Điện thoại: 0913 269 931 - Zalo: 0964 131 807 - Email: soncam52@gmail.com.
1234
2345
4567
3456
5678
Chào mừng bạn đã đến với trang Điện tử "Văn nghệ Công nhân" của Chi Hội Nhà văn Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Hội Nhà văn Việt Nam.

NGÔI NHÀ CÓ DÀN HOA GIẤY (C2)

Trần Ngọc Dương

ÂM DƯƠNG ĐỐI THOẠI (Chương 2)

    Sự lo ngại của Minh đã trở thành sự thực. Anh cũng không biết do đâu, mà đơn vị lại nắm bắt được toàn bộ câu chuyện: Tự ý tiến hành qui tập hài cốt của một lính Ngụy, ngay từ những ngày đầu giải phóng.
   Lúc được cấp trên triệu tập hỏi nguyên do, Minh phải tường trình lại toàn bộ ngọn ngành. Nhưng anh không hề có được một lý do biện minh cho hành động của mình. Thay vì được làm hồ sơ đi học Đại học, Minh phải viết đi, viết lại bản tự kiểm điểm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Trong khi chờ hình thức kỷ luật, Minh được gọi đi khám thương tật. Kết luận của hội đồng giám định y khoa đã mang lại cho Minh một ít may mắn. Với mức độ thương tật 21%, Minh được ra quân với tiêu chuẩn Thương binh hạng 1/8.
Nhận được Quyết định đi an dưỡng quá vội vàng, Minh không có thời gian chào hỏi từ  biệt những chỗ quen biết. Chiều hôm trước nhận được lệnh, sáng sớm hôm sau anh đã phải lên xe di chuyển tới tập kết tại đoàn an dưỡng của đơn vị mãi tận núi Cậu1.
Thương bệnh binh từ các đơn vị chiến đấu tập trung về đây quá đông, các lán không còn đủ chỗ cho mọi người. Nhóm của Minh phải mắc võng nghỉ trong những khu rừng ven cứ cũ.
  Trong giấc ngủ chập chờn, chẳng hiểu sao Minh toàn mơ thấy những đồng đội đã hy sinh. Anh em đông quá, lạ quen đứng vòng trong, vòng ngoài quanh võng Minh nằm.
Có tiếng ai đó thoảng qua:
- Mai mày ra Bắc, cho chúng tao gửi lời chào tới những người ngoài đó.
Minh chưa kịp trả lời, lại nghe tiếng người vọng tới:
- Mày khỏe chứ?
- Chúc mày thuận buồm xuôi gió, trên con đường trở về quê mẹ!
- Thôi chào mày! Chúng tao còn phải đi thăm những thằng khác.
Đám đông tan ra rất nhanh. Minh giật mình tỉnh giấc.
Rồi Minh lại chìm dần vào trạng thái mơ màng.
  Một khuôn mặt lạ lạ, quen quen xuất hiện làm Minh bối rối. Anh cố lục tìm trong ký ức xem mình đã gặp con người này ở đâu, trong trường hợp nào? Tại sao người này lại mặc bộ quân phục khác hẳn những đồng đội Minh vừa gặp? Sao anh ta lại đi có một mình, đợi lúc vắng vẻ không có ai mới xuất hiện.
Người đó mỉm cười và đưa cho Minh một chùm hoa giấy ba mầu:
- Chào anh! Thấy anh thích hoa giấy đa mầu, xin tặng anh nhành hoa này.
Nhìn những cánh hoa giấy đung đưa trong gió, Minh  rùng mình chợt hiểu: Đấy là người phi công bên kia chiến tuyến - anh Hai Hạnh của Út Mai.
Một ý nghĩ thoáng qua, khiến Minh vội đưa mắt nhìn quanh. Rồi anh tự hỏi: “Những chiến sĩ làm nhiệm vụ cảnh giới đâu cả rồi, mà để cho người lạ tự do ra vào cứ?”
Như hiểu thấu đáo mọi suy nghĩ băn khoăn của Minh. Hai Hạnh lên tiếng:
- Những người đã chết làm gì có chiến tuyến mà phải canh gác!
