Nguyễn Hải
NGƯỜI Ở BẾN ĐÀ GIANG
(Trích trong tập: Quan sơn muôn dặm)
Các nhà địa lý nhìn nhận sông Đà là con sông trẻ (hoặc đang hoá trẻ) do sự có mặt của các ghềnh vắt qua sông, do các ngưỡng đá cấu tạo khác nhau trong lòng sông, nên dòng chảy dễ có những thay đổi, bất trắc. Nhưng chúng tôi lại nhìn nhận sông Đà như một người bạn rất chung tình. Một cố nhân mang nhiều kỷ niệm của tôi tự thủa thiêu thời đến ngày khôn lớn. Vậy mà bỗng chốc tôi phải chia xa. Đó là một nỗi buồn! Nỗi buồn nặng hon cả bản thân, ngỡ mình không mang nổi. Vào đầu năm 1976, khi Nhà nước chia lại địa vực hành chính cả nước, tỉnh miền núi chúng tôi phải sáp nhập với một tỉnh cận kề để thành một tỉnh lớn hơn. Theo quyết định đó, tỉnh lỵ chuyển về xuôi, các nhiệm sở hàng tỉnh cũng về xuôi. Tôi phải chia tay với sông Đà là vì thế.
Ngày ấy tôi đang công tác ở toà soạn báo tỉnh. Thay mặt ban biên tập tôi viết “Lời từ biệt” cho số báo cuối cùng và đặt nó lên trang nhất, ở vị trí vẫn đặt bài xã luận thường kỳ. Khi báo in xong, tôi xem lại lần cuối, trước khi cho phát hành. Đọc lại bài thơ “Chia tay với sông Đà” của Nguyễn Hoàng Sơn đặt trang trọng trên đầu trang ba, mà lòng nghẹn ngào xúc động. Có lẽ từ sự xúc động ấy, tôi đã nảy ra ý định làm một cuộc chia tay với sông Đà. Gấp tờ báo mới in kẹp vào cuốn sách đang đọc dở, tôi vội vã rời nhà in, vòng ra đường Đà Giang để lên bến đò dọc. Bến đò dọc nằm nơi ghềnh đá nhô ra dòng sông. Có lẽ đây là nơi đẹp nhất của đoạn sông, khi nó thả mình vào cái thị xã bé bỏng đầy tình ái của chúng tôi. Dòng chảy nghiêng nghiêng in bóng núi Ba Vành tím biếc những chiều hè. Lúc mặt trời đổ bóng, mặt sông cứ rỡ ràng tươi tắn. Còn chiều nay, không có nắng, mặt sông lại mang một dáng vẻ khác hẳn. Vẫn đẹp nhưng buồn, nom ngẩn ngơ như thiếu phụ vắng người tình. Tôi xuống bến, đến bên con đò đầu tiên, có người đàn ông đang đan lát gì đó. Tôi chào và nói:
- Bác cho tôi đi ngược một đoạn.
- Anh lên bên nào? Chương, Diềm hay Nhạp?
- Bác cho tôi đi một đoạn dài dài rồi quay về là được. Bác biết chuyện tỉnh ta hợp nhất, các cơ quan hàng tỉnh đang chuyển về xuôi rồi chứ?
Người lái đò gật đầu, tôi giải thích:
- Vài ngày nữa tôi cũng phải về xuôi. Nay tôi muốn đi thăm lại một đoạn sông. Cũng là để chia tay, vì sợ mai ngày tôi có quay lại được, thì đây đã thành lòng hồ rồi.
