bật cười:
- Lại sách dạy phải không? Im một lúc, rồi chị nói: Chị khuyên điều này, nhưng em đừng nghĩ chị xúi em làm bậy.
- Nếu hết bệnh, chị bảo làm gì, em cũng làm.
- Nếu không thể lấy vợ ngay, em phải tìm cách sinh hoạt với phụ nữ. Chỉ có cách chủ động xuất tinh với phụ nữ, để âm dương trung hòa, thì bệnh em sẽ hết. Tôi giãy nảy:
- Không được đâu, chị ơi.
 - Chị biết tại sao em lại sợ và chính chị cũng sợ, khi quyết định khuyên em, nhưng đây là chuyện chữa bệnh. Tôi ngồi im và phát run. Chị Đông nói tiếp:
- Đây là chuyện chỉ thầy thuốc và bệnh nhân biết với nhau, nên những chuyện pháp luật và đạo đức phải gạt ra ngoài và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tôi vẫn ngồi chết dí.
- Chị có một chị bệnh nhân, cũng vì mất cân bằng âm dương lâu ngày mà chuyển sang bệnh tim, thỉnh thoảng lại bị bất tỉnh, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tôi nói:
- Ở lâm trường cũng có các cô gái bị như thế.
- Khi mấy cô đó có người yêu hoặc lấy chồng là hết, đúng không?
- Đúng.
 - Thế là em hiểu ra vấn đề rồi. Nhưng có phải ai cũng có thể có người yêu hay lấy chồng, cũng như em không thể yêu và lấy vợ nếu như đường sự nghiệp chưa thành, trong khi các thầy thuốc hoàn toàn có thể cắt cho bệnh nhân thang thuốc diệt dục hoàn toàn để hết bệnh, nhưng họ không làm vì như vậy là tội ác. Tôi ngồi im.
- Cô này, chồng đi công tác vắng cả chục năm ở nước ngoài, mấy năm nay, thầy Quát vẫn cắt thuốc cho cô ấy, nhưng cuối cùng vẫn phải khuyên cách tốt nhất là vợ chồng phải gặp nhau…Nhưng em biết thừa, những người biền biệt nơi xa nhiều khi là nhiệm vụ của Đảng, bắt buộc phải hy sinh lợi ích cá nhân.
- Em hiểu.
 - Cô ấy ở nhà một mình. Địa chỉ ở tờ giấy này. Em đến vào 9 giờ sáng mai thì cô ấy chờ.
Người tôi bủn rủn. Khó khăn lắm, tôi mở được miệng:
- Cô ấy bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì?
 - Cô ấy đẹp gái, hơn em hai, ba tuổi gì đó, chỉ ở nhà nội trợ thôi. Tôi nói:
- Thú thật, em rất sợ. Em chưa từng quan hệ với ai.
- Em muốn khỏi bệnh. Cô ấy cũng muốn vậy. Cứ nghĩ đây là chuyện hết bệnh, em sẽ hết sợ. Chỉ lần đầu thôi. Lần sau, quen nhau rồi, có khi mỗi tháng em lại đạp xe về Hà Nội gặp cô ta một lần cũng nên.
* * *
  Vì có chuyện “chữa bệnh” theo ý chị Đông mà lần về Hà Nội ấy, tôi không khác gì hoạt động tình báo. Sợ bất cứ người quen nào thấy mình cũng nhìn ra vụ hẹn hò, tôi không dám về nhà, mà ra bến xe Long Biên, ngủ ở nhà trọ, chung chạ với hàng chục khách chờ xe, kèm theo đủ thứ cồng kềnh trong gian phòng dơ dáy, hôi hám. Nhưng đó lại là đêm, trong tôi hỗn độn đủ thứ háo hức khó tả. Về hành vi, giải thích cách nào cũng là tội lỗi, nhưng tội lỗi được đủ thứ ngụy biện, lại thấy háo hức, ham muốn. Chỉ ngày mai, lần đầu tiên mình sẽ được biết mùi đàn bà, một sự hiểu biết, thụ hưởng và khám phá vô điều kiện, trong khi những năm tháng ở núi rừng Quảng Ninh, chỉ nghĩ trộm đến bộ ngực quá lớn của em Thoa cũng thấy mình thiếu giáo dục. Rồi với những hiểu biết nghèo nàn cùng trí tưởng tưởng không mấy phong phú, tôi hình dung mình sẽ gặp người đó, sẽ nói với chị ta, mà có cần phải nói không nhỉ? Chị Đông đã thu xếp rồi, có khi chẳng cần nói, cần bắt đầu ngay từ trên giường…Đêm mệt, ngủ thiếp đi chẳng biết gì, sáng ra thấy lạnh ở đũng quần, mới biết lại di tinh…Lại lo sợ. Rõ ràng mình không thể không chữa.