Minh băn khoăn hỏi:
- Chắc anh có điểu chi chưa hài lòng, trước những việc tôi đã làm, nên mới tìm tôi?
- Không! Biết anh được trở về quê mẹ, tôi tìm để chào từ biệt thôi.
Minh bày tỏ:
- Những người lính giải phóng chúng tôi, đều mong có ngày trở về quê mẹ. Riêng bản thân mình, tôi mơ ước đến nó ngay từ những ngày đầu nhập ngũ!
Hai Hạnh thầm thì:
- Được trở về quê hương, gặp lại người thân sau chiến tranh là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người lính. Cho dù người đó đứng ở bất cứ phía nào.
- Hết khói lửa của đạn bom rồi, việc trở về sống cuộc sống đời thường là lẽ đương nhiên. Mong sao sự thanh bình sẽ mãi mãi đến với đất nước của chúng ta.
Hai Hạnh băn khoăn:
- Đấy là mong ước của toàn thể con dân nước Việt. Có một điều, gia đình tôi muốn tỏ bày cùng anh, nhưng...ưng.
- Nhưng có điều chi cần trao đổi, xin anh cứ tự nhiên, đừng ngại. 
- Việc làm của anh, đã mang lại cho gia đình tôi sự thanh thản sau khi cuộc chiến này chấm dứt. Nhưng nó lại khiến cho anh gặp không ít phiền phức. Ba má tôi và Út Mai khi biết chuyện, đều muốn giúp anh. Nhưng họ cũng bó tay, không tìm được cách chi. Thấy mọi người trong nhà băn khoăn, áy náy. Tôi mới tìm cách gặp gỡ này, nói chuyện với anh. Mong anh cảm thông cho gia đình chúng tôi.  
- Tưởng chuyện gì, vấn đề ấy là việc đương nhiên con người ta phải làm, nếu điều kiện cho phép. Đất nước đã hòa bình, dân tộc ta đang trong giai đoạn đầu tiên của sự hòa hợp. Nhưng cũng có nhiều vấn đề còn tồn tại, không phải một sớm, một chiều đã tìm được tiếng nói chung.
Tiếng của nhiều người vọng tới:
- Những người chết như chúng tôi đã hòa hợp từ lâu lắm rồi!
Minh ngước mắt, anh nhìn thấy một đám đông người lơ lửng xung quanh mình, với trang phục đủ sắc mầu. Rồi họ nhanh chóng quyện vào nhau, tan nhanh vào những làn khói sương bay bảng lảng. Minh giật mình tỉnh giấc.
**anh_bia
   Bà Vân được Út Mai cho biết tin: Minh không được đi học Đại học, mà phải lên đoàn an dưỡng theo qui định chung.
Song khi tới đơn vị hỏi thăm ngày Minh lên đường, bà mới được Bân - người sĩ quan bạn thân của Minh - rỉ tai cho biết sự thực: Minh đang trong gian đoạn chờ xét kỷ luật, vì đã vi phạm một số điều qui định không được phép làm. Trong đó có việc đã làm với gia đình bà Vân.
Bân khuyên bà: “Để tốt cho Minh trong thời gian này, gia đình bác cũng đừng tìm cách gặp anh ấy làm gì. Kẻo Minh sẽ gặp rắc rối không nhỏ.”
Bân nhìn quanh rồi thầm thì: “Bản thân mình phải cố gắng lắm, mới thuyết phục được ban chỉ huy của đơn vị đưa Minh vào danh sách những Thương binh đi an dưỡng đợt này. Nếu Minh ở lại, không những anh bị kỷ luật, còn đơn vị sẽ bị ảnh hưởng không ít. Kể cả bản thân Bân cũng bị vạ lây.”
Từ lúc biết được những phiền phức mà gia đình mình mang đến cho Minh, cả nhà bà Vân đều không tránh khỏi bồn chồn lo lắng.
Cho đến ngày thành phố mở lễ hội: Mừng đất nước thống nhất. Mừng non sông về một dải. Bà Vân có mặt trong phái đoàn nhân dân địa phương, đến chúc mừng các đơn vị đóng quân trên địa bàn.
