Nguyễn Nhuận Hồng Phương
NHẤT TỰ VI SƯ – BÁN TỰ VI SƯ
1/ Ấy là vào một đêm mùa hạ. Ngoài trời nóng như trong lò hun. Có lẽ nhiệt lượng còn cao hơn cả khung nhiệt mà cô nàng xinh như mộng, có nụ cười tươi như hoa ở chương trình dự báo thời tiết trên truyền hình. Nhưng đâu hề hấn gì. Vì trong căn phòng hai mươi mét vuông của tôi, tràn ngập không khí dìu dịu, trong lành của chiếc điều hoà Panasonic 12000 BTU. Hơi lạnh phả ra rười rượi, mơn trớn, ve vuốt dịu dàng lên da thịt như những ngón tay mềm mại của phụ nữ.
Đang thiu thiu, chợt "con dế" mác "quả táo cắn dở" rung rung. Định không nghe vì dạo này thường có những cuộc gọi số lạ hoặc "tin rác" nhắn đến. Nhưng "con dế" không chịu im. Từng đợt chuông thúc giục. Tôi quờ tay cầm máy, hé mắt nhìn: Hoá ra là thằng bạn thân gọi. Gạt công tắc cảm ứng, tôi ngáp một cái ra vẻ cằn nhằn vì ngái ngủ: "Có chuyện gì mà đêm hôm còn đánh thức nhau thế?". "Mai cafe nhé!" - Nó hẹn. Tôi khó chịu định vằng lại, nhưng chợt hương vị quyến rũ của cafe thoảng về trong khứu giác ngăn tôi lại. "Ừ - Tôi đáp rồi dặn - Mai tao dậy muộn, mày nhớ gọi thằng Vương và thằng Vũ nhé!". "Ô ke!" - Thằng bạn phun ra câu trả lời bằng tiếng Anh giọng Việt rồi tắt máy đánh rụp một cái khiến tôi khó chịu. "Đồ nhà quê", gọi Za lo miễn phí mà nó vẫn quen như cuộc thoại tính thời gian mất tiền ấy. Tôi lẩm bẩm rồi vắt tay lên trán định ngủ, nhưng không tài nào vào giấc được, trong đầu miên man suy tư về mối dây liên hệ hóa cảm của mấy thằng bạn nối khố tự thuở ấu thơ...
Tôi, nó, thằng Vương và thằng Vũ sinh ra khác ngày, khác tháng nhưng cùng cầm tinh con heo vàng và có chung một hoàn cảnh: Cha, mẹ mỗi đứa một quê, nhưng vì cuộc sống phải "tay bị, tay gậy" tìm kế sinh nhai, đìu ríu nhau tới miền trung du này "An cư lạc nghiệp". Và chúng tôi chính là thế hệ kế tiếp. Rồi cũng thể như mọi người, lớn lên thoát li mỗi đứa một phương, đi mãi, đến khi "lá rụng về cội", hết tuổi vùng vẫy, mấy thằng hồi nhỏ chơi với nhau trở về cố hương lại tìm đến nhau chén thù, chén tạc, "Ôn cố tri tân"...
Hình ảnh thị xã An Phúc xa xưa nhỏ nhắn, xinh đẹp có cái tên vừa mang sự an lành vừa mang về phúc phận, gói ghém biết bao kỉ niệm thân thương da diết trên mái đầu đã bạc, nhưng tâm hồn chúng tôi vẫn còn nguyên nguồn cảm hứng rạo rực, tươi rói về một thời trẻ con bồng bềnh, thơ thới, lãng đãng mơ mòng "đi mây, về gió"... Nào là chuyện chơi bi, chọi đáo, đánh khăng; trốn học rủ nhau ra đầm đào ngó, hái gương sen; rồi chuyện mò mẫm đến trại lính Tây đóng trước đây bới tìm thuốc đạn, thuốc súng mang về đốt làm pháo sáng ... Rồi chuyện đêm hôm chui vào vườn nhà ai có bưởi, trộm quả đem về nướng cho mềm làm bóng đá; rồi chuyện theo các anh lớn tuổi chơi trò "quân tây, quân ta", hay trèo lên tháp chuông nhà thờ bắt chim sáo... Cứ thế... Cứ thế ... Dòng suy tư mộng mị lan man tiếp diễn cho đến khi thiếp đi lúc nào không biết nữa, và sáng ra, nếu không có chuông điện thoại của thằng bạn réo, chắc phiên ngủ "nướng" của tôi còn lâu mới thức.
