NHÀ THƠ HOÀNG VIỆT HẰNG
Sinh năm 1953
Quê quán: làng Vân Hồ Hà Nội.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Cử nhân Văn hóa.
Từng là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo,
Công ty xây dựng số 1 Hà Nội,
Từng làm báo Du Lịch.
Sống bằng nghề viết tự do.
Tác phẩm đã xuất bản: 8 tập thơ 13 tập văn xuôi.
Giải thưởng văn học:
*Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội
Tập truyện ngắn: Những lời chưa nói hết, (NXB Thanh Niên,
1980- 1981)
*Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam
Tiểu thuyết: Một bàn tay thì đầy, ( NXB Phụ Nữ, 2010)
5 lần nhận giải thưởng văn học cho 5 tập thơ:
Những dấu lặng;
Một mình khâu những lặng im;
Vệt trăng và cánh cửa;
Xóa đi và không xóa;
Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng;
của Hội Nhà văn Hà Nội; Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.
Lê Thành Nghị
HOÀNG VIỆT HẰNG – MỘT ĐÈN MỘT BÓNG
Một đèn một bóng là nét tự họa của Hoàng Việt Hằng. Trong tập thơ Tự tay nhóm lửa, in năm 1996 của chị, mở đầu là bài Hồ Bảy Mẫu, trong đó có những câu thơ đượm buồn: Cây liễu rủ ưu tư và phiền muộn. Câu thơ hình như chỉ để tả cảnh hồ Bảy Mẫu, nơi chị gắn bó từ thuở rất nhỏ, như chỉ là nốt nhạc dạo cho bài ca buồn, theo kiểu lấy đà để đi đến một “thông tin” khác, thông tin về chính tác giả: Tôi là kẻ thua trận…/ Trước tỷ số một đèn một bóng (Hồ Bảy Mẫu). Kể ra, với người viết, chân thành giãi bầy và đau đớn thừa nhận “thua trận” như vậy không phải ai cũng làm được! Nhưng chính sự chân thành (ít nhất là trong trường hợp này) đã tạo ra hiệu ứng nơi người đọc. Phải rồi, hãy tin ngọn lửa của lòng trắc ẩn, sự cảm thông… từ đâu đó rất sâu trong mỗi con người chưa bao giờ nguội lạnh. Nếu không thế thì như ai đó từng nói “trái đất đang trở nên hoang vu”, chẳng lẽ lại đúng!
Nhưng quả tình, Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng (Trịnh Công Sơn), chưa từng biết nương nhẹ trước mỗi số phận, và đặc biệt là trong từng duyên phận của mỗi con người trên trần gian. Từ đâu đó, trong tay một “Đấng toàn năng” nào đó, khi trao cho ta một đóa hồng, không quên kèm theo chùm gai, trao cho ta chuỗi ngọc trai, nhưng nhắc ta chuỗi ngọc kia chắt từ nỗi đau âm thầm nơi đáy biển… Cho nên cuộc “mưu cầu hạnh phúc” ghi trong Hiến pháp về nhân quyền của nhiều Quốc gia, nếu được hiểu rằng những khát khao trần thế chưa bao giờ là đủ, chưa bao giờ là toại nguyện đối với mối một người, thì âu đó cũng là một sự thật phải chấp nhận. Cho dù hạnh phúc như chị vẫn khát khao chẳng có gì cao siêu:
Bao năm
Em thân cò lặn lội
để chăm anh và con
đủ ấm
đủ no
… chỉ ước đủ thôi
mà tóc em bạc phơ
(Dấu chấm than viết ngược)
Tôi lần đọc những tập thơ của Hoàng Việt Hằng (chị đã in 8 tập thơ và 12 tập văn xuôi), và tâm tư trở nên phần nào bị xáo trộn.