  Khi buổi lễ kết thúc, bà Vân ở lại chờ đợi Bân trao cho địa chỉ của Minh ngoài Bắc như đã hẹn. Gia đình bà Vân muốn gửi thư hỏi thăm Minh, với mong muốn vợi bớt đi nỗi áy náy chồng chất trong lòng bấy lâu nay.
Cầm mảnh giấy Bân trao, bà Vân mở cái túi đựng vài thứ đồ lặt vặt luôn mang theo bên mình. Chưa kịp đậy nắp túi, một cơn gió bất chợt cuộn tới, mảnh giấy bị cuốn theo bay chấp chới. Bà Vân vội đuổi theo, mong lấy lại được mảnh giấy. Đôi dép dưới chân không theo ý người chạy, bà Vân ngã quỵ xuống đất. Tiếng phanh đột ngột vang lên trong không gian nghe rợn người, một cái  xe dép khựng lại ngay trước mặt bà Vân. Người tài xế và vị cán bộ ngồi trên xe bước xuống, tiến tới đỡ bà Vân, cất tiếng đồng thanh hỏi:
- Bác có bị làm sao không?
Bà Vân nhăn nhó chỉ mảnh giấy bị gió cuốn tấp vào bên vỉa hè:
- Làm ơn, lấy hộ tôi tờ giấy kia.
Người cán bộ ngó theo hướng tay bà Vân chỉ lên tiếng:
- Bác yên tâm! Để tôi nhặt cho - Ông quay sang nói tiếp với người tài xế - Đồng chí đưa bác đây lên vỉa hè nghỉ tạm.
Khi bà Vân ngồi yên vị trên vỉa hè, người tài xế quay lại đầu xe nhặt cho bà Vân đôi dép bị văng ra lòng đường. Lúc trao lại cho bà, người lái xe nhỏ nhẹ:
- Bác đi dép như thế này làm sao mà vững đươc, lại còn chạy nữa, bị vấp ngã là phải - Người tài xế chỉ vào đôi dép giải thích - Hai cái quai hậu này không đều nhau, một chiếc để quá rộng, chiếc còn lại hẹp quá, để cháu điều chỉnh lại cho đều.
Bà Vân vội xua tay:
- Không được! Chân phải tôi bị tật, cái quai hậu phải để như vậy mới đi được.
Như để minh chứng, bà kéo ống quần, chỉ vào gót chân phải:
- Nó bị mảnh đạn pháo từ hồi chín năm. Ngày ấy ở vùng sâu, do chữa trị không đúng cách, lại thiếu thuốc kháng sinh, vết thương bị nhiễm trùng, tí nữa phải cưa chân. May mà sau này nó lành lại, nhưng bị sùi quá to hơn bên chân lành.
Trao tờ giấy cho bà Vân, người cán bộ ngập ngừng hỏi:
- Có phải chị là ...à, bác sĩ Vân?
Nhận tờ giấy bà Vân đáp:
- Tôi trước có làm ở bệnh viện Vì Dân - Bà Vân hỏi lại - Nhưng làm sao ông biết?
Người cán bộ thốt lên:
- Trời ơi! Đúng thật chị rồi!
Bà Vân ngỡ ngàng nhìn người cán bộ, cố hình dung:
- Ông là...à...
Người cán bộ cầm chặt đôi tay bà Vân, nói tiếp:
- Em là người chị đã chữa trị cho trong dịp Mậu Thân năm 1968 đây.
Bà Vân giải thích:
- Hồi đó, tôi điều trị cho quá nhiều người ở cả hai bên. Tôi cũng không tài nào nhớ nổi, xem mình đã cứu chữa cho bao nhiêu người vào thời gian ấy nữa. Cũng may mà không bị bên nào phát hiện ra cả. Ngày ấy phía Quốc gia mà bắt được, tòa án binh chắc chắn sẽ bỏ tù tôi vì tội: Che giấu cộng sản. Còn đàng Giải phóng nếu biết rõ mọi việc tôi làm, cái tội đứng ra giúp đỡ kẻ thù của nhân dân làm sao mà thoát khỏi.