Người lái đò im lặng nhổ sào. Con đò từ từ tách bến. Tôi bắt đầu cuộc chia tay với sông Đà như thế. Tôi nhớ lúc bấy giờ là đầu tháng tư, tức là vào tháng ba âm lịch. Đôi bờ lau mới trổ cờ phủ tím triền sông. Chiều xuống, sương lên, sông mơ hồ như rộng thêm ra. Một đàn chim két mỏ dài bay từ phía đầm Mát qua sông về phía núi Dè. Những cánh bay mềm mại nhưng trễ nải. Có tiếng kêu khàn khạt của những con cái bay thấp hơn, nghe buồn day dứt. Chưa có lũ tiểu mãn, dòng sông Đà còn trong xanh, mặt nước lững lờ. Tiếng chèo khua nước cứ soạp từng tiếng một, rất chậm. Trên đôi bờ, khói cơm chiều đã toả ấm những mái sàn nằm lẻ sát bờ sông. Tôi ngồi sát mũi con đò để có thể nhìn bao quát hơn cả dòng sông với đôi bờ lau sậy, sóng vỗ dạt dào. Nhưng cứ ngồi im lặng mãi mà nghĩ về việc sắp phải chia xa, chỉ thêm nặng nề, nên tôi quay sang gợi chuyện người lái đò. Nhìn người lái đò, tôi đoán chừng ông chỉ khoảng ngoài năm mươi. Khổ người to vạm vỡ, khuôn mặt chữ điền nom phúc hậu, nhưng trên trán đã hằn những nếp nhăn lam lũ, khắc khổ. Tôi hỏi:
- Bác làm nghề này được lâu chưa? Người trên ta đây hay dưới xuôi lên?
Người lái đò trả lời chậm rãi, nhưng chân tình:
- Tôi người Thái Bình. Nhà ở ngay cửa sông Trà Lý, nên tôi thạo sông nước từ tấm bé. Chỉ có điều đói quá phải tha phương cầu thực trên này.
- Vậy, chắc bác lên đã lâu?
- Năm 54, hoà bình lập lại. Lúc ấy tôi đã ngoài hai mươi tuổi. Bố mẹ tôi mất cả, nên chưa lấy được vợ...
Nói đến đây, người lái đò ngập ngừng, nên tôi nói đế vào:
- Thời ấy, ở quê ngoài hai mươi tuổi chưa lấy vợ thì đúng là hiếm.
Người lái đò nhếch mép cười rồi nói tiếp:
- Cuối năm ấy, chú tôi ở bộ đội về. Ông được chia quả thực hẳn một cái ao, có cây mít gộc trên bờ và ba gian bếp. Ông bán cái ao và ba gian bếp, nhưng giữ lại cây mít gộc. Nhờ một bà già ông phải gọi bằng thím, còn tôi phải gọi bằng bà, coi hộ. Ông lấy một chiếc mo cau, lột mỏng rồi luộc lên. Chiếc mo mềm dẻo như miếng da bò. Ông gói tiền vào đó, nhét xuống đáy ba lô, rồi lôi tôi đi theo. Ông bảo: - Lên mạn ngược dễ làm ăn. Tao là bộ đội Tây Tiến. Tao thuộc hết đồng đất trên ấy. Hoà Bình, Vụ Bản, Chiềng Vó, Chiềng Vang, Mai Châu, rồi cả Sầm Nưa, Phong Xa Lỳ... bên Lào tao cũng đã qua. Nhưng lên đến đây, ông không làm ăn trên đồng đất, mà làm ăn dưới sông nước, ông đi buôn bè. Tôi vốn thích sông nước từ bé nên giúp ông được khá nhiều việc. Chú cháu tôi xuôi trót lọt được mấy chuyến bè. Lần ấy đâu gần cuối mùa lũ, vốn liếng đã khá. Ông bảo tôi: - Xuôi xong chuyên này, chú cháu ta về quê; cùng lấy vợ, dựng nhà. Mày có biết vì sao tao giữ lại cây mít không? Cây mít gộc ấy xẻ ra sẽ đóng được cái rương to, một bộ bàn ghế oách. - Thì ra chú tôi là người biết tính toán, biết lo xa. Đêm ấy, ngay lúc nhổ neo, tháo cầy cho bè về xuôi không hiểu sao chú tôi trở nên bẳn tính. Ông quát tháo những người giúp việc ầm ĩ. Khuya