2/ Nhìn thấy tôi, nó làu bầu: "Mẹ... Ngủ như lợn ấy". Tôi cười: "Có mỗi tao là lợn, còn mày là heo - Rồi hỏi - Thế thằng Vương và thằng Vũ chưa ra à?". "Tao không gọi - Nó đẩy tách cafe đến trước mặt tôi - Hôm nay chỉ có tao và mày thôi". Nghe, biết nó có chuyện cần tham mưu nên tôi im lặng, mở nắp phin ra xem rồi đậy lại và chờ...
Nhưng bạn tôi không vội, nó cầm tách nhẩn nha đưa lên miệng nhắp nhắp... Vầng trán nhíu thêm vài nếp nhăn tỏ vẻ đang cân nhắc... Tôi kệ, vì biết thằng bạn máu sĩ. Nguyên do trong thời Chống Mỹ - Cứu Nước, đã từng là giáo viên dạy bổ túc văn hóa cho các đội viên Thanh niên Xung phong nên được bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo. Đến sau giải phóng miền Nam, nó chuyển ngành, học tiếp đại học rồi làm cán bộ có chức sắc đàng hoàng; lúc về hưu non lại "tiếp quản" hiệu sách cho thuê truyện của ông bố để lại. Vì thế, ít, nhiều trong mắt thị dân nó thuộc loại "nhiều chữ". Tuy vậy, mỗi khi có việc hệ trọng, trước khi quyết nó lại gạ ý tôi, mặc dù trong nhóm, tôi thuộc loại ít văn hoá hơn. Tôi đồ rằng, vì tôi và nó khá thân, thường xuyên cùng nhau đi ăn sáng, cafe, trà thuốc, bô lô, bô la, chuyện trò cởi mở. Thêm một lý do nữa: Tôi là đứa sớm bước "vào đời", có công năng từng trải, va chạm, lăn lộn, dày dạn, thu gom, nhặt nhạnh, tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm mánh lới trong đời sống dân dã, sau đôi ba chục năm "lang bạt kì hồ" nhờ làm nghề lái xe.
- "Có gì thì nói đi!" - Sốt ruột, cuối cùng tôi là người mở miệng trước. Nó ngó nhìn xung quanh, then lén như buôn bạc giả, thận trọng nhấc sát ghế đến gần tôi, thì thào: "Này, cái hồi bà xã mày chẳng may mất sớm, mày "chạy" thủ tục xin cấp đất xây mộ có dễ không?". "Dễ ợt - Tôi đáp - Tao làm đơn lấy chứng thực của chính quyền khu phố rồi mang xuống báo quản trang thế là xong". "Thế mày làm cách nào mà họ lại cấp luôn cả phần mộ cho mày?" - Thằng bạn hỏi. "Thì tất nhiên là phải có "tí ti" mới xong - Tôi mỉm cười giảng giải - Lúc đó còn bao cấp nên đất đai chưa tự do mua, bán như bây giờ. Nguyên tắc của chính quyền quy định ai chết có giấy khai tử là được cấp. Tuy vậy, ngầm ngã vẫn có "luật bất thành văn". Thêm, nếm, nơi cao, chỗ thấp, rộng, hẹp, xấu, đẹp, to, nhỏ… tùy theo mức giá thỏa thuận riêng với quản trang".