Hình như đâu đó có đôi lần chị nói thì phải, chị là “típ” phụ nữ nếu có một gia đình riêng, thì công việc yêu thích của chị là là thêu thùa, cơm nước, bếp núc, chợ búa… nhìn người khác ngon miệng làm thú vui hàng ngày của mình, chứ chưa phải thơ phú, văn chương…Đây là những câu thơ cho ta biết điều vừa nói:
Câu chữ trong đầu nhảy múa
Em viết ở xó bếp
Viết nhẩm trong đầu khi nhặt rau
Bỏ quên hành khô, bỏ quên rau ngò
(Mới tám phẩy năm milimet)
Chị lao vào văn chương, từ truyện ngắn, truyện dài, đến tiểu thuyết, từ tạp văn, báo chí đến thơ… Lý giải thế nào trường hợp của chị? Vì đam mê? cũng phải. Không đam mê mà dám “dấn thân” đi ngược về xuôi, lên rừng xuống biển, đi mây về gió, nước trong nước ngoài đủ cả như thế? (Đọc thơ chị, phải thừa nhận chị đi thật nhiều, ghi nhớ thật nhiều, để lại trong trang viết rất nhiều địa chỉ xa lắc xa lơ, gặp gỡ thật nhiều, để lại trong trang viết rất nhiều gương mặt ấn tượng). Vì kiếm sống? cũng đúng. Nhưng kiếm sống bằng văn thơ thì thật là quả cảm. Vĩ đại như Đỗ Phủ, Nguyễn Du, mê đắm tài hoa như Tú Xương, Tản Đà, thiết thực như Xuân Diệu, Huy Cận…mấy ai đã dám “viết để nuôi mình, nuôi con” như chị. Cũng rất khó hình dung một “nhà thơ nữ”, là phái yếu, phái đẹp, vốn gốc gác kinh kỳ… lại phải “xông pha”, “thân gái dặm trường” “liều mình như chẳng có”… như chị. Chính chị cũng cay đắng thừa nhận:
Kết bạn với nỗi cô đơn
Đêm đêm ngồi viết nhớ con đèn mờ
Thân cò du lịch thân cò
Nuôi con sao được bằng thơ mỗi ngày
(Cò mẹ đi du lịch)
Vậy là có cả “nghiệp” (đam mê), có cả “nghề” (nhọc nhằn) trong sự lựa chọn của chị: Hẹn gì với những đam mê /Mà em bùa ngải viết thuê lần hồi (Xòe bàn tay, bấm ngón tay). Cái nghiệp trót đã “mang vào thân”, từ người nổi tiếng đến người chân ướt chân ráo, không ai thoát được sợi dây vô hình đam mê kia trói chặt, đến mức không thể tìm thấy ví dụ nào cho sự bỏ cuộc nửa chừng; còn cái nghề bắt buộc thì có thể có lý do của nó. Hoàng Việt Hằng học xong Đại học Văn hóa thì cầm bút viết văn. Một lần đi thực tế ở Lạng Sơn, chị viết được cái truyện ngắn ưng ý liền gửi tới Tạp chí VNQĐ. Triệu Bôn biên tập truyện ngắn này. Sau mấy năm ở chiến trường B2 ra, Triệu Bôn ốm xo, nụ cười mệt mỏi, dáng đi xiêu vẹo, làn da xám chì, đôi môi xanh tái vì sốt rét lâu ngày…, hành trang mang theo của anh là chiếc balo sờn, hành trang tinh thần là một đôi tập truyện ngắn…Và những gì đã đến với hai người như một mối duyên trời định (Trong tiểu thuyết của mình Một bàn tay thì đầy chị đã nói điều này). Thì thế gian vẫn vậy, vào cái thời “gạo châu củi quế” kia, có duyên phận nào không khỏi những vướng víu, éo le, có duyên phận nào không gặp những trắc trở, gian nan?. Hoàng Việt Hằng xuất hiện đúng lúc đó. Đấy là duyên phận chứ còn sao nữa. Không ai ngăn cản ai đi “mưu cầu hạnh phúc”. Sự lựa chọn nào cũng có lý do, và lý do nào cũng đẹp. Nhưng sự lựa chọn trong trường hợp này còn có cả sự quả cảm. Bởi vì với chị hạnh phúc là leo dốc (Bên nhau và lẻ nhau):
Em khâu tóc trắng thay lời
Mỗi khi cúi xuống rã rời nỗi đau
Con chồng, vợ cũ, đồng sâu
Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng
(Một mình khâu những lặng im)
Một trong những nỗi đau ấy là những ngày ốm bệnh của chồng, thiếu phụ trong vai “đóng thế” bắt buộc, nhưng nỗi nhọc nhằn thì không thay thế được:
Từ ngày anh ốm thừa ra
Người đàn ông ở trong nhà là em
Bao nhiêu công việc không tên
Nửa đêm bơm nước, thắp đèn leo cao
Có hôm chữa điện ngã nhào…
(Không đề năm 2000)
Chưa hết, cái tổ ấm là căn phòng nhỏ trên gác 2 phố Hàng Buồm chưa thật sự quen với cung cách làm chủ gia đình của một nhà văn áo lính ra với phố xá (lúc này Triệu Bôn chuyển ra dân sự), thì một sự cố khác ập tới. Sau một thời gian đau ốm, Triệu Bôn qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Bấy giờ, với chị mọi thứ mới thật sự trở nên nghiệt ngã, như một hồi trống trận chưa dứt, như một thách thức mà chị phải đương đầu, như thể một mình trong cơn bão lớn. Khi ấy đau đớn mất mát cho dù to lớn đến đâu cũng chưa bằng câu hỏi tồn tại hay không tồn tại của hai con người, Hoàng Việt Hằng và con trai chị. Kiếm sống trở thành mệnh lệnh. Đấy, với chị cầm bút không phải để ngâm vịnh, chưa phải là câu chuyện tỉa gọt ngôn từ, không phải là câu chuyện “trà dư tửu hậu”, cũng chưa cần nghĩ đó là lẽ sống, mà là để phải sống.