Người cán bộ kéo ống quần, chỉ vào gót chân phân trần:
- Em là Thanh, có vết thương giống hệt như của chị. Dạo đó em bị lạc đơn vị, không đi được phải trốn trong ruộng dưa leo đây! Hôm ấy em nằm trên đống rào, cho chị lấy mảnh đạn ra. Lúc mổ thuốc tê còn có một ít, em đau quá phải nghiến răng chịu đựng, tự nhủ không được khóc. Còn chị không hiểu sao, vừa mổ cho em, vừa ứa nước mắt.
- Hôm ấy tôi khóc vì mình vụng quá. Chẳng quan tâm gì đến thời gian hiệu lực của thuốc tê. Làm chú phải chịu cơn đau quá mức chịu đựng của con người.
Thấy trạm gác điện báo vào: Xe của thủ trưởng Sư đoàn gặp sự cố ngay ngoài cổng doanh trại của đơn vị. Bân cùng các chiến sĩ làm nhiệm vụ trực ban, vội vã rời vị trí  thường trực đi đến nơi cái xe dép đang đỗ. Mọi người đến đúng lúc hai người đang say chuyện. Thấy Bân định đứng nghiêm chào như điều lệnh. Thanh khẽ xua tay, tiếp tục câu chuyện đang dở với bà Vân:
- Thì trước khi mổ, chị đã nói với em - sẽ làm cho vết thương gọn gàng. Để sau này khi lành, em sẽ có cái gót chân đi dày đinh cho đẹp, không bị xù sì xấu như chân của chị. Muốn thế, em phải gắng chịu đau vì điều kiện thiếu thốn, thời gian mổ sẽ lâu hơn bình thường. Ca mổ ấy lại chỉ mình chị có chuyên môn, còn nhỏ Năm Hiền muốn giúp cũng chẳng biết gì.   
- Hôm đó tôi đã bảo nhỏ Năm Hiền phải cột chặt hai tay chú vào cây cọc rào cái. Con nhỏ buộc kiểu gì mà dây lại bị tuột ra. Còn cái khăn rằn nhét trong miệng, tránh cho chú la cũng không còn yên vị. Chỉ tội con nhỏ Năm Hiền lúc cầm khăn nhét trở lại, bị chú vơ cả tay đưa vào mồm. Vậy mà con nhỏ vẫn để yên. Khi phẫu xong, tay của con nhỏ bị chú cắn cho rớm máu.
- Năm Hiền sao rồi hả chị? Từ ấy đến nay em không hề biết tin gì về cô ấy cả!
- Thì tôi cũng chẳng biết hơn gì chú! Nhỏ là bạn học với thằng Hai Hạnh nhà tôi. Mà Hiền cũng chẳng phải tên của nó! Tên cách mạng đặt cho đấy! Hôm nó về đón thằng Hai Hạnh nhà tôi ra bưng biền, nhưng không được. Nó buồn lắm, khóc mãi.
- Thế cháu Hai Hạnh sao rồi?
Bà Vân chậm rãi, tiếp tục:
- Dạo đó đơn vị nó thiết quân luật, cấm trại suốt. Nó tìm mọi cách cũng không trốn ra được. Rồi nó bị đưa sang tận đất Mỹ, học lái máy bay. Rồi...ồi...
Giọng bà Vân trùng xuống, bà nghẹn nghào không nói tiếp được câu chuyên. Bân thừa dịp lên tiếng:
- Thì thủ trưởng với bác vào phòng trực, vừa ngơi nghỉ vừa nói chuyện cho thoải mái.
Dường như mãi tới tận lúc này, Thanh mới thấy rõ sự hiện diện của Bân và các chiến sĩ. Ông nói với mọi người:
- Đây là bác sĩ Vân, người đã cứu và đưa tôi trở lại đơn vị trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Người mà tôi vẫn kể cho các cậu nghe đấy. Dạo đó, bên ta nhiều người bị thương, đi lạc, rồi bị địch bắt lại - Quay sang bà Vân - Cũng may mà em gặp được Năm Hiền, lại được chị cứu giúp. Khi vết thương tạm ổn, lại được gia đình chị tổ chức đưa ra vùng giải phóng an toàn. Sau 30/4 em có tìm về trang trại đó, nhưng những người ở đó cho biết từ sau Mậu Thân, mảnh đất này đã được mua đi bán lại qua tay nhiều chủ. Nên không nắm bắt được những thông tin em cầm tìm.
