Nguyễn Nhuận Hồng Phương
NGƯỜI XIN RA KHỎI DÒNG HỌ
Cụ trùm Bạ nắc nỏm: - Cái sự này có nhẽ từ thượng cổ mới có một chứ chả có hai! Phải họp lại mà tẩn cho nhà nó một mẻ chứ không thể để thế được…
Ông trưởng chi đắn đo: - Con phiền cụ chớ có nói với ai. Làng nước mà nghe thấy họ cười cho thối mũi ra… Họ Trần, họ Phan, họ Vũ chẳng nhìn họ Nguyễn Hữu ta bằng nửa con mắt chứ lại…
- Còn sao nữa! - Cụ trùm Bạ mắt hấp ha hấp háy; cong ngón tay bật bật thanh đóm đang cháy bùng bùng đánh “phựt” một cái, ngọn lửa phụt tắt, trơ mảnh tàn đen xì - Anh chạy mời ông trưởng họ sang tôi bảo! Chí ít tôi cũng là lão họ cao nhất cái họ này chứ lị...
- Dạ... ngay bây giờ ạ? - Ông trưởng chi hỏi.
- Anh đi ngay cho! Nếu không lão ấy lại chúi đầu vào “trăm hai mươi cây” đố mà tìm...
Nhìn ông trưởng chi loạch quạch lê đôi dép tổ ong để lại vết bùn trên mặt sân gạch, cụ trùm Bạ thở dài đánh thượt rõ mạnh. Hình như cụ muốn trút hết bực dọc trong người vào đó. Cái thở dài mang theo nỗi ngao ngán vì sự việc vừa xảy ra...
Chẳng là tối qua, bố con nhà lão Cù mang đơn gửi trưởng chi. Trong đơn trình bày đề nghị được xin ra khỏi họ… Hừ... “Con sâu làm rầu nồi canh” ... Mẹ cha nó chứ! Nhà nó có chết cũng chẳng ai thương! Nhưng chuyện này trong làng ngoài xóm mà biết, rồi lấy đó để kháo và giễu cợt thì còn gì là danh gia vọng tộc nữa…
***
Làng Lệ nằm ven sông Hồng, có hơn hai ngàn suất đinh, dòng họ Nguyễn Hữu chiếm quá nửa; chia thành năm chi... Từ xa xưa, họ Nguyễn Hữu có tiếng học giỏi, tài cao... Truyền đồn từ đời nảo đời nào bao kẻ xênh xang mũ cao áo dài hưởng lộc vua ban... Danh sách Trạng nguyên đề trên bia đá; ông Nghè, ông Cống, ông Hương... xếp chật gia phả... Chả cần nói đâu xa, ngay thời bây giờ, có người còn đang chức, đang quyền là cán bộ, là tướng, là tá ở Bộ nọ, Bộ kia... Nhiều người về làng bỏ tiền mua đất, xây biệt thự làm nhà nghỉ cuối tuần. Mỗi khi ngày lễ, ngày tết kìn kìn chở của về làng... Có doanh nhân buôn bán tiếng tăm dội sang cả biên giới nước Tầu... bia ghi công đức ở đình, chùa, miếu mạo của làng chật những tên con cháu dòng họ Nguyễn Hữu...
Thế mà bây giờ bố con lão Cù dám làm chuyện động trời như vậy... A... hay bố con nó muốn làm nhục cái họ này? Nhưng cái họ này có làm gì bố con nhà lão ấy đâu nhỉ? Cái lão Nguyễn Hữu Cù hồi bé ngoài chọi quay sừng ra chẳng có gì là giỏi! Học thì dốt, ba năm mới lên nổi một lớp... Đi bộ đội hàng chục năm khi phục viên về vẫn là anh lính quèn, công trạng gì mà kể với làng, với họ?
Đã không biết thân phận lại còn làm càn, làm bậy... Cứ cái tội này ấy à... ngày xưa là bị đuổi thẳng thừng ra khỏi làng; gạch tên ra khỏi họ... tống khứ cho mất tăm, mặt dạng... Nhưng bây giờ thời thế cái gì cũng tự do, dân chủ… trái, phải “Tương cùng một giuộc” bình đẳng như nhau, vẫn có quyền phát biểu... Hương ước làng chả ghi rõ là gì: “Mọi người trong làng, trong họ đều bình đẳng như nhau...” - Trách gì lão Cù không dựa vào đấy để làm quá trớn...
