Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
12342345456734565678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân

NHÀ VĂN ĐỖ BẢO CHÂU (1946 - 2021)

NHÀ VĂN ĐỖ BẢO CHÂU (1946 - 2021)

do-bao-chauvanvn

  Nhà văn Đỗ Bảo Châu, bút danh La Quán Gió, sinh ngày 12.1.1946, quê quán Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nộị thường trú tại Khu đô thị Đồng Tầu, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã từ trần trưa ngày 4.11.2021, nhằm ngày 30.9 năm Tân Sửu, hưởng thọ 76 tuổi.

  Ông bắt đầu sáng tác văn xuôi (tác phẩm được in) 1968. Theo học khoá 7, trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 1974-1975.

  Tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khoá 2 (1983-1985). Làm nghề viết báo. Công tác tại báo Nông nghiệp Việt Nam.

   Nhà văn Đỗ Bảo Châu là tác giả các tác phẩm: Dòng sông (tập truyện ngắn, 1972), Khúc quanh đường bằng (truyện, 1986), Trái tim nông nổi (tiểu thuyết, 1990), Bão đêm (tập truyện vừa, 1998), Hoa của biển (tiểu thuyết, 2000), Tất cả đều có thể (tiểu thuyết, 2012), Ngược dòng quá khứ (tiểu thuyết, 2016), Tác phẩm chọn lọc (tuyển tập, 2016), Tuổi thơ chân đất (trường ca, 2018), và nhiều kịch bản phim….

   Giải thưởng văn học: Giải chính thức truyện ngắn Hội Văn nghệ Hà Nội 1970. Giải chính thức truyện vừa tạp chí Tác phẩm mới 1998. Giải C phóng sự điều tra Hội Nhà báo Việt Nam 1997. Giải B tác phẩm “Bão đêm” (Giải thưởng văn học đề tài công nhân lần thứ VII). Giải Ba tác phẩm “Tất cả đều có thể” (Giải thưởng của Tổng LĐLĐ Việt Nam 2009 – 2014).

nha-bao-do-bao-chau-het-long-vi-dan-ngheo-chiu-su-bat-cong-oan-uc-082218_15

Thái Sinh

NHÀ BÁO ĐỖ BẢO CHÂU - NGƯỜI TO GAN BẰNG...TRỜI

  Nhà báo, nhà văn Đỗ Bảo Châu, nguyên Trưởng ban Bạn đọc báo Nông nghiệp Việt Nam tạ thế ngày 4/11/2021 khiến nhiều người sững sờ…

  Tôi vô cùng choáng váng và bất ngờ khi hay tin Đỗ Bảo Châu mất, bởi lâu nay tôi chưa nghe tin anh ốm phải nằm viện vài ba ngày, nên gọi điện cho nguyên Phó TBT báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh, để xác minh thông tin, anh không giấu được xúc động bảo: Đúng rồi, ông Châu mất trưa nay, tôi được gia đình đề nghị viết điếu văn…

  Cả đêm ấy tôi không ngủ nổi lục tìm những bức ảnh và những bài báo cũng như những kỷ niệm về Anh. Và đây, loạt bài điều tra "Chỉ cách Hà Nội 20 cây số: Có một vùng trời "không Chính phủ" tưởng ngủ yên suốt 25 năm trong đống sách báo dày cả mét hiện ra trước mắt tôi về xã Song Phương, một điển hình tiên tiến của huyện Hoài Đức thuộc tỉnh Hà Tây khi đó (nay là TP. Hà Nội) trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp được nhiều nơi biết đến. Ngôi sao Song Phương bỗng vụt tắt khi người dân kiện một số cán bộ lãnh đạo tham nhũng, cuộc khiếu kiện kéo dài nhiều năm, cuối cùng cả chục đảng viên bị kỷ luật.

  Song Phương càng lún sâu vào mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc khi sắp xếp lại ruộng đồng, hợp nhất hai HTX Nông nghiệp Phương Viên và Phương Bảng. Mâu thuẫn đến độ không thể dung hòa được lại phải tách ra, rồi một phó chủ nhiệm HTX bị bãi bỏ chức danh phó chủ nhiệm ngay trong đại hội bất thường, mâu thuẫn càng được đẩy lên cao khi thanh niên hai thôn kéo nhau ra đồng đánh nhau, rồi các cụ “vùng lên” chiếm việc quản lý chợ, khiến xã không còn nguồn thu để chi lương cho cán bộ xã. Chuyện người dân giữ cán bộ về làng làm việc, bắt giữ con tin đòi trả người rồi kéo nhau lên tỉnh, lên Trung ương…

  Mâu thuẫn đất đai từ một vài cá nhân biến thành mâu thuẫn của cả một làng, đã biến một vùng quê “nhìn chưa hết tầm mắt” - chữ của Đỗ Bảo Châu - biến thành một pháo đài, trở thành vùng trời “không chính phủ”. Người dân thực hiện ba không: Không nộp thuế, không nộp phí thủy lợi, không làm nghĩa vụ công ích khác. Chính quyền địa phương trở nên bất lực trước những việc làm bất chấp pháp luật của người dân bao nhiêu năm trời không thể giải quyết nổi.