Lúc yên vị trong căn phòng thường trưc của đơn vị Bân, ông Thanh hỏi tiếp bà Vân:
- Ngày ấy, chị kiếm đâu ra bộ quân phục của lính Cộng Hòa cho em mặc cải trang khi chuyển thương vậy? Lúc bấy giờ rất vội, vậy mà chị vẫn kiếm được cho em bộ quần áo vừa khít. Em mặc vào giống hệt một tên lính ngụy.
- Thì của thằng Hạnh nhà tôi, cậu với nó có khuôn như nhau. Tôi chỉ nhìn qua là khắc biết.
Quay sang Bân và số anh em chiến sĩ trong đơn vị đang ngồi vây quanh, nghe chuyện của hai người, ông Thanh nói:
- Các cậu biết không, đơn vị mình có nhiều người mặc trang phục của lính Cộng Hòa lắm đấy! - Thấy mọi người ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau, ông cười nói tiếp - Ngay tiểu đoàn trưởng Sáu Bình của các cậu đã đeo lon thiếu úy, sĩ quan tính toán các phần tử bắn trong pháo binh của Quân lực Sài Gòn. Đi học đạt loại giỏi tận Hoa Kỳ. Người đã kéo cả một khẩu pháo 105 ly chạy sang ta, ngay từ những ngày đầu tiên các đơn vị chủ lực của miền được thành lập.
Ông Thanh đưa mọi người từ ngạc nhiên này, đến những điều lạ lẫm khác. Còn bà Vân im lặng nghe câu chuyện của họ. Nhận ra những câu chuyện của mình rời xa những điều bà Vân quan tâm. Ông Thanh quay sang ân cần hỏi:
- Mảnh giấy ấy đối với chị chắc quan trọng lắm. Khiến cho chị phải chạy theo lấy lại khi bị gió cuốn, mà không để ý gì đến tình hình xung quanh cả.
- Đấy là mảnh giấy ghi địa chỉ ngoài Bắc của một người quen.
Ông Thanh hỏi lại:
- Gia đình mình có người thân ngoài đó?
Bân mau miệng đỡ lời:
- Là mảnh giấy em đã trao cho chị Vân! Có ghi địa chỉ quê hương của Minh.
Ông Thanh ngạc nhiên:
- Minh nào?
- Minh cờ ấy! Trường hợp duy nhất của đơn vị em được anh ký quyết định đi an dưỡng đợt vừa rồi ấy.
- Tay đó mà không dính vào những chuyện lặt vặt vừa rồi, việc đi học Đại học kỳ này là chắc chắn. Mà có ở lại đi chăng nữa, cũng sẽ được đề bạt giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của đơn vị. Tiếc quá, tự dưng lại dính vào những vụ việc không đâu. Cũng may được ra quân theo tiêu chuẩn Thương binh, còn giữ được mọi thứ. Đơn vị mình xử sự như vậy là thấu đình, đạt lý lắm rồi.
 Quay sang phía bà Vân, ông Thanh hỏi tiếp:
- Nhưng mà cậu ấy là gì với nhà ta?
Bà Vân nghẹn ngào:
- Chú ấy là người giúp gia đình tôi, mang được hài cốt thằng Hai Hạnh từ phía bắc Chân Thành về.
Từ đấy, cho đến lúc đưa bà Vân trở về ngôi nhà có giàn hoa giấy, ông Thanh lặng im không nói nổi một câu.
**
   Bà Vân chưa bao giờ nói với mọi người, về việc cứu sống Thượng sĩ Giêm trong dịp Mậu Thân 68.