Bây giờ chúng ta hãy xem với tâm thế ấy, người viết đã quan tâm đến những gì trên mỗi trang viết.
Trên kia chúng ta biết Hoàng Việt Hằng ham đi, đi nhiều, đến nhiều nơi, ghi nhớ nhiều điều. Hình như đấy là phẩm chất, là công việc của người làm báo? Đặc điểm này rồi sẽ để lại dấu ấn gì trong thơ chị, có phải là mặt mạnh và có phải trong mặt mạnh này đã chứa đựng những hạn chế của ngòi bút chị? Đi để nhận biết hay đi để thỏa chí, đi để thu nạp vốn sống hay đi để xả strees, đí để tìm kiếm niềm vui hay đi để vướng thêm nỗi buồn, đi để trải nghiệm hay để thể nghiệm, đi để hòa nhập trốn khỏi cô đơn hay đi để quên lãng sự đời?…Hình như có cả những tâm trạng ấy. Đây là tâm trạng vui, phấn chấn và lãng mạn: Đám mây như chiếc khăn màu /Bay hồng cả nỗi nhớ nhau lưng đèo (Qua Đèo Nai). Liền đó là cảm giác bơ vơ: Theo dòng thác Bờ /Nhìn hoa dại nở /Mà thấy bơ vơ ( Tôi ơi), Lên đến Tủa Chùa /Rồi xuống Mường Lay /Một mình với núi /Một mình với mây (Đỉnh núi và bờ vực). Đi và thấm thía nỗi đau, nỗi buồn từ tâm khảm: Đỉnh Dốc Cun này /Bỗng nhớ anh quá /Những đau đớn /Vùi trong rơm rạ …/Ta khóc thỏa thuê /Đá núi xám buồn (Dốc Cun) Anh mất đã chín năm /Trên dương gian buồn lắm…/Em vẫn đi về phía những chân trời thác đổ (Bấm chín đốt ngón tay). Còn đây không biết trốn cô đơn hay chìm vào cô đơn: Có một người đi trốn cô đơn /Lên đỉnh núi tìm bóng mình trên núi (Trên cây đơn lá đỏ). Thường gặp là cảm giác mất mát với “nỗi đau không đầu không cuối” (Người ấy): khi đến trước một dòng thác Tôi ký gửi mất mát /Nhờ dòng thác xóa đi /Tôi ký gửi nước mắt /Nửa cuộc tình chia ly (Thác)…Một lần lên núi Thạch Lâm, không xác định được buồn hay vui: Thấy mình bé nhỏ mong manh /Chỉ như chiếc lá rời cành dễ không /Mùa xuân chín đợi, mười trông /Hoa thơm, cỏ lạ trời trong gió đầy /Ước gì đi khắp đó đây /Đặt chân lên núi tóc đầy tuyết rơi /Ước gì xuống núi thảnh thơi /Nỗi buồn núi giữ, niềm vui đem về (Lên núi Thạch Lâm)…
Mang trong mình tâm trạng như vậy, rất dễ hiểu vì sao Hoàng Việt Hằng thường đến gần những con người có cảnh ngộ éo le, khó khăn mỗi khi bắt gặp trên những ngả đường. Một bà mế, một em nhỏ nghèo ở chợ Rã: Con ngan này tám ngàn /Trả mười ngàn không bán /Đưa cho mế mười ngàn /Tặng lại mế con ngan…/Áo trẻ con hai ngàn /Đổi giỏ ngô cũng được /Giỏ ngô cũng hai ngàn /Bát phở và giỏ ngô…/Tôi ăn chan nước mắt (Đi Chợ Rã). Chị công nhân quét rác bến Phà Đen: Dốc mặt xuống đời người / Nơi có người đàn bà tha thủi /Quét rác và bán rau (Dốc Phà Đen). Người đàn bà nơi đồng cói Kim Sơn: Có một người đàn bà đan cói cúi xuống /Em không dám hỏi /Sợ vỡ đi nỗi buồn (Ai phơi trắng cói đồng Kim Sơn). Một lần đến Nậm Khan: Chị Ngải sống một mình /Túp lều gianh và chiếc ấm sành /Chị đi nhỏ cỏ và nuôi vịt /Khi mò cua bắt tép cũng qua ngày (Bên này sông Nậm Khan). Một bà Còng nghèo nàn làm ngòi bút chị trở nên đầy cảm thương: Tôi mừng tuổi vài đồng /Mà bà Còng vắt vai bao tượng mấy lần /Lau nước mắt /Bà Còng ơi, thương lắm bà Còng (Những mùa xuân ám ảnh). Gặp một cảnh ngộ cô đơn: Buổi chiều mưa bụi hắt hiu /Tấm thân