Cụ trùm Bạ đi đi lại lại... mấy cái đóm tre ngâm vô tội bị cụ bẻ gẫy làm nhiều khúc, rơi lả tả xuống nền nhà... Sao ông trưởng chi đi lâu thế nhỉ? Hay thấy vui lại chúi vào đám bài rồi? Cái tệ bài bạc nói mãi mà sao các lão vẫn chưa chừa... Nếu như cụ là Nhà nước có pháp luật trong tay ấy à... Phải có hình phạt thật thích đáng! Mầm mống tội lỗi từ đấy mà ra chứ ở đâu? Bài bạc, tá lả, đề đóm... Có đứa bán cả lúa non để sát phạt... Có vị lãnh đạo trong thôn, trong xã mượn tiền quỹ “cá độ” bóng đá... Đến khi bị phát hiện vội mang xe máy, bê đài, bê ti vi, đem nhà cửa, đất đai cầm cố lấy tiền gỡ chức... suýt bị khai trừ ra Đảng mà vẫn không chừa... Sốt ruột, cụ quyết định thân chinh đi tìm…
***
Ra tới ngã ba đầu làng, Cụ trùm Bạ lưỡng lự... chân định bước lên rẻo đường bê tông nhưng mắt cụ lại hướng về con đường đất pha cát dẫn tới bìa làng cuối bãi... Sao hôm nay cụ mới nhận ra cùng một làng mà vẫn còn nẻo đường chưa được trải bê tông nhỉ? Hay bởi đó là con đường cụt nên không cần thiết? Ngày xưa, đây là con đường của lũ trẻ trong làng ra bãi chăn trâu, thả diều, thi chọi quay... Cụ hình dung ra con quay sừng tự làm của lão Cù xoay tít... Trong khi đó, những con quay của đám trẻ trâu ngắc ngắc mấy cái rồi nằm kềnh ra ăn vạ...
Hai người xấp xỉ tuổi nhau, nhưng trong họ cụ trùm Bạ ở ngành trên; tính ra, cụ bằng vai với bố đẻ lão Cù. Chỉ khi ra bãi chăn trâu là bằng nhau. Lũ trẻ trong làng không phân biệt họ hàng, trên dưới gì cả! Có hơn nhau là hơn cách chơi... diều bay cao, đáo chọi trúng, quay tít lâu là thắng. Vậy mà đã mấy chục năm rồi... Tiếng đồng trang, đồng lứa nhưng đấy là hồi chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, chọi quay, chơi đáo ở bãi đầu làng, chứ lớn lên mấy ai giao du quan hệ với lão Cù? Nhắc đến chẳng qua vì dây mơ, rễ má họ hàng để tính suất đinh nộp khoản trong họ mà thôi... Lão Cù điệu bộ, dáng dấp thuở nhỏ thế nào lớn lên vẫn vậy! Da đen thủi, cái lưng cong khi bước làm cái mặt lúc nào cũng cắm gằm xuống đất trông như kẻ có tội muốn né tránh người đời... Nghèo rớt mồng tơi! Lấy vợ không ăn hỏi, cưới cheo gì; đến khi vợ chết cũng chẳng làm ma. Người trong họ cấm lấy được một miếng...
Nghĩ đến đấy, tự nhiên Cụ trùm Bạ quay ngoắt lại. phăm phăm bước xuống con đường đất pha cát đi về cuối làng. Mặt đường bây giờ có to hơn chút đỉnh, nhưng hình lượn vẫn như xưa. Dẫu rất nhiều năm không đi trên con đường này, nhưng nếu cần nhắm mặt lại, cụ vẫn có thể bước đi đúng theo nó như thường... Cát dưới chân lạo xạo cho cụ cảm giác thời thơ ấu còn là trẻ mục đồng: Nghễu nghện trên lưng trâu, đi cạnh là chú nghé hoa lông vàng hoe, bốn móng xinh xinh nhảy cỡn, tung tăng... thi thoảng lại lấy mõm thúc vào bầu vú mẹ...
Nhà lão Cù ở rìa làng, đây là khu đất lão được chia từ hồi cải cách. Mảnh đất thòi ra như khúc ruột thừa của lòng con gà khi mổ. Qua bãi đất bồi lên tới mặt đê. Trước kia, người ta chưa mở con đường lớn phía đầu làng, con đê vẫn có xe ô tô chạy; những người ở các làng lân cận bắt được con cua, con cá... trồng hái được quả bầu, quả bí, mớ rau... mang vào nội thành để bán thường đi tắt qua làng Lệ. Nhưng bây giờ, thi thoảng lắm mới có xe công nông chở cát đi trên đê trông như con bọ hung đội đất... Người có hàng mang đi bán, đèo bằng xe máy chọn con đường trải nhựa êm như ru mà phóng. Còn vùng bãi ven đê thì chia khoảnh cho dân trồng ngô cao
sản...
***
Đón cụ Trùm là mấy đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc, trông như vừa được móc ở vũng bùn lên. Cụ đoán đấy là cháu nội lão Cù liền hỏi:
- Ông có nhà không cháu?
Mấy đứa trẻ nhao nhao:
- Nằm tịt trong giường chứ đi đâu được!
Cụ lại hỏi:
- Thế bố mẹ các cháu đi đâu?
- Bố đi “chợ người” còn mẹ đi “hôi”.
À... “chợ người” thì cụ biết! - Đấy là sang Hà Nội, tập trung ở vườn hoa, công viên ngóng việc... xem có ai thuê mướn thì làm. Còn mẹ nó chắc lại đến nơi có ao hồ chờ người ta bắt xong xuống hôi... Nghe tụi trẻ nói, cụ trùm Bạ định quay ra, nhưng mồm chúng đã ríu rít như mỏ sáo sậu:
- Ông ơi... Nhà ta có khách... Nhà ta có khách…
Không thấy hồi âm, cực chẳng đã, cụ trùm Bạ đành theo vào; cụ vén chiếc mành che chắn ruồi trước cửa: Trong nhà tối om. Cụ căng mắt nhìn... Chợt có tiếng từ góc nhà vẳng ra: “Ai đến chơi nhà tôi đấy?” Sau câu hỏi là trận ho rũ rượi... tiếng ngắc ngứ giữa từng đợt tã tượi tưởng chừng như rứt từng miếng phổi ra khỏi lồng ngực... Chờ cho lão Cù ngớt ho, cụ trùm hỏi:
- Tôi là trùm Bạ đây! Ông ốm đã lâu chưa? - Vừa nói cụ vừa cuốn cái mành lên để lấy ánh sáng từ ngoài vào.
Chừng như đã nhận ra người đến chơi, lão Cù vội vàng xoa tay, lập cập chạy ra quên đứt cả cơn ho:
- Kính cụ trùm... Cháu bị ho mãn đấy mà... Chẳng mấy khi cụ tới... các cháu lại đi vắng cả... Chắc cụ sang có việc gì dậy bảo?
Cụ trùm nói lảng:
- Tôi nghe ông bị ốm sang xem thế nào... còn chuyện họ hàng đã có ông trưởng họ lo...
Lão Cù có vẻ ngượng với gia cảnh xoàng xĩnh của nhà mình:
- Cụ thông cảm cho nhà cháu... mời cụ ngồi tạm...
Ánh sáng từ sân hắt vào lộ rõ khuôn hình lão Cù: Còm róm trong chiếc áo bộ đội đã rách; mảng sườn để lộ làn da đen mủn; mái tóc lâu ngày chưa cắt bờm xờm ôm khuôn mặt tóp teo... Lão lom khom đi ra nhưng không dám ngồi. Thấy vậy cụ trùm bảo: “Ông ngồi xuống ta nói chuyện”. Lão Cù rón rén ngồi xuống mép chõng. Hai người im lặng chừng như khó nói... Những điều cụ trùm ấp ủ mang tới chẳng biết bay đi đâu hết cả. Cụ đành hỏi chiếu lệ:
- Lâu nay công việc làm ăn thế nào?
- Dạ... nhà cháu thì làm ăn gì hả cụ? Cháu nó sang Hà Nội tìm việc, hôm được, hôm không... vợ nó hết việc đồng áng lại xem chỗ nào để hôi vét...
Không khí im lặng lại bao trùm căn nhà... Đứa bé mang nước lên. Trong khi chờ lão Cù tráng ấm chén, cụ trùm tranh thủ ngắm cơ ngơi của bố con, ông cháu lão Cù: Cái nhà (nếu gọi chỗ ở là nhà) mái lợp lá mía lụp xụp, mạng nhện chăng ngang chăng dọc... góc tường cái bồ đựng thóc bẹp rúm một góc. Chắc trong bồ đã hết thóc?
Đã lâu cụ trùm Bạ không gặp cảnh này nên có phần bỡ ngỡ... chẳng lẽ trong dòng họ Nguyễn Hữu của cụ vẫn có người nghèo đến thế này ư?
- Thưa cụ - Lão Cù kính cẩn - Chúng cháu biết không có tổ họ thì lấy đâu ra mình! Nhưng quả thật nhà cháu neo tiền... cứ nay đóng, mai góp nhà cháu lấy đâu ra...
- Ông không nói thì thôi... cụ trùm đắn đo - Nhưng ông đã nói thì tôi xin có nhời: Việc là việc chung của cả họ chứ riêng mình ai đâu! Nếu gia đình ông khó khăn cứ trình bày với ông trưởng chi, trưởng họ, đừng vì nghèo mà bỏ họ hàng, làng nước người ta cười cho...
- Dạ... thưa cụ, đâu có phải vì nghèo mà nhà cháu quên tổ nghiệp? Chẳng qua bí bức quá đành phải vậy.
Chừng như biết lão Cù có điều bậm bục trong lòng, cụ trùm gọi ý:
- Hay trong họ có gì làm cho nhà ông chưa vừa ý? Ông cứ nói tôi nghe;
Lão Cù ngẩng mặt, đôi mắt ánh lên vẻ khác thường; giống như hồi bé: Đứng giữa bãi thi quay, quả quyết tung ra một tầm quay xoay tít... mà trùm Bạ chạy từ bãi chơi lên mặt đê hai lần con quay vẫn còn chưa đổ...
- Thưa cụ, vô phép cho cháu được trình bày - Lão Cù nói- Cụ tin thì tin, không tin nhà cháu đành chịu. Nhưng cụ tính, ai đời xây mả tổ, vẽ ra những dăm triệu một ngôi? Cả khu mả hàng chục ngôi... tính ra hết năm sáu chục triệu... bổ bán mỗi suất đinh gánh năm trăm nghìn...
Ơ... sao khoản này cụ không được biết nhỉ? - Cụ Trùm Bạ nghĩ... Trong lúc đó tiếng của lão Cù đều đều như con quay xoáy sâu vào lớp đất bãi...
… - Thưa cụ trùm, chả biết người chết có được hưởng không? Chỉ thấy mấy quán “cầy tơ” và nhà hàng karaoke ở đầu làng là đắt hàng vì thi thoảng “Hội đồng họ” gặp nhau để “rút kinh nghiệm” ... Bia đá bên họ Trần, họ Phan thuê chạm khắc có hai mươi nghìn đồng một cái. Bên “ta” vẫn kiểu cách vậy mà những ba, bốn chục nghìn... Có hỏi lại bảo: “Đá bia họ Nguyễn Hữu là đá loại một...” (!?)
***
… Bước ra khỏi cổng nhà lão Cù lúc nào cụ trùm Bạ không nhớ rõ. Chân như thể đi trên mây… đầu óc lan man nghĩ tới mọi điều… Những điều lão Cù nói có cái đúng, có cái sai… có việc cụ biết, có việc cụ chưa tường… Nhưng sự thể cái nghèo, cái khó của gia đình lão Cù hiển hiện như hai cộng với hai là bốn vậy! Cụ đâu có biết trong lúc gia đình lão Cù nhịn ăn để có tiền nộp cho dòng họ xây đắp mả tổ, trùng tu nhà thờ, tạc bia công đức, mở tiệc khao mừng… Cụ trùm Bạ chễm trệ ngồi trên chiếu nhất dành cho bậc lão họ - Mũ cao, áo dài đỏ rực, ngực thêu rồng, lưng in phượng… xung quanh con cháu tung hô “vạn tuế” … Ông trưởng họ xun xoe… gã trưởng chi khúm núm…
Bỗng người cụ chúi dụi về phía trước... Cố lấy thăng bằng cho khỏi ngã, cụ chững người, ngoảnh lại xem mình vấp phải cái gì... Ồ... đó là mô đất giáp ranh giữa rẻo đường đất và con đường trải bê tông…
N.N.H.P