  Nhà người đó ở tầng hai khu tập thể bốn tầng bên đường Kim Mã. Để đến và đi không ai để ý, tôi gửi xe đạp ở nhà trọ, đội chiếc mũ cối bộ đội sụp xuống tận trán, đeo kính râm đen, gọng lớn, xuống Hàng Giấy, đi xe điện đến ga Bờ Hồ Hoàn Kiếm, rồi chuyển sang xe điện tuyến Bờ Hồ - Cầu Giấy. Hà Nội thời kỳ sơ tán, bom Mỹ vẫn bất thần ném khắp nơi, nhưng các chuyến xe điện lúc nào cũng đông, chẳng ai để ý đến ai, sao tôi có cảm giác ai cũng đang chằm chằm vào mình. Mỗi lần xe điện sắp đến bến dừng, tiếng chuông leng leng cất lên báo hiệu, tôi đều thoáng chột dạ như thể tiếng chuông dành riêng cho mình. Đứng chen chúc ở lối lên xuống cửa xe, lòng dạ tôi tối sầm, hồi hộp nhìn các dãy phố cũ kỹ, mốc meo hai bên đường Nguyễn Thái Học lướt qua ào ào theo tiếng rền của các bánh sắt xe điện lăn trên đường ray. Xe chạy đến khu các dãy nhà tập thể bốn tầng Kim Mã, không cần đợi đến bến, tôi đã nhảy xuống đường. Hồi còn đi học, tôi quá quen với khu vực này. Đây là khu tập thể nằm ở dãy phố mới xây dựng, đối diện với hồ Thủ Lệ bên kia đường, nên mật độ nhà cửa chưa cao, vừa do hoàn cảnh sơ tán, vừa đang giờ làm việc, nên trong sân vắng vẻ. Tôi vừa mừng thầm trong bụng, đã vội giật thót người hoảng sợ khi sực nhớ, gia đình Kim Uyên, bạn cùng lớp 10 E với tôi ở một căn hộ trong khu tập thể này. Đã vài lần tôi từng đến đây học nhóm, nhưng chính xác tòa nhà nào, tôi không nhớ. Nhỡ Kim Uyên bắt gặp thì sao? Tôi muốn bật ngược trở ra, thì bà bán nước chè chén ở lề hè ngay lối vào khu tập thể, tỏ ra quan tâm:
- Em định tìm ai? Tôi lúng túng:
- Có người ở Quảng Ninh gửi quà cho một chị ở tầng hai nhà A1. Bà bán nước:
 - À! Nhà cô giáo Hoài. Khu ấy theo trường đi sơ tán hết, không biết cô ấy có nhà không, em cứ lên thử xem.
 - Cảm ơn bác. - Đã đi vài bước, tôi lại quay lại hỏi: Hồi trước ở đây có Kim Uyên, học cùng với cháu hồi cấp 3, không rõ bạn ấy có còn…?
 - Kim Uyên ở A4, dạy đại học Sư Phạm, vẫn ở, nhưng cũng theo trường đi sơ tán, thứ 7, chủ nhật mới về.
Tôi nhẹ người đi thẳng đến dãy nhà A1, nhưng mười phần háo hức giờ chỉ còn năm, sáu. Vừa rẽ vào chân cầu thang thì một người đàn ông trung niên vác chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ, từ tầng trên đi xuống. Ông ta nhìn tôi chăm chăm. Tôi gật đầu chào:
- Bác ạ! Ông ta nói:
- Anh phải tránh ra cho tôi đi chứ. Tôi giật mình vội nép sang một bên. Liệu sự vô ý của mình có làm ông ta nghi ngờ? Nhìn ông ta khuất hẳn ngoài cổng, tôi mới dám bước lên cầu thang. Niềm háo hức năm, sáu, chỉ còn ba, bốn. Cái bụng đang nóng cứng đến mức đi không hết bước chân, lưng phải lom khom, bỗng mềm xìu.
* * *
Cuối cùng tôi cũng đứng trước phòng số 2 ở cuối tầng hai, bỏ mũ, gỡ kính, hít hà vuốt lại áo quần, mặt nóng bừng bừng, dè dặt gõ cửa. Cánh cửa phòng lập tức được mở ngay khi tiếng gõ vừa dứt. Trước mặt tôi đứng bên trong cửa là một phụ nữ quãng tuổi ba mươi, gương mặt đẹp, mắt đen thẳm, với hai quầng sâu thâm, buồn tối, mặc váy phin trắng, rộng cổ, hở nửa đùi trở xuống.
- Mời vào. - Chị vừa nheo mắt đánh giá khách, vừa nói khô khan. Tôi vừa bước vào phòng, chị đã đóng cửa, cài chốt, sau đó, kéo cả rèm cửa ra vào lẫn rèm cửa sổ, khiến căn phòng đang sáng trở nên tối mờ, nhưng tôi vẫn nghĩ cần phải tối hơn. Căn hộ chỉ chừng ba chục mét vuông, bên trong là phòng ngủ ngăn với phòng khách bên ngoài là một giá sách lớn, có chừa khoảng trống để hai phòng thông nhau. Những cuốn sách xếp chật trên giá và bày trên bàn khiến tôi chột dạ. Chị ta không phải nội trợ như chị Đông nói. Chị đưa tôi vào thẳng chiếc giường đôi bên trong giá sách:
- Vào đi. Tôi bần thần ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên bàn nước:
- Tôi ngồi đây được rồi. Chị nhìn kỹ tôi lần nữa, và hỏi:
- Đã sẵn sàng chưa? Tôi nói nhỏ:
- Chị Đông đã nói rồi. Chị khẽ lắc đầu:
- Tôi pha ấm chè nóng nhé? Hay là uống chút rượu.
- Uống chè cũng được. Chị mang chiếc ấm và chiếc phích vào kệ bếp bên trong để pha chè vào ấm. Ánh sáng từ ô cửa sổ hình vuông trong bếp hắt ngược vào chị. Chỉ lúc này tôi mới nhận ra bên trong chị cố ý không mặc đồ lót, khiến các đường cong cơ thể lồ lộ và thả lỏng. Người chị gầy nhưng lẳn… Sự rạo rực biến mất trong tôi bỗng hồi sinh. Tôi nhìn vào chiếc giường, hối tiếc, giá mình ngồi luôn vào chiếc giường theo ý chị … Bên ngoài bỗng vọng vào tiếng chuyển động rầm rầm trên đường ray, rồi tiếng chuông leng keng của chuyến xe điện không rõ từ Cầu Giấy lên hay từ Bờ Hồ xuống. Một phản xạ lo sợ tự nhiên khiến tôi đứng phắt dậy, nhìn qua cửa sổ ra đường Kim Mã. Chị đặt lên bàn ấm chè vừa pha, rồi hỏi: Có chuyện gì thế? Tôi lúng túng: Xe điện ồn quá. Ở đây quen rồi, với lại nó ở tít ngoài đường. Chị run tay rót nước ra tách: Uống nước đi. Sau tiếng ồn của xe điện, tôi bỗng dưng lo xa: Liệu gã vác xe đạp có bất thần quay lại? Rồi chuyện chắc chắn không bao giờ xảy ra, tôi vẫn cứ lo: Biết đâu Kim Uyên từ một chỗ nào đó trong khu tập thể tình cờ nhìn thấy mình? Nhìn giá sách đầy kín các loại sách trên giá, tôi tin chắc chủ nhân là một trí thức…Tự nhiên tôi sợ hãi. Chuyện này bị lộ, bị bắt quả tang, thì thật ô nhục. Rồi bao nhiêu công phấn đấu, bao nhiêu ước mơ tan thành mây khói. Chị vào giường ngồi, làm như không để ý đến tôi, nhưng lại bất ngờ hỏi bằng giọng khàn khàn:
- Đây là lần đầu phải không? Tôi lúng búng:
- Tại ở đây sáng quá. Sự háo hức trong lòng tôi, bốn năm xuống chỉ còn số không. Bụng dạ mềm nhũn. Tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Chị nói:
 - Không sao đâu. Nếu chưa sẵn sàng, để hôm khác cũng được. Nói xong, chị rời giường ra mở chốt cửa. Tôi nhẹ cả người, uống cạn hết tách chè, đứng dậy, mặt nóng bừng, lúng búng:
- Tôi xin lỗi. Ra khỏi phòng, cảm giác về sự nhục nhã nhất trong đời mới bùng bùng như lửa cháy kèm theo sự nuối tiếc cồn cào vì để vuột mất cơ hội mà tôi biết chắc sẽ chẳng bao giờ có nữa. Lúc xuống cầu thang, sự mềm nhũn tự nhiên biến mất thay bằng xúc động căng cứng, khiến lúc ra cổng khu tập thể, tôi buộc phải cúi khom lưng và đi không hết bước. Sự bức xúc dâng trào và như muốn ngay lập tức vọt khỏi cơ thể… Quá hoảng sợ, tôi nhìn quanh tìm lối thoát, rồi quyết định băng qua đường, lao qua bãi cỏ công viên, ùa xuống hồ Thủ Lệ. Nước ngập đến ngực. Mọi bức xúc trong tôi được lấp khuất trong nước cứ thế trào ra, trào ra… Bỗng từ trên bờ có tiếng còi huýt lảnh lói. Tôi giật mình nhìn lên. Ngay bên bờ là gương mặt tức giận của gã nhân viên bảo vệ công viên. Gã hét: - Lên ngay! Tôi hụt hẫng chậm rãi đi vào bờ, nước chảy ròng ròng trên bộ áo quần ướt sũng. Gã bảo vệ sừng sộ: - Định bắt trộm cá hả? Tôi gầm gừ: - Tao bắt trộm cá đấy, mày muốn làm gì? Gã nhận ra ở tôi điều gì đó khác thường nên chỉ nói: - Đồ điên. Rồi gã bỏ đi.
* * *
  Sáng hôm sau, trước khi ra lại Quảng Ninh, tôi đến cửa hàng của chị Đông. Tôi nói:
- Hôm qua, em đã đến chỗ đó.
 - Chị biết rồi. Chị Đông bình thản: Không sao đâu. Chuyện đó không thành có khi lại tốt hơn là thành, vì hết bệnh này có khi lại sang bệnh khác - Chị lại đưa tôi một bọc các thang thuốc đã để sẵn trong một túi du lịch giả da cũ: Đây vẫn là thang thuốc trước, nhưng liều nặng hơn một chút. Thầy Quát bảo em về tiếp tục uống thêm tháng nữa, tình hình thế nào thì thư về cho chị. Tôi trở lại xưởng trong rừng Thác Cát, Hoành Bồ. Vụ thất bại thảm hại trước người đàn bà nọ ám ảnh tôi rất lâu. Bất cứ lúc nào trong ngày, khi làm việc, khi ăn, khi ngủ hình ảnh người đàn bà đó lại hiện ra từng đường nét thân thể, từng lời nói, nét mặt…kèm theo sự xấu hổ và tiếc rẻ tội lỗi, đến nỗi người tôi lúc nào cũng thẫn thờ, chán ngán không thiết cả sắc thuốc. Bệnh thì chết là cùng chứ gì. Sau này, càng ngẫm tôi càng thấy, trong tất cả các thất bại trên đường công danh, sự nghiệp, đời sống, thì thất bại trong cuộc chinh phục đàn bà là ê chề hơn cả. Nhưng thật kỳ lạ. Một tháng, hai tháng, rồi sáu tháng trôi qua, hiện tượng di tinh đáng sợ không xảy ra lần nào. Nhiều lúc tôi mong nó xảy ra để kiểm chứng về sự thay đổi, tìm cho ra lý do vì sao nó cũng không tái phát. Tôi đâm lo. Hay mình tuyệt đường con cái thật? Tôi quyết định đạp xe về Hà Nội. Chị Đông lên các tỉnh Tây Bắc mua thuốc cho cửa hàng. Tôi đành một mình đến nhà thầy lang Quát ở Hàng Than. Thầy lang Quát nhận ra tôi ngay.
- Đưa tay đây. Vừa cầm tay xem mạch, thầy vừa hỏi: Uống hết thuốc đợt sau, anh thấy thế nào? Tôi lúng túng:
 - Thưa! Cháu không uống. Thầy buông tay tôi ra, rồi lắc đầu:
- Vô lý. Vậy tại sao anh hết bệnh? Hết lâu rồi phải không? Tôi thành thật kể cho thầy lang Quát nghe phương pháp chữa bệnh của chị Đông. Thầy Quát nói:
- Như vậy chỉ có thể giải thích anh hết bệnh là do quá sợ hãi.
* * *
 Nhà nữ khoa học nổi tiếng ngồi trước mặt tôi nói:
- Lần đó cũng vì sợ hãi mà tôi hết hoàn toàn bệnh “động kinh”. Tôi hỏi:
- Chị sợ những gì?
- Đầu tiên là sợ chết vào cái tuổi còn bao nhiêu khát vọng, mơ ước chưa đâu vào đâu, mà quyết định nghe lời chị Đông. Lúc chưa gặp anh, tôi cũng dũng mãnh lắm, nhưng khi anh vào nhà thì bao nhiêu nỗi sợ hãi trong tôi nổi lên: Rõ ràng mình đã không còn chung thủy với chồng đang ở trong chiến trường… Tôi ngạc nhiên:
- Tôi tưởng anh công tác ở nước ngoài?
- Chi tiết chồng tôi công tác ở nước ngoài, còn tôi là nội trợ đều do chị Đông tạo dựng để an toàn cho tôi và an tâm cho anh. Thực ra, năm đó, tôi đang là nghiên cứu sinh về sinh học trường đại học Tổng hợp Hà Nội, chồng tôi dạy khoa lý, cùng trường, vào chiến trường từ năm 1963. Tôi hỏi:
- Chị có sợ bị lộ?
- Bị lộ thì không. Khi quyết định chữa bệnh bằng tội lỗi, tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều và cũng tính toán kỹ, để vượt qua được hết trở ngại. Căn hộ tôi hẹn anh đến là của cô Hòa, bạn thân của tôi, đang đi làm nghiên cứu sinh ở Nga, giao chìa khóa cho tôi quản lý giùm, nên tha hồ tự do. Tôi cũng chẳng sợ chuyện lộ ra mình sẽ bị thị phi điều tiếng, hay bị nhà trường kiểm điểm, kỷ luật… Lúc đó, trong tôi bỗng nhiên lại dội lên ý nghĩ mà trước đó mình đã gạt đi: Mình đang là một nhà giáo, đang là người trong sạch, và chồng mình luôn tin tưởng ở mình… Tôi nói:
- Lúc đó, tôi là thợ nên sợ khác chị.
- Và điều cuối cùng tôi sợ… Người khách nói tiếp: Nhìn điệu bộ lóng ngóng của anh lúc đó, tôi sợ mình sẽ làm hỏng một thanh niên còn trong sáng. Tôi bật cười:
- Cảm ơn chị. Có lẽ nhờ vậy mà tôi thành nhà văn.
- Nhà văn chẳng phải ai cũng trong sáng. Lúc đó, tôi chẳng biết tên, cũng chẳng cần biết anh làm gì, nhưng một người bình thường cũng cần phải sạch sẽ. Chị mở chiếc túi da rất thời trang vẫn mang theo bên mình, lấy ra một cuốn sổ tay bìa bọc ni lông, khổ 13X19, loại sổ lịch, mặt bìa vẫn còn dòng chữ in màu nhũ đã bạc: Báo Quân Đội Nhân Dân 1967, đưa cho tôi: Từ ngày anh ấy vào chiến trường, tôi bắt đầu viết nhật ký. Đây là cuốn tôi viết từ khi bị bệnh đến khi hết bệnh, kéo dài hai năm bốn tháng, sau khi được sự đồng ý của chồng tôi, tôi quyết định để anh đọc.
- Tại sao chị lại trao cho tôi?
- Thật ra câu chuyện này với thứ bệnh kèm theo, nên vĩnh viễn chôn vùi, nhưng những năm qua, tôi xem phim rồi đọc tiểu thuyết chiến tranh mô tả về người phụ nữ có chồng đi chiến trường, người thì nửa đêm phải ra sông giặt đồ, người thì ra đầu hồi cho thóc vào cối giã, người thậm chí, dắt trâu ra ruộng cày suốt đêm. Toàn là phụ nữ nông thôn. Trong khi người phụ nữ thành phố có chồng đi chiến trường, thì kinh khủng hơn nhiều, không thấy ai nói đến. Người chồng bảo tôi:
- Anh cần phải đọc để biết và hy vọng trong tác phẩm của anh sẽ có hình ảnh nàng chinh phụ thủ đô.
- Rất cảm ơn anh chị. Nhất định tôi sẽ đọc. Chị chuyển sang chuyện khác:
- Hồi này, anh có gặp chị Đông? Tôi ngượng nghịu:
- Sau khi Nam hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, năm 1970, tôi cũng rời Quảng Ninh chuyển về công ty ô tô lâm sản Hà Nội, theo các đoàn xe chuyên dụng hoạt động ở các tỉnh rừng núi miền trung, nên từ đó đến nay không liên hệ với chị. Chị nói:
- Nhưng rõ ràng đó là một người đáng nhớ. Nhân dịp về nước, vợ chồng tôi sẽ ra Hà Nội thăm chị, anh có đi không?
* * *
Chị Đông đã ngoài bảy mươi, vẫn ở địa chỉ cũ trong con hẻm xuyên từ phố Thụy Khuê ra bờ Hồ Tây, nhưng xây mới thành nhà ba tầng khá khang trang. Chị vẫn nhớ ra tôi và người bệnh “nội trợ “. Trên bàn thờ là tấm hình người đàn ông mặc quân phục mang quân hàm đại tá. Chị kể:
- Anh ấy mất tháng 2 năm 1975 ở mặt trận Phước Long. Khi nhận tin báo tử, đau đớn quá, tôi phát bệnh, nằm liệt giường hai tháng liền, sau đó, tôi quyết định xin nghỉ hưu non, bởi không còn thiết làm việc gì nữa. Em chết, chồng chết thì còn tinh thần đâu mà nghĩ đến việc khác, nhất là chỉ đến cuối tháng 4 là miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi xin phép thắp nhang cho anh. Chị kể tiếp:
- Nhưng đau buồn mãi cũng chẳng để làm gì. Sang năm 1976, do có nhiều bệnh nhân quen tìm đến, tôi quyết định mở phòng mạch khám bệnh, cắt thuốc tại nhà, nhờ trời thương và anh ấy phù hộ, nên cũng đông khách, có tiền, xây lại cái nhà này, rồi cho hai con học hành đến nơi đến chốn. Một đứa đã lấy chồng ra ở riêng, còn thằng con trai đang du học ở Nhật. Cùng là người già, chẳng có gì phải giữ, tôi hỏi vui:
- Như vậy, chị chờ anh từ năm 1963 đến năm 1975. Chị cũng là người yêu mạnh mẽ, lại là người khuyên bệnh nhân phạm tội để chữa bệnh…
- Ý chú muốn hỏi có lúc nào tôi cũng định phạm tội để tự chữa bệnh cho mình chứ gì? Chị cười: Người chứ không phải là đá đâu. Nhưng là thầy thuốc, tôi luôn có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mẹ tôi và mẹ chồng đều có người nuôi tốt hơn tôi, hai con tôi vì chiến tranh, cũng đều có thể gửi các bác, các chú nuôi tốt hơn là cảnh để mẹ nuôi hai đứa hai nơi sơ tán, nhưng tôi phải ôm đủ thứ vất vả vào mình để trong nhà lúc nào cũng có bốn lính gác, và người lính gác thứ năm ở tận chiến trường lúc nào cũng ở trong lòng mình, nên ngay lúc động lòng nhất, sợ bị bắt quả tang, đến nghĩ cũng không dám. Chúng tôi cùng bật cười.
- Như vậy, sự trong sạch cũng nguồn gốc từ sự hãi. Chị Đông nói:
 - Sự trong sạch nào cũng phải đấu tranh mới có. Không biết sợ hãi chưa chắc đã thành anh hùng, mà biết sợ hãi chẳng hẳn đã là hèn kém.
                                                                             12/2/2014
                                                                              N.M.T
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 53
Trong tuần: 805
Lượt truy cập: 486803
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.