Nghe tôi nói, nó im lặng, lấy bao thuốc rút ra một điếu cắm vào đôi môi thâm xì, bật lửa châm, rít một hơi, thổi khói ra rồi than vắn sau một tiếng thở dài: "Hồi ấy thế, nhưng bây giờ khó quá mày ạ, có tiền cũng không kiếm ra". "Ơ... - Tôi ngạc nhiên nhìn nó - Thành phố quy hoạch nghĩa trang mới rồi cơ mà. Thiếu gì đất chôn mà mày lo". Nó xì khói thuốc ra lẫn trong câu nói: "Tao cần là cần ở nghĩa trang cũ, chứ nếu ở nghĩa trang mới thì nói làm gì với mày cho phí nhời". "Sao phải cầu kỳ thế?" - Tôi hỏi. Thằng bạn nhìn tôi bằng tinh mắt yếu lả: "Lúc ông bà già còn sống, vợ chồng tao không có điều kiện chăm nom, vì thế muốn nay, mai được gần gặn các cụ".
À, ra là nó muốn tìm đất "sinh phần" để khi "hai năm mươi" được nằm gần gặn báo hiếu cha mẹ. Tôi suýt bật cười vì thói hủ nho nửa mùa, nhưng rồi ngậm ngay miệng lại bởi nét mặt rất chi là nghiêm cẩn của thằng bạn. Kể cũng tội. Cuộc sống những năm bao cấp chả nói thì ai cũng hiểu, gia đình nó đông người, bố dựa vào mấy cuốn truyện cho thuê, mẹ bán trầu, cau, tần tảo, ngồi chợ còng lưng cả ngày kiếm cũng chỉ bữa no, bữa đói, vậy mà cứ đứa con nào nhớn lên một chút không đi bộ đội thì vào Thanh niên Xung phong. Đến khi ra quân, học hành lập nghiệp lại "nã" tiền bố mẹ. Sau khi lập gia đình, vừa ổn định cuộc sống, chưa báo hiếu, báo nghĩa được thì bố mẹ đã theo các cụ về chầu tiên tổ...
- "Căng đấy! - Dẫu rất cảm thông nhưng tôi vẫn đành buông hai từ dự báo rồi nói tiếp - Nghĩa trang cũ đất đai hết từ lâu rồi, giờ bói đâu ra". Nghe câu khẳng định của tôi mặt nó buồn như đưa đám. Tôi cũng không biết sẻ chia với nó như thế nào. Một kẻ mong muốn sau khi chết được báo đáp công ơn trời, biển của cha, mẹ thì hỏi có đạo hiếu nào cao hơn. "Hay là mua lấy một khoảnh ở nghĩa trang mới của thành phố rồi chuyển các cụ về đấy cả thể? " - Tôi bàn. "Không được! - Đầu thằng bạn lắc quầy quậy - Di dời Hương linh, động mồ, động mả, nhỡ xảy ra chuyện gì, vợ chồng tao làm sao sống yên được với cô, dì, chú, bác, anh, chị, em... trong dòng tộc". Vậy thì khó rồi - Tôi thầm nghĩ, đưa mắt ngắm chân dung thằng bạn nối khố in hình trên tấm kính chắn gió: Khuôn mặt dài, cằm thon hiện ra giữa mái tóc bồng bềnh, xù quăn, bung xõa ôm bờ vai, thoạt trông rất ư... "Phiên bản" bức tượng bán thân của cố nhạc sĩ họ Trịnh đang trầm tư tìm tứ nhạc, còn trong đầu tôi vẫn tịt mít nặn không ra nổi một ý gì để tham mưu "vẽ đường" giúp nó.
Uống Cafe xong chia tay. Tôi ra về lòng trĩu nặng trách nhiệm tâm ý với bạn bè. Chẳng gì trong mắt nó, tôi được xếp hạng: "Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", chi chi hà sự, đâu đâu cũng biết, gì gì cũng tỏ. Vậy mà giờ đây... Tôi đoán nó rất thất vọng về tôi, vì thế sau khi suy nghĩ, tôi quyết chí thủ vai "Thám tử".
3/ "Muốn được cái cần phải đến nơi có!". Vin vào cái lý của người vùng cao, hôm sau dậy, ăn sáng xong, trong vai "Thám tử" tôi mò xuống nghĩa trang với mục đích tìm đất "sinh phần" cho bạn đồng thời có ý gỡ gạc lại danh tiếng của mình. Nghĩa trang cũ nên không người thường trực, cánh cổng lớn khép kín lâu ngày gỉ sét loang lổ, “Thám tử” lách qua cổng phụ đi vào. Nghĩa trang không một bóng người, nắng chan hoà, gió hiu hiu làm lắt lay, phất phơ những nhành hoa giả và tàn hương cháy dở ám màu tang tóc trên những ngôi mộ ngổn ngang không hàng, không lối, ngang, dọc tứ tung, lộn xộn, cao, thấp, lô xô, lếch xếch khiến “Thám tử” rùng mình, tóc gáy dựng đứng, mồ hôi toát ra, sống lưng ớn lạnh, tâm thần thảng thốt... Trong mung lung hoang hoải, bất giác như có ai xui “Thám tử” chắp tay lên ngực, mồm lẩm nhẩm cầu xin những đấng vô hình, vô ảnh giải thoát cho tâm thức mình tìm về chốn thanh tĩnh an nhiên... Đang lan man nửa tỉnh nửa mê, bước chân vô định, không biết nên ở hay về, thì từ khe hai ngôi mộ ốp đá xẻ to lừng lững nằm giữa nghĩa trang nhô lên một cái đầu nhọn như đầu cá trê, màu tóc sém rượm như lông bò thui dở, khuôn mặt lem luốc, răng hô bờ cào, cặp mắt trắng ởn trừng trừng nhìn khiến tim "Thám tử" muốn ngừng đập, phổi ngừng thở, há hốc mồm vì khiếp đảm.
- "Bác làm sao thế?". Câu hỏi vang lên phá tan không gian tĩnh mịch làm cho "Thám tử" tỉnh ngộ và biết đó là người chứ không phải hương linh nào từ cõi âm hiện về. "Vâng... Chào... chào ô... ô... Ông... ". Lắp bắp mãi "Thám tử" mới định hình được danh xưng, nhưng đáp lại là tiếng cười lanh lảnh như chuông đồng hồ báo thức cùng với câu giải thích ngắn, gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa: " Cháu là đứa chuyên cắt cỏ, dọn dẹp, quét mộ thuê ở nghĩa trang này đây mà". Cùng với tiếng nói hình người từ khe mộ bước ra lúc này “Thám tử" mới nhận ra đó là một thằng bé ẩn sau một khuôn hình khó đoán tuổi.
- "Bác đi viếng mộ à? – Thằng bé hỏi - Sao không thấy có hương nhang, lễ lạt gì thế? Thăm mộ mà đi tay không linh sao được. Có cần, vàng mã, hoa quả gì cháu mua giúp cho?. "À... à...à..." "Thám từ" đang ậm è tìm lí do thì thằng bé tiếp nhời luôn: "Biết rồi! - Nó phảy tay - Chắc bác đi "tiền trạm" trước chứ gì. Thế người nhà bác chôn khu nào, dòng họ gì, Nguyễn, Trần, Lê hay Trương, Đoàn, Triệu, Vũ... Bác cứ xướng họ, tên ra là cháu chỉ cho". "Nhiều mộ thế này mà cháu cũng nhớ à?" - "Thám tử" tò mò hỏi. "Nhớ chứ! – Thằng bé đáp không cần suy nghĩ – Chuyên môn mà bác, không thế kiếm tiền sao được - Rồi nó báo giá luôn – Tiền công tìm mộ 50 nghìn. Cắt cỏ, quét quáy, lau, rửa tính tròn 100 ngàn. Còn muốn trồng cỏ hay hoa trên mộ thì tuỳ, có giá chung rồi: Cỏ nhung Nhật 300 ngàn một mét vuông, cỏ gừng Thái 250 ngàn; cỏ gà, cỏ mật tía Việt Nam tính quân bình 150 ngàn một ngôi, bảo hành đàng hoàng, sống tưới tắm, chết trồng lại; còn muốn trồng cây tiểu cảnh trang trí thì có cúc đại đóa, cúc phấn hồng cánh kép, cúc họa mi đa sắc, xương rồng hoa tím thân leo; còn cây thì có cây..." – Thằng bé kể một thôi một hồi, thuộc, dẻo, trôi chảy như nhân viên Ma - két - tinh thị trường tư vấn hàng hoá.
Đợi nó ngừng giữa chừng để thở, Thám tử" tranh thủ hỏi: "Vậy trong nghĩa trang này không còn chỗ đất trống nào đâu cháu nhỉ?". Nghe vậy mặt thằng bé biến hình, đang tư cách giới thiệu chuyển sang thế chiêm sát: "Thế ra không phải bác đến viếng mộ mà là đi tìm đất à?". "Ừ - "Thám tử" thú nhận - Bác có người thân muốn an táng ở đây nên xuống xem thế nào". "Thế mà cứ tưởng – Thằng bé sầm mặt, giọng kéo dài, xì tiếng mũi vẻ thất vọng - Xúi quẩy, may bữa nay là cuối tháng... - Đang cằn nhằn bỗng mắt nó sáng rực, gật gù - Cháu không biết nhưng có một người chắc biết". Hai từ "chắc biết" làm cho "Thám tử" như kẻ đuối nước vớ được thân cây chuối liền bám vào: "Ai? Ở đâu? Cháu nói thật chứ?". "Người thì có thật – Thằng bé trả lời - Trước khi nghỉ hưu ông ấy từng là kĩ sư địa chất, nên đất đai, mồ mả ở nghĩa trang này ông ấy thuộc như lòng bàn tay, chả thế dân quanh đây còn “phong hàm” cho ông ấy là "Thổ địa"”. "Vậy cháu cho bác địa chỉ nhà ông “Thổ địa” ấy nhé!" – “Thám tử” nói. "Bác tưởng gặp ông ấy dễ thế sao – Thằng bé vênh mặt, bĩu môi - Không có cháu dẫn vào ai tiếp bác. Đấy là chưa kể đến đàn chó Phú Quốc, nanh nhọn như nanh hổ, hung dữ như sư tử xổng chuồng". Nghe nhắc đến chó, "Thám tử" hoảng, chẳng là hồi bé từng bị chó cắn đã phải tiêm hàng chục mũi phòng dại vào rốn rồi. "Vậy nhờ cháu dẫn bác đến nhà ông ấy nhé" - "Thám tử" gạ. "Được thôi - Giọng thằng bé ráo hoảnh - Nhưng cháu đưa đi bác phải chi "xiền" đấy". "Lại còn thế nữa - "Thám tử" nghĩ rồi hỏi - Thế cháu lấy bác bao nhiêu?". "Thông cảm bác là khách mở hàng, chi cho cháu "một bách" là ô ke – Giọng thằng bé hồ hởi - Nhè nhẹ thế để bác, cháu mình còn lấy đường đi, lại lần sau". "Được, một bách thì một bách!”. "Thám tử" đồng ý, vì nghe nó "rào trước, khóa sau" như đinh đóng cột, vả thằng bé đã phải kiếm sống ở nghĩa địa rồi ai nỡ kì kèo mặc cả. Đứa bé ngửa tay: "Xin quí khách thanh toán trước khi khởi hành". "Sao cháu chắc, lép vậy. Sợ bác không trả à?". Hỏi vậy nhưng "Thám tử" vẫn mở ví lấy tiền đưa cho nó. "Tiền trao cháo múc" - Nó cầm tờ tiền đưa lên mép cạo cạo và kết luận bằng một câu thành ngữ.
4/ Tưởng là xa, không ngờ nhà của "Thổ địa" ở hẻm ngõ bên kia đường. Lối đi hẹp nhưng sạch sẽ vì lót bê tông. Hàng rào xây gạch, cổng tre, nhà cấp bốn 3 gian, mái lợp ngói mũi, giàn bầu núc nỉu quả; sân lát gạch bát đỏ rực như son. Và đúng như thằng bé nói: Có đàn chó mẹ, con màu lông vàng vện, nhưng hiền lành chứ không dữ dằn như lời nó tả. Nhìn thấy người thậm chí mấy con chó con lách nhách, líu tíu chạy ra đón, còn con chó mẹ vẫn nằm dãi thẻ, vú vê thỗn thện, thi thoảng hé mắt nhìn, phe phẩy đuôi thay lời chào. Để biện minh cho hoàn cảnh, thằng bé phân trần: "Bọn "Bảy món" thấy cháu sợ một phép, chứ gặp người lạ nó xơi tái - Nói rồi nó dặn – Gặp “Thổ địa” bác nhớ đừng nhắc chuyện tiền nong gì nhé". "Thám tử" hiểu ý gật đầu rồi theo nó vạch mành cửa bước vào.
- “Cu Nghĩa đấy hả. Kiếm được khách nào chưa mà đã vào đới?". "Thổ địa" đứng quay lưng ra ngoài, đang tìm thứ gì trên ban thờ, hỏi. “Bà về quê chưa xuống hả ông? – Cu Nghĩa không trả lời theo ý mà hỏi. “Thổ địa” đáp: “Đận nào bà ấy về quê chả hàng tháng mới xuống mà mày còn hỏi”. "Thế ông tìm cái gì đấy?" – Cu Nghĩa hỏi tiếp. "Ta tìm cái bật lửa, hút điếu thuốc - "Thổ địa" ca cẩm - Vừa mới đây mà đã biến đâu mất, nhà cứ như có ma ấy". "Bật ông đang cầm ở tay kia kìa sao còn tìm" – Cu Nghĩa cười khanh khách vì sự đãng trí của ông ta. "Ừ nhỉ - “Thổ địa” lật tay nhìn – Chưa già đã lú. Cứ quên quên, nhớ nhớ thế này… - Vừa lẩm bẩm "Thổ địa" vừa quay lại, chợt nhận ra có khách, hỏi – Ai đây hà cu Nghĩa?”. “Chào ông – “Thám tử” mau miệng – Tôi nghe cháu đây nói ông là người thông thuộc địa hình ở nghĩa trang nên vào hỏi ông xem còn mảnh đất nào trống không ạ”. “Thế này là thế nào hà Nghĩa? – “Thổ địa” quắc mắt nhìn thằng bé – Tao biết gì đất đai mà mày dẫn khách vào đây”. Cu Nghĩa nhăn nhở hở ra hàm răng mọc lẫy: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ông chả luôn dạy cháu thế là gì. Đằng nào ông ấy cũng vào nhà rồi, có gì thì ông cứ nói với ông ấy một câu”. Nghe cu Nghĩa nói “Thổ địa” chừng như ngượng, lúng búng: “Vậy mời ông ngồi xơi nước”. Nói rồi “Thổ địa” ngồi phệt xuống phản, khoanh chân xếp vòng, vươn tay kéo chiếc điếu bát dịch vào, thong thả nhấc phích lên chế nước thêm vào ấm.
Đây là một người hoài cổ - “Thám tử” ngầm xét – Và điểm nhấn là bộ râu ba chòm trắng như cước trên khuôn mặt hình quả đào có cặp kính trắng mắt tròn, gọng nhỏ hài hòa trong thân hình tầm thước lẩn sau bộ quần áo cổ Tàu may bằng vải nhiễu màu vàng tơ. “Ông tìm đất “sinh phần” thì đến nghĩa trang mới của thành phố mà mua, chứ ở nghĩa trang này hết từ lâu rồi”. “Thổ địa” bê chén nước mời khách rồi đưa ra lời khuyên. “Thám tử” thở dài, cầm chén nước nhưng chưa biết nói sao, chợt nhìn trên vách treo tấm bằng khen của Trung ương Hội Thanh niên Xung phong, buột miệng: “Hồi trước ông cũng đi Thanh niên Xung phong hay sao mà có bằng khen?”. “Ông hỏi vậy là sao – Quầng sáng từ tròng kính của “Thổ địa” hắt vào mặt khách - Ông nghi ngờ bằng khen của tôi là giả à?”. “Xin lỗi ông – “Thám tử” vội nói – Tôi không có ý đó, mà vì người bạn nhờ tôi tìm đất trước kia cũng là Thanh niên Xung phong”. “Thổ địa” nhếch mép, liếc xéo khách, âm lượng hạ xuống nhưng đầy chất mai mỉa: “Vậy ra không phải ông đi tìm đất cho ông, mà là làm kẻ môi giới để “ăn hỏa hồng"?”. Biết bị hiểu nhầm, “Thám tử” đành mang lí do muốn “báo hiếu” các đấng sinh thành của bạn kể lại cho “Thổ địa” nghe. Không hiểu bởi chất giọng lôi cuốn hay do hàm ý câu chuyện gây xúc động, mà nghe xong nét mặt “Thổ địa” trầm tư, chòm râu bạc rung rung... Không khí trong nhà ắng lặng hồi lâu. Cu Nghĩa từ nãy đứng hóng chuyện chợt lên tiếng: “Nghe như vậy là ông của cháu với bạn của ông trước kia cùng là đồng đội. Vậy ông cứ bảo ông ấy xuống chơi. Không có đất đai thì ông cháu cũng có thêm một người bạn cùng thời. Chuyện gì chứ, chuyện về Thanh niên Xung phong thời chống Mĩ là ông cháu thích lắm – Nói rồi nó lấy cùi trỏ huých vào lưng “Thám tử” - Ông điện ngay cho ông ấy xuống đi để cháu ra đón”. Nói rồi nó chạy vút ra sân. “Cái thằng chỉ được lanh chanh là tài” – “Thổ địa” phản ứng, rồi kéo chiếc điếu lại, véo thuốc nhồi vào nõ. “Tôi hỏi khí không phải – Đợi “Thổ địa” hút xong điếu thuốc “Thám tử” hỏi – Cháu Nghĩa với ông là quan hệ thế nào ạ?”. “À - “Thổ địa” đáp – Thằng bé là con vị quản trang trước kia, chẳng may ông ấy mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, mẹ nó lại bị dị tật bẩm sinh đi lại khó khăn, nên hôm nào được nghỉ học hay rỗi rãi nó lại ra nghĩa trang kiếm sống. Hoàn cảnh vậy nhưng được cái thằng bé sáng ý, nhanh nhẹn và sống có tình có nghĩa lắm”. Nghe, “Thám tử” lặng người vì hoàn cảnh trớ trêu của cu Nghĩa, định hỏi thêm nhưng thấy dường như “Thổ địa” không muốn nói về chuyện ấy nữa nên “Thám tử” không hỏi.
5/ Vậy là chừng nửa giờ sau bạn tôi xuất hiện. Hai vị “binh chúng” một thời hồ hởi bắt tay nhau. Chưa kịp hàn huyên, bất ngờ khuôn mặt “Thổ địa” sững lại, thậm chí còn bỏ kính ra, cặp chân mày nhíu lại, lắp bắp: “Ông… ông… Ông là ông Phúc phải không?”. “Sao, ông biết tôi à?”. Bạn tôi hỏi lại. “Vậy là đúng rồi - “Thổ địa” nói như reo, nét mặt rạng ngời, ánh mắt bừng sáng, tay đè lên lồng ngực như sợ trái tim nhảy ra vì vui mừng - Nhập ngũ tháng 2 năm 1965, Tổng đội Thanh niên Xung phong, phiên hiệu N97- C972 - P30, đóng quân ở ngã ba Đoan Hùng, Phú Thọ đúng không?”. “Đúng rồi – Bạn tôi gật đầu xác nhận - Vậy ra…” . Không để cho bạn tôi nói hết câu, bất ngờ “Thổ địa” lùi lại, quỳ sụp xuống, chắp tay vái khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. - “Nhất tự vi bán tự vi sư” – Lễ xong “Thổ địa” nói – Một chữ là thầy, nửa chữ mãi mãi là thầy. Thưa thầy Phúc, em chính là đứa học trò được thầy dạy văn hóa trong thời gian ấy đây. Em nhớ lúc đó trong đơn vị trình độ văn hóa mỗi người mỗi khác, bởi vậy một ngày thầy phải dạy đến 3 lớp. Nhưng còn em đặc biệt hơn. Do hoàn cảnh gia đình đang học lớp ba phải bỏ dở ngang chừng. Nhưng thầy đã không quản ngại vất vả, dành thời gian dạy riêng cho em…”. Nói đến đây giọng “Thổ địa” nghẹn ngào vì cuộc gặp gỡ tình cờ đầy ân nghĩa. Bạn tôi cũng xúc động không kém vì hình ảnh quá khứ ùa về, vội vàng đến đỡ “học trò” đứng lên, rồi hai người ôm chặt lấy nhau khiến tôi và cu Nghĩa đứng ngoài cũng rưng rưng cảm động...
Lúc sau, khi cao trào tình cảm dịu lại, mọi người ngồi uống nước hàn huyên, hai đứa tôi ngại không muốn nhắc đến chuyện đất “sinh phần” nữa thì cu Nghĩa lại nhanh nhảu gợi ý: “Thế còn chuyện đất đai thế nào hả ông?”. “Thổ địa” cong tay cốc yêu vào đầu nó: “Lát nữa cháu đưa hai ông ra ngôi mộ đôi ở gần đài hương để các ông ấy xem có ưng ý không nhé”. “Nhưng, đó là mộ của ông bà cơ mà” – Cu Nghĩa nói. Nghe vậy bạn tôi gàn: “Thôi, ai lại làm thế, mang tiếng chết”. Giọng “Thổ địa” kính cẩn: “Thưa thầy, ngôi mộ đôi ấy đúng là em có ý chuẩn bị cho vợ chồng em thật. Nhưng bây giờ chúng em không dùng đến nữa, vì vợ chồng em muốn sau này được ở gần các cụ nên các cháu đã mua một mảnh 300 mét vuông ở trên quê, ngay trong khu vực Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức rồi. May quá, tình cờ lại biết thầy đang cần. Lát nữa thầy cứ ra xem, nếu ưng ý thì em tính thế này để thầy khỏi áy náy: Đất là của nghĩa trang nên em không tính tiền, còn phần xây cất và mua vật liệu hết bao nhiêu, xin thầy thanh toán để em làm chút từ thiện cho mẹ con cu Nghĩa…”
Hình như khi nghe những lời bộc bạch gan ruột thấm đẫm tình người ấy, “Thám tử” tôi không dám nhìn xuống mà ngước mặt lên trần nhà cố giữ cho những giọt lệ đừng trào ra từ khóe mắt …
N.N.H.P