Bởi từ trước đến nay, bà chỉ nghĩ đơn giản một điều, khi nhận bằng tốt nghiệp mình đã đọc: Lời thề Hippocrates1. Là bác sĩ, mình không bao giờ được làm trái với những lời đã thề.
Khi thấy Giêm với khuôn mặt đầy máu, mắt nhắm kín, ôm ngực ngồi gục trước cổng nhà mình. Bà Vân đã bảo chồng hỗ trợ cùng mình đưa Giêm vào trong sân.
Đầu tiên họ cũng chỉ định sơ cứu, rồi để Giêm tạm lánh dưới giàn hoa giấy. Chờ khi hai bên im tiếng súng, sẽ mở cổng cho Giêm ra ngoài. Chắc chắn Giêm sẽ tìm được cách đi tới được những nơi quân chính phủ Sài Gòn đang kiểm soát.
Khuôn mặt của Giêm chỉ bị chảy máu do đất đá văng vào làm tổn thương, sau khi được vệ sinh lau rửa, hai mắt đã mở được nhưng vẫn chỉ thấy cảnh vật lờ mờ. Nặng nhất là vết thương chột thấu phổi. Lúc đầu bà Vân định băng bình thường, song khi nhìn thấy máu lẫn bọt khí phun ra phì phì. Bà phải dùng kỹ thuật băng ép chặt và tiêm một liều tối đa thuốc cầm máu. Vết thương mới tạm ổn.
Song chỉ trong chốc lát, Giêm tím tái không thở được do tác động của vết thương làm tràn dịch màng phổi. Bà Vân dùng bơm tiêm loại đại, kim to dài đâm thẳng vào phổi hút dịch tràn. Giêm thoát cơn nguy kịch, song vẫn choáng vì mất quá nhiều máu. Không thể tự di chuyển được, bà Vân bàn với chồng để Giêm lưu lại nhà của mình. Hai người dìu Giêm lên trú tạm trong căn phòng đọc sách của gia đình.  
Trong những ngày Giêm ở lại, hàng ngày bà Vân lo việc thuốc men, ăn uống. Còn chồng bà, giúp Giêm tắm rửa vệ sinh. Hai  người làm với thái độ thiện tâm, họ mong Giêm sẽ sớm được khỏe lại.
Cuộc chiến lắng xuống, lúc được quân cảnh Mỹ đến đón đi, đôi mắt của Giêm đã được tháo băng. Trong cái khung cảnh lờ mờ, Giêm đã túm chặt lấy tay của hai ân nhân người Việt mà khóc như trẻ nhỏ.
Sau lần ấy, ông bà Vân chưa bao giờ gặp lại Giêm - người lính Mỹ trên.
Giêm bị thương khi mới từ Mỹ sang. Anh bị dính mảnh đạn trên  lịch trình đi đến nhà thờ Đức Bà trong nội đô Sài Gòn để cầu nguyện, và chuyển một món quà của gia đình một người bạn ở quê nhà tới tòa Đại sứ Mỹ. Vừa mới đi khỏi khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Giêm đã vướng vào một cuộc đấu súng giữa quân đội Sài Gòn và phe Giải Phòng vào cái đêm giao thừa năm ấy. Giêm cũng không biết mình dính mảnh đạn M791 của phe nào nữa.
**
    Là người ký quyết định cho Minh đi an dưỡng với tiêu chuẩn Thương binh, mà không kèm theo một hình thức kỷ luật nào, ông Thanh phải cân nhắc rất kỹ. Sau khi xem xét hồ sơ các vụ việc, ông Thanh đi đến kết luận: Việc Minh làm không sai, nhưng quá sớm, chưa phải lúc.
Tuy thế, ông cũng giành thời gian, xem xét lại các vụ việc của Minh theo báo cáo của đơn vị, để rút ra những bài học cần thiết cho chặng đường công tác tiếp theo.
Lần thứ nhất trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Theo tường trình của Minh:
...Làm sao tôi quên được cái cảm giác khi bước chân vào một dãy phố của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy những lá cờ của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa phấp phới bay. Bấy giờ tôi hỏi một chiến sĩ đơn vị làm nhiệm vụ quân quản trên địa bàn đi cùng: “ Tại sao dân ở đây lại treo cờ này?”