như một cánh diều gặp mưa…/Thương cô giá rét vô thường /Con người sao lại cô đơn thế này (Thơ viết tặng nhà thơ Anh Thơ). Gặp một người già tốt bụng: Bà thương người phận bạc /Cúng giỗ toàn người dưng /Gió thổi tắt bát hương /Nước mắt tràn xuống má (Bà lão nơi khe sâu). Rồi chẳng phải đâu xa, cậu Nghẹo, người thân bên cạnh chị, không ít lần Hoàng Việt Hằng nghẹn ngào: Không việc làm /Tàn tật phải ra ga /Cậu cũng cố chở hàng kiếm dăm ba ngàn bạc /Tiền nong chị cho /Cậu nhận thường cúi mặt /Rồi bèo dạt /Mây trôi /Cậu thui thủi một mình (Cậu Nghẹo)…Thơ Hoàng Việt Hằng thường là nơi ký thác tâm sự, gặp người gặp chuyện, thấy cảnh sinh tình, như thể chạnh lòng, như thể một lời tự vấn lương tâm. Những con người mới gặp càng bất hạnh làm chị càng buồn lây, những khung cảnh vừa mới thấy càng khuất nẻo hoang sơ thì cái sự tình bên trong của người cầm bút càng day dứt. Trong thơ rất ít những con người may mắn, hạnh phúc, rất nhiều những con người thiệt thòi, cô đơn. Chị gần với họ, nói về họ bằng lời lẽ ân tình, cảm thông. Câu thơ bình dị thấy rõ thiên lương của ngôn từ, như thể rút từ tâm can. Đó là những điều dễ nhận ra nếu đọc thơ chị.
Nhưng nếu khắt khe mà nói thì đúng là trong ưu điểm đã hàm chứa cả những hạn chế của thơ Hoàng Việt Hằng. Nghề nghiệp báo chí, phẩm chất người làm báo, sự nhanh nhạy, tính chính xác, cộng thêm ý thích muốn đưa thật nhiều chất liệu cuộc sống vào thơ…, đã một phần làm nên bản sắc thơ chị. Nhưng sự nhanh nhạy, chính xác, chất liệu cuộc sống… không phải là phẩm chất số một của thơ trữ tình. Sự lắng đọng từ những trải nghiệm, cái mờ nhòe, gấp khúc, vượt xa của sự liên tưởng, cái sắc nhọn của những triết lý khái quát từ chất liệu cuộc sống…mới là “tầng thứ hai” của nhận thức, mới đưa thơ từ “thực” đến “siêu”, từ cụ thể đến trừu tượng, từ chỗ nhìn thấy đến chỗ cảm thấy, nghĩ thấy…Sở trường của Hoàng Việt Hằng là chất liệu hiện thực, chị đưa lên trang rất nhiều “sự thực” đến mức tưởng như “nệ thực”, cái nệ thực thường thấy của báo chí, văn xuôi. Nhưng với thơ, khi đã quen nệ thực thì muốn bay cũng không dễ, cũng phải tập. Chỉ xin dẫn một ví dụ: Bấm chín đốt ngón tay là bài thơ khá hay của chị, hay vì có những câu hay: Anh mất đã chín năm /Trên dương gian buồn lắm. Và có cái “kết” cũng có tầm: Đi, ngộ ra nỗi đau riêng rất nhỏ /trên ngàn ngày cây số phía sau lưng. Nhưng để đi đến cái “kết” này chị viện dẫn: có bữa nghe tin vắn /vỡ đập, rừng cháy rừng /chùa cổ dỡ tan hoang /như chiếc lá vẫn nghiêng về đất /trẻ em trên cao nguyên /đói cơm là có thật /đường đèo cao /đỗ lỗi tại đường đèo /bấm chín đốt ngón tay /em vẫn đi phía chân trời thác đổ. Khá dài dòng mà vẫn chưa đủ, (và biết chất chứa làm sao cho đủ những “chuyện buồn trên dương gian” trong một bài thơ?), ít có sự gia công lựa chọn ngôn từ trong từng câu; một đôi chỗ ít có sự “ăn nhập”, hô ứng giữa câu nọ với câu kia…Vậy nên, bài thơ chưa hoàn bích. Có thể đó là quan niệm về thơ của Hoàng Việt Hằng, nhưng theo tôi, thơ không cần thiết phải có nhiều “cái thật”. Không cần nhiều chứ không phải không cần