Nguyễn Đức Quang
Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh là người chị, người bạn đồng nghiêp của tôi từ nhiều năm nay. Vì thế, tôi đã có dịp đọc hàng ngàn trang viết của chị cho bạn đọc người lớn và trẻ em. Và nay, tôi lại may mắn được chị mời tham gia biên soạn cuốn tuyển tập này.
Chọn lọc ra 28 truyện ngắn và 3 truyên ký, Tuyển tập đã giúp cho bạn đọc đủ hình dung cuộc sống hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI mà chúng ta đã trải qua, với tất cả những biến động, những gam màu sáng tối của cuộc sống, xã hội, con người; những giá trị được - mất của cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường. Qua từng trang viết, với tấm lòng nhân ái và trách nhiệm, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh luôn gửi gắm niềm tin vào một xã hội thiện lương, vị tha, công bằng, tốt đẹp.
Dễ nhận ra cảnh đời khốn khó, trớ trêu nhưng cũng đầy tình nghĩa, bao dung mà độc giả có thể gặp ở bất cứ truyện nào của chị. Đó là cặp vợ chồng “yêu nhau đã bẩy năm nhưng cứ lần lữa khi bàn chuyện cưới vì không có nơi cư trú, chờ nhà nước phân cấp nhà”. Rồi ngày cưới, đêm tân hôn phải thuê phòng khách sạn, chỉ vì đến muộn mà “mất chỗ”. Đêm ấy không biết đi đâu, lang thang ở vườn hoa cho đến khi suýt bị đội dân phòng đưa về đồn công an. Xót xa hơn cuối đời tưởng chừng vợ chồng họ có được căn nhà khi người con trai đi làm nước ngoài gửi tiền về trợ giúp thì người chồng lâm bệnh. Kết thúc câu chuyện là nỗi nghẹn ngào của người vợ “Anh ấy đã khổ cả đời rồi. Cả đời chỉ ước mơ có một ngôi nhà. Giờ nhà anh ấy phải đẹp nhất khu nghĩa trang” (Ngôi nhà bằng đá hoa cương).
Bi kịch cuộc sống không chỉ dồn con người vào những cảnh ngộ khó khăn vật chất (ai cũng có thể gặp) mà còn cả những mù quáng tinh thần. Một ngày kia ra toà, bà Giám đốc nông trường Bình Minh – người biệt động năm xưa – bị vu cáo oan đã đứng lên nghẹn lời: “Phải chi ngày đó tôi đừng mải ngước lên cao và mơ một ảo ảnh thiên đường. Tôi đừng lầm tưởng nông trường có thể thay thế gia đình mình, lũ trẻ tập thể có thể là con mình. Tôi đã lầm. Lấy chồng, sinh con, có một mái ấm gia đình, đó là điều mà người đàn bà cần phải có…” (Ảo ảnh thiên đường).
Cuộc sống thời hậu chiến khắc nghiệt, cam go là vậy nhưng cũng dạt dào nhân nghĩa, sáng ngời những phẩm chất cao quý không thể xoá nhoà trong mỗi con người. Có lẽ hiểu về chính giới mình và đặt niềm tin vào họ mà nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh qua mỗi truyện đều tìm được những nhân vật nữ để gửi gắm những điều cao đẹp về tâm hồn, nhân cách của con người đã và đang sống hôm nay. Tình mẹ con hy sinh, đùm bọc dù phải chịu đựng sự bất hiếu của con cái (Thần tượng), cả những điều cư xử “tai ác” của cô con dâu (Tấm lòng người mẹ). Tình nghĩa chung thuỷ suốt những năm tháng chiến tranh mà người vợ đã hy sinh xuân sắc của mình để giữ gìn hạnh phúc cho gia đình (Huyền thoại vọng phu). Những người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay không chỉ “công dung ngôn hạnh” mà còn phải vượt qua bao trở ngại bởi những quan điểm xã hội hẹp hòi, chủ nghĩa lý lịch đè nặng lên việc đánh giá phẩm chất con người. Đọc xong Hoàng hôn tím, bạn đọc như cùng hoà vui với niềm vui hạnh phúc của cô bạn Tường Vi “Chiều tím bảng lảng mênh mang trong ánh hoàng hôn. Biển dập dềnh ôm trọn bờ cát vào lòng và ru mãi bằng bản tình ca êm đềm muôn thuở. Còn sau lưng tôi, trong toà lâu đài cổ tích bồng bềnh giữa biển hoa tường vi tím hồng kia, có hai trái tim bầm dập đang thổn thức yêu thương”. Hay nụ cười “rạng rỡ niềm vui, chứa chan hạnh phúc” của mẹ con Hoàng Lan với cuộc sống hoàn lương trên mảnh đất bazan Tây Nguyên. (Người đàn bà trong phòng xử án)
Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh đã bộc bạch “Nghề làm báo đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với biết bao niềm vui, nỗi buồn của con người. Tôi đã chứng kiến những hạnh phúc vô bờ và được thấy những mảnh đời bất hạnh. Dường như trên cõi đời này cái thiện và cái ác luôn đi song hành với nhau. Giá con người sống nhân ái với nhau hơn thì sẽ bớt đi được bao nhiêu nỗi đau không đáng có. Tôi mong có dịp kể lại tất cả điều đó trên trang viết của mình”.
Rất tiếc, trong Tuyển tập này có lẽ vì quá kỹ lưỡng và khắt khe khi chọn lựa mà nhiều truyện ngắn nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh để lại: Mớ rau và lời hứa, Cô gái đứng khóc bên đường, Tóc mây… Đây đều là những truyện ngắn gây nhiều ấn tượng với bạn đọc và bạn viết.
Với 3 truyện ký, dù là những vấn đề và hoàn cảnh khác nhau nhưng đã khẳng định những đóng góp của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh với mảng thể loại mang tính chất thời sự - thời cuộc mà xã hội đòi hỏi, bạn đọc yêu cầu.
Tiếng hú con tàu là lời cảnh báo về thực trạng của ngành đường sắt trong cơ chế quan liêu bao cấp thời kỳ trước đổi mới (1986-1987). Đây cũng là tâm huyết của một cây bút có trách nhiệm với xã hội. Cùng với các nhà báo Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường, Xuân Ba… Tiếng hú con tàu đã đưa tên tuổi nhà văn – nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh được là một trong số các cây bút chống tiêu cực nhiệt thành, sắc sảo.
Có điều kiện được giao lưu, gặp gỡ với bà con Việt kiều ở Mỹ, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về đường lối ngoại giao nhưng trên hết là lòng yêu nước, yêu dân tộc là cơ sở kết nối hoà bình, hoà hợp. Tình quê hương vì thế mà chân thực, xúc động.
Đặc biệt, trong truyện ký “Có một thời như thế “, chân dung Người thầy thuốc châm cứu huyền thoại Nguyễn Tài Thu đã được phác hoạ qua những sự việc, câu chuyện rất thực, rất cụ thể. Nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh dẫn dắt người đọc hiểu hơn con đường đầy khó khăn gian khổ để dẫn đến thành công của ông. Hình ảnh người thầy thuốc cũng là mảng sáng mà cả xã hội hôm nay đang rất quan tâm. Vì thế các trang viết của chị đã được đông đảo công chúng đón đọc. Cuốn truyện ký này năm 2000 in ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và đến 2005 đã được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản dành cho Tủ sách hướng nghiệp của thanh thiếu nhi… Đó là thành công của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh trong cuộc đời sáng tác của mình
Trưởng thành từ cây bút của báo Đội, nhà báo viết cho thiếu nhi say mê và nhiệt huyết, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh còn dành nhiều trang viết cho các em. Bạn đọc tuổi thơ thích thú với các tập truyện Chiếc mũ của vịt con, Thung lũng Phượng hoàng, Sự tích cá đuôi cờ (nhiều truyện chuyển thể làm phim hoạt hình đã được giải cao tại các liên hoan phim Việt Nam và quốc tế.). Mà ở đấy những câu chuyện đồng thoại của chị đã mang đến bao bài học giáo dục nhẹ nhàng, sâu sắc. Hy vọng sau Tuyển tập truyện ký cho người lớn chắc chắn bạn đọc và các em sẽ có thêm Tuyển tập truyện dành cho trẻ em. Bởi đấy cũng là mảng đề tài văn học ghi nhận nhiều đóng góp, thành tựu của nhà văn. Bởi khi nhắc đến các nhà văn – nhà thơ viết cho các em: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải, Xuân Quỳnh, Viết Linh, Lê Phương Liên… bạn đọc luôn nhớ đến Nguyễn Thị Vân Anh.
Nhiều năm được công tác, có điều kiện gần gũi nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh, tôi càng hiểu “Văn là người”. Trụ sở Toà soạn số 12 Hồ Xuân Hương và nhà riêng của chị mãi mãi là địa chỉ thân thiết với mỗi chúng tôi. Chính những năm tháng sôi động của Toà soạn vừa viết báo và làm báo, cùng những hoạt động phong trào: Cuộc thi Bé khoẻ - Bé đẹp, Giải bóng đá thiếu niên- nhi đồng ngày ấy là hiện thực cho nhà báo – nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh gần hơn với hơi thở cuộc sống xã hội và các em. Căn nhà của nhà văn đã trở thành “điểm hẹn” thân ái với nhiều đồng nghiệp. Những buổi tụ họp mà chủ nhân là nhà văn cùng phu quân – nhà văn Nguyễn Hoài Giang luôn tiếp đón chu đáo, tận tình với mỗi người. Câu chuyện nghề nghiệp, gia đình, cá nhân lúc nào cũng sôi nổi và thắm thiết nghĩa tình. Với riêng tôi nhớ mãi buổi liên hoan chia tay nhập ngũ (cùng hoạ sĩ Đặng Tuấn Việt), nhà văn đã dành những tình cảm trìu mến vừa như người “thủ trưởng” vừa của người chị cả trước khi chúng tôi tạm xa công việc cơ quan một thời gian, vào giai đoạn tờ báo đang rất cần nhân lực.
Dịp Trung thu 2023 vừa qua, khi báo Nhi đồng gặp gỡ nhân 40 năm ra số báo đầu tiên, các thế hệ đồng nghiệp không khỏi xúc động và tự hào khi Tổng biên tập đầu tiên bồi hồi nhắc lại “Từ 11 con người và 11 triệu đồng vốn ban đầu trong tay, chúng ta đã xây dựng thành công một tờ báo cho các em nhi đồng và ngày hôm nay đã trở thành một tập đoàn báo chí thiếu nhi phát triển mạnh mẽ trong làng báo ”. Nhắc thêm một kỷ niệm cũng để nói thêm rằng: Chỉ có tấm lòng nhân ái và trách nhiệm với công việc, với Toà soạn của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh mới có thành công ấy.
Xin được cảm ơn và chúc mừng Tuyển tập (truyện ngắn và ký) của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh. Chắc chắc những điều tâm huyết mà chị gửi gắm qua từng trang viết sẽ nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, quan tâm của bạn đọc, đồng nghiệp thân thiết.
Hà nội, Thu 2023
N.Đ.Q
Mời các bạn theo dõi bài của nhà thơ Nguyễn Đạo Vinh đọc tại buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh
Người gửi / điện thoại