Anh em trả lời: “Ngay từ lúc đến đây, chúng em  giải thích yêu cầu tháo xuống, nhưng dân không nghe. Đơn vị đã báo cáo lên cấp trên xin ý kiến giải quyết, song chưa được hồi âm.”
Lúc bấy giờ tôi đã nhỏ nhẹ giải thích cho anh em cùng hiểu: “Thành phố mới giải phóng hôm qua, có nhiều công việc cấp bách cần phải làm. Việc gì cũng báo cáo xin chỉ thị, cấp trên giải quyết sao xuể. Chuyện nào đúng, chúng ta cứ làm.”
Anh em phân bua: “Chúng em cũng định tự động giải quyết. Song lãnh đạo đơn vị ngần ngại, cho đây là vấn đề tế nhị liên quan đến mối bang giao giữa hai nước. Phần khác cũng do bọn em không am hiểu các qui định thông lệ quốc tế.”
Theo những điều bản thân hiểu biết, tôi khẳng định với mọi người: “ Đã nhắc đến mối quan hệ quốc tế, họ đã làm không đúng! Chúng ta cứ tuân theo thông lệ  ngoại giao mà làm!”
   Tuy anh em có ngần ngại, tôi vẫn yêu cầu: “Không nhưng gì cả. Tôi sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm khi giải quyết vấn đề này! Đồng chí cử một tốp công tác đi cùng tôi. Chúng ta cứ đến thẳng nhà người có uy tín nhất của khu vực này yêu cầu họ phải hạ cờ, để như vậy không được.”
Vậy mà khi gặp gỡ trao đổi với ông Phùng - vị trưởng tộc họ ở địa bàn - Ông ta cứ ề à: “Treo để mừng thành phố Sài Gòn được giải phóng mà”
Khi được tôi giải thích: “Theo qui định của Luật pháp Quốc tế: Chỉ có Đại sứ quán, với Lãnh sự quán mới được treo cờ của đất nước mình trên đất nước sở tại. Còn tất cả các trường hợp khác không được phép.”
Ông ấy lại lý sự: “Đây là cờ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mà.”
Tôi vẫn kiên nhẫn: “Làm như vậy là vi phạm luật pháp Quốc tế.”
Ông Phùng cứ khăng khăng: “Quốc tế bây giờ chia làm hai phe: Ta và địch rất rõ ràng. Cờ của phe ta cả mà.”
Tôi vẫn cương quyết: “Không được!”
Ông tộc trưởng bèn giở lý sự: “Thì chúng tao cũng thực hiện theo cái cán bộ cách mạng nói: Yêu cầu treo cờ của phía Cộng sản thôi  mà! Trước kia chúng tao cũng làm thế, lệnh là phải thực hiện thôi. Không làm lại cho là chống đối, bị phạt. Mà tao thấy cờ nào cũng có mầu đỏ sao vàng giống như nhau cả mà.”
Quả thật lúc bấy giờ tôi đã nổi cáu, nghiêm giọng nói một thôi, một hồi: “Chúng tôi không bắt buộc các người phải treo cờ của cách mạng. Tại sao khi chính quyền Sài Gòn còn tồn tại, các người treo cờ của Trung Hoa Dân Quốc? Bây giờ giải phóng, ông lại cho mọi người kéo cờ của Trung Cộng? Phải chăng bản chất của các người là: gió chiều nào sẽ che theo chiều đó. Ông đừng nguỵ biện nữa! Mọi người nghe đây, lệnh của Uỷ ban quân quản khu vực yêu cầu: Phải hạ ngay những lá cờ treo không đúng qui định!”
Thấy tôi tuyên bố với giọng cứng rắn.
Vị trưởng tộc kia bèn giở giọng cùn: “Tao phải họp họ tộc lại đã.”
Bấy giờ tôi quá cáu, đã nói sẵng: “Đây là vấn đề không do họ tộc quyết.”
Ông ấy vẫn khăng khăng bảo vệ mục đích: “Bây giờ muốn tháo cũng chưa có người mà.”