Bài báo của Đỗ Bảo Châu như một "quả bom" phát nổ vào những ngày đầu tháng 10/1996, khiến dư luận xã hội bừng tỉnh, nhiều người ngỡ ngàng không thể hiểu nổi một vùng trời “không chính phủ” lại có thể tồn tại bao nhiêu năm chỉ cách Thủ đô Hà Nội 20 cây số.

   Với một tít bài báo kinh hãi như thế và nội dung bài báo đã phơi bày tất cả những mâu thuẫn xã hội ở một làng quê nếu không được giải quyết triệt để sẽ “lây nhiễm” sang nhiều địa phương khác, nên nhiều người lo cho Đỗ Bảo Châu và Ban biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ bị “xử lý”...

 

   Điều bất ngờ, khi trả lời phỏng vấn báo Nông nghiệp Việt Nam về loạt bài viết đó, ông Khuất Hữu Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây khi ấy thành thật: “Chúng tôi không chỉ đọc kỹ, mà còn phô tô bài báo thành nhiều bản phát cho toàn bộ cán bộ có trách nhiệm ở UBND. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đánh đúng vào điểm nhức nhối của tỉnh chúng tôi từ nhiều năm nay”.

  Viết đúng sự thật không phải lúc nào cũng được chấp nhận, với bản lĩnh của người cầm bút và trách nhiệm công dân rất cao, nên bài viết của Đỗ Bảo Châu dù tít bài rất “sốc”, nhưng đã được bạn đọc nồng nhiệt đón đọc. Nguyên Phó TBT báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh, người ký duyệt đăng bài đó trao đổi với tôi: Chúng tôi chờ phản ứng từ các phía, nhưng tất cả đều ủng hộ, vì sự thật vốn như thế, người ta không thể chê trách báo Nông nghiệp Việt Nam và tác giả Đỗ Bảo Châu mà cần bắt tay vào việc giải quyết những tồn tại bài báo đã nêu…

  Theo lời kể của ông Trịnh Bá Ninh, trước đó khoảng vài năm báo Nông nghiệp Việt Nam có đăng bài “Cách Hà Nội 10km - Một làng quê chị Dậu” của Đỗ Bảo Châu, viết về một làng quê nghèo khó, tiều tụy ở huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Không ngờ đấy là một vùng quê mà báo chí không phải lúc nào cũng nói được, thế là ầm ĩ cả lên. Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn điện cho anh bảo: Máy của tớ họ gọi đến nóng cả rồi, các cậu lên gặp Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt trình bày với ông ấy nhé… Khi tôi và TBT Lê Ngọc Cẩm liên lạc với ông Duyệt xin gặp, thì ông ấy bảo: Tôi tìm hiểu rồi, Báo Nông nghiệp Việt Nam viết đúng đấy, không phải gặp làm gì…

  Ngồi uống nước chè với anh trên vỉa hè trước cửa báo Nông nghiệp Việt Nam, nhắc lại những bài viết đó, Đỗ Bảo Châu cười hì hì bảo: Viết đúng sự thật không có gì sợ cả… Tôi nhìn vào đôi mắt nheo nheo ẩn sau cặp kính dày cộm và miệng lúc nào cũng như đang cười tủm tỉm, phải là người thật bản lĩnh và có lá gan to bằng… trời mới dám viết những bài báo chấn động dư luận như vậy.

  Năm 1997 tôi chuyển từ báo Lào Cai về báo Nông nghiệp Việt Nam, sau đó có loạt bài viết về những công trình xây dựng ở huyện Bắc Hà bớt xén vật liệu, xây mương thủy lợi bằng xi măng… đất, đã khiến lãnh đạo tỉnh Lào Cai điên lên. Họ làm giấy mời Tổng biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Nam Sơn lên Lào Cai làm việc. Anh Lê Nam Sơn điện cho tôi bảo: Bằng giá nào tớ cũng phải bảo vệ anh em phóng viên, vụ này tớ cử ông Đỗ Bảo Châu - Trưởng ban Bạn đọc sẽ thay mặt báo làm việc với tỉnh Lào Cai, ông ấy là người rắn mặt, không dễ gì họ bắt nạt được ông ấy đâu, chú mày cứ yên tâm nhé…

  Chiều hôm đó, tôi cùng Đỗ Bảo Châu lên Lào Cai, anh ngủ ở nhà khách của tỉnh, còn tôi nghỉ ở nhà trọ, sáng hôm sau họ dẫn anh lên xem các công trình xây dựng ở Bắc Hà mà tôi đã nêu trong bài viết. Anh kể lại với tôi với giọng bỗ bã và thân mật: Nhìn những vết nứt tường vừa được trát lại ít lâu tao hỏi: Đây có phải vết nứt mà bài báo đã nêu vừa được trát lại đúng không? Chẳng ai trong đoàn trả lời. Tao lại hỏi: Sao mái nhà lại giáp tường thế kia? Một người đáp: Thiết kế như thế nào thì bên nhà thầu họ làm như vậy. Các ông cho tôi xem bản thiết kế đi nào, ai lại thiết kế mái nhà ngắn ngủn như thế kia chứ? Không ai trả lời. Tao bảo ngay họ: Báo Nông nghiệp Việt Nam viết đúng các ông còn kiện cáo cái gì nữa chứ?

  Bữa trưa hôm ấy, huyện Bắc Hà mời cơm, có đủ mặt lãnh đạo và Ban Thường vụ Huyện ủy, họ “quây” Đỗ Bảo Châu, quyết đánh gục anh bằng rượu Bắc Hà, loại rượu uống cháy họng. Anh bảo: Ai mời tao cũng uống, không nhớ đã uống bao nhiêu chén, phải vài chục chén không ít. Rất may là tửu lượng của tao khá, nên họ không đánh gục được, nên khi về họp với lãnh đạo tỉnh tao vẫn tỉnh như không.

  Anh lại cười: Trong cuộc họp với tỉnh, họ chủ yếu nói xấu mày thế nọ, thế kia, chứ có ai nói về bài báo mày viết sai đâu. Tao không thèm nói gì, chỉ nói rằng: Tất cả ý kiến của các anh tôi thay mặt báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp thu sẽ trao đổi lại với tác giả…

  Lãnh đạo báo Nông nghiệp Việt Namkhông kiểm điểm tôi, TBT Lê Nam Sơn còn điện bảo: Chú mày cứ làm mạnh hơn nữa, tờ báo mà không có lửa thì bạn đọc chả thèm quan tâm đâu…

  Trên đường trở về, tôi kể cho anh nghe cuộc đời tôi, nhờ văn chương chữ nghĩa đã lôi tôi từ một ông giáo “cắm bản” đến với báo chí và văn chương. Anh vỗ đùi bảo: Sao mày giống tao thế, tao từ thợ sửa chữa ô tô đến với bầu trời văn chương và báo chí…

   Tìm hiểu về con người và cuộc đời anh, tôi biết anh vốn là thợ sửa chữa ô tô nhà máy cơ khí Hoàng Liệt - đơn vị thuộc Bộ Lương thực - Thực phẩm. Anh đã viết nhiều bài cho báo Lương thực - Thực phẩm, từ cộng tác viên anh được nhận về làm phóng viên, sau khi các bộ sáp nhập, anh trở thành phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam. Ngày viết báo đêm viết văn. Tôi được anh tặng cuốn tiểu thuyết Hoa của biển, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét về tập tiểu thuyết: Tôi rất quý cuốn sách của Đỗ Bảo Châu. Đằng sau những trang văn mộc mạc rùm ròa là tấm lòng nhân ái của anh đối với cuộc đời, đối với con người, nhất là những con người không có mấy may mắn…

   Ngoài cuốn Hoa của biển anh còn có các tập truyện ngắn và tiểu thuyết mà tôi được biết: Ngày đầu bỡ ngỡ (Tập truyện ngắn, in chung) NXB Lao Động -1971, Dòng sông- (Tập truyện ngắn) NXB Lao Động- 1973, Khúc quanh trên đường bằng (Truyện dài) NXB Lao Động-1986, Trái tim nông nổi (Tiểu thuyết) NXB Phụ Nữ-1998. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990.  

   Đỗ Bảo Châu là con người tử tế, một cây bút tử tế dù viết báo hay viết văn người ta đều thấy sự tử tế trong những điều anh viết. Chính vì thế, khi những tác phẩm báo chí đã trở thành kinh điển: "Chỉ cách Hà Nội 20 cây số: Có một vùng trời "không Chính phủ", "Cách Hà Nội 10km - Một làng quê chị Dậu" không chỉ là sự dũng cảm mà còn là trách nhiệm của một người cầm bút trước hiện thực xã hội mà họ không thể làm ngơ.

Đỗ Bảo Châu (phải) và tác giả chụp trong lễ kỷ niệm 75 năm báo NNVN ra số đầu tiên ngày 4/12/2020. Ảnh: Quách Trần Lâm.

   Ngày 4/12/2020, nhân kỷ niệm 75 năm báo Nông nghiệp Việt Nam ra số đầu tiên, Đỗ Bảo Châu bắt tay tôi rất chặt, vẫn cái cười tủm tỉm anh bảo: Nhớ giữ gìn sức khỏe mày nhá… Tôi hẹn anh lên Yên Bái vi vu mấy ngày trên Tây Bắc, anh gật đầu: Để tao xem đã… Nay nghe tin anh mất, hóa ra đó là lần cuối cùng gặp anh, nhớ lại những ngày sống với anh mà tôi không thể cầm nổi nước mắt. Bài viết này là lời tiễn biệt anh về miền mây trắng.

                                                                         T.S

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 148
Trong tuần: 700
Lượt truy cập: 446464
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Cố vấn: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.