về, sương mù dày đặc. Ông đưa tôi cái ba lô nặng trịch, bảo: - Mày ôm sang bên thuyền mà ngủ. Gần về sáng. Bỗng con thuyền bị lắc mạnh. Tôi còn đang ngái ngủ, thì nghe tiếng kêu của mấy người giúp việc. Rồi tiếng chú tôi gào trong đêm: - Nâu! Tháo dây néo thuyền ra. Tôi tỉnh hẳn và vội vã tháo dây néo thuyền ra khỏi bè. Nhìn ra ngoài thì mịt mùng, chỉ có sương trắng đặc như không còn sông nước nữa. Con thuyền của tôi cũng như đang quay tròn. Tôi hạ chèo vừa bơi vừa gọi chú. Chỉ có tiếng nước sông à à. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, vừa khóc vừa gọi chú, nhưng vô vọng. Khi sáng hẳn, sương loãng dần, tôi hiểu ra là bè vỡ thì mọi chuyện đã xong rồi. Chú tôi và ba người giúp việc không còn nữa. Liền hai ngày sau, tôi chèo thuyền trở đi, trở lại trên khúc sông này để tìm chú và những người làm, nhưng tuyệt vô âm tín. Ngày thứ ba xác của chú tôi dạt vào tận bãi ngô cuối xã Thịnh Lang. Tôi cắm thuyền vác ba lô vào xã trình giấy. Biết chú tôi là bộ đội xuất ngũ, ông chủ tịch xã cho làm ma chu tất. Cảm tấm lòng của bà con người Mường Thịnh Lang, tôi ở lại làm nghề chở đò ngang từ đây. Năm sau tôi lấy một cô gái Mường, không đẹp nhưng khoẻ, khéo tay và tốt nết. Cuối năm, chúng tôi có con trai. Tôi đến Uỷ ban xã làm giấy khai sinh. Anh thư ký Uỷ ban hỏi: - Anh đặt tên cháu là gì? Tôi bảo, tôi tên là Nâu thì đặt nó tên là Vớn. Ông chủ tịch xá ngồi bàn bên, đập tay xuống bàn bảo: - Không được, củ nâu với củ vớn. Sao lại cứ để đời khổ mãi vậy. Anh là người Thái Bình. Cô ấy là người Hoà Bình. Đẻ nó vào thời bình, thì đặt tên nó là Bình. Ông quay bảo anh thư ký: - Viết đi, Nguyễn Văn Bình. Tôi chắp cả hai tay cúi người cảm ơn ông chủ tịch xã, mà nước mắt cứ ứa ra và nghĩ: Sao lại có người tốt đến như vậy. Về nhà, tôi kể lại chuyện ấy với vợ. Vợ tôi cười rất hiền bảo: - Bình cũng được mà Vớn cũng được. Thế rồi vợ chồng tôi cứ gọi nó là Vớn. Và cả hai xóm Mường ven sông cũng gọi nó là Vớn. Nhưng thằng Vớn nhà tôi mới chỉ được có bốn tuổi thì mẹ nó mất. Tôi ở vậy nuôi con. Tôi vẫn chở đò ngang. Nhưng nỗi buồn mất vợ cắn rứt tôi suốt ngày đêm, nên tôi bỏ bến cũ. Tôi không thể nào cầm lòng được khi chiều về, ghé đò vào bến mà không có vợ con đứng đón. Tôi lên bến chợ. Ở đây, người ta đã tổ chức Hợp tác xã chèo đò. Tôi vào làm xã viên, ngày ngày gửi cu Vớn cho cô xé vé đò. Cứ thế tôi sống cảnh gà sống nuôi con. Thằng Vớn lăn lóc như củ khoai, củ ráy, nhưng lại lớn nhanh và rồi cũng được đi học như những đứa trẻ khác. Thật khó mà hình dung nổi, một người tứ cố vô thân, suốt ngày tay lấm, chân bùn như tôi mà lại nuôi được con ăn học qua cấp I, cấp II, rồi cấp III. Thế rồi chiến tranh. Năm 1970, con trai tôi mười bảy tuổi học hết lớp 9. Một hôm đi học về nó nói với tôi: - Bố ơi tuần tới con đi bộ đội. Tôi buồn lắm. Nhưng nghĩ rằng nó đã lớn rồi nên tôi bảo: - Thôi tuỳ con. Thế là nó đi.
Người lái nói đến đó ngừng chèo. Ông thở dài, rồi bấm đốt ngón tay và nối tiếp:
- Đến hôm nay, tính ra nó đã đi được năm năm ba tháng, mười chín ngày. Mấy năm còn bom đạn, tôi có nhận được thư của nó. Từ sau hoà bình thống nhất đến giờ... tịnh, không còn một dòng thư nào. Lát nữa về, mời anh lên nhà tôi chơi. Anh đọc thư nó chắc hiểu nhiều, chứ tôi thì chịu. Tôi có biết chữ đâu. Có thư, lại phải nhờ cái Giang con bà Xoan đọc giùm.
Chiều tối hôm đó tôi nán lại thăm nhà người lái đò. Lúc đưa tôi lên bến vào nhà, ông khoát tay:
- Đấy anh xem nói là nhà cho nó sang, chứ thực ra nó chỉ là cái lán. Hơn cái lán là có cửa đóng mở được. Không chỉ là nán lại chút ít, mà tôi ở lại chơi rất lâu, ăn cơm uống rượu và đọc những lá thư của con trai ông. Nói chuyện với ông, tôi thấy nỗi buồn trong lòng mình vơi đi đôi chút. Bởi vì không phải mình tôi mới lưu luyến, mới mang ân nghĩa với sông Đà. Mà còn nhiều người khác chìm nổi với nó. Con sông đã chảy qua nhiều dòng đời, nhiều số phận... Biết bao người đã gắn đời mình với dòng sông như cha con người lái đò này. Thư người con trai viết cho bố: “Bố ơi, chúng con hành quân qua đèo Pêke (Quảng Trị) rồi đổ ra một con suối chết để ra sông Sêpôn. Đêm thì đến sông. Bố ơi, trời tối quá. Kỷ luật hành quân không được dùng đèn hay vật phát sáng, nên con chẳng biết nước sông Sêpôn trong hay đục. Nhưng nghe tiếng nó chảy thì giống sông Đà nhà mình lắm. Con đi xa chỉ nhớ bố, nhớ sông Đà, nhớ cả cây gạo bên sông, tháng tư ra hoa đỏ lựng bến đò, tháng năm hoa gạo rụng phủ kín cả mái lá cái quán bán vé đò của cô Xoan. Cô Xoan có khoẻ không hả bố. Cô ấy có cho Giang đi học tiếp không?” Nghe tôi đọc đến đó, ông Nâu thở dài, đưa tay lần rờ rất chậm, rót cho tôi chén nước, ông bảo:
- Anh uống nước đi, uống nóng cho ngon, chè sông Bôi đấy!
Tôi đón chén nước từ đôi tay run run của ông. Ông nói:
- Khi thằng bé đi thì tôi vẫn chở đò ngang ở bến chợ. Nhưng rồi công trường sông Đà mở ra, người ta bắc cầu phao, đưa phà, đưa ca nô về. Xe nhớn, xe nhỏ đi phà. Người và xe đạp đi cầu phao. Thế là cái hợp tác xã chở đò của chúng tôi tự dưng vỡ. Tôi chuyển lên đây đi đò dọc. Hồi thằng cu Vớn còn bé, tôi vẫn gửi nó cho cô Xoan, cái cô ngồi soát vé đò. Vì cô cũng có đứa con gái nhỏ hơn nó hai hay ba tuổi gì đó. Khổ, hai đứa tha lôi nhau như mèo tha chuột. Nhưng khi lớn lên, cô Xoan chỉ cho con bé Giang học hết lớp bốn rồi thôi. Hồi còn ở nhà, thằng Vớn buồn về chuyện này lắm. Nó bảo với tôi: Cái Giang học thông minh lắm thế mà cô Xoan không cho nó học tiếp thật là tiếc. Tôi cũng nói với cô Xoan. Nhưng cô ấy bảo: Con gái hoc nhiều chỉ giỏi viết thư cho giai chứ báu gì. Hai đứa đều buồn. Ngày ngày thằng Vớn vẫn ngấm ngầm dạy con Giang học tiếp. Tôi cầm lá thư thứ hai, còn nguyên cả phong bì với hàng chữ: “Gửi bố Nguyễn Văn Nâu, hợp tác xã chở đò Phương Lâm, thị xã Hoà Bình.”
Tôi nói với ông Nâu:
- HTX tứ tán mỗi người một nơi, mà thư vẫn đến tay bác thì quý quá.
Ông tặc lưỡi:
- Ôi! Thị xã bé bằng cái bàn tay biết nhau hết ấy mà. Với lại cái chú đưa thư có con cùng học một lớp và cùng nhập ngũ với thằng Vớn nhà tôi một ngày. Hồi các cháu còn ở nhà, chú ấy với tôi hay gặp nhau ở cuộc họp phụ huynh học sinh. Tôi thích nhất là tháng tháng được đi họp phụ huynh cho nó. Vì lần nào nó cũng được khen là ngoan, học giỏi. Giỏi nhất lớp, rồi nhất khối. Mừng lắm anh ơi, mình tối tăm đầu óc, có đứa con sáng dạ, cũng mở mặt mở mày.
Tôi nói vui với ông Nâu:
- Giống lai xa địa lý thường tốt.
Ông Nâu nhíu mày, hỏi:
- Lai xa địa lý là làm sao hả anh?
- Thì bác là người Thái Bình, lên tận Hoà Bình lấy một cô người dân tộc, thế là xa đồng đất, xa địa lý còn gì.
Ông Nâu gật gật đầu:
- Vậy như. Tôi rút lá thư thứ ba ra đọc: “Bố ơi con vừa từ chiến trường Quảng Trị hành tiến vào Huế. Ở đây chúng con tham gia trận đánh Động Tranh trên cao điểm 372. Đây là cứ điểm yết hầu khống chế thành phố Huế. Bọn Mỹ đặt tên là căn cứ Bastogne. Chúng chiếm giữ nó từ năm 1968, nay ta mới giành lại được. Bố ơi, ở ngoài đó, khi nghe đài, báo nói đến suối Máu hay đồi Thịt Băm, bố đừng sợ nhé. Mỹ - Ngụy thua trận, quân chết nhiều, kinh hoàng quá nên đặt tên như vậy, chứ phong cảnh nó cũng đẹp như suối Trì, đồi Ông Tượng quê mình mà hàng ngày bỗ vẫn nhìn thấy thôi. Bố ơi! Chiều nay bố có thấy nóng ruột không? Thằng Nghĩa con chú Chinh đưa thư, cái thằng vẫn xuống bếp nhà mình lục cơm nguội có lần đang bốc ăn thì cái Giang bắt được, nó nuốt vội nên nghẹn trợn mắt. Bố phải lấy đũa cả gõ đầu chữa mẹo ấy. Nó đang nhắc bố đấy. Trời ơi! Bây giờ nó đã là dũng sĩ diệt Mỹ, huân chương đỏ ngực rồi. Vậy đấy bố ạ! Lúc ở nhà nó học hành chẳng ra sao, thế mà vào chiến trường quần nhau với giặc thì thật là tài. Con và nó lúc nào cũng ở bên nhau, đã thề sống chết có nhau bố ạ. Chú Chính có đến chơi bố cũng kể cho chú ấy nghe như vậy nhé. Bố ơi, bao giờ hết chiến tranh, con sẽ về ngay với bố. Bố nhớ giữ sức khoẻ, chờ con về bố nhé. Cho con gửi lời hỏi thăm cô Xoan và em Giang. Bố ơi bố đưa mẩu giấy này cho Giang nhé. Giang ơi! Anh hứa là đánh tan giặc anh sẽ về sẽ chở đò đưa em đi chơi trăng trên sông Đà như trước ngày nhập ngũ anh đã đưa em đi ấy. Anh nhớ trăng sông Đà và nhớ em lắm lắm!”
Tôi dừng lại hỏi ông Nâu:
- Bác vẫn nhờ cô bé Giang đọc thư?
- Thì vẫn.
- Sao bác không đưa mảnh giấy này cho cô ấy.
- Thế là sao?
- Trong thư, chú Bình bảo bác đưa mẩu giấy này cho cô Giang.
- Chết nỗi. Tôi không biết chữ mà nó thì không đọc câu ấy. Lúc đọc xong nó cứ hỏi tôi Bác cho cháu xin mẩu giấy này. Tôi không biết nên không cho. Tôi bảo: Thôi để bác giữ. Nao về, nhỡ nó hỏi. Rõ khổ tôi quá. Ôi giời ơi, không biết con bé có hiểu cho tôi không?
Tôi an ủi:
- Thôi bác đừng buồn, trong mẩu giấy cũng chỉ có mấy dòng hỏi thăm sức khoẻ và hứa sẽ về thôi. Và, dù sao thì cô ấy cũng đã đọc rồi.
Ông Nâu cúi xuống gật gật đầu:
- Ừ. Dù sao thì nó cũng đã đọc rồi, nó cũng đã biết rồi. Nhưng như thế là tôi già rồi... Tôi lẫn cẫn rồi. Nó xin cơ mà, tại sao tôi lại không cho nó...!
Ngẫm ngợi một lát ông Nâu tiếp lời:
- Chúng nó là bạn thân của nhau. Thằng Vớn nhà tôi, thằng Nghĩa nhà chú Chính với con bé Giang, lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Tôi coi hai đứa ấy cũng như con mình vậy...
Cứ đọc xong mỗi lá thư tôi với ông Nâu lại nói với nhau vài câu chuyện, rồi lại đọc. Đêm ấy rất khuya, tôi mới chia tay với ông.
* * *
Cuối mùa mưa năm 1996, trên sườn đông đồi Ông Tượng (Hoà Bình) xuất hiện ba khu vực có nhiều vết nứt với cung trượt dài, chiều hướng ngày càng gia tăng. Tháng tư năm 1997, các ngành có liên quan đã tổ chức một đoàn cán bộ kỹ thuật liên ngành đi khảo sát thực địa về sự cố gây trượt lở nói trên. Do nghề làm báo, tôi lại có dịp may được cùng đoàn khảo sát về lại Hoà Bình. Thế là hai mươi mốt năm xa cách, nay tôi mới có dịp về với sông Đà. Lại là tháng tư, tháng chia tay với bạn bè với dòng sông năm nào. Đường lên sông Đà nay đã thông thoáng hơn rất nhiều. Sườn đồi, hoa trẩu nở trắng miên man. Trong khi làm việc với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh. Trước lúc ra thực địa, người ta đã đưa ra những thông báo ngắn về đồi Ông Tượng, nơi có tiềm năng trượt tự nhiên rất cao. Do cấu tạo địa chất phức tạp, gồm nhiều loại đá có nhiều thành phần khác nhau và bị phong hoá không đều do thế nằm của các vỉa đá gốc có hướng dốc trùng với hướng dốc của sườn đồi, nên rất dễ dàng cho trượt cục bộ phát triển... Tôi ngồi nghe và đôi lúc cũng ghi chép nhưng thú thực đầu óc tôi đã trở về với những kỷ niệm xưa. Lắm lúc tôi cũng chẳng hiểu mình đang nghe gì và ghi gì? Buổi chiều sau khi đi thị sát các cung trượt, đoàn chúng tôi còn lên quan sát các vệt nứt trên mặt đập Sông Đà. Đứng trên mặt đập nhìn về sườn đồi Ông Tượng, tôi bắt gặp một ngôi nhà nhỏ chênh vênh nằm sát bên lề đường đi lên nhà máy nước. Tự dưng tôi nhớ đến ngôi nhà của người lái đò năm xưa. Khi đoàn khảo sát lục tục kéo nhau lên xe ra về, tôi men sườn đập đi lên ngôi nhà nhỏ. Một người phụ nữ khoảng dưới bốn mươi đang ngồi băm rau lợn ở đầu hồi. Tôi ngẩn ngơ giây lát, rồi đến gần hơn và hỏi:
- Chị ơi, xin lỗi chị cho hỏi, đây có phải là nhà ông Nâu... lái đò...
- Dạ phải. Nhưng ông cụ mất lâu rồi. Bác hỏi có việc gì ạ?
Tôi sửng người, bần thần không biết phải làm gì, tôi nói:
- Tôi đi xa lâu quá, nay mới về, nên không biết ông cụ đã mất. Tôi chỉ muốn tìm đến để thăm ông cụ thôi.
- Dạ mời bác vào nhà.
Ngôi nhà nhỏ cũng tềnh toàng, trống trải như cái nhà mà năm nào tôi đã ăn cơm, uống rượu và ở chơi với ông Nâu gần hết đêm. Tôi vào nhà đảo mắt nhìn bao quát bên trong. Chừng như đoán được ý nghĩ của tôi, người đàn bà giải thích:
- Ngôi nhà cũ của ông cụ bị lốc cuốn đổ. Đây là nhà em và anh Nghĩa bạn của anh Bình dựng lại cho ông cụ.
Tôi nhìn cái bàn thờ, có lẽ chính là cái bàn nước mà tối đó tôi đã ngồi đọc thư Bình. Bây giờ nó được kê sát vách và tôn cao bằng bốn viên gạch ở dưới chân. Còn chỗ uống nước, được thay bằng cái bàn gỗ tạp bé và thấp lè tè. Trên bàn thờ có ảnh của một người con trai được vẽ truyền thần. Trông có nét hao hao giống ông Nâu năm nào. Tôi chưa được gặp Bình nên không biết có phải là ảnh của chú ấy không. Tôi lơ mơ đoán định câu chuyện, rồi cứ đánh liều hỏi:
- Xin lỗi cô, tôi hỏi khí không phải, cô có phải là cô Giang, con bác Xoan không? Người đàn bà trố tròn mắt, khẽ kêu:
- Trời! Làm sao mà bác biết tên cả hai mẹ con em?
Tôi thấy vững tâm vì những đoán định của mình đúng, nên tôi nói với cô một cách thân tình:
- Tôi là chỗ quen biết, đã được ông cụ cho đi đò dọc, rồi lại mời về nhà dùng cơm và cho đọc những lá thư của chú Bình, lúc đó còn đang ở ngoài mặt trận.
Tôi chưa nói hết câu thì cô a lên một tiếng và bước lại phía bàn thờ, cầm tập sách, vừa phủi bụi vừa nói:
- Thế thì chắc bác là bác nhà báo. Ngày ông em còn sống ông em có nói, đây là sách báo của anh nhà báo để quên. Cứ để đây, nao anh ấy quay lại sẽ đưa trả.
Tôi cầm cuốn sách có kẹp tờ báo. Đây là số báo cuối cùng của thời làm báo còn trẻ trung, có nhiều kỷ niệm nhất trong đời làm báo của tôi. Tờ báo vẫn gấp nguyên nếp. Bên trong là mấy lá thư của Bình. Tối ấy đọc xong thư Bình, tiện tay tôi gấp vào đấy. Không lẽ ông cụ và Giang vẫn để nó như thế từ bấy đến nay?! Tôi quay lại phía Giang:
- Thế ông cụ mất ra sao và bây giờ chú Bình thế nào?
Giang ngồi xuống ghế, nước mắt dân dấn, cô kể:
- Năm 1986, mẹ em mất. Năm ấy mẹ em chưa già, nhưng có lẽ nghèo đói quá sinh bệnh mà mất. Lúc biết mình khó qua khỏi, mẹ em bắt đi mời ông cụ nhà anh Bình xuống. Mẹ em nói với ông cụ:
- Ông Nâu ơi. Bom đạn đã tạnh hơn mười năm nay mà thằng Bình vẫn chưa về... Ông cụ húng hắng: - Bà không nghe đài sao. Chiến tranh biên giới Tây Nam còn gay go lắm bà ơi. - Ờ... Có lẽ vậy. Tôi tin thằng Bình sẽ về. Ông Nâu ơi! Tôi cho ông cái Giang đấy. Cho không. Cho nó làm dâu ông. Ngày thằng Bình còn ở nhà, chúng nó quyến luyến nhau lắm. Ông nhận lời đi. Ông nhận lời cho tôi nhắm mắt được yên lòng... - Bà Xoan ơi! Thế thì quý hoá cho tôi, quý hoá cho thằng Bình quá rồi còn gì nữa. Nhưng bà ơi! Bà đừng đi. Thằng Bình nó sẽ về. Nó là đứa con hiếu thảo. - Tôi biết, tôi biết nó hiếu thảo, nên mới cho con Giang. Giang ơi!... Mẹ mãn nguyện rồi. Mẹ đi đây... Em khóc hết nước mắt gọi mẹ em. Nhưng mẹ em buông xuôi tay đi hẳn. Sau đó em thường qua lại thăm nom ông cụ nhà anh Bình. Hết tang mẹ em mới lên hẳn đây. Cuối năm 1989 đến năm 1990, hồi mà đài báo nói nhiều đến quân tình nguyện Việt Nam từ Cămpuchia về. Ông em bỗng khoẻ lên rất nhiều. Nhất là từ sau ngày anh Nghĩa trở về. Anh ấy nói với ông cụ là: Thằng Bình về sau với lại con về thì cũng như thằng Bình đã về rồi. Ông cứ gắng khoẻ, gắng vui là được. Ông cụ gật đầu bảo: - Ừ, khoẻ. Tao khoẻ thật rồi, vui thật rồi. Một lát sau, ông cụ bảo: Rồi mày cũng phải lo lấy vợ đi chứ! Anh Nghĩa quay đi nói: - Con còn một việc lớn phải làm. Ông cụ lại gật gật đầu bảo: - Con trai biết lo việc lớn là phải... Từ bữa đó em thấy đúng là ông cụ có nhẹ nhõm đi, vui vẻ, việc gì cũng muốn tự tay làm lấy. Nhưng rồi ngày tháng cứ qua đi. Anh Bình chưa về, ông cụ và em cứ chờ, cứ khắc khoải... Một hôm ông cụ bảo em: - Con ơi, sông có khúc, người có lúc. Con gắng chờ thằng Bình về. Chắc rồi đời các con sẽ khác. Em cũng hứa với ông cụ là: - Con sẽ chờ! Ông cụ gật gật đầu, tỏ ý hài lòng: - Nhất định nó sẽ về. Nó là đứa con hiếu thảo. Nhưng sức lực người già gắng gỏi được mấy. Ông cụ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn được ít tháng rồi yếu dần. Tin về bội đội tình nguyện từ Cămpuchia về nước thưa dần. Ông cụ trở lại trầm tư và đau yếu. Một buổi chiều, ông cụ gọi em và anh Nghĩa lại bảo: - Nghĩa ơi! Đừng giấu nữa con ơi. Thằng Bình không về nữa đâu... các con hãy... Nói đến đấy ông cụ nấc lên nghẹn ngào, đưa bàn tay già nua rờ rẫm, cầm lấy tay cả hai đứa... ắng lặng hồi lâu, rồi ông cụ nói tiếp, giọng đã lạc: - Giang ơi! Con ơi! Thằng Nghĩa là người tốt... hãy thương lấy nhau... cho cha nhắm mắt được yên lòng... Rồi ông cụ ra đi...
Nghe Giang nói xong, tôi đứng dậy để tập sách trở lại bàn thờ như cũ và thắp cho hai bố con ông già mấy nén hương. Tôi cắm ba nén hơi chụm, nên khi gió lòng hồ sông Đà thổi lên, những nén hương bốc cháy. Lửa chiếu sáng gương mặt người thanh niên trong ảnh. Tôi quay lại phía Giang, cô lau những giọt nước mắt vừa ứa ra, giọng cô vẫn nghẹn ngào:
- Mãi sau ngày ông cụ anh Bình mất, em mới biết đúng là anh Nghĩa giấu ông cụ, giấu em. Chính anh ấy đã vuốt mắt, đã chôn cất anh Bình. Và cái việc lớn anh ấy nghĩ phải làm là gom nhặt đủ tiền để vào Tây Ninh, đưa hài cốt anh Bình về.
N.H