thiết. Chất lên nhiều cây sáo quá trên một cánh diều là vô tình làm triệt tiêu sự bay của cánh diều và cũng không còn tiếng sáo. Thơ không phải là cuốc bộ, mà thơ cần bay. Ở một tầm mức khác, thơ là sự lắng lại từ rất nhiều quặng, sự lên men và ngưng đọng của rất nhiều tinh bột, nước, lửa, thời gian, là hạt muối cất từ nước biển, cát, nắng gió và mồ hôi. Thơ chị diễn đạt thoải mái, nghĩ đến đâu gõ phím đến đấy, nhiều bài như thể còn ở dạng “ghi chép” (nghề báo), như thể là một phiên bản khác của bài báo, mỗi khi lúng túng bí vần, bí chữ thì vượt qua vần, thì “dùng tạm” chữ đã có, thậm chí thêm vào một chữ nào đó, khỏi cần “thôi xao”. Bởi vậy, tìm một sự “hoàn hảo” ở chị là hơi khó! Đấy, trong cái ưu điểm chúng ta vừa nhắc trên kia, rất ưu điểm, đến đây đã xuất hiện những yêu cầu không hề đơn giản của thể loại, mà thơ chị nên phải có. Nói vậy không sợ mất lòng, vì chị vốn là người có cá tính, mạnh mẽ và không ngại nói thẳng. Kể ra với một cây bút nữ làm thơ mà mạnh mẽ và thẳng thắn quá đôi khi cũng dễ bị thiệt thòi, dễ bị thương tổn!
Nhưng cho dù mạnh mẽ đến đâu đối với người làm thơ cũng không thoát khỏi những giây phút yếu mềm, nhất là với những cây bút nữ. Với Hoàng Việt Hằng cũng không thiếu những trống trải sau mỗi chuyến đi: Ta vẫn về trong nỗi buồn tĩnh lặng /Với ngọn đèn dầu /Với bóng của trăng trong (Trời trở lạnh), Tỉnh dậy trong cơn sốt /Nhìn vào đâu cũng chỉ thấy lá vàng /Thấy nhà thật vắng vẻ (Lá vàng và lá xanh). Không ít giằng xé:…một mình một phiên tòa /Vừa là chánh án vừa là luật sư. Và không ít khi cảm thấy mong manh trước “một chiều không bến đỗ” của một kiếp phù du …một mình một con đò /lênh đênh trên biển phù du qua ngày (Một chiều cuối đông). Chị cũng không che giấu những mệt mỏi: Buồn vui áp mặt lên gối /Dẫu cho bao nhiêu mệt mỏi /Tan trong xương thịt ngậm ngùi (Phút giây). Những lúc như vậy, cảm giác mong manh, bé nhỏ, bất lực, yếu đuối, hữu hạn… xâm chiếm tâm hồn: Bao lần một mình bên vực /Thấy mình nhỏ hơn hạt mưa (Bên hành lang bệnh viện), Chớp mắt tan ra trong biển lớn / Đời người như tia chớp (Chớp mắt). Và không thiếu những buông xuôi: Không khát vọng được thua, cố chấp /Chỉ lên chùa học thở với nghe kinh (Mai vàng nghe sấu rụng). Thậm chí những tiêu cực: Lúc ốm đau /Em đã muốn bỏ cuộc (Dấu chấm than viết ngược). Nhưng rồi khi bản tính mạnh mẽ trỗi dậy, khi “có bao thứ vô thường /khép hờ ngoài cánh cửa”, chị lại ngồi vào bàn. Cái bàn, cái đèn, chuyến đi và trang viết giúp chị quên đi thời gian, quên đi cảm giác cô đơn, lấy lại sức sống cho ngòi bút. Đúng hơn vẫn cô đơn, nhưng là cô đơn của trang viết: Không có ai nhìn thấy…/Khi em gắng hết sức mình /Từng đêm trên trang giấy (Tàn giấy), Em đã muốn bỏ cuộc /Nhưng thấy con tha thủi không đành… (Dấu than viết ngược).
Động lực “phải sống” đã giúp chị vượt qua thử thách. Riêng tôi, đọc thơ chị còn nhận thấy một động lực khác, không kém phần quan trọng, giúp những con chữ trên trang viết của chị “cứng cáp” dần, đó là những gì “hữu hình” và “vô hình” mà người bạn đời của chị, nhà văn Triệu Bôn để lại.