Nhìn thấy đám đông nhân dân tò mò đứng xem, tôi đưa ra lời nói sau cùng: “Mọi người đều nghe rõ vị tộc trưởng dòng họ đã đồng ý hạ cờ, nhưng chưa có người thực hiện.”
   Không để ông tộc trưởng có thời gian suy nghĩ đối đáp. Tôi nhanh chóng quay sang phía các chiến sĩ đi cùng ra lệnh: “Các đồng chí giúp nhân dân hạ cờ!”
Khi những lá cờ không đúng qui định được gỡ bỏ, chủ nhân của chúng nhiều người không nhận lại. Tôi có lệnh cho anh em mang về nơi đóng quân bảo quản. Thời gian sau có lệnh của trên: “Phải tìm cách trả hết số cờ đã thu.”
Lúc bấy giờ tôi đang nằm viện, anh em ở nhà để thất lạc hết số cờ thu giữ từ bao giờ tôi cũng chẳng biết...
Lần ấy mình đã yêu cầu cậu Minh phải viết bản kiểm điểm vì lỗi: Làm không tốt chính sách dân vận!
...Lần đơn vị làm nhiệm vụ thu gom tiêu huỷ văn hoá phẩm phản động của nguỵ quyền Sài Gòn. Mặc dù trên đã có hướng dẫn, song những người thực hiện đua nhau chạy theo thành tích về số liệu: Tịch thu, tiêu huỷ được X cuốn sách, Y bức tranh, N bản nhạc...
 Họ cho rằng bất cứ thứ gì của chính quyền cũ xuất bản đều mang nội dung phản động, phải tịch thu mang tiêu huỷ bằng hết.
Thấy đống sách chuẩn bị đốt có nhiều quyển quí, miền Bắc cũng đã xuất bản, cậu Minh không báo cáo lên trên, mà tìm cách ngăn lại. Do không làm chủ được tình hình khi phân loại, cậu ta đã để một số anh em giấu đi một số đầu sách  không lành mạnh, lén truyền tay nhau đọc.
Không những thế, cậu ta còn công khai mở nghe các băng nhạc vàng bị cấm, có ca từ ủy mị như: Mầu tím hoa sim - Tôi xa Hà Nội – Cây đàn bỏ quên - Đêm đông...
Lần ấy mình đã yêu cầu cậu Minh phải làm bản kiểm điểm vì lỗi: Truyền bá văn hóa phẩm độc hại!
...Và lần cuối mình buộc phải cho Minh ra quân, nhưng không phải viết bản kiểm điểm khi phạm lỗi: Trốn đơn vị, trực tiếp tham gia đi tìm hài cốt của lính Ngụy Sài Gòn ngay trong những ngày đầu tiên làm nhiệm vụ quân quản. Trong khi bản thân biết rõ: Anh em Liệt sĩ của ta nằm ở khắp mọi nơi còn chưa được qui tập.
Giờ đây, ông Thanh tìm mọi lý do biện minh cho Quyết định của mình. Rồi ông lại tự an ủi: Với chế độ ưu đãi người có công, một Thương binh như Minh nếu có ý chí tiến thủ, khi giải ngũ về quê hương sẽ không thiếu gì cơ hội vươn lên.
 


1 , Nay thuộc tỉnh Bình Dương
1, Lời thề của các sinh viên y khoa khi nhận bằng tốt nghiệp, ở miền Nam  trước 30/4/1975
1 , Đạn của súng phóng lựu, hay còn gọi là cối cá nhân.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 50
Trong tuần: 847
Lượt truy cập: 457909
BẢN QUYỀN THUỘC CHI HỘI NHÀ VĂN CÔNG NHÂN
Điện thoại liên hệ: 0913 269 931 - 0855 890 003 
Email liên hệ: Nhà văn Cầm Sơn: soncam52@gmail.com 
- Nhà Lý luận Phê bình Vũ Nho:  vunho121@gmail.com 
 
ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng.
- Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà văn Cầm Sơn - Trưởng Ban Truyền thông
- Đồng BT: Nhà văn, nhà Lý luận Phê bình Văn học - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho.