Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NIỀM VUI CỦA LÃO ĂN XIN

Trần Văn Miều

NIỀM VUI CỦA LÃO ĂN XIN                                                          

  Không biết trời xui đất khiến thế nào mà lão Chuẩn lang thang vào ăn xin ở một khu phố đặc biệt. Đây là khu phố mới được xây dựng, toàn là nhà to và đẹp. Nhà nào cũng có một cái cổng lợp ngói và hai cánh cổng làm bằng những thanh sắt vuông to bè. Đằng sau những cánh cổng ấy là một cái sân rộng hàng trăm mét vuông. ở trong sân, phần lớn cỏc nhà đều trồng ba loại cây là lộc vừng, đa và sung. Khi nhìn thấy mấy loại cây cảnh này, lão Chuẩn chép miệng: Đã giàu có thế này, còn cầu lộc làm gì? Nhưng lão Chuẩn có hiểu đâu được - Lòng tham của con người là vô đáy. Lão Chuẩn quan sát tiếp, lão thấy ở sân nhà nào cũng có một cái ô tô và ít là hai cái xe máy. Mà toàn là loại xe máy bóng loáng (sau này người ta bảo, lão Chuẩn mới biết mỗi cái xe máy dựng ở trong sân những căn nhà này có giá trị bằng cả sáu chục tấn thóc) . Khi nghe người ta bảo xe phải mua đến sáu chục tấn thóc, lão Chuẩn nhẩm tính: Đem tiền một cái xe máy mà mua gạo thì mình phải ăn được gần 300 năm. Lão giật mình vì con số nhẩm tính được. Lúc đầu lão Chuẩn tưởng mình tính nhầm, nhưng rồi lão nhẩm lại thì đúng là: Một cái xe máy, người như lão phải ăn 300 năm thật.

Cứ theo đà suy nghĩ đó, lão Chuẩn thử tính xem nếu như đi ăn xin như mình phải mất bao nhiêu năm mới mua được cái xe máy như thế? Bình quân mỗi ngày lão đi ăn xin được 15 nghìn. Lão ăn tằn tiện ngày hết 5 nghìn. Còn để lại lo lúc tuổi già là 10 nghìn. Nếu một năm lão đi ăn xin đủ cả 365 ngày, thì một năm cũng chỉ để được khoảng xấp xỉ 4 triệu đồng. Bốn triệu đồng mua được 2 tấn thóc. Như thế mình phải đi ăn xin 30 năm mới đủ tiền mua một chiếc xe máy. Năm nay mình 75 tuổi, có lẽ…có lẽ…

 Nghĩ đến đó lão Chuẩn không dám nghĩ nữa. Vì lão sợ nghĩ tiếp sẽ là nghĩ dại, nghĩ quẩn quanh, rồi sinh bi quan, chán nản.anmay2

  Những ngày lang thang đi ăn xin ở “Phố Quan”, lão Chuẩn gặp may thì ít mà gặp rủi thì nhiều. Cái rủi thứ nhất, ở cái phố này người ta rất ghét và tránh lão như tránh tà ma. Hễ thấy lão Chuẩn thập thò ngoài cổng là họ đóng sập cửa lại. Có người khi ra khỏi cổng gặp lão Chuẩn họ quay ngoắt vào nhà. Vào nhà họ đốt tờ báo huơ từ nhà ra sân. Lão Chuẩn biết là họ đốt vía mình. Đời đi ăn xin mà gặp người quay mặt đi là “thất thu” trông thấy. Những ngày trước, lão Chuẩn đi ăn xin ở phố khác, ngày cũng xin được mười lăm hai mươi nghìn. Đến ở con phố này, ngày nhiều lão cũng chỉ xin được 10 nghìn, có ngày ít chỉ được năm, ba đồng bạc lẻ. Cái rủi thứ hai là đến khu phố này lão bị thất vọng. Mà thất vọng nặng nề là đằng khác. Người đời đã tổng kết: Hy vọng lắm thì thất vọng nhiều. Khi mới đặt chân vào khu phố này, chỉ mới nhìn thấy toàn nhà cao cửa rộng và toàn thấy người ăn mặc sang trọng, lão Chuẩn đã chắc mẩm: Sẽ được người ta đối xử tử tế và sẽ làm tăng số dư trong ngân quỹ tích luỹ của mình. Nào có ai ngờ…

Rồi lão Chuẩn được chứng kiến những chuyện tưởng chừng như không thể có ở khu phố mà người ta gọi là “Phố Quan” này. Những chuyện lão mắt thấy, tai nghe mà cứ như chuyện đùa. Ngay buổi sáng đầu tiên khi tiếp cận với khu “Phố Quan” lão thấy một ông tuổi chừng 50, thân hình thấp đậm, bụng to hơn ngực. Tóc ông ta chân thì trắng mà ngọn thì đen như mun. Ông béo mở cổng sắt. Khi cánh cổng vừa mở, lão béo dắt con chó béc giê đi ra. Ra đến đường, tuy vỉa hè rất rộng, nhưng lão béo cứ dắt con chó giữa đường mà đi. Lão béo nhổ nước bọt toèn toẹt xuống đường, rồi khạc, và hình như muốn thải đờm đọng ở cổ họng. Lão Chuẩn không làm sao hiểu được tại sao lão béo lại lắm đờm và nước dãi thế. Chuyện lão béo tưởng dừng lại ở đó, nếu như con chó béc giê của lão không đái và ỉa ra đường. Lão Chuẩn thấy con chó này khác với lũ chó ở quê (lão Chuẩn hay so sánh). Chó ở quê trước khi ỉa đái, bao giờ nó cũng cào đất thành một lỗ rồi mới thải cái thứ uế tạp trong bụng nó ra, sau đó lại lấy chân cào đất lấp đi không muốn để người đời nhìn thấy cái thứ uế tạp do nó thải ra. Thế mà con chó béc giê của lão béo, không lấy chân cào đất, cứ đứng tô hô mà đái ỉa giữa đường. Lão Chuẩn vẫn chăm chú quan sát lão béo. Lão Chuẩn thầm nghĩ rồi lão béo sẽ hót đống cứt chó ấy đi. Nhưng không, lão béo thản nhiên, mặt tỉnh bơ, miệng huýt sáo và dắt con chó tiếp tục đi dạo. Lão Chuẩn thầm rủa lão béo: Đồ mất vệ sinh, đồ mất văn hoá. Đồ…Đồ…

  Đến khoảng 7 giờ 30 phút (lão Chuẩn đoán thế chứ lão có đồng hồ đâu), lần lượt các cổng sắt bắt đầu mở. Tiếng ken két, ken két, kẽo kẹt, kẽo kẹt…thi nhau phát ra. Lão Chuẩn để ý vào căn nhà số 27. Một bà béo khệ nệ bước đi ra đường (lão Chuẩn thầm đoán, bà này phải nặng đến 80 -90 cân). Lão Chuẩn lẩm bẩm: Người gì mà béo thế không biết? ăn gì mà béo híp cả mắt? Hai cái má phúng phính toàn mỡ là mỡ làm cho hai gò má sệ xuống (Lão Chuẩn lại so sánh: Nếu quan phụ mẫu có sống lại cũng không lắm mỡ như bà béo này). Lão Chuẩn chưa ghi hết vào đầu hình ảnh bà béo thứ nhất, thì lại một bà béo nữa đi ra. Bà này trẻ hơn bà kia, mới chừng trên 40 tuổi gì đó. Tuổi thì ít hơn bà kia, nhưng sự béo phì thì còn hơn cả bà kia. Lão Chuẩn ớ người mà than: Sao ở khu phố này lắm người béo thế? Ông béo, bà béo, rồi lại bà béo, rồi lại ông béo, bà béo… Không biết còn có bao nhiêu người béo từ những cái cổng sắt đi ra? ở quê lão Chuẩn có bói cả năm, cả tháng cũng chẳng thấy người béo nào như ở đây? Lão Chuẩn đang nghĩ về những người nông dân quê lão đen đủi, chân lấm, tay bùn, mặt mày hốc hác… thì hai bà béo đi lại gần một anh xe ôm. Lão Chuẩn biết đây là thời cơ liền đi lại. Lão ngả nón và định nói. Nhưng lão chưa nói được lời ăn xin, thì bà béo trẻ xua tay đuổi lão như đuổi tà: “Đi đi! cái lão phải gió này. Mới sáng ra đã bị lão ám còn làm ăn gì được?”. Bà béo già tru tréo: “Đi ngay đi, đồ chết tiệt”.

Lão Chuẩn lủi thủi tránh xa hai bà béo. Đi được một đoạn lão nghe thấy hai bà béo mặc cả với anh xe ôm.

  Anh xe ôm nài nỉ: “Từ đây đến vũ trường 5 cây số. Lại phải đi vào nhiều đoạn đường một chiều, xin bà hai mươi nghìn”. Bà béo trẻ bĩu môi: “Những hai mươi nghìn kia à?”. Anh xe ôm từ tốn: “Vâng ạ!” Bà béo già mặc cả: “15 nghìn có đi không?”. Anh xe ôm nhẫn nại: “Bà cho 18 nghìn”. Bà béo trẻ buông một câu: “17 nghìn đi không thì bảo?”. Anh xe ôm nhăn nhó: “Thôi cũng được, mời bà lên xe”. Bà béo già leo lên xe. Bà nhích cái mông nặng nề về phía anh xe ôm. Anh xe ôm định nổ máy thì bà béo trẻ vội leo lên xe, hai tay ôm vào lưng bà béo già. Anh xe ôm quay lại: “Thế này thì không được. Chở hai bà đi sẽ bị công an phạt”. Bà béo trẻ bĩu môi: “Phạt gì mà phạt. Anh cứ đi xem ai phạt ai nào? Bà béo già: “Anh cứ đi đi, công an ở đây không dám phạt chúng tôi đâu”. Anh xe ôm ngơ ngác. Bà béo già giải thích: “Chồng của cô này làm sếp to. Không ai dám phạt đâu mà sợ. Đi đi!” Anh xe ôm kèo néo: “Hai bà cho 26 nghìn”. Bà béo trẻ: “Được đằng chân lân đằng đầu. Thôi được 25 ngàn. Đi đi. Đến muộn các ông ấy chờ”.

Anh xe ôm nổ máy, vào số, nhấn ga, chiếc xe ì ạch chạy ra đường.

Lão Chuẩn tưởng chỉ có chuyện của lão béo với con chó béc giê và chuyện hai bà béo với anh xe ôm là quá đủ để lão về quê kể cho mọi người nghe. Hai chuyện này mà kể thì mấy ông già ở quê chả tin, có khi họ lại cho là lão bịa chuyện.

  Lão Chuẩn đang nghĩ tới mấy ông già ở quê và dự định đem chuyện của khu này về kể cho họ nghe thì lão thấy, có ba thanh niên phóng xe máy đến, đỗ ở vỉa hè. Tiếng còi xe máy làm lão Chuẩn giật mình. Lão Chuẩn chép miệng: Còi xe máy gì mà to như còi ô tô. Nó cứ bim bim bìm bịm. Mà sao chúng bấm còi dai thế không biết? Một lúc sau ở trong các ngôi nhà có ba thanh niên cùng dắt xe máy ra khỏi cổng. Lão Chuẩn lại phải để mắt nhìn, để tai nghe đám thanh niên con nhà giàu này làm gì, nói gì? Đầu tiên lão Chuẩn tự hỏi: Không biết đứa nào là con trai, đứa nào là con gái? Chúng nó đi xe máy giống nhau. Chúng ăn mặc những mốt lạ hoắc. Tóc chúng đều nhuộm xanh, nhuộm đỏ, nhuộm vàng trông chẳng khác gì lông bò, lông ngựa. Lão Chuẩn phải căng mắt ra mới nhận được đứa nào là con trai, đứa nào là con gái: Những đứa con trai tóc dài, quần dài, áo ôm sát người, những đứa con gái tóc ngắn, quần ngắn và trễ rốn. Lão Chuẩn than: Trời ơi! Quần gì mà ngắn đến tận bẹn thế kia! áo hở hơn nửa vòm ngực (nhờ có đặc điểm này mà lão Chuẩn phân biệt được đứa nào là nam, đứa nào là nữ). Rốn hở và lưng cũng hở. Lão Chuẩn lại than thở: Gớm sao chúng nó trơ trẽn thế, không biết xấu hổ hay sao ấy? ở nông thôn mà ăn mặc thế kia người ta bảo là “lẳng lơ”, là “ cao bồi ‘’. Chúng nói cười hô hố rồi khoác tay nhau, ôm eo nhau bả lả giữa thanh thiên bạch nhật. Lão Chuẩn chép miệng: Người gì mà tự nhiên như ruồi thế không biết?!

  Lão Chuẩn nghe rõ chuyện chúng nó nói với nhau. Cậu cao dong dỏng, để một chân ở dưới đất, một chân gác trên xe, hất hàm hỏi: “Hôm nay đi đâu?”. Cậu thấp đậm trả lời: “Đi vòm đi!” Cô gái mặt tròn nói: “Không được đâu. Hôm nay lớp em có bài kiểm tra”. Cậu cao buông một câu xanh rờn: “Thi còn chả là cái đinh rỉ gì nữa là kiểm tra?” Cô gái mặt trái xoan: “Đời là mấy. Đi chơi đã. Kiểm tra thì mặc kiểm tra”. Cô gái mặt tròn: “Nhưng tớ nợ nhiều rồi. Nợ nhiều bài kiểm tra không được thi hết môn, mà không được thi hết môn là không được tốt nghiệp”. Cậu con trai tóc vàng hoe: Kiểm tra, thi và tốt nghiệp không quan trọng. Thiếu điểm thì “chạy” chứ khó gì?” Cô gái mặt tròn nhăn mặt: “Nhưng mà ông bô, bà bô em nghiêm lắm”. Cậu con trai tóc vàng: Cứ có tiền là xong hết. Ông bô, bà bô em không “chạy” thì để anh “chạy”. Lo gì?”. Cô gái thấp lùn nắm tay cô gái mặt tròn: “Thế là yên tâm nhé! Thôi đi nào! Hôm nay lên rừng, tớ bao tất” Thấy cô gái mặt tròn tần ngần, cô gái thấp lùn hỏi: “Còn gì nữa đây?”. Cô gái mặt tròn cười tủm: “Để tớ lên lấy OK đã. Chờ nhé!”

  Khi cô gái mặt tròn xuống, cả bọn nổ máy, rồ ga, phóng xe ra đường. Lão Chuẩn chỉ kịp nhìn thấy những chiếc xe luồn lách, đánh võng và những làn khói trắng xanh từ sau những chiếc xe đó.

  Lão Chuẩn định thần và ngồi nhớ lại những chuyện sáng nay lão thấy ở khu “Phố Quan”. Lão nghĩ: Nếu cứ ở đây lâu, không biết còn có chuyện gì xảy ra nữa?

  Lão Chuẩn chống tay đứng dậy, tay cầm cái nón rách và lại lững thững đi ăn xin.

*         

Do mấy ngày quanh quẩn ở khu “Phố Quan” để kiếm thêm chuyện về quê kể, nên lão Chuẩn xin được rất ít tiền. Và do xin được ít tiền nên lão tự cắt bớt khẩu phần ăn của mình từ 5 nghìn đồng xuống còn 3 nghìn đồng một ngày. Tính lão Chuẩn rất chi li: Tiền tích luỹ để lo hậu sự, để không nhờ vào lũ con của lão thì ngày nào cũng phải đủ. Còn tiền ăn hàng ngày phải tự cắt bớt. Lão nghĩ: Có đói một vài ngày cũng chả chết. Hồi năm 1946, lão đói đến cả tháng, phải ăn cháo cám, củ chuối mà có chết đâu…

Con người chi li, cẩn thận như lão Chuẩn mà cũng lắm lúc sai lầm. Một trong những cái sai lầm đó là cách so sánh để cắt bớt khẩu phần ăn hàng ngày của bản thân. Chỉ có 6 ngày cắt bớt khẩu phần ăn, lão Chuẩn gầy rộc đi, chân tay mỏi nhừ, sáng ngủ dậy người đau ê ẩm. Buổi sáng thứ 6 từ ngày cắt bớt khẩu phần ăn, lão Chuẩn không dậy được, lão không nhắc người ra khỏi manh chiếu. Mấy lần lão thử chống tay ngồi dậy, mà không tài nào ngồi dậy được. Đầu đau, mắt hoa. Lão Chuẩn đành nằm xuống và lấy cái chăn đắp lên người, lấy cái nón rách úp lên mặt. Lão Chuẩn bị ốm. Cơn sốt từ sáng đến trưa, rồi đến chiều không dứt. Có lúc lão tưởng thần chết sắp đến đưa lão đi. Nhưng cuối buổi chiều lão lại thấy người đỡ sốt. Thế mới biết sự sống còn chưa bỏ lão.

 Lão Chuẩn định bụng sẽ dậy để đi ăn tối. Lão cố chống tay ngồi dậy, hai tay chống vào hai đầu gối để đứng lên. Nhưng khi lão chưa đứng được thẳng người thì cơ thể lão lại đổ ụp xuống cái chiếu rách.

  Giữa lúc đó lũ trẻ đi đánh giày về qua chỗ lão Chuẩn nằm. Chúng nó trông thấy lão Chuẩn nằm bẹp trên cái chiếu rách. Chúng nó kéo lại vây quanh lão Chuẩn. Nhận ra lão ăn xin, một đứa ngồi xuống đặt tay lên trán lão Chuẩn. Nó thốt lên:

- Ông lão bị sốt. Trán nóng ran như hòn than ấy.

Một đứa khác quì xuống lay gọi:

- Ông ơi! Ông ơi! Ông tỉnh lại đi.

Lão Chuẩn hé mắt giọng thều thào:

- Ông bị…Ông bị…

 Lũ trẻ bàn nhau thuê xích lô, đưa ông lão về nhà trọ với chúng. Khi xích lô đến, lũ trẻ dìu lão Chuẩn và đưa đồ đạc của lão Chuẩn lên xe. Chúng bám theo xe, mặt hớn hở, tíu ta, tíu tít chỉ đường cho anh đạp xích lô.

 Về đến nhà trọ, lũ trẻ cùng anh đạp xích lô dìu lão Chuẩn vào nhà. Chúng nó vội dọn giường và đặt lão Chuẩn nằm xuống. Khi chúng hỏi để trả tiền cho anh đạp xích lô, anh ta kiên quyết không nhận và bảo với lũ trẻ cho anh ấy góp đôi chút để cứu lão ăn xin.

 Lũ trẻ bắt đầu phân công nhau, đứa thì đun nước để lau rửa cho lão Chuẩn, đứa thì ra hiệu thuốc mua thuốc và dầu gió, đứa thì đi mua cháo… Hình như hôm nay lũ trẻ bận bịu và vui hơn mọi ngày. Và cũng hình như lũ trẻ sớm phải đi “lang thang” kiếm sống nên tính tự lập và tinh thần tập thể của chúng cao hơn lũ trẻ khác cùng tuổi.

                                                *

Một buổi chiều, khi lũ trẻ đi đánh giày về, chúng thấy lão Chuẩn ngồi đợi chúng ở cửa.

Thằng Nam, đứa lớn nhất trong nhóm ngồi xuống cạnh lão Chuẩn, hỏi:

- Ông ơi! Ông đã khỏi ốm chưa?

Lão Chuẩn nhìn lũ trẻ, âu yếm:

- Ông khỏi rồi. Ông cảm ơn các cháu.

Thằng Tình hỏi:

- Ông khỏi thật chưa? Cháu thấy ông còn gầy và xanh lắm.

- Ông khỏi thật rồi. Bây giờ đầu không còn đau, chân tay không còn mỏi nữa. Ông đi lại bình thường được rồi.

Thằng Nghĩa bảo:

- Ông cứ nghỉ ngơi cho lại sức, đừng đi lại nhiều ông ạ!

- Ông cảm ơn các cháu. Các cháu đã cứu ông. Hôm đó không có các cháu đưa về đây ở thì có lẽ ông thành người thiên cổ rồi. Lão gọi tên từng đứa - Nam, Tình, Nghĩa này! Ông ở đây làm phiền các cháu nhiều quá. Ngày mai…Ngày mai ông sẽ…Lão Chuẩn cảm động, không nói thành lời.

Thằng Nam nắm tay lão Chuẩn:

- Ông ở đây với chúng cháu.

Thằng Tình bảo:

- Ông đừng đi ông ạ!

Thằng Nghĩa bảo:

- Ông ở đây, ông cháu mình dựa vào nhau mà sống.

Lão Chuẩn ngập ngừng:

- Ông phải đi ăn xin để tự nuôi mình.

Thằng Nam quả quyết:

- Ông đừng đi ăn xin nữa. Ông cứ ở nhà, chúng cháu sẽ chăm sóc ông.

Câu nói của thằng Nam làm cho tim lão Chuẩn đau thắt. Nó làm lão nhớ lại câu chuyện với vợ chồng anh con cả của lão: Khi vợ lão mất, vợ chồng anh cả dỗ ngon, dỗ ngọt để đón lão xuống Hà Nội sống với con cháu, cho có cha có con, có ông có cháu. Lão Chuẩn xuống tuần trước, thì tuần sau vợ chồng anh con cả lập tức về quê bán đất, bán nhà của lão. Chỉ được một thời gian không lâu, con dâu lão tỏ ra bực tức khi thấy lão ăn không, ngồi rồi trong nhà. Có một lần lão Chuẩn nghe chị con dâu nói với chồng: “Ông ở đây chẳng làm được việc gì. Nhà thêm một miệng ăn nên cũng tốn kém”. Khi nghe vợ nói vậy, anh con trai lão chỉ bảo: “Thì biết làm thế nào?”. Chị con dâu tỉnh bơ: “Đưa ông về trên quê ở với cô út”. Anh con trai lão ậm ừ: “Cô út kinh tế khó khăn lắm”. “Nhưng nhà cô ấy rộng. Ơ nhà quê người ta thêm người, chỉ thêm bát thêm đũa. Còn ở thành phố mình cái gì cũng phải tiền”. Thấy chồng không nói gì, chị con dâu tính toán: “Ông xuống ở đây tiền đổ rác, tiền phòng chống bão lụt, tiền an ninh trật tự… người ta cứ bổ theo đầu người người mà thu, thêm người thêm tiền”. Anh con trai lão nói nhỏ: “Thì có đáng là bao”. Chị con dâu cong cớn: “Mỗi thứ mỗi tốn kém thêm ra. Thôi mai chủ nhật anh cứ đưa ông về quê cho nhẹ nợ”

Lão Chuẩn đau điếng người. Và sáng hôm sau lão tự bỏ đi, không nói với vợ chồng anh con cả nửa lời. Thế là lão Chuẩn trở thành người vô gia cư, lang thang đi ăn xin từ phố này sang phố khác…

Thằng Nghĩa hỏi làm cắt ngang dòng suy nghĩ của lão Chuẩn:

- Ông ơi! Ông ở đây nhé! Chúng cháu bàn và biểu quyết rồi: Giữ ông ở lại với chúng cháu. Từ mai ông cứ ở nhà nấu cơm để chúng cháu đi làm.

- Nhưng mà…nhưng mà…

Thằng Tình ôm lấy lão Chuẩn:

- Đừng nhưng mà nữa ông. Ông cứ ở đây cho có ông có cháu.

Ông Chuẩn cảm động, rơi nước mắt. Ông ước gì những thằng Nam, thằng Tình, thằng Nghĩa là cháu ruột của ông. Và ước gì anh con trai cả và chị con dâu nói được với ông những lời như lũ trẻ đi đánh giày đã nói.

                                                                             T.V.M

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 15
Trong tuần: 830
Lượt truy cập: 451347
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.