Những gì hữu hình nhìn thấy mà chị luôn trân trọng “giữ lại nằm lòng” là “góc bảo tàng” hiện vật chiến tranh mà anh mang về từ cuộc chiến: chiếc hăng gô, chiếc khuy áo, mảnh dù, cái rút dép (một vật mà các thế hệ trẻ tuổi hôm nay chắc chắn không thể hiểu dùng để làm gì), cái ba lô sờn, các tập sách của anh viết trong những năm tháng nhọc nhằn:
Em lau hăng gô, nhìn cái rút dép
Kỷ vật một thời gắn bó với anh
Thư viện nhà mình còn góc chién tranh
Còn hơi thở của em dành cho ký ức
(Phía trong cánh cửa)
Những gì vô hình như vết thương anh mang suốt đời, tấm lòng nhân ái anh thường có, nụ cười hiền (nhưng cục) giấu kín niềm thương tổn, nghị lực có thừa của một người luôn muốn hết mình với trang viết…Chị “tựa vào” những thứ hữu hình, vô hình ấy và tự tin bước đi. Cho dù mọi thứ đã không còn: Ngày ấy anh ôm em /Cây cũng trẻ /và cây nghiêng ngả /Bây giờ cây đã già /Và anh trở về với đất (Dấu ngã bên trời); Cho dù những kỷ niệm cũ vẫn thường nhói đau: Bây giờ anh rời xa, rất xa /Thi thoảng em vẫn giẫm phải thủy tinh vỡ (Vẫn giẫm lên thủy tinh vỡ); Cho dù vậy, em đã viết đằng sau anh đợi em (Dấu chấm than viết ngược). Cho dù vậy: Ngày tháng xa anh /Ngày tháng biệt ly /Tôi tựa vào câu thơ /Đứng vững trên đất đá /Tôi tựa vào dịu dàng /Để vượt qua những gì tưởng không thể vượt qua (Những dấu lặng).
Có thể nghĩ rằng, sau bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn gian nan trên “cánh đồng chữ nghĩa”, Hoàng Việt Hằng không phải là người “thua trận” như chị tự nhận. Số lượng trang viết của chị đủ để nói lên điều đó, đủ để nói lên rằng chị là người yêu lao động, là người yêu văn chương, cẩn trọng học hỏi chữ nghĩa, có nghị lực biến đam mê thành sự thật, biến ước mơ của người nông dân ngày giáp hạt thành những mùa lúa chín.
L.T.N
Bình Nguyên Trang
NGƯỜI ĐÀN BÀ CẦU CẠNH BÚT NGHIÊN
“Ngay cả đi bộ/ Câu thơ lẽo đẽo theo sau/ Ngay cả lên tàu/ Câu thơ chập chờn mưa tuyết/ Ngay cả khi bay nghiêng/ Ẩn ức, chập chờn như ánh sao, chập chờn như ánh đèn/ Tôi cầu cạnh bút nghiên/ Run rẩy viết...”. Tôi thường cảm giác nhói lòng khi đọc lại những câu thơ này của nhà thơ Hoàng Việt Hằng, người mà tôi thường gọi là U Hằng. U Hằng đứng tuổi, tóc trắng như mây trời, cả một đời chỉ “cầu cạnh” con chữ, có vẻ như “âm lịch” và chẳng ăn nhập gì với thời buổi rầm rập tốc độ ngoài kia. U Hằng một buổi trưa đi bộ tới quán cà-phê, mang cho tôi tập thơ vừa xuất bản, khuôn mặt hồn nhiên như người nông dân vừa về từ cánh đồng.
“Cầu cạnh bút nghiên”- có mấy người trong vội vã hôm nay còn có thể chia sẻ được tâm trạng đó của một người làm thơ, viết văn, viết báo như U Hằng.
Kiếm sống bằng nghề cầm bút từ trong quá khứ tới hôm nay chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, “cơm áo không đùa với khách thơ”, chứ đừng nói chuyện làm giàu. Bởi thế, đa số người cầm bút kiêm luôn đời công chức, để còn có một khoản lương lĩnh hằng tháng, còn có lương hưu lúc về già. Nhưng U Hằng thì không có lương hưu, đã bỏ đời công chức từ lâu vì muôn vàn lý do, và từ đó mưu sinh bằng con chữ. Người đàn bà ấy đã “cầu cạnh bút nghiên” để sống, để gửi gắm, nương tựa và ký thác. Nhưng trước khi gửi gắm, nương tựa và ký thác, là phải sống đã, phải tồn tại, phải trang trải những hóa đơn cuộc đời, bằng tiền. Và tiền là nhuận bút, từ chữ. Chữ làm nên thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, những tạp bút ngắn dài. Kiếm sống bằng chữ, tôi nghĩ nó còn nhọc nhằn hơn nghề kiếm củi, nghề đào hầm lò hay công nhân dọn rác. Người cầm bút phải đánh đổi những đêm quầng thâm mất ngủ, những đêm múc cạn ưu phiền đổ lên trang giấy, sáng ra người như chiếc bã mía, cho chữ hiện hình, đổi về những đồng nhuận bút còm. Với một số người viết có điều kiện cuộc sống tốt hơn một chút, nhuận bút là để những buổi cà-phê nhìn lá rơi trên mặt hồ, trò chuyện tào lao với bạn bè. Nhưng với U Hằng thì khác: “Chính em cũng ngạc nhiên/ phải viết thôi, anh ốm/ nhuận bút lo tiền điện/ nhuận bút lo ống truyền/ không ngờ những ưu phiền/ viết từng ngày để sống...”. Đấy là khi người bạn đời của U Hằng, nhà văn Triệu Bôn còn trên cõi đời này và bị ốm. Còn khi người bạn đời mất đi, viết với U Hằng là: “Những ngày làm lữ thứ tha hương/ Đi viết nuôi con/ Như người mẹ đi nương/ Rắc ngô và rắc lúa/ Tôi cày trên đồng chữ”.
Nuôi con, nuôi mình, nuôi buồn vui, bằng chữ và vượt lên trên chữ là để yêu lấy cuộc đời, yêu lấy con người, không than vãn, oán thán. Để cuối cùng người đàn bà lặn lội trên cánh đồng chữ chợt nhận ra “Hẹn gì với những đam mê/ Mà em bùa ngải viết thuê lần hồi”. Phải, có lúc thật sự là viết thuê đấy, chỉ để kiếm nhuận bút thôi, nhưng rồi càng viết càng nhận ra sự mê hoặc của chữ. Giây phút nhìn thấy tính “bùa ngải” của chữ, ngay trong việc viết thuê lần hồi kiếm sống chính là giây phút U Hằng ngộ ra đời mình đã buộc vào chữ, như một cơ duyên, một sự mắc nợ, một cái nghiệp. Đó là chốn duy nhất để U Hằng có thể “cầu cạnh”, không còn lựa chọn nào khác, không còn bến bờ nào khác: “một mình xây nhà/ một mình sinh nở/ một mình một thuyền trên cạn/ một mình đối mặt vận hạn/ may ra còn câu thơ nằm lòng...”.
Tôi vẫn thường hình dung, nếu cuộc đời cho phép, cuộc sống dễ thở ít lo lắng cơm áo đời thường, U Hằng có thể triền miên trên đường. Đi, với U Hằng là bước tới, để chạm trái tim gần hơn hương lúa chín, chạm tay tới thân tre vàng, chạm được vào khói củi. U thấy mình còn, vẫn còn run rẩy trước thiên nhiên, còn đắm đuối với những ngón chân màu đồng ngàn ngày lội dưới đồng chiêm trũng. Thiên nhiên đã cứu rỗi U mỗi lúc đuối lòng. Và đi, với U Hằng vô cùng cần thiết cho việc viết. Viết báo, viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn cần đi đã đành, nhưng ngay cả với thơ, cũng cần đi mới viết được. Thơ U Hằng không có cái nổi nênh buồn tâm trạng của một người ngồi trong căn phòng của mình. Thơ U Hằng là đời sống ngoài kia, với bao phận người U Hằng gặp trên đường. Đó là nỗi lòng tái tê của một người vợ, đã quyết bán tất cả nhà cửa cứu chồng bệnh hiểm nghèo trong bệnh viện, và khi từ bệnh viện trở về đối mặt với câu hỏi thắt lòng: “các con sống bằng gì/ sẽ ở đâu/ sẽ làm gì để lấy tiền mua thuốc/ trong bước đi người vợ trẻ/ nước mắt như vò nhàu”. Đó là em bé hái chè ở Đại Từ, Thái Nguyên sống cùng bà ngoại vì “Bố bỏ đi rồi, mẹ con chết trẻ”. Đó là hình ảnh người lính Việt ở Alang Chary hay sự hồn nhiên của em bé chăn cừu ở Nepal làm tan đi mọi chết chóc... Nhiều lắm, không thể kể ra hết những tên người hay những địa danh mà U Hằng ký gửi vào thơ. Đó là những nơi U Hằng đã đến, những con người U Hằng đã gặp. Kể chuyện về họ bằng thơ là cách để U Hằng viết tình yêu con người của mình lên đó. Trái tim thi sĩ của U Hằng nhạy cảm, luôn xúc động trước những phận người bé nhỏ, những con người thua thiệt trong cuộc đời. U Hằng ham đi còn để thấm muôn nỗi nhân tình thế thái, có lúc tuyệt vọng: “nhân vật thì đã chết/ mà cứ ngồi nhớ nhung/ người tốt thì đã mất/ buồn tan dọc sống lưng”. Và có lúc hân hoan niềm vui sống khi nhận ra: “đời chắc vậy có những người lặng lẽ/ vẫn quên mình khi khốn khó chìa tay...”. Tâm thế làm thơ của U Hằng là vượt khung ra khỏi cửa sổ đời mình, nhìn vào đời người để bộc lộ những chiêm nghiệm cá nhân. U Hằng chỉ dành một góc nhỏ cho tình riêng, không muốn làm quá lên bởi tự nhận thấy: “những nỗi đau riêng rất nhỏ/ trên ngàn cây số sau lưng”. Mặc dù vậy, những câu thơ tình riêng của U Hằng vẫn ám ảnh người đọc nhất. “Mười năm không khóc tủi hờn/ Chỉ mong không ngã đường trơn mấy lần”, hay: “em cũng như rêu/ không cho mình phận bạc/ đã trăng vàng/ vằng vặc ướp mưa thu...”.
Thơ hay bởi buồn đau thật - tôi không mảy may nghi ngờ điều này. Buồn đau thì sung sướng gì và buồn đau ai cần phải lựa chọn? Ai cần chi đánh đổi những câu thơ cho người đời cảm cái hay còn mình nhận lấy buồn đau? Vì không giải thích được nên người ta nói những kẻ làm thơ là “giời hành”, “giời bắt”. Và tôi nghĩ, những ai may mắn không phải chịu những u buồn, tại sao phải cố làm thơ, trừ khi họ muốn tí son phấn lớp lang không nói. U Hằng có đôi vai rộng hơn 40cm, rất khó để may đo áo dài. Nhưng đôi vai ấy rộng là để gánh những gánh nặng số phận, gánh nỗi buồn trời định và không chỉ vậy, còn phải giữ cho nỗi buồn luôn Xanh: “Em đã gói kỷ niệm/ gói giọt sương trên lá sen khô/ Gói cả anh và tình yêu hai ta xưa/ nhưng gói mãi đến mùa xuân phải mở/ cho nỗi buồn không héo khô...”. Những câu thơ như vậy của U Hằng khiến tôi nhìn ra giá trị của nỗi buồn, kính trọng nỗi buồn vì những gì nó có thể tưới tắm lên hồn người.
U Hằng vừa xuất bản tập thơ thứ 8 mang tên “Em đã đốt thơ tình anh tặng”, và là cuốn sách thứ 20 gồm nhiều thể loại khác nhau. Gần một đời cầm bút, viết từng đấy cuốn sách đủ biết cuộc “cầu cạnh chữ” của U Hằng định mệnh thế nào. U Hằng bảo, ở tuổi này, không còn quá quan trọng việc in sách, nhất là in thơ. Xuất bản một cuốn thơ phần lớn tác giả phải tự bỏ tiền, mà u thì đâu có dư dả tài chính. Nhưng rồi U Hằng vẫn in, vẫn “xiêu lòng” vì bạn đọc. “Có những bạn đọc tri kỷ cứ hối thúc u in sách. Họ gửi mail, viết thư động viên, thế là u dại dột mang tất tiền chữa bệnh làm sách. May mà sách in xong được bạn đọc thương, bán hết, lại thu được tiền về chữa bệnh. Chữa bệnh xong lại đi, lại viết. Con ạ, với u giờ niềm vui đơn giản lắm. U không thấy có gì quan trọng nữa cả, u chỉ cảm thấy mắc nợ nhất là lòng tốt, người tốt, người tử tế thôi. Ở đâu đó họ còn đọc mình, còn dõi theo mình, còn nhớ đến mình là mình đã thấy đủ, thấy chạm tới hạnh phúc đời người. Mình muốn viết vì những người đọc như vậy” - U Hằng cười, tóc bạc trắng trên đầu nhưng đôi mắt vẫn lấp lánh trẻ thơ.
Với U Hằng, còn viết là còn “mắc nợ” và còn “mắc nợ” là còn viết. Bởi vì cuộc đời có dẫu có dâu bể ra sao, những điều đẹp đẽ vẫn luôn vẫy gọi, cho con người lý do để tiếp tục. Như những câu thơ lay động tình người: “Giấy bút nào xóa đi cho được/ một tên người một địa chỉ email/ chỉ cần delete thì xóa mãi/ nhưng trái tim trong ngực đang cãi/ xóa đi người tử tế dễ đâu